THỬ ĐOÁN ĐỌC VĂN BIA BẰNG HÁN VĂN
TÌM THẤY Ở TỈNH LỴ QUẢNG TRỊ
Tôi thấy trên trang facebook của Nguyễn Duy Ái có thông tin:
“Những năm làm nghề xây dựng trên địa bàn thị xã Quảng Trị, tôi lại cơ duyên được gặp khá nhiều ngôi mộ của liệt sĩ, tử sĩ, quan lại, nhân dân quá cố... Trong đó có ngôi mộ của Ngài Hàn Lâm Viện Thị Độc, bia dựng năm 1935.
Tôi đã gửi thư về địa phương, qua nhiều kênh, ở Quảng Nam đã có thư xác nhận là Tổ Tiên của họ, nhưng sau đó thấy không liên hệ tiếp.
Các Liệt Sĩ thì phối hợp với Chính Quyền Địa Phương đưa lên Nghĩa Trang thị xã Quảng Trị.
Có hai tử sĩ thì người nhà đã xác nhận đưa về quê.
Hằng năm, trước mùa Vu Lan, ngày 10/7, gia đình tôi lên viếng mộ, vệ sinh và tổ chức hiệp kỵ cho các vong linh.
Phật dạy: Chúng sanh là cha mẹ của nhau, nên hữu duyên nầy chắc là những người yêu thương trong quá khứ.
Nhân mùa Vu Lan, chúng tôi luôn khấn nguyện cầu mong các vong linh sớm tái sanh về Miền Tịnh Quốc”.
Dưới những dòng thông tin, có ảnh tấm bia mộ “Ngài Hàn Lâm Viện Thị Độc” và ảnh chụp phần phiên âm của ai đó (có lẽ do ông Nguyễn Duy Ái cậy nhờ) từ chữ Hán ra âm Hán Việt viết bằng chữ Quốc Ngữ, xin gọi là bản phiên âm văn bia 1.
I- BẢN PHIÊN ÂM VĂN BIA 1
“CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH NGHI LỘC HUYỆN VẠN TANG XÃ HÀN LÂM VIỆN THỊ ĐỘC
SUNG ĐIỀN KHÂM KHOA HOÀNH NHI TƯ HOÀNG SANH PHỦ QUÂN CHI MỘ
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM NHU NHÂM QUẢNG NAM TỈNH PHÚ BÌNH XÃ HƯƠNG XUÂN BÁI CHI
KHẢI ĐỊNH ẤT HỢI NIÊN NHUẬN TỨ NGUYỆT NHỊ THẬP LỤC NHẬT (1935).
Phần phiên âm tối nghĩa vì (1) người viết phiên âm nghe người đọc âm Hán Việt các chữ Hán không rõ nên viết sai nhiều chữ và (2) bản văn bia bằng chữ Hán khắc không rõ, lại lâu ngày bị lu mờ, phải vừa đọc vừa đoán.
II- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 2
Trên facebook, BS. Nguyễn Văn Nguyên đã đọc và phiên âm lại, kèm phần dịch nghĩa:
“ĐẠI NAM CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH, NGHI LỘC HUYỆN, VẠN TRANG XÃ, HÀN LÂM VIỆN KIỂM THẢO.
NGUYÊN QUẢNG NAM TỈNH TẤN THI HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ HÀN SINH, PHỦ QUÂN CHI MỘ.
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM LỤC NHÂN QUẢNG NAM TỈNH, PHÚ BÌNH XÃ, PHAN THỊ XUÂN BÁI CHÍ
KHẢI ĐỊNH ẤT SỬU NIÊN, NHUẬN TỨ NGUYỆT, NHỊ THẬP LỤC NHẬT
Tạm dịch như sau:
Đại Nam (tên nước ta), chồng quá vãng, tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc, xã Vạn Trang, là Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo
Nguyên quán Quảng Nam, Tấn Thi Hoàng Trúc Nhị, tự là Hàn Sinh, là mộ của phủ quân.
Chánh thất phẩm Lục Nhân, tỉnh Quảng Nam, xã Phú Bình tên Phan Thị Xuân bái ghi.
Năm Ất Sửu triều vua Khải Định, tháng tư nhuận, ngày hai mươi sáu.”
BS. Nguyễn Văn Nguyên đã tìm thấy một số điều xét ra không hợp lý trong bản phiên âm trước:
“1/ Thiếu chữ trên bia.
2/ Chức Kiểm Thảo Quan của Hàn Lâm Viện triều Nguyễn ngang hàng Thất phẩm. Thị Độc ngang hàng tứ phẩm.
3/ Người dưới mộ tên là Hoàng Trúc Nhị, Tấn Thi là làm bài được tấu cho vua phong hàm, không phải thi cử (hay còn gọi là ngự chế). Ông có tên tự là Hàn Sinh.
4/ Năm Ất Sửu 1925 là năm nhuận, Ất Hợi 1935 không nhuận.
5/ Vua Khải Định băng hà 1925, niên hiệu Khải Định phải là khi vua còn tại vị. Năm 1935 là vua Bảo Đại.”
Phần phiên âm và dịch nghĩa của BS. Nguyễn Văn Nguyên tương đối đã soi rõ nhiều thông tin trong văn bia; tuy nhiên, chưa phải là tất cả.
III- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 3
Vì vậy, tôi muốn góp chuyện.
Qua cô bạn đồng môn, đồng khóa của tôi – Võ Hồng Phi - ở Viện Hán Học Huế ngày xưa, tôi nhờ ông Đỗ Chiêu Đức, người mà đọc trên mạng tôi biết có trình độ Hán Văn cao, đọc giùm.
Và đây là ý kiến của ông Đỗ Chiêu Đức:
“ Bia đá từ năm Ất Mão 乙 卯 (1915) đời vua Khải Định, hơn một trăm năm rồi, chỗ bị mẻ sứt. lại được tô bù bằng xi-măng, nên... Em (từ ông Đức xưng với cô bạn đồng môn đồng khó của tôi ở Viện Hán Học Huế 1960 – 1965) đọc tới đâu thì tính tới đó thôi nghen
Em sẽ đọc từ TRÊN xuống DƯỚI và từ hàng phía TAY PHẢI trước, rồi sang các hàng TAY TRÁI. Tất cả gồm có 4 hàng như dưới đây :
1. 大 南 故 夫, 乂 安 省,宜 祿 縣,萬 莊 社,翰 林 院 檢 討。
Đại Nam cố phu, Nghệ An Tỉnh, Nghi Lộc huyện, Vạn Trang xã, Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo.
Tạm dịch : Chồng cũ (đã chết), ở tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc, Xã Vạn Trang, (chức vụ) là Kiễm Thảo của Viện Hàn Lâm.
2. x x 廣 南 省,邏 譯,黃 行 二 字,語 生,府 君 之 墓。
x x Quảng Nam tỉnh, La dịch, Huỳnh Hành nhị tự, Ngữ Sinh, Phủ Quân chi mộ.
Tạm dịch : Tỉnh Quảng Nam, LA DỊCH không hiểu là nghĩa gì, Hai chữ Huỳnh Hành, NGỮ SINH không hiểu nghĩa, mộ của Người tên Phủ Quân.
3. 正 記 六 品 录 人,廣 南 省,富 平 社,潘 氏 春 輝 誌。
Chính ký Lục phẩm lục nhân, Quảng Nam tỉnh, Phú Bình xã, Phan Thị Xuân Huy chí.
Tạm dịch : Người ghi lại chính là người có hàm Lục Phẩm, ở tỉnh Quảng nam, Xã Phú Bình, Phan Thị Xuân Huy lập mộ chí.
4. 啟 定, 乙 卯 年, 閏 四 月, 二 十 六 日。
Khải Định, Ất Mão niên, Nhuận Tứ Nguyệt, Nhị thập lục nhật.
Tạm dịch : Đời vua Khải Định, năm Ất Mão (1915), ngày 26, Tháng Tư nhuần.
Em chỉ đọc được có vậy thôi. Mong Chị thông cảm!
Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức”
Tôi xin cảm ơn ông Đỗ Chiêu Đức đã chịu khó, bỏ thì giờ giúp tôi.
IV- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 4
Vậy là đã có ba vị phiên âm văn bia. Giờ, việc tìm hiểu ý của văn bia trên xin được xem như một buổi hội luận.
Sau khi đọc ý kiến của các vị thức giả, tôi cũng muốn tự phiên âm và dịch nghĩa – lẽ dĩ nhiên, vừa nhận dạng mặt chữ vừa đoán vì chữ không còn rõ ràng.
Và đây là bản phiên âm của tôi:
ĐẠI NAM CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH NGHI LỘC HUYỆN VẠN TRANG XÃ HÀN LÂM VIỆN KIỂM THẢO
NGUYÊN QUẢNG NAM TỈNH THÔNG DỊCH HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ NGỮ SINH PHỦ QUÂN CHI MỘ
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM NHU NHÂN (xem chú thích 1 ở dưới) QUẢNG NAM TỈNH PHÚ BÌNH XÃ PHAN THỊ XUÂN BÁI CHÍ
KHẢI ĐỊNH ẤT SỬU NIÊN NHUẬN TỨ NGUYỆT NHỊ THẬP LỤC NHẬT
Dịch nghĩa:
Mộ của chồng đã mất tên HOÀNG TRÚC NHỊ (xem chú thích 2 ở dưới) tự NGỮ SINH (người học về ngôn ngữ), chức Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo, người xã Vạn Trang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nước Đại Nam (tên nước Việt Nam kể từ triều Minh Mạng), nguyên làm thông dịch ở tỉnh Quảng Nam.
Bà Phan thị Xuân, người xã Phú Bình tỉnh Quảng Nam, vợ chính của quan Thất Phẩm lạy ghi.
Ngày 26/Tư nhuận/năm Ất Sửu (xem chú thích 3 ở dưới) đời vua Khải Định (16/6/1925)
V- TẠI SAO CÓ NGÔI MỘ NÀY Ở TỈNH LỴ QUẢNG TRỊ
Ông Nguyễn Duy Ái kể trường hợp phát hiện ngôi mộ có tấm bia: “… Khi em thi công trường Thanh Niên Dân Tộc (hiện nay, trước mặt trường Trung Học Phổ Thông thị xã, trước đây là trường Nguyễn Hoàng) thì gặp ba cái, tức là khu vực sau bến xe Nguyễn Hoàng ngày xưa đó anh. Rồi tất cả em quy về nghĩa địa thị xã Quảng Trị, khu vực em đặt mộ nhìn ra hồ Tích Tường”.
Mộ ngài Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo tìm thấy ở tỉnh lỵ Quảng Trị, nhưng trong văn bia không có thông tin Ngài giữ chức vụ gì trong chính quyền tỉnh Quảng Trị mà chỉ nói Ngài nguyên làm thông dịch ở tỉnh Quảng Nam.
Tôi đoán khi học hành xong, còn rất trẻ, từ quê tỉnh Nghệ An, Ngài được bổ nhiệm vào làm việc tại tỉnh Quảng Nam.
Ở tỉnh Quảng Nam, Ngài lấy vợ là bà Phan thị Xuân người xã Phú Bình huyện Quế Sơn.
Hai vợ chồng đem nhau từ Quảng Nam về thăm quê Nghệ An. Trên đường, đến Quảng Trị, có thể Ngài bị tai nạn gì đó hay bệnh đau đột ngột và qua đời. Đường sá xa xôi, bà Phan thị Xuân phải chôn chồng, lập mộ, dựng bia ở tỉnh lỵ Quảng Trị.
Nguyễn Duy Ái nói là đã thông báo vô Quảng Nam, có người nhận là thân nhân của Ngài, nhưng sau đó, họ cắt liên lạc.
Như thế, người nhận thân nhân ấy không phải thuộc trực hệ của Ngài, nói rõ ra không phải con cháu của Ngài; biết đâu Ngài và bà Phan thị Xuân chưa có con!
V- THÔNG ĐIỆP NHẮN GỞI
Qua đọc mấy chục chữ Hán trên văn bia, mỗi người đọc, đoán mỗi khác.
Việc đọc và hiểu Hán Văn không phải dễ.
Chuyện chồng của Trưng Trắc có tên Thi Sách hay Thi hiện nay đang rối; THI SÁCH THÊ TRƯNG TRẮC, xưa hiểu: Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, nay có nhà sử học hiểu: Thi lấy vợ là Trưng Trắc.
Chuyện tờ di chúc chỉ mấy chục chữ mà ý hiểu hai cách khác nhau hoàn toàn: DƯ THẤT THẬP TUẾ SINH ĐẮC NHẤT NAM TỬ NHI PHI NGÔ TỬ DÃ KỲ GIA TÀI GIAO DỮ TẾ NGOẠI NHÂN BẤT ĐẮC XÂM TRANH, người viết di chúc muốn quan xử việc sau này hiểu là: Ta bảy mươi tuổi sinh được một con trai mà PHI là con của ta; gia tài của ta giao cho nó; rể là người ngoài không được vào giành; chàng rể của người viết di chúc thì hiểu: Ta bảy mươi tuổi, sinh được một con trai nhưng không phải con ta; gia tài của ta giao cho rể; người ngoài không được vào giành.
Ấy là chưa nói đến chữ trên bia, trên trụ các công trình thờ tự, chữ bị sứt mẻ, khắc sai do trình độ của người khắc, trong các tài liệu qua thời gian chữ phai mờ hay bị ẩm ướt, mối mọt rỉa ráy, bào mòn …
Tôi thấy hiện nay trong cộng đồng không còn mấy người biết chữ Hán, hiểu Hán Văn rành rẽ nữa.
Vì vậy, những tài liệu gì bằng Hán Văn mà tiền nhân để lại thì xem như chuyện đã rồi, còn hiện tại và tương lai, có gì thì nên viết bằng chữ Quốc Ngữ.
Ấy là thông điệp tôi muốn nhắn gởi qua bài viết này.
Hoàng Đằng
01/9/2023 (17/Bảy/Quý Mão)
PHẦN CHÚ THÍCH:
(1) Thụy hàm dành cho các phu nhân
Năm Minh Mạng 7 (1826), vua Minh Mạng ban lệnh chuẩn định việc phong ân sung thụy hàm cho phu nhân (nếu chỉ một vợ) hoặc các phu nhân (nếu nhiều vợ) của các quan viên. Thụy hàm này không phân biệt trật chánh tòng hoặc ban văn võ, được chuẩn định như sau:
Vợ quan Nhất phẩm: Phu nhân (夫 人);
Vợ quan Nhị phẩm: Phu nhân (夫 人), sau đổi Đoan nhân (端 人)
Vợ quan Tam phẩm: Thục nhân (淑 人);
Vợ quan Tứ phẩm: Cung nhân (恭 人);
Vợ quan Ngũ phẩm: Nghi nhân (宜 人);
Vợ quan Lục phẩm: An nhân (安 人);
VỢ QUAN THẤT PHẨM: AN NHÂN (安 人), sau đổi NHU NHÂN (柔 人)
Vợ quan Bát phẩm: Nhụ nhân (孺 人), sau đổi Cẩn nhân (謹 人)
Vợ quan Cửu phẩm: Nhụ nhân (孺 人)
(Thông tin do Bảo Lâm cung cấp)
(2) Ngoài tên Hoàng Trúc Nhị do BS. Nguyễn Văn Nguyên đoán dịch, Ngài trong văn bia cũng có thể là tên Hoàng Trúc hay Hoàng Hành vì chữ TRÚC 竹 và chữ HÀNH 行 gần giống nhau và cụm từ HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ NGỮ SINH có thể hiểu là Hoàng Trúc có 2 chữ tự 2 là Ngữ Sinh.
(3) Phải là năm Ất Sửu – 1925 vì năm này có tháng Tư nhuận (theo LỊCH THẾ KỶ XX, nhà xuất bản Văn Hóa) và là năm cuối niên hiệu Khải Định (1916 – 1925).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét