Giai Thoại Văn Chương:
NGA, NGA, NGA !
Trong một lần cùng cha và một người khách, bạn của cha, đi ngoạn cảnh đồng quê, chú bé Lạc Tân Vương đã làm công chuyện của một "tua-gai"(tour-guide) giới thiệu với khách phong cảnh của quê mình. Khi đi đến một bờ hồ nước trong xanh biếc, gió mát thoảng đưa nên mặt nước hồ gợn sóng lăn tăn, thấp thoáng một vài bông liễu trắng xóa bay phất phơ từ các nhành liễu buông rũ lã lướt bên bờ hồ, trên mặt hồ lại có vài con ngổng trắng đang bơi lội nhởn nhơ, thỉnh thoảng vổ cánh quạt nước tứ tung và kêu lên "quàng quạc". Trước phong cảnh đẹp đẽ hữu tình nầy, khách mới cười hỏi Lạc tân Vương rằng: "Nghe nói cháu làm thơ rất giỏi, giới thiệu cảnh đẹp đã hay rồi, vậy cháu thử làm một bài thơ tả cảnh trước mắt xem sao!" Lạc Tân Vương thưa rằng: "Cháu làm bài thơ Vịnh Ngổng nhé!" Đoạn chú bé đứng trầm ngâm nhìn đàn ngổng lội trên mặt hồ một lúc, rồi cất tiếng ngâm:
鵝,鵝,鵝, Nga, nga, nga,
曲項向天歌。 Khúc hạng hướng thiên ca.
白毛浮綠水, Bạch mao phù lục thủy,
紅掌撥清波。 Hồng chưởng bát thanh ba.
Có nghĩa :
Ngổng, ngổng, ngổng. Cổ cong hướng lên trời mà kêu (ca). Bộ lông trắng nổi lên trên (phù) mặt nước xanh biếc (bích thủy). Bàn chân hồng đẩy (bát) làn nước gợn sóng trong veo. (THANH 清 nầy có ba chấm thủy, có nghĩa là TRONG)
Diễn Nôm :
Ngổng , ngổng, ngổng,
Cổ cong hướng lên không,
Lông trắng trên nước biếc,
Chân hồng đẩy sóng trong !
Ba tiếng NGỔNG, NGỔNG, NGỔNG vừa chỉ con Ngổng, vừa như là tiếng kêu của các con ngổng theo phát âm Quan Thoại: NGẠ, NGẠ, NGẠ vừa tượng thanh vừa vui nhộn như tuổi trẻ của Lạc Tân Vương, vừa nói lên được tình cảm của chú bé dành cho con ngổng vui mừng khi gặp mặt. Câu hai là hình ảnh tiêu biểu rất tượng hình của cái cần cổ dài và cong của ngổng vươn lên trời cao khi cất tiếng kêu. Hai câu kết thì thật xuất sắc, nêu bật được đặc điểm của con ngổng và bối cảnh xung quanh với một thủ thuật tuyệt vời: Lông trắng nổi lên trên mặt nước xanh và chân ngổng màu hồng đẩy làn nước trong mà bơi tới!
Khách ngạc nhiên đến thích thú trước tài thơ mẫn tiệp của câu bé Lạc Tân Vương mới vừa lên bảy tuổi. Ông ta đã nói với cha của Lạc Tân Vương rằng, thằng bé tương lai sẽ là người thành đạt lớn, và quả nhiên Lạc Tân Vương là một trong TỨ KIỆT của buổi sơ Đường, ngang danh với Vương Bột, Lư Chiếu Lân và Dương Quýnh, rất giỏi về thơ ngũ ngôn, thất ngôn và nhất là tản văn... Mời đọc qua "Sơ yếu lý lịch" của ông sau đây.
LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王 (640-684) tự là Quan Quang 觀光, người đất Nghĩa Ô Vụ Châu (thuộc huyện Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang ngày nay). Từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, bảy tuổi làm bài "Vịnh Nga 咏鹅" còn truyền tụng đến hiện nay. Khi làm quan, có lần trình tấu bàn về chính sự đã chọc giận Võ Tắc Thiên, nên bị giam vào ngục. Sau theo Từ Kỉnh Nghiệp khởi binh chống lại Võ, ông đã viết bài "Vị Từ Kỉnh Nghiệp Thảo Võ Anh Hịch 為徐敬業討武曌檄" hiệu triệu mọi người cùng đứng lên chống lại Võ Tắc Thiên. Võ thấy bài hịch chỉ mỉm cười khi dễ. Kịp khi đọc đến câu "Nhất phôi chi thổ vị can, lục xích chi cô hà thác? 一坯之土未乾,六尺之孤何託?" mới thất kinh xúc mồ hôi hạn mà hỏi rằng: "Ai viết bài hịch văn nầy?" Có người tâu là của Lạc Tân Vương viết. Võ Tắc Thiên mới quở rằng: "Đây là lỗi lầm của Thừa Tướng, nhân tài như thế nầy sao không biết trọng dụng, để đến đổi lưu lạc bên ngoài theo loạn quân mà chống lại ta thế nầy?" Thì ra câu nói đó đã đánh ngay vào điểm yếu tử huyệt của Võ Tắc Thiên:" Một núm đất vàng còn chưa khô là chỉ chồng bà ta là Đường Cao Tông chết chưa bao lâu, mồ còn chưa xanh cỏ, mà bà ta đã phế đứa con côi là Đường Trung Tông được chồng ký thác để soán ngôi mà tự xưng là Châu Thiên Tử." Cái bất nghĩa bất nhân đó đã được Lạc Tân Vương khai thác để kêu gọi mọi người cùng đứng lên chống lại họ Võ. Rất tiếc...
Bài hịch tuy hay, nhưng cuộc nổi dậy của Từ Kỉnh Nghiệp lại thất bại. Lạc Tân Vương bặc vô âm tín từ đó. Có người đồn rằng ông đã chết trong cuộc chiến, lại có người cho rằng ông đã vào núi ẩn cư tu đạo, được tôn thành thần, hiệu là "Nam Thiên Lạc Ân Sư 南天駱恩師". Lại có người cho rằng ông đã thế phát quy y vào cửa Phật, nương nhờ bóng thiền môn, hiệu là "Phổ Tế Diệu Chương Thiền Sư 普濟妙章禪師", mỗi năm vào tiết Đoan Ngọ đều được cúng tế linh đình.
Nhắc đến bài thơ Vịnh Ngổng, ta lại nhớ đến bài viết đầu tiên trong quyển "Giai Thoại Văn Chương Việt Nam" của THÁI BẠCH được nhà xuất bản Sài Gòn xuất bản năm 1957. Xin được trích sau đây:
LÁI ĐÒ VIỆT-NAM CŨNG CÓ KHÁC (trích nguyên văn)
Nói đến giai-thoại văn-chương Việt-Nam, trước hết chúng ta phải nói đến chuyện một nhà thơ giả làm lái đò chở sứ Trung-quốc. Chuyện này không phải là chuyện bịa đặt như chuyện Cống-Quỳnh đâu, mà nói có sách, mách có chứng rõ ràng. Sự tích còn ghi trong lịch-sử của con Hồng cháu Lạc từ đời vua Lê-Đại-Hành.
Năm 907, vua nhà Tống bên Trung-quốc sai sứ là Lý-Giác sang. Nghe tiếng họ Lý là người nổi tiếng về văn thơ, vua Đại-Hành liền sai nhà sư Đỗ-Thuận cải trang giả làm lái đò ra đón ở bến đò Sách-giang.
Khi bước chân xuống đò, Lý-Giác thấy trên mặt sông có hai con ngỗng liền cao hứng đọc lên hai câu:
Nga nga lưỡng nga nga, 鵝鵝兩鵝鵝
Ngưỡng diện hướng thiên nha. 仰面向天涯
Lý-Giác vừa đọc xong thì anh lái đò cũng đọc tiếp ngay rằng :
Bạch mao phô lục thủy, 白毛鋪綠水
Hồng trạo bãi thanh ba. 紅掉擺青波
Họ Lý tưởng mình là thơ hay, nhân-vật nước Nam đâu có ai sánh được và hai câu của mình là tuyệt tác, là đủ rồi. Nhưng không ngờ anh lái đò này lại thơ hay hơn mình. Phải có hai câu của anh, bài thơ con ngỗng mới thành được bài thơ tứ tuyệt đáng giá:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
Xin tạm dịch :
Một đôi ngỗng xinh xinh,
Ngửa mặt nhìn trời thinh.
Lông trắng pha nước biếc,
Chèo hồng quậy sóng xanh.
Thật là cả ý lẫn lời không kém gì những bài thơ hay của đời Hán đời Đường. Họ Lý nghe xong phải cả thẹn và giựt mình, trên đường đi từ bến Sách-giang đến Tràng-An, kinh-đô vua Đại-Hành, sứ-giả của đất con Trời không còn dám hiu hiu tự đắc, khoe khoang văn tự nữa. Người nước Nam đến cả những anh chèo đò còn tài hoa như vậy, huống chi những người tai mắt ở những nơi miếu đường.
Chính cũng do đó, mà Lý-Giác phải kính trọng vua Lê-Đại-Hành cũng như kính trọng vua nhà Tống và rất có cảm tình với Việt-Nam vì căn cứ vào việc trên, họ Lý cho rằng nước ta tuy nhỏ, nhưng thật là văn hiến chi bang. (ngưng trích).
* Chú thích của ĐCĐ :
Chữ THANH BA 青波 nầy, chữ THANH 青 không có ba chấm thủy , nên có nghĩa là màu Xanh. THANH BA là Sóng xanh.
Ta thấy, Lạc Tân Vương là một trong TỨ KIỆT của buổi Sơ Đường (618-907), còn sứ thần Lý Giác của nhà Tống (960-1279) là thời đại nối tiếp sau nhà Đường hơn 300 năm, nên hai câu thơ của Lý Giác đọc chắc chắn là đã sửa lại hai câu đầu bài VỊNH NGA của Lạc Tân Vương đời Đường, và nhà sư Đỗ-Thuận của ta cũng đã rất nhanh nhạy mà sửa lại hai câu cuối của Lạc Tân Vương để phối hợp một cách rất ăn ý với sứ thần Lý Giác mà tạo nên một giai thoại mới cho bài thơ "Vịnh Ngổng" bất hũ có thêm một sắc thái mới độc đáo cho nền văn học nước nhà.
Hẹn bài viết tới.
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét