Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Mặt Trái - Lão Gàn

                 MẶT TRÁI

(Truyện ngắn ngắn của Lão Gàn)

Lão Phán ở trong vùng bán thôn quê, bán thành thị. Mấy thanh niên trong vùng gọi đó là “làng giữa phố”.
Phán là tên của lão chứ không phải là chức vụ như trong cụm từ ông thông, ông phán ngày xưa.
Cũng không phải lão từng làm thẩm phán toà án, toà iếc gì. Vậy mà dân trong vùng coi lão như là thẩm phán toà hoà giải, như là cố vấn về những vấn đề giao tiếp tại địa phương. Ai có tranh chấp gì cần phân xử, ai có uẩn ức gì cần giải toả, ai lo lễ cưới, lễ tang cần hướng dẫn nghi lễ đều tới xin ý kiến của lão.
Ngoài đóng vai hoà giải, hướng dẫn, lão còn đóng vai như biên tập viên báo chí phụ trách mục “gỡ rối tơ lòng”.
Lão có uy tín, lão làm việc miễn phí, lão lại có tính cởi mở, vì vậy thân chủ của lão khá đông.
*
* *
Cả tháng nay, lụt bão rồi mưa dầm dề liên miên, lão không đi ra ngoài được, phải ngồi ở nhà, hai chân lão bước đã luống cuống. Chiều nay, lão chống gậy ra con đường trước mặt nhà, đi bộ vài vòng cho thư giãn gân cốt, lưu thông máu huyết.
Lão đi ngang quán tạp hoá cuối xóm, con bé Hạnh – chủ quán – chạy ra chận lão lại, mặt buồn buồn, hỏi:
- Chừ mần răng, ông hè? …
Bé Hạnh nói chưa hết lời, lão Phán cắt ngang:
- Chuyện rắc rối với chồng như bữa trước nữa rồi à?
*
* *
Chồng bé Hạnh ngày ngày đi làm thợ xây, tối về phờ phạc, đêm nằm mệt xuôi lơ, không đoái hoài chi đến chuyện chăn gối - sinh hoạt vợ chồng.
Bé Hạnh không dám đặt vấn đề trực tiếp với chồng. Mấy chàng thanh niên lao động chân tay đang mệt mỏi mà vợ cằn nhằn, chất vấn chuyện này chuyện kia thường thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Bé Hạnh chứng kiến cảnh bạo lực đó diễn ra trong làng xóm thường xuyên. Bé Hạnh sợ là phải.
Cách đây ba, bốn tháng gì đó, bé Hạnh tới thỉnh ý lão Phán về cách giải quyết.
Lão Phán bày:
- Thời của cháu và thời của ông cách xa nhau cũng 60 năm rồi, mọi chuyện trên đời đã thay đổi, ông không biết chuyện phụ nữ muốn hấp dẫn nam giới có thay đổi hay không. Ông chỉ kể cho cháu cách mệ ngày xưa muốn cho ông đoái hoài trong sinh hoạt vợ chồng, cháu nghe, rồi về làm thử coi. Ngày xưa, ngày nào mà mệ biết ông làm việc mệt, mệ ở nhà chuẩn bị đồ ăn bổ dưỡng cho ông; ông về, mệ ra sân, đón chào, mặt tươi như hoa, tay cầm tay ông rất tình tứ. Vô nhà, ông ngồi vào ghế, mệ cầm quạt phạch phạch, vừa quạt vừa xoa bóp cẳng tay bắp chân cho ông. Ông ráo mồ hội, mệ lột quần áo, dắt ông đi tắm; xong, mệ dọn cơm, mệ ngồi ăn với ông nhưng không ngồi đối diện mà kề sát bên ông; mệ luôn nhìn ông với vẻ trìu mến… mỉm cười. Ông cảm thấy mệt mỏi biến mất và ông mệ đêm nào cũng vui vẻ …
*
* *
Bé Hạnh nói:
- Không phải chuyện nớ mô! Chuyện nớ, nhờ ông bày, chừ ổn rồi. Chuyện là chuyện bữa ni nì! …
Lão Phán giục:
- Chuyện chi cháu nói mau xem ông có giúp được gì không? Trời cũng sắp tối rồi, ông phải vô nhà, gió mùa Đông Bắc khiến trời trở rét rồi tề!
Bé Hạnh than thở:
- Từ bữa lụt ra đến chừ, cháu bán hàng quá ế ẩm. Ông coi trong lụt và sau lụt, vùng miềng đón không biết bao nhiêu đoàn – đoàn tại địa phương cũng có, đoàn ngoài Bắc vô cũng có, đoàn trong Nam ra cũng có; đồ cứu trợ thì như nhau: mì gói, nước mắm, xì dầu, bột ngọt, đường … Bây giờ nhà nào cũng có nhiều các thứ kể trên - nhiều đến nổi có nhà tiêu thụ vài ba tháng chưa hết. Quán của cháu bán những thứ thông dụng đó; lúc trước, bà con có người bắc soong lên bếp, đến cháu mua thứ này vài ba ngàn, thứ kia vài ba ngàn. Nhờ thế, cháu có thu nhập để sống qua ngày. Hơn tháng rồi, cháu mở cửa quán ra, từ sáng đến tối, không ai mua gì hết; hỏi rứa có chết không, ông!
Nghe bé Hạnh nói… thương, lão Phán gãi đầu, mấy sợi tóc bạc để dài, phất phơ bay lên xuống qua về theo luồng gió Đông Bắc thổi; lão thủng thẳng nói:
- Chuyện nớ ông cũng chịu! Mình lâm nạn lụt, người ta thương răng nhờ rứa, cháu nờ! Họ có ngờ giờ hàng cháu bán ế là bởi đồ cứu trợ của họ mô!
*
* *
Chuyện bé Hạnh than phiền cứ lảng vảng trong đầu lão Phán. Hồi đêm, nằm đặt tay lên trán, lão loé lên mong muốn trong đầu.
Ước gì trong cơn bão lụt, việc cứu trợ có điều phối thì tốt biết mấy; nhưng việc điều phối không thực hiện được vì nhiều lý do trong đó tệ hại là sự mất niềm tin giữa người và người. Thôi… theo lão Phán, nếu rủi trong tương lai có những trận đại hồng thuỷ như năm nay, cách cứu trợ này là hay nhất:
Khi bão lụt còn hoành hành, người cứu trợ nên phát thực phẩm dùng được ngay vì người bị nạn không nấu nướng được, còn khi bão lụt qua rồi, người bị nạn thiếu cái này, thiếu cái nọ, hỏng cái này, hư cái nọ, cần mua sắm thay thế, vì vậy, người cứu trợ, dù nhiều dù ít, phát tiền mặt thì tiện hơn.
Phát tiền thì người cứu trợ đỡ khâu mua sắm, đóng gói, vận chuyển hàng hoá, còn người nhận cứu trợ có thể dùng tiền mua sắm những gì cần, khỏi phải chịu “ớn” khi ngày nào cũng ăn mì gói. Và những quán tạp hoá ở vùng quê như quán bé Hạnh khỏi ế khách…
*
* *
Tuy nhiên, mong muốn e mãi là mong muốn, chẳng bao giờ biến thành hiện thực.

Lão Gàn
24/11/2020
(10/10/Canh Tý)






























































































































Không có nhận xét nào: