Đường Thi Tuyển Độc:
TẠI NGỤC VỊNH THIỀN
Lạc Tân Vương 駱賓王, một trong Tứ Kiệt buổi sơ Đường, ngoài tài làm thơ viết văn ra, ông còn là một hiệp khách với lòng hiệp nghĩa cao độ, chuyên giúp người cô thế bị hiếp đáp, trừng trị tham quan ô lại, trừng trị kẻ bạc tình, thậm chí giết người để báo thù cho kẻ thế cô bị ức hiếp... như cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều: "Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha?!" Nên vào năm Nghi Phụng thứ ba của Đường Cao Tông, sau hơn mười năm bị chèn ép trong quan trường vừa mới được thăng làm Thị Ngự Sử, Lạc Tân Vương đã dâng sớ luận bàn triều chính, động chạm đến các đồng liêu và nhất là động chạm đến Võ Hậu, bị vu cho tội tham ô rồi bị hạ ngục. Trong ngục ông đã làm bài thơ nổi tiếng dưới đây:
在獄詠蟬 TẠI NGỤC VỊNH THIỀN
西陸蟬聲唱, Tây lục thiền thanh xướng,
南冠客思深。 Nam quan khách tứ thâm.
那堪玄鬢影, Na kham huyền mấn ảnh,
來對白頭吟。 Lai đối bạch đầu ngâm.
露重飛難進, Lộ trọng phi nan tấn,
風多響易沉。 Phong đa hưởng dị trầm.
無人信高潔, Vô nhân tín cao khiết,
誰爲表予心? Thùy vị biểu dư tâm ?!
駱賓王 Lạc Tân Vương
* Chú Thích:
- Tây Lục 西陸 : Chỉ mùa Thu. Theo sách Tùy Thư Thiên Văn Chí 隋书·天文志 : Mặt trời quay theo vòng Hoàng đạo về hướng đông, cứ một ngày một đêm là được một độ, ba trăm sáu mươi lăm ngày là một Chu Thiên. Hành Đông lục là mùa Xuân; hành Nam lục là mùa Hạ; hành Tây lục là mùa Thu; hành Bắc lục là mùa Đông.
- Nam Quan 南冠 : Còn gọi là Sở Quan 楚冠 là Mũ của người nước Sở, chỉ người ở tù. Theo Tả Truyện 左传 : Sở Chung Nghi đội mão Nam Quan bị cầm tù ở Quân Phủ Sự nước Tấn, nên Nam Quan Khách 南冠客 là người khách đội mão nam, là NGƯỜI TÙ nói theo tu từ nghe cho "lịch sự" mà thôi!
- Huyền Mấn 玄鬢 : Tóc mai đen, chỉ hai cái cánh màu đen của con ve; trong bài thơ Lạc Tân Vương muốn nói là mình còn trẻ trung, tóc mai còn đen.
- Bạch Đầu Ngâm 白頭吟 : Tên một khúc Nhạc Phủ, khúc hát phổ thơ của Bào Chiếu, Trương Chính Kiến, Ngu Thế Nam... đều có ý chỉ mình thanh liêm ngay thẳng mà bị vu oan ám hại.
- Lộ Trọng 露重 : Sương nặng, có nghĩa là Sương rơi dày đặc.
- Phi Nan Tấn 飛難進 : Khó mà bay tới bay cao cho được.
- Cao Khiết 高潔 : Thanh cao trong sạch. Người xưa cho rằng loài ve đậu trên cao uống sương mù, nên là con vật Cao Khiết; ở đây tác giả mượn để ví với mình.
- Dư Tâm 予心 : là Lòng ta.
* Nghĩa Bài Thơ:
Trong Ngục Vịnh Ve
Trong mùa thu nhưng tiếng ve vẫn còn vang lanh lảnh, khiến cho người tù như ta càng nhớ nhung nghĩ ngợi sâu xa hơn. Làm sao kham được khi tóc hãy còn xanh (như hai cánh ve còn ngân vang) mà phải cam chịu ngâm khúc bạc đầu oan ức bất đắc dĩ nầy. Sương rơi nặng hạt làm cho ve khó mà bay tới, gió rít mạnh nên át cả tiếng ve ngâm. Không có ai tin loài ve thanh cao trong sạch (cũng như ta đây), nên ai, ai mới là người bộc bạch được nỗi lòng cao khiết của ta đây?!
Vịnh VE, nhưng lại mượn hình tượng trên cao và tiếng ve ngâm cao vút để gởi gắm và bày tỏ nỗi lòng trong trắng thanh cao đầy tính hiệp nghĩa của mình. Bị chèn ép trù dập để đưa vào tù trong khi hào khí vẫn tràn đầy mà phải ngâm câu bạch đầu ta thán. Không tiến bước được trên con đường chính nghĩa vì bị các thế lực khác trù dập, như con ve không thể bay cao bay xa được vì những hạt sương nặng trĩu của mùa thu; không nói lên tiếng nói trung thực vì bị quyền thế cấp trên chèn ép cũng như con ve không còn cất cao tiếng ngân được vì bị tiếng gió rít át đi. Ai còn trân trọng sự cao khiết của con ve cũng như ai còn có thể vì ta mà bày tỏ nỗi lòng thanh cao trong trắng của ta đây?
* Diễn Nôm:
TRONG NGỤC VỊNH VE
Trời thu ve còn vang tiếng,
Người tù lòng nghĩ đâu đâu,
Sao khiến người còn xanh tóc,
Phải ngâm khúc hát bạc đầu.
Sương nặng cánh bay không nổi,
Gió vờn tiếng hát chìm sâu.
Không người tin lòng cao nhã,
Ai bày tỏ nỗi lòng sầu ?!
Lục bát :
Ve thu còn cất tiếng vang,
Người tù nghĩ ngợi lan man sự tình.
Cánh ve như tóc còn xanh,
Bạc đầu khúc hát sao đành ngâm nga.
Sương rơi nặng khó bay xa,
Gió lên át tiếng ve ca thu trầm.
Ai tin cao nhã ve ngâm,
Ai người bộc bạch nỗi lòng ta đây ?!
Đỗ Chiêu Đức
Ta thấy...
Từ một chú bé bảy tuổi Vịnh Ngổng thật dễ thương, Lạc Tân Vương lớn lên với hình tượng của một hiệp khách cứu khổn phò nguy "giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha?!", rồi trở thành một quan viên chính trực, công chính liêm minh để đến nỗi bị bỏ tù, và cuối cùng không chiụ được sự tiếm quyền của Võ Tắc Thiên mà làm phản. Cuối đời lại mai danh ẩn dật, xuất gia thành một hòa thượng trông rất bậm trợn như các hình tượng được lưu truyền.
Thế mới biết, cuộc sống nhân sinh đã hành hạ dằn dật con người như thế nào, cuộc đời chìm nổi đắng cay đã làm đổi thay thân xác từ một chú bé vô tư dễ thương thành một hoà thượng khắc khổ gầy gò. Mời xem các hình tượng lưu truyền về Lạc Tân Vương dưới đây sẽ rõ!
Hiệp sĩ giang hồ
Hòa thượng Lạc Tân Vương lúc về già
Hẹn bài viết tới.
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét