Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Thành Ngữ Điển Tích 75: Năm (Đỗ Chiêu Đức)

  THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 75 :  

                                     NĂM
                                      
                           
                                        
                       NĂM MÂY bỗng thấy chiếu trời,
                          Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành.

         NĂM MÂY là mây ngũ sắc, Mây có 5 màu thật đẹp, còn gọi là Tường Vân 祥 雲, là mây lành, chỉ xuất hiện khi có thần thánh tiên phật hiện ra mà thôi. Còn NĂM MÂY trong câu thơ trên là chỉ mây ngũ sắc vây quanh lấy hình con rồng đang bay lượn được in trên "chiếu trời" là chiếu chỉ của thiên tử, là con của trời, chính là  nhà vua ngày xưa, ban bố  xuống cho quần thần nhân dân. Như hai câu thơ trên đầu đề:

                 NĂM MÂY bỗng thấy chiếu trời,
             Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành.

      Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, bài "Lại Vịnh Hán Cao Tổ" của vua Lê Thánh Tông đã mở đầu bằng hai câu:

                 Một mình khi ẩn núi Mang, Đường,
            NĂM THỨC MÂY CHE điềm đế vương.

      NĂM THỨC MÂY CHE là do tích bà Lã Trĩ (vợ của Lưu Bang) nói với chồng: "Sở dĩ thiếp tìm đến được chỗ đang ở của chàng vì thiếp thấy có mây ngũ sắc ở trên trời chiếu rọi che chỡ cho nơi đó".

                              


          Còn trong bài TƯ DUNG VÃN của cụ Đào Duy Từ thì lại gọi là NGŨ VÂN, như trong hai câu thơ sau đây:

                  Phật đình nào khác vương đình,
            NGŨ VÂN tán lớn, cảnh tinh thoại tường.

          Nhắc đến số 5, thì không thể quên NĂM ĐẤU GẠO, còn nói đến năm đấu gạo thì không thể không nhắc đến "Ngũ Đấu Mễ Tiên Sinh" là Đào Tiềm.
          Đào Tiềm 陶 潛 (365-427) tự là Uyên Minh 淵 明, người đất Sài Tang, Tầm Dương, nay thuộc thành phố Cửu Giang. Ông là một ẩn sĩ cao nhã đời Đông Tấn, từng làm huyện lệnh huyện Bành Trạch, nên còn được gọi là Đào Lệnh hay Đào Bành Trạch. Vì không chịu mỗi kỳ phải vận áo mão chỉnh tề để lòn cúi nghênh tiếp viên Đốc Bưu, để mỗi tháng nhận lãnh 5 đấu gạo lương thực, nên ông từ quan về ở ẩn, vì thế ngưi đời còn gọi ông là "Ngũ Đấu Mễ Tiên Sinh 五 斗 米 先 生"(Tiên sinh 5 đấu gạo). 
        Trong truyện thơ Nôm viết theo một câu truyện trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ là "Tứ Thức Gặp Tiên" có câu:

                       Vẻ chi NĂM ĐẤU GẠO vàng,
                   Uốn lưng co gối cho càng tổn hơi.
                              
                                

         Sau NĂM ĐẤU GẠO, ta có NĂM ĐỨC, tức là 5 đức tính tốt của người quân tử ngày xưa theo quan niệm của Nho gia. 5 đức tính đó còn gọi là Ngũ Thường 五 常, tức là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín 仁、義、禮、智、信 . Còn theo sách Hàn Thi Ngoại Truyện 韓 詩 外 傳 của Hàn Anh 韓 嬰 đời Hán có ghi chép lại như sau: Con gà trống gồm đủ NĂM ĐỨC: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Này nhé, tướng mạo oai vệ của con gà trống trên đầu có Kê quan 雞 冠 là cái Mào gà, Quan 冠 là cái mào đồng âm với Quan 官là quan quyền, nên cái Mào gà tượng trưng cho cái Mão của quan VĂN. Dưới hai chân gà đều có hai cựa như là hai mũi thương dùng để chiến đấu, tượng trưng cho VÕ quan. Khi gặp đối thủ thì gà lại sẵn sàng xông tới chiến đấu đến cùng, tượng trưng cho tinh thần DŨNG cảm. Khi tìm được thức ăn, gà trống luôn luôn kêu gọi bầy đàn đến để cùng ăn, chớ không ăn một mình , đó là lòng NHÂN hậu. Cuối cùng, gà trống luôn luôn gáy báo thức đúng giờ, không sai hẹn bao giờ, đó là hữu TÍN. Trong tác phẩm thơ Nôm "Lục Súc Tranh Công" con gà cũng đã tự hào về NĂM ĐỨC tính tốt nầy của mình như sau:

                     Này này! Gà ngũ đức thẳm sâu:
                     Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.
                     Trên đầu đội văn quan một mũ;
                     Dưới chân đeo hai cựa thần thương...

       Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập bài thơ vịnh "CON GÀ" của vua Lê Thánh Tông đã mở đầu bằg hai câu:

                   Họ Chu từ thuở dưỡng nên thân, 
                   NĂM ĐỨC gồm no: trí dũng nhân...
                                
                      

           Như trên đã nhắc, Ngũ Thường 五 常, tức là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín 仁、義、禮、智、信  trong sách Luận Ngữ của đạo Nho, trong tiếng Nôm còn được gọi là NĂM HẰNG. Theo phần giải thích trong《Thượng Thư. Thái Thệ Hạ 尚 書·泰 誓 下》thì "Ngũ Thường còn gọi là Ngũ Điển 五 典" với câu: Phụ nghĩa 父 義、Mẫu từ 母 慈、Huynh hữu 兄 友、Đệ cung 弟 恭、Tử hiếu 子 孝。Có nghĩa: "Cha thì phải có cái nghĩa lớn, Mẹ thì phải có lòng từ ái, Anh thì phải có tình thân hữu đối với em, Em thì phải có lòng kính trọng đối với anh, và Con cái thì phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ". 
      Trong văn học cổ của ta gọi TAM CƯƠNG NGŨ THƯỜNG là NĂM HẰNG BA MỐI, như trong bài thơ TƯ DUNG VÃN của cụ Đào Duy Từ có câu:

                     NĂM HẰNG BA MỐI làm đầu,
               Cội tùng nhành bách mặc dầu đông tây.

              Còn trong Phật giáo thì có NĂM MANG, mà NĂM MANG tức  là Ngũ Uẩn 五 蕴 trong đạo Phật, đó chính là: Sắc Uẩn 色 蘊、Thụ Uẩn 受 蘊、Tưởng Uẩn 想 蘊、Hành Uẩn 行 蘊 và Thức Uẩn 識 蘊.  SẮC là Hình Tướng, THỤ là Thị Dục, TƯỞNG là Ý Niệm, HÀNH là Nghiệp duyên, và THỨC là Tâm Linh. Tất cả chúng sinh đều do Ngũ Uẩn tích tụ lại mà thành. Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh  khi cho  ông Sãi luận về chữ tu gần cuối bài có câu:  

            ... Bờ giác ngạn dễ đà đặng lại,
                Bởi thất tình còn hỡi NĂM MANG.
                Việc cổ kim chi xiết luận bàn,
                Lời phẫn uất trút ra tiêu khiển!
                              
                  

     Về mặt địa danh thì có NĂM HỒ, chữ Nho là NGŨ HỒ 五 湖, là năm hồ nước lớn nhất của Trung Hoa, đó là Động Đình Hồ, Ba Dương Hồ, Thái Hồ, Sào Hồ, Hồng Trạch Hồ 洞 庭 湖、鄱 阳 湖、太 湖、巢 湖、洪 泽 湖 nhưng trong văn học cổ, theo sách "Sử ký" ghi chép lại thì Ngũ Hồ ngày xưa là tên riêng của THÁI HỒ ở giữa hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang. Vào thời Xuân Thu thì Thái Hồ là ranh giới thiên nhiên giữa 2 nước Việt và Ngô; nơi mà sau khi đã hoàn thành Mỹ nhân kế, nước Ngô bị tiêu diệt, thì mưu thần Phạm Lãi đã đưa nàng Tây Thi xinh đẹp đến nơi đây để rong chơi rồi biệt tích luôn ở nơi nầy. Trong truyện Nôm HOA TIÊN KÝ của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có nhắc đến nơi đây:

                    Buôn nan khói tỏa NĂM HỒ,
             Lâm tâm bờ cỏ sông Ô khắp đường.

     Sau Năm Hồ ta có NĂM XE, chữ Nho là Ngũ Xa 五 車, là do thành ngữ Học Phú Ngũ Xa 學 富 五 車 (Học vấn giàu đến Năm Xe) nói gọn lại mà thành. Theo chương Thiên Hạ trong sách Trng Tử《莊 子.天 下》có câu:Huệ Thi đa phương, kỳ thư ngũ xa 惠 施 多 方,其 書 五 車。có nghĩa: Huệ Thi (là một nhà tư tưởng thời Chiến Quốc) có nhiều phương pháp giải quyết công việc, sách của ông ta học có thể chứa đầy NĂM XE, nên trong văn học cổ lấy NĂM XE để chỉ học vấn uyên bác, biết nhiều hiểu rộng, như trong bài "Hàn Vương Tôn Phú" của Đặng Trần Thường, một công thần ở đầu đời nhà Nguyễn, khi ở trong tù đã ví mình như là Hàn Tín ngày xưa. Trong bài phú trên, đoạn mở đầu có câu:

     Kinh sử NĂM XE chứa chất, ngang trời dọc đất ấy kinh luân;
     Tôn Ngô bảy quyển làu thông, đè sóng xông mây là chí khí.
                                   


      NĂM XE là chỉ kiến thức ở trong lòng, còn cái gì đó đang ở trong lòng thì gọi là NĂM TRONG, chữ Nho là Ngũ Nội 五 內, giới Đông y thì gọi là Ngũ Tạng 五 臟, tức là Can Tâm Tì Phế Thận 肝、心、脾、肺、腎. Trong văn học cổ thì NĂM TRONG là chỉ lòng dạ, chỉ tấm lòng, như trong truyện Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu:

                  Một lời để tạc NĂM TRONG,
           Lan phòng nào biết văn phòng khát khao.  

      Về nghi thức để cưới vợ ở các nhà giàu có khi xưa thì có Lục Lễ. Theo sách LỄ KÝ và NGHI LỄ《禮 記》和《儀 禮》khi xưa. Đó chính là: Nạp thái, Vấn danh, Nạp các, Nạp trưng, Thỉnh kỳ, và Nghinh thân 納 采、問 名、納 吉、納 徵、請 期 和 迎 親. NẠP THÁI là bà mai đại diện nhà trai đến dạm hỏi coi mắt cô dâu. VẤN DANH là trao đổi bát tự, ngày tháng năm sinh giữa hai bên . NẠP CÁT  là nhà trai tặng lễ vật để định ngày đám nói, đính hôn . NẠP TRƯNG còn gọi là Nạp Sính là ngày đám nói trao sính lễ . THỈNH KỲ là Ngày nhà trai mang lễ vật qua nhà gái để cho biết ngày Nghinh Thân rước dâu . NGHINH THÂN là ngày đám cưới rước dâu. Sau khi đã hoàn tất xong NĂM LỄ đầu thì chỉ còn lễ cuối là Nghinh Thân (Rước dâu) như trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính:

                    Cá đi nhạn lại tin bay,
             Đủ NĂM LỄ đã đến ngày thừa long.

       Cuối cùng ta có NĂM PHÚC, chữ Nho là NGŨ PHÚC 五 福, là 5 cái PHƯỚC mà ai cũng mong mõi để có được. Vậy Ngũ Phúc là gì?...
       Xuất xứ từ chương Hồng Phạm của Kinh Thư《書 經· 洪 範》là: "Nhất viết Thọ, nhị viết Phú, tam viết Khang Ninh, tứ viết Du Hảo Đức, ngũ viết Khảo Chung Mệnh 一 曰 壽、二 曰 富、三 曰 康 寧、四 曰 攸 好 德、五 曰 考 終 命。Có nghĩa: "Một là Sống Thọ, Hai là Giàu Sang, Ba là Mạnh Khỏe, Bốn là Có tiếng Tốt, Năm là Chết An Lành". Nói gọn lại NGŨ PHÚC là: Danh, Lợi, Thọ, Kiện, Thiện Chung 名、利、壽、健、善終。NĂM điều mà sống ở trên đời nầy ai ai cũng mong mõi để có được! Hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là người xưa (và cả người nay nữa) thường viết câu NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五 福 臨 門 để treo ở trước cửa nhà để cầu mong cho NĂM PHÚC sẽ đến với gia đình. Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập cũng có câu:

                   Hội lành đã gặp gồm NĂM PHÚC,
                   Trỏ non Nam, chúc thánh quân.
                   
                       


       Hẹn bài viết tới !

                                                              杜 紹 德
                                                          Đỗ Chiêu Đức












     

Hoa Gạo Càng Đỏ Anh Càng Yêu Em - Nguyên Trần

Hoa Gạo Càng Đỏ Anh Càng Yêu Em


Hình ảnh hoa Gạo - Tổng hợp hình ảnh hoa Gạo đẹp nhất


                       Tháng Ba Hoa Gạo đỏ trời

Mở lòng anh viết nên lời yêu thương

Bao nhiêu Hoa Gạo trên đường

Thì tình anh cũng đậm hương mặn mà

Cây Hoa Gạo đã trổ hoa

Lòng anh ngây ngất sa đà dáng em

Nhìn màu Hoa Gạo qua rèm

Chừng như những sợi tơ mềm nhớ nhung

Vào ra ngơ ngẩn chập chùng

Bâng khuâng màu nhớ mịt mùng thênh thang

Ngày em đi thoáng ngỡ ngàng

Con đò sao nỡ sang ngang não nề

Mây giăng kín nẽo lê thê

Nghe chừng hơi thở tái tê bẽ bàng

Nhạc buồn từ thuở hồng hoang

Hoa Gạo càng đỏ anh càng yêu em./.

Toronto 22/3/2021

      Nguyên Trần




Hận Buồn Tiếc Nhớ Thương - Vkp.Phượng Tím & Buồn Xưa - Nguyễn Cang

 HẬN BUỒN TIẾC NHỚ THƯƠNG 

    ( Cảm ý bài BUỒN XƯA của Nguyễn Cang )

 

 

Màng đêm bao phủ đất trời 

Cỏ cây hoa lá cõi đời ngủ yên

Ai còn thao thức triền miên? 

Để tâm tư trút xuống miền văn thơ 

Nhớ sao cái thuở dại khờ

Đem yêu chuốc lấy bến bờ khổ đau 

Người đi biền biệt phương nào? 

Cuối đời cứ mãi buộc vào vấn vương

Dây Tơ đứt đoạn giữa đường 

Hoa Hồng héo hắt tình trường đắng cay  

Hận - Buồn - Tiếc - Nhớ - Thương hoài!!!

 

Saigon Tháng 3/2021

vkp phượng tím

                         *****

 

BUỒN XƯA

 

 

Nắng vàng rơi rớt bên thềm cũ

Bóng hoàng hôn buông phủ chân mây

Đã mấy mùa thu mòn mỏi đợi

Còn chăng là gió lạnh heo may

Con đường ngày xưa giờ mất dấu

Của những ngày chân bước đi hoang 

Đò Thủ Thiêm không còn đưa khách

Để thăm em thứ bảy chiều vàng

Gió xôn xao dạt dào nỗi nhớ

Em u sầu khắc khoải chờ mong

Tôi miên man thả hồn phiêu lãng

Cho cuộc đời bay bổng thinh không

Xuân đã về trên khắp quê hương

Chợ tết chợ hoa rộn phố phường

Dòng đời trôi giạt còn ai biết

Em ở nơi nào có vấn vương

Người đã đi xa xa tôi thật

Chớp mắt thời gian đã hết rồi

Tôi buồn thân phận đời lưu lạc

Nơi chân trời viễn mộng mù khơi

Nhớ quay quắt khung trời kỷ niệm

Mang ưu tư năm tháng lưu đày

Nỗi niềm xin gởi cho mây gió

Cho hết sầu đau những tháng ngày!


Nguyễn Cang ( 15/3/21)






Về Sông Cữu (Người Sông Cữu) & Bài họa của thi hữu: Mailoc, Sông Thu, Cao Bồi Già, Lý Đức Quỳnh, Thanh Trương, Mai Xuân Thanh

  

              

 

 VỀ SÔNG CỮU

Sông Cửu quê tôi rất hữu tình

Ai về xin đến miệt U Minh

Cò bay thẳng cánh trên đồng ruộng

Cá lội xuôi dòng dưới rạch kinh

Dọc bến ghe xuồng trông tấp nập

Ngang vườn cây trái ngó tươi xinh

Tiền nhân khai phá nhiều công sức

Hậu thế chăm lo gắng giữ gìn

Người Sông Cữu

   21/03/2021

 

Thơ Họa: 

         MIỀN NAM 

Đẹp lắm quê tôi cảnh lẫn tình

Sông dài lấp lánh nắng bình minh.

Cửu Long, Tiền-Hậu mênh mông nước

Vườn tược ruộng đồng chằng chịt kinh.

Xà lỏn nông dân đời chất phác

Khăn rằn thôn nữ dáng xinh xinh.

Hai mùa thóc lúa vui cây trái

Nếp sống Miền Nam hãy cố gìn.

Mailoc

3-22-21

 

     ĐẤT MŨI CÀ MAU 

Cà Mau yêu dấu chứa chan tình

Trời đất hiền hòa, cảnh đẹp xinh

Bát ngát xanh lơ, màu nước biển

Rạng ngời đỏ rực, sắc bình minh

Rộn ràng chợ nhóm trên sông rạch

Xao động cá vầy dưới lạch kinh

Lồng lộng không gian tràn sức sống

Ơn người trước dựng, kẻ sau gìn.

  Sông Thu

( 23/03/2021 )

 

QUÊ TÔI SÔNG CỬU

(Hoạ 4 vần) 

Quê tôi Sông Cửu thắm ân tình,

Gái đẹp trai lành duyên kết minh.

Bát ngát cò bay trên ruộng lúa,

Lửng lơ cá lội dưới bờ kinh.

Xuồng ghe tấp nập dân hiền hậu,

Sông nước êm đềm hoa ngát xinh.

Cây trái sum sê đời phước hạnh…

Thuận hoà mưa gió đất yên bình !

Liêu Xuyên

 

  THĂM ĐẤT CỮU LONG

Một sáng Cửu Long, thật trữ tình

Chim cò, sếu lượn đón bình minh

Sắc màu cây trái, tươi vui mắt

Tiếng máy thuyền đò, rộn rã kinh 

Lòng ngẩn, khách giang ngây ngất… rạo

Má hồng, cô lái thẹn thùng… xinh

Lục bình tim tím chao nghiêng sóng

Nét đẹp quê hương dạ mãi… gìn

CAO BỒI GIÀ

  23-03-2021

 

       NHỚ HẬU GIANG

Nhớ quá Hậu Giang đượm thắm tình

Nhớ phà đợi khách bắc Bình Minh

Về thăm đồng ruộng xanh ngời lúa

Để thấy ghe xuồng xuôi ngược kinh

Cò lả lơi chiều thênh cánh trắng

Cây ngào ngọt quả trĩu vườn xinh

Cửu Long hào phóng vun bờ cõi

Nước chở phù sa đất mãi gìn

Lý Đức Quỳnh

   23/3/2021

 ĐÀ NẴNG QUÊ TÔI

Đà Nẵng quê tôi thật hữu tình
Hàn giang lóng lánh nắng bình minh
Tiên Sa rì rào thông reo gió
Bãi Bụt mơ hồ mõ tụng kinh
Núi Chúa cáp treo, cây cảnh đẹp
Mỹ Khê bãi biển, gái trai xinh
Ải Vân, Non Nước, bao hùng vỉ
Ký ức thân yêu, mãi mãi gìn

Thanh Trương


 Cần Thơ Hiếu Khách

Cần Thơ hiếu khách trọng nhơn tình
Nếp sống hiền hòa, chẳng bất minh
Dẫn thủy bón phân mầu mở đất
Nhập điền cấy lúa nước đầy kinh
Cò bay tít tắp đồng xanh tốt
Xe chạy thẳng bon cảnh đẹp xinh
Vườn tược trồng cây ăn quả ngọt
Miền Nam xây dựng, cháu con gìn...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/03/2021



Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Mơ Ước Vượt Biên - Đào Văn Bình

     Mơ Ước Vượt Biên

Người dân chỉ muốn đổi đời.

Đua nhau bàn tán chuyện người vượt biên.

Rỉ tai là lối truyền tin.

Chỉ trong phút chốc lan truyền khắp nơi.

Tàu A đi trót lọt rồi.

Tối qua mới “đánh” ở ngoài Hải Sơn.

Hiện giờ đang chạy phoong phoong.

“An toàn xa lộ” thẳng đường Mã Lai!

Chỉ trong vài tháng nữa thôi.

Định cư vào Mỹ cuộc đời lên tiên.

Tàu B lọt lưới công an.

Thân nhân “chạy thuốc” cây vàng mới ra.

Tàu C cũng tối hôm qua.

Nghe đâu gặp phải tàu Nga kéo về!

Đi đâu cũng thấy rủ rê:

Chuyến này “đánh”chắc chẳng chê chỗ nào.

Bến bãi mua giá thật cao.

Thuyền ba block máy ghe nào tốt hơn?

Chủ tàu cũng sẽ đi luôn.

Cho nên chắc chắn không lường gạt đâu.

Vượt biên là chuyện hàng đầu.

Phường trên, Khóm dưới đua nhau luận bàn.

Cán bộ, viên chức cũng ham.

Bề ngoài lên án, trong làm Trời hay?

Sinh viên đầu óc cuồng quay.

Mơ được tới Mỹ bõ ngày lầm than.

Bác Hồ cũng muốn vượt biên.

Nhà Rồng ngồi đó tìm đường “canh me”. (1)

Học sinh chuyện học bỏ bê.

Vượt biên vài chuyến quay về tỉnh bơ.

Hiệu trưởng thấy vậy cười trừ.

Vì thầy cũng rứa như trò mà thôi!

Vượt biên chuyện kể ngàn đời.

Niềm đau, nỗi hận của người Việt Nam!


Đào Văn Bình

(trích Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển xb năm 2002)

  

(1)  Rình mò hoặc chờ đợi ngoài bãi biển để chờ dịp vượt biên không phải trả tiền ( me: tiếng Pháp Mer có nghĩa là biển)