Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XIII - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn XIII

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
*** 
Chữ Việt Cổ
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại

Đắng đãi: đợi chờ
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Chữ và Nghĩa 

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ. Giới biên soạn sách giáo khoa khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp. Chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ. 

Chết đuối đọi đèn chỉ là một “trích đoạn” vậy mà Ðại từ điển tiếng Việt diễn giải: “Thất bại hoặc chết vì những hoàn cảnh, duyên cớ tầm thường, không đáng phải chịu chết thiệt”. 
Trong khi câu đầy đủ của nó là Chết sông, chết suối, chẳng ai chết đuối đọi đèn lại được các soạn giả diễn giải như là: "Thà phải đương đầu với khó khăn lớn lao, chứ không chịu thất bại trước một đối tượng tầm thường". 

Ðọc những lời cắt nghĩa kiểu "vọng văn sinh nghĩa" trên ai cũng chẳng hiểu sao các soạn giả lại không chú ý đến tập quán thề nguyền của người Việt ngày trước? Hồi xưa, mỗi khi thề nguyền, ông bà chúng ta thường lấy các vật thể trong như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đèn nến, v.v. ra làm chứng giám cho lời thề. Ngoài ra, thời xưa chưa có đèn dầu hoả hoặc đèn điện, ông bà ta thường lấy một cái đĩa hoặc bát [tiếng địa phương gọi là ”đọi”], cho dầu lạc [= đậu phụng] và một ngọn bấc [= tim] vào để làm vật thắp sáng đêm đêm. 

Dựa vào văn hoá ấy, chúng ta có thể đưa ra câu tục ngữ một lời diễn giải gần với sự thật hơn như sau: “Người ta chỉ có thể chết đuối ngoài sông ngoài suối, chứ chưa thấy ai có thể chết đuối trong bát dầu lạc vốn được dùng làm đèn [và thường được đưa ra để chứng giám cho những lời thề]. 

Hay dùng để khuyên người đời chớ có vội tin vào những lời thề thốt, ngay cả những lời thề độc, vì nó chưa từng được ai coi là thứ chứng cứ xác đáng cả”. 
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

Câu Đối Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Anh bán thịt "thịt" chị bán thịt, "thịt" rồi lại bán, bán rồi lại "thịt"
Thầy sinh vật vật cô sinh vật, vật rồi lại sinh, sinh rồi lại vật

Chữ Là Nghĩa 1
Năm 1884, nước ta bị thực dân Pháp cai trị. Hịch Cần vương ban ra. Nghĩa quân nổi lên khắp nơi. Chống Pháp. Chửi Pháp.
- Nó bõ công bòn mười cạnh đúc một chữ, đéo mẹ bò 
Cầm như là kiếm ba năm thiêu một giờ, mồ cha cóc 

(Lê Trọng Đôn, Phú Trung Lễ Thất Hoả)

Crivier bị nghĩa quân giết. Bọn theo Pháp làm văn tế thương tiếc, phe chống Pháp làm văn tế chửi rủa:
- Nó bắt được ông 
Nó chặt mất sỏ 
Cái đầu ông đâu? 
Cái đít ông đó. 
Khốn khổ thân ông, 
Đéo mẹ cha nó..
(Văn tế Crivier)

Nguyễn Khuyến mỉa mai nhà nho của buổi giao thời:
Hễ nhà chủ chi đếch (*) nuôi hề 
Rồi ông xem đồ chúng bay
(Phú Đồ ngông)

Xem hoa, ta chỉ xem bằng mũi 
Đếch thấy hơi hương một tiếng khà 
(Tạ lại người cho hoa trà)

(*) đếch: đéo
(các cụ ta xưa cũng chửi thề - Nguyễn Dư)

(Chửi thề, văng tục – Nguyễn Dư)

Ru
Ru : chăng (từ để cuối câu)
(vô sự chẳng hơn có sự ru)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ Là Nghĩa 2
Ca dao đôi khi cũng chửi đổng cho hả giận:
Đù cha con bướm trắng, đù mẹ con ong vàng 
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua.

Truyện Phạm Công Cúc Hoa có đoạn kể:
- Trạng nguyên Phạm Công đánh đồng thiếp xuống âm phủ tìm Cúc Hoa. Dọc đường Phạm Công gặp đám con hầu của Cúc Hoa đang tắm dưới sông. Lũ con hầu thấy người lạ bèn cất tiếng chửi mắng, xua đuổi. Phạm Công bực mình chửi lại:
Đù cha lũ đi ăn mày 
Cả tớ lẫn thầy ăn đếch cho tao.

- Giới bình dân đã tạo ra nhân vật Trạng Quỳnh để chửi vua chúa, quan lại của triều đình phong kiến:
"Một hôm trạng Quỳnh sai người đến nhiều cửa hàng thịt đặt mua. Ngày mai đến lấy sẽ trả tiền. Lại dặn nhà hàng nhớ thái giùm thịt. Hôm sau, chờ mãi không thấy ai đến lấy thịt, các nhà hàng đến nhà Quỳnh hỏi thì Quỳnh nói:
- Không biết. Chắc có đứa nào chơi xỏ bà con đấy. Cứ réo tên thằng bảo thái mà chửi.
Bọn hàng thịt ức lắm, vừa kéo nhau về vừa réo ầm ĩ:
Tiên sư thằng bảo thái. Tiên sư thằng bảo thái 
Bảo Thái là niên hiệu của vua".

" Một lần Quỳnh bị chúa bắt trói, ngồi bệt ngoài sân nắng. Còn chúa thì ngồi chơi trong nhà. Bỗng Quỳnh cười như nắc nẻ. Chúa hỏi cười cái gì ? 
Quỳnh làm bộ không dám nói sợ chúa phạt. Chúa tò mò muốn nghe, hứa không phạt. Quỳnh mới thưa rằng buồn cười vì chuyện người đàn bà chửa ngủ với chồng.
- Ngủ với chồng thì sao ?
- Người đàn bà chửa ngủ với chồng thì chẳng khác gì thằng ở ngoài đụ mẹ thằng ở trong, thằng ở trong bú cặc thằng ở ngoài 
Chúa bị chửi, giận tái mặt ". (Truyện Trạng Quỳnh). 
(Chửi thề, văng tục – Nguyễn Dư)

Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh
Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng là dịch nôm câu chữ Hán: Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh, trong cổ văn.
Đây là một câu mà các học giả đời Hán đặt ra để vừa ca tụng vừa tỏ ý luyến tiếc nền văn học cổ điển của Trung Quốc, sáng ngời trong mấy thế kỷ trước, về thời Đông Chu.
Văn học Trung Hoa về thời Đông Chu quả thật xứng đáng cho các thế hệ sau ca ngợi, vì trong vòng ba thế kỷ (từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch kỷ nguyên), các học giả thời Đông Chu đã đưa nền văn học Trung Quốc từ chỗ thấp nhất đến chỗ cao nhất mà hai nghìn năm sau, không tài nào vươn tới.

Gần như cùng một lúc, Lão học, Khổng học và Mạc học đua nhau ra đời, tiếp theo là những học thuyết uyên thâm của Mạnh Tử, Tuân Tử và Dương Chu. Có thể nói được rằng hầu hết các lý thuyết hiện nay còn đương tranh giành ảnh hưởng trong nhân loại, như chủ nghĩa dân chủ, lãng mạn, vô chính phủ, duy vật, xã hội, quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến, phát xít, v.v… đều đã có đại diện từ thời bấy giờ. Tính theo thời gian thì nền văn học Trung Quốc đã bỏ xa nền văn học Âu châu vào khoảng 20 thế kỷ.

Vì vậy nên ngày nay, những học giả nghiên cứu về lịch sử văn hoá Á Đông đều phải thắc mắc về một điểm: Tại sao một nền văn hoá đương phát triển một cách tốt đẹp như vậy lại bỗng nhiên đứng dừng lại, khiến trong suốt hai nghìn năm về sau, Trung Quốc chỉ có lùi mà không có tiến về phương diện tư tưởng?

Ông Tibor Mende, một nhà học giả Tây phương, chuyên nghiên cứu về các vấn đề Á Đông, đã ví nền văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ như hai con sông lớn, đã mang sinh lực tưới khắp miền Đông Nam Á, bỗng dưng bị cạn hết nước. Nguyên nhân gì đã làm tịt ngòi? Ông nêu ra câu hỏi mà không trả lời.
(Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc – Hoàng Văn Chí)

Ca dao thề nguyền
Câu thề trót đã cùng ai
Khốn lui lỡ tới, luỵ dài đêm thâu
Xui chi bạc phước má đào
Hoa lài cắm bãi phân trâu giữa đường

120 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Lúc cùng ở với Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân chưa nổi tiếng. Tôi biết Tuân từ lúc anh còn làm thông tín viên ở Thanh Hóa cho tờ “Trung Bắc Tân Văn”. Đến khi tôi làm “Vịt Đực”, anh cũng thường lại chơi nhà báo, thỉnh thoảng lại quăng cho một hai bài, nhưng vì anh viết dài, nên nhà báo không đăng được. Những bài này hợp với một tờ báo - như “Ngòi Bút” của nhà xuất bản Hàn Thuyên của tập đoàn Nguyễn Xuân Tái, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh. Thực ra, trước đó, Nguyễn Tuân đã nổi tiếng trên văn đàn, với cuốn “Thiếu Quê Hương”, “Vang Bóng Một Thời”, nhưng thật trội, phải kể từ lúc anh viết truyện ngắn loại “Thèm Ốm” cho Trung Bắc Chủ Nhật", đến cuốn “Chùa Đàn”, “Tóc Chị Hoài, ”Chiếc Lư Đồng Mắt Cua" thì tên anh thật vững.

Nhưng nói riêng về cá nhân Tuân, tôi yêu mến anh thật, nhưng có nhiều điểm “tôi không thể nào thương nổi”. Chắc tôi cũng có nhiều điểm để cho anh không ngửi được, nhưng anh em cứ là anh em, lâu lâu không gặp nhau thì nhớ, mà gặp nhau thì hôm trước hôm sau có chuyện “tẩy” lẫn nhau... gia rít. Tôi còn nhớ hồi về Thanh Hóa thăm anh. Đi tầu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát sau đi ngủ liền. Tuân nhè đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy, bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì rét mà ở ngoài tối om như mực, không đi không được. Tôi đành phải chiều anh bạn “lọ”. Anh bắt vòng hết đường này sang đường khác, rồi rủ đi ăn bánh ướt ở một căn nhà lá mà anh bảo là ngon nhất Thang Mộc Ấp. Riêng một cái việc ngồi chờ bà cụ bán hàng thắp đèn lên, tráng bánh, rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ. 
(Vũ Bằng – Bốn Mươi Năm Nói Láo)

Khôn... dại…
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Hai câu thơ bị ai đó ở miền Bắc lật ngược thơ của 
Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nguyên văn như dưới đây:
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn

Đồng thời người trong Nam cũng vay mượn thơ 
của Nguyễn Bỉnh Khiêm để làm nhạc. Ấy là câu: 
“Không thấy hoa nở chẳng biết xuân về hay chưa”.

Lời nhạc trên nằm trong bài Thú Tiêu Dao:
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng
Nhìn hoa nở mới hay xuân
(Nguồn Talawas.org)

Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 
Nguyễn Tuân
Chùa Đàn, một tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, đọc xong, tôi không hiểu nó có trên mặt đất này không? Nửa người, nửa ma quỉ, nửa hư nửa thật. Đặc biệt nhất tôi phải chú ý là những hình tượng của tác giả dựng lên, có cái rất hiện thực, có cái ma quái một cách rất hiện thực. Tôi xin nói ngay kẻo quên:
Đó là hình ảnh những con rắn từ trong đám mả bò ra đớp những tàn đuốc… đó là ma quái mà rất hiện thực. Còn như Những Chiếc Ấm Đất thì vừa ly kỳ vừa hiện thực. Hình như Nguyễn Tuân có những chi tiết ly kỳ trước rồi mới dựng lên câu chuyện để dùng những chi tiết ấy

Tóm tắt câu chuyện:
Một người uống trà chuyên nghiệp, có những bộ đồ trà rất quí. Uống trà phải nấu với nước xin ở chùa Đồi Mai, ở cái giếng ấy mà thôi, không đâu khác. Mỗi lần xin, người đầy tớ chỉ gánh được một gánh, xa hằng nửa ngày đường...
Thời gian qua, một hôm sư cụ chùa Đồi Mai đang ngồi uống trà với một người khách, thì bỗng có một người ăn mày vào xin cơm chùa. Sư cụ thấy người ăn mày có vẻ khác thường, bèn mời một chung trà. Người ăn mày đưa hai tay nâng lấy và uống với cung cách một người sành uống trà. Uống xong, người ăn mày trao lại chiếc chung cho sư cụ, và lễ phép thưa:
– Bạch sư cụ, trong vòi ấm có cái vỏ trấu. 
Sư cụ rất đỗi ngạc nhiên, bèn trút xác trà ra, quả nhiên thấy cái vỏ trấu y như lời người ăn mày vừa nói. Phải uống bao nhiêu ngàn bình trà mới có kinh nghiệm ngửi thấy được cái mùi vỏ trấu trong vòi ấm?
Sư cụ hỏi lai lịch, thì ra đó là người bạn đã từng xin nước giếng chùa này, nay sa sút phải đi ăn mày. Người ăn mày lại cầm lấy chiếc ấm trà úp xuống mặt bàn và nói: Đây không phải là loại Thế Đức hoặc Mạnh Thần, vì “vòi và miệng ấm khi úp xuống không cùng cắn mặt bàn”
Những chi tiết truyện Nguyễn Tuân đều cầu kỳ hiếm thấy như: chém treo ngành, những con rắnvỏ trấu
(Xuân Vũ)

Chữ Quốc Ngữ
Chức ngự sử trong lịch triều vốn dùng để chỉ các vị quan có nhiệm vụ can gián vua. Muốn giữ trọn chức vụ “ngự sử” cần học rộng tài cao, sáng suốt, can đảm và cương trực như ngự sử Phan Đình Phùng (1847-1896) thời Tự Đức. 
(Phan Khôi, Ngự Sử Văn Đàn - Hoàng Yến Lưu)

Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Ai về nhắn với ông sư
Đừng nhang khói nữa mà hư mất đời

Nguồn Gốc Tộc Việt 
Thuyết thứ nhất
- Thuyết thứ nhất dựa vào văn bản (những bộ sử hay truyện của người xưa viết ra để lại) chủ trương người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc đi xuống. 
Các tác giả có công xây dựng nên thuyết này đầu tiên phải kể đến những học giả người Pháp như Edouard Chavannes, Léonard Aurousseau. Nhiều học giả nổi tiếng người Việt đã phụ họa thêm vào thuyết này như Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim … 
Có điều lạ cần nhấn mạnh là những học giả người Pháp tuy có gốc thực dân, dựa vào những sách của các tác giả Trung Hoa cũng thực dân không kém như Tư Mã Thiên… đã giả thuyết rằng người từ phương Bắc đây, vốn thuộc đại tộc Bách Việt, vì sự bành trướng của nòi Hoa Hán dưới thời Tần nên phải di cư xuống Bắc Việt để cùng với dân bản xứ đã có sẵn ở đó từ trước (Madrolle CL. Les populations de LIndochine, Paris 1918).

Những tác giả vốn là người Việt nói về nguồn gốc dân mình lại không bằng những ông Tây kể trên. Nhiều người còn nghi ngờ cái nguồn gốc Bách Việt của mình, cuối cùng còn sản sinh ra một đứa con hoang cho rằng dân Việt Nam chỉ là một bộ phận của người Trung Hoa hết đợt nọ đến đợt kia sang thực dân ở đây, khi hoàn cảnh thuận lợi đã lập ra nước riêng có tên là Việt Nam (Nguyễn Phương, GS Đại Học Văn Khoa – Việt Nam thời khai sinh – Viện Đại Học Huế 1965).

Mới xem giả thuyết này có vẻ không sai vì quả đã có một cuộc di cư của người từ phía nam sông Dương Tử, vùng nay thuộc các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây đi xuống phía Nam từ khi nhà Tần thống nhất đại lục, lập ra một chính quyền trung ương dưới sự thống trị của nòi Hoa Hán (chỉ mấy trăm năm trước Công Nguyên). 
(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Giai thoại làng văn xóm chữ
Với tôi (Trần Tuấn Kiệt) sách Hồ Hữu Tường viết cũng như Bùi Giáng, cả hai đều là hai cây triết gia đại thụ cả, tôi lên Ngã Bẩy, thấy Bùi Giáng tả tơi vác cái lồng sắt, có mấy con chồn đi bán, ông nói bán được lắm. Sau này không thấy ông bán chồn nữa mà thấy ông gầm gừ, nạt nộ xe qua đường. Thiên hạ bảo ông điên, gặp ông tôi kéo ông vào quán café, gần Ngã Bẩy cùng uống café hỏi thăm sức khỏe ông và hỏi: 
“Ông thấy tư tưởng Martin Heidegger bây giờ thế nào?”
Bùi Giáng nói: 
“Ðương thời mình viết còn không hiểu, bây giờ thì làm thế nào mà hiểu được!” 
Rồi ông vừa nói với tôi vừa cười hề hề:
(Giai thoại và sự thật – Viên Linh)
Tú Kếu


Trong một bài Báo Xuân gần đây từ trong nước gửi ra hải ngoại, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt viết rằng: Từ sau tháng 4, 1975, miền Nam mất hẳn một thể loại văn chương vốn trước đó phồn thịnh: đó là Thơ trào phúng.
Trào phúng, hay châm biếm, thường là “khí giới” của nhà thơ dùng để chống lại kẻ mạnh. Trên báo chí miền Nam trước 75, báo nào cũng có ít ra là hai mục châm biếm: mục văn xuôi, nhất thuộc loại “Ao Thả Vịt,” hay “Radio Catinat,” hay “Tin Trời Biển,” viết theo lối hư mà thực, hư hư thực thực, loại tin đồn không có lửa sao có khói, bởi lẽ viết đích xác ra thì sẽ rắc rối, nếu không bị kiện ra tòa thì cũng ăn đòn hội chợ, hay bị bắn sẻ. 
Mục này có khi được đưa ra trang nhất. Ở trang trong mục đó thông thường là một mục thơ, Thơ trào phúng, có khi gọi là Thơ Chua, Thơ Chì, Thơ Xám. 

Với Tú Kếu, một trong những thi sĩ của thể loại này, mục của ông có tên khởi đầu là Thơ Ðen. Thơ châm biếm của ông lên tới độ có thời gian có tới 4 nhật báo mua thơ ông mỗi ngày, ông trở thành thi sĩ duy nhất không cần mưu sinh bằng nghề gì khác (dù dạy học), vì thơ đã nuôi ông. Ông giữ bốn mục Thơ Ðen, Thơ Chì, Thơ Xám, Thơ Chua cho bốn tờ báo khác nhau.

Ông vẫn làm thơ khi cộng sản chiếm được miền Nam, không có báo đăng thì truyền tay cho bạn bè, và rồi, sau những móc ngoặc, Tú Kếu bị đưa ra tòa cộng sản, và bị kết án 18 năm tù
Hình như chưa có thi sĩ nào bị kết án nặng như thế.
(Tú Kếu với bản án 18 năm tù cộng sản - Viên Linh)

Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

nhân huynh 仁兄 

Ðây là một từ dùng trong việc xưng hô, để tôn xưng một người bạn quý. Soạn giả đã nói đúng nghĩa của từ nay. Huynh 兄 là anh thì ai cũng rõ rồi, nhưng, phải chăng, nhân là người? 
Cứ theo nghĩa của từ này thì người đọc tinh ý, dù không biết chữ Hán cũng cảm thấy đáng ngờ khi soạn giả giảng rằng, nhân là người. Thật vậy, ở từ này, nhân 仁 là có tình thương yêu con người, là có phẩm chất tốt đẹp (khác với chữ nhân 人 là người). 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ Nghĩa Làng Văn
Nõn nường
Đời sau, không biết từ bao giờ, tín ngưỡng phồn thực chày cối bị nõn nường  thay thếNõn (sinh thực khí nam) nường (sinh thực khí nữ) rất trần tục, trần trụi.
Một vài làng xã miền Bắc "quá khích", cử 18 cặp trai gái rước ba mươi sáu cái nõn nườngĐám rước được một cụ giàu kinh nghiệm bản thân dẫn đầu. Cụ biểu diễn cảnh nõn nường quấn quýt nhau. Đâm vào, rút ra. Trai gái theo sau múa theo cụ. Dân làng ai cũng thích xem rước nõn nường.
Có người chế diễu: 36 cái nõn nường, cái để đầu giường là 37.

Tranh dân gian Oger (1908) có tấm Đón dâu ngoài cổng cho thấy tục giã cối  còn có mặt cả trong lễ cưới và tục này còn tồn tại ở một số làng đến tận đầu thế kỉ 20.
Hôm làm lễ rước dâu, nhà trai cho đặt sẵn một bộ chày cối trước cổng. Chờ lúc họ nhà gái đến gần thì sai người  giã cối đón mừng cô dâu. Giã cối tạo tiếng vang rộn rã, đồng thời chúc cô dâu sớm có "con bồng con bế" cho vui cửa vui nhà. Tranh Oger dí dỏm cho biết nhà trai mong muốn cô dâu chú rể hạnh phúc đến độ... chày hăng say đâm vỡ cả cối, chảy cả nước!
(Nguyễn Dư)

Tác giả cuộc đời và sự kiện
Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu
Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu sinh ngày 14-3-1900 tại Hà Nội. Thuở nhỏ ông được ông nội dạy chữ Nho sau học chữ quốc ngữ. Ông khởi viết năm 1931 trên báo Phong Hóa, Ngày Nay nên là thành viên trong Tự Lực Văn Đòan. Mất ngày 13-7-1976 tại Hà Nội.

Hồ Trọng Hiếu làm thơ trào phúng nhờ Nhất Linh khuyến khích và lấy bút danh Tú Mỡ vì trọng vọng nhà thơ Tú Xương.
Tác phẩm Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu: Thơ Tú Mỡ, Giòng nước ngược, Tấm Cám, Bình Dương Lễ Tân Thời (Chèo). V…v…

***
Doãn Quốc Sỹ vừa dậy học vừa viết văn. Ông vào Nam năm 54 và sống tại Sài Gòn. Năm 56, sáng lập Nhà xuất bản Sáng Tạo và tạp chí văn nghệ cùng tên với Mai ThảoThanh Tâm TuyềnTô Thùy Yên v.v. Ông là tác giả khoảng 25 tựa sách, nổi tiếng nhất là bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau gồm 4 tập: Ba sinh hương lửa, Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, Tình yêu thánh hóa, Đàm thoại độc thoại.

Ông đã lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), và là anh ruột Nhạc sĩ Doãn Nho, một người cộng sản nổi tiếng miền Bắc với những ca khúc Tiến bước dưới quân kỳNăm anh em trên một chiếc xe tăng v.v.
(Hòang Khởi Phong)

Một số điệu dân ca Nghệ Tĩnh


1. Hát giặm
Tiếng giặm có nghĩa là ghép vào, điền vào, đan vào một chỗ thiếu… xuất hiện ở Nghệ Tĩnh cách đây khoảng ba, bốn trăm năm.
Về nội dung, có nhiều bài hát giặm rất tình tứ. Về hình thức, phần nhiều các bài hát dặm đều gồm những câu năm chữ và cước vận, tức vần ở cuối câu: cứ hai câu cuối mỗi đoạn lại lấy một ý, điệp cả về ý, lẫn lời:

Ví dụ: 
Tôi lấy chân khoả lại
Tôi lấy bàn khoả lại

hay: 
Thấy những lời kêu trách
Nghe những lời kêu trách

Bài hát có bao nhiêu đoạn thì có bấy nhiêu lần điệp lại như vậy, nghe đọc thì thấy vướng, nhưng khi hát, nó làm nổi ý của câu hát, của cả bài.
(Vũ Ngọc Phan)

Hiện tượng phản ngôn ngữ 

Thứ ba, hiện tượng dùng các phụ từ “hơi bị”. 
Bình thường, trong tiếng Việt, “bị”, đối lập với “được”, chỉ những gì có ý nghĩa tiêu cực và ngoài ý muốn. Bất cứ người Việt Nam nào cũng biết sự khác biệt giữa hai cách nói “Tôi được thưởng” và “Tôi bị phạt”. Vậy mà, ở Việt Nam, ít nhất từ giữa thập niên 1990 đến nay, ở đâu, người ta cũng nghe kiểu nói “Cô ấy hơi bị hấp dẫn”, “Ông ấy hơi bị giỏi”, hay “bức tranh ấy hơi bị đẹp”, v.v.

Cuối cùng là hiện tượng các thành ngữ mới đã được Thành Phong sưu tập và minh họa trong cuốn Sát Thủ Đầu Mưng Mủ (sau đó bị tịch thu, năm 2011), bao gồm những câu kiểu:

ăn chơi sợ gì mưa rơi
buồn như con chuồn chuồn
chán như con gián
chảnh như con cá cảnh
(…)
Tất cả những hiện tượng trên đều có một số đặc điểm chung. Thứ nhất, có lẽ chúng xuất phát từ Hà Nội, sau đó, lan truyền ra cả nước, kể cả Sài Gòn. Thứ hai, chúng phổ biến trong giới trí thức lớn tuổi, kể cả giới học giả, giáo sư đại học và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Thứ ba, tất cả những cách nói ấy đều ngược ngạo, thậm chí, vô nghĩa. Chả có ai có thể giải thích được những kiểu nói như “buồn như con chuồn chuồn” hay “chán như con gián” hay “im như con chim”, “xinh như con tinh tinh”… trừ một điều duy nhất: chúng có vần vè với nhau. Vậy thôi.

Trong lịch sử tiếng Việt, thỉnh thoảng lại xuất hiện những hiện tượng mới, đặc biệt trong khẩu ngữ, nhiều nhất là trong tiếng lóng. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ lại có những hiện tượng nói năng ngược ngạo và vô nghĩa như hiện nay. Ở miền Nam trước năm 1975, người ta làm quen với những kiểu nói như “lính mà em”, “tiền lính tính liền”, “mút mùa Lệ Thủy”, “thơm như múi mít”, v.v. Với hầu hết những kiểu nói như thế, người ta có thể hiểu được. Còn bây giờ? Không ai có thể giải thích được. Chúng ngược ngạo đến mức quái đản, chúng vô nghĩa đến mức phi lý
.

(Nguyễn Hưng Quốc - Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)


Nam Kỳ lục tỉnh: Đất nước và con người
Người Nam Kỳ 
Nhưng khía cạnh tiêu cực của bản tánh hào phóng là sự thiếu cần kiệm, hoang phí, mà Trịnh Hoài Đúc phê là thói bốc rời. (trời?)
Bản chất đôn hậu, mộc mạc là một đức tính khác của dân Nam Kỳ và cũng bắt nguồn từ điều kiện sinh sống. Bản chất nầy cũng là một nhu cầu cần thiết trong cuộc cộng cư của dân tha phương. Trong một cộng đồng nhỏ, mọi người trước lạ sau quen tạo thành một đại gia đình quần tụ với nhau, do đó họ phải cư xử với nhau bằng tình nghĩa. Những hành động bất tín, bất nghĩa sẽ đưa đến bị loại trừ, phải bỏ xứ mà đi. Người dân Nam Kỳ nhớ ơn và trung thành chẳng những với người sống mà cả với người chết. Thông thường khi có giỗ chạp, ngoài việc dọn mâm cơm cúng ông bà cha mẹ còn có mâm cơm bày ra trước cửa nhà để cúng đất đai, cúng những người đã ra đi trong công cuộc vở đất mới, cúng thần linh đất đai để những người nầy phù hộ. 

Nói về sự phù hộ thì dân Nam Kỳ có không biết bao nhiêu thần hộ mạng bởi trên con đường lập nghiệp, họ gặp không biết bao nhiêu hiểm nghèo. Một con thú dữ, một con sông, một tiếng trời gầm, tất cả đều gieo cho họ sự sợ hãi trong bơ vơ, họ luôn cầu nguyện đất trời để phù hộ họ. 
Tới đây xứ sở lạ lùng 
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh. 
 
Sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt và dồng ruộng cò bay thẳng cánh lại là những yếu tố quy định cá tánh của dân Miền Nam. Sông rạch và đất nước bao la vì vậy đã tạo cho dân Nam Kỳ tánh khẳng khái, bộc trực, ít chịu cúi lòn, kém thủ đoạn. Tính lửa rơm, giận thì nói ngay, có khi hung hăng, nhưng rồi cơn giận cuốn đi theo sông nước, đồng ruộng bao la. 

Cái cá tính sẵn có ấy lại được tác động thêm bởi những ý niệm trung hiếu tiết nghĩa qua các truyện Tàu đã ảnh hưởng sâu đậm trong tâm tính của dân Miền Nam vào suốt tiền bán thế kỷ 20 và là một đặc thù của mảng văn học miền Nam. 
(Lâm Văn Bé)


Không có nhận xét nào: