PHÂN TÍCH VÀ BÌNH BÀI THƠ "MƯA ĐÊM
NAY" CỦA TRƯỜNG ANH/ Nguyễn
Cang
MƯA ĐÊM NAY
Trường Anh
Thăm thẳm đường
trường, tôi, người cô độc.
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay.
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc.
Đường sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy.
Cho cốc cà-phê, cô hàng xanh tóc!
Tôi uống đắng
cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay
Cố tri mấy đứa giờ đâu… lăn lóc.
Ở chực nằm chờ, hay giạt đó đây?
Tiền thân chúng mình có là con cóc
Thơ nghiến răng cho trời chuyển mưa bay?
Ta không phải chán đời mà trách móc
Khi những thằng hề không biết múa may.
Cô hàng xanh tóc, cà-phê đầy cốc,
Miệng em cười, nhạc đắng chở màu cay.
Cẩm-Giang ôi ! đây, ngày xưa tang tóc,
Xiềng khua chân rổn- rảng kiếp đi đày.
Lớp hưng phế xô nghiêng nhà tróc nóc
Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay?
Cổng biên thuỳ, lòng tham luôn dời cọc,
Rồi, với thời gian, người chết, xanh cây!
Cho thêm nữa cà-phê, sao em khóc ?
Ta hiểu rồi, lòng đã cảm thương vay.
Nhầu nát áo xanh mờ tràn bụi mốc
Chung một thuyền, thơ tâm sự dâng ai.
Nước sông Vàm Cỏ nguồn xuôi, trong lọc,
Có chắc mang hoa về quán ngày mai?
Cho thêm nữa đi, và em đừng khóc !
Trời hết đêm, rồi nắng sẽ dâng ngày.
Tôi, tôi là khách lữ hành cô độc
Vỡ lệ nằm nghe mưa quán đêm nay.
TRƯỜNG
ANH
Bài thơ được sáng tác ở thời điểm nào?
Khó xác định thời điểm sáng tác bài thơ. Ông biết
làm thơ rất sớm lúc học trung học. Năm 1959 ông đưa thơ cho thi sĩ Vũ Hoàng
Chương đọc, như vậy ông sáng tác bài thơ nầy trước 1959, lúc đó ông đang dạy học
tại Trung học Tây Ninh. Bài thơ được thi sĩ Vũ Hoàng Chương đề tựa và tác giả
xuất bản năm 1964. Thơ cũng được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc và ca sĩ Hoàng
Oanh trình bày năm 1965. Bài thơ được
nhiều người ca ngợi khen hay nhưng chưa thấy ai phân tích cặn kẽ.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Trường Anh tên thật
là Nguyễn Văn Trường sinh năm 1936, tuổi Tý trong gia đình nhà nông nghèo, tại Rạch Sơn thuộc Quận Gò Dầu ( Hiếu Thiện)
Tỉnh Tây Ninh. Ông sống trong sự yêu thương và đùm bọc của người mẹ kế như mẹ
ruột của mình. Ông là học sinh giỏi của trường Gò Dầu, cũng chính nơi đây mối
tình đầu chớm nở sau trở thành người bạn đời của ông. Phải nói ông là một người
hạnh phúc vì bút danh Trường Anh là tên ghép của ông và người vợ tên là Lê Thị
Ngọc Anh cùng năm sinh với ông. Nhưng cuộc đời về sau của ông không được may
mắn, con đường sự nghiệp gặp nhiều trắc trở, khiến ông bất mãn. Ông xuất thân
là nhà giáo, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, về dạy học tại Tây Ninh (1958), được vài năm do bất đồng ý kiếnvới cấp trên,
ông bị đổi lên Bình Long, mãi mấy năm sau ông mới được đổi về dạy học tại trung
học Hiếu Thiện, quận Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh, là quê nhà của ông. Bút hiệu
Trường Anh nổi danh với bài thơ Mưa Đêm Nay và cũng là tựa đề chính của tập thơ
Mưa Đêm Nay do thi sĩ Vũ Hoàng Chương đề tựa bằng chính thủ bút của mình và
được tác giả xuất bản năm 1964 tại Sài Gòn.
Trường Anh mất tại
Gò Dầu ngày 19/11/ 2005.
PHÂN TÍCH VÀ NHỮNG LỜI
BÌNH:
Đọc
cái tựa “Mưa Đêm Nay” của bài thơ, người đọc chắc sẽ cảm thấy nó chứa đựng một
nỗi buồn man mác, sâu thẳm, phảng phất, ẩn hiện trong suốt nội dung bài thơ. Người viết xin được phân tích theo thiển ý mình, thử tìm hiểu xem, cái nỗi buồn
đó của tác giả như thế nào ?
Người lữ khách trong cuộc hành trình dài bằng nỗi cô
đơn trong sương gió lạnh chiều mưa. Chàng, nhân vật chính trong câu chuyện, đi về
đâu, trên đường dài cô lẻ, xuất thân từ một tổ chức nào hay chỉ là lãng tử ngược
xuôi tìm cuộc sống mới an lành? Cũng có thể chàng trai chính là hình ảnh của
tác giả lúc dạy học ở trung học Tây Ninh niên khóa 1958-1959. Lúc đó ông sống ở
Gò Dầu, sáng đón xe đò lên Tây Ninh dạy học chiều đón xe về lại Gò Dầu, cả hai lần đi và về đều phải
qua Cẩm Giang. Thuở đó con đường Sài Gòn -Tây Ninh thỉnh thoảng bị đắp mô, mất
an ninh nên ông phải tạm dừng chân đêm
nay? Cuộc hành trình dài và liên tục như vậy
nên ông dùng chữ "Mòn gót giày"? Đây chỉ là giả thiết chứ tác
giả không nói ra mà để tự người đọc suy nghĩ tìm hiểu. Có thể đây là dụng ý của
tác giả trong nghệ thuật sáng tác thi ca. Vì màn đêm buông xuống nên phải "cắm trọ quán đêm nay", tìm một nơi nghỉ tạm để sáng hôm sau tiếp tục
cuộc hành trình. Địa điểm dừng chân chính là xã Cẩm Giang thuộc tỉnh Tây Ninh.
Mưa Cẩm Giang trong mùa hè, một màn trắng đục bao phủ dòng sông Vàm Cỏ Đông bát
ngát, gợi nhớ những hình ảnh đau thương, mất mát của dân tộc nói chung và của xã Cẩm Giang nói riêng. Chàng trai trong bài thơ rất quen thuộc với
vùng đất nầy, từng băng ngang qua khu rừng
rậm có khoảng đất trống, con đường hẹp xuyên qua đó gọi là đường truông.
Con truông nầy bị mưa ngập nên trở thành lầy lội khó đi:
"Thăm thẳm đường trường, tôi, người
cô độc.
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay.
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc.
Đường sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy".
Cụm từ "mòn gót giày" sử dụng thật khéo
léo, phép đảo ngữ thật linh động chứa nội dung tiềm ẩn, cho biết chàng trai là
người lang bạt giang hồ xuôi ngược đó đây tìm nguồn sống mới hay liên lạc với
người cùng chí hướng làm cách mạng? Vế thứ hai: "cắm trọ quán đêm
nay" chứa từ "cắm" diễn tả
sự cương quyết, dứt khoát, để nhấn mạnh điểm dừng chân đêm nay tại lữ quán nầy!
Động từ "cắm " nầy phải hiểu
theo nghĩa bóng mới hợp lý mà không dùng ở nghĩa đen. Nó tương tự như "cắm
chốt nơi nầy"!
Một câu hỏi khác khiến người đọc phải suy nghĩ: Tại
sao "Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc"? Câu trả lời là thời Pháp
thuộc, ở Cẩm Giang có một nhà tù giam những người làm chánh trị hay những người kháng chiến chống Pháp. Họ,
có một số bị bị bắn bỏ trước cầu ván bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, còn một số khác bị
dẫn đi xử tử trong rừng trên những con truông nhỏ ít người qua. Tác giả ám chỉ
con truông cũng là nơi nhiều người bị giết,
máu chảy lầy lội hòa cùng nước mưa trong khu rừng vắng. Có thể nói câu thơ: "Đường
sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy", chứa đựng phép ẩn dụ thật đặc sắc, nói
lên ý nghĩa đặc biệt nầy. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đề cập tới sự tàn ác của
quân Pháp đối với các nhà tranh đấu Việt Nam trong giai đoạn đó: "Biết
bao nhiêu biến cố khủng hoảng đã kéo lê vết máu: "sụt sùi qua mấy nẻo
truông lầy" rồi, biết mấy "niềm đau ai khóc"và bao nhiêu lần "Mưa
đêm nay"? (trích lời giới thiệu Mưa Đêm Nay của thi sĩ Vũ Hoàng Chương) cho
nên bài thơ Mưa Đêm Nay (cũng là Mưa Cẩm Giang) tác giả mô tả ở đây khác hẳn với những cơn mưa
nơi khác là vậy. Ngày nay (thời điểm 1958) giặc Pháp không còn hiện diện trên
đất nước Việt Nam nhưng hình ảnh: đường truông, khám đường, gông cùm, xích sắt, vẫn còn ám ảnh trong tâm khảm người dân Cẩm
Giang. Tác giả đã trải lòng mình qua tâm sự não nề, uất hận: Những người lớn tuổi,
những ai hiểu biết về lịch sử đấu tranh
giành độc lập trong giai đoạn chống Pháp, khi đi ngang qua Cẩm Giang, ắt
sẽ ngậm ngùi, khóc thương cho những người anh hùng đã hy sinh cho đất nước. Về
mặt nghệ thuật, từ ghép "sụt sùi"
sử dụng rất tài tình, nó đứng sau danh từ "đường"; nhưng con đường tự
nó không thể sụt sùi mà phải nhân cách hóa như một con người. Một cách khác để
hiểu là "Con đường, mưa sụt sùi" (lúc nầy động từ sụt sùi biến thành
trạng từ chỉ trạng thái). Về ý nghĩa, "sụt sùi" có nghĩa đen và bóng.
Nghĩa đen chỉ con đường lầy lội, mưa rơi sụt sùi kéo dài không dứt. Nghĩa bóng
chỉ tiếng khóc sụt sùi của ai đó trong không gian u tịch mà hẳn tiếng
khóc đó chính là tiếng khóc của những
người có tấm lòng thương cho các anh hùng vị quốc vong thân!
Trong ca dao tình yêu, ta bắt gặp từ ngữ "sụt
sùi" được sử dụng thật khéo léo đầy
cảm xúc:
"Trời chuyển mưa, ba bốn đám sụt sùi
Nhái bầu kêu, trống chùa đánh, dạ em ngùi ngùi nhớ anh".
Nhái bầu kêu, trống chùa đánh, dạ em ngùi ngùi nhớ anh".
Trong bài thơ, "đường" được nhân cách hóa như một
con người biết than khóc, sầu khổ, tạo thành hình ảnh và âm thanh thật đặc sắc khiến lời
thơ thêm sinh động, gợi buồn:
"Đường sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy".
Tác giả mở bài bằng bốn câu thơ thật ý nghĩa và sinh
động.
Mưa dứt hạt, chàng bứơc vào quán cà phê kêu một cốc
nhỏ, bất chợt nhìn lên thấy cô hàng cà phê sao đẹp quá! Cô hàng "xanh
tóc" nói lên vẻ tươi tắn, xinh đẹp, trẻ trung của cô nàng. Chàng ngắm say sưa
đôi mắt và hình dáng ấy, cảm thấy ấm trong lòng, chàng tự hỏi: Ta đang say
nhan sắc của nàng hay đang uống nỗi đắng cay của cuộc đời? "Nỗi
đắng cay" và "say đôi mắt" đột nhiên hòa quyện vào nhau khiến
chàng trai không còn phân biệt được thực và mộng. Chàng nghe như đâu đây có tiếng
cười cợt của người đẹp chuốc rượu cho
công tử qúi tộc ở một nơi sang trọng hòa lẫn tiếng cười vui rộn rã, tiếng cụng
ly khua vang như vỡ ngọc.
Hình ảnh người con gáí đẹp thường hiện diện trong
thơ văn Việt Nam. Nó là đặc trưng ước lệ không thể thiếu khiến cho bài thơ trở
nên lãng mạn, lâng lâng niềm nhớ hay đau khổ dật dờ. Tác giả Trường Anh tả người
con gái đẹp dễ thương qua mái tóc xanh, đôi mắt biếc, còn thi sĩ Quang
Dũng tả đôi mắt người đẹp Sơn Tây bằng
những từ ngữ thật đặc sắc qua đó ông gởi gấm tâm sự nhớ thương người "em
gái" cũng là người mà tác giả yêu mến:
"Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây..."
Chỉ vài từ ngữ mà lột tả được vẻ đẹp của đôi mắt và
nét kiêu sa của người con gái.
Tiếng
mưa rơi tí tách ngoài hiên đưa chàng trai về thực tại, chàng nói cho chính mình
nghe: Cô nàng cà phê ơi! Chúng mình đầu thai lầm thế kỷ, sự nghiệp chẳng ra gì,
ta bôn ba khắp chốn rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay! Bạn bè ta bây giờ nơi
đâu? Đứa góc bể, đứa chân trời, hay lăn lóc chợ đời, chờ cơ hội?
"Cho cốc cà-phê, cô hàng xanh
tóc!
Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay
Cố tri mấy đứa giờ đâu… lăn lóc.
Ở chực nằm chờ, hay giạt đó đây"?
Tới đây, tác giả, cũng là chàng trai kia tỏ vẻ bất
mãn thế sự tình đời, bèn mượn hình ảnh con cóc trong huyền thoại dân gian để
nói lên khả năng làm thơ "con cóc" nhưng đừng tưởng thơ con cóc là dở,
vô dụng, bởi con cóc là cậu ông trời, khi nghiến răng thì nổi sóng gió, uy lực
đáng nể! (tác giả vùa vừa khiêm nhượng lại vừa tự tin khả năng của mình).
Rồi ông tự biện hộ: không phải ta chán đời, thua thiệt
rồi trách móc thói đời, bởi thực tế có lắm kẻ tài hèn trí mọn nhưng nhờ nịnh
hót mà được trọng dụng, trở nên giàu sang sung sướng, bọn họ chẳng khác chi những
thằng hề bất tài, đóng vai diễn tuồng một
cách vụng về. Đoạn thơ nầy phản ảnh cuộc sống của tác giả, ông khinh rẻ bọn
a dua nịnh hót, bất mãn với bất công xã hội, nạn bè phái ỷ quyền. Ông ra mặt chống
đối. Về Tây Ninh dạy học chưa được bao lâu thì bị chèn ép, ông bất đồng ý kiến
với cấp trên, lên tiếng phản đối nên bị đày đi Bình Long vùng đất nguy hiểm vì
chiến cuộc ác liệt nơi nầy. Sau 1975, một
lần nữa vì tánh bộc trực, bất phục ban lãnh đạo nhà trường, ông xin nghỉ hưu về
sống thanh bần, nghèo khổ bên ruộng rẫy
với bầu rượu túi thơ, hai món nầy làm bạn với ông cho đến cuối cuộc đời!
"Tiền thân chúng mình có là con
cóc
Thơ nghiến răng cho trời chuyển mưa
bay?
Ta không phải chán đời mà trách móc
Khi những thằng hề không biết múa may."
Nầy cô hàng cà phê ơi! hãy rót thêm nữa đi
cho đầy cốc để ta bày tỏ niềm tâm sự! Sao em cười mà như khóc vậy? Ta thấy trên môi em chứa niềm cay đắng ngập
tràn! Chàng kể tiếp: Ngày xưa Cẩm Giang
chịu nhiều tang tóc, bao chiến sĩ hy sinh, nhiều nhà chánh trị bị đày đọa thân
xác, khi họ đứng lên chống Pháp, chân mang cùm lê gót khua rổn rảng không biết
ngày nào ra, hay phải chết trong ngục tù! Khi chinh chiến đi qua, khi triều đại
suy tàn, cộng thêm sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên, các miếu mạo đền
đài, di tích lịch sử bị sụp đổ hoang phế, ngã nghiêng. Nhà cửa trốc nóc do chiến
tranh bom đạn, điêu tàn lại nối điêu tàn. Mồ lạnh gió lay không ai thăm viếng.
Cổng biên thùy vắng ngắt, cột móc bị dời, mất thêm đất. Thời gian đi qua chôn
vùi tất cả, xác chết bón phân cây, xanh màu lá tốt:
"Cô hàng xanh tóc, cà-phê đầy cốc,
Miệng em cười, nhạc đắng chở màu cay.
Cẩm-Giang ôi ! đây, ngày xưa tang tóc,
Xiềng khua chân rổn- rảng kiếp đi đày.
Lớp hưng phế xô nghiêng nhà tróc nóc
Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay?
Cổng biên thuỳ, lòng tham luôn dời cọc,
Rồi, với thời gian, người chết, xanh
cây!"
Ô kìa ! Cô hàng cà phê, sao em lại khóc? Ta hiểu rồi,
em đồng cảm với ta, thương cho những anh hùng hy sinh cho tổ quốc mà nay mồ
xiêu mả lạc, hoang phế điêu tàn, thời gian chôn vùi mọi thứ vào cát bụi. Ngoài
kia nứơc sông Vàm Cỏ vẫn xuôi dòng bất chấp đổi thay của thời cuộc. Còn em, tuổi
thơ bị che lấp, vì chiến cuộc mà khổ cực, tuổi xuân bị nhàu nát trong tình cảnh tang
thương, cái áo xanh mang hình hài tuổi xuân đó cũng bị phủ mờ bụi mốc, phí một
thời tuổi nhỏ đáng yêu. Ta không biết mai nầy đời em sẽ ra sao?
"Cho
thêm nữa cà-phê, sao em khóc ?
Ta hiểu rồi, lòng đã cảm thương vay.
Nhầu nát áo xanh mờ tràn bụi mốc
Chung một thuyền, thơ tâm sự dâng ai.
Nước sông Vàm Cỏ nguồn xuôi, trong lọc,
Có chắc mang hoa về quán ngày mai?"
Thôi, em đừng
khóc nữa, theo luật tuần hoàn "thế cùng tắc biến, biến tắc thông" hết
đêm sẽ tới ngày, thì cũng có ngày vận mạng em sẽ hanh thông! Còn ta người lữ
hành cô độc, đã bao năm rồi ta vẫn đi trong cô đơn giữa cuộc đời. Và đêm nay ta
dừng chân nằm ngủ, nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên!
"Cho thêm nữa đi, và em đừng khóc
!
Trời hết đêm, rồi nắng sẽ dâng ngày.
Tôi, tôi là khách lữ hành cô độc
Vỡ lệ nằm nghe mưa quán đêm nay."
Đề tài MƯA cũng được
nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sáng tác thật truyền cảm, nghe nhẹ nhàng mà thắm đậm tình
yêu quê hương đất nước. Người "em gái hậu phương", đêm nằm nghe tiếng
mưa rơi trên phố vắng mà chạnh lòng thương người chiến sĩ ngày đêm canh gác giặc,
chịu lạnh gió mưa, ướt đẫm áo trận. Hy vọng có một lúc nào đó mưa ngừng rơi,
chinh chiến không còn, thanh bình trở lại, mời anh về thăm quê em:
"Trời đã khuya rồi đây, trăng
chênh chếch xuyên ánh qua mành.
Trời đã khuya rồi
đây, mưa trên xóm xa ánh đô thành.
Đường ngoài kia
không xôn xao, không đẹp vì đèn màu.
Ôi! Đường dài hun
hút với đêm sâu.
Bước chân ai qua
mau, dưới mưa nghe nao nao lẫn tiếng còi tàu thét lâu.
Nằm giữa đêm ngoại
ô, nghe mưa rớt trên khóm tre già.
Thầm nhớ ai ngoài
xa, đang tranh đấu cho nước non nhà.
Người anh tôi không
quen ơi!
Mưa rừng về ngợp trời,
mưa làm chi cho ướt áo anh tôi?
Đến mai khi nơi
nơi, gió im mưa thôi rơi mời anh qua làng tôi."
(Mưa Đêm Ngoại Ô/ Đỗ
Kim Bảng)
Ở đây có sự tương đồng giữa bài thơ
và bài hát: một đàng mưa đêm gợi nhớ những chiến sĩ đã hy sinh vì đại nghĩa , một
đàng nghe tiếng mưa đêm thấy thương cho những người chiến sĩ chịu lạnh, đứng
gác giặc, giữ gìn quê hương bờ cõi.
Theo tài liệu của Nguyễn Đức Đông,
April 17, 2019 thì:
"Mưa Đêm Nay xuất bản tháng 5 năm 1964, gồm
1000 bản, 900 bản trên giấy thường và 100 bản trên giấy croquis đặc biệt dành
cho tác giả, chi phí hơn 10,000 dồng , tính ra tương đương với hai tháng lương
dạy học của ông trong thời điểm đó.
Trong đặc san TNMY năm 2005, có trích đăng 2 bài thơ
của Trường Anh. Đó là bài Mưa Đêm Nay và Hoa Trang Buổi Sáng.
Mưa Đêm Nay là bài thơ đầu tiên trong thi tập. Có thể
nói đây là bài thơ diễn đạt sâu sắc trọn vẹn mọi ngõ ngách tâm tình của nhà thơ
hơn tất cả các bài thơ còn lại trong thi tập".
Mưa Đêm Nay là một bài thơ hay
nhưng không hoàn toàn. Tác giả gởi gấm
tâm sự nhân thế của mình trong cơn mưa ở một quán cà phê nhỏ vùng Cẩm Giang. Tiếng
mưa rơi gợi buồn trong lòng người lữ khách và trong lòng cô hàng cà phê, nó lại
tẩy sạch lớp bụi tang tóc phủ trên những ngôi mồ vô chủ, những cay đắng của cuộc
đời trong đó hai phạm trù đối lập cùng hiện hữu: một đằng là tiếng khóc một đằng là tiếng cười vỡ ngọc. Người con gái do xúc động mà khóc, được tác
giả nhắc lại hai lần trong điệp khúc: "Cho thêm nữa cà phê, sao em khóc? Cho thêm nữa đi, và em đừng khóc" làm
rung lên cảm xúc rất thật, xoáy vào lòng
tác giả và người đọc như để chia sẻ nỗi niềm. Mưa Cẩm Giang! Mưa ngoài trời hay mưa trong
lòng đều gieo vào tâm tư người lữ khách
nỗi buồn miên man bất tận!
Bài thơ còn có những đoạn thật hay, như tám câu đầu.
Việc sử dụng từ ngữ cũng có nhiều ưu điểm được trình bày ở phần phân tích. Bài
thơ được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc với giọng ca ngọt ngào truyền cảm của
Hoàng Oanh khiến nó như được chấp cánh thăng hoa đến đỉnh cao của nghệ thuật. Tuy
nhiên ngoài ưu điễn kể trên, khi đọc kỹ bài thơ, tôi nhận thấy còn vài mảnh vụn, xin được trình bày để các bạn tham khảo.
Thứ nnất: Đem ví dụ "cóc nghiến răng"(Tiền
thân chúng mình có là con cóc/ Thơ nghiến răng cho trời chuyển mưa bay) để minh
họa cho tính khiêm nhường của tác giả, thật không thích hợp. Từ "con
cóc" nghe thô kệch, thêm vào đó, chữ
“nghiến răng” cũng không chuẩn, chữ này ông Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Lê
Thánh Tông dùng thì hay hơn (thơ châm biếm, tự trào). Ví dụ bài vịnh Con cóc của vua Lê Thánh Tông:
"Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng nuốt ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời."
Hay:
"Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời lơ láo mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ con bu nó
Quắc mắt khinh đời cái bộ anh."
(Tự trào /Trần Tế Xương)
Trong câu “Miệng em cười, nhạc đắng
chở màu cay”, chữ "nhạc" này
sai, chắc là “nhạt” tức là nhạt nhẽo, chữ T cuối chứ không là chữ C vì ý TA muốn
liên kết với cà phê, và miệng môi thì làm gì có âm nhạc ở đó (rất tiếc tôi
không có bản gốc in năm 1964 để đối chiếu).
Hay tác giả muốn nói: Miệng em cười như là những nốt nhạc chuyển niềm cay đắng?
(tôi thấy cũng không ổn!)
Thứ hai: Gieo vần trắc liên tiếp cuối câu cùng âm vận
"OC" trong toàn bài, là điều tối kỵ trong luật hòa âm thi ca (hòa âm trong câu, đoạn). Trích: (ai khóc, xanh tóc, lăn lóc, con cóc,
trách móc, đầy cốc, tang tóc, tróc nóc, em khóc, bụi mốc, đừng khóc...) vì âm vực
cao, nghe chói tai, đơn điệu một âm vận. Âm vận OC còn được lập lại ở giữa câu, như:
"Cô hàng xanh tóc, cà phê đầy cốc."
Toàn bài chỗ nào cũng nghe âm thanh LỐC CỐC liên hồi
, hỗn độn!
Thứ ba: Vài câu tối nghĩa
a. Câu “Lớp hưng phế xô nghiêng nhà tróc nóc” tối
nghĩa quá, không hiểu tác giả muốn nói gì.
b. Câu “Nhầu nát áo xanh, mờ tràn bụi mốc” khó hiểu
và tối nghĩa, nó không ăn khớp hay liên kết gì với câu trên “ta hiểu rồi lòng
đã cảm thương vay”.
Những mảnh vụn khó hiểu trong bài thơ nầy liệu có
làm suy giảm giá trị bài thơ không? Nếu
có thì ở mức độ nào? Câu trả lời xin dành cho bạn đọc.
Nguyễn Cang (30/5/2019)
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét