Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

* Góc Đường Thi: Hiệp Khách Hành (Đỗ Chiêu Đức)



Góc Đường Thi :
                  HIỆP KHÁCH HÀNH                                
                                                         LÝ BẠCH
                                   
                                   
       Mọi người đều biết LÝ BẠCH là THI TIÊN, là ông tiên trong rượu, như lời thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ đã viết về ông như sau:

                 李 白 一 斗 詩 百 篇, 
           Lý Bạch đẩu tửu thi bách thiên,
                 長 安 市 上 酒 家 眠。  
           Trường An thị thượng tửu gia miên.
                 天 子 呼 來 不 上 船, 
           Thiên tử hô lai bất thượng thuyền,
                 自 稱 臣 是 酒 中 仙。  
          Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
Có nghĩa :
                   Lý Bạch rượu vào trăm thơ ra,
                  Trường An quán rượu ngủ như nhà.
                  Vua đòi cũng mặc thuyền không xuống,
                  Xưng "Tiên Trong Rượu" chính là ta !

                
    Nhưng...
            Ít ai biết LÝ BẠCH còn được người đời sau xưng tụng là THI HIỆP 詩 俠, là Thi sĩ có lòng hiệp nghĩa trong thơ. Bản thân Lý cũng là một kiếm khách có lòng hiệp nghĩa, hay cứu khổn phò nguy... Khi đi ngang qua đất Yên, Triệu là nơi có nhiều hiệp khách ngày xưa, Lý đã cảm khái mà viết nên bài thơ cổ phong trường thiên HIỆP KHÁCH HÀNH 俠 客 行, mà sau nầy đã làm nguồn cảm hứng cho đại tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung 金 庸 viết nên tác phẩm võ hiệp nổi tiếng cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH.
          Dưới đây là bài thơ nổi tiếng Hiệp Khách Hành của Lý Bạch.

  俠 客 行                 HIỆP KHÁCH HÀNH

趙 客 縵 胡 纓,       Triệu khách mạn Hồ anh.
吳 鉤 霜 雪 明。    Ngô câu sương tuyết minh.
銀 鞍 照 白 馬,    Ngân yên chiếu bạch mã,
颯 沓 如 流 星。    Táp đạp như lưu tinh.

十 步 殺 一 人,    Thập bộ sát nhất nhân,
千 里 不 留 行。    Thiên lý bất lưu hành.
事 了 拂 衣 去,    Sự liễu phất y khứ,
深 藏 身 與 名。    Thâm tàng thân dữ danh.

閒 過 信 陵 飲,    Nhàn quá Tín lăng ẩm,
脫 劍 膝 前 橫。    Thoát kiếm tất tiền hoành.
將 炙 啖 朱 亥,    Tương chích đạm Chu Hợi,
持 觴 勸 侯 嬴。    Trì trường khuyến Hầu Doanh.

三 杯 吐 然 諾,    Tam bôi thổ nhiên nặc,
五 嶽 倒 爲 輕。    Ngũ nhạc đão vi khinh.
眼 花 耳 熱 後,    Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu,
意 氣 素 霓 生。    Ý khí tố nghê sinh.

救 趙 揮 金 槌,    Cứu Triệu huy kim chùy,
邯 鄲 先 震 驚。    Hàm Đan tiên chấn kinh.
千 秋 二 壯 士,    Thiên thu nhị tráng sĩ,
烜 赫 大 梁 城。    Huyên hách Đại lương thành.

縱 死 俠 骨 香,    Túng tử hiệp cốt hương,
不 慚 世 上 英。    Bất tàm thế thượng anh.
誰 能 書 閣 下,    Thùy năng thư các hạ,
白 首 太 玄 經。    Bạch thủ Thái Huyền Kinh.
              李 白                                     Lý Bạch

                                                                       
              Thi Hiệp LÝ BẠCH

* Chú Thích :
  - Hiệp Khách Hành 侠 客 行 : HÀNH 行 là một thể loại văn học xưa, có vần điệu là một thể thơ trường thiên trong Nhạc phủ, có thể phổ nhạc và hát được.
  - Triệu Khách 趙 客 : Chỉ các hiệp khách đất Yên Triệu ngày xưa.
  - Mạn Hồ Anh 縵 胡 纓 : MẠN là không có hoa văn. HỒ là xứ Hồ. ANH là Dây cột mão đội trên đầu cho chắc, nên MẠN HỒ ANH là chỉ chung loại mão (nón) dùng để chụp cái búi tóc trên đầu của các hiệp sĩ, có hai sợi dây thòng xuống hai bên để buộc vào dưới cằm cho chắc.     
      
             

                   Mạn Hồ Anh của Hiệp Khách
        

   - Ngô Câu 吳 鉤 : Tên một loại bảo đao xưa.
   - Sương Tuyết Minh 霜 雪 明 : Chỉ vũ khí sắc bén sáng loáng và lạnh lùng như sương tuyết.
   - Táp Đạp 颯 沓 : Hình dung từ chỉ ngựa phi dồn dập.
   - Hai câu "Thập bộ sát nhất nhân, Thiên lý bất lưu hành 十 步 殺 一 人,千 里 不 留 行 : Có xuất xứ từ chương Thuyết Kiếm trong sách Trang Tử, chỉ sự sắc bén của thanh kiếm và sự dũng mãnh của người hiệp khách: Trong vòng mười bước sẽ giết chết một người và ngoài ngàn dặm không chừa ai cả.
   - Tín Lăng 信 陵 :là Tín Lăng Quân, tức Ngụy Vô Kỵ, hợp cùng với Mạnh Thường Quân, Xuân Thân Quân, và Bình Nguyên Quân thành TỨ CÔNG TỬ thời Chiến Quốc, chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà luôn có ba ngàn thực khách, trong số đó có rất nhiều hiệp khách giang hồ.
   - Chu Hợi, Hầu Doanh 朱 亥、侯 嬴 : đều là những hiệp khách thời Chiến Quốc, là môn khách của Tín Lăng Quân.
   - Hai câu "Tam bôi thổ nhiên nặc, Ngũ nhạc đão vi khinh 三杯 吐 然 諾,五 嶽 倒 爲 輕" Có nghĩa: Chỉ cần có ba ly rượu vào bụng là sẽ có lời hứa hẹn, và đã hứa hẹn thì sẽ xem lời hưa còn nặng hơn là núi Ngũ Nhạc nữa. (Nói thêm, Ngũ Nhạc gồm có  Đông Nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn  và Trung Nhạc Tung Sơn 东 岳 山 東的 泰 山、西 岳 陝 西 的 华 山、中 岳 河 南 的嵩 山、北 岳 山 西 的 恒 山、南 岳 湖 南 的 衡 山).
   - Tố Nghê 素 霓 : TỐ là Màu Trắng, NGHÊ là Mây màu buổi sáng hoặc buổi chiều, nên TỐ NGHÊ còn gọi là BẠCH HỒNG 白 虹 là Cầu vồng màu trắng quanh mặt trời, chỉ những hiện tượng thiên nhiên đặc biệt khi có những sự kiện đặc biệt trong đời sống; trong bài thơ chỉ những sự việc khác người, kinh thiên động địa mà người hiệp sĩ hứa sẽ làm.
   - Hai Câu "Cứu Triệu huy kim Chùy, Hàm Đan tiên chấn kinh 救 趙 揮 金 槌,邯 鄲 先 震 驚" là nhắc lại tích Tín Lăng Quân cứu Triệu: Quân Tần công phá Hàm Đan là kinh đô của nước Triệu. Bình Nguyên Quân của Triệu cầu cứu với Tín Lăng Quân của Ngụy. Tín Lăng Quân theo kế của Hầu Doanh, trộm được binh phù của Ngụy Vương, Chu Hợi lại dùng chùy giết tướng Ngụy là Tấn Bỉ, rồi tự cầm quân đi cứu Triệu và đã giải vây được cho thành Hàm Đan.
                                
         
              Chùy giết Tấn Bỉ           Cướp Phù Cứu Triệu

   - Huyên Hách 烜 赫 : HUYÊN là Rực rỡ, HÁCH là Hiển Hách, chỉ sự việc hoặc chiến công rực rỡ hiển hách.
   - Đại Lương Thành 大 梁 城 :Thành Đại Lương là kinh đô của nước Ngụy, thuộc huyên Khai Phong tỉnh Hà Nam hiện nay.
   - Thái Huyền Kinh 太 玄 經 : là quyển kinh sách triết học của nhà tư tưởng Dương Hùng đời Tây Hán, ông từng giữ chức Hiệu San trong Tàng Thư Thiên Lộc Các của nhà vua.

* Nghĩa Bài Thơ :
                      HIỆP KHÁCH HÀNH

          Hiệp khách nước Triệu chỉ đội mão Hồ Anh giản dị, nhưng bảo đao bảo kiếm đeo bên mình lại sáng lấp lánh như sương tuyết. Trên lưng bạch mã với yên cương bằng bạc băng lướt dặm trường chớp giật như gió cuốn sao sa.Trong vòng mười bước đã giết chết một mạng người, dù cho ngoài quan ải ngàn dặm cũng chẳng để thoát bao giờ. Khi việc nghĩa đã làm xong thì dứt áo ra đi, không màng tất cả mà ẩn tích mai danh. Khi nhàn rỗi thì tạt qua nhà Tín Lăng Quân uống vài chung rượu, cởi kiếm ra gát ngang trước gối. Cùng bốc thịt ăn với Chu Hợi và cùng nâng chén rượu nốc cạn với Hầu Doanh. Chỉ cần có ba chung rượu vào bụng là sẽ có những lời hứa hẹn nặng hơn cả dãy núi Ngũ Nhạc. Sau khi rượu đã ngà say, mặt đã đỏ tai đã nóng mắt đã long lên sòng sọc, thì cái hào khí bốc cao có thể nuốt cả sao Đẩu sao Ngưu, như Hầu Doanh và Chu Hợi đã hưu chùy giết chết đại tướng của Ngụy cướp binh phù đi cứu Triệu, thanh danh hiễn hách làm chấn động cả thành Hàm Đan. Tên tuổi của hai tráng sĩ ấy ngàn thu sau vẫn còn vang vội ở thành Đại Lương. Là một hiệp sĩ dù cho có chết thì cái khí cốt của hiệp khách vẫn còn lưu lại tiếng thơm đến ngàn sau và không hỗ danh của một anh hùng hào kiệt. Đã mang cái hào khí của hiệp khách thì không ai có thể vùi đầu suốt đời trên gác sách, cho đến đầu bạc như Dương Hùng đời Hán vẫn còn miệt mài mà viết quyển Thái Huyền Kinh.  

         Lý Bạch là một Thi Tiên, là một người học rộng biết nhiều, như "Lý Bạch túy Hách Man Thư" làm khiếp đãm các Phiên Vương. Khi mười lăm tuổi ông đã học kiếm thuật, nên cũng tôn trọng tính cách của những hiệp khách giang hồ, với lòng hiệp nghĩa cứu khổn phò nguy mà không cần phải nhai văn nhá chữ như những con mọt sách chỉ toàn nói những lời saó ngữ đẹp đẽ mà không thực tế với cuộc sống trước mắt. Nhà văn Kim Dung cũng nhằm vào quan điểm thực tế nầy mà viết nên tác phẩm võ hiệp cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH. Không cần phải được giáo dục theo lối hủ Nho bằng tứ thư ngũ kinh như Thạch Trung Ngọc mà gian dối xảo biện, làm những chuyện trái luân thường đạo lý, thà dốt như Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên mà chân thật trượng nghĩa, dám nghĩ dám làm dám đương đầu với những thế lực đen tối để cứu khổn phò nguy, chỉ bằng vào hình tuợng của những con nòng nọc cũng luyên nên được cái thế thần công mà không cần biết đến nghĩa lý của các chữ khoa đẩu đã nói gì. Đoạn kết của truyện Hiệp Khách Hành cũng là câu kết của bài thơ của Lý Bạch: Thà ăn thô uống bạo như những hiệp khách hiệp nghĩa chớ không thèm như nhà tư tưởng đời Tây Hán là Dương Hùng đến già đầu vẫn còn miệt mài chưa viết xong được quyển Thái Huyền Kinh!

* Diễn Nôm :
                                           
                        HIỆP KHÁCH HÀNH

             

                Giải mũ Hồ phất phơ Triệu khách,
                Gươm sáng choang đao sạch tợ sương.
                Ngân yên bạch mã lên đường
                Thế như điện chớp nhanh dường sao sa !

               Trong mười bước gian tà đều chết,
                Ngàn dặm đường giết hết chẳng tha.
               Xong xuôi dứt áo đi xa,
               Chẳng màng danh lợi lọ là họ tên !

               Khi rảnh rổi cùng lên Tín phủ,
               Gát ngang gươm chén rượu khề khà.
               Ba chung hơi rượu ngà ngà,
               Nhẹ xem Ngũ Nhạc như là cỏ cây !

              Cùng Chu Hợi bạn bầy nhai thịt,
              Với Hầu Doanh chuốt chén nâng ly.
              Cướp phù cứu Triệu hưu chùy,
              Hàm Đan giải thoát người thì reo vui !

              Ngàn thu vẫn bùi ngùi nhị khách,
              Đại Lương thành hiển hách uy danh.
              Nắm xương hiệp nghĩa rành rành,
              Anh hùng chẳng thẹn, lưu danh muôn đời !

             Chẳng như ai vùi đầu gác vắng,
             Thái Huyền Kinh bạc trắng mái đầu.
             Tàn đời có được gì đâu !!!

                   

                                          Đỗ Chiêu Đức








Không có nhận xét nào: