Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ Lòng Trong Truyện Kiều III (Đỗ Chiêu Đức)

 Tạp Ghi và Phiếm Luận : 

                 Chữ LÒNG trong Truyện KIỀU (3)
                                  
                                                                 
   
                         Thệ sư kể hết mọi lời,
       LÒNG LÒNG cũng giận, người người chấp uy.(101)
          
       THỆ SƯ 誓 師 : là Lễ tế cáo trời đất trước toàn quân khi xuất chinh; là Quân lính thề liều mình đánh giặc trước khi ra trận. Ở đây "THỆ SƯ kể hết mọi lời" là Từ Hải họp hết quân lính lại để nghe Thúy Kiều kể về tội lỗi của Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh... trước khi điều quân đi bắt hết những người kể trên về cho Thúy Kiều báo ân báo oán.

       Khi "Trướng hùm mở giữa trung quân, Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi"; ta thấy Thúy Kiều là người rất trung hậu, ân oán phân minh "Báo ân rồi sẽ trả thù", nên người đầu tiên mà nàng nhớ đến phải trả ơn là chàng Thúc Sinh, người "nhân ngãi" cũ:

                 Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
          Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân?(102)
                 Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
          TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là!(103)

       Khiến cho chàng Thúc:

                 LÒNG riêng mừng sợ khôn cầm,(104)
           Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai.

       Ta thấy, bản thân chữ LÒNG đã có hàm ý là "LÒNG TỐT" trong rất nhiều ngữ cảnh, như: "Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân?". "PHỤ LÒNG cố nhân" là "PHỤ LÒNG TỐT của cố nhân"; hay như câu: "TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là". "TẠ LÒNG" là "Cảm tạ Lòng Tốt của ai đó". Ngày thường ta cũng hay nghe câu: "Cám ơn bác đã CÓ LÒNG đến thăm tôi". "CÓ LÒNG" ở đây là "CÓ LÒNG TỐT" đó.

                                                                                                                                       
       Trở lại với sự báo ân của Thúy Kiều: "Mụ già, sư trưởng thứ hai", MỤ GIÀ là chỉ "Mụ Quản Gia", còn SƯ TRƯỞNG là "Sư Giác Duyên", hai người đã có công giúp đỡ cứu vớt Thúy Kiều trong cơn hoạn nạn, nên "Dắt tay mở mặt cho nhìn: Hoa Nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi", và cô kể lể:

                  Nhớ khi lỡ bước xẩy vời,
           Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.
                  Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
           Mà LÒNG PHIẾU MẪU mấy vàng cho cân ?(105)

       PHIẾU MẪU 漂 母 là một bà già tầm thường giặt lụa ở bờ sông. Còn Hàn Tín 韓 信(khoảng 231-196 trước Công Nguyên) người đất Hoài Âm, là một trong những khai quốc công thần của nhà Hán. Khi Hàn Tín còn chưa phát tích, lang thang phiêu bạt đó đây sống nhờ vào Nam Đình Đình Trưởng, nhưng vợ Đình Trưởng là một người đàn bà hà khắc, thường ăn cơm sớm và không chừa phần cho Hàn Tín. Khi Tín đến thì cơm đã hết rồi. Buồn lòng Hàn Tín đi lang thang ra bờ sông thì gặp phải Phiếu Mẫu đang lúc ngưng giặt lụa để ăn cơm. Trông thấy điệu bộ đói khát của Tín, bèn chia cho phân nửa phần cơm của mình đang ăn. Hàn Tín rất cảm kích mà bảo rằng: "Sau này nếu ta phát tích sẽ đền ơn cho bà trọng hậu". Phiếu Mẫu nổi giận đáp rằng: "Ta thấy nhà người đói khát tội nghiệp nên chia cơm cho ngươi ăn, chớ đâu phải để mong sau này ngươi báo đáp cho ta đâu!"  Sau khi giúp cho Lưu Bang chiến thắng Hạng Võ để lập nên nhà Hán, Hàn Tín được phong là Tề Vương, rồi Sở Vương. Khi vinh quy áo gấm về làng đã báo đáp cho Phiếu Mẫu một ngàn lượng vàng. Vì tích nầy mà ta có thành ngữ NHẤT PHẠN THIÊN KIM 一 飯 千 金 có nghĩa: Một bửa cơm giá đáng ngàn vàng, để cho người đời biết giá trị của "Một Miếng Khi Đói" nó qúy giá biết chừng nào! 
       Thúy Kiều đã mượn tích nầy để so sánh sự giúp đỡ của "Mụ quản gia và Vãi Giác Duyên" như là Phiếu Mẫu đã giúp Hàn Tín vậy, nên nàng cũng đền ơn bằng: "NGHÌN VÀNG gọi chút lễ thường".

            
                                  
       Sau "báo ân" là "báo oán"! Cái người gây ra sự oán hận nhất cho Thúy Kiều là ai? Ta hãy nghe cụ Nguyễn Du viết: "Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra, Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư". Mặc dù "Hoạn Thư phách lạc hồn xiêu, Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca", nhưng Hoạn Thư đã "kêu ca" một cách rất thông minh:

                  Rằng: Tôi chút phận đàn bà,
           Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,

... xin bà hãy:
                  Nghĩ cho khi gác viết kinh,
           Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo. (để bắt bà lại!)

... vì tôi đối với bà:
                  LÒNG riêng riêng những kính yêu;(106)
            Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.

... nhưng cũng đã :
                  Trót LÒNG gây việc chông gai,(107)
            Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?

       Rất thông minh, rất tâm lý! Khiến cho Thúy Kiều cũng phải "Khen cho: Thật đã nên rằng, Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời", nên mới "Tha ra thì cũng may đời, Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen", và Kiều đã lên giọng kẻ cả mà quyết rằng:

                      Đã LÒNG TRI QÚA thì nên,(108)
            Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay!

       TRI QÚA 知 過 là Biết lỗi, biết sai, nên LÒNG TRI QÚA là có lòng biết mình đã làm sai điều gì đó. Câu "Đã LÒNG TRI QÚA thì nên" có nghĩa: Nàng đã biết mình sai là được rồi! và đã "Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay!", và Hoạn Thư cũng đã:

                 TẠ LÒNG lạy trước sân mây,(109)

                    
                           
       Sau khi đã "xử lý" theo thứ tự "Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà, Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh" rồi đến "Tú Bà cùng Mã Giám Sinh" với hình thức "Thề sao thì lại cứ sao gia hình", khiến cho "Máu rơi thịt nát tan tành, Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời", cho nên:

                     Nàng từ ân oán rạch ròi,
            Bể oan dường đã vơi vơi cạnh LÒNG.(110)

       Từ Hải còn lo lắng cho Thúy Kiều, vì "Xót nàng còn chút song thân, Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa", nên Từ muốn:

                   Sao cho muôn dặm một nhà,
          Cho người thấy mặt là ta CAM LÒNG.(111)
                          
                    
       
       Từ đó Thúy Kiều và Từ Hải "Triều đình riêng một góc trời, Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà", và "Đòi phen gió quét mưa sa, Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam". Cả hai đã "Năm năm hùng cứ một phương hải tần". Triều đình đã phải cử Hồ Tôn Hiến đến dẹp loạn. Hồ đã "Đóng quân làm chước chiêu an, Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng" và "Lại riêng một lễ với nàng, Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân". Thúy Kiều đã nhẹ dạ nghe theo lời Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải quy hàng; Từ Hải cũng đã nhẹ dạ nghe theo lời Thúy Kiều quy hàng, để đến nỗi trúng kế của Hồ Tôn Hiến phải chết đứng giữa sa trường. Thấy Thúy Kiều đau lòng trước cái chết của Từ Hải, Hồ đã an ủi nàng:

                     Bây giờ sự đã vẹn tuyền,
            MẶC LÒNG nghĩ lấy muốn xin bề nào?(112)

      Còn xin bề nào nữa! Nên...

                     Nàng càng giọt ngọc tuôn dào,
            Ngập ngừng mới gửi thấp cao SỰ LÒNG.(113)

      Thúy Kiều đã rất hối hận vì đã khuyên Từ Hải "Đem thân bách chiến làm tôi triều đình". "Ngỡ là phu qúy phụ vinh, Nào ngờ một phút tan tành thịt xương"và đau lòng vì "Xét mình công ít tội nhiều, Sống thừa tôi đã nên liều mình tôi!" nên chỉ "Xin cho tiện thổ một doi, Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh" cho trọn tình trọn nghĩa mà thôi. Nàng đã nói thẳng vào mặt Hồ Tôn Hiến:

                   Khéo khuyên kể lấy làm công,
           Kể bao nhiêu lại ĐAU LÒNG bấy nhiêu!(114)
                                  
                        

       Khi mở tiệc hạ công để ăn mừng chiến thắng, Hồ Tôn Hiến còn: "Bắt nàng thị yến dưới màn, Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu", khiến cho họ Hồ "Nghe càng đắm ngắm càng say, Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình", mới "Dạy rằng: Hương lửa ba sinh, Dây loan xin nối cầm lành cho ai?" Thúy Kiều đã qúa não nề với nhân tình thế thái nên đáp rằng: 

                    Còn chi nữa cánh hoa tàn,
             TƠ LÒNG đã đứt dây đàn Tiểu Lân.(115)

      DÂY ĐÀN TIỂU LÂN: là Dây đàn của nàng Phùng Tiểu Lân 馮 小 憐, ái phi của Bắc Tề Hậu Chúa thời Nam Bắc Triều, được Hậu Chúa Cao Vi phong làm Thục Phi. Tiểu Lân thông minh lanh lợi, giỏi ca múa, đặc biệt là ngón đàn tì bà rất tuyệt diệu. Hậu Chúa rất sủng ái thường ăn cùng mâm, đi cùng xe.  Công nguyên 577, Bắc Tề mất vào tay Bắc Chu. Chúa Bắc Chu là Vũ Văn Ung thấy Hậu Chúa Cao Vi còn rất thương mến Phùng Tiểu Lân nên trả nàng lại cho Cao Vi. Nhưng sau khi Cao Vi mất, Vũ Văn Ung lại tặng nàng cho Đới Vương Vũ Văn Đạt. Đạt cũng rất sủng ái nàng, nhân trong bữa tiệc nàng gảy đàn tì bà giúp vui, bất ngờ dây đàn bị đứt. Phùng Tiểu Lân mới tức cảnh làm một bài thơ như sau:

         雖 蒙 今 日 寵,        Tuy mông kim nhật sủng,
         猶 憶 昔 時 憐。      Do ức tích thời lân.
         欲 知 心 斷 絕,      Dục tri tâm đoạn tuyệt,
         應 看 膝 上 弦。      Ưng khan tất thượng huyền.
Có nghĩa :
                 Hôm nay tuy được cưng chìu,
          Nhớ xưa sủng ái đủ điều mến thương.
                 Lòng ta chi xiết đoạn trường,
          Như dây đàn đứt vấn vương tơ tình!

                     
                
     Thúy Kiều đã rất tâm đắc khi mượn ý của bài thơ của Phùng Tiểu Lân để bày tỏ lòng mình với Hồ Tôn Hiến bằng câu: "Tơ lòng đã đứt DÂY ĐÀN TIỂU LÂN " rồi mới bày tỏ nguyện vọng của mình với Hồ là: "Rộng thương còn mảnh hồng quần, Hơi tàn được thấy gốc Phần là may! Nhưng Hồ Tôn Hiến đã không đáp ứng cho nàng về quê để thấy "Gốc Phần", để thăm lại mẹ cha, cũng không nạp nàng làm thiếp, vì sợ "Quan trên ngó xuống người ta trông vào", mà lại "Ép tình mới gán cho người thổ quan" khiến cho nàng phải "Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang" để kết thúc cho cái thân "má hồng phận bạc" và "một đời tài sắc" của mình như lời bà Tam Hợp Đạo Cô đã nói: "Tu là cõi phúc, Tình là dây oan!" Trước khi nhảy xuống Trường Giang tự trầm, Thúy Kiều một lần nữa đã rất ân hận vì cái chết của Từ Hải là do mình gián tiếp gây ra:

                        Rằng: Từ công hậu đãi ta,
                Chút vì việc nước mà ra PHỤ LÒNG.(116)
                        Giết chồng mà lại lấy chồng,
                 Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?

     Cho nên ...
                        Thôi thì một thác cho rồi,
                TẤM LÒNG phó mặc trên trời dưới sông!(117)

      Lại nói, khi từ giả Thúy Kiều, sư Giác Duyên đã "Đeo bầu quảy níp rộng đường vân du", rồi "Gặp bà Tam Hợp đạo cô, Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng" được Đạo cô Tam Hợp cho biết về cuộc đời ba chìm bảy nổi của Thúy Kiều và kết luận:

                       Sư rằng: Phúc họa đạo trời,
               Cỗi nguồn cũng ở LÒNG NGƯỜI mà ra.(118)

      Đạo cô Tam Hợp cũng đã rất lạc quan về cuộc đời của Thúy Kiều sau nầy "Khi nên trời cũng chiều người, Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau" và nhắc nhở "Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau, Tiền Đường thả một bè lau rước người" nên:

                    Giác Duyên nghe nói MỪNG LÒNG,(119)
              Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường,

                   
                         
      Sư Giác Duyên đã "chơi qúa xộp", bà đã dám "Thuê năm ngư phủ hai người, Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông". Chắc sư đã dùng "nghìn vàng" của Thúy Kiều báo ân, nên mới dám thuê hai ngư phủ "kết chài giăng sông" suốt từ năm này qua năm kia, chỉ một việc chờ để vớt Thúy Kiều khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn mà thôi! Chuyện có vẻ hoang tưởng, nhưng:

                  Một LÒNG chẳng quản mấy công,(120)
           Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần!

     Cuối cùng thì cũng "Ngư ông kéo lưới vớt người, Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa!" Mặc dù "Trên mui lướt mướt áo là, Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương". Khi Thúy Kiều còn đang "Mơ màng phách quế hồn mai, Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa". Đạm Tiên đã nói với Kiều:

                    Rằng: Tôi đã CÓ LÒNG chờ,(121)
              Mất công mười mấy năm thừa ở đây.
                    Chị sao phận mỏng phúc dày,
              Kiếp xưa đã vậy LÒNG này dễ ai!(122)
          
       Sau khi Thúy Kiều tỉnh dậy, Giác Duyên đã "Gặp nhau mừng rỡ trăm bề, Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư", và từ đó:

                   Một nhà chung chạ sớm trưa,
           Gió trăng mát mặt muối dưa CHAY LÒNG.(123)

                  
                         
       Thế là "Nạn xưa trút sạch lầu lầu, Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này".
       Khi trở lại vườn Thúy để tìm Kiều, thì Kim Trọng chỉ thấy "Đầy vườn cỏ mọc lau thưa, Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời". Khi "Láng giềng có kẻ sang chơi, Lân la sẽ hỏi một hai sự tình", "Hỏi ông, ông mắc tụng đình, Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha. Hỏi nhà, nhà đã dời xa, Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân. Đều là sa sút khó khăn, May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi". Qủa là "Điều đâu sét đánh lưng trời, Thoắt nghe chàng thoắt rụng rời xiết bao!". Khi tìm đường vào đến tận nơi thăm viếng, thì Vương Viên Ngoại đã kể lại mọi điều "Trót lời hẹn với lang quân, Mượn con em nó Thúy Vân thay lời. Gọi là trả chút nghĩa người, Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên!" và ông kết luận:

                     Mấy lời ký chú đinh ninh,
              GHI LÒNG để dạ cất mình ra đi.(124)
                     Phận sao bạc bấy Kiều nhi,
              Chàng Kim về đó con thì đi đâu !?

      Nghe xong, chàng Kim đã "Vật mình vẫy gió tuôn mưa, Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai!" Chàng tức tối bảo "Rằng: Tôi trót quá chân ra, Để cho đến nổi trôi hoa dạt bèo" và xác định với Vương Viên Ngoại:

                      Chưa chăn gối cũng vợ chồng,
               LÒNG nào mà nỡ dứt LÒNG cho đang?(125)
                      Bao nhiêu của mấy ngày đàng,
               Còn tôi tôi một gặp nàng mới thôi!

      Lời nói đi đôi với hành động, chàng Kim đã "Vội về sửa chốn vườn hoa, Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang", để chàng có dịp:

                    Thần hôn chăm chút lễ thường,
               Dưỡng thân thay TẤM LÒNG nàng ngày xưa.(126)
                    Đinh ninh mài lệ chép thơ,
               Cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe...
                           
              

      Người ở Lâm Chuy, lại đi tìm ở Lâm Thanh (do Mã Giám Sinh khai gian chỗ ở) nên "Người một nơi hỏi một nơi, Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?" khiến cho Kim Trọng "Sinh càng thảm thiết khát khao, Như nung gan sắt như bào lòng son", đến đổi "Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê, Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao", khiến cho "Xuân huyên lo sợ biết bao, Quá ra khi đến thế nào mà hay!" Cho nên "Vội vàng sắm sửa chọn ngày, Duyên Vân sớm vội se dây cho chàng". Nhưng mặc dù "Người yểu điệu kẻ văn chương, Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì" chàng Kim vẫn luôn luôn nhớ về Thúy Kiều, "Có khi vắng vẻ thư phòng, Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa" và mường tượng mơ màng "Dường như bên nóc bên thềm, Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng". Chỉ vì:

                 Bởi LÒNG tạc đá ghi vàng,(127)
          Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.

       Sau khi Kim Trọng cùng Vương Quan đều thi đậu và cùng đều làm quan, thì "Kim từ nhẹ bước thanh vân, Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương" và khi "Phòng xuân trướng rủ hoa đào, Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng", nên "Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng, Nghe lời chàng cũng hai đường tin nghi", "Nọ Lâm Thanh với Lâm Chuy, Khác nhau một chữ hoặc khi có lầm". Cho nên "Thăng đường chàng mới hỏi tra", rồi được ông lại già họ Đô và Thúc Sinh kể lại hết đầu đuôi sự tích lưu lạc của Thúy Kiều, và cuối cùng kết luận là "Về sau chẳng biết vân mồng ra sao!" Cho nên :    

                      Nghe tường ngành ngọn tiêu hao,
            LÒNG RIÊNG chàng luống lao đao thẫn thờ.(128)

       Thương xót cho Thúy Kiều như "...chiếc lá bơ vơ, Kiếp trần biết giũ bao giờ cho xong?" Ví như:

                    Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,
            Xót thân chìm nổi ĐAU LÒNG hợp tan!(129)

               
                         

       Khi Kim Trọng và Vương Quan cùng cải nhậm và cùng thuận đường phó quan, khi đến "Hàng Châu đến đó bây giờ, Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành", "Rằng: Ngày hôm nọ giao binh, Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền"; còn "Nàng Kiều công cả chẳng đền, Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù", cho nên "Nàng đà gieo ngọc trầm châu, Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan! Cả nhà mới "Chiêu hồn thiết vị lễ thường, Giải oan lập một đàn tràng bên sông". Tình cờ Giác Duyên đến nơi cho biết Thúy Kiều còn sống và còn đang ở thảo am gần đây với mình, nên cả nhà mới "Bẻ lau vạch cỏ tìm đi", "Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường". Khi "Giác Duyên  lên tiếng gọi nàng, Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra" thì cả nhà đều "Tưởng bây giờ là bao giờ, Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!" và cả nhà cùng:    

                     Quây nhau lạy trước Phật đài,
            Tái sinh trần tạ LÒNG người từ bi.(130)

       Khi "Kiệu hoa giục giã tức thì, Vương ông dạy rước cùng về một nơi" để cùng nhau đoàn tụ, thì Thúy Kiều đã phân bua "Nàng rằng: Chút phận hoa rơi, Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay", cứ:

                     Tính rằng mặt nước chân mây,
             LÒNG nào còn tưởng có rày nữa không?(131)
                     Được rày tái thế tương phùng.
             Khát khao đã thỏa tấm LÒNG lâu nay!(132)

       Hơn nữa "Đã đem mình bỏ am mây, Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa" vì "Mùi thiền đã bén muối dưa, Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng", vả lại:

                    Sự đời đã tắt LỬA LÒNG,(83,133)
            Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi! 
                    Dở dang nào có hay gì,
             Đã tu tu trót quá thì thì thôi!

       ... lại nữa :
                     Trùng sinh ân nặng bể trời,
             LÒNG nào nỡ dứt nghĩa người ra đi?(134)
                              
                

       Vương Viên Ngoại đã phản bác lại: "Ông rằng: Bỉ thử nhất thì" Có nghĩa: Ở đời phải biết lúc vầy lúc khác, vì "Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền. Phải điều cầu Phật cầu Tiên, Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?" Còn ơn nghĩa của sư Giác Duyên thì "Độ sinh nhờ đức cao dày, Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung". Nghe Vương Ông lý luận quá hợp lý, cho nên:

                     Nghe lời nàng cũng CHIỀU LÒNG,(135)
               Giã sư giã cảnh đều cùng bước ra.

       Khi "Một nhà về đến quan nha, Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy", và khi đã "Tàng tàng chén cúc dở say, Đứng lên Vân mới giãi bày một hai", nàng muốn kết hợp cho Thúy Kiều và Kim Trọng "Quả mai ba bảy đương vừa, Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì". Nhưng Thúy Kiều đã vội gạt đi với lý do "Một lời tuy có ước xưa, Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều. Nói càng hổ thẹn trăm chiều, Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi!" Nhưng Chàng Kim lại không chịu:

                    Chàng rằng: Nói cũng lạ đời,
              Dẫu LÒNG kia vậy còn lời ấy sao?(136)
                    Một lời đã trót thâm giao,
              Dưới dày có đất trên cao có trời!

       Thúy Kiều đã viện dẫn:

                    Nàng rằng: Gia thất duyên hài,
              Chút LÒNG ân ái ai ai cũng LÒNG.(137)
                     Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
              Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương. 

               
                        
        Còn phận mình thì "... từ ngộ biến đến giờ. Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa" nên không "Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!". TRẦN CẤU 塵 垢 là Bụi bặm dơ dáy; còn BỐ KINH  布 荊 thì BỐ là Vải thô, KINH là Cỏ gai; nên BỐ KINH là chỉ nàng Mạnh Quang đời Tấn, là người vợ đãm đang cần mẫn, mặc quần áo bằng vải thô và cài trâm bằng cỏ gai. Ở đây, Thúy Kiều muốn nói thân mình đã "Bấy chầy gió táp mưa sa, Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn", nên không dám dự vào sự thanh cao của chồng vợ bình thường. Nhưng Chàng Kim đã cố thuyết phục rằng: "Xưa nay trong đạo đàn bà, Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường" và "Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay?" và Kim cũng xác định cái nhìn của mình về Kiều là "Hoa tàn mà lại thêm tươi, Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa." Tuy nói có hơi "xạo", nhưng lại rất chân thành, cho nên đến sau cùng thì Thúy Kiều cũng đành chịu khuất phục:

                  Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi,
           CHIỀU LÒNG gọi có xướng tùy mảy may.(138)

Chiều thì chiều thế, nhưng...
                  Riêng LÒNG đã thẹn lắm thay,(139)
           Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi!

        Nàng cũng không muốn cho người yêu phải "Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa", vì như thế thì "Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi", chẳng thà "Người yêu ta xấu với người, Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau". Chàng Kim cũng tỏ ra cao thượng không chút nhượng bộ "Bấy lâu đáy bể mò kim, Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa? Ai ngờ lại hợp một nhà, Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!" Nghe xong câu nói nầy của Kim Trọng, Thúy Kiều đã:

                    Nghe lời, sửa áo cài trâm,
              Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng:
                    Thân tàn gạn đục khơi trong,
              Là nhờ quân tử khác LÒNG người ta.(140)
                     Mấy lời tâm phúc ruột rà,
              Tương tri dường ấy mới là tương tri!

       Sau khi đã cùng thỏa thuận với nhau là "Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ", rồi thì "Tình xưa lai láng khôn hàn, Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa":

                      Nàng rằng: Vì mấy đường tơ,
               Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
                     Ăn năn thì sự đã rồi!
               NỂ LÒNG người cũ vâng lời một phen.(141)
                              
                  

     ... và sau khi đã "Lọt tai nghe suốt năm cung, Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao", Kim Trọng đã rất ngạc nhiên:

                  Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,
            Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
                  Tẻ vui bởi tại LÒNG này,(142)
            Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

       KHỔ TẬN CAM LAI 苦 盡 甘 來 : KHỔ là Đắng, CAM là Ngọt; Cái Đắng đã tận cùng thì cái Ngọt sẽ đến. Hết lao nhọc cực khổ thì thảnh thơi sung sướng sẽ đến. Đây là nguyên lý của Đạo giáo: VẬT CỰC TẤT PHẢN 物 極 必 反: Sự vật hay sự việc gì đó đến lúc cùng cực hết mức thì sẽ trở ngược trở lại; như Âm Cực Dương Hồi 陰 極 陽 回, Bỉ Cực Thái Lai 啚 極 泰 來, Bỉ Sắc Tư Phong  彼 嗇 斯 豐, Hứng Tận Bi Lai 興 盡 悲 來 và... KHỔ TẬN thì CAM LAI như trong câu thơ trên và cũng như trong cuộc đời của Thúy Kiều vậy!

       Chữ LÒNG cuối cùng cũng là chữ LÒNG trong bốn câu thơ cuối của Truyện Kiều mà hầu như mọi người  ai cũng biết:

                    Thiện căn ở tại LÒNG ta,(143)
              Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.

              

         Xin được khép lại bài Phiếm luận trường thiên "Chữ LÒNG trong Truyện KIỀU" ở đây, với 141 câu có chữ LÒNG và 598 câu thơ minh họa đi kèm. Vị chi là ta đã học thuộc được 739 câu trong Truyện Kiều suốt từ đầu đến cuối!
      
        Hẹn bài viết tới.

                                                         杜 紹 德
                                                    Đỗ Chiêu Đức








Không có nhận xét nào: