Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Những Nỗi Đau Tháng Tư: Khể Ngọt Lẫn Khế Chua - Vhp Hạ Vũ

Những Nỗi Đau Tháng Tư:
                        Khế Ngọt Lẫn Khế Chua

Thế rồi Hồng trở về quê hương nơi có “chùm khế ngọt lẫn khế chua” để Họp Mặt Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Viện Hán Học Huế.  Đầu tiên Hồng liên lạc với Ngọc ở Bình Dương.  Hai người hẹn cùng nhau đến nơi họp mặt. Có lẽ Ngọc nôn nóng hơn Hồng nên trời còn sớm đã có mặt ở nhà Hồng rồi.  Ngồi vào taxi, Ngọc nói ngay:
– Mấy bạn trong Ban Tổ Chức cho biết có Anh Hai Công Đức đi dự nữa.
– Ủa, mình nghe tin đồn ảnh bị pháo kích chết hồi Tết Mậu Thân rồi mà.
– Ừ, mình cũng nghe như vậy, không biết tại sao có tin đồn  ác ôn quá.  Chút nữa gặp ảnh hỏi cho biết.  Chị Hai sao không về?
– Chỉ bị lãng trí rồi, làm sao các con chị dám cho đi?
Hai người bắt qua hỏi thăm gia cảnh của nhau, rồi liên miên kể những chuyện của ngày xưa thân ái.  Lúc xuống xe, bạn bè túa ra tay bắt mặt mừng, nói cười rôm rả.  Nước mắt hội ngộ còn đọng trên mi của một vài bạn nữ đa cảm, anh Hai chợt bước tới xiết chặt tay Ngọc và Hồng.  Nhìn dáo dác, anh hỏi:
– Chị Hai các em đâu, có về họp kỳ này không?
Hồng dí dỏm đáp:
-Chị Hai Lớn kẹt, không về họp được.   Có Chị Hai Nhỏ ở đây không, cho em chào chị một tiếng.
Anh cú nhẹ đầu nàng, thân mật nói:
– Con nhỏ này thiệt là… Ngày xưa mỗi lần gặp mặt các em, anh sợ lắm, biết không?  Bây giờ các em vẫn làm anh tiếp tục sợ.  Bà xã anh hôm nay kẹt việc gia đình, không đi với anh được.
Ngọc trêu:
– Chứ không phải anh buộc chị Hai Nhỏ ở nhà để anh đi gặp chị Hai Lớn?
– Lại nói tầm bậy nữa…
Hồng tiếp:
– “Tầm phải” chứ tầm bậy gì mà... bậy.  Anh nè, anh còn sống nhăn răng mà có tin đồn ác độc là anh đã “đoàn tụ với tổ tiên” vào Tết Mậu Thân.
– Tin đồn cũng khá chính xác đó em.  Anh bị thương suýt chết.  Nhờ bác sĩ người Mỹ cao tay nghề, thuốc men dồi dào mới còn đứng nói chuyện hôm nay. Nếu không, anh tiêu diêu miền cực lạc từ năm đó rồi.
Thấy các bạn còn đang tay bắt mặt mừng ồn ào nhộn nhịp, anh khều Hồng ra góc vườn  hỏi:
– Chị Hai của em lúc này ra sao?  Sao không về họp mặt vậy?
Hồng nhìn anh ngập ngừng, xuống giọng;
– Chuyện không được vui lắm.  Để sau buổi họp em kể cho anh biết.  Nói ra bây giờ mất vui của ngày Họp Mặt đi.
– Em không nói ra càng làm anh hồi hộp, càng làm anh mất vui.  Anh năn nỉ em, nói đi.
Nghe anh nói vậy, Hồng mới kể:
-Tháng 3 năm 1975, chị theo đoàn người di tản bằng đường bộ từ Cao Nguyên về Nha Trang, cận kề cái chết nhiều lần, và mất hết của cải, tài sản.  Chị khủng hoảng tinh thần, ngơ ngơ ngẩn ngẩn trong một thời gian.  Tiếp theo đó chồng đi tù cải tạo.  Không hiểu sao, chắc nhờ phước đức Ông Bà, chị đứng lên, vượt qua được cơn khủng hoảng đó.  Một mình chị bươn chải nuôi năm đứa con và chồng trong tù. Sau đó khi chồng ra tù, chị lo cho chồng và ba đứa con trai vượt biên.  Em gặp chị trong giai đoạn này và “phe phẩy” chung với chị.  Chị giỏi lắm, em không bằng một góc.  Chị là hình ảnh bà Tú Xương tân thời.  Mấy năm sau, chị đã chạy giấy tờ và cùng hai đứa con gái  đi đoàn tụ cùng chồng trước em hai năm.  Mấy năm gần đây chị bị Alzheimer, trí nhớ mất lần lần.  Bây giờ chị không còn nhận ra em nữa, nhưng chị vẫn nhớ một điều…
Hồng ngưng lại, hít một hơi dài để đè nén cảm xúc mình, rồi nàng kể tiếp:
-Anh à, thỉnh thoảng chị dặn con cái:  “Nhắc má đầu tháng đưa tiền cho anh Hai, đừng để má đưa sớm hơn.”  Chị là người con lớn nhất trong gia đình.  Các em của chị gọi vợ chồng chị là Anh Hai, Chị Hai nên các con chị tưởng mẹ dặn đưa tiền cho cha của chúng, chỉ có mình em là hiểu đúng ý chị thôi.
Nghe đến đây anh từ từ ngồi xuống bên gốc cây, gương mặt buồn rười rượi, mắt nhìn xa xăm.  Tiếng reo vui rôm rả của bạn bè bên tai Hồng, đột nhiên xa vắng như vọng lại từ một quá khứ thân yêu của một thời hoa mộng.  Nàng nhìn anh, im lặng…  Trong lúc này lời an ủi nào cũng thừa thải mà thôi!
Hồng còn đang tư lự bỗng thấy anh Văn tiến lại phía hai người, nàng liền bước về hướng Văn, để yên cho anh Hai sống lại với quá khứ của mình.
Khi đối diện Hồng, Văn thoáng chút lúng túng song anh trấn tỉnh lại ngay. Hồng bắt tay Văn, anh xiết chặt bàn tay nàng lâu hơn bình thường khiến nàng cảm thấy anh dành cho nàng một tình cảm đặc biệt. Anh mỉm cười lên tiếng:
– Chào Hồng, gần nửa thế kỷ qua mà mình còn có cơ duyên gặp lại hôm nay. Đúng là nhờ ơn Trời Phật.
Hồng đùa:
– Dân Huế mà mần răng trôi dạt vô Nam như ri?  Ngày xưa tôi ăn gạo của Huế chỉ có 5 năm thôi mà khi ra về nhớ ơi là nhớ, nhớ những cơn mưa Huế dai dẳng tối trời thúi đất, nhớ những lâu đài, lăng tẩm, nhớ ngôi trường của chúng ta soi bóng bên dòng sông Bến Ngự, nhớ Cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp, anh theo không kịp tội lắm o ơi,” nhớ cơm Âm Phủ, bánh bèo Vĩ Dạ, bánh khoái Đông Ba, nhớ núi…
Nghe đến đây, Văn ngắt lời nàng:
– Hồng còn nhớ con đường với hai hàng cây to rậm từ ngôi trường của chúng ta lúc còn tọa lạc tại Đại Nội dẫn tới nhà trọ của Hồng gần cửa Đông Ba không? Mùa hè cây cho bóng râm mát rượi, lúc mưa ôi chao âm u dễ sợ!  Tôi thì không thể quên con đường đó.  Nhờ nó mà tôi lấy hứng làm bài thơ Chiều Mưa đem tặng người mình yêu  mà bị “người ta” chê không nhận.  Bây giờ bài thơ này đã được phổ nhạc, chốc nữa tôi tặng Hồng một CD nhạc có bài thơ này.  Hi vọng nó không quá vô duyên để bị từ chối một lần nữa.
Hồng mỉm cười nói đùa:
– Mưa trong Nam khác mưa ngoài Huế.  Mưa Sài Gòn đến đột ngột, đổ xuống ào ào, rồi vụt tắt bất ngờ cho nên người trong Nam giận hờn đùng đùng nhưng không lâu, buồn khóc ào ào nhưng không kéo dài.  Kỳ này thơ nhạc của anh sẽ được nồng nhiệt đón nhận nhưng e không được giữ lâu trong tâm trí người nghe.
Văn đáp lại không kém bóng gió:
– Mưa xứ Huể rả rích dai dẳng kéo dài ngày này qua ngày nọ không dứt, nên tình người xứ Huế cũng tha thiết dai dẳng không ngừng.
– Lại nói “linh tinh” nữa rồi!
– Thật mà.  Hình ảnh của Hồng e ấp đi bên cạnh làm tôi nhớ mãi mỗi khi mưa rơi.
Hồng nói chận:
– Cô Hồng đó đã chết rồi, bây giờ chỉ còn bà Hồng chằn lửa thôi, khó ưa lắm.
– Với tôi, Hồng nào cũng chỉ là Hồng e ấp đi bên cạnh một chiều mưa mà thôi.
– Anh ơi, già rồi lại sống trong Nam mà vẫn giữ cái ướt át của mưa Huế, không sợ con cháu cười cho hay sao.
– Chúng nó không cười tôi mô.  Chính con trai tôi đọc mấy vần thơ tình của tôi, hiểu và thông cảm cha nó nên đã thúc giục tôi tham gia cùng các bạn tổ chức buổi Họp Mặt này.
Ngừng một lúc, Văn nói tiếp:
– Vì Hồng đó.
– Ui chao, coi bộ cha con anh giống nhau chi lạ!  Nó cũng ướt át như mưa Huế.  Nó mà gặp con gái tôi chỉ có từ chết tới bị thương mà thôi.
Cuộc đối thoại của hai người đến đây thì bị cắt ngang bởi anh Trưởng Ban Tổ Chức mời mọi người vào phòng hội.  Văn vội lấy dĩa CD thơ phổ nhạc của mình trao cho Hồng rồi cả hai đi vào.  Đến cửa, Hồng được các bạn gái xúm lại lôi đi ngồi chung một đám để tiện “đấu láo” cho vui.  Văn tần ngần nhìn theo một lúc, thở dài, lẳng lặng lên sân khấu cùng Ban Tổ Chức làm Lễ Khai Mạc và điều hành buổi lễ.
Sau màn diễn văn khai mạc, lễ truy điệu thầy và bạn quá vãng, là màn ca hát và kể chuyện ngày xưa thân ái.  Mọi người đua nhau lên sân khấu nhắc những việc mà ngày xưa họ giấu kín bây giờ mới dám hé môi. Trong không khí rộn ràng tiếng cười nói của mọi người có hai chàng “vui là vui gượng kẻo mà…”   Đó là Văn và anh Hai Công Đức.  Buồn và Vui là hai mặt không rời của tình yêu!
Hồng đang cảm thương hai người đồng môn lỡ ôm mối tình câm để bây giờ ngồi… tiếc và nhớ thì  Hoàng  đến bên nàng chào hỏi.  Hoàng học cùng lớp với Hồng được bốn năm, anh bỏ ngang vì thi đậu vào Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.  Hoàng có tư tưởng khuynh tả, gặp Kim (một nữ Cộng Sản nằm vùng) và tham gia trong phong trào sinh viên chống Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.  Anh được Kim kết nạp vào Đảng Cộng Sản và hoạt động trong giới sinh viên học sinh của Sài Gòn năm xưa.
– Chào cô Hồng, mấy mươi năm mới gặp lại, vẫn nhìn ra được cô Hồng ngày trước.  Cám ơn các bạn không chê tôi là người “bán đồ nhi phế” (nửa đường bỏ cuộc) đã cho tôi tham dự  buổi Đoàn Viên này.
Hồng nói đùa nhưng giọng nàng đượm mỉa mai:
– Không dám, ai dám không cho “quan nhớn Cách Mạng” tham dự?
– Thôi mà, đừng mỉa mai tôi nữa.  Tôi bị “vắt chanh bỏ vỏ”  và đã sáng mắt sáng lòng lâu rồi.  Có người muốn gặp cô Hồng, nhờ tôi chuyển lời xin phép nếu cô không chê.
– Tôi thuộc loại mà “công dân hạng hai” cũng không được xếp vào, làm sao dám chê ai.
– Chắc cô Hồng không quên cô Kim.  Cô Kim tìm cô lâu lắm rồi, biết tôi đi dự buổi Hội Ngộ đồng môn này nên nhờ tôi xin số điện thoại của cô giùm.
Nghe tin bạn tìm kiếm mình từ lâu, cơn giận năm xưa theo thời gian đã giảm, giờ giảm thêm, Hồng không ngần ngại cho số điện thoại và địa chỉ nhà cha mẹ nàng.
Tiệc nào mà không tàn, cuộc vui nào không kết thúc, nhưng nó mở ra một hứa hẹn gắn bó.  Mọi người ra về vui vẻ, nắm trong tay một danh sách của bạn bè cũ với địa chỉ, số điện thoại, và tíu tít hẹn gặp lại nhau.
Gia Long
    Sân trường trung học Gia Long                       
Hồng những tưởng khi gặp lại Kim nàng sẽ tiếp bạn với thái độ khách sáo như một người lạ, nhưng khi nhìn thấy mặt bạn, nàng lại mừng rối rít.  Sau khi thăm hỏi nhau về sức khỏe, con cái, cuộc sống hiện tại, Hồng châm ngòi:
– Sau 30 – 4 – 75, mình chờ bạn mãi mà bạn bặt vô âm tín.  Bạn ngại có người bạn là vợ của “ngụy quân” sẽ mất uy tín, ngăn trở con đường công danh của bạn chứ gì?
– Hồng đừng nói vậy.  Đứa em trai của mình là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tử trận tại Đà Nẵng.  Đứa em gái kế nghe lời mình đi vào bưng và hi sinh. Má của mình buồn, trách mình dữ lắm.  Riêng mình sau ngày Giải Phóng bị làm kiểm điểm suốt gần nửa năm vì “tội địa chủ.”  Chúng nó muốn loại trừ mình.
Không hiểu sao Hồng lại châm thêm:
– Ngày nào chửi Tổng Thống Thiệu làm tay sai bán nước, nhưng Việt Nam chưa mất một centimeter vuông đất nào cả.  Bây giờ mất Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa,  Cao Nguyên Trung Phần, rừng dọc 6 tỉnh biên giới Miền Bắc... cho anh em Bốn Tốt Mười Sáu Chữ Vàng.  Có công của bạn góp vào đó, dù là gián tiếp.
Thấy bạn ngồi im lặng không trả lời, mặt đượm buồn, Hồng chạnh lòng nói tiếp:
– Thôi bỏ qua chuyện chính trị đi, mất thì giờ của bọn mình mà không giải quyết được gì cả.  Nói chuyện tình cảm chơi.  Bây giờ mình kể chuyện tình của mình trước nghen.
Hồng kể sơ qua chuyện chồng con của mình xong kết luận:  “Trời cho thêm một đứa con không phải mang nặng đẻ đau mà có hiếu.  Thế là được lắm rồi.  Ông Trời không cho ai trọn vẹn cả, được cái này thì mất cái kia.  Đòi hỏi một sự tuyệt đối chỉ làm mình thêm khổ mà thôi.”
Trầm ngâm một lúc, Kim tâm sự:
– Kể cho Hồng nghe chuyện tình mình giấu kỹ bấy lâu để Hồng thông cảm mình hơn nữa.  Hồi mới chân ướt chân ráo bước vào đại học Văn Khoa Sài Gòn, mình quen anh Ân, được anh hướng dẫn giúp đỡ bước đầu.  Lâu ngày hai đứa yêu nhau.  Mình giấu chuyện hoạt động chính trị của mình nhưng anh rất tinh tế.  Qua những lần nói chuyện và những hoạt động nổi của mình trong phong trào sinh viên, anh biết mình là ai, làm gì nhưng anh không hề hỏi mình.
Anh là một người trẻ có tinh thần yêu nước cao, nhưng khác quan điểm chính trị với mình.  Sau đó, anh tình nguyện vào trường Võ Bị Đà Lạt làm mình rất thất vọng vì với tình yêu mà không lôi kéo anh theo mình được.  Thời gian đó mình đau khổ vì biết sẽ mất nhau.  Thư từ viết cho anh cũng tự mình hạn chế vì muốn giữ an toàn cho nhau.  Yêu mà không nói được, không gần được, ngay cả gặp mặt cũng không dám, đau khổ biết chừng nào!  Các anh chị trong Tổ Chức của mình lúc đó khuyên nên dứt khoát chọn một trong hai: tình yêu hay lý tưởng. Mình đã mê muội vì lý thuyết Mác vạch ra một xã hội đẹp tuyệt vời.  Mình chọn lý tưởng, vứt bỏ tình yêu vì muốn xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, người người hạnh phúc, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.
Hồng chận bạn lại, hỏi:
– Xin lỗi, bạn cho hỏi một câu trước khi kể tiếp.  Các đồng chí của bạn không khuyến khích bạn "nằm vùng trong lòng địch"  làm điệp viên thu lượm tin tức hay sao?
– Phải nói công bằng là không ai đưa ý kiến như vậy.  Riêng mình quan niệm tình yêu phải tuyệt đối chân thành, không nên gian dối.  Thà mất người mình yêu mà trong lòng người ấy vẫn còn có mình.  Thế là mình chia tay và tìm cách lánh mặt ảnh.  Anh ấy tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt xong, đi hành quân nơi xa liên miên.  Chúng mình bặt tin nhau mất mấy năm.
Sau đó có lần Tổ Chức bị động ổ nên mình phải vào chiến khu lánh nạn.  Nơi đây, mọi người phải tham gia lao động tay chân để có rau, gạo, mắm muối mà ăn.  Thời gian này thật khổ cho thân xác mình.  Mình gầy giơ xương, đen đúa thảm hại.  Một hôm Tổ Chức cho về thành để công tác.  Đang đi ngang Học Viện Quốc Gia Âm Nhạc thì gặp anh Ân, mình lật đật chạy trốn.  Anh thấy và đuổi theo.  Không thoát được, đành phải đối diện với nhau.  Anh Ân nhìn mình bằng ánh mắt xót xa, và chắc lưỡi không ngừng làm tim mình nhói đau.
Kim ngưng nói, nén xúc động, rồi tiếp tục kể:
– Anh khuyên mình, trong đó có một câu làm mình nhớ hoài, nhớ suốt đời. Mỗi lần nhớ tới mình lại khóc.  Anh bảo:  “Em có lý tưởng của em.  Em cứ theo, anh không khuyên em bỏ.  Có một điều anh cần khuyên em là:  Em nên thương thân mình một chút.”
Kim nói xong khóc thút thít và than thở:
-Một người yêu mình như thế mà mình không lấy, đi lấy một người làm chồng bây giờ cặp với một người con gái khác trẻ hơn, đẹp hơn.  Không biết mình có ngu lắm không?
Nghĩ tới hoàn cảnh mình, Hồng cay đắng trả lời:
-“Tóc mai sợi vắn sợi dài,
Kết duyên không đặng, thương hoài ngàn năm,” (Ca dao)
 Và nàng thêm hai câu:
-Kết duyên rồi, anh Bắc em Nam,
Anh ngang em ngược, càm ràm lẫn nhau.
Thói đời là vậy, bạn ơi!  Bây giờ anh Ân đâu rồi?  Anh có bị “Em” cho vào Trại Tù Cải Tạo không?
– Có, “học tập” cũng bảy tám năm.  Mình có đến nhà của cha mẹ anh, được hàng  xóm cho biết cả nhà vượt biên lâu rồi.  Nhà đó bị tịch thâu, cấp cho cán bộ người Bắc.  Còn anh ra tù, cũng vượt biên, không biết sống chết ra sao.  Mình biết anh vượt biên vì trước khi đi, anh có gởi một lá thư cho mình chỉ vỏn vẹn bài thơ Dặn Dò của tác giả Hải Vân, thay cho lời từ giã.  Mình đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng và cũng chảy nhiều nước mắt:
      Dặn Dò
Chim trời giờ cánh gãy,
Mộng ước theo gió mây,
Tàn đời trong ngục tối.
Ai chặt anh chân tay?
Ai tước anh tuổi trẻ?
Ai đoạt tương lai này?
Anh còn làm gì được,
Sự nghiệp một đời trai!!!
           *
Ra đi chín phần chết,
Ở lại bị đọa đày.
“Hà chính mãnh ư hổ”
Lời xưa em có hay?
May ra anh thoát được,
Hẹn ngày về đẹp tươi.
Nếu không may biển gọi,
Xin đừng khóc em ơi!
               *
Quê hương ta còn đó,
Anh cầu mong ngày mai
Có cơ duyên thay đổi,
Em góp sức dựng xây.
Khi không còn bóng tối
Ngự trị đất nước này,
Hồn anh sẽ thanh thản,
Nhìn em mỉm miệng cười,
Em yêu ơi! 
Kim ngừng kể, cố nén xúc động.  Cảm thương bạn, bao nhiêu hờn giận trong lòng Hồng tiêu tan hết.  Trong chiến tranh, tuổi trẻ Việt Nam chịu nhiều cay đắng chẳng những trong đời sống mà trong cả tình yêu.  Đó là chưa kể đến sinh mạng con người.  Nếu không có chiến tranh, cuộc đời của Ân và Kim, Quang và Hồng chắc chắn đã khác, chắc chắn không có nước mắt như bây giờ.
Ngập ngừng một lúc, Kim hỏi:
– Khi về Mỹ, Hồng tìm tin tức anh Ân giùm mình được không?
– Được chứ nhưng tìm được tin tức hay không là chuyện khác.  Kim cho tên tuổi, khóa mấy Võ Bị Đà Lạt, mình sẽ ráng tìm giúp cho nhưng không hứa chắc là thành công nghen.
– Tận sức là được, thành công hay không còn tùy thuộc số Trời.  Mình muốn biết tin anh ấy để yên ổn tâm hồn.  Nếu anh ấy an lành thì mừng cho ảnh và nhẹ lòng cho mình.  Ngược lại, Hồng hỏi ngày tháng mất để mình thắp nhang cho ảnh.
Nghe bạn nói vậy lòng Hồng chùng xuống, nàng đùa để cho không khí đỡ buồn bã:
– Chu choa ơi, Cộng sản mà cũng tin số Trời và thắp nhang nữa.  “ Đồng chí” có tư tưởng lệch lạc, cho “đồng chí” đi cải tạo tư tường bây giờ.
– Mình là người Việt Nam mà, nên phải theo tín ngưỡng, văn hóa nước Việt chứ.
Cầm mảnh giấy ghi tên họ Ân do Kim trao, Hồng nói thầm: Tại sao mình tìm tin tức của Ân cho Kim mà không tìm tin tức của Quang cho chính mình nhỉ.  Mò kim đáy biển cũng phải mò!
Về lại Mỹ, Hồng vào các mạng lưới thông tin, hội Ái Hữu của Không Quân và Võ Bị Đà Lạt để kiếm tin tức của Quang và Ân mà loay hoay hoài vẫn không thành công. Nàng nhờ Đông:
– Này con, giúp mẹ một chút.  Mẹ theo lời chỉ dẫn của con mà không làm cách nào đăng lời nhắn tìm người.
– Bạn bè của Mom có nhiều bác lấy chồng lính.  Mom hỏi xem, có thể Mom sẽ được tin mau hơn.
   Hồng cười thầm: ừ nhỉ, chuyện đơn giản như vậy mà mình làm chi rắc rối mấy ngày nay.  Già lẩm cẩm thật!  Nàng lật sổ tìm số điện thoại bạn bè kể sơ sự tình của Kim và nhờ tìm giúp.  Ngày hôm sau nàng có được hai nguồn tin đều giống nhau, một nguồn kể chi tiết hơn.  Người bạn cùng khóa với Ân cho biết vợ con của anh vượt biên trước và định cư ở Úc.  Khi anh ra tù, vợ anh gởi tiền cho anh vượt biên cùng với đứa cháu gái.  Trên biển, ghe gặp hải tặc.  Anh không chịu nỗi khi nghe tiếng la khóc hãi hùng của đứa cháu nên kháng cự lại bọn chúng. Anh bị chúng đánh vỡ đầu và quăng xuống biển.  Đứa cháu đó cũng bị quăng xuống biển cùng với các cô gái khác, sau khi bọn hải tặc thỏa mãn thú tính.  Cướp bóc xong, chúng phá hỏng ghe, rồi bỏ đi.  Chuyến đi ấy, chỉ có vài người may mắn sống sót nhờ một tàu hàng hải Na Uy vớt.
Hồng được tin mà nghe nhói trong tim.  Ai gây ra cảnh thảm khốc này cho dân tộc Việt Nam?  Cô bạn Kim “nằm vùng” của nàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết thảm khốc của người yêu mình, ắt hẳn khi nghe tin sẽ đau lòng gấp bội.  Nàng không đành xoáy sâu nỗi đau của bạn, nên chỉ thông báo rằng Ân chết vì ghe bị bão đánh chìm, chỉ một vài người may mắn bám vào mảnh vụn của ghe mới sống còn.  Nghe tiếng khóc tức tưởi của bạn trong điện thoại Hồng không khỏi ứa nước mắt.
Hồng tiếp tục lên mạng để cầu may tìm được tin tức của Quang, hoặc hình ảnh của Quang trong những buổi Đại Hội của các Hội Đoàn Không Quân.  Trong khi tìm kiếm, nàng bắt gặp một trang mạng của tỉnh Châu Đốc đang kêu gọi đồng hương đóng góp bài vở cho mùa Xuân sắp tới.  Nàng nghĩ tới Phương và thầm nghĩ không biết bây giờ bạn đang ở nơi nào trên xứ Úc, liền viết một tin nhắn tìm Phương gởi đến Ban Biên Tập nhờ đưa lên mạng, hi vọng mong manh rằng Phương tìm đọc và cho tin.  Khoảng hơn mười ngày sau…
– Reng… reng… reng…
Nhấc điện thoại lên vừa trả lời “Hello tôi là Hồng đang nghe phôn,”  Hồng nghe đầu dây bên kia giới thiệu:
– Em là học trò cũ của cô. Em biết số phôn và địa chỉ của cô nhờ cô nhắn tin tìm cô Phương trên web Châu Đốc. Em may mắn gặp lại cô Phương khoảng nửa năm nay.  Nếu cô đang rảnh rang, em sẽ tới nhà cô trong vòng mười lăm phút nữa.
– Mừng quá, mời em tới, cô chờ.
Mười lăm phút sau, một người đàn ông tròm trèm lục tuần, tóc lốm đốm bạc đến.   Ông ta nhìn nàng một lúc rồi nói:
– Chắc cô không nhớ em.  Em là Điền…
– Ồ, cô nhớ rồi. Nguyễn Phúc Điền Trưởng Lớp ngày xưa đây mà.  Em bây giờ khác quá cô nhìn không ra.  Xin lỗi em nghen.
Hồng nắm tay Điền dẫn vào nhà, miệng hỏi huyên thiên:
– Hiện giờ em ở đâu?  Làm nghề gì?  Vợ con thế nào?  Gặp cô Phương ở đâu, trong trường hợp nào?
– Em sẽ từ từ kể hết cho cô nghe.  Hiện em ở Florida, nhân tiện qua đây dự đám cưới con của một người bạn, em tìm thăm cô luôn thể.  Cách đây nửa năm em có về thăm quê, tình cờ gặp cô Phương đi dự Lễ Vía Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc. Hai thầy trò gặp nhau mừng vui lắm.  Cô Phương hỏi về cô nhưng em nào  biết cô ở đâu.  Em có mang theo địa chỉ và số điện thoại của cô Phương đây.  Hiện cô Phương ở Mỹ Tho.
Hồng nói:
– Vậy mà cô cứ tưởng cô Phương định cư bên Úc chứ!
– Cô Phương có kể cô ấy đi du lịch Úc châu, ở chơi sáu tháng, rồi về.  Tới bây giờ cô Phương vẫn không chồng con gì cả.  Không biết vì sao, em đâu dám hỏi.  Ngày xưa cô Phương có nhiều người đeo đuổi lắm mà!
– Nguyệt Lão không xe sợi tơ hồng với người mình yêu thì cũng không thành.  Cô Phương yêu một anh sĩ quan xuất thân từ Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, nhưng gia đình hai bên không hài lòng, làm khó dễ cuộc hôn nhân. Tin cuối cùng mà cô được biết là ông sĩ quan đó ngồi tù cải tạo ngoài Bắc, bao nhiêu năm cô không biết, có toàn mạng cho đến khi được thả ra hay bỏ thây nơi rừng thiêng nước độc Miền Bắc, cô cũng không biết.  Tội nghiệp cô Phương, lỡ dở một đời!
Điền ngồi yên một lúc, tiếp:
– Em cấp bực thấp nên ngồi tù trong Nam.  Mới Thiếu Úy thôi mà cũng mất 5 năm.
– Em đi binh chủng nào?
– Em là “Giặc Lái” cô ơi!  Sau khi xong Tú Tài II em gia nhập Không Quân.  Hồi em học lớp Đệ Nhất (lớp 12), em yêu Thúy Hải.  Cổ đâu có chịu, nhưng khi em vào Không Quân thì “mê” em liền.  Hi... hi... hi...! Sau khi ra tù cải tạo chúng em mới làm đám cưới.  Vợ em cũng là học trò của cô, học sau em hai lớp, làm Phó Trưởng Lớp mấy năm liền, cô còn nhớ không?
– Nhớ rồi.  Thúy Hải có mái tóc giống cô.
– Hồi đó, cô để tóc ngắn, úp vào gáy, mái tóc hai bên cong cong ôm lấy hai má, giống như tóc ca sĩ Phương Hoài Tâm.  Cô và cô Phương là thần tượng của một số nữ sinh nên nhiều nàng để tóc giống cô hoặc để tóc dài cột đuôi cao lên như cô Phương.  Em chạy theo “cua” Thúy Hải không chỉ vì mái tóc giống cô, mà nàng còn có cặp mắt và nụ cười y như cô.  Bây giờ cô không giữ kiểu tóc cũ nữa, nhưng vợ em vẫn còn giữ vì cả hai đứa chúng em thích như vậy.
Hồng cười nói:
– Giống ai không giống, giống cô làm chi, không khá được.  Mấy bài trích giảng từ quyển Đời Phi Công có tác dụng mạnh dữ!  Hèn chi bọn Việt Công gọi mấy nhà văn nhà thơ là lính “Biệt Kích Văn Hóa.”   Em mê quân chủng này cũng vì mấy bài đó, phải không?  Em không theo học các ngành khác mà gia nhập Không Quân rồi vì thế mà bị ở tù. Em có ân hận gì không?
Điền ngập ngừng một lúc, rồi trả lời:
– Cô cho phép em mới dám nói thật lòng mình.
– Nói đi.  Giờ đâu còn là thầy trò nữa.  Chúng ta cứ coi nhau như hai người bạn vong niên, nói chuyện chân thật với nhau cho vui.  Em cũng già rồi, tóc bạc thấy rõ còn gì.
–  Em vào Không Quân không phải vì những bài cô trích trong quyển Đời Phi Công đâu, mà vì cô yêu phi công nên em yêu luôn quân chủng này.  Em không ân hận vì sự chọn lựa này của em.  Khi ra trường, em được điều đến đơn vị của Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Bùi Thanh Quang…
Nói tới đây, Điền ngưng lại nhìn vào mắt Hồng xem phản ứng.  Nàng xúc động hỏi:
– Em có biết ông ấy bây giờ ra sao không?
–  Em về Phi  Đoàn của ông Thầy Quang không bao lâu thì mất nước, mỗi người bị nhốt tù hai nơi khác nhau.  Em không gặp lại ông Thầy em, mãi đến mấy năm sau này, quân chủng Không Quân tổ chức những lần Đại Hội em mới gặp lại.  Được biết vợ ông vượt biên, bỏ lại hai đứa con, và chết trên biển trong khi ông còn "đếm lịch" ở Miền Bắc.  Sau này ông đi Mỹ theo chương trình HO, mang hai đứa con qua đây, làm gà trống nuôi con.
Hiện giờ các con của ông có chồng vợ, ra riêng hết.  Ông Thầy em cô đơn nên sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một bà cũng góa bụa.  Khi biết em là dân Châu Đốc, ông thường liên lạc với em và hỏi thăm cô.  Lúc bấy giờ em mới biết ông Thầy mình là người yêu cũ của cô mình, biết vì sao cô có cặp mắt buồn vời vợi, bây giờ vẫn vời vợi buồn, và biết động lực nào khiến cô giảng rất truyền cảm những bài trích trong Đời Phi Công.  Em đã nhờ mấy đứa bạn còn ở lại quê nhà tìm cô.  Thất bại.  Hỏi mấy đứa bên này.  Không ai biết.  Em những tưởng suốt đời này không được gặp lại cô!
Điền ngưng lại khi thấy mắt Hồng rướm lệ.  Hồng nuốt ngược nước mắt, hỏi:
– Bây giờ ông ấy ở đâu? Có gần em không?
– Ông Thầy ở xa em mà gần cô.  Ông hay mắng đùa em mỗi khi em báo tin không tìm được tông tích của cô: “Học trò vô tình vô nghĩa, không quan tâm thường xuyên tới cô giáo của mình để đến nổi bặt vô âm tín.  Nếu còn như ngày xưa là tao cho mi đi bay mệt… không được nghỉ.”  Mới đây em vào mạng lưới quê nhà, thấy cô đăng tin tìm cô Phương.  Em vội vàng cho ông biết.  Ông đốc thúc em đi thăm cô, về kể lại cho ông nghe.  Ông nhờ em mang đến cho cô một CD nhạc làm quà đây.
Nghe Điền nói, Hồng ngồi lặng im, mắt thẩn thờ ngó mông lung.  Một cuộc hội ngộ bất ngờ, vui ít buồn nhiều!  Nhìn thấy Hồng như vậy, Điền ngần ngại một lúc rồi đứng lên từ giã ra về.  Anh đưa ra ba gói quà cho Hồng, nói tiếp:
– Một kí lô khô là quà của vợ em biếu cô.  CD này là quà của ông Thầy em, bảo phải đưa tận tay cô.  Còn đây quà của em: chiếc máy bay bằng gỗ do chính tay em làm trong lúc ngồi tù.  Em đã tận dụng thì giờ nghỉ ngơi để làm ra nó với hi vọng mong manh một ngày nào đó gặp lại cô mà trao tặng, chắc cô sẽ thích lắm.
Cầm ba món quà ân tình, Hồng nghẹn ngào cám ơn.  Điền vội vã cáo từ, bước nhanh ra cửa.  Hồng ngắm nghía chiếc máy bay gỗ vừa nhỏ gọn vừa tinh xảo được chùi mài bóng loáng.  Trên thân máy bay có hàng chữ “Để nhớ mãi ngôi trường Thủ Khoa Nghĩa. Điền”
Hồng vào phòng đóng cửa, cho dĩa CD vào máy.  Tiếng đàn đệm guitar và giọng trầm buồn của Quang vang lên làm nàng đau nhói theo từng câu ca lời nhạc:
“Anh còn nợ em công viên ghế đá, lá đổ chiều êm. 
“Anh còn nợ em dòng xưa bến cũ, con sông êm đềm.
“Anh còn nợ em chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm.
“Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng, nắng chói qua thềm.
“Anh còn nợ em con tim bối rối, con tim bối rối.
“Anh còn nợ em và còn nợ em cuộc tình đã lỡ.
“Anh còn nợ em, Anh còn nợ em…
(Nhạc và lời: Anh Bằng)
Anh trải lòng mình qua tiếng nhạc lời ca và nàng lệ đẫm ướt mi theo tiếng lòng của anh… 
(Trích Chương Cuối - truyện dài Tóc Mai của tác giả Vhp.Hạ Vũ)




              

Không có nhận xét nào: