ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC 3 :
Ngũ ngôn Cổ phong Nhạc phủ của Thi Tiên LÝ BẠCH:
長 干 行 TRƯỜNG CAN HÀNH
妾 髮 初 覆 額, Thiếp phát sơ phúc ngạch,
折 花 門 前 劇。 Chiết hoa môn tiền kịch.
郎 騎 竹 馬 來, Lang kỵ trúc mã lai,
遶 床 弄 青 梅。 Nhiễu sàng lộng thanh mai.
同 居 長 干 裡, Đồng cư Trường Can lý,
兩 小 無 嫌 猜。 Lưỡng tiểu vô hiềm sai.
十 四 為 君 婦, Thập tứ vi quân phụ.
羞 顏 未 嘗 開。 Tu nhan vị thường khai.
低 頭 向 暗 壁, Đê đầu hướng ám bích,
千 喚 不 一 回。 Thiên hoán bất nhứt hồi.
十 五 始 展 眉, Thập ngũ thỉ triển mi,
願 同 塵 與 灰。 Nguyện đồng trần dữ hôi.
常 存 抱 柱 信, Thường tồn bảo trụ tín,
豈 上 望 夫 臺。 Khởi thượng Vọng phu đài.
十 六 君 遠 行, Thập lục quân viễn hành,
瞿 塘 灩 澦 堆。 Cù Đường diễm dự đôi.
五 月 不 可 觸, Ngũ nguyệt bất khả xúc,
猿 聲 天 上 哀。 Viên thanh thiên thượng ai.
門 前 遲 行 跡, Môn tiền trì hành tích,
一 一 生 綠 苔。 Nhất nhất sinh lục đài.
苔 深 不 能 掃, Đài thâm bất năng tảo,
落 葉 秋 風 早。 Lạc diệp thu phong tảo.
八 月 蝴 蝶 黃, Bát nguyệt hồ điệp hoàng,
雙 飛 西 園 草 。 Song phi tây viên thảo.
感 此 傷 妾 心, Cảm thử thương thiếp tâm,
坐 愁 紅 顏 老。 Tọa sầu hồng nhan lão.
早 晚 下 三 巴, Tảo vãn hạ Tam Ba,
預 將 書 報 家。 Dự tương thư báo gia.
相 迎 不 道 遠, Tương nghinh bất đạo viễn,
直 至 長 風 沙。 Trực chí Trường Phong Sa.
李 白 Lý Bạch
*CHÚ THÍCH:
- Trường Can : Tên một làng, nay thuộc huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô. HÀNH là tên một khúc hát trong Nhạc phủ như CA, KHÚC, HÀNH… nên TRƯỜNG CAN HÀNH là Khúc hát xứ Trường Can. Ngoài bài nầy của Lý Bạch ra, ta còn có 2 bài TRƯỜNG CAN HÀNH ngũ ngôn tuyệt cú nhạc phủ cũng rất nổi tiếng của Thôi Hiệu (Mời đọc Đường Thi Tuyển Độc I, bài 21).
- Phúc Ngạch : Phúc là Đậy, Ngạch là Trán; nên Phúc Ngạch là Phủ trán.
- Kịch : không phải là Kịch nghệ, ở đây có nghĩa là Chơi Đùa.
- Sàng : không phải là cái Giường ngủ, mà là cái Miệng Giếng.
- Hiềm Sai : là Nghi Ngại. Vô Hiềm Sai là Không nghi ngại gì cả, rất vô tư.
- Triển Mi : là Mở mày. Ta hay nói là Mở Mày Mở Mặt, ý chỉ Mặt Mũi đã trưởng thành, đã đẹp đẽ. Mở Mày Mở Mặt trong tiếng Việt ta còn dùng để chỉ Vui Vẻ hân hoan vì Hãnh Diện bởi việc gì đó.
- Nguyện Đồng Trần Dữ Hôi : là Nguyện cùng tro cùng bụi, ý muốn nói là sẽ đồng cam cộng khổ với nhau.
- Bão Trụ Tín : là theo Thành ngữ : BẢO TRỤ CHI TÍN 抱 柱 之 信 là Cái Uy Tín Về Việc Ôm Cột (Cầu). Theo sách TRANG TỬ: VĨ SINH hẹn với cô gái ở dưới trụ cầu. Khi nước lớn, cô gái không đến, VĨ SINH ôm lấy cột cầu "chịu trận" mà chết. Si tình đến thế là cùng! Cụ NGUYỄN DU gọi ÔM CỘT là ẤP CÂY và đã mượn tích nầy để cho KIM TRỌNG "Hù" THÚY KIỀU:
...Tháng tròn như cuội cung mây,
Trần trần một phận "ẤP CÂY" đã liều!
rồi mới tỏ tình...
Tiện đây xin một hai điều,
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?!
Nếu nàng chẳng “soi đến dấu bèo“ thì ta sẽ chết như Vĩ Sinh cho nàng xem!
- Vọng Phu Đài : là Đài Trông Chồng, ở cách Nam Huyện của tỉnh Tứ Xuyên hai ba chục dặm. Tương truyền là nơi của Tôn Phu Nhân đứng để ngóng trông Lưu Bị, khi Bị đã chết ở Bạch Đế Thành.
- Cù Đường : Tên một bến nước, ở phía thành đông của Quỳ Châu Phủ, tên cũ là Tây Lăng Giáp, là cửa ngỏ ra vào của Tam Giáp, hai bên vách đá dựng đứng giữa dòng Trường Giang.
- Hành Tích : là Dấu tích của bước chân đã đi qua. Là Dấu Giày.
- Tam Ba : là Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây, hợp xưng là Tam Ba.
- Trường Phong Sa : là địa danh, nay thuộc huyện Qúy Trì, tỉnh An Huy.
* NGHĨA BÀI THƠ :
KHÚC HÁT XỨ TRƯỜNG CAN
Khi tóc của thiếp vừa phủ lưa thưa xuống trán, đang hái hoa chơi đùa phía trước cửa, thì chàng cởi ngựa tre chạy đến, chạy vòng quanh miệng giếng để ngắt ghẹo cành mai xanh. Chúng ta cùng lớn lên ở xứ Trường Can, hai đứa trẻ cùng ngây thơ trong trắng không úy kỵ gì cả! Nhưng… Mười bốn tuổi thiếp đã về làm vợ chàng rồi, mà vẫn còn rất thẹn thùng bẽn lẽn, chỉ cúi đầu nằm quay mặt vào vách, chàng gọi trăm ngàn lần vẫn không quay đầu lại. Đến mười lăm tuổi mới mở mặt mở mày ra nguyện cùng chàng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, và quyết một lòng chung thủy với chàng (bảo trụ tín) cho dù phải lên Vọng Phu Đài để trông ngóng chồng về. Mười sáu tuổi chàng lại phải đi xa đến tận xứ Cù Đường hiễm trở. Giữa tháng năm mùa hè nóng nực, tiếng vượn hú vang mãi tận trời xanh. Những dấu chân của thiếp khi đưa tiễn chàng trước cửa đều đã nổi rêu xanh, rêu dầy đến nổi thiếp cố quét nhưng vẫn không đi. Lá rụng theo làn gió thu sớm thổi, những con bướm tháng tám đã vàng vọt, nhưng vẫn bay song đôi trong vườn tây đầy cỏ, làm cho thiếp cảm thấy thương tâm cho thân phận lẻ loi, ngồi đây mà sầu não cho cái nhan sắc sớm già nua của mình! Nếu trong một sớm tối nào đó mà chàng về đến xứ Tam Ba, hãy viết thư về nhà báo cho thiếp biết trước, thiếp sẽ chẳng nệ đường xa mà đi đón chàng dù cho phải trực chỉ đến tận Trường Phong Sa!
Tình cảm chân thực, thật thà nhưng tha thiết gắn bó của người vợ trẻ cùng lớn lên với chồng trong cùng một xóm một làng. Từ ngây thơ trong trắng đến lấy nhau hợp cẫn trong thẹn thùng, rồi khắn khít nhau, ủn ỉn như lợn ăn khoai, thề cùng đồng cam cộng khổ, để rồi lại phải chia tay nhau trong sầu nhớ. Hè đi thu đến, mơ ước được đoàn viên và sẽ chẳng ngại vượt đường xa mà đón chàng về sum họp! Bài thơ nổi tiếng không chỉ vì chuyện tình của đôi lứa mà còn vì hai câu thơ bất hũ:
Lang kỵ Trúc Mã lai, 郎 騎 竹 馬 來,
Nhiễu sàng lộng Thanh Mai. 繞 床 弄 青 梅。
đã hình thành Thành ngữ Điển Tích “Thanh Mai Trúc Mã 青 梅竹 馬 “để chỉ những đôi lứa cùng lớn lên bên nhau, rồi cùng yêu nhau, cùng thành chồng vợ với nhau. Sau dùng rộng ra để chỉ các cặp đôi là bạn học với nhau hay quen biết nhau từ tấm bé, từ trước… rồi mới yêu nhau, lấy nhau. Dùng rộng ra hơn nữa là… để chỉ tình nghĩa vợ chồng với nhau mà thôi! Và… Thành ngữ nầy còn được nói gọn thành “Mai Trúc“ hay “Trúc Mai“ như trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha đã trối lại với Thúy Vân để nói lại với Kim Trọng rằng:
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì Trúc Mai.
Và khi Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã viết:
Một nhà sum họp Trúc Mai,
Càng sâu nghĩa bễ càng dài tình sông!
Hay khi tưởng Thúy Kiều đã chết cháy trong thư phòng, chàng Thúc cũng đã khóc:
Tưởng rằng Mai Trúc lại vầy,
Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau!
Bắt chước theo gương người xưa, trong bài thơ “Thắm Thoát Năm Mươi Nă “ tả lại mối tình của tuổi học sinh, Đỗ Chiêu Đức tôi cũng kết thúc bài thơ bằng 8 câu:
…. Những lúc trà dư tửu hậu tan,
Chạnh niềm cô lữ buổi xuân tàn.
Chiều nay chợt thấy lòng xao xuyến,
Ngậm ngùi đọc lại khúc Trường Can.
Phương trời cách biệt những bâng khuâng,
“Thanh Mai“ vẫn thắm như ngày trước?!
“Trúc Mã“ giờ đây đã cỗi cằn!!!
Thanh Mai Trúc Mã thời nay
*DIỄN NÔM:
KHÚC HÁT TRƯỜNG CAN
Khi tóc thiếp mới vừa phủ trán,
Bẻ hoa chơi lảng vảng trước sân.
Ngựa tre chàng cưởi đến gần,
Chạy quanh bờ giếng ghẹo cành mai xanh.
Hai bé con vẫn cứ thơ ngây,
Mười bốn làm vợ chàng ngay,
Thẹn thùa chưa biết mảy mai chuyện tình.
Gọi ngàn lần… nhìn vách làm thinh.
Mười lăm mới đắm đuối tình,
Nguyện cùng lên thác xuống ghềnh có nhau!
Nào phải cần thẹn đá vọng phu.
Mười sáu chàng phải viễn du,
Cù Đường non nước mịt mù xa xôi.
Tiếng vượn buồn thổn thức mây xanh.
Dấu giày đưa tiễn bước anh,
Giờ đà đã phủ rêu xanh mất rồi!
Lá vàng rơi gió rét thu sang.
Trung Thu tháng tám bướm vàng,
Song song đôi lứa bay sang vườn đoài.
Hồng nhan sầu ai biết già mau.
Sớm chiều mơ ước bên nhau,
Nếu thư chàng báo về mau lại nhà,
Nguyện vượt ngàn đến xứ Tam Ba.
Thẳng dong tận Trường Phong Sa,
Đón chàng về lại quê nhà đoàn viên!
ĐCĐ
Thị thiếp đoạn trường thì! 是 妾 斷 腸 時.
Có nghĩa:
Khi chàng nhớ trở lại nhà,
Là khi lòng thiếp xót xa đoạn trường !
Trường Can Hành
- Dịch ngũ ngôn
Tóc thiếp che vầng trán
Trước cửa khẽ đùa chơi
Trúc Mã chàng thả đến
Quanh giếng đùa Thanh Mai.
Quê Trường Can khôn lớn
Hai đứa còn thơ ngây
Làm vợ năm mười bốn
E thẹn giữ lâu dài
Quay đầu vào vách trốn
Chàng khều nắm không xoay.
Mười lăm đà mở mặt
Thề cộng khổ đồng tay
Lòng thủy chung đã quyết
Dẫu lên Vọng Phu đài.
Mười sáu chàng dấn bước
Cù Đường, Diễm Dự ôi!
Tháng Năm không gặp được
Vượn hú trời xa xôi!
Dấu giày in trước cửa
Đã mọc đầy rêu xanh
Không quét đi được nữa
Thu sớm, lá rụng nhanh
Tháng Tám vàng bướm lượn
Từng đôi dạo vườn tây
Thiếp thương đời lẻ bạn
Ngồi ngắm phận tàn phai.
Tam Ba về sớm trễ
Cũng thư báo ngay nhà
Đường dù xa chẳng nệ
Đến vội Trường Phong Sa
- Dịch lục bát
Tóc che vầng trán lòa xòa
Vô tư trước cửa giỡn hoa miệt mài
Chàng phi Trúc Mã khoe tài
Chạy quanh giếng ghẹo Thanh Mai điệu đàng.
Lớn lên nơi xứ Trường Can
Thơ ngây còn đọng xóm làng còn ghi
Năm mười bốn tuổi thành thê
Thẹn thùa lắm nỗi thẹn e lắm điều
Đêm nằm lơ cú móc khều
Chàng kêu thiếp vẫn thảy đều làm ngơ.
Mười lăm mở mắt tìm mơ
Đồng cam cộng khổ dệt tơ lâu dài
Thủy chung giữ vẹn không sai
Lòng vui dẫu phải lên đài Vọng Phu.
Mười sáu chàng bước phiêu du
Cù Đường Diễm Dự mây mù khó khăn
Tháng Năm không thể vào thăm
Bi ai vượn hú xa xăm tầng trời.
Trước sân in đậm dấu hài
Giờ nơi lưu dấu bám dày rêu xanh
Không sao tẩy xóa quét nhanh
Thu về lá rụng lìa cành đơn côi.
Bướm vàng Tháng Tám cuốn lôi
Vườn Tây bay lượn từng đôi nhịp nhàng
Thương đời cô lẻ buồn chan
Ngồi đây ngắm phận hồng nhan chiều tà.
Nếu chàng về đến Tam Ba
Lời thư trực hướng quê nhà báo sương
Dù xa cũng chẳng ngại đường
Vội vàng thiếp sẽ đến Trường Phong Sa.
Mai Thắng - 210118
*
Tóc lòa xòa chấm trán
Ngoài cổng đang hái hoa
Chàng lấy tre giả ngựa
Chạy quanh sạp đùa mai
Cùng sống tại Trường An
Cả hai đều trẻ dại
Mười bốn tuổi thành thân
Tuy gần lời ngại tỏ
Em thẹn thùng giấu mặt
Ngàn tiếng gọi vẫn im
Đến mười lăm thì đã
Vui cộng khổ bên nhau
Trước sau nguyền chung thủy
Dẫu đến Vọng Phu Đài
Mười sáu chàng lại đi
Tận Cù Đường Diễm Dự
Bao tháng năm không tới
Tiếng vượn buồn ngất trời
Trước cửa dấu chân in
Nhìn quanh rêu phủ đầy
Làm sao quét sạch đây
Thu chớm về lá rơi
Đàn bướm trời tháng Tám
Vườn cỏ vờn từng đôi
Cảnh ấy ôi não lòng
Lo nhan sắc chóng già
Khi nào tới Tam Ba
Nhớ thư về báo tin
Tình ngại gì đường xa
Đến Phong Sa đón chàng
Kim Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét