Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Ngày Tôi Xa Quê Hương- Quách Như Nguyệt






            Ngày Tôi Xa Quê Hương

Tôi có ý định viết về biến cố ngày 30 tháng Tư -một ngày quá ư là trọng đại đối với riêng cá nhân tôi và toàn dân Việt Nam năm 1975- tự lâu rồi. Nghĩ đến sẽ viết… Chỉ nghĩ thôi à các bạn ơi, vì tôi rất lươi huyền, hì hì…, đối với tôi, làm thơ đỡ mất thì giờ hơn nhiều, còn ngồi gỏ lóc cóc kể chuyện, mấy ngón tay tôi rất mỏi, viết lại không được hay… chả ai thèm đọc thì viết để làm gì cơ chứ?  Cứ nghĩ như thế nên tôi lại thôi.
Nhưng hôm nay cơn… ghiền nổi lên, làm cho tôi chăm chỉ ngồi xuống, nhớ lại ngày hôm đó...

***** 
Hôm đó là ngày 29 tháng Tư, năm 1975.  Tôi đang nằm chán chường đọc truyện thì nghe tiếng thằng nhóc ở nhà bên cạnh la to thật là to, to đến độ ở bên nhà tôi còn nghe được: 
“Sắp đi Mỹyyyyy….!  Sắp đi Mỹ rồiiiiiii…!” 
Tôi nghe thế bèn chạy xuống nhà nói với mẹ tôi: 
“Mẹ ơi, con thấy thằng Hòa con chú thím Bẩy vừa la lên là sắp đi Mỹ đó. Cả nhà bên ấy đang xôn xao. Mẹ qua nhà chú Bẩy hỏi thăm thử đi mẹ”.  Mẹ tôi vội vàng chạy qua bên nhà hàng xóm. Chỉ khoảng vài phút sau, mẹ tôi hối hả về nhà, bảo cả nhà phải sửa soạn để lên đường ngay lập tức!

Biến cố tháng Tư xẩy ra quá nhanh. Trước đó hơn cả tháng, mẹ tôi đã tìm đủ mọi cách, dò hỏi tìm đường đi. Nhà tôi là dân Bắc kỳ mà, đã phải chạy trốn Cộng Sản từ năm 1954, bố mẹ tôi đã từng nhìn thấy tận mắt cảnh đấu tố ghê rợn như thế nào rồi nên rất hiểu, rất sợ ở lại Việt Nam nếu Việt Nam mình không còn tự do dân chủ. Ông bà nhất định phải ra đi bằng mọi giá, quyết chí sẽ đi thêm một lần nữa, tị nạn Cộng Sản thêm một lần nữa, cho dù kỳ này, chuyến đi này có nghĩa là phải rời bỏ, bỏ lại tất cả nhà cửa, tài sản, phải lìa xa quê hương, không biết đến chừng nào mới có dịp trở về… Thời điểm đó, may mắn có bà chị thứ Năm của tôi đang học ở bên Úc nên bố mẹ tôi yên trí lắm!  Cùng lắm thì xin tị nạn ở Úc, nước Úc cũng là một đất nước tự do mà, ở bất cứ nơi nào cũng vẫn hơn là ở với tụi Việt Cộng gian manh.

Mẹ lo cho bố tôi và tôi đi trước. Có bà bạn của mẹ sẽ đi Mỹ, mẹ hỏi tôi có chịu làm con nuôi của bạn mẹ, để qua Mỹ trước một mình không? Mặc dù sợ lắm, không biết tương lai sẽ ra sao nhưng tôi cũng chịu (đúng là điếc không sợ súng) vì tôi không muốn bị ở lại với tụi VC!   Có nhiều tin đồn khủng khiếp là tụi VC sẽ bắt nhốt mấy cô nữ sinh lại, cô nào để móng tay dài, chúng sẽ rút móng tay!  Rồi người ta còn đồn đãi là học trò, nữ sinh viên sẽ bị ép lấy mấy anh cán ngố... vân vân và vân vân…  Tôi nghe mọi người xầm xì, mặc dù bán tín bán nghi, nghĩ rằng hầu hết những tin đó chỉ là tin đồn, tin vịt; nhưng nếu nhỡ đó là sự thật?  Tụi Việt Cộng mà, ác độc lắm mà, chuyện gì mà chúng chả dám làm?  Nên có nhiều người rất hoang mang! Lý do tôi chịu đi trước một mình vì tôi nghĩ đằng nào tôi cũng sẽ học đại học ở nước ngoài.  Mẹ tôi đã dự định nếu tôi không xin được học bổng, cho dù bất cứ giá nào; mẹ cũng sẽ lo cho tôi đi du học… khi tôi học xong lớp 12 trong vài năm nữa. Tôi vốn được cưng chìu, chả phải làm việc nhà gì cả, nên tôi biết, cho dù mơ hồ, rằng nếu bị đẩy vào một đời sống hoàn toàn mới lạ, xa nhà, xa quê hương, xa bạn bè, thân quyến… không có sự bảo bọc, thương yêu của bố mẹ thì tôi không biết mình phải xoay sở ra sao?  Cuộc sống mới của tôi nơi xứ người chắc chắn sẽ rất khó khăn và cực khổ!..... May quá!  Chuyện đã không thành. Và mẹ tôi lại tiếp tục tháo vát, đảm đang; bà nhanh nhẹn đi tìm manh mối, tìm đủ mọi phương cách khác. Tôi thấy những người làm sở Mỹ trong xóm tôi, từ từ ra đi bằng máy bay, ngày nào cũng có người đi. Tôi nghe thấy tiếng đạn pháo kích ầm ỉ mỗi ngày! 

Lúc đó, hai ông anh tôi từ chiến trường xa đã may mắn chạy được về nhà. Lúc đó, bạn trai của bà chị kế tôi, anh S. đang học năm chót Y khoa, gia đình anh ở Châu Đốc, cũng đến tạm trú ở nhà tôi. Mọi người chả biết làm gì khác hơn là chờ đợi. Trước đó khoảng vài ngày, cả nhà tôi đã dắt díu nhau đến chỗ hẹn, nhà của một người bạn mẹ, để cùng nhau ra phi trường đi bằng lối máy bay, nhưng lúc đó phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích nặng nề, tòa Đại sứ Mỹ cũng chả hơn gì, chẳng có một chút xíu an ninh gì cả.  Mọi sự, tất cả đều đã hổn loạn, chao đảo, dân Sài Gòn hoảng hốt!  Ngồi chờ ở nhà bạn mẹ tôi lâu thật lâu! Rốt cuộc mọi người phải quay về. 

Cho nên ngay buổi trưa hôm đó, ngày 29 tháng Tư năm 1975, nghe mẹ tôi nói như thế, mọi người đều mừng quá là mừng, vội vàng thay quần áo, vì đã có sẵn túi sách, vali từ mấy ngày hôm trước, nên chỉ trong vòng tích tắc là tất cả đã sẵn sàng để đi ngay. Khi tôi đi ngang qua nhà PK, bạn học Trưng Vương, nó thấy tôi và gia đình, người nào cũng tay xách nách mang, vội hỏi
“Mày đi đâu, cả nhà mày đi đâu vậy?” 
Tôi bảo nó: 
“Nghe nói có tầu ở bến tầu, nhà mày cũng đi luôn đi, đi mau, đi liền ngay đi … nếu không tầu sẽ rời bến đó”.

Đến bến tầu, có hàng rào kẽm gai ngăn chận lại; họ không cho vô. Ông anh cả tôi bèn lấy vòng vàng nhét vào tay mấy người lính để họ mở rào, nữ trang thì họ lấy nhưng rồi họ cũng nhất định không cho phép đi qua. May quá bố tôi làm quan thuế, công chức ở kho 11; có người nhận ra bố tôi nên họ mới nói với nhau để cho bố tôi và cả nhà đi qua khỏi cổng rào.  Chị dâu tôi, vợ của người anh thứ ba, bế theo đứa con gái 1 tuổi, con bé cháu đầu tiên của gia đình, ra tận bến tầu để tiễn cả nhà. Chị đứng đó đến giờ phút cuối cùng nhưng không đi vì chị đã quyết định ở lại.  Chị nói với mẹ tôi: 
“Nếu anh Tiến còn sống, con chắn chắn sẽ đi theo bố mẹ, theo gia đình chồng nhưng anh Tiến đã mất rồi, mẹ cho con xin phép được ở lại với ba má, gia đình con”.  
Chị dâu tôi đẹp lắm! Chị hát hay nên rất... hay hát, hihi... Tết đầu tiên sau khi lấy anh tôi, chị đã hát cho tôi và cô em út nghe nhiều bản nhạc Xuân, trong đó có bài Câu Chuyện Đầu Năm: “Trên đường đi lễ Xuân đầu năm, qua một năm ruột rối tơ tằm...”

Câu chuyện đầu năm

Lần đầu tiên có người hát riêng cho hai đứa tôi nghe, tụi tôi rất thích. Tôi thích và thương chị vì chị hay ăn hàng, ăn quà vặt, rất vui vẻ, hòa đồng với chúng tôi.  Tên chị là Kim Thạnh, nhưng ở nhà gọi chị là chị Bé.   Chị Bé chỉ tôi nấu chè, làm bánh, may quần áo. Chị là người Nam, tính tình thật thà, dễ chịu, dễ thương!  Chị hay cười, nụ cười thật tươi có 1 cái răng khểnh rất xinh. Đàn bà mà đẹp phần đông bị lận đận, long đong, khổ về đường tình ái. Chị dâu tôi trái lại, được chồng cưng yêu, mối tình của chị với anh tôi đẹp như mơ. Anh Tiến tôi và chị đang sống với nhau quá chừng hạnh phúc nhưng… cái số của chị đúng là số hồng nhan bạc phận mà!  Khi chị đang mang thai khoảng 6,7 tháng thì anh tôi bị tử trận. Thấy chị vác cái bụng bầu thật lớn, lết về nhà báo tin chồng chết, thấy chị khóc sưng vù cả mắt, xỉu lên xỉu xuống, gào khóc khi đi theo sau quan tài, ai mà không xót xa, mũi lòng thương chị và rơi lệ chứ?!

Tội nghiệp chị, lúc đó chị mới có hai chục tuổi đầu. Chị ở lại Việt Nam là một quyết định quá sai lầm vì chị là người Nam nên ngây thơ chưa biết, không hiểu rõ bọn Việt Cộng ác độc như thế nào; mẹ của chị lại là dân nằm vùng nữa… nên chả trách được. Hơn một năm sau đó, chị giẫm mìn chết thảm khi đang đi lao động ở vùng kinh tế mới. Cháu gái của tôi thế là mồ côi cả cha lẫn mẹ, nó phải ở với ông bà ngoại nó. Bà ngoại cháu chắc về sau này ân hận ghê lắm! Ân hận vì đã từng là VC nằm vùng, ân hận vì đã không bỏ chạy, chạy khỏi, chạy trốn cái chính thể độc tài, tàn ác, tham lam, chỉ biết vơ vét của công làm của riêng. Bọn Cộng Sản Việt Nam đúng là một lũ cầm quyền ngu dốt, láo khoét, không hề biết thương dân, yêu nước. Sau khi lấy miền Nam, chúng đã đưa đất nước tôi trở lùi... đi ngược lại với thế giới văn minh, trở thành một quốc gia thấp kém, nghèo nàn, đói khổ.  Các quân nhân, công chức bị bắt giết, tù đầy.  Biết bao nhiêu người đã liều chết ra đi, vùi thây nơi biển cả...

Mẹ tôi thương đứa cháu nội của bà, cứ tiếc nuối mãi.  Mẹ nói hoài:
“Biết thế cứ dằn lấy nó, bế nó theo nhỉ.... chắc mẹ nó cũng cho nó đi mà!”
Cho dù chính bà và chị em chúng tôi có gửi tiền về khá nhiều, rất đều cho cháu nhưng mẹ tôi vẫn khắc khoải hoài, chẳng thể nào yên tâm, cứ thương nhớ đứa cháu nội còn kẹt lại.

Cả nhà tôi may mắn, đúng là trời thương, đi được hết: bố mẹ tôi, vợ chồng ông anh cả, hai ông anh độc thân, chị kế tôi và bạn trai, tôi và nhỏ út. Tất cả mười người.  Chúng tôi đi bằng một chiếc tầu lớn của tư nhân có tên là tầu Anh Tuấn.  Trước đó vài ngày, chú của mẹ tôi (ông làm việc về hàng hải) có đến nhà trả lời cho mẹ tôi biết là họ không nhận thêm người nữa, cho dù mẹ tôi đã chịu trả 15 lạng vàng cho mỗi đầu người -theo ý họ- để được đi.  Thất vọng quá nhưng mẹ tôi cũng cứ sang tên nhà lại cho ông.  Không ngờ ngày 29 tây, ngày cuối cùng của cuộc nội chiến thảm khốc tương tàn; chiếc tầu mà gia đình chúng tôi cùng leo lên lại là tầu Anh Tuấn!

Người ta leo lên tầu nhiều chật nứt, đâu cũng thấy người, người nằm ngồi la liệt. Gia đình chúng tôi ngồi gần ngay bếp, chỗ có cầu thang đi xuống hầm tầu, tương đối rộng rãi, đêm nằm ngủ thoải mái, có thể dạng chân dạng tay chứ không phải nằm chật chội sát cạnh bên nhau như xếp cá hộp. Trên đường đi có tiếng súng bắn nổ đì đùng, nghe rất gần, veo véo bên tay, chát chúa làm cho mọi người khiếp đảm. Mọi người đều nghĩ họ bắn theo tầu của mình nên lo sợ lắm!  Khi đi ngang qua Vũng Tầu, tôi thấy lòng mình bâng khuâng, nơi tôi sinh ra đây mà...  (khi tôi gần 2 tuổi thì gia đình tôi dọn vào SàiGòn) ấy thế mà tôi chưa hề được trở về thăm, dù chỉ một lần (thỉnh thoảng mẹ tôi có đi VT, sao tôi không đòi mẹ cho tôi đi theo nhỉ?)  Tôi chẳng thể nào hình dung nổi Vũng Tầu nhìn ra làm sao, bãi biển có đẹp không, tôi sinh ra ở bãi trước hay bãi sau (tôi không hỏi mẹ tôi) và đã thầm nghĩ trong đầu: “Vĩnh biệt Vũng Tầu, vĩnh biệt Việt Nam, không biết bao giờ mới có dịp trở về?  Không biết trong cuộc đời còn lại của mình, mình có sẽ được thấy, được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình không?  Chào quê hương yêu dấu!”

Chỉ sau vài tiếng lên tầu thôi, thì tôi bị có tháng.  Rầu ơi là rầu!  Tôi chẳng phòng hờ, chả mang theo gì cả, thấy xấu hổ quá, sợ mọi người nhìn thấy nên tôi cứ ngồi lì, ngồi yên tại chỗ, chả dám đứng dậy, chả dám đi đâu. Thời gian trôi qua thật não nề, chậm chạp. Cũng may tôi không bị ra nhiều, sau đó còn xin xuống được dưới hầm tầu để tắm rửa và thay quần áo. Lúc đó nước ngọt rất quí nên tôi chỉ được tắm bằng nước biển, tắm xong, cả người tôi cứ dính dáp, rin rít thế nào ấy, rất là khó chịu. Làm đàn bà, con gái rất là khổ quí vị ơi, tôi “công nương” quen rồi nên với tôi, ngay ngày đầu tiên rời khỏi quê hương, tôi đã thấy khổ, khổ quá rồi!

Các bạn biết sao không?  Cho dù lương thực, nước uống họ dự trữ rất nhiều nhưng vì có nhiều người leo lên tầu quá nên chủ tầu và ban quản lý rất dè xẻn khi phát nước, phát cơm.  Gia đình tôi may mắn lắm, vì ngồi ngay bếp nên khi được chia phần ăn, nhà tôi được chia trước hết, anh đầu bếp lại có cảm tình với gia đình tôi; anh luôn luôn đưa phần ăn nhiều nhất cho chúng tôi. Chưa bao giờ tôi thấy được ăn ngon như thế, cơm trắng và cá khô thôi nhưng sao mà thơm ngon đến thế. Tôi còn đòi anh cho ăn cơm cháy nữa, cơm cháy giòn rụm, thơm phức ăn với cá khô chiên mằn mặn giòn tan, ngon thì thôi! Còn có lạp xưởng và ruốc thay đổi cho mỗi buổi nữa… Đang đói bụng, nên cho dù ăn cơm khô khan, tôi vẫn thấy quá ngon!

Đêm hôm đó, mọi người nghe radio thấy Trịnh Công Sơn hát bài “Nối vòng tay lớn”.  Mất! Mất rồi! Mất nước thật rồi! Hỡi ơi… Tôi thấy buồn ơi là buồn!  Buồn quá đỗi!

Mặc dù nhớ trường, nhớ bạn; mặc dù là thân phận người tị nạn long đong... đêm thứ hai trên tầu; tôi cũng vẫn... mơ mộng như thường. Đêm tối mịt mùng nên trăng sao sáng tỏ, lung linh và lung linh!  Nước biển nhấp nhô, lấp lánh ánh trăng vàng. Tôi ngồi ngắm trăng ngây ngất!  Ngồi yên lặng một mình, tôi nghĩ đến quê hương, nghĩ đến bạn bè, nghĩ đến họ hàng thân thuộc còn kẹt lại và tôi rơi nước mắt. Nước mắt chẩy ra ràn rụa. Ôi, quê hương ơi, quê hương tôi sao quá lầm than!  Những người còn ở lại rồi sẽ ra sao? Tôi cảm thấy thương tâm quá!

Trưa hôm sau, ngày thứ ba lênh đênh trên biển, tầu đang đi êm ru thì bỗng dưng có bão. Đúng là giông tố bão bùng! Mưa ầm ầm, mưa to gió lớn; gió rú, rít lên bay phần phật mấy tấm phông che.  Mấy người đàn ông phải hùa lại ôm, phải giữ lại phông che vì gió đã bật, tróc lên, làm bay mất đi một số. Tầu Anh Tuấn là một chiếc tầu khá lớn, thế mà nó như một chiếc lá bé nhó, bồng bềnh, chông chênh trên mặt biển. Đại dương mênh mông, bao la quá! Trời bỗng tối xầm, đen kịt lại, âm u. Chiếc tầu bị nhào lên nhào xuống, lắc lư thật mạnh như sắp bị úp ngược lại. Thật hãi hùng! Mưa gió lạnh lùng, lạnh đến buốt xương! Lần đầu tiên tôi mới biết run lập cập là run như thế nào? Hai hàm răng đánh vào nhau nghe lập cà lập cập đó mà! Tất cả mọi người đều muốn chạy xuống hầm tầu cho đỡ ướt.

Tôi ngồi co ro, nhắm nghiền mắt lại vì sợ hãi; nhiều tiếng la hét hốt hoảng ở chung quanh, có nhiều người dẫm lên người tôi mà đi, họ dành nhau chạy xuống hầm tầu. Tôi nghe tiếng năn nỉ, tiếng khẩn khoản cầu Trời, khấn Phật, van xin Chúa... Tôi cũng nghe thấy mình nói thầm, tụng kinh cầu xin đức Phật cứu vớt chúng tôi, xin Phật Bà QuanThế Âm cứu khổ cứu nạn... giúp chúng tôi vượt qua khỏi cơn khổ nạn nầy. Con tầu quá bé nhỏ trong gió bão, sóng gầm lên, sóng nổi trận lôi đình, giận dữ, nhồi thật mạnh như muốn hất tất cả mọi người xuống lòng đại dương! Tiếng gào khóc chung quanh làm cho thần kinh tôi căng thẳng, nhức óc, mệt lã cả người.... 

Bây giờ nhớ đến cái cảnh tượng ngày hôm đó, tôi lại thấy buồn cười, bình thường thì không thấy ai nhớ đến Phật, đến Chúa cả, đến khi xẩy ra chuyện thì mọi người mới kêu xin, mới nhớ đến, mới van nài...  có quá trễ lắm không?!

Rồi thì cũng có người đỡ tôi xuống dưới, không còn bị mưa ướt và gió lạnh nữa; nhưng khi ở hầm tầu, không khí không thoáng như ở phía trên, tầu lại lắc lư, nhồi rất mạnh, trồi lên rớt xuống kinh khiếp quá! Trong suốt cuộc đời tôi, chưa bao giờ tôi bị nôn mữa một cách dễ sợ, kinh hoàng như thế, đó là lần đầu tiên và mong rằng cũng là lần cuối cùng… vì cái cảm giác đó ghê rợn lắm các bạn ơi! Khi đó tôi mới hiểu ra khi người ta nói ói đến mật xanh, mật vàng là như thế nào!!!  Có nghĩa là bao tử mình đã không còn gì để ói, đắng nghét những chất nước mầu vàng vàng, xanh xanh vẫn cứ ọe ra (xin lỗi đã tả chân, hổng được thanh tao cho lắm nhé, hichic..). Tôi thấy đau quặn bụng!  Nước mắt nước mũi tràn ra, nhức đầu, chóng mặt quay cuồng đến độ gần ngất xỉu!

Cơn bão, dù có lớn cách mấy, rồi cũng qua đi. Người nào người nấy đều như cái mền rách, mặt trắng bệt, xanh xao... ngoại trừ một số rất ít người không bị say sóng và thật là khỏe mạnh, còn lại thì ngất ngư, mệt đờ người, nhừ tử! Cả người tôi ướt sũng,  tôi phải lò dò lấy bộ quần áo khác để thay. Ngày hôm sau, tôi thấy người ta cột quần hoặc áo của họ vào 1 dây thừng bằng ny lông, xong thả xuống biển để...giặt.  Tôi cũng bắt chước làm theo.  Lúc đó tôi đã khá hơn, chai lì hơn nên không còn biết mắc cỡ là gì cả (nói vậy chứ cũng còn chút chút, hihi....).  Tôi đã ráng làm mặt tỉnh, cột cái quần lót dính đầy vết dơ thả xuống dưới biển, may quá cũng chẳng có ai thèm để ý.  Tầu chạy bong bong kéo theo sợi dây thừng, lần đầu tiên tôi cột không chặt nên bị mất toi cái quần xì líp! Sau đócó kinh nghiệm hơn, tôi cột thật chặt!  Nước biển quả thật là mầu nhiệm, giúp khử trùng và làm sạch sẽ một số quần áo của tôi.

Tôi gặp PK -nhỏ bạn Trưng Vương-  trên tầu, thì ra là nhờ tôi mà gia đình nó cũng đi được. Gia đình của nó mang theo rất nhiều thức ăn. Lúc đi, mẹ tôi cũng quơ theo vài ổ bánh mì, giò chả... mang theo được cả cái nón lá nữa cơ đấy... nhưng thức ăn đã hết ngay trong ngày thứ hai; vả lại nếu còn, bão tố cũng làm bánh mì ướt nhẹp hết, không ăn được. Mẹ tôi muốn mua sữa cho bố tôi uống, mua mì gói cho mấy đứa con nên tôi nói lại với PK.  Các bạn biết sao không? Mẹ của PK đòi bán $10, $15 đô cho mỗi thứ (đúng là cắt cổ!). Biết là đắt, nhưng vì cần thiết nên mẹ tôi cũng phải mua.

Hảo, em gái tôi, tình nguyện làm người đi phát nước. Nó và một anh nữa, người cầm thùng nước, người mang theo một cái ấm to và một cái ly nhỏ. Những người tị nạn có đồ chứa nước, Hảo đổ nước từ ấm to vào trong đó; người nào không có, Hảo rót nước vào cái ly nhỏ cho uống tạm.  Nghe Hảo kể có một số người vì khát nước quá, đã phải uống cả nước tiểu của mình.  Tầu Anh Tuấn lớn lắm quí vị à, Hảo nó đi phát nước hết một vòng cũng mất hơn cả tiếng rưởi đồng hồ. Lúc đó, khát nước, nắng lại chói chan đến hoa cả mắt, người đi phát nước chắc nhìn giống như một... nàng tiên tuyệt diệu, từ trên trời rơi xuống, ha các bạn?   Bởi thế có nhiều người biết và nhớ mặt em tôi lắm. Khi ra đến trại tị nạn, có nhiều người đã nhận ra nó, tay bắt mặt mừng với nó.

Tầu đi lang thang trên biển khoảng 5 ngày thì gặp tầu hải quân của Mỹ. Mọi người từ từ leo thang lên tầu lớn. Lúc đó, vì họ không cần dùng đến nước nữa nên tôi được cho xuống tắm ở tầng dưới, được tắm hoàn toàn bằng nước ngọt, chứ không là nước biển như vài lần trước đó. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng như thế; thoải mái, dễ chịu, quá ư là dễ chịu, thoáng mát, sảng khoái quá chừng đi.

Khi qua bên tầu Mỹ, có một người đàn ông duy nhất trên tầu Anh Tuấn (thì ra ông lại là bố của một người bạn tôi, bạn học trên đại học sau này) đã từ trần và họ phải thủy táng ông.

Buổi tối đầu tiên ở trên tầu Mỹ, tôi ngồi nghe ông anh trai và ông anh rể tương lai nói chuyện với mấy người lính Mỹ, thấy thích lắm! Tuy hiểu hết nhưng tôi rất nhát, chỉ cười cười ngồi nghe ké chứ chả dám nói năng chi. Tối hôm đó, tôi nghe từ radio của một người lính Mỹ bản nhạc “You are everything”.  Tuy mới nghe lần đầu, tôi đã thấy thích ngay.  
You are everything

Nẩy giờ N ngồi gỏ keyboard lóc cóc mà cũng đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi đó. Đói bụng rồi, N đi kiếm cái gì ăn nha... Chuyện đời tị nạn của N còn dài lắm nhưng tạm thời N chỉ kể đến đây thôi... từ từ, nếu chăm và có hứng, N sẽ kể tiếp nha…

Mỗi lần tháng Tư về, nhất là gần cuối tháng Tư; chúng ta đều cảm thấy buồn, thấy nhớ quê hương, thấy bâng khuâng, phải không các bạn?  Những người Việt tị nạn Cộng Sản không bao giờ quên một cuộc đổi đời to lớn của dân Việt Nam mình, ảnh hưởng đến biết bao nhiêu là thế hệ.

           Quách Như Nguyệt





Không có nhận xét nào: