GIÃ VỢ ĐI LÀM CÁCH MẠNG
Sông cũng khi khô, đá cũng mòn
Cùng ai tạc một tấm lòng son
Trăm năm ngồi đứng trong trời đất
Một kiếp thề ghi với nước non
Hương hỏa trước mong duyên mãi mãi (*)
Tang bồng nay há nợ con con (*)
Ai ơi ! hãy nếm mùi ly biệt
Có nếm rồi ra mới biết ngon!
(Nguyễn Quang Diêu)
1913
Chú thích:
(*) Hương hỏa: do câu “Tam sinh hương hỏa”, dùng để chỉ việc nhơn duyên có con cháu nối dõi. Sách Quỳnh Ngọc Chú chép: có người con trai tên là Tỉnh Lang chiêm bao thấy đi chơi non Bồng, gặp một nhà sư tụng niệm, trước mặt có hương thắp khói bay (Hương hỏa) nên hỏi; nhà sư trả lời “khi cắm hương khấn nguyện, hương còn cháy mà đã sinh ra 3 kiếp người rồi (Tam sinh).
Tang bồng: (Cái cung bằng) cây dâu, (cái tên bằng) cỏ bồng. Nói đủ câu là “Tang bồng hồ thỉ”. Tục lệ người Tàu xưa khi sanh con trai thì dùng cung bằng cây dâu và tên bằng cỏ bồng mà bắn ra 4 phương và trên trời dưới đất để cầu cho đứa bé lớn lên được thỏa chí khí dọc ngang khắp sông hồ.
(**) Ông Nguyễn Quang Diêu (1880-1936) là người Cao Lãnh. Năm 1913, ông cùng một số người Nam Kỳ sang Hương Cảng để gia nhập cách mạng theo ông Phan Bội Châu và ông Nguyễn Thần Hiến nhưng chẳng may bị Pháp bắt cùng lúc với ông Nguyễn Thần Hiến ở Hương Cảng và giải về Hà Nội.
Sau đó ông Nguyễn Quang Diêu bị đày đi French Guiana (1914). Bị giải lên tàu ở Hà Nội, ông và các bạn tù Việt Nam qua Ấn Độ Dương, kênh Suez và Địa Trung Hải tới Marseille. Sau 1 thời gian ngắn bị tạm giam ở Marseille, ông Nguyễn Quang Diêu và các bạn lại bị giải lên tàu xuyên qua Đại Tây Dương tới French Guiana (1914).
Năm 1917, ông Nguyễn Quang Diêu cùng 2 bạn là ông Đinh Hữu Thuật và ông Lý Liễu vượt ngục trốn sang Trinidad (Trung Mỹ). Papillon Henri Charrière phải mất 11 năm mới trốn khỏi French Guiana (1941) trong khi đó ông Nguyễn Quang Diêu chỉ cần 3 năm.
Sau 3 năm sống ở Trinidad, vào năm 1920, ông Nguyễn Quang Diêu lên Washington DC đi tàu của lái buôn Trung Quốc vượt biển tới Hương Cảng (Hongkong). Chuyến đi nầy qua kênh đào Panama và Thái Bình Dương.
Từ khi bị bắt ở Hương Cảng (1913) cho tới khi trở lại Hương Cảng (1920) ông Nguyễn Quang Diêu đã đi vòng quanh thế giới, và chắc chắn là người Việt đầu tiên hoàn thành công trình nầy.Jules Verne tả chuyện đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày nhưng ông Nguyễn Quang Diêu đi mất 8 năm và đi ngược đường với câu chuyện của Jules Verne.
Từ Hương Cảng (1920), ông Nguyễn Quang Diêu tới Quảng Châu tìm ông Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để nhưng chỉ gặp được ông Nguyễn Hải Thần. Do đó, ông tới sống ở Tứ Xuyên. Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu trốn về Nam Kỳ, đổi tên là Trần Văn Vẹn, tiếp tục đi khắp nơi bí mật hoạt động chống Pháp cho đến khi mất vì bệnh ở Tân An (1936).
Cuộc đời hy sinh vì cách mạng của ông Nguyễn Quang Diêu là một thiên hùng ca. Ông lại là một thi sĩ đại tài đã để lại những bài thơ tuyệt tác.
( Trích đoạn từ bài viết THƠ VÀ SỬ VIỆT - ANH HÙNG VIỄN DU, Bs Phan Thượng Hải biên soạn.)
Thơ Cẩn họa:
NHÂN QUẢ ĐỜI NGƯỜI
Đợi chi tàn tạ, sức hao mòn
Rồi điểm tô đời chút phấn son
Kết quả hình thành nay nguyệt lão
Quy trình diễn tiến lúc trăng non
Tâm hoài ám muội lời hư huyễn
Trí mãi mơ hồ chuyện cỏn con
Ngựa chạy loanh quanh đường lối cũ
Cỏ già quen miệng… cố làm ngon !
Lý Đức Quỳnh
19/9/2023
CHINH PHỤ CHỜ CHỒNG
(Cẩn họa tá vận)
Nhạn đợi tin xuân luống mỏi mòn
Chồng đi thiếp vẫn giữ tình son
Đầu thu nắng lửa băng ghềnh thác
Cuối hạ mưa dầu vượt núi non
Tô Thị thương ai thời hóa đá
Lạng Sơn xót kẻ thuở bồng con
Bài ca biệt khúc nao nao dạ
Chát đắng làm sao thấu vị ngon!
ThanhSong ntkp
CA.Sep/18/2023
DUYÊN CẦM SẮT
Có câu nước chảy đá thì mòn
Trái lại vợ chồng được sắt son
Ai thức mới hay đêm lắm mộng
Người đâu cùng cực bước lên non
Ba sinh duyên nợ tơ cầm sắt
Quả báo luân hồi cha mẹ con
Cọp chết để da người để tiếng
Gạo thơm nhờ có bữa cơm ngon
Trần Đông Thành
TIỄN BIỆT CHINH PHU
Chàng ơi chớ để chí hao mòn!
Thiếp ở quê nhà nguyện sắt son.
Đã quyết xây tiền đồ đất nước,
Đừng quên vự̣c thế hệ mầm non!
Tiền tài phú quý không màng tới,
Địa vị vinh hoa chuyện cỏn con.
Vẫn biết chia ly là não nuột,
Ngóng ngày đoàn tụ há ăn ngon!
Đỗ Quang Vinh
19-9-2023
KIÊN TRÌ GÁNH VÁC
Đời như sắt đá cũng hao mòn,
Lòng vững kiên trì nghĩa sắt son.
Bổn phận công dân gìn giữ nước,
Ân tình phu phụ vẹn cao non.
Tơ duyên tạm gởi người mang nhọc,
Số kiếp gánh gồng ta cỏn con.
Ly biệt rán bình yên gắng sức,
Danh thành nhận kết quả thơm ngon.
HỒ NGUYỄN
(19-9-2023)
TÌNH THƯƠNG CHA MẸ THIÊNG LIÊNG
Núi Non mòn Chí́ Đạo không mòn,
Tâm vững lòng Trung Hiếu sắt son.
Thề nguyện hiến dâng con phụng sự,
Xoay dần Nhựt Nguyệt Nước cùng Non.
CHÍ TÔN KHAI ĐẠO CAO ĐÀI PHỔ...
PHẬT MẪU THƯƠNG YÊU DÌU DẪN CON..
Viễn Xứ Từ đây con tiến bước,
TINH THƯƠNG CHA MẸ Thấm mùi ngon...
Mỹ Nga
19/09/2023 ÂL, 04/08/Quý Mão
LỜI CHA GIÁO HUẤN
Cha có đôi lời giáo huấn con
Cha buồn ruột thắt, nhói tim son
Cha lo biển đảo dần thu hẹp
Cha sợ tài nguyên sớm xói mòn
Cha giận lũ điêu tồi ngất núi
Cha rầu bầy nhũng tệ tày non
Cha mong Tổ Quốc ta cường thịnh
Cha nhắc: bọn Tàu chẳng có ngon!
DUY ANH
CÁCH MẠNG SAI ĐƯỜNG
Sông dù có cạn đá dù mòn,
Sâu nặng lòng ta mãi sắt son.
Sinh tử một đời vì chính nghĩa,
Sẵn sàng cách mạng giữ tình non.
Sờn lòng há dễ sầu tang tóc,
Sởn vía nào đâu sợ cỏn con !
Sự thế đổi thay thành khổ nước,
Sơn hà nay được bán buôn ngon !
Liêu Xuyên
(2023)
NỢ NƯỚC TÌNH NHÀ
Dẫu sông biển cạn núi hao mòn
Nghĩa thiếp tình chàng luôn sắt son
Gìn giữ quê hương tài với trí
An toàn lãnh thổ nước cùng non
Gió sương lặng lội vì dân tộc
Nhang khói chu toàn phận cháu con
Xa cách gia đình lòng vẫn nhớ
Khói lam chiều xuống bữa cơm ngon
Hưng Quốc
Texas 9-19-2023
CHỒNG ĐI
“Cải tạo” chồng đi vợ mỏi mòn
Chờ dài năm tháng héo tình son
Làm trai xứng đáng trai thời loạn
Nhi nữ gương Bà cứu nước non
Sử tích đợi chồng nàng hoá đá
Ngục tù cha sống cũng vì con
Sao mà diệt giặc cho là tội ?
Kẻ chiếm xong rồi chệt bán ngon !…
Yên Hà
19/9/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét