Đường Thi Tuyển Độc :
TRƯỜNG CAN HÀNH
Thôi Hiệu
Ngoài việc nổi tiếng với bài thất ngôn bát cú bất hủ là "Hoàng Hạc Lâu", mà Thi Tiên LÝ BẠCH cũng phải chào thua ra, THÔI HIỆU còn nổi tiếng với loạt thơ "Trường Can Hành", gồm 4 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt mang đậm tính dân gian và tâm lý tình cảm của con trai con gái mới lớn lúc bấy giờ. Xin mời cùng đọc...
長 干 行 TRƯỜNG CAN HÀNH
其一 Bài 1
君 家 何 處 住, Quân gia xà xứ trú ?
妾 住 在 橫 塘。 Thiếp trú tại Hoành Đường.
停 船 暫 借 問, Đình thuyền tạm tá vấn,
或 恐 是 同 鄉。 Hoặc khủng thị đồng hương
其 二 Bài 2
家 臨 九 江 水, Gia lâm Cửu Giang thủy,
來 去 九 江 側。 Lai khứ Cửu Giang trắc.
同 是 長 干 人, Đồng thị Trường Can nhân,
生 小 不 相 識 Sanh tiểu bất tương thức.
* Chú Thích :
- Trường Can Hành 長 干 行 : Tên một khúc hát trong Nhạc Phủ dựa theo điệu hát dân gian của xứ Trường Can, thuộc huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô hiện nay.
- Hoành Đường 橫 塘 : thuộc huyện Giang Ninh kể trên, vào đời Tam Quốc nước Ngô cho đắp đê dọc theo giang khẩu ngang qua song Hoài, nên có tên là Hoành Đường.
- Cửu Giang 九 江 : tức Huyện Cửu Giang, nay thuộc tỉnh Giang Tây.
* Nghĩa Bài Thơ :
Bài 1
Nhà chàng ở nơi nào? Nhà thiếp thì ở tại Hoành Đường đây. Dừng thuyền cho thiếp hỏi thăm xem, hoặc giả chúng ta là đồng hương của nhau chăng!?
Bài 2
Nhà anh ở trên dòng Cửu Giang đây, và anh cũng hay thường lui tới bên cạnh dòng Cửu Giang nầy. Chúng ta đều là người xứ Trường Can cả, vì sanh sau đẻ muộn nên không biết nhau đó mà thôi!
Ta thấy con trai con gái ngày xưa, vì lễ giáo của Nho phong, nên muốn làm quen với nhau không phải là chuyện dễ dàng gì. Phải tìm một lý do thật chính đáng mới không bị người đời dị nghị; một trong những lý do để làm quen nhau hợp tình hợp lý nhất là: Nhận nhau là đồng hương, là bà con lối xóm của nhau là "hợp pháp" nhất: Nghe giọng miền Bắc thì hỏi có phải là "người Hà Nội" không, Nghe giọng miền Trung thì hỏi có phải là "Người của cố đô Huế" không, còn nghe giọng miền Nam thì hỏi có phải là "Người Sài Gòn" không? Làm quen như thế vừa tự nhiên, vừa thân thiết, vừa dễ "gây cảm tình" với nhau nhứt. Ta thấy cô gái ở Hoành Đường trong bài thơ đã làm quen với người thanh niên mà mình "phải lòng" bằng cách "nhận nhau là đồng hương" như đã nói trên, vừa đỡ bẻn lẻn, vừa không đường đột, lại vừa..."rất dễ thương":
停 船 暫 借 問, Đình thuyền tạm tá vấn,
或 恐 是 同 鄉? Hoặc khủng thị đồng hương?
Có nghĩa :
Dừng thuyền cho thiếp hỏi thăm một chút...
...hoặc giả ta là đồng hương của nhau chăng?!...
* Diễn Nôm :
KHÚC HÁT XỨ TRƯỜNG CAN
Bài 1.
Nhà chàng ở tận nơi đâu?
Thiếp thì ở mãi sâu trong Hoành Đường.
Dừng thuyền thiếp hỏi tỏ tường,
Hoặc là có phải đồng hương chăng là!?
Bài 2.
Nhà anh ở phía Cửu Giang.
Ra vào sông Cửu khi nàng còn thơ.
Sanh sau đẻ muộn ơ thờ,
Trường Can chung xứ, ai ngờ... chẳng quen!
其 三 Kỳ Tam
下 渚 多 風 浪, Hạ chử đa phong lãng,
蓮 舟 漸 覺 稀. Liên chu tiệm giác hi.
那 能 不 相 待 Na năng bất tương đãi
獨 自 逆 潮 歸 ? Độc tự nghịch triều quy?
其 四 Kỳ Tứ
三 江 潮 水 急, Tam Giang triều thuỷ cấp,
五 湖 風 浪 湧. Ngũ Hồ phong lãng dũng.
由 來 花 性 輕, Do lai hoa tính khinh,
莫 畏 蓮 舟 重 ! Mạc uý liên chu trọng!
崔 顥 Thôi Hiệu
* Chú thích :
- Hạ Chử 下 渚 : là tên hồ HẠ CHỬ HỒ 下 渚 湖,nằm ở phía đông nam huyện Đức Thanh, thuộc tỉnh Chiết Giang.
- Tam Giang 三 江 : là tên gọi chung ba con sông lớn của Trung Hoa là Trường Giang , Hoàng Hà, và Lạng Thương Giang; nếu chỉ miền Đông bắc thì là Hắc Long Giang, Tùng Hoa Giang, và Ô Tô Lý Giang. Còn...
- Ngũ Hồ 五 湖 : là Động Đình Hồ, Ba Dương Hồ, Hồng Trạch Hồ, Sào Hồ, và Thái Hồ, 5 hồ lớn nhất của Trung Hoa. Nhưng ý ở trong bài thơ trên thì...
TAM GIANG NGŨ HỒ 三 江 五 湖 là chỉ chung vùng đồng bằng sông nước của xứ Giang Nam Trung Hoa, như Việt Nam ta nói vùng đồng bằng sông nước của Sông Tiền Sông Hậu vậy.
* Nghĩa hai bài thơ :
Bài 3
Hồ Hạ Chữ vốn nhiều sóng to gió lớn lúc về chiều, mà thuyền hái sen cũng đã dần dần thưa đi (vì đã về sớm hết rồi!). Sao có thể không cùng đợi chờ nhau mà lại ngược con nước để đi về một mình chứ?
Bài 4
Tam Giang thì thủy triều lên xuống rất nhanh, rất gấp; còn Ngũ Hồ thì sóng gió rất to rất mạnh. Tính cách của hoa vốn dĩ đã nhẹ rồi, nên không sợ là thuyền hái sen bị nặng! Ý nói:
...Mặc dù thuyền hái được rất nhiều sen nhưng hoa sen vốn dĩ rất nhẹ, nếu muốn về chung thuyền cùng nhau thì cũng không phải sợ là thuyền hái sen phải chở quá nặng! (Dư sức chở hai đứa cùng đi về chung! Tình tứ và âu yếm chán!)
* Diễn Nôm :
Song Thất Lục Bát:
Bài 3
Hồ Hạ Chữ vốn nhiều sóng gió,
Thuyền hái sen lúc có lúc không.
Sao ta chẳng đợi chung cùng...
Một mình ngược nước về trong nắng chiều ?
Bài 4
Nước Tam Giang thuỷ triều rất gấp,
Gió Ngũ Hồ dồn dập sóng lên.
Hoa kia vốn dĩ nhe tênh...
Cùng về chớ ngại lênh đênh nặng thuyền !
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét