Phiếm luận :
Tuổi Sửu Là Con Trâu Kềnh Kàng
Tuổi Sửu là con trâu kềnh kàng,
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về.
Đó là hai câu trong bài vè nói về con trâu trong 12 con giáp của dân đồng bằng Nam Bộ quê tôi: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền... Con trâu là cầm tinh của tuổi Sửu, ngôi thứ hai trong Thập Nhị Địa Chi. Trâu chữ Nho gọi là NGƯU 牛, mà Ngưu cũng là một trong 214 bộ của CHỮ NHO... DỄ HỌC, có diễn tiến chữ viết như sau:
Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Ta thấy :
Chữ NGƯU 牛 qua Giáp Cốt Văn là hình tượng của con trâu được vẽ từ mặt trước với cái đầu có 2 sừng, 2 tai và bộ mặt. Đến Kim Văn, Đại Triện và Tiểu Triện thì hình tượng đầu trâu được thay thế bằng những nét tiêu biểu, cho đến Lệ Thư thì đã diễn biến thành như chữ viết hiện nay 牛 NGƯU là Trâu Bò nói chung. Vì Người Hoa còn phân biệt THỦY NGƯU 水 牛 là con TRÂU (con trâu nước), nhưng HOÀNG NGƯU 黃 牛 thì là con BÒ (con bò vàng).
Năm 2021 là năm TÂN SỬU 辛 丑. TÂN 辛 là ngôi thứ 8 trong Thập vị Thiên Can. Theo Dịch lý Ngũ hành Bát quái thì CANH TÂN ở hướng Tây, thuộc Kim là Vàng. SỬU 丑 là ngôi thứ 2 trong Thập nhị Địa chi, thuộc âm, cầm tinh con Trâu là Ngưu, nên năm Tân Sửu là năm của con KIM NGƯU 金 牛, là con Trâu bằng Vàng. Nhắc đến trâu vàng lại làm cho ta nhớ đến một câu chuyện thần thoại của Việt Nam ta trong thời nhà Lý.
KHÔNG LỘ thiền sư 空 路 禪 師 (1016-1094) người phủ Hải Thanh, họ Dương, pháp hiệu là Minh Không, làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề đi tu, đắc đạo, có pháp thuật cao cường, có thể bay lên trên không, đi lướt trên mặt nước, bắt rồng cọp phải phủ phục...v.v... Đời Lý Thái Tông, năm Minh Đạo thứ nhất (1041), giúp nhà vua đánh Chiêm Thành. Năm Bính Thìn, đời Lý Nhân Tông, nhà vua bị bệnh hổ hoá. Lương y khắp nước chữa không khỏi. Sau cho sứ giả đến chùa mời nhà sư về và cuối cùng đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua. Vua sắc phong làm Đại Pháp Sư, kiêm Quốc Sư, cho lập đền thờ ở Thăng Long, gọi là đền Lý Quốc Sư.
KHÔNG LỘ thiền sư 空 路 禪 師
Tương truyền sư Không Lộ chữa lành bệnh cho thái tử nhà Tống nên được yết kiến vua Tống. Vua Tống ban thưởng cho được vào kho để chọn lựa vàng hay đồng tùy thích, miễn là chỉ đựng đầy một túi vải. Khi vừa bước vào cửa, sư Không Lộ thấy một con trâu to lớn được đúc bằng vàng ròng đứng ngay trước cửa như để canh giữ kho châu báu. Sư bèn giở phép thần thông, lấy hơn phân nửa số đồng đen trong kho của vua Tống rồi ra bờ biển, thả chiếc nón tu xuống làm thuyền để chở về nước. Số đồng đen đó vừa đủ để đúc được một cái đại hồng chung to lớn.
Chuông đúc xong, được đặt trong chùa Trấn Võ. Sư Không Lộ bèn cầm chày dộng lên tiếng chuông đầu tiên. Tiếng chuông vang rất xa, rung động đến cả ngàn dặm sang tận đất Trung Hoa. Con trâu vàng ở kho tàng của vua Tống nghe tiếng chuông đồng, ngỡ là tiếng mẹ gọi, vì đồng đen là mẹ của vàng ròng, nên nó cất vó nghểnh sừng cong đuôi chạy miết về phía Nam để tìm mẹ. Tìm không gặp mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, nó bực tức lồng lên, quần thảo cả một vùng khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ nước rộng lớn. Nhà sư Không Lộ bèn lăn chuông xuống hồ, chuông đồng rung vang một lần cuối cùng trước khi rơi xuống nước. Con trâu vàng theo đó cũng nhảy xuống hồ, biến mất theo chuông. Từ đó họ gọi hồ đó là hồ Kim Ngưu, cũng chính là hồ Tây ngày nay của ta đó.
Sau khi sư Không Lộ thả chuông xuống hồ rồi thì còn có một huyền thoại nữa cho rằng: Từ rày về sau, trong dân chúng nếu ai sinh được 10 người con trai thì cha con lên hồ sẽ gọi được trâu vàng trở về. Một gia đình nọ sinh được 9 người con trai đã mừng thầm, lại gấp gáp nhận thêm một người con trai nuôi nữa cho đủ số mười người để kéo trâu vàng về nhà. Trâu vàng vừa lên khỏi mặt nước vào bờ thì dây thừng bị đứt, trâu vàng chui ngay vào hang ở gần đó. Nơi đó được nhân dân lập đền thờ gọi là đền Kim Ngưu.
Đền Kim Ngưu và Trâu Vàng bên bờ Hồ Tây
Đền KIM NGƯU bên bờ hồ KIM NGƯU (HỒ TÂY) là một biểu tượng tín ngưỡng thờ Trâu Vàng của nhân dân ta, có được một xuất xứ thần thoại nhưng lại rất đáng tự hào như thế. Cho nên trong bài thơ NƯỚC TÔi của Nguyễn Văn Cổn, một thi sĩ thời Tiền Chiến đã có một vế thơ như sau:
Mặt HỒ TÂY mông mênh mây nước,
Chuyện thần linh thuở trước đâu xa,
Chuông chùa Trấn Võ ngân nga,
Trâu vàng lìa đất Trung Hoa điên cuồng.
Năm SỬU 丑 là năm con trâu, tháng SỬU là tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), ngày SỬU là ngày sau ngày Tý, giờ SỬU là từ 1:00 đến 3:00 AM (sáng), tức là vào khoảng Canh Tư tính theo giờ cổ điển. SỬU họp với TỴ, DẬU thành TỴ DẬU SỬU 巳 酉 丑 tam hạp. Khi con gà Dậu gáy sáng, thì con trâu Sửu phải thức dậy đi cày, hạp với nhau là đúng rồi. Hai con nầy đâu có "mắc mớ" gì tới con rắn TỴ ngoài lùm ngoài bụi đâu mà ông tổ Tử vi Trần Đoàn lại ghép vào "Tam Hạp". Có một thầy Tử Vi giải thích là: "Con rắn TỴ nó khống chế và nuốt trọn con gà, lại có thể quấn chân con trâu không thể đi tới được, nên mới xếp nó đứng đầu". Lại càng vô lý hơn, vì như thế thì TỴ phải xung khắc với DẬU và SỬU mới đúng chớ! Còn Tứ Hành Xung là THÌN TUẤT SỬU MÙI. Con trâu Sửu giành ăn cỏ với con dê Mùi, xung nhau là phải; Con chó Tuất tranh công với con trâu Sửu trong "Lục Súc Tranh Công", nên xung nhau cũng hiểu được, còn con rồng Thìn là con vật thần thoại bá vơ bay trên trời đâu có "ăn nhậu" gì tới con trâu Sửu đâu mà xung với khắc!? Chỉ lạm bàn những cái vô lý của khoa Tử Vi nghe chơi để bà con ta đừng có chết mê chết mệt vì Tử Vi nữa!
Nhân nhắc đến "Lục Súc Tranh Công", tác phẩm dân gian được học từ hồi Đệ Thất trong phần Cổ văn, ta hãy nghe anh cả trong Lục Súc, lớn xác nhất và cũng chiụ khó cày sâu cuốc bẫm nhất kể lể về công sức của mình đây:
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
.......................
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông;
Vừa đến buổi cày bừa bua việc.
........................
Trâu mệt đà thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi.
Liệu vừa đứng bóng mới thôi,
Ðói hòa mệt, bước khôn dời bước.
Ai thong thả, trâu nào ben đặng ?
Trâu nhọc nhằn, ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no,
Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở.
Làm không kịp thở,
Ăn chẳng kịp nhai.
Tắm mưa, trải gió chi nài !
Ðạp tuyết, giày sương bao sá !
Thế mà khi chết thì người ta chẳng nhớ gì đến công ơn, lại còn...
Người người đều bàn bạc với nhau:
Kẻ thì rằng: Tôi lãnh cái đầu,
Người lại nói: Phần tôi cái nọng.
Chia thịt xong, lại còn lấy sừng làm lược, hoa tai, tù và, con cờ, cán dao, cán quạt... nên, nếu:
Trâu sống lại kiện nài với chủ:
Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ
Ơn Tề vương vô tội khiến tha
Tưởng chừng khi sức mọn tuổi già...
Con trâu nhắc đến tích "Ơn Tề vương vô tội khiến tha" là: Tề Tuyên Vương thấy lính dắt trâu đi qua dưới thềm (đường hạ). Vương hỏi thì biết họ dắt trâu đi giết để lấy máu tô chuông mới đúc cho có tiếng vang xa, thấy con trâu có vẻ buồn bã, Vương bèn ra lệnh dùng máu dê để thay thế và tha cho trâu không giết. Tích nầy ta còn gặp ở bài thơ "Vịnh Trâu Già" của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến theo giai thoại lý thú sau đây:
Năm 1902, vua Thành Thái ra Hà Nội khánh thành cầu Đu-Me ("Doumer": Cầu Long Biên hiện nay). Các bậc khoa bảng và các quan chức từ cấp tỉnh trở lên đều phải đến để bái yết, nên cụ Nguyễn Khuyến cũng phải đến. Lần ấy đi cùng vua Thành Thái còn có cả vợ ông ta (hoàng hậu?) nữa. Bà này trước kia nếu không bị Nguyễn Hoan (con trai Nguyễn Khuyến) chê bỏ thì đã thành con dâu của Nguyễn Khuyến rồi. Sự thay bậc, đổi ngôi đã khiến Nguyễn Khuyến rất khó chịu. Lại thêm, chễm chệ bên Thành Thái còn có tên toàn quyền "Pôn Đu-Me"(Paul Doumer) nên cụ càng khó chịu hơn nữa. Bởi vậy, khi làm lễ ra mắt, Nguyễn Khuyến cứ lúng túng, chần chừ. Bị Thành Thái quở, Nguyễn Khuyến lấy lý do là mình già nua, tai nặng mắt mờ, nên cử chỉ chậm chạp để chống chế cho qua chuyện.
Khi biết con người còm cõi, lụ khụ lù khù như con trâu già đang đứng trước mặt mình kia là Tam Nguyên Yên Đổ, một bậc khoa bảng đại khoa và là một nhà thơ lừng danh lúc bấy giờ, Thành Thái cũng đâm ra kính nể. Nhà vua bèn bắt ông ta phải làm một bài thơ với chủ đề “Vịnh Trâu Già” để tạ lỗi chểnh mảng. Đứng trầm ngâm suy nghĩ một lát cụ bèn đọc:
Một nắm xương khô, một nắm da,
Bao nhiêu cái ách đã từng qua.
Đuôi cùn biếng vẫy, Điền Đan hoả,
Tai nặng buồn nghe Ninh Thích ca.
Sớm thả đồng đào ăn đủng đỉnh,
Tối về chuồng quế thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuông mới,
Ơn đức vua Tề lại được tha !
Bài thơ qúa hay, lại sát đề. Tả con trâu già nhưng lại nói lên được hoàn cảnh của mình: ốm đau, còm cõi chỉ còn có "Một nắm xương khô, một nắm da" mà thôi, và đã từng qua biết bao nhiêu là "cái ách" nặng nề, đã chán nản hết mọi sự đời, từ việc binh cơ đến việc lắt léo trong quan trường đều không buồn nghe không buồn bàn tới nữa. Nên chi đã về quy ẩn rồi mà người ta còn toan giết "để tô chuông mới". Nhà vua có tha cho ta như vua Tề đã tha cho con trâu ngày xưa hay không?
Vua Thành Thái hiểu rõ dụng ý và rất tâm đắc với câu thơ cuối: “Ơn đức vua Tề lại được tha”. Ông ta đã ví mình "nhân đức như vua Tề" thì sao mình lại không tha cho ông ta được? Chẳng những tha mà lại còn trọng thưởng nữa là đằng khác!
Bài thơ trên còn có 2 điển tích nữa là ĐIỀN ĐAN HỎA 田 單 火 và NỊNH THÍCH CA 甯 戚 歌. Điền Đan Hỏa là Lửa của danh tướng Điền Đan, là 火 牛 陣 nổi tiếng thời Chiến Quốc của tướng Điền Đan nước Tề như sau:
Theo Sử Ký Điền Đan Liệt Truyện: Đời Yên Chiêu Vương 燕 昭 王, thời Xuân Thu Chiến Quốc, tướng Yên là Nhạc Nghị 樂 毅 đem binh đánh Tề. Tướng Tề là Điền Đan 田 單 cố giữ thành Tức Mặc. Năm 279 trước Công Nguyên, Yên Huệ Vương nối ngôi, Điền Đan dùng kế ly gián để Yên Vương dùng tướng Kỵ Kiếp thay cho Nhạc Nghị, đoạn lại dùng kế trá hàng để Kỵ Kiếp không phòng bị, rồi đang đêm gom hết cả ngàn trâu bò trong thành, buộc gươm đao nhọn vào sừng trâu, đuôi trâu buộc cỏ rơm có tẩm dầu, rồi đốt lửa lên, trâu bị nóng cắm đầu cắm cổ phóng về phía quân Yên, lại cho 5000 lính cảm tử, vẽ mặt vằn vện, ăn mặc màu mè viêm vúa như thiên thần, theo sau đoàn quân trâu xung phong giết tới. Quân Yên đại bại, Kỵ Kiếp chết trận, Điền Đan thừa thế xua quân đánh chiếm lại hơn 70 thành đã bị mất. Nên câu "Đuôi cùn biếng vẫy, Điền Đan hoả". Ý của cụ Nguyễn Khuyến muốn nói là Mình đã già (như đuôi trâu đã cùn), nên không còn có thể động đến binh cơ mà lập nên công trận được nữa!
HOẢ NGƯU TRẬN NINH THÍCH CA
Còn NINH THÍCH CA 甯 戚 歌 : Là bài "Bạch Thủy Ca 白 水 歌" của Ninh Thích nước Vệ. Theo sách Hoài Nam Tử, quyển 12, Đạo Ưng Huấn《淮 南 子》卷 十 二〈道 應 訓〉NINH THÍCH là người nước Vệ thời Xuân Thu Chiến Quốc rất có tài thao lược và kinh ban tế thế, ông làm nghề chăn trâu. Khi Tề Hoàn Công đi ngang qua, ông bèn gỏ vào sừng trâu mà ca bài ca thái bình đời nhà Thương là: "Hạo hạo bạch thủy, du du chi ngư, quân lai chiêu ngã, ngã tương an cư. Quốc gia vị lập, Tòng ngã yên như 浩 浩 白 水,鯈 鯈 之 鱼。君 来 召 我,我 将 安 居. 國 家 未 立, 從 我 焉 如" có nghĩa:
Cuồn cuộn nước sông,
Cá lội xuôi dòng.
Vua mà biết đến,
Ta được an lòng.
Nước nhà chưa ổn,
Nên còn long đong!
Tề Hoàn Công bèn cho Tướng quốc Quản Trọng đến hỏi chuyện và mời về. Năm 685 trước Công Nguyên, Ninh Thích được phong làm Đại Phu, ông đưa ra nhiều kế sách giúp Tề Hoàn Công ổn định nghiệp bá của mình. Sau "NINH THÍCH CA" dùng để chỉ những người tài chưa gặp thời muốn cầu lấy công danh, nên câu "Tai nặng buồn nghe Ninh Thích ca". Ý của cụ Nguyễn Khuyến là mình đã già nua (như tai đã nặng đã lãng) nên không còn thiết đến hai chữ công danh nữa.
Nhà thơ trào phúng HỌC LẠC (1842–1915) của xứ Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay) cũng có bài thơ "Vịnh CON TRÂU" để châm biếm những người trí thức nửa mùa đương thời chạy theo làm trâu làm bò cho thực dân Pháp như sau:
Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Ngẫm lại mà coi thật lớn đầu.
Trong bụng lam nham ba lá sách.
Ngoài cằm lém đém một chòm râu.
Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy,
Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu,
Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
Năm dây đàn gẩy biết chi đâu.
LÁ SÁCH "là Dạ Lá Sách", một trong bốn ngăn trong dạ dày của loài động vật nhai lại. Ở đây tác giả mượn để chỉ "Sách vở học thức", nên "Trong bụng lam nham ba lá sách" là chỉ "Học thức chẳng ra chi"; còn "Ngoài cằm lém đém một chòm râu"là chỉ râu ria lưa thưa không thành chòm, hàm ý "Tướng mạo cũng chẳng ra gì", lại nhắc đến tích "Mắc mưu đốt đít" là "Hỏa ngưu trận" mà ta đã nhắc ở trên, cũng như "Làm lễ bôi chuông" là tích của vua Tề tha chết. Cuối cùng là mĩa mai với câu "Năm dây đàn gẩy biết chi đâu" phát xuất từ câu thành ngữ " ĐÀN GẢY TAI TRÂU, và câu thành ngữ nầy lại có xuất xứ từ câu chữ Nho là ĐỐI NGƯU ĐÀN CẦM 對 牛 彈 琴, có nghĩa là "Gảy đàn trước mặt con trâu cho nó nghe" của Mâu Dung 牟 融 một học giả đời Đông Hán 東 漢 đã nói trong Lý Hoặc Luận《理 惑 論》để chỉ làm những việc vô ích, không cần thiết, không có tác dụng vì không đúng đối tượng.
Trở lại câu thứ bảy của bài thơ trên "Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ". NGHÉ NGỌ là từ tượng thanh nhái tiếng kêu của con trâu, nhưng NGHÉ cũng là danh từ chỉ "Con trâu Con, con trâu còn nhỏ thì gọi là con NGHÉ". Đến đây, ta mới thấy sự phong phú và khó học của tiếng Việt Nam ta...
Cũng cùng một chữ NGƯU 牛, tiếng Việt ta có tới 2 nghĩa, vừa là TRÂU, vừa là BÒ. Con TRÂU CON thì gọi là con NGHÉ; còn con BÒ CON thì gọi là con BÊ (Rắc rối nhỉ!) Trong khi chữ Nho chỉ có một từ duy nhất để gọi Tiểu Ngưu 小 牛(trâu bò con) là ĐỘC 犢 mà thôi. Ta có thành ngữ LÃO NGƯU ĐỂ ĐỘC 老 牛 舐 犢 có nghĩa: Con TRÂU con BÒ già liếm con NGHÉ con BÊ con. Ý chỉ sự thương yêu âu yếm của cha mẹ đối với con cái. Thành ngữ nầy cũng có xuất xứ rất lý thú, cảm động và sâu sắc từ Hậu Hán Thư, Dương Bưu Truyện 後 漢 書·楊 彪 傳 như sau:
Vào thời Tam Quốc, trong quân Tào Tháo 曹 操 có môt mưu sĩ tên là Dương Tu 楊 修 rất thông minh cơ trí. Tào Tháo cho giữ chức Chủ Bộ trong dinh. Có một lần Tào Tháo nhờ một nhóm thợ xây cho một vườn hoa. Khi đến để kiểm tra, Tháo không nói gì, chỉ lấy viết viết một chữ HOẠT 活 là SỐNG ở giữa khung cửa rồi bỏ đi. Nhóm thợ không hiểu là Thừa Tướng muốn nói gì. Thời may Dương Tu đi đến, thấy được, mới bảo với mọi người rằng: Thừa Tướng chê cửa vườn quá rộng, sửa hẹp lại một chút đi. Nhóm thợ nghe theo. Khi Tào Tháo đến, hỏi ai đã gợi ý, thì nhóm thợ thưa là mưu sĩ Dương Tu. Tháo lặng thinh không nói gì. Lại một lần, có người mang tặng Tào Tháo một hộp kẹo mạch nha sốp, Tháo cầm bút viết lên hộp hai chữ NHẤT HIỆP 一 合, rồi để trên bàn ăn. Khi mọi người đến ăn cơm, thấy hộp kẹo để đó không biết ý gì, Dương Tu đến xem, mới bảo với mọi người rằng: Thừa Tướng ban cho mỗi người một miếng kẹo. Cả bọn liền lấy kẹo chia nhau để ăn. Khi Tào Tháo đến hỏi. Mọi người đều nói là quan Chủ Bộ bảo rằng Thừa Tướng đã ban cho mỗi người một miếng. Tào Tháo nghe xong, cũng chẳng nói gì nhưng trong bụng không vui.
Thì ra, chữ HOẠT 活 ghép với bộ MÔN 門 thì thành chữ KHOÁT 闊, có nghĩa là RỘNG, nên Dương Tu mới bảo nhóm thợ sửa cửa cho hẹp lại. Còn 2 chữ NHẤT HIỆP 一 合 chiết tự ra thì thành NHẤT NHÂN NHẤT KHẨU 一人一口, có nghĩa là: Mỗi người một khẩu phần (Từ NHẤT KHẨU khi là Lượng Từ còn có nghĩa là Một Miếng). Tào Tháo muốn khoe tài để làm oai trước mặt mọi người, muốn mọi người đều phải đến khẩn khoản để hỏi mình xem đó là ý gì. Không ngờ Dương Tu làm tài khôn hướt hết, nên đâm ra cụt hứng, vì thế mà trong bụng không vui.
Lại một lần, Dương Tu theo Tào Tháo xuất chinh tiến đánh Hán Trung, lại gặp lúc trời mưa gió, khó thể công phá thành trì, bèn đóng quân lại để chờ thời cơ. Còn đang lo lắng, thì lại nhằm lúc Hạ Hầu Đôn đến để hỏi mật khẩu gát đêm tối nay. Đang ăn dở cái đùi gà, Tào Tháo bèn động lòng buột miệng nói: "KÊ CÂN! 雞 肋!"(Gân Gà). Dương Tu đứng bên nghe thế, bèn đi nói với các tướng sĩ rằng: "Hãy chuẩn bị về thôi, Thừa Tướng sắp ban sư rồi!" Mọi người đang chán nản, nghe quan Chủ Bộ nói thế rất mừng, đều cùng lo thu xếp chuẩn bị hành trang. Đêm đó, Tào Tháo đi tuần, thấy các doanh trại quân lính đều chuẩn bị khăn gói gọn gàng, nên ngạc nhiên mới hỏi cho ra lẽ, mọi người đều nói là: Quan Chủ Bộ Dương Tu bảo rằng Thừa Tướng đang chuẩn bị ban sư, nên mọi người đều thu dọn để sẵn sàng lên đường". Tào Tháo nghe xong rất giận, cho là Dương Tu đã nhiễu loạn lòng quân trong lúc hành quân, nên lôi ra pháp trường xử trảm! Thì ra, "KÊ CÂN! 雞 肋!"là Gân gà. Thực chi vô vị, khí chi khả tích 食 之 無 味,棄 之 可 惜。Gậm trong miệng thì dai nhách, không có mùi vị gì cả, kéo ra nhìn thì như còn có thể ăn được. Bỏ đi thì uổng, mà nuốt thì nuốt không vô. Như tình hình hiện nay với thời tiết khắc nghiệt, đánh thì đánh không được, mà bỏ đi thì cũng mất mặt. Còn ở lại đóng quân trường kỳ thì cũng thất sách, chỉ còn có nước về mà thôi(!) nên Dương Tu mới đoán là "Thừa Tướng sắp ban sư là thế." Tào Tháo giận vì Dương Tu nhiễu loạn lòng quân thì ít, mà đố kỵ vì việc gì mình nghĩ ở trong lòng Dương Tu đều đoán biết cả thì nhiều nên chém Dương Tu cho hả giận là vì thế!
Sau khi Dương Tu chết, cha là Dương Bưu 楊 彪 vì thương nhớ con cho nên ngày càng tiều tụy võ vàng. Tào Tháo trông thấy bèn hỏi: "Sao độ rày trông ông ốm yếu gầy còm thế ?" Dương Bưu đáp rằng: "Tôi thẹn vì không khuyên bảo được con, và buồn vì LÃO NGƯU ĐỂ ĐỘC 老 牛 舐 犢 (Trâu già thương nhớ nghé con!) Tào Tháo nghe xong, rất lấy làm cảm động và cũng rất hối hận vì trong một phút nóng giận đã giết đi một nhân tài trẻ tuổi ở dưới trướng của mình.
Đây cũng là một bài học cho những người trẻ tuổi thường hay vì sự thông minh và tài giỏi mà hợm mình. Ngựa non háu đá thì cũng dễ chuốc họa vào thân! Còn...
Đối với trâu bò thì ta có thành ngữ "Nghé Mới Sinh Không Sợ Hổ", có gốc chữ Nho là "SƠ SINH CHI ĐỘC BẤT PHẠ HỔ 初 生 之 犢 不 怕 虎". Thành ngữ này có xuất xứ từ chương Tri Bắc Du của Trang Tử 莊 子· 知 北 遊 với ý: Nghé con mới sinh chưa biết sự lợi hại của hổ nên không sợ hổ, đồng thời cũng hàm ý là tuổi trẻ với một bầu nhiệt huyết, nên thường tự tin vào khả năng hay tài năng của mình mà không biết kiêng nể ai cả! Ý nầy được minh họa bằng câu chuyện "Quan Vân Trường trảm Bàng Đức 關 雲 長 斬 龐 德" sau đây:
Cuối đời Đông Hán, Lưu Bị chiếm được Hán Trung trong tay Tào Tháo, rồi xưng vương và lập nên nước Thục Hán. Bị lại lệnh cho Quan Vân Trường đem binh đánh lấy Tương Dương và tiến đánh Phàn Thành. Bộ tướng của Tào Tháo là Tào Nhân đại bại, giữ chặt lấy Phàn Thành. Tào Tháo phái đại tướng Vu Cấm đem quân nam chinh với tiên phong là mãnh tướng trẻ Bàng Đức đến Phàn Thành để cứu viện.
Bàng Đức cho quân khiêng sẵn một cái quan tài đến trước Phàn Thành, với lòng quyết tử chiến đến cùng; rồi diệu võ giương oai kêu đích danh Quan Vân Trường ra quyết chiến. Hai người đánh với nhau hơn trăm hiệp, bất phân thắng bại. Khi trở về doanh trại, Quan Vân Trường nói với Quan Bình rằng: "Bàng Đức đao pháp tinh thông, không hổ là một mãnh tướng trẻ của quân Tào". Quan Bình đáp lại rằng: "Bàng Đức là tướng trẻ, như con nghé con đang hăng máu, đâu có biết sợ cọp là gì, cứ liều mình đánh tới. Cha có đánh thắng được, thì chẳng qua cũng chỉ giết được một tên tướng trẻ vô danh mà thôi, còn như nếu lở thua thì sẽ làm hỏng hết sự nghiệp mà bá phụ đã phó thác, nên cha không thể khinh địch được". Quan Vân Trường thấy con nói có lý bèn nghe theo.
Lúc bấy giờ đang là Mùa Thu, mưa thu rả rít tràn ngập cả dòng Hán Thủy. Quân Ngụy lại đóng quân ở hạ lưu trong lòng thung lũng. Quan Vân Trường bèn cho xả đập trên thượng lưu dòng Hán Thủy. Nước lũ đổ xuống làm tràn ngập quân dinh của quân Ngụy. Vu Cấm và Bàng Đức đều bị bắt sống. Vu Cấm xin hàng, còn Bàng Đức thì vẫn quật cường đứng thẳng không qùy, lại còn mở miệng mắng lớn khi Quan Vân Trường khuyên nhủ đầu hàng. Qủa là "Nghé con không biết hổ là gì!" Quan Vân Trường khuyên hàng không xong bèn chém Bàng Đức thị uy.
Ta thấy, Tuổi trẻ thường tin tưởng vào khả năng và bầu nhiệt huyết của mình, nên không biết sợ trời cao đất dày gì cả! Không biết cân nhắc khi nào nên co khi nào nên thẳng, lúc nào nên cương, lúc nào phải nhu, nên rất dễ làm lở vở công việc, và bản thân dễ phải gánh chịu thiệt thòi, lắm khi còn làm mất cả mạng nữa là đằng khác. Tuổi trẻ vô tri, vì vô tri nên vô úy; vì không biết nên không sợ, và chính cái "Không Sợ" nầy dễ dẫn đến thất bại và họa sát thân.
Về thành ngữ HOA-VIỆT có liên quan đến TRÂU, ngoài ĐÀN GẢY TAI TRÂU và NGHÉ CON KHÔNG SỢ HỔ ra ta còn có:
* ĐẦU TRÂU MẶT NGỰA có gốc chữ Nho là NGƯU ĐẦU MÃ DIỆN 牛 頭 馬 面. Theo kinh Pháp Hoa, Đầu Trâu vốn là Câu Hồn Sứ Giả chuyên đi bắt hồn người chết. Khi truyền sang Trung Hoa do phép trọng đối xứng của người Hoa nên mới có thêm một Mặt Ngựa nữa cho... đủ cặp. Mặc dù theo Phật Giáo Mật Tông cũng có một Mã Diện Minh Vương, nhưng đó lại là một Bồ Tát, mà lại là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát nữa, khác xa với Mã Diện là câu hồn sứ giả dưới âm tào địa phủ. Trong tiếng Việt Nam ta, ĐẦU TRÂU MẶT NGỰA được dùng để chỉ những tay sai hung ác của quan quyền hoặc ác bá cường hào địa phương, chuyên hà hiếp, xách nhiễu, bóc lột dân lành, như cụ Nguyễn Du đã miêu tả trong Truyện Kiều:
Người nách thước, kẻ tay đao,
ĐẦU TRÂU MẶT NGỰA ào ào như xôi.
* GIẾT GÀ SAO PHẢI DÙNG ĐẾN DAO MỔ TRÂU. Đây là câu ngạn ngữ có gốc chữ Nho là "Sát Kê Yên Dụng Ngưu Đao 殺 雞 焉 用 牛 刀" chỉ làm việc gì đó chỉ nhỏ nhoi mà phải dùng đến một lực lượng lớn để thi hành. Câu ngạn ngữ nầy có xuất xứ từ chương Dương Hóa của sách Luận Ngữ 論 語·陽 貨 và theo sách Trọng Ni Đệ Tử Liệt Truyện 史 記· 仲 尼 弟 子 列 傳 như sau:
Cuối đời Xuân Thu, học trò của Khổng Tử là Tử Du làm Huyện Lệnh ở Võ Thành Huyện của nước Lổ. Có một lần, Khổng Tử đến Võ Thành, nghe được tiếng ca tiếng nhạc của dân chúng, bèn cười mà nói với Tử Du rằng: "Cai trị một huyện nhỏ nhoi như thế nầy, vốn không cần phải dùng tới lễ nhạc. Ví như giết gà thì sao phải dùng đến dao mổ trâu chứ?!" Tử Du đáp rằng: "Trước kia thầy đã từng dạy là: Người quân tử học lễ nhạc thì dễ thân cận gần gũi hơn; còn kẻ tiểu nhân học lễ nhạc thì sẽ dễ khu sử sai bảo hơn. Con đã làm theo lời thầy đã dạy, sao nay thầy lại nói thế?!" Khổng Tử đuối lý, bèn cười mà trớ rằng: "Lúc nảy ta chỉ nói chơi mà thôi!" Thế mới biết "Thánh nhân cũng có khi ngớ ngẩn chớ chẳng riêng gì người thường!"
Câu thành ngữ trên còn có thể mói gọn lại thành "MỔ GÀ DÙNG DAO TRÂU" hay "DÙNG DAO TRÂU MỔ GÀ" như các báo trong nước đưa tin: Mấy năm trước đây Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng đã đích thân đi càn quét xe quá tải ở Hà Tĩnh và Huế. Nhưng khi ông vào thị sát các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì lập tức xe quá tải rầm rộ lao ra đường ở Huế và Hà Tĩnh. Song, ông vừa quay ra Huế thì ở đồng bằng sông Cửu Long lại xuất hiện xe 70 tấn qua cầu 25 tấn... Nhiều người góp ý với bộ trưởng, chuyện dẹp xe quá tải là việc của mấy anh thanh tra giao thông, cùng lắm là mấy ông cấp vụ, cấp sở. Ai đời lại lấy DAO MỔ TRÂU ĐI GIẾT GÀ! Tầm cở của Bộ trưởng là phải làm những việc lớn lao hơn là chuyện đi rình rập để dẹp những xe quá tải chứ.
Tương đương với câu thành ngữ trên còn có câu "NGƯU ĐỈNH PHANH KÊ 牛 鼎 烹 雞", có nghĩa: Dùng cái vạc nấu trâu bò để luộc gà, cũng cùng một nghĩa với "Dùng dao trâu để mổ gà" để chỉ "Thân phận lớn mà làm việc nhỏ hay làm việc nhỏ mà giàng giá lớn không tương xứng.
Dao Trâu Mổ Gà Vạc Trâu Luộc Gà
Ngoài ra, ta còn có một ngạn ngữ nữa của người Hoa mà gần đây mới du nhập vào văn học của ta qua đường tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung là "NINH VI KÊ KHẨU, VÔ VI NGƯU HẬU 寧 為 雞 口,無 為 牛 后" có nghĩa: "Thà làm mỏ gà chớ không làm đít trâu". Ý là: Mỏ gà tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, đít trâu tuy lớn nhưng là nơi dơ dáy; Thà làm nhỏ mà đứng đầu, còn hơn làm lớn mà phải chiụ lép đứng sau lưng người khác. Thành ngữ nầy cũng có xuất xứ từ Chiến Quốc sách thời Xuân Thu như sau:
Tô Tần là Tướng quốc của nước Sở đi du thuyết nước Hàn trình bày kế "Hợp Tung" để chống lại nước Tần. Thấy Hàn Chiêu Hầu còn do dự, Tô Tần bèn phân tích rằng: Nước Hàn đất rộng ngàn dặm, giáp binh mấy chục vạn, là nước sản xuất cung nỏ nhiều nhất hiện nay... Nếu nay không chịu hợp Tung với sáu nước khác để chống lại nước Tần, mà đi theo phò Tần, thì chẳng những bị thiên hạ cười chê mà còn bị nước Tần ức chế, nay đòi cái này, mai bắt phải cống cái khác... cam tâm làm nước phiên thuộc cho Tần mà không dám tự chủ việc gì cả. Thần nghe có câu tục ngữ "Thà làm mỏ gà chứ không thèm làm đít trâu." Nay vương hầu thần phục nước Tần thì khác nào bỏ đi cái mỏ gà sạch sẽ bén nhọn của mình mà cam tâm làm cái đít trâu to lớn nhưng lại xú uế vô cùng. Tôi thật lấy làm lo lắng cho vương hầu đó!" Hàn Chiêu Hầu nghe xong, vô cùng cảm khái, chống kiếm đứng lên ngước mặt lên trời nói to rằng: "Ta thề dù có chết cũng không bao giờ chịu quy phục nước Tần!" Chỉ một câu nói khéo, Tô Tần đã thuyết phục được thêm một đồng minh mạnh cho kế sách "Hợp Tung" của mình trong việc chống lại nước Tần hung hãn.
Còn một con NGƯU nữa mà đồng bào Hoa Việt, bình dân hay trí thức gì đều biết đến cả, đó chính là NGƯU LANG 牛 郎 và CHỨC NỮ 織 女.
Ngưu Lang Chức Nữ 牛 郎 織 女, còn có tên gọi khác trong tiếng Việt Nam ta là Ông Ngâu Bà Ngâu, là Vợ Chồng Ngâu, nước mắt hạnh phúc đoàn viên của họ khi khóc, rơi xuống trần gian thì gọi là Mưa Ngâu. Đó là một câu chuyện tình trong cổ tích dân gian rất nổi tiếng, có xuất xứ từ thời Trung Hoa cổ đại. Theo chương Đại Đông, thiên Tiểu Nhã của Kinh Thi《詩 經‧ 小 雅‧ 大 東》thì Ngưu Lang Chức Nữ là hai vì sao trên trời nằm ở hai bên Thiên Hà (Ngân Hà) với lời thơ dân gian như sau:
維 天 有 漢,監 亦 有 光。
Duy thiên hữu hán, Giám diệc hữu quang.
跂 彼 織 女, 終 日 七 襄。
Kì bỉ Chức Nữ, Chung nhật thất tương.
雖 則 七 襄,不 成 報 章。
Tuy tắc thất tương, Bất thành báo chương.
睆 彼 牽 牛,不 以 服 箱。
Hoản bỉ khiên ngưu, Bất dĩ phục sương.
Có nghĩa :
Sông Ngân lắp lánh trên cao,
Như gương soi sáng các sao trên trời.
Kìa sao Chức Nữ đổi dời,
Đêm ngày bảy bận không thôi di chuyền.
Bảy bận dời đổi liên miên,
Cũng không dệt được chút duyên thắm nồng.
Sao Ngưu tròn trịa bên sông,
Cũng chẳng ra đồng, cũng chẳng kéo xe!
Câu chuyện tình giữa Ngưu Lang và Chức Nữ được phổ biến từ thời nhà Hán qua lễ Thất Tịch, đêm mùng bảy tháng bảy âm lịch, và theo dòng chảy văn hóa câu chuyện này lan qua các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam ta. Do sự phổ biến rộng rãi và có tính văn hóa cao, nên Ngưu Lang Chức Nữ trở thành một trong Tứ Đại Cổ Tích dân gian theo truyền thuyết của Trung Hoa, bên cạnh Bạch Xà Truyện 白 蛇 傳 (còn gọi là Thanh Xa Bạch Xà), Mạnh Khương Nữ 孟 姜 女 (Người khóc đổ Trường Thành) và Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài 梁 山 伯 - 祝 英 台.
Truyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ (Vega) và sao Ngưu Lang, còn gọi là Khiên Ngưu (Altair), hai sao nằm ở hai bờ đông tây của dải Ngân Hà (Galaxy) và hiện tượng mưa ngâu diễn ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam, ở Trung Quốc gọi là lễ Thất Tịch. Đêm Thất Tịch là đêm Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, nên trai gái ngày xưa hay ước hẹn trong đêm nầy, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Chữ đồng lấy đấy làm ghi,
Mượn điều THẤT TỊCH mà thề bách niên.
Ướt át hơn là chuyện tình giữa Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi mà nhà thơ Bạch Cư Dị đã viết trong Trường Hận Ca là:
七 月 七 日 長 生 殿,
Thất nguyệt thât nhật Trường Sinh Điện,
夜 半 無 人 私 語 時。
Dạ bán vô nhân tư ngữ thì.
在 天 願 作 比 翼 鳥,
Tại thiên nguyện tác tỉ dực điểu,
在 地 願 爲 連 理 枝。
Tại địa nguyện vi liên lý chi.
Có nghĩa :
Mùng bảy tháng bảy điện Trùng Sinh,
Vắng người thỏ thẻ lúc đêm thanh.
Trên trời nguyện làm chim liền cánh,
Dưới đất cây cành nhánh liền nhau !
Vì là chuyện tình yêu đã được truyền tụng lâu đời trong dân gian, chớ đôi lứa yêu nhau của thời buổi nầy, đâu có cặp đôi nào ước được như Ngưu Lang Chức Nữ đâu: Mỗi đứa ở mỗi bên của một bờ sông và chỉ gặp nhau mỗi năm có một lần. Có mà điên mới ước ao được như thế!
Còn một điều rất lý thú là, có một câu thành ngữ toàn chữ Nho mà người Hoa không biết, chỉ có người Việt Nam ta mới thường sử dụng nó mà thôi. Đó là câu NGƯU TẦM NGƯU, MÃ TẦM MÃ 牛 尋 牛,馬 尋 馬。có nghĩa: Trâu tìm trâu, Ngựa tìm ngựa; Ý nói: Người của tầng lớp giai cấp nào thì chạy theo tầng lớp giai cấp đó! Người tốt thì theo về với người tốt, còn người xấu thì về hùa theo người xấu. Như những người "cuồng Trump" thì chạy theo để phò Trump, cho dù Trump có ngang ngược như "Ngưu Ma Vương" thì họ vẫn "Tầm Trump" để đội lên đầu như thường; còn những người bình thường thì vẫn cứ sống theo lẽ sống công bằng bình dị của người dân bình thường mà thôi!
Nhân nhắc đến Ngưu Ma Vương lại nhớ đến những khẩu ngữ của dân Nam Bộ quê tui. Hễ đứa nào ăn nói mạnh bạo, cử chỉ ngang tàng, đến đi sồng sộc như... trâu, thì đều bị mắng là: "Đồ cái thằng Ngưu Ma Vương!" Anh nào vai u thịt bắp, sức vóc mạnh mẽ, thì được khen là "Thằng đó trông mạnh mẽ như con Trâu Cui". Anh nào chịu khó khắc khổ thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa làm việc bất kể giờ giấc gì cả, thì được gắn cho cái huy chương "Cực Như Trâu!" Những đứa bé ngoan cố, không nghe lời dạy bảo, thì bị mắng là "Thứ cái đồ Lổ Tai Trâu!" còn cứng đầu cứng cổ, đánh cũng không khóc, thì lại bị mắng là "Đồ Da Trâu!"... Vừa tốt vừa xấu, vừa ưu vừa khuyết, hình ảnh con trâu mấy ngàn năm qua đã rất gần gũi với nếp sống và sinh hoạt của nông dân nông thôn một cách thân thương như một thành viên không thể thiếu của đại gia đình nông nghiệp.
Trở lại với đời sống dân gian của một xã hội nông nghiệp như Việt Nam ta từ ngàn xưa đến nay, thì cái hình ảnh tiêu biểu nhất, đẹp đẽ nhất, lý tưởng nhất mà cũng hạnh phúc nhất không gì hơn:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Hay là những lời ca dao thân thương giữa người và trâu như đôi bạn khắng khít không thể xa rời nhau trong đời sống lao động nông thôn:
Trâu ơi! Ta bảo trâu này!
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công!
Sự cần mẫn của người nông dân còn được thể hiện qua những lời nhắn nhủ con trâu, nhưng cũng là để tự nhắn nhủ với mình:
Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ CẦN.
CẦN 勤 là siêng năng, cần mẫn. Ông bà ta dạy: Đại phú do thiên, Tiểu phú do cần 大 富 由 天,小 富 由 勤。Có nghĩa: Làm giàu lớn là do trời, còn làm giàu nhỏ là do ta biết cần kiệm. Con TRÂU là hình ảnh tiêu biểu cho sự siêng năng cần kiệm: Suốt ngày suốt buổi cứ nín thinh mà kéo cày, đói thì chỉ gặm ba cọng cỏ khô, thỉnh thoảng được thả ngoài đồng mới có cỏ non để gặm, thế mà còn bị người đời mai mĩa: "Trâu già thích gặm cỏ non!"
Thói thường thì "cỏ non" phải để dành cho mấy "con nghé" như câu ca dao:
Em như ngọn cỏ phất phơ,
Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng.
Nhưng những cỏ non mọc hoang dại của cánh đồng hàng xóm trông mơn mởn vẫn cứ hấp dẫn những con trâu già mon men tìm đến để đến nỗi bị cảnh báo:
Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tham chi cỏ lạ ăn qua đồng người !?
Người cũng như trâu, thay vì nói "ta về ta tắm ao ta", với con trâu thì cứ "Trâu ta ăn cỏ đồng ta" như lời khuyên nhủ:
Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tham non chuộng lạ dắt qua đồng người
Đồng người cỏ tốt nhưng hôi,
Đồng ta cỏ xấu nhưng... bùi... trâu ăn.
Hình ảnh "Con trâu cày ruộng" còn được ví von như chuyện vợ chồng trai gái với nhau qua những câu ca dao lấp lửng:
Trâu khoẻ chẳng lọ cày trưa,
Mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền.
Hay so sánh một cách thực tế trắng trợn và lộ liễu hơn:
Của chua ai thấy cũng thèm,
Em cho chị mượn chồng em vài ngày.
- Chồng em đâu phải trâu cày,
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!
Nhớ khi xưa còn ở ấp Yên Thượng của xứ "Cái Răng, Ba Láng , Vàm Xáng, Phong Điền..." một hôm, gặp ông Sáu Quản Lý ở đầu làng, ông vổ vai tôi hỏi thăm, vì biết tôi mới cưới vợ chẳng bao lâu: "Sao con?! Vợ chồng cơm ngon canh ngọt chớ? Ráng mà ăn ở cho khéo, không thôi ông già vợ mầy "lấy lại miếng ruộng" là sẽ "hết đất để cày" đó nghen con!"
Mong rằng các bạn trẻ đều ráng cố gắng phấn đấu cho tốt để giữ cho được "miếng ruộng" của mình để mà... cày. Mong lắm thay!
Xin được kết thúc bài phiếm luận về "Tuổi Sửu là con trâu kềnh kàng" ở đây. Cầu mong cho tất cả mọi người đều được VUI VẺ MẠNH KHỎE, "Đi Cày" để tiếp tay giựt dậy nền kinh tế đang suy trầm vì Covid -19 trong năm TÂN SỬU 2021 nầy!
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét