Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Ngày Hiền Phụ (16-6-2019) - Triệu Dương NLT


Ngày Hiền Phụ (16/6/2019)

Tôi ở trong vùng núi đá vôi ,
Từ xa trông thấy tưởng lâu đài.
Trại tù cải tạo Ba Sao đó,
Sông Đáy hồn ai những ngậm ngùi!

Hết nhớ mẹ già, lại nhớ cha,
Đêm nằm thao thức tới canh ba.
Cha tôi đã chết từ năm Hợi (1947)
Hà Tĩnh, trại Đưng… ôi xót xa! (1)

Chuyển tới Nam Hà năm tám ba (1983)
Rùa leo đỉnh núi vẫn còn xa… (2)
Cờ lau trắng, chuyện người xưa đó,
Bộ Lĩnh chăn trâu, dựng nghiệp nhà.

Rừng núi bao quanh, đá nở hoa… (3)
Cụ Phan giáng bút “độ đa đa”…
Nước trong sông Đáy, đêm trăng lạnh,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma!

Tháng mười hết số, Mẹ ra đi, (4)
Giấc mộng đêm qua ý nghĩa gì?
Cửa ngục mở ra, nghe tiếng Mẹ,
Cuối năm tháng Chạp con ra về.
Nửa đêm tàu suốt đến sân ga,
Nam Định… bao lâu mới tới nhà ?
Trừ tịch cuối năm nghe pháo nổ,
Hoa đăng trước ngõ đón chào ta.

Vơ con đoàn tụ năm xưa đó,
Ba chục năm rồi, con thấy cha.
Tám mươi tuổi thọ, trời cho sống,
Hiền phụ hôm nay nhớ quê nhà.

Triệu Dương NLT 16/6/2019

Chú thích:
(1) Cha tôi chết trong tù (trại Đưng, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) ngày 25 tháng 10 năm Dinh Hợi (25/11/1947)
(2) Trại Nam Hà hay Trại Ba Sao… phía trái đường đi lên cổng trại xa xa nhìn như hình con rùa leo lên núi
Xưa là vùng Hoa Lư  (có nhiều cây lau) Đinh Bộ Lĩnh xuất thân từ vùng này.
(3) Trại Nam Hà có câu do các bạn tù đặt ra “Bao giờ tường đá nở hoa, Nam Hà tụ hội thì ta ra về” vì lúc đó Trại cho trang trí hình hoa trên tường… và Bộ Nội Vụ cho tập trung tù các trại khác về Nam Hà… sau đó, phần lớn tù chính trị được chuyển về Nam. Một số bạn tù cầu cơ, cụ Phan Đình Phùng cho bài thơ chữ Hán có câu “Lai niên, sương giáng, độ đa đa” nghĩa là năm tới, tiết sương giáng, nhiều người sẽ qua sông. Độ: qua sông
(4) Mẹ tôi qua đời khi tôi còn ở trong tù đã được 10 năm (1975-1985)… Có một đêm, tôi nằm mơ thấy Mẹ và sau đó, cửa nhà tù mở ra… cuối tháng Chạp năm  Đinh Mão (2/1988) tôi được ra khỏi trại tù, về đến nhà đúng vào đêm 30 Tết, trước giờ  Giao thừa.
(5) Câu thơ chữ Hán “Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma” (đã mấy lần nhìn xuống dòng suối đợi chờ trăng)






Không có nhận xét nào: