Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Mạt Lộ (Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

                    Mạt Lộ


       Người thơ mạt lộ chết bên bờ ao chiều 29 Têt, mươi niên sau, con gái ông thổ lộ: 

       “Chú Thanh vội buông đủa chạy ra, nhìn thấy cha tôi ngồi gục đầu thổ huyết bên bờ ao chỗ gốc mít. Khi  tôi đến, xung quanh gốc mít chỗ thắm máu cha tôi mọc đầy những cây gừng non, xanh mượt, tôi thấy cay ở sống mũi, nước mắt cứ trào ra. Cha tôi mất đã 43 năm, trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ, có biết bao bài viết nói về cái chết của cha tôi, biết bao là dị bản, giai thoại, tất cả cũng đều nghe nói lại”.


       Người thơ đã về với chín tầng đất, mười tầng trời. Sau này có chuyện thằng chết cãi thằng khiêng qua ai đấy vung vãi về ông. Như Tô Hòai trong Cát bụi chân ai:

       “Nhà thơ Thâm Tâm giới thiệu tôi quen với anh. Những năm ấy, ở Hà Nội anh đã được giải thưởng hạng nhất thơ Tự Lực Văn Đoàn và đương đăng nhiều thơ của anh. Tôi chỉ mới viết vài truyện ngắn đầu tay”. 


        Ghé quán nhậu văn chương, tôi nghe ông Nguyễn Tuân nói với Tô Hòai: 

        “Ừ thì như ông biết đấy. Chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi. Chẳng sợ rượu vào nói cà khịa. Phiền. Nên tôi đã nói với ông: Không phải tôi sợ nói sai mà sợ nói đúng mới gay. Tôi vẫn được tiếng là ngang bướng. Vậy mà lần uống rượu với Đồ Phồn, tôi khóc: Tôi được như thế này là vì biết sợ”. 

       Vậy là tôi đành đi tìm ông…”dế mèn” để gặp người thơ mạt lộ.

       Tới nhà ông Tô Hòai, va vào mắt là tờ giấy ghim ở cánh cửa, bèn lõ mắt đọc: Về cái chết của cụ, sao bác Tô Hoài nói khác, bác cho rằng cố thi sĩ chết đói chứ không phải chết no. Dưới ký tên: Phạm Lưu Vũ.


       Gì chứ với Phạm Lưu Vũ, tôi đã đọc Một lần hiển linh về nhà thơ của ông:

       “...Cụ có nhiều thơ hay, thậm chí tuyệt hay. Ví dụ như câu thơ cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...có thể coi là thần bút. Thơ của thi sĩ. Tựa Không đề. Chỉ có bốn câu. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của cụ. Với thơ, trong tôi hình ảnh cánh buồm thấp thoáng cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm... nhoà đi trong sương khói. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất. 

       Tôi vừa cất tiếng ngâm nga câu thơ trên, chợt nghe có tiếng thở dài nhè nhẹ phía sau. Giật mình quay lại, bỗng thấy cố thi sĩ một thuở đang ngồi chĩnh chện trên chiếc ghế đôn ngay sau lưng tôi. Vẫn mái tóc bồng rẽ ngôi rất điệu theo kiểu trí thức cổ lỗ sĩ, khuôn mặt có đôi mắt mở to cực kì tinh anh. Thi sĩ mặc chiếc áo sơ mi trắng muốt là thẳng tắp, bỏ trong quần đàng hoàng. Âm khí lạnh toát từ cụ toả ra xung quanh làm người tôi nổi gai ốc. Thi sĩ ngó chừng tôi như gặp người cõi âm ở chốn nhân gian ấy. Tôi hoảng hồn hỏi: 

       “Thưa cụ, làm sao mà cụ trở về đây được?” 
      “Ta chỉ còn là linh hồn thì có ai câu thúc” 

       Thi sĩ trầm giọng: “Tính ta thích tiêu dao tự tại”. Giọng thi sĩ trầm hẳn xuống: “Chỉ có thế, nàng thơ mới đến gõ cửa nơi ta. Chung quy cũng tại cái “thời” mà nên cả. Đến khi bị biên chế chết dí ở ty văn hoá Nam Định thì ta chỉ còn là một anh “công chức thơ (vè)” thôi. Lạy giời”. Thi sĩ đưa tay lên che mặt: “Song ta tin rằng các nhà nghiên cứu đời sau sẽ hiểu cho ta. Tôi lặng người nghe một hồi lâu, chợt tỉnh, tôi hỏi một câu cho có chuyện: “Thưa! Ở dưới ấy có nóng lắm không?”. Thi sĩ đưa một tay lên bịt mồm rồi nói: “Ở dưới ấy xuống chơi thì được nhưng ở lâu chán lắm”. Tôi thấy thi sĩ đưa một tay lên che mắt, tay kia bịt tai, giọng não nề: “Vì gặp toàn những người không biết gì về thơ, nhưng lại thích nói về thơ...”.


       Đụng bát đụng đũa tới bàn ghế, tôi quáng quàng chạy tới quán tiết canh ngan ở xế cửa Chợ Nam. May hai ông vẫn còn đang ngồi ở đấy giữa trời và đất. Ngồi hóng chuyện, tôi biết nhà văn họ Phạm cùng thành hoàng bản thổ Nam Định với người thơ. Trộm nghe ông nhà văn nói dón về người thơ mạt lộ khác xa ông dế mèn.: 

       “Còn nhớ anh mặc bộ quần áo tây trắng đã tã, gấu quần và ống tay áo lờm sờm như tóc tai, anh không cắp mấy quyển sách như mốt của những người viết trẻ lúc ấy. Anh lại còn cầm một hộp sắt tây màu đỏ lựu, cái hộp đựng bánh bích quy”. 


       Vừa lúc nhà văn Nam Định đứng lên vào quầy hàng kiếm cút rượu cuốc lủi, được thể tôi hầu chuyện với người thơ, để hỏi cái hộp bánh bích quy đựng giống giuộc gì trong ấy.

       Người thơ vãi miệng cứ theo như “ông dế mèn” thì thế này đây.

       “…Nhưng đây là cái hộp không đựng bánh. Những chiếc hộp này thường thấy các bà ve chai đồng nát mua bán. Một lần chúng tôi vào một tiệm thuốc phiện đầu phố Nhà Hoả. Chúng tôi đánh trần ra, ngồi chầu rìa quanh tấm phản gỗ trong bóng tối của cái tiệm hút cà khổ, vắng ngắt. Kéo xong một điếu, anh nằm gối đầu lên chiếc hộp bánh quy. Lát sau, tôi biết sự tích cái hộp bánh quy khi anh ngồi lên, vuốt ve, xếp đặt lại các thứ trong ấy. Đấy là bản thảo thơ của anh và những bức thư tình. Tờ trắng, tờ xanh, vết tay mồ hôi mờ đọc đi đọc lại đã về vệt cả. Bao nhiêu thư của những mối tình, anh xếp chật cái hộp. Không biết anh tích được đến mấy chiếc hộp sắt đựng thơ và thư tình của những ai đã tơ vương với anh, để anh cắp nách cái hộp kỷ niệm tha đi từ Bắc vào Nam.

        Nhưng suốt một thời thanh xuân, tôi chưa thấy anh một lần nào…lấy vợ…” (xem tr 6)


        Đĩa tiết canh ngan được mang lên. Nay nghe ông cắp nách cái hộp kỷ niệm tha đi từ Bắc vào Nam. Bèn hỏi những năm tháng ngược xuôi của ông. Ông cười hụt mà rằng…

       Rằng 13 tuổi, ông mồ côi cha mẹ nên được bên ngoại ở xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đón về nuôi, ở đây ông được ông ngoại dậy chữ Nho. Làm như chợt nhớ được ông ngoại dậy chữ Nho, ông nho táo với ngộ chữ tôi là nhĩ văn mục đồ, là tai nghe mắt thấy nhưng chả thấy khỉ gì sất. Học thói nho nhe của ông cùng phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà, là cuộc sống nổi trôi như giấc mộng, hỏi bao lần được vui. Ăn dối nói thật, riêng khoản rượu tôi tít mù cung mây. Bởi thế tôi phân thân thành “tửu đồng”, vác hồ rượu, túi thơ…phiêu lãng quên mình lãng du theo bước chim di của người muôn năm cũ…


       Tuy nhiên để ông ngồi đấy, tạm thời tôi bám như cua cắp theo các văn thi sĩ, một vài nhà phê bình văn học qua những nghi vấn văn học tôi góp nhóp được…(xem tr 3, 4 & 5)

       Từ Hà Nội Nguyễn Bính lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi để thỏa mãn chí phiêu bồng. Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều bài thơ trong đó một số bài lưu lại những dấu ấn của những chuyến đi. Thảng như bài “Thơ tôi”, được ông làm vào năm 1938 tại Phú Thọ có câu buổi chiều uống rượu làm thơ nói lên ông sành rượu. Ít ai biết bài thơ đầu đời của ông làm năm 1936, khi ông 18 tuổi có tựa đề về rượu “Cho tôi ly nữa”. Nào khác gì chữ nghĩa hôm nay: làm ít ly…“y một lít”. Năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi dường như cũng đã nát rượu. Trong bài “Ga đơn ga kép” làm tại ga Kép, ông có những câu rượu say từ sáng đến giờ, nhớ người tôi nhớ mãi từ hôm lên.

       Bài thơ trên ông cùng Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương kéo nhau lên xe lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga Kép nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Trong chuyến đi này bài  “Nhà ga” có câu chung quanh quấn quýt đôi giàn ti gôn, tường vàng mái đỏ màu son. Bài này ông làm cùng năm với Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh. (1940). Ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên là Tuyết Lành ở phố Niềm. Chính vì thế mà ông có vài bài thơ ông sáng tác để cho các đào nương ngâm nga trong những nhà hát ả đào ngày ấy.

 

       Trước đó sự kiện đặc biệt trong đời thơ ông là tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm đăng tải bài thơ Lỡ bước sang ngang năm 1939. Sau khi được đăng tải, người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ. Lỡ bước sang ngang chuyện về người con gái bị mẹ cha ép gả lên xe hoa năm 17 tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh rồi đây sóng gió ngang sông, đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ.

        Năm 1941, mấy ông nhà văn, nhà thơ trẻ Nguyễn Bính, Tô Hoài, Trọng Can từ Bắc vào miền Trung, xuôi Nam rồi lại trở ra... Tô Hoài kể lại trong hồi ký: 

        "…Chúng tôi ghé Thanh Hóa trước tiên, chúng tôi lại xuống Huế. Vào Huế, lại sống vật vờ như ở Thanh Hóa. Thỉnh thoảng Nguyễn Bính gửi thơ về đăng báo, nhờ Trúc Đường (anh Nguyễn Bính) gửi tiền nhuận bút vào nhà trọ. Nhưng thơ làm sao nuôi nổi người, huống chi những 3 người. Cũng đến ngày phải đi...chỉ có một mình Nguyễn Bính ở lại Huế…". 

       Đó cũng là thời kỳ ông viết Xuân tha hươngGiời mưa ở Huế.

 

       Ông cùng Tô Hoài, Vũ Trọng Can rủ nhau làm chuyến "hành phương Nam". Trước đó, ông đã đến Sài Gòn, lê gót ở Chợ Quán, Đa Kao rồi về Mỹ Tho…Đến Sài Gòn trong một chuyến tàu chiều ngơ ngác, "nhà văn của những chú dế mèn" đã cảm thấy choáng ngợp khi nhìn cảnh "người ăn uống rào rào như tằm ăn rỗi" ở bùng binh trước chợ Bến Thành. Sau đó ba chàng chia tay nhau, hai chàng văn sĩ ngược về Bắc, chỉ còn nhà thơ ở lại. Ông đến ở với Hoàng Tấn trong một căn nhà thuê bằng gỗ nhỏ lợp ngói ở Đa Kao. Ở đây, ông làm bài Hành phương nam (1943)

        Khi viết Hành phương nam cũng như nhiều bài thơ hoài cố hương khác, chắc hẳn là Nguyễn Bính đang say rượu và cô đơn. Hoàng Tấn kể chuyện về việc sáng tác thơ của ông. Một đêm nọ ở Đa Kao, sau cuộc nhậu mọi người đều ngủ say sưa, chỉ còn lại một mình Nguyễn Bính. Quá nửa đêm, Hoàng Tấn giật mình thức giấc vẫn thấy Nguyễn Bính ngồi bên bàn. Ông vừa làm thơ và uống rượu một mình, vừa ôm mặt khóc. Nguyễn Bính là vậy. Sống với quá khứ. Qua Hành phương nam tìm về một thời xưa xa nào đó để uống say mà gọi thế nhân ơi. Lại uống rượu! Nếu ai đó chịu khó đếm những lần Nguyễn Bính nhắc đến rượu trong thơ chắc sẽ gặp được nhiều lắm. Có lẽ cả trăm lần ông dùng từ rượu. Như “Xuân tha hương” với chị ơi tết đến em mua rượu, em uống cho say đến não lòng. Hoặc giả “Giời mưa ở Huế” hôm qua còn sót hơn đồng bạc, hai đứa bàn nhau uống rượu sa.

        Ông “thở” ra rượu, mặc dù bài thơ chả hẻo lánh tới hơi hám rượu. Lại nữa, những nhà thơ rượu như Cao Bá Quát, Tản Đà, Nguyễn Khuyến làm thơ tự trào, hay nhân cách hoá. Nhưng ông thì không. Vì ông không viết gì về ông qua thơ ít ai biết nghiệp ngão thế nào từ năm 1958 đến 1968 là năm ông mất. Mười năm cuối đời ông bị vùi dập như nàng Kiều, sống ở một nơi hẻo lánh cùng tang thương ngẫu lục. Nhưng ấy là chuyện sau.

        

       Là “tửu đồng”, với hồ rượu, túi thơ đeo theo ông gặp Thâm Tâm.

       Gần đây có người đặt câu hỏi: “T.T.Kh có thể là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính không?”. Bởi bỗng dưng Nguyễn Bính làm bài Giòng dư lệ để tặng T.T.Kh , sau đó trong chốn trường văn trận bút có mươi bài viết về nghi vấn văn học này. Để chẳng thiếu một, hai nhà văn khảo, văn học cho rằng T.T.Kh không thể là Nguyễn Bính. Vì chất thơ “Hai sắc hoa ti gôn” của T.T.Kh rất Tây, rất thơ mới, trong khi hồn thơ của Nguyễn Bính mộc mạc chân quê. Nhưng họ quên rằng ông cũng có những bài thơ rất thơ mới như Một nghìn cửa sổ hoặc Hôn nhau lần cuối, v…v…mà mới nghe cái tựa đề cũng đã rất Tây rồi.

       Tiếp, ngộ chữ tôi bòn mót bài này là bài duy nhất ông làm theo thể loại hành. Thời kỳ ở Hà Nội, ông chơi thân với Thâm Tâm. Năm 1940, Thâm Tâm có bài Tống biệt hành đồng cảm và giao tình ít nhiều qua phong cách sáng tác của ông. Như Thâm Tâm với ly khách! ly khách! con đường nhỏ, chí lớn chưa về bàn tay không, ông có câu tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc, ly tán vì cơn gió bụi này, v…v…Là tửu đồ, chả dấu gì, tôi mụ chữ với ô túy cương tửu vì “ô” là ghét, “túy” là say sưa, ghét say sưa nhưng lại thích uống rượu như ông. Sa đà thêm tửu như tâm phúc chi ngôn mà tôi hiểu là người say hay nói thật. Tôi ăn ngay nói thật lỡ chọn nơi này là đất tạm dung, mỗi lần gặp cùng một lứa bên trời lận đận lọ đã quen nhau? Là bạn nhậu hè nhau hết trời đất mang mang ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường đến đôi ta lưu lạc phương Nam này, trải mấy mùa qua én nhạn bay.


       Với nghi vấn văn học sử, ngộ chữ tôi ngược dòng lịch sử ở trên năm 1945, Nhật đảo chính Pháp (…). Người mà tôi gọi là người viết văn sử tên Hoàng Tấn làm nhân chứng lịch sử viết lấp lửng: “…Hình như ông được giao cho việc gì đó, (…) và “ta” tổ chức buổi tiễn đưa ông…"qua sông Dịch" (…) Bài Hành phương nam làm vào năm 1944 để tạo cái khí thế “ta” đi sâu vào miền Nam. Năm 1954, ông trở ra Bắc. Và làm tờ Trăm Hoa…”.

       Thế nhưng người làm văn sử ở Sài Gòn đã “lơ đễnh” với chi tiết: Bài hành phương Nam đã được ông làm từ năm 1943 tại căn nhà ngói đỏ ở Đa Kao

       Thế là tôi được thể lang thang như thành hoàng làng khó ngược ra Bắc với tờ Trăm Hoa…để đi tìm cõi đời thiên hạ giấc u minh của ông. Chuyện là những năm 1955-57, khi ông từ Nam về Bắc, sống ở Hà Nội, làm báo Trăm Hoa, rồi sau chừng như là bị an trí, nghĩa là bị buộc phải về sống ở Nam Ðịnh, giai đoạn này hầu như ít thấy ai nhắc đến. Những bài viết được gom vào các cuốn sách như “Nguyễn Bính, đời người và thơ” – “Thơ và giai thoại Nguyễn Bính” - “Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê”, v…v... không nhắc gì đến sự việc này.


      Tô Hoài là người trong cuộc duy nhất đến nay hé ra đôi dòng về ông trong Cát bụi chân aiChiều chiều với báo Trăm Hoa. Qua một nhà làm văn học Hà Nội thì…. 

      “…Không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra báo Trăm Hoa, thế rồi “cấp trên” của Tô Hoài “có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp Trăm Hoa” (khi đó Tô Hoài làm việc ở Nhà xuất bản Văn Nghệ), và chính Tô Hoài được giao nhiệm vụ “thuyết phục” một tờ báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn

       Theo Tô Hoài: “Tờ Trăm Hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân Văn, như chẳng đi với ai”. Sau đấy cấp trên của Tô Hoài nhận xét từng số, từng bài“cho là chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết”. Tô Hoài đem nhận xét ấy bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính bảo Tô Hoài: “Trăm Hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách cho xong!”. Sáng kiến “đầu tư” cho Trăm Hoa kết thúc ở đấy. Một buổi tối, Nguyễn Bính rủ Tô Hoài đến ăn ở nhà hàng Lục Quốc. Nguyễn Bính bảo: “Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm Hoa!” (Cát bụi chân ai, tr.56)…”


       Nhưng theo Trần Mạnh Hảo: “…Sau 1958 Nguyễn Bính bị nhà nước đuổi về quê vì làm báo Trăm Hoa. Báo này do nhà nước xúi và bỏ tiền cho Nguyễn Bính làm, học theo phong trào trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng bên Trung Quốc của Mao Trạch Đông; Cốt lừa cho trăm hoa cùng nở rồi “thịt” hết hoa vàng hoa trắng hoa tím, hoa nâu…”

      Với tờ Trăm Hoa dẫn tới sự việc tiếp theo, vẫn qua nhà phê bình văn học Hà Nội:

      “…Do “không về bè với Nhân Văn” nên Nguyễn Bính không phê phán Nhân văn. Do tỏ ra “chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết” trước yêu cầu “chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn” nên Nguyễn Bính bị đẩy khỏi Hà Nội, tức là bị trừng phạt qua hình thức nhẹ. Nhưng Tô Hoài cho rằng đó chỉ là giai thoại, vì theo Tô Hoài giản dị là “Nguyễn Bính về Nam Ðịnh rồi ở hẳn dưới ấy chỉ vì Nguyễn Bính sắp nên vợ nên chồng với cô hàng cà phê thành Nam thì hội Nhà văn…giới thiệu Nguyễn Bính về Nam Ðịnh.” (Chiều Chiều, tr.228). 

       Thật ra, nếu đối chiếu thời gian người ta sẽ không dám tin hẳn lời Tô Hoài. Trên thực tế, Nguyễn Bính về Nam Ðịnh chỉ là một nhân viên ngoài biên chế của ty văn hóa. ông trưởng ty Chu Văn dường như được giao đặc trách “chăm sóc” Nguyễn Bính. Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở ty văn hóa có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn Bính đến thế nào”. Trong khi Tô Hoài lại nói điều này trong Chiều Chiều: “Khi Chu Văn còn sống, hãy nhớ rằng trước đó nữa, Chu Văn, người đề tựa, kẻ viết lời bạt cho Tuyển tập Nguyễn Bính”.

       Dù có thể là đáng tin cậy đến mức nào, “chứng từ” của Tô Hoài về Nguyễn Bính như trên vẫn là sai lạcquá ít ỏi.…”.


        Đến trần ai khoai củ này, ngộ chữ tôi học mót theo nhà phê bình văn học Hà Nội đi tìm Tô Hoài qua Cát bụi chân ai đã viết những gì về ông

       “…Thâm Tâm giới thiệu tôi với Nguyễn Bính. Gặp Nguyễn Bính, tôi thấy dễ chịu ngay, anh nhà thơ này dường như cũng tàng tàng. Bắt tay rồi, Nguyễn Bính hỏi tôi.

       - Này, có tiền không?

       Như đã biết nhau từ bao giờ. Tôi cảm động được anh hỏi han thân tình như thế. Chẳng đợi tôi trả lời, có lẽ cái cười hiền lành của tôi đã khiến anh thấy tôi sẵn sàng, anh sai luôn:
      - Vào nhà bánh giò chỗ kia, mua dăm chiếc nhé, năm chiếc cũng không thừa đâu. Từ sáng, tớ chưa được miếng nào vào bụng.

      Hàng bánh giò ngon có tiếng ở xế cửa toà báo Trung Bắc tân văn gần vườn hoa Cửa Nam, hàng bánh giò cạnh đấy. Buổi trưa oi nắng ấy, chúng tôi đem cả xâu bánh rúc vào một tiệm thuốc phiện đầu phố Nhà Hoả…”.

      

       Nói cho ngay, tôi cũng không dám tin hẳn “giai thoại” của ông dế mèn. Vì nghe ông kể chỉ thấy người thơ mạt lộ ăn chực, hút thuốc phiện thôi. Ừ thôi thì hãy đảo qua một vài hệ lụy của ông với nhà phê bình văn học cây đa, cây đề qua nhà phê bình Hoài Thanh đã phê phán ông có tính chất rất ư "văn học":  Trong bài “Chân quê” có câu hôm qua cô đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, ý ông trách người con gái quê ra tỉnh học đòi theo mốt thị thành. Nhưng nhà phê bình Hoài Thanh lại "vận" hai câu thơ đó vào bản thân Nguyễn Bính, một tác giả nhà quê, hơi có ngụ ý…“vô học”. Ngược lại, Hoài Thanh nhận định Xuân Diệu là nhà thơ “có học”, lại tỉnh thành, có những câu thơ rất Tây, y như dịch từ tiếng Pháp yêu là chết ở trong lòng một ít hoặc hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực. Nhờ Hoài Thanh hết lời ca ngợi hồn thơ “say đắm tình yêu”, Xuân Diệu trở thành nhà thơ số một của tình yêu. Theo một nhà phê bình văn học miền Nam: Thật ra, thơ tình của Xuân Diệu hời hợt, vì ông là người đồng tính, không thể yêu con gái. Nhà phê bình văn học miền Nam cho hay tiếp: “Về Xuân Diệu, điều đáng trách là đối với Nguyễn Bính cư xử rất tàn tệ. Phải nhờ có dư luận văn nghệ miền Nam nhắc nhở, tên tuổi Nguyễn Bính mới được sống lại với công chúng miền Bắc từ 1986”. Trong tác phẩm Văn học mới thế kỷ XX của Xuân Diệu đã không nhắc gì đến Nguyễn Bính, đã làm như không hề có Nguyễn Bính trong nền thơ Việt thế kỷ XX.

 

      Người thơ mạt vận và nhà văn Phạm Lưu Vũ vẫn còn đang ngồi ở quán tiết canh ngan nói chuyện văn chương quán nhậu về bài viết Hệ luỵ Nguyễn Bính của Thăng Ngọc Phố: 

       “...Khi ra Bắc, Nguyễn Bính về Hà Nội và ra báo, trụ sở ở phố Lê Văn Hưu. Thư ký tòa soạn là cô Phạm Vân Thanh. Chẳng bao lâu, cô thư ký trở thành vợ ông chủ bút và sinh cho ông một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Hiền. Báo bị đình bản, Nguyễn Bính không có việc gì làm. Cái tổ uyên ương thứ ba của chàng thi sỹ tài hoa bị tan vỡ! Lại ly hôn! Đến lượt Nguyễn Bính phải nuôi con. Và cái việc thương tâm đã xảy ra: Nguyễn Bính ngồi ở bến xe, làm vài cốc rượu rồi gửi đứa con trai cho một người lạ để vào nhà vệ sinh và thất lạc con...”.

       Đến đây tôi ớ ra vì ông có tới ba đời vợ, trong Cát bụi chân ai Tô Hòai viết tôi chưa thấy anh một lần nào lấy vợ. Đến Chiều chiều, ông dế mèn phiêu lưu ký lại viết khác chỉ vì Nguyễn Bính sắp nên vợ nên chồng với cô hàng cà phê thành Nam


       Sau đấy, ngộ chữ tôi ngất ngư vớiTết nhớ Nguyễn Bính của Trần Mạnh Hảo.

       “...Đã 46 năm kể từ trưa 29 tết, năm Bính Ngọ, 1966, nhà thơ Nguyễn Bính đã chết trong nghèo đói tại nhà ông lang Hứa. Tôi được nghe ông lang Hứa kể rằng:

       Sau 1958 Nguyễn Bính bị nhà nước đuổi về quê vì làm báo Trăm Hoa. Nguyễn Bính về quê làm nhân viên hợp đồng sửa bản in cho ty văn hoá Nam Định. Năm 1966, ty văn hoá sơ tán lên huyện Lý Nhân, nên Nguyễn Bính hay đến nhà ông lang Hứa ở thôn Mạc Hạ (một người mê thơ Nguyễn Bính) tá túc. Tết đến, không có tiền, Nguyễn Bính tới nhà ông Hứa mượn đỡ chút tiền về cho vợ con có chút tiền ăn tết. Trưa 29 tết, Nguyễn Bính do đói quá, lại làm tí rượu, chóng mặt, ra bờ ao rửa mặt, rơi xuống ao. Ông Hứa vớt Nguyễn Bính lên bờ. Nhà thơ thổ huyết, tắt thở...”.


       Ngộ chữ tôi ăn chữ mòn răng chẳng qua số ăn mày bị gậy phải mang vì ông xấu trai nên nhiều…vợ. Chuyện giầy dép còn có số nằm ở khúc sau với…cái số. Như ông sinh năm Mậu Ngọ, mất năm Bính Ngọ. Ông sinh mồng ba tết, mất 29 tết!

       Về cái mất của ông, thêm nhà văn Ngọc Giao qua bài viết Mùa mơ chùa Hương nhớ Nguyễn Bính với chuyện mê tín này kia, kia nọ... 

       “...Nguyễn Bính được người ái mộ thơ mời uống rượu. Say rượu, bức nóng, ông ra cầu ao rửa mặt, bị trúng gió, ngã úp mặt trên bùn nước bên cầu ao, và ông chết tại đó. Thi trung hữu quỷ, ông chết đúng như lời ông đã viết qua bài thơ về cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều.

       Tòan bài thơ là lời được nhặt ra từ Truyện Kiêu. Song kinh ngạc hơn còn ở chỗ ai cũng ngậm ngùi nhận ra…“hình ảnh” của Nguyễn Bính trong đó, nhất là bốn câu kết. Mọi ngườ lặng đi…Bài thơ thật hay nhưng thấy buồn. Nhà văn Chu Văn là xếp (trưởng ty văn hóa Nam Định) đề nghị Nguyễn Bính sửa mấy câu kết “đọc nghe xái quá”. Nguyễn Bính không nghe: “Một chữ cũng không sửa. Các vị đừng mê tín…cốt hay là được...”. (xem kết cấu)


       Lạy thánh mớ bái cụ Nguyễn Du với tri thiên mệnh chứ…chứ tôi cũng tin ở cái số. Nên ngộ chữ tôi mới cảo mực đề văn để có bài văn khảo thiên cổ kỳ tích có tựa đề: Mạt lộ, vận vào cái tuổi tịch dương vô hạn hảo của người thơ lúc cuối đời. Thêm một lần ngộ chữ tôi bị giời xiềng vào…tử vi đẩu số qua chuyện kể của bà Nguyễn Bính Hồng Cầu với những dị bản, giai thoại. Hay nói khác đi hòan tòan khác với những nhà văn, nhà thơ ở trên...

       “...Mãi đến 30 tháng tư năm 2008, khi tôi về hưu, tôi mới tìm đến nơi cha tôi  trút hơi thở cuối cùng. Để rồi lúc tôi trở về, đi trên con đường làng quanh co uốn lượn, thật thanh bình êm ả mà trong tôi thì gập ghềnh lắm nỗi. Con đường nào cha tôi đã đi qua với những tháng ngày gian nan vất vả…Chú Tân Thanh làm nghề đông y. Lúc sinh thời cha tôi hay lui tới nhà chú như chỗ thân tình. Một hôm cha tôi nói với chú Tân Thanh:

       - Chú Hứa này, anh coi số tử vi, năm nay số anh “sống vô gia cư chết vô địa táng” đấy. 

       Chú Tân Thanh gắt:

       - Vớ vẩn, chết gì mà chết, tử vi với tử vẩn, anh cứ nói huyên thuyên!

       - Thật mà hôm nào rỗi anh cho chú xem.


       Nhưng cha tôi cũng không kịp cho chú xem lá số tử vi như ông đã hứa. Khoảng 25, 27 tết cha tôi ghé nhà chú xem lại chiếc xe đạp bị hư hỏng để chuẩn bị về Nam Định ăn tết.

       Thấy vậy thím Tân Thanh mới bảo:

       - Bác ở lại ăn tết với vợ chồng chúng em, đường sá lỏm chỏm đá to đá nhỏ, ổ gà ổ voi không khéo ngã thì có chết! 

      Cha tôi nói:

      - Cô không sợ anh chết ở đây à?

      - Chúng em chẳng sợ gì sất cả, chết thế quái nào được! Bác chỉ nói gở. Bác cứ ở lại đây ăn tết cùng chúng em có dưa ăn dưa có muối ăn muối.


      Thế là cha tôi ở lại với gia đình chú Tân Thanh để ăn thêm cái tết xa nhà, không ngờ đó lại là một Xuân tha hương vĩnh viễn của cha tôi ở nơi cũng tạm gọi là đất khách. Khoảng 8 giờ sáng, ngày 20-1-1966 tại nhà chú Tân Thanh ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng.


       Ở nhà quê những năm sơ tán, bữa ăn sáng của nhà nông thường là củ khoai, cơm nguội đã là sang. Sáng đó, (cha tôi tuyệt nhiên không có uống một hớp rượu nào và cả những ngày hôm trước nữa vì ông đang điều trị bệnh) cha tôi ăn được một tô cơm đầy với tép kho, ông khoe: 

       - Cô Hứa này, sáng nay anh ăn được cả một tô đầy đấy”.

       Ăn xong cha tôi thủng thỉnh ra ao rửa ráy. Ngoài ao, có tiếng cha tôi  gọi:

       - … Tân Thanh…!

       Thím Tân Thanh gọi chồng:

       - Ông ơi, ông ra xem bác Bính bị làm sao ấy! 

       Chú Tân Thanh vội chạy ra, nhìn thấy cha tôi gục đầu thổ huyết bên bờ ao chỗ gốc mít. Chú Tân Thanh bế cha tôi vào nhà để nằm trên chiếc giường thì cha tôi đã tắt thở. Chú nói với vợ: 

       - Mình ơi, bác Bính đi rồi”.


       Mùng hai Tết, bác cả tôi là Trúc Đường, là anh của cha tôi cùng với con gái đi về Nam Định để đưa tang cha tôi, dọc đường thấy một đám ma không kèn trống, không người đưa tang…Đâu ngờ đó lại chính là đám tang đứa em trai ruột thịt của mình...”


       ***

       Bài thơ cuối cùng: Tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều. Bài thơ tổng luận cuộc đời nàng Kiều qua bốn câu kết cấu cuối đời của người thơ mạt vận:

Thương vui bởi tại lòng này

Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời

Lòng thơ lai láng bồi hồi

Tưởng người nên lại thấy người về đây                 

                                                                                                 
                                                Thạch trúc gia trang

                                                   Đinh Dậu 2017

                                             Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                 (sửa chữa 2020, 2021)


Nguồn: Trần Đình Thu, Nguyễn Hưng Quốc

Thụy Khuê, Vũ Ngọc Tiến, Lại Nguyên Ân


                                                                                                     


 


      







Không có nhận xét nào: