Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn 24 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                 Chữ Nghĩa Làng Văn XXIV


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Chữ Việt Cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Nga: đẹp 

(Hằng nga)

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Chữ Việt gốc Tàu


Chữ Việt gốc Tàu là chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tàu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại.  

Như:

Thồi là bàn tiệc. Người Bắc hay dùng từ “thồi”. Người Nam thường dùng chữ bàn.


Phổ ky là người hầu bàn. Tiếng Hán Việt là “hỏa ký”, liên quan đến bếp núc.


Phàn là cơm. Hán Việt là “phạn” để có phạn điếm.

Từ phàn qua phạn tới phay là những miếng thịt thái mỏng. Như…gà xé phay.

(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)



Tép

Tép : nhỏ bé

(tép riu – con tép: con tôm nhỏ)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Chửi thề 

Từ điển Alexandre de Rhodes có hầu hết các từ chửi thề tục tĩu của ngày nay. 

Như:

Đéo : giao cấu. Đéo mẹ thằng cha.

Địt : đánh rắm

Đụ : nghĩa giống đéo.

Đếch : cơ quan sinh dục.

Bòi (buồi), cạc (cặc).

(Nguyễn Dư)



135 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Tôi cúi xuống mở cái ba-lô tôi để dưới chân ghế lấy ra quyển hồi ký Nhất Linh, Cha Tôi tôi mới xuất bản ở Mỹ. Tôi mở trang đầu cuốn sách viết lời đề tặng chủ nhà. Có tiếng động, tiếng người nói ở nhà dưới. Lát sau mọi người lần lượt lên cầu thang ngồi trên hai dẫy ghế hai bên bàn. Tất cả khoảng hơn mười người. 

 

Chủ nhà, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trưởng ban Văn Học Việt Nam Cổ Cận Đại Viện Văn Học Hà Nội, cũng là chủ biên của tập Từ Điển Văn Học, giới thiệu những người hiện diện. Trừ vài người tôi đã nghe danh tánh như giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Phan Đình Diệu, hai vị ngồi cạnh tôi, và một người ngồi phía dưới là đạo diễn Trần Văn Thủy, những người khác tôi mới nghe tên lần đầu.
(…)
Buổi nói chuyện trong đó tôi nói chuyện về cha tôi Nhất Linh chấm dứt trong im lặng. Không một tiếng nói thứ hai, không một lời bình luận. Sự yên lặng bao trùm khiến tôi liên tưởng đến thái độ của những người trí thức trong nước mà tôi đã có dịp tiếp xúc: họ nhã nhặn, lịch sự nhưng dè dặt

Sau đó chủ nhà đứng lên chuyển lại lời mời của tôi với tất cả mọi người hiện diện đến dự buổi cơm trưa tại một nhà hàng do anh lựa chọn. Rồi anh chuyển quanh bàn cuốn Từ Điển Văn Học để tất cả cùng ký tên trên trang sách anh đã viết sẵn lời đề tặng chúng tôi.


Sau khi chụp hình lưu niệm mọi người lần lượt bước xuống cầu thang. Anh Huệ Chi bảo tôi:
– Anh cứ ở trên này một lát để tôi xuống trước thu xếp xe.
Tôi hỏi anh:
– Anh đã chọn được quán ăn nào chưa?
– Rồi. Quán Ngon.

Tôi hỏi lại:
– Quán gì?
– Quán Ngon.
– Chà, cái tên lạ nhỉ... 
Anh mỉm cười bước xuống cầu thang.
Tôi ngồi xuống ghế lật trang đầu cuốn Từ Điển


Bên dưới chữ ký của anh Nguyễn Huệ Chi có thêm chữ ký của các vị sau đây: Phan Đình Diệu, Trần Văn Thủy, Phạm Ngọc Lan, Đặng Thị Hảo, Nguyễn Bá Dũng, Phạm Thu Hương, Trương Hồng Quang, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Văn Bình.


Phía dưới là hàng chữ viết tay và chữ ký của người viết:
Với cả tấm lòng quý trọng đại văn hào Nhất Linh.
Hoàng Ngọc Hiến
 

(Một trăm ngọn nến – Nguyễn Tường Thiết)



Nói lái với câu đố 
Ông cố ngoài Huế ông cố ai

(cái ô)



Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội trước 1975 -

Ngày 5-5-1975, vào Sài Gòn, sau khi đi thăm hiệu sách Khai Trí, tôi nhờ một sinh viên dẫn đến tòa soạn Bách Khoa, gặp Lê Ngộ Châu rồi nhờ ông Châu nhắn gặp Nguyễn Mộng Giác. Có mấy lý do thứ nhất theo tôi đọc được, anh Giác cũng là dân cũng học qua sư phạm như tôi và cách viết cũng nhiều chất trường ốc; và thứ hai, Giác năm ấy so với những Vũ Hạnh, Võ Phiến… cũng là cánh trẻ. Qua Giác, tôi làm quen với Hoàng Ngọc Tuấn và có lần đến thăm cả Nguyễn Hiến Lê. 


Cái chính là chúng tôi cảm thấy cùng thân phận. Tôi hay nói với Nguyễn Mộng Giác: Chúng tôi mà ở trong ấy, thì cũng thành các anh. Mà các anh ở đây cũng thành chúng tôi. Hoàn cảnh quyết định hết! Không riêng gì tôi! Nghiêm chỉnh và sâu sắc, những kỷ niệm loại này, hẳn có ở nhiều bạn khác. Và cả những kỷ niệm về hiểu lầm nhau, nghĩ sai về nhau, đánh đòn hội chợ chuyện này, thù sâu oán nặng chuyện kia, thật cũng là cái phù vân nhảm nhí của cuộc sống đâu mà chẳng có. Tình trạng rón vào từng cục chẳng ai chịu ai là phổ biến của làng văn Việt Nam, cả giữa các nhà văn trong ấy, lẫn chúng tôi ngoài này. Thì trách nhau mãi sao tiện. Nhưng thôi, hãy kể ít chuyện cũ đã. 

(Khuyết danh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Về hưu mắt mũi kèm nhèm
Cứ trông thấy gái là khen tuyệt vời,
Rượu vào lại muốn đi chơi,
Chẳng làm gì được, đáng đời thằng cu.



Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội trước 1975 - 2

Một lần khác, tôi tìm thấy hình ảnh của chính mình trong bóng dáng những người viết văn miền Nam, đó là một đoạn văn của Mai Thảo viết về Vũ Khắc Khoan, in trên tạp chí Vấn Đề, 1969 Vũ Khắc Khoan. Một mái tóc đã chiều của một tâm hồn còn sớm. 


Những buổi chiều Sài Gòn buồn bã. Những buổi chiều Đà Lạt mù sương. Mỗi ngày qua thêm một sợi bạc. Âm thầm đe doạ, lặng lẽ tràn đầy. Ly rượu nửa khuya là ly thứ mấy. Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu. Muốn một thời đại hoàng kim. Thèm một tấm lòng bè bạn. Mỗi cơn say là một cảm khái ngà ngà. Vũ Khắc Khoan. Của một tự hỏi, tự hoài nghi và tự bâng khuâng lắm lắm về cái bình sinh mà mình chưa đạt. Ta đã dùng chi đời ta chưa? Ai đã dùng chi đời ta chưa? Ngó ra cái chung, cái đại cuộc cái toàn thể, nhìn trở vào cái riêng tây, rừng ấy mung lung, núi ấy chập chờn, nghe từng phiến đá tâm linh rụng dần những giấc mơ không thành tựu. 


Và tôi, một trong ít những người bạn của Vũ Khắc Khoan, tôi muốn nhìn ngắm anh như một cần thiết. Trong cuộc sống hàng ngày thôi, có rất nhiều những giờ phút buồn bã của chúng tôi có Vũ, người ta nhớ thêm được những điều đáng nhớ, quên mau được những điều đáng quên, và cuộc đời xem được là nhẹ hơn hoặc coi được là nặng hơn cái trọng lượng tầm thường và phí lý của nó. 

(Khuyết danh)



Đã có một thời…

Lê Xuyên


Khi tôi đến với anh lần cuối là lúc các con anh đang thay quần áo cho anh trước khi nhập quan. Cái thân hình gầy gò trần trụi của anh phơi ra, tất cả chỉ còn có thế. Tôi chuyển ngay cho chị số tiền mà tôi mới gửi e-mail tối hôm qua thông tin về sự ra đi của anh, nhanh chóng được đáp ứng. Hôm sau chị Lê Xuyên nói với bà con đến phúng:

– Có các bác bạn văn của nhà tôi giúp nên tôi mạnh tay làm đủ thứ việc cho nhà tôi.

 

Buổi chiều ngày 5/3, đúng hai giờ lễ động quan bắt đầu, giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đưa người quá cố đến nghĩa trang Bình Hưng Hoà. Có rất nhiều người bên hè phố lặng lẽ tiễn đưa anh. Đám tang nhà văn Lê Xuyên không ồn ào như đám tang của những nhà nghệ sĩ mà ở đây người ta cho rằng đó là những “nhà nghệ sĩ lớn”, nhưng những con người thầm lặng ấy đưa tiễn anh với tất cả tấm lòng mình. Họ không nói gì, không có kèn saxo như trong đám tang Trịnh Công Sơn, không có những giọt nước mắt dài ngắn thở than của những danh ca nghệ sĩ, không có những bài “điếu văn” lâm ly bi đát, nhưng đám tang Lê Xuyên đầy ắp những tình yêu thương từ xa xưa đọng lại, từ bốn phương, tám hướng lãng đãng bay về phủ kín khung trời Sài Gòn.

(Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời – Văn Quang)



Đã có một thời…

Phạm Huấn - 1

Phạm Huấn hào hoa, những ngày còn ở Sài Gòn. Và những năm đầu ở Mỹ, hoàn thành 4 tác phẩm về chiến tranh. 
Sáng thứ bảy ở VN, chiều thứ sáu 21-10-2005 ở Santa Ana, tôi nhận được điện thoại của người em dâu ở Mỹ báo tin: Phạm Huấn vừa “về với Chúa”. 


Thật ra điều này không làm tôi ngạc nhiên, vì từ mấy năm nay bạn bè đã cho tôi biết về bệnh tình Phạm Huấn. Anh nằm trong “nhà an dưỡng” ở San Jose trong một tình trạng rất đáng buồn, các bạn tôi nhìn thấy anh, không ai không mủi lòng. Trong thời gian đó tôi chỉ được coi một tấm hình anh ngồi ngơ ngẩn trên hàng ghế đầu khi trình làng tập thơ của Hoàng Anh Tuấn ngay trong một căn phòng khách của “nhà an dưỡng”. Tôi không thể nào hình dung được con người đẹp trai, hào hoa phong nhã ngày nào, bây giờ lại… “thảm” đến như thế được. Chứng bệnh mất trí nhớ hành hạ anh và cả những người thân của anh thường xuyên có mặt bên giường bệnh. 


Tôi không nhớ chính xác chúng tôi quen nhau từ năm nào, nhưng gặp nhau là thân ngay, cũng gần nửa thế kỷ rồi đấy. Nhưng từ 30 năm nay, tôi không một lần gặp lại Phạm Huấn. Nhớ lại lần đầu gặp anh, vào khoảng đầu thập niên 60, khi anh về phục vụ tại Phòng Báo Chí, Cục Tâm Lý Chiến. Vì yêu cuộc đời phóng viên nên anh xin về làm báo quân đội. Anh nói với tôi: “Sẵn sàng đi bất cứ chiến trường nào, chứ không muốn ngồi bàn giấy làm biên tập viên”. 

(Phạm Huấn phóng viên chiến trường năm xưa – Văn Quang)



Nói lái với câu đố 
Ông đánh cái chen, bà bảo đừng

(cái chưn đèn - chen đừng)



Đã có một thời…

Phạm Huấn - 2

Phạm Huấn và tôi có quá nhiều kỷ niệm vào những năm tháng này. Từ công việc trong mấy tờ báo Quân Đội đến cuộc sống ngoài đời. Chiếc xe Taunus 15 như con trâu già của tôi đã được Phạm Huấn lái đi chơi cùng khá nhiều người đẹp. 
Trẻ tuổi, đẹp trai, độc thân, đấu ngọt như mía lùi, chơi mạt chược cũng xuất sắc nên luôn vây quanh Huấn là những người đẹp. Tất nhiên đi chơi với Huấn thì phải chấp nhận phần thiệt vẫn về tôi. 
Nhưng có một người đẹp nữ sinh được mệnh danh là “hoa khôi Gia Long” thì khá nặng tình với anh chàng phóng viên hào hoa và đào hoa này. Không biết bao nhiêu lần, chiếc xe của tôi đã đưa hai người đi trên “xa lộ không đèn”. Và chẳng lần nào Huấn quên kể cho tôi nghe về những chuyện xảy ra. Chuyện của họ vẫn ở trong vòng lễ giáo và cho tôi cảm tưởng như họ có thiện chí muốn “xây dựng cùng nhau”. 
Hoa khôi Gia Long cũng không hề giấu giếm tôi về những điều này. Cô cũng có viết vài ba bài cho báo Quân Đội xung quanh đề tài “thời thượng” đó. Và sau này, khi Phạm Huấn không còn ở bên cô nữa, cô thường có những bài thơ đăng rải rác trên một vài tờ tuần báo ở Sài Gòn. Không ngần ngại, cô gọi thẳng tên “H. ơi, còn nhớ ngày nào…”. 


Sau năm 75, ở lại Sài Gòn , tôi lại có dịp gặp lại hoa khôi Gia Long. Lúc này đã con cái đùm đề, song vẫn còn đẹp, chúng tôi không nhắc gì tới chuyện cũ, nhưng qua ánh mắt, lại thấy đầy đủ hình ảnh những người xưa. Dường như người em trai của cô sắp đặt buổi gặp gỡ này cũng chỉ vì điều ấy. 

(Phạm Huấn phóng viên chiến trường năm xưa – Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Đôi lúc lâm râm cho tâm hồn thanh thản

Nhiều lúc nói nhảm cho cuộc đời thêm vui



Đã có một thời…

Phạm Huấn - 3

Một phóng sự để đời 
Khi tôi chuyển sang phục vụ ở Đài Phát Thanh Quân Đội, Huấn vẫn ở lại phòng Báo Chí. Sau anh làm tờ Diều Hâu cùng anh Nguyễn Đạt Thịnh, vì quá bận rộn nên ít có thì giờ gặp nhau. 


Vài năm sau này, Huấn sang làm ở Ủy Ban Quân Sự Bốn Bên ở Tân Sơn Nhất. Trong thời gian đó, khoảng tháng 2 năm 1973, Phạm Huấn cùng với Phan Nhật Nam, Dương Phục đi theo phái đoàn ra Hà Nội làm phóng sự trao trả tù binh đợt 2 diễn ra tại Phi trường Gia Lâm. Vào thời chiến tranh đó, Hà Nội đối với người dân miền Nam hoàn toàn xa lạ, nên được dịp ra Hà Nội là chuyện hầu như không thể xảy ra. Tất nhiên tôi phải đón sẵn Huấn để “vồ” về làm tường thuật trực tiếp trên Đài Phát Thanh Quân Đội. Nhân có chương trình Nghệ Sĩ Với Chiến Sĩ đang thu thanh, Phạm Huấn tường thuật toàn bộ chuyến đi Hà Nội ngay trong chương trình này. 

(Phạm Huấn phóng viên chiến trường năm xưa – Văn Quang)



Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Tuân thường say nhưng có điều thật lạ là ông đã làm một bài hát ả đào nói về cái say của mình - cả mưỡu và hát nói - vào năm 1931 mà ít người được biết:


Hạnh Hoa thôn đã đây rồi,
Chơi đi cho thỏa một đời thông minh.
Nợ men gấp mấy nợ tình,
Cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng?


Hung trung hữu Lý Bạch,
Đã say sưa mặc quách thế nhân cười.
Mượn màu men giả dạng làng chơi,
Cơn chếnh choáng coi ra trời đất nhỏ.
Ai muốn lấp sầu thiên vạn cổ,
Cùng ta hãy cạn một hồ đầy.
Doành nước mây, một tớ một thầy,
Vành gió bụi: Ai tỉnh? Ai say? Ai ngất ngưởng?


Đảo phá sầu thành thi thị tướng,(*)
Trường truy cùng tặc tửu vi binh 
Rượu ngà say quên lẫn cả mình,
Khi túy lúy thoát hình ngoài cõi tục.
Mặc ai đàm tiếu, ai trong đục,
Tỉnh mà chi cho nhọc chẳng khề khà.
Nợ nần gỡ mãi không ra.


(*) Muốn phá thành sầu phải mượn thơ làm vị tướng,
    Muốn đuổi giặc cùng phải mượn rượu làm quân lính.

(Nguyễn Quang Tuấn - Nguyễn Tuân với thú hát Ả đào)



Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên 

Tờ báo đầu tiên phát hành ở miền Trung

 

Những năm 20 thế kỷ trước, báo chí miền Bắc và miền Trung bắt đầu có sự vươn lên mạnh mẽ. Sự kiện tờ Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ra đời năm 1927 tại Đà Nẵng đánh dấu việc báo chí đã lan tỏa đến Trung Kỳ.



Tờ Tiếng Dân, khuynh hướng của Huỳnh Thúc Kháng là một tờ báo yêu nước, bất cập với tình hình và thời đại.

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)



Sài Gòn một chút quán xá  

Xe bò bía, nước mía Viễn Đông

 

Tôi lại nhớ đến món phá lấu ở góc đường Lê Lợi-Pasteur, nơi đây còn có xe bò bía và nước mía Viễn Ðông. Bán phá lấu là một chú Tàu và “cửa hàng” của chú chỉ vỏn vẹn một cái khay tròn, trên đó bày đầy đủ nội tạng heo: lòng, dồi, gan, bao tử, ruột non, ruột già, tim, phèo, phổi… Trông thật hấp dẫn, ngửi thơm phức và ăn vào thì giòn tan. 

 

Phá lấu nói chung có vị hơi ngòn ngọt, gan thì bùi bùi, lòng thì hơi dai dai nhưng khi nhai kỹ mới thấy ngon… thấu trời xanh! Nghệ thuật làm phá lấu chắc chỉ mấy chú ba mới đáng hàng sư phụ. Phá lấu làm tại nhà cũng ướp húng lìu, ngũ vị hương nhưng không thể nào so sánh với phá lấu góc nước mía Viễn Ðông. Từng miếng phá lấu được ghim sẵn bằng tăm, chấm với tương đỏ, tương đen. Khách ăn xong chú Ba chỉ nhìn tăm mà tính tiền không bao giờ sai. Quá bộ vài bước là xe nước mía tươi mát đang chờ… để kết thúc một chuyến ăn hàng bên lề đường. 

 

Gần nước mía Viễn Ðông có xe thịt bò khô của ông Năm (tên gọi của khách quen), sau 1975 ông dời về đường Tự Ðức, Ða Kao. 

 

(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)



Ai đã đặt tên cho các đường phố Saigon trước 1975 

Trường nữ trung học Gia Long lớn nhất Sài Gòn thì, (trớ trêu thay?), lại mang tên ông vua sáng lập nhà Nguyễn. Trường nữ mà lại mang tên nam giới! Có lẽ nhà văn Thuần Phong muốn…làm một chút gì cho trường nữ trung học công lập lớn nhất thủ đô có thêm nữ tính, nên đã đặt tên hai đường song song nhau cặp kè hai bên trường bằng tên của hai nữ sĩ: bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm. Chùa Xá Lợi nằm trên đường bà Huyện Thanh Quan thấy cũng nhẹ nhàng.

 

Thẳng góc với hai đường bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý, nhưng có lý hơn nữa có lẽ là đường Hồ Xuân Hương đi ngang qua bệnh viện Da Liễu. Tác giả những câu thơ “Vành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại hai bên thịt vẫn thừa” mà cho mang tên đường có bệnh viện Da Liễu có lẽ cũng xứng hợp.

Ông nhà văn trưởng phòng Họa đồ quả là sâu sắc. 

 

Rất tiếc khi vào làm việc thì Thuần Phong Ngô văn Phát đã về hưu nên tôi không được hân hạnh gặp mặt. Mãi sau này có dịp đọc tiểu sử ông, mới hết thắc mắc làm sao chỉ là một công chức như tôi mà ông đã làm được việc quá xuất sắc và hi hữu này. 


(Nguyễn Văn Luân)



Câu đố dân gian


Hai tay nắm lấy khư khư

Bụng thì bảo dạ, rằng: Ư, đút vào

Ðút vào nó sướng làm sao

Dập lên dập xuống nó trào nước ra.

(ăn mía)


(Lê Xuân Quang – Câu đố xưa... câu đối nay)



Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa

Như thế, thành phần khách đến Brodard có tính chất một đại chúng rất đời thường, nặng về ưu thế vật chất và dân đến đây không khỏi ít nhiều có thái độ hãnh tiến, khoe mẻ về sự giàu có, khả năng mua vui, hưởng thụ cuộc đời của mình. So với Givral và La Pagode – nhất là so với La Pagode, nơi ‘đóng đô’ thường xuyên của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ trình diễn… – Brodard có vẻ ít chất văn nghệ, chữ nghĩa hơn.


Theo một ông công chức làm việc ở Phòng Thương Mại Sài Gòn từng nhiều năm thường cùng đồng nghiệp và gia đình vào Brodard ăn uống, ngắm phố phường thì với cách trang trí dùng nhiều màu sáng , nhà hàng này giống một tiệm kem, một tiệm bánh ngọt, hơn một quán cà phê đúng nghĩa cho dân cà phê “chuyên nghiệp”. 

Tính chất hiền lành, ngọt ngào – thay vì đắng chát như vị cà phê! – càng tỏa lan trong bầu không khí yên tĩnh của Brodard qua một kiểu phục vụ bánh ngọt rất đặc biệt. Khách cứ ngồi tại bàn mà lên tiếng hay ra dấu, nhân viên nhà hàng sẽ mang đến tận bàn một khay lớn bày rất nhiều bánh ngọt, bánh kem kiểu Pháp, như bánh choux, Polonais, mille feuilles… để khách chọn. Như các cô khách, cậu khách nhí, sau khi được ba mẹ gật đầu, cứ thoải mái chỉ vào khay, ngay cái bánh mình thích là bánh sẽ được lấy bỏ vào đĩa nhỏ, dọn ra trước mặt mình…

(Phạm Nga)



"Kiếp gà trống"
Cuộc đời ngẫm cũng chông gai
Thôi thì ta cứ đầu thai kiếp gà
Tha hồ ghẹo nguyệt trêu hoa
Ăn no, rửng mỡ lê la xóm làng



Cơm vua, cơm làng  

Thi thổi cơm

Thi thổi cơm là môt trò chơi. Dần dần thay đổi… Có nơi: Mỗi người bắc một cái bếp, một cây tre non, và một con dao, vừa vót tre vừa thổi, lấy tre ấy mà đun bếp, hễ ai thổi chín trước thì được giải. Lại có nơi vừa ăn mía vừa thổi cơm, lấy bã mía mà đun bếp 

Thổi cơm thi


Thi thổi cơm của làng Chuông, tỉnh Hà Đông rất khó.
Người dự phải vừa thổi cơm vừa trông một đứa bé con người khác, vừa phải giữ một con cóc thả trong một vòng tròn.
Ai thổi nồi cơm chín dẻo, dỗ cho đứa bé không khóc, giữ cho con cóc không nhảy ra ngoài vòng thì thắng giải.


***
Có làng bắt người dự thi một tay xách con vịt sống, vai gánh đủ các thứ cần thiết. Nào nồi, nào bếp, gạo, nước, củi. Vừa đi vừa thổi cơm. (1)


(Ai ơi bưng bát cơm đầy…- Nguyễn Dư)

 

(1) Trò chơi dân gian Việt Nam, 1990.



Cây chanh

Tôi tra từ điển. Hoa-Việt của ông Đào Duy Anh, tôi thấy một chữ mà ông Đào Duy Anh ghi âm đọc là chanh. Chẳng những thế, lại còn chua chữ Pháp là citron, citronnier. 


Tôi ngạc nhiên quá. Bên Tàu không có cây chanh. Thế sao họ lại có danh từ chanh để mà cho ta vay mượn (chữ chanh viết bằng chữ đăng là lên đường, nhưng với bộ mộc). Tôi đã biết rằng Trung Hoa, vì không có trồng được cây chanh, nên không có danh từ, phải mượn danh từ lemon của Anh mà họ đọc là lì mông (viết ra chữ Tàu thì các nhà nho ta đọc sai là ninh mông). Vì vậy, tôi cũng phải hỏi lại ông Lý Văn Hùng cho rõ trắng đen. 


Người mà tôi hỏi là ông Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông nầy chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng ông ta đã viết được vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và nhứt là ông ta dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn Khoa Đại Học, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm.

Ông ấy nói:

- Ông Đào Duy Anh đã lầm. Người Tàu đâu có trồng được chanh, đâu có trái citron. Cái chữ nầy phải đọc khác, và trỏ món khác, chớ đâu có trỏ chanh bao giờ.

- Trỏ cái gì, và đọc như sao ?

- Quan Thoại đọc là xản, Quảng Đông đọc là tsat và trỏ cây cam và trái cam. Có lẽ đồng bào của tiên sinh đọc là sành để rồi ghép thành ra cam sành.


(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nói chữ

Nhân vật truyện Tàu được người dân miền Nam ví von như: 

Nóng (nảy) như Trương Phi, gian (hùng) như Táo Tháo, giỏi như Khổng Minh, tài như Lã Vọng, Quảng Trọng, thần thông như ông Tề, đen như Uất trì Cung, đa nghi như Tào Tháo, phước tướng như Triệu Vân, xấu như Chung Vô Diệm, đẹp tựa Tây Thi, ác như Đắc Kỷ, độc như Lã Hậu, phản phúc như Lã Bố, tham lam như Tần Cối, ngu như Tống Giang, mạnh như Võ Tòng, ngay thẳng như Lổ Trí Thâm. 


Mấy câu quen thuộc như: găp chùa thì tu, gặp giặc thì đánh, cái gan Tỷ Can, cái mật Khương Duy, cái lưởi Tô Tần, cái miệng Trương Nghi, uốn ba tất lưởi, thằng ba búa (giỏi lắm như Trình Giảo Kim chỉ đánh được ba búa), một (nhà) Mạnh Thường Quân, vòng vo Tam Quốc, quân sư quạt mo, nói chuyện ông Tề, nói chuyên Phong Thần, y thuật (cao minh) như Hoa Đà, nhân mưu thiên định, xa xôi như Sở Tề, (buồn như) tiếng sáo Trương Lương, Hàn Tín còn lòn chôn giữa chợ (ý nói lúc nhịn phải nhịn).

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Thành ngữ miền Nam ăn ở cho có đức có nhơn, nói lên đời sống đạo lý miền Nam, tránh lời nói việc làm tổn đức. Gẫy gánh, chắp nối. Miền Nam khi xưa vợ chồng là trăm năm, vì vậy ai mà chết vợ, chết chồng, thì người ta nói gẫy gánh giữa đường, đường đời vợ chồng chưa đi chung hết mà đã gẫy gánh. Đòn gánh một khi gẫy làm sao gánh đi hết cuộc đời. Vì vậy có từ chấp nối.


Người vá chồng kẻ vá vợ tìm nhau, chấp nối cái gánh mình đã gẫy để đi hết cuộc đời còn lại. Nhắc đến đàn bà vá tôi nhớ câu chuyện đời má tui có kể là hồi xưa có ông đồ về già ông mới cưới vợ, ông cưới con gái (ý nói là vợ ông còn con gái khi cưới, khác với đàn bà đã biết mùi đàn ông). 


Bạn bè cắc cớ hỏi tại sao ông không kiếm đàn bà vá, xồn xồn, để người ta lo cho ông miếng cơm, chén thuốc lúc tuổi già, lo việc chợ búa, trước sau trong nhà…? Ông nghiêm nghị trả lời gọn ơ là ông không làm chuyện ngược đạo lý đó được, phải để cho người ta thủ tiết. Kể xong má tui cười khì, “mấy ông già xưa, cay hơn gừng già, lời nói chơn giả, thiệt hư mấy phần có trời mà biết”.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)

      

BBuôn tảo bán tần

Tảo, tần là tên hai loại rau mọc ở dưới nước, ven bờ khe suối. Trong bài thơ "Thái tần" có câu:
Vu dĩ Thái Tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ Thái Tảo
Vu bỉ hàng lạo

Nghĩa là: Đi hái rau Tần, bên bờ khe phía nam, đi hái rau Tảo, bên lạch nước kia. Theo cách chú giải thì câu thơ trên ca ngợi người vợ hiền dâu thảo, chăm hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong văn hóa Tàu, “tần” tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm của người phụ nữ. Thành ngữ "buôn tảo bán tần" đã có trong Kinh Thi.
Ở Việt Nam, ý biểu trưng của tảo, tần cũng được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn:


Sớm khuya chăm việc tảo tần
Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai

(Phạm Tải - Ngọc Hoa)

Sau này, "buôn tảo bán tần" được hiểu với nghĩa rộng hơn chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ:


Cô Hai buôn tảo bán tần
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa

(Ca dao)



Chữ nghĩa làng văn


Không rõ từ “em” xuất hiện từ thời nào trong văn chương Viêt. Trong các truyện cổ (Trầu cau, Thiếu Phụ Nam Xương, Trương Chi Mỵ Nương…) và một số áng văn nôm (Nhị Độ Mai, Bích Câu Kỳ Ngộ, Phạm Công Cúc Hoa…) ngay cả một số thơ nôm (Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tự Đức, Nguyễn Khuyến) từ “em” cũng không được dùng. Ngay cả trong thơ bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương…

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ ấy, nhưng em đây là chỉ tình chị em giữa Thúy Kiều, Thúy Vân. Chứ không với Kim Trọng hay Từ Hải, với những “anh” này thì Kiều xưng là…thiếp

 

Tôi chỉ tìm thấy từ này trong bài thơ Mất ô của Trần Tế Xương nói về ả cô đầu:

Hỏi ô, ô mất bao giờ

Hỏi em, em những ậm ờ không thưa

 

(Nguyễn Thùy – Nghĩ về một số từ tiếng Việt)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân: trang hoàng 裝 潢 
Theo soạn giả, trang nghĩa là tô điểm, hoàng nghĩa là rực rỡ, và trang hoàng nghĩa là bày biện cho đẹp mắt. Quả thật, có quyển từ điển Hán Việt đã giải thích như thế, nên đã viết là 粧 煌, trong đó, trang 粧 nghĩa là tô điểm, hoàng 煌 có nghĩa là rực rỡ. 

Nhưng khi xem lại từ điển Từ Nguyên thì chúng tôi chỉ thấy từ trang hoàng 潢 trong đó, chữ hoàng không có nghĩa là rực rỡ. Hoàng nghĩa là giấy mầu; và nghĩa rộng là bài trí. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)










Không có nhận xét nào: