Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Cách Thức Họa Thơ Đường Luật- Phần II ( Tổng hợp & Biên soạn: Nguyễn Cang, Hương Lệ Oanh, Trần Lâm Phát)

CÁCH THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT ( TIẾP THEO)
                                PHẦN II


CHÚ Ý QUAN TRỌNG:   Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng, nghĩa  là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.
Tóm lại Bài họa phải có ít nhất 4 yếu tố quan trọng sau đây:
      1. Họa vần: 5 vần tức là 5 tiếng (từ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong 5 vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị hỏng.
     2. Bài xướng nói lên ý  gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.
     3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.
     4. Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen một vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).
          Ba yếu tố 1-2-3 là cần thiết cho một bài họa xuất sắc.
Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam.

Bài Xướng ( luật  bằng vần bằng)
             Giang Sơn Ba Tỉnh 
           (của Tôn Thọ Tường)
Giang san ba tỉnh hãy còn đây, 
Trời đất xui chi đến nỗi này ? 
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo, 
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.
Xăn văn thầm tính, thương đòi chỗ, 
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng, chưa dễ chọc, 
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay ! 

Bài họa của Phan Văn Trị ( Họa phản đề, luật  bằng vần  bằng)
Giang Sơn Ba Tỉnh 
Hơn thua chưa biết đó cùng đây,
Chẳng đã, nên ta mới thế này
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,
Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay.
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thủa,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá há lung lay !

              Một số thí dụ các bài xướng họa : 
Thí dụ 1: 
a. Họa nguyên vận: 
Bài xướng (luật trắc vần bằng) 
QUÊ HƯƠNG ĐỂ LẠI
Bốn bốn năm dài lặng lẽ trôi,
Tôi sinh ra lúc buổi giao thời.
Sữa bầu mẹ cạn no chưa đủ!
Giọt lệ tuôn trào đẫm khó vơi!
Chinh chiến quê hương đành cách trở,
Thanh bình đất mẹ đợi an vui.
Quê hương để lại buồn muôn thuở,
Nhớ nước đau lòng dạ tả tơi.
HƯƠNG LỆ OANH VA 
(04/75 - 04/19) 

 Bài họa (luật bằng vần bằng)
TÌNH HOÀI HƯƠNG
Năm năm tháng tháng cứ dần trôi,
Ký ức còn vương vấn một thời
Trường cũ, tiếng ve luôn mãi vọng,
Lối xưa, hương mạ vẫn chưa vơi.
Thuyền theo vận nước tình đâu nhạt,
Tóc ngã màu mây dạ gắng vui.
Gửi gắm niềm riêng về cố quận
Bên rào xanh thắm giậu mồng tơi.
Minh Tâm

b. Họa đảo vận.
Bài xướng ( luật trắc  vần bằng)
CÔ GÁI VIỆT NAM 
Cô gái Việt Nam quý mến ơi, 
Cô sinh ra giữa buổi giao thời.
Hồn cô trong sáng như viên ngọc,
Khổ nhọc không sờn lệ chẳng rơi.
Tôi muốn nạm vàng cô gái Việt,
Muôn đời son sắt tấm gương soi.
Cho dù bão tố làm rung chuyển 
Vẫn giữ lòng son mãi sáng ngời.
Hương Lệ Oanh

Bài họa ( luật bằng vần bằng) 
    CÔ GÁI VIỆT 
Noi gương gái Việt rạng danh ngời
Hào kiệt anh hùng đốt đuốc soi
Tổ quốc lâm nguy ai gánh vác?
Quê hương gặp nạn há buông rơi?
Bà Trưng khởi nghĩa oai hồn nước
Hưng Đạo xuất quân rạng  một thời
Nước Việt sản sinh trang nữ kiệt
Quyết tâm xây đắp hỡi người ơi!
NGUYỄN CANG 

c. Họa hoán vận:
Bài xướng: ( luật trắc vần bằng)
        LƯU LUYẾN
Lưu luyến bên nhau chẳng muốn rời,
Chao ôi! Buồn qúa lúc chia phôi .
Ngập ngừng cất bước khôn ngăn lệ ,
Bịn rịn chia tay khó thốt lời .
Kẻ ở, thuyền neo đầu bến nước ,
Người đi nhạn lạc cuối chân trời .
Nghìn trùng xa cách sầu đôi ngả ,
Thương nhớ nhau chi, luống ngậm ngùi .
Quang Tuấn 

Bài họa: ( luật bằng vần bằng)
BIỆT LY
Bạn đi buồn lắm lúc chia phôi
Lưu luyến trao nhau chúc mấy lời
Chân bước ngập ngừng lòng thổn thức
Cầm tay khe khẻ dạ bùi ngùi
Biết còn  gặp lại trong tiềm thức
Xin hãy thương  nhau cả đất  trời
Anh đến anh đi đầu tháng chạp
Tôi  ngồi chạnh nhớ lúc xa rời.
NC

d. Họa tá vận ( mượn vần)
Bài xướng: ( luật trắc vần bằng)
HOÀI HƯƠNG
Một thoáng hoài hương gởi mấy câu,
Thời gian như nước chảy qua cầu,
Con thuyền cưỡi sóng chao nghiêng mái
Ngọn núi ôm mây bạc trắng đầu.
Lối cũ còn ươm màu phượng thắm?
Trường xưa có rộn tiếng ve sầu?
Bạn bè thuở ấy ai còn mất
Nghe xót xa lòng chuyện bể dâu. 
Minh Tâm

 Bài họa: ( luật bằng vần bằng)
XA CÁCH MUÔN TRÙNG
Cố nhân ngàn dặm nhắn đôi câu,
Tha thiết hoài hương mãi nguyện cầu.
Sóng vỗ muôn trùng khơi nỗi nhớ, 
Mây trôi lơ lững đợi giang đầu.
Bạn bè chung lớp giờ đâu nhỉ?
Trường cũ chia tay biết có sầu? 
Tuổi trẻ ngày xưa đầy kỷ niệm,
Chia ly đời bể hoá nương dâu!
huongleoanh VA

 Đôi điều chú ý Hoạ thơ Đường luật:
Thơ Đường luật có nhiều thể như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú.
Nếu thể thơ thất ngôn bát cú thì toàn bài có năm vần là chữ cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6, 8. 
Những chữ vần,  thường là thanh bằng (có một số bài làm theo vần trắc, thì các chữ ở vị trí này  1, 2, 4, 6, 8  là thanh trắc). 
Sau khi có bài xướng, người làm thơ họa sáng tác một bài khác, dùng lại đúng năm chữ vần của bài xướng, với điều kiện chỉ dùng chữ cuối, không được dùng chữ kế cuối (tức chữ thứ 6). 
Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc "khắc lục", là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.
Bài họa phải diễn đạt lại ý chính (nội dung) của bài xướng, không được lạc đề.
Thường là bài họa phải đối luật với bài xướng, nếu bài xướng luật bằng thì bài họa phải luật trắc và ngược lại. Kẹt lắm mới làm bài họa đồng luật với bài xướng.

Thí dụ:
Bài xướng (luật trắc vần bằng)
CHIẾC CẦU GIÓ 
Cầu gió reo vui mấy nhịp đều
Qua sông ngả nón nước trong veo
Thuyền ai thấp thoáng chao bờ dứa
Rặng liễu xôn xao động cánh bèo
Lơ lửng mậy chiều treo đáy nước
Bay bay tà áo quyện đường eo
Hỡi cô thiếu nữ từ đâu đến?
Làm rối tim anh nhạc sĩ nghèo.
KIM TRÂN 

Bài Họa (luật bằng vần bằng)
TÌM VỀ 
Cầu quan ba nhịp nối nhau đều,
Một thuở đi về ngắm vắt veo*.
Lấp lánh nắng chiều in đáy nước,
Long lanh làn sóng gợn ao bèo.
Thẹn thùng thiếu nữ thêm đài các
Tha thướt kiêu sa chiếc áo eo.
Có phải em về từ mộng tưởng, 
Hay là xa bến cuộc tình nghèo!
HLO VA 
Vắt veo*: từ láy thu gọn của "trong vắt trong veo".

Ghi chú:
- 5 chữ vần của bài hoạ không được khác nghĩa với 5 chữ vần của bài xướng, trừ khi họa tá vận.
- Bài hoạ phải cùng một tựa đề với bài xướng (cũng có thể khác tựa).
Xướng hoạ thơ Đường luật là có hàm ý đối hoạ ở trong đó.
- Nếu chỉ một bài xướng và một bài hoạ thì bài hoạ bắt buộc phải đối luật với bài xướng. Ngoại lệ thí dụ bài “Giang sơn ba tỉnh”, xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Phan Văn Trị (không đổi luật). Xem lại ví dụ ở trên.
- Trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế hoạ đồng luật, nhưng bài hoạ đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng hoạ đúng cách.
Bắt đầu những bài hoạ sau đó (nếu có) thì có thể dùng luật gì cũng được.
- Hoạ sai ý bài xướng là không đạt.  Điều lệ nầy ngày nay không  còn giữ đúng khi người ta dùng  "họa tá vận" để hóa giải.
- Hoạ sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận: không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng.
- Hoạ sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý: không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng.
            Hoạ thơ Đường luật đúng cách rất khó.
Khi bạn bè (thi hữu) chung vui xướng hoạ với nhau, có thể dùng thể thức Hoạ Tá Vận (tức là mượn vần) để hoạ những vần tử vận và tử ý. Cách nầy không đạt nhưng cốt là để cùng nhau vui vẻ mà thôi. Nhưng cũng không nên đi xa thi đề (nội dung của bài xướng). Thí dụ bài  Vịnh Chùa Cây Mai, xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Đông Hồ.
          Lấy thí dụ tử vận "xót xa" không thể nào hoạ nguyên vận theo chính hoạ được. Chúng ta có thể hoạ tá vận (mượn vần) theo bài hoạ là xa xa, từ xa, đàng xa v.v... chẳng hạn. Dĩ nhiên là sai nghĩa của chữ xót xa rồi (bởi vậy mới bị xuất ý: không đạt), nhưng cốt để cùng nhau vui vẻ mà thôi, nên chấp nhận được.
Chúng ta học thơ Đường luật chính thể, cho nên phải học kỹ về chính luật, chính vận, chính đối, chính hoạ.
Thông vận, bàng đối và bàng hoạ... không xuất sắc.
Làm thơ, nếu dùng thông vận thì nên dùng cận vận mà không nên dùng viễn vận. Viễn vận và cưỡng vận không hay, hạn chế dùng.
 Trường hợp đặc biệt:  bài xướng họạ thất ngôn tứ tuyệt của Nguyễn Trãi và Thị Lộ: bài họa không đổi luật, còn lặp lại chữ thứ 6 của bài xướng! Tuy nhiên bài thơ vẫn có giá trị văn học mãi tới giờ vẫn được coi là những bài thơ xướng họa hay!

Xướng:
HỎI Ả BÁN CHIẾU
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
(Nguyễn Trãi)


Họa:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!
(Nguyễn Thị Lộ)


Những quy luật về họa thơ đường:
 1. Chỉ dùng chữ cuối, không được dùng chữ kế cuối. 
2. Trong 5 chữ vần bằng: 1, 2, 3, 4, ta có thể đảo 4, 3, 2, 1, hoặc 1, 3, 2, 4 v.v.
3.  Họa vần: 5 vần tức là 5 tiếng (từ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong những vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị rớt.
Nhận xét: bắt buộc chữ thứ 7 trong vần bằng phải giữ nguyên, không thể đổi thành tiếng khác  được vì đổi như thế thì nghĩa của nó sẽ khác vớí nghĩa người xướng ( luật bên trên có nói). Nếu bí vần thì ta đảo thứ tự :5, 3, 4, 2, 1 
Đặc biệt những địa danh như: Sài Gòn, Chợ Lớn v.v.  thì giữ nguyên được (dù nó là chữ thứ 6, 7).
Bài xướng họa của hai thi nhân danh tiếng:
Tôn Thọ Tường sau khi làm tay sai cho Pháp có làm bài thơ vịnh chùa Cây Mai để bào chữa cho hành động hợp tác với thực dân Pháp, quay lưng lại với dân tộc:
Bài xướng:
           Vịnh chùa Cây Mai
Đau đớn cho mai cách dưới đèo,
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Sương in tuyết đóng nhành thưa thớt,
Xuân đến thu về lá quạnh hiu.
Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế,
Tò te kèn lạ mặt trời chiều.
Những tay rượu thánh, thi thần cũ,
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu.
( Tôn Thọ Tường)

Lê Quang Chiểu, tức cai tổng Chiểu ở thôn Phong Điền, Hậu Giang đã hoạ lại bài thơ đó với lời lẽ mỉa mai.
Bài hoạ:
Tìm mai mấy độ đã xa đèo,
Xót nhẽ thân gầy sắn vẫn leo.
Sương tuyết bốn mùa hoa sạch sẽ,
Gió đông đòi trận sắc tiu hiu.
Đẩy đưa cõi Phật hơi kèn sớm,
Quạnh quẽ nhành chim xế bóng chiều.
Thầm tiếc phỏng còn phong cảnh cũ,
Văn nhơn tài tử biết bao nhiêu ?!
 ( Lê Quang Chiểu)

Người ta cũng đòi hỏi bài họa phụ thuộc nhiều hơn vào bài xướng, khi bài xướng sử dụng một lối chơi nào đó thì các bài họa cũng phải sử dụng lối chơi đó, ví dụ ngũ độ thanh, khoán thủ, khoán vĩ, tung hoành trục khoán, nhất thủ thanh, nhất vận, tứ đối…và nhiều kiểu chơi khác rất phong phú, rối rắm mà có khi do người xướng cố tình đưa ra để “thử tài” các người họa phải tuân theo.
Dưới đây  một  ví dụ đặc biệt  xướng họa theo thể tung hoành trục khoán. 
 Ví dụ : Tung hoành trục khoán. 
Bài xướng:
NHỚ BẮC
Hai câu khoán:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
TỪ vùng chiến sự thế tiên phong
ĐỘ ấy binh đao quyết một lòng
MANG súng diệt thù tâm tỏa sáng
GƯƠM vung trừ ác dạ ngời trong
ĐI đầu chiến tuyến mười năm chẵn
MỞ lối khu Đ chín tháng ròng
CÕI mộng luôn nghiêng về hướng Bắc
TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG!
ST

Bài họa:
ĐI CHIẾN ĐẤU
TỪ trong huyết quản khí xung phong
ĐỘ nóng trào dâng bỏng cháy lòng
MANG nặng tinh thần luôn phấn khởi
GƯƠM ngời lý tưởng mãi tươi trong
ĐI đường thắng lợi quên mưa xối
MỞ lối thành công mặc nước ròng
CÕI lạ những đêm hoài kỷ niệm
TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG!
 ST

Tổng hợp, biên soạn: Nguyễn Cang , Hương Lệ Oanh, Trần Lâm Phát
Tài liệu tham khảo:
1. Phép làm thơ của Diên Hương,  nhà xuất bản Khai Trí năm 1961.
2. Khảo luận thơ của Lam Giang,  nhà xuất bản Sơn Quang năm 1967.
3. Tài liệu thơ văn trên net.



  






Không có nhận xét nào: