Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

             Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***

Phủ là gì?

Phủ là tín ngưỡng thờ Mẫu

Một số nơi thờ tự (Thanh Hóa) gọi đền là phủ. 

Phủ là ngôi đền mà nơi đó thờ vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử đó là thánh mẫu Liễu Hạnh. 



Thăng Long - Hà Nội xưa

Nghiên cứu xuất xứ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải truy nguyên từ Trung Hoa. Ở đó, Văn Miếu thờ đức Khổng Tử được dựng lên trên nền nhà cũ của ông tại Khúc Phụ (nay thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông)


Vào triều Lý, dựng lên Văn Miếu ở kinh thành để thờ đức Khổng Tử, rồi sau đó dựng tiếp Quốc Tử Giám ở sau Văn Miếu để dạy Nho học. Ở kinh thành Thăng Long, vua Lý đã tạo nên nét riêng: gắn bó giữa nơi thờ phụng Khổng Tử và trường dạy Nho Học cấp cao nhất ngày trước.



(Văn Miếu và Quốc Tử Giám – Kiêm Thêm)


Tổng

Trong Phủ biên tạp lục (PBTL, 1977: 44), Lê Quý Ðôn viết: vua Lê Thánh Tông đã lập ra tổng vào năm 1490 khi ông “định lại bản đồ trong nước”. Ðại Việt thông sử của Lê Quý Ðôn ghi: Cha của Trịnh Khả (sinh năm 1403?), môt đại công thần của Lê Lợi, từng làm chánh tổng (1978: 207). Ðiều cần nói ngay là vào thời Lê Quý Ðôn người cầm đầu một tổng được gọi là cai tổng chứ không phải chánh tổng vì từ này chỉ được dùng từ đời Minh Mạng (1820).

 Từ điển Alexandre de Rhodes, xuất bản ở Roma năm 1651, tổng được định nghĩa là “gồm chừng mười làng” và cai tổng là “ông quan cai trị mười làng”. 

(Làng xã Việt Nam – Nguyễn Tùng)



Sử học

Sử học ta vốn chịu nhiều ảnh hưởng của nền sử học Trung Hoa cho nên các sử gia chính thống nước ta trước đây đã sử dụng các lối chép sử của Bắc phương trong khi biên soạn tác phẩm của mình đó là lối kỷ truyện, biên niên, và cương mục.

Trước hết, lối kỷ truyện bắt chước theo phương pháp của sử gia Tư Mã Thiên (145-86 ? tr. C.N.) khi ông này viết bộ Sử Ký tức là lối viết lịch sử dưới hình thức tiểu sử các nhân vật.


Một lối viết có tên liệt truyện được sử dụng với các bộ sử như Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện v.v… mà hình thức cũng không khác lối kỷ truyện bao nhiêu.


(Từ chính sử đến dã sử… Nguyễn Đức Cung)



Họ Trần, họ Bùi

Thời Lê Sơ, vì tránh tên bà mẹ đẻ ra Lê Thái Tông là Phạm Thị Trần mà bắt những người họ Trần phải đổi sang họ Trình...

Việc đổi họ cổ kim còn vô vàn lý do. Nhà thờ họ Bùi ở một làng nọ thờ ông Tổ là... Trần Thủ Độ. 

Nhưng Trần Thủ Độ họ Trần. Cớ sao lại là ông Tổ của họ Bùi?


Người viết bèn đem điều thắc mắc ấy hỏi một cụ cao tuổi họ Bùi. Té ra họ Bùi làng ấy vốn gốc từ họ Trần thật. Vào thời xa xưa, trong họ sinh chuyện bất hoà. Một nhánh của họ Trần bèn tách ra lập họ riêng, song vẫn không muốn cho con cháu quên cái gốc (là họ Trần) của mình. Các cụ thời ấy bèn đi từ nghĩa Nôm của chữ “Trần”. Trần nghĩa là... ở trần, là không mặc áo. Không mặc áo thì là phi y (không áo). Chữ phi (非) và chữ y (衣) ghép lại thành chữ Bùi (裴). Thế là được một cái tên họ. Trần = phi + y = Bùi. 



Trước Công Nguyên

Công Nguyên, viết tắt CN, là kỷ nguyên bắt đầu bằng năm là năm sinh của chúa Giêsu. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên (TCN) hay trước Tây lịch (TTL). Thí dụ:

Khổng Tử (551 – 479 TCN) : nghĩa là Khổng Tử sinh năm 551 trước CN hay là Khổng Tử sinh ra trước chúa Giêsu tới 551 năm. Và chết năm 479 trước khi chúa Giêsu ra đời tới 479 năm.


209 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ  

Những tác phẩm của Vũ Bằng, nhất là những quyển chính được viết thời kỳ ở Hà Nội và ở Sài Gòn, ngót ba mươi năm, dù là bút ký, hay truyện ngắn hay truyện dài cũng đều thấy được đấy là hơi hướng tự truyện. Bốn Mươi Năm “Nói Láo”, hồi ký về nghề báo và những tập bút ký Miếng Ngon Hà Nội, Thương Nhớ Mười Hai... một cái gì như là bóng gió hình ảnh nào đó. Mà thật như thế, mỗi trang của Vũ Bằng là một u ẩn, một ước mong không nguôi không tới được, không bao giờ tới được không thể cầu được ước thấy, như Thương Nhớ Mười Hai đương mở trước mắt ta đây. Tôi cũng đã có dịp đọc hồi ký viết về kỷ niệm Hà Nội của một số cây bút khác. Nực cười, phần nhiều người đọc và biết đều cảm thấy lố bịch đến ngượng cả mặt. Chắc người ta cho rằng chẳng bao giờ còn gặp lại và trông thấy Hà Nội nữa thì mới dám hạ bút văng mạng như vậy. Ở Vũ Bằng thì khác, trân trọng và giản dị.

Trong phạm vi nhỏ, loáng thoáng đôi chỗ có những câu Vũ Bằng viết về tôi. Chuyện là khi Hà Nội sắp được tiếp quản 1954, tôi có viết một thư cho Vũ Bằng.
Nguyễn Kế đã cho một chú bé cơ sở đi đánh giầy đặt thư ấy vào trong giầy của nhà văn. Trên báo Bách Khoa ở Sài Gòn, Vũ Bằng đã viết về bức thư này của tôi, và đến khi in lại trong Bốn Mươi Năm Nói Láo sự việc còn được kể kỹ lưỡng. Nhưng sau đó Vũ Bằng đã không ở lại, anh xuống Hải Phòng rồi đi Sài Gòn.

(Vũ Bằng… trích trong “Chân Dung Văn Học” của Tô Hoài)


Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn bún ốc chuối đậu
(Nguồn: Tôi đi đâu)


Cái duyên nhà thơ Tú Mỡ với đất Phù Lưu

Vậy là Tú Mỡ đã có dịp sống ở trên đất Phù Lưu - chợ Giầu đến hai tháng trời. Tuy bị giam lỏng trong trại mà vẫn thoát tay giặc. Giờ đây, thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ Phù Lưu - Chợ Giầu bây giờ đã lên phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn. Nhà cửa được tu sửa lại, xây dựng thêm càng khang trang như đã nổi tiếng. Khách thập phương đến vẫn trầm trồ đi trên con đường lát đá phiến xanh từ cổng Bắc chạy suốt dọc phố chính xuống đến đầu làng cổng cũ phía Nam. Đường chính bốn viên rộng thênh thang, rẽ vào các ngõ “răng bừa” đường lát hai viên…


Nhà thơ Tú Mỡ có mặt ở trên đất Phù Lưu. Ngôi nhà Tây lấy làm trụ sở chỉ huy đóng đồn khi ấy còn giữ được cho đến tận ngày nay. Ngôi nhà gác hai tầng xây chắc chắn bằng gạch, cốt sắt xi măng trên một khuôn viên có sân tường hoa. Và một lần nữa nhà thơ Tú Mỡ lại “có mặt” chính tại ngôi nhà này. Trong bộ sưu tập sách báo có nhiều hiện vật quý hiếm gắn với tên tuổi Tú Mỡ. 


(Thúy Tòan)

(Tú Mỡ là nhạc gia của nhà văn Dõan Quốc Sỹ)



Phú Đức: truyện trinh thám 

Tại Sài Gòn thập niên 1930 trong văn đàn có ông Phú Đức sinh năm 1901 tại Bình Hoà, Gia Định, là nhà tiểu thuyết trinh thám cự phách, có 22 tác phẩm. Phú Đức mất năm 1970, những tác phẩm đáng kể nhất là Châu Về Hiệp Phố (1926), Lửa Lòng (1929), Tiểu Anh Hùng Võ Kiết (1929), Căn Nhà Bí Mật (1931)... Đến nay, tiểu thuyết trinh thám Châu Về Hiệp Phố vẫn được nhiều độc giả ghi nhớ, tìm đọc; lúc đương thời, tác phẩm này trở thành mẫu mực, có sức ảnh hưởng đến các tác giả trinh thám khác.


Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn:

“Trước 1945, Châu Về Hiệp Phố có lẽ là bộ tiểu thuyết được độc giả Nam Kỳ say mê nhất, và là bộ tiểu thuyết có độ dài kỉ lục mà chưa tác phẩm nào có thể vượt qua. Tác phẩm được khởi đăng trên Trung Lập Báo (1926), nửa chừng chuyển sang đăng tiếp trên Công Luận Báo từ số 371, 7.7.1926, với tên Hoàn Ngọc Ẩn, đến số 374 lại đổi tên là Hiệp Phố Châu Hườn. Khi in thành sách mới mang hẳn tên Châu Về Hiệp Phố (nhà in Xưa nay, 1926-1928). Năm 1952-1953 tờ báo Thần Chung đăng lại Châu Về Hiệp Phố, tác phẩm lại được đăng trên tuần báo Bình Dân. Đến năm 1970, tác phẩm lại tái xuất trên báo Đuốc Nhà Nam”.


(Lý Đợi)



Trần Thanh Mại và tác phẩm phê bình văn học - 1

Tiếp theo Trông Dòng Sông Vị, Hàn Mặc Tử là một “nỗ lực đã đi đến thành công” (Thanh Lãng) của Trần Thanh Mại. Vượt lên cuốn phê bình đầu tay, Hàn Mặc Tử thực sự gây ấn tượng và để lại nhiều dư vị cho người đọc. Ngay sau khi Hàn Mặc Tử mất (1940), trên các số báo của tờ Người Mới xuất hiện khá nhiều bài viết ca ngợi tài thơ và tỏ niềm thương xót đối với cuộc đời bất hạnh của ông (Bích Khê, Chế Lan Viên, Trọng Miên…). Chế Lan Viên  khẳng định “Tử là một thiên tài, Tử mới chính thật là thiên tài trên cái nghèo kém của đất nước này”. Quách Tấn coi Hàn Mặc Tử là “người tình cũ của thơ Đường luật”. 


Ở một phương diện khác, với con đường tiếp cận khác, nhà phê bình Hoài Thanh “đã theo Hàn Mặc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch thơ Quần Tiên Hội”, và phải thốt lên “tôi đã mệt lả” (Hoài Thanh- Hoài Chân. Thi Nhân Việt Nam 1932-1941). Bằng cảm xúc và ấn tượng chủ quan, Hoài Thanh đã có nhiều nhận xét sắc sảo về từng chặng đường thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử từ thơ Đường luật đến Gái QuêĐau Thương (Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên), Xuân Như Ý, Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ ngộ, Quần Tiên Hội. 

 

Theo ông, thế giới thơ Hàn Mặc Tử nói chung là một “thế giới kỳ dị”, “lạ lùng”. Gái Quê bộc lộ “một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi”. Trong Mật Đắng “lời thơ như dính máu”, “ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồng sáng lạ chói cả mắt”. Hay Máu Cuồng và Hồn Điên đã làm tác giả của Thi Nhân Việt Nam  phải “rùng mình, ngơ ngác”, và cảm thấy “trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử ta không hiểu được… một tác phẩm như vậy, ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán” – Hoài Thanh dường như “bất lực” trước lối thơ tượng trưng của Hàn Mặc Tử, nhưng ông vẫn nắm bắt được cái hồn trong một số bài thơ của thi sĩ họ Hàn.

(Tôn Thảo Miên)


Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn vặt ngõ Tạm Thương

(Nguồn: Tôi đi đâu)


Trần Thanh Mại và tác phẩm phê bình văn học - 2

Giống như Hoài Thanh, nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng phê bình theo ấn tượng chủ quan. Khi đánh giá cuốn Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại, ông viết “quyển Hàn Mặc Tử có tính chất một quyển truyện ký hơn là một quyển phê bình thơ Hàn Mặc, vì những trang có thể coi là những trang phê bình là phần nhỏ trong quyển sách; sau nữa tác giả chỉ phê bình có một mặt, chỉ cố tìm những cái hay của Hàn Mặc Tử để khen ngợi thôi”. 

Như Trần Thanh Mại đã khen thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử từ đầu đến cuối. Với tập Gái Quê “ là những lời tán thưởng”  Xuân Như Ý là “tập thơ ca tụng cái xuân thơm tho tốt đẹp của trời đất…”. Về Cẩm Châu Duyên cũng “không thể bỏ qua mà không xét đến hai tác phẩm có một không hai ấy của văn học Việt Nam…”, ông cho rằng Trần Thanh Mại không phải là một “nhà phê bình dè dặt”, và thừa nhận Trần Thanh Mại đã rất tiến bộ, “tiến bộ về những điều xét nhận tỉ mỉ và cả về cách hành văn nữa”.


Đồng quan điểm với Vũ Ngọc Phan là Kiều Thanh Quế, theo ông “từ Trông Dòng Sông Vị đến Hàn Mặc Tử Trần Thanh Mại tiến rất nhiều”. Lối phê bình văn chương và thân thế Trần Tế Xương ở Trông Dòng Sông Vị còn “giản dị”, đến Hàn Mặc Tử đã có nhiều đoạn “đối chiếu rất đúng”, nghĩa là ông đã phát hiện ra mối liên hệ gần gũi giữa thơ và tâm trạng của một người mắc căn bệnh nan y qua một số bài thơ mà tiêu biểu là bài “Hồn Lìa Khỏi Xác”. Ông cho rằng phương pháp tìm hiểu thơ văn  qua cuộc đời nhà thơ đã giúp Trần Thanh Mại hiểu sâu đối tượng. 

Song vì hiểu, vì “xót thương” cho số phận bất hạnh của Hàn Mặc Tử, nên đôi lúc đã có lời “tán tụng” quá đáng, khiến cho độc giả ngờ vực thi tài Hàn Mặc Tử

(Tôn Thảo Miên)


Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Phương pháp viết sử trong sử học”

Cụ viết nhiều sách về lịch sử, văn hóa như Việt Nam Văn Phạm, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Việt Nam Từ Điển, Nho Giáo, Việt Nam Sử LượcMột Cơn Gió Bui. v…v.


Cụ Trần Trọng Kim (1), sinh năm 1883 tại Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình Nho Giáo, từ nhỏ cụ học chữ Hán. Năm 1897, ông theo học tại trường Pháp-Việt Nam Định và học chữ Pháp. Năm 1903, cụ tốt nghiệp trường Thông Ngôn. Năm 1905, cụ qua Pháp học trường Thương Mại ở Lyon.và học thêm tại các trường ở ArdècheLyon. Năm 1909 học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp năm 1911 rồi về nước.



(1) Bộ tứ “Kim Khôi Nhất Hùm" là “thành ngữ” trong văn học gôm: Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Phan Văn Hùm, và Trần Trọng Kim đứng ở vị trí đầu tiên trong "bộ tứ" ấy.  


Tạp chí Tri Tân phỏng vấn cụ Trần Trọng Kim về sử học


Tiên sinh cho biết về bộ “Việt Nam Sử Lược” tiên sinh bắt đầu viết từ năm nào? Chủ ý của tiên sinh khi viết bộ sách ấy thế nào?

- Tôi bắt đầu viết từ năm 1916 thì phải. Trước hết tôi viết từng bài một, đoạn nào có đủ tài liệu trước thì viết trước.

Tại sao tôi lại viết bộ sách ấy?

Nước ta có sử từ đời nhà Trần, đến nay kể đã sáu, bảy thế kỷ, nhưng sử của ta chép theo lối biên niên của Tàu, ngày nào, năm nào, có việc gì thì ghi lấy một cách vắn tắt không tìm đến cái gốc ngọn và sự liên can đến việc.

Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên việc chép sử không được tự do, phải chiều nhà vua, chép việc nhà vua ít khi để ý đến những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước... Thành ra đọc sử thấy tẻkhông giúp được sự học vấn mấy.

Sử của ta thì thế, mà người mình thì lại quá lãnh đạm với nó. Qui lỗi cho dân tộc mình có lẽ không đúng, vì từ trước đến nay cái học vấn đã bắt buộc ta phải học sử Tàu hơn là sử của mình. Học để đi thi, để làm thơ phú văn chương theo những cái điển của Tàu. Trước còn là một sự bó buộc, sau thành một thói quen. Lúc ấy những chuyện nước mình, so sánh với những chuyện nước người, đều không đáng kể. Thật đáng buồn !


Nghĩa là tiên sinh viết Nam sử bằng quốc văn, phổ thông sử của nước mình, làm cho người mình biết nước để mà yêu nước. 

- Đó là mục đích của chúng tôi.

(Lê Thanh - 1942)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Phương pháp viết sử trong sử học”


- Ý của tôi (Nguyễn Văn Tố) về các bộ sử Việt Nam tôi đã viết. Không kể những bộ sử bằng chữ Nho tôi đã có dịp nói đến trước rồi, ngay từ khi người Pháp mới sang, họ đã để ý đến sử của ta. Nhưng phần nhiều họ chỉ chép qua loa. Mãi đến năm 1866 ông Le Grand de la Liraye, ông Bouilleveau mới ra những quyển sử Nam có giá trị đôi chút. Vì là bước đầu nên những sách ấy có nhiều chỗ lầm lẫn.

Đến năm 1875-1877, ông Trương Vĩnh Ký cho xuất bản hai quyển Cours d’histoire annamite. Quyển này khá hơn. Tác giả là một người thâm nho, đã lấy tài liệu thẳng ở những bộ sử của ta, lại là người ta, hiểu việc của ta, nên sự phán đoán chắc chắn hơn.


- Ý tiên sinh đối với quyển Việt Nam sử lược của ông Trần Trọng Kim thế nào? 

- Bộ sử của ông Kim vẫn là bộ sử có giá trị nhất. Tác giả tìm tài liệu thẳng trong sách Nho, dàn xếp và chia thời đại rất khéo; bỏ cái lối kể dài dòng về những việc riêng của các triều vua, chỉ chép những gì đến dân gian, để ý đến lịch sử của nước hơn là vua.


- Về sử, phương pháp làm việc của tiên sinh như thế nào ?

- Phương pháp, tôi theo quyển “Introduction aux études historiques” của Ch. V. Langlois và Ch. Saignobos, và quyển “De la méthode dans les sciences”, của ông G. Monod về phép làm sử. Đại khái nhà làm sử bắt đầu phải tìm tài liệu cho thật đủ, chọn lọc và phê bình tài liệu, rồi mới dùng tài liệu để viết thành sách.


Tài liệu tìm ở văn thư, ở những di tích còn lại, tìm cho thật hết. Nhưng muốn tìm được tài liệu, nhà làm sử phải biết ít nhiều về khoa học phụ thuộc. Thí dụ một người muốn viết về sử Đông Dương - viết một cách mới mẻ chứ không phải viết để “phổ thông” tất phải biết chữ Nho, chữ Phạn, chữ Chiêm Thành, chữ Lào, để có thể đọc sách đọc bia; muốn tả xã hội Việt Nam, phải biết chút ít về xã hội học; muốn hiểu bộ luật Hồng Đức, phải biết luật học...


Khi đã tìm đủ tài liệu, nhà làm sử phải phê phán xem thứ nào dùng được chắc chắn, thứ nào phải tạm bỏ ra. Phê phán là công việc quan hệ nhất, cái giá trị của bài khảo cứu là ở đấy cả.
Khi đã phê phán tài liệu xong, biết được những việc nhỏ, lúc bấy giờ mới bắt đầu tổng hợp lại thành những việc lớn... rồi theo đấy mà viết thành sử. Viết đúng như sử liệu, đừng để tình cảm, vì để tình cảm vào, sợ có khi thiên vị.

(Lê Thanh phỏng vấn Nguyễn Văn Tố - 1942)



Vài ý về dùng chữ trong thơ - 1

Lại nữa 2 câu thơ kế tiếp trong khổ là: 

Con đường xưa nhuộm máu thu tang

Mặt trời lặn cỏ cây câm lặng


Sao "cỏ cây câm lặng" được? Cỏ cây phải "uốn éo, quằn quại" chứ? Sẵn đây tôi liên hệ luôn đến bài nhạc "Lá đổ muôn chiều" của Đoàn Chuẩn & Từ Linh. Theo tôi chữ chiều là buổi chiều chứ không phải là "chiều hướng" như đã giải thích trên: Lá đổ muôn buổi chiều.
Cũng chính vì điều này mà nhiều người cho là vì lỗi in ấn làm sai tên bản nhạc và đã chỉnh lại "Lá đỏ muộn chiều" [1]. Tôi đồng ý theo hướng này vì nghĩa nó chính xác và thê thiết hơn.

[1] Lá đỏ muộn chiều - Đoàn Chuẩn, Từ Linh

(Nguyên Lạc)


Từ Hán –Việt được Nho hóa

Tỉ = so sánh, giống như, ví như, bằng với. Tỉ dụ, tỉ như.
Tháp = sạp, giường nhỏ và dài; sạp gỗ để ngủ.
Thằng = thừng, dây thừng, dây đỏi, dây chạc. Chằng, dây chằng.
Thô = vải bố, vải to sợi; ô dề, không gọn gàng xinh xắn


Vài ý về dùng chữ trong thơ - 2

Về câu nói "Tôi không ngồi mà rặn ra câu chữ". Trong bài thơ hay Trời bỗng dưng mưa sa của thi sĩ Trần Vấn Lệ có câu:

Màu tím của đôi môi

Sau những câu thơ diễn tả cô học trò gặp mưa nên vào lớp trễ giờ. Tôi đã nêu ý kiến:

- Mưa này chắc lớn lắm/ Em lạnh đến tím môi
- Cám ơn thi sĩ chăm chú từng chữ, có nghĩa là kính trọng độc giả. Nếu như "ai đó" nói "Màu đỏ của đôi môi" thì ôi thôi... mưa đâu? Thi sĩ, nhất là những người có tiếng càng phải cẩn trọng trong việc chọn lựa chữ, không phải vì có tiếng tăm mà muốn viết sao là viết, phải tôn trọng độc giả và danh tiếng riêng mình.


Trả lời như vầy có vừa ý với…“rặn chữ” của bạn thi sĩ chưa?


(Nguyên Lạc)



Câu đối dân gian

Vừa bằng ngón tay đâm ngay vào rốn, kêu khốn kêu khổ.

(cái xe điếu)



Vài ý về dùng chữ trong thơ - 3

ríu rít, rúc rích

Có cô thi sĩ trẻ, hơi xinh viết một bài thơ có quá nhiều lời "hít hà" khen: tuyệt, tuyệt trong đó có rất nhiều ông thi sĩ nổi tiếng
Bài thơ cô thi sĩ trẻ có câu thơ như vầy: 

Chuột kêu ríu rít trên cành


Theo tôi: chuột sao kêu ríu rít? Phải kêu rúc rích chớ. Chỉ chim mới ríu rít hót ca vang:

Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ la. 

(câu hát ru Quảng Nam)


Chim chuột sao? Nghĩa chim chuột chắc các bạn đã biết?
(Nguyên Lạc)



Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử

Họ Mạc đổi thành nhiều họ

Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, Trung Hưng nhà Lê (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. 

Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau. Sách Thế Phả ghi rõ là con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi là Nguyễn Hữu Vinh. Không những chỉ một họ Nguyễn, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa.

(Trần Gia Phụng)



Đảo chữ và vị trí chữ trong câu thơ - 4

Sẵn đây xin được ghi ra trích đoạn về ngôn ngữ thơ mà tôi tâm đắc của Lê Hữu:

[... Ngôn ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng… chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào làm cho người đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.


Chữ nghĩa cần có sự sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phù ảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trường… mà người làm thơ cố đưa vào bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu. Thường, thơ khó hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc. (Lê Hữu: Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn)


Như Lê Hữu nói : "Chữ nghĩa cần có sự sáng tạo:

"Tuy nhiên không phải muốn tạo chữ mới ra sao là tạo; phải để ý đến độc giả. Những chữ mù mờ, tối nghĩa hoặc vô nghĩa không nên "sáng tạo". Không nên "đố chữ".

(Nguyên Lạc)



Cuộc di cư của chữ nghĩa

Chữ nghĩa như có hồn được vực dậy, thổi thêm sinh khí. Phần lớn những thứ chữ này có vào thời tiền chiến và gần như bị “đoạn tuyệt” với Tự Lực Văn Đoàn. TLVĐ chẳng những đoạn tuyệt với nếp sống cũ mà cả với chữ nghĩa cũ nữa. Như vậy, song song với nhóm TLVĐ, vẫn còn sót lại một dòng văn học ngược chiều với nhóm Văn Hoá Ngày nay và cứ thế nó kéo dài đến bây giờ. Và một lần nữa, nó lại phải đương đầu với những nhà văn trẻ, thế hệ sau 1975, thế hệ sau cởi trói hay sau nữa Hậu Hiện đại.
Cũng một cách thức tương tự, người ta tìm thấy ở miền Nam với Nhóm Sáng Tạo đổi mới nội dung, giải phóng chữ nghĩa bằng cách sử dụng những từ có vóc dáng triết lý thời thượng. Bên cạnh đó có một dòng chảy văn học chữ nghĩa như khe suối, lau lách, rỉ giỏ giữ lại cội nguồn, giữ lại bản sắc của mình với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và đặc biệt nhất là nhà văn Lê Xuyên. Đây là một hiện tượng văn học có vóc dáng và đáng nể. Nhưng chuyện phải đến đã đến. Càng đọc nhà văn miền Bắc, càng thấy chữ nghĩa mất nhiều lắm. Đếm không hết, nói mấy cũng không đủ. 

(Nguyễn Văn Lục)


Đảo chữ và vị trí chữ trong câu thơ - 5

Chữ mới khi được đảo khác nghĩa với chữ trước khi đảo, nghĩa có khi trái nghịch:

Nàng rằng: "Lồng lộng trời cao,
Hại nhân, nhân hại
sự nào tại ta" 

(Kiều)


Hại nhân nói đảo thành nhân hại, cả hai chữ khác nghĩa nhau
Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Vợ hai nói đảo thành hai vợ, cả hai chữ khác nghĩa nhau hoàn toàn


Con cò chết rủ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma 

(ca dao)

Con cò/ Cò con cũng vậy.

(Nguyên Lạc)


Học lại chữ Hán - 1

E tôi vẫn chưa tin nhiều, ông Lý Văn Hùng giải thích thêm:

- Chắc tiên sinh có đọc tiểu thuyết lịch sử “Thuyết Đường” của Tàu chớ ?

- Có tôi đã đọc truyện ấy rồi từ lâu.

- Bọn em út của Lý Thứ Dân, vua sáng lập ra nhà Đường, có phải xưa kia khởi nghĩa tại Ngõa Cang Trại hay không ?

- Đúng như vậy.

- Người Việt Nam cứ cho là họ khởi nghĩa ở lò ngói. Đâu có phải. Loại lò ấy không bao giờ chuyên môn làm một món cả đâu. Họ luôn luôn làm đủ thứ: gạch và ngói. Nhưng người Tàu lại nói họ làm ngói ? Đâu có. Ngõa Cang Trại làm đồ đất nung ấy chớ. 


   Mà ở Nam Kỳ thì cũng vậy thôi. Lò gạch nào ở đây cũng có chế tạo ngói hết. Ấy thế mà tất cả mọi lò đều bị gọi là lò gạch, chẳng có lò nào được gọi là lò ngói hết. Người Việt Nam gọi xô bồ, mà người Tàu cũng vậy, chỉ có khác là sự xô bồ của chúng tôi có lý hơn, vì ngoã trỏ tổng quát đất nung, chớ không trỏ riêng gì ngói hay gạch, hồi xưa thì như vậy đó.

- Nhưng theo tôi biết thì đất nung, chữ Tàu là đào-khí-vật ấy chớ.

- Đúng, nhưng lại không đúng. Đào-khí-vật chỉ dùng trỏ chén, bát, dĩa thôi. Ngõa trỏ gạch và ngói, và xin nhắc rằng đó là nghĩa đời xưa. Ngày nay thì gạch được gọi là chuyên.

(Bình Nguyên Lộc)


Giai thoại làng văn xóm chữ

Một lão nhà giàu có máu mê tổ tôm, nhưng cũng nghĩ đến tương lai của con, cho con đi học. Một hôm hết canh bài, nhân khi nhàn rỗi, lão ta hỏi con xem nó học hành như thế nào. Nhưng lão ta chẳng nhớ gì ngoài mấy chữ chi, hồ, giả, dã, nên mới hỏi con
-Mày bảo chữ "bất" là nghĩa thế nào?
-Thưa bố bất là lên đĩa ạ.

Lão nhà giàu giận quá, bèn quát:
-Thế thì mày viết chữ cửu cho tao xem?
Thằng bé hỏi lại:
-Thưa bố, cửu sừng hay là cửu vạn ạ?
(Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng truyện dân gian)


Học lại chữ Hán - 2

Ngày nay chỉ có các lò sành trong tỉnh Biên Hòa mới chế tạo cái đôn sành giống cái trống, y hệt như những cái đôn ta thấy vẽ trong các sách Tàu. Còn các lò sành trong tỉnh Bình Dương thì chế tạo đôn rất là phăng-te-di, không còn giống cái trống nữa. Nếu nhìn từ hông đôn, thì những cái đôn Bình Dương mang hình một chiếc lọ cắm hoa khổng lồ, miệng rộng, bụng phình ra, chân rất lớn, tức có hai eo, một eo giữa miệng và bụng, eo thứ nhì nằm giữa bụng và chân. Đôn Biên Hòa luôn luôn phình bụng lớn ra, chẳng có eo ở chỗ nào hết, giống hệt cái trống, tức giống hệt cái ngõa cổ đăng của Tàu. Và cả hai loại đôn ấy, chỉ còn dược dùng để kê những chậu quý, cũng bằng sành nhiều màu, chớ không có người Việt Nam nào ngồi trên đó cả. Ông Hùng cho biết rằng ở bên Tàu cũng thế, chẳng còn ai ngồi trên đôn nữa hết.


Tôi kiểm soát cái vụ ngói Vi Ương nầy vào năm tôi viết quyển sử Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Vì quan niệm sử của tôi khác, nên tôi phải bác bỏ các quan niệm khác, chẳng hạn quan niệm của giáo sư Lê Ngọc Trụ, ông ấy cho rằng hầu hết các từ Việt đều do tiếng Tàu mà ra. Thí dụ ông ấy cho rằng danh từ cái cửa do hộ của Tàu mà ra, danh từ ghế, do kỷ của Tàu mà ra. Nhưng tiếng Tàu đã có đăng là ghế rồi. 

(Bình Nguyên Lộc)


Nỗi băn khoăn của “cây” và “chiếc” trong tiếng Việt 

Nhiều loại từ sử dụng trong tiếng Việt đậm nét biểu tượng, là điều không thấy có trong các ngôn ngữ khác. "Cây" là một trong vô số trường hợp điển hình. Tất cả những gì hội đủ một hoặc tất cả các điều kiện: thăng thẳng, đầu tà đầu nhọn, có tán rộng gợi hình một thân cây, mang loại từ "cây": cây đèn, cây viết, cây đinh, v.v… 

Nhưng tại sao lại là "cây cầu"? Tôi đoán, vì dân mình ở quê thường dùng thân hay gỗ cây làm cầu bắc ngang sông.

Ví dầu cầu ván đóng đinh, 
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi


Và, đặc biệt với "đèn". Mặc dù suy xét chi ly, thấy "cây đèn" và "ngọn đèn", tuy cùng ngữ tộc nhưng ý nghĩa có hơi khác: "Trò Tèo, con nhà nghèo nhưng siêng học, đêm nào cũng ngồi học bài bên cây đèn dầu thắp ngọn leo lét."


Từ "cầu" còn sính thêm loại từ "chiếc". Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có sáng tác bài "Chuyện một chiếc cầu đã gãy".

Thói thường, "chiếc" là loại từ dùng để chỉ trường hợp riêng lẻ của những sự vật có đôi: chiếc giày, chiếc đũa, chiếc nhẫn (cưới), chiếc bông tai; và các phương tiện di chuyển: chiếc xe đạp, chiếc xe bò, chiếc thuyền, chiếc máy bay. Nhưng sao lại là "chiếc cầu", "chiếc áo", "chiếc hình"? Gượng, có thể giải thích, vì cầu, áo là những vật thể có nhiều cơ phận đôi chăng? Còn "hình", lẽ ra phải dùng loại từ "tấm" hoặc "bức", tại sao thỉnh thoảng cũng có thể nói là "chiếc hình"? Không biết giải thích sao cho chính xác.

(Ngô Nguyên Dũng)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

“Lúc thì chẳng có một ai, lúc thì ông xã ông cai đầy nhà” 

Có nghĩa: Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà khi nhiều bạn bè, khi chẳng có ai.

Giải thích như vậy là nông cạn. Có một số dị bản gần nghĩa với câu này: “Lúc chẳng có mà coi, lúc có cả voi lẫn ngựa” hoặc “Lúc trổ nghẹn, lúc đẹn nước”. Dân gian nói cung và cầu không gặp nhau, lúc cần thì không có, lúc có lại rõ nhiều.

Nghĩa bóng: chuyện đời trớ trêu, không diễn ra như sự mong muốn, sắp xếp của con người.

(Hoàng Tuấn Công)


Ai về Bình Định mà... xơi

Sứa, chủ yếu là sứa sen sống trong nước mặn được người Bình Định tạo nên món gỏi với những biến thể thú vị. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần rành rẽ:

- Sứa khô và sứa tươi đều dùng làm gỏi được, tất nhiên sứa tươi hấp dẫn hơn.

Ở thành phố Quy Nhơn, bún chả cá là món khiến nhà giáo Phạm Hồng Thuỷ - giảng viên Đại học Quy Nhơn - xuýt xoa:

- Các loại cá biển như thu, mối, nhồng, chuồn, hố là nguyên liệu cần thiết để làm nhớ hơn. Có 3 dạng gỏi sứa: gỏi khô là đĩa nộm không hoặc ít dùng dung dịch, gỏi nước ngày nay còn được gọi lẩu sứa, và bún trở thành thức ăn từ sớm tinh mơ đến khuya lắc khuya lơ.

(Phanxipăng)


Tác giả: Phanxipăng có họ tên Trần Ngọc Tĩnh

Chào đời năm Canh Tý 1960 ở thành phố Huế

Cựu sinh viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện cư trú ở Sài Gòn

Tác phẩm

Vàng Máu (Tiểu thuyết) - Cốt Cách Mùa Xuân (Tập phóng sự) - Sài Gòn Nay (Tập phóng sự) - Huế Chừ (Tập phóng sự)



Lẩm cẩm quanh chuyện Từ điển chính tả tiếng Việt 

Có rất nhiều lỗi, dẫn chứng tiêu biểu:

1. bàn hoàn thay vì đúng nghĩa (tv) bàng hoàng

bàng hoàng: ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa.

2. bánh dày tv bánh giầy hoặc bánh giày (tên gọi bánh theo cách chế biến giày, xéo cho nát nhuyễn ra).

3. bơi chải tv bơi trải (vì trải là một loại thuyền nhỏ, dài, dùng trong các cuộc thi bơi thuyền).

4. con chai tv 𝒄𝒐𝒏 𝒕𝒓𝒂𝒊 (nghêu sò). Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi. (* xem tiếp phần sau)

5. chầy chật tv trầy trật (trầy da, trật xương)

6. chéo ngoe tv tréo ngoe (tréo = cái nọ quặp, ngoắc, vắt lên cái kia); trong khi chéo chỉ là những đường xiên cắt nhau. Ví dụ bắt chéo chân.

7. chỉnh chu tv chỉn chu. Vì chỉn nghĩa là vốn, thật (Đạo trời, báo phục chỉn ghê, Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi - Kiều.

(Vương Trùng Dương)

***


Phụ đính I


Tú Kếu - 1 

Tôi nắm bàn tay mảnh giẻ của Tú Kếu, nhìn sâu vào mắt anh:
– Kếu, mày có nhận ra tao không?
Đôi mắt Kếu thoáng chút ngơ ngác, giọng trở nên từ tốn, lịch sự:
– Cám ơn bố không quản đường xá xa xôi mà đến thăm con.
Đến lượt tôi ngơ ngác:
– Mày nói thật hay đùa đấy? Mày không nhận ra tao thật à? Tao là Long, bạn mày hồi ở Trại Học sinh Phú Thọ năm 1954…
Kếu lại nói:
– Phải rồi, dầu sao con cũng nhớ bố lắm, bố không quản đường xa xa xôi…
Chị Phượng nói Kếu đang ở trong cơn quên, nói gì cũng không thể làm cho anh nhớ lại, chị pha ấm trà hoa lài thơm ngát, hai tách cà phê sữa. Tôi mời Tú Kếu hút thuốc lá, anh hút ngay, thưởng thức cà phê, khen ngon. Chị Phượng kể một số bệnh trạng của anh cho tôi nghe. Thật buồn.

Trời xế chiều, tôi từ giã gia đình Tú Kếu. Tú Kếu tỏ ra tỉnh táo, tiễn tôi ra đến cửa, chúc tôi thượng lộ bình an, nhưng anh vẫn không nhận ra tôi là ai. Anh bị căn bệnh quái ác là bệnh quên. Bệnh quên của anh càng ngày càng nặng, nhiều khi trở thành cổ quái. Quên cả mình là ai, đừng nói chi đến nhớ người khác.

(Viết trên gác bút của Nguyễn Thụy Long)


Tú Kếu - 2

Tôi từng lên xuống Sài Gòn-Bảo Lộc thăm hỏi anh suốt thời gian anh dưỡng bệnh ở Bảo Lộc. Sức khoẻ và chứng quên của anh ngày thêm tồi tệ. Gia đình anh đã tận lực để trị bệnh cho anh nhưng cũng đành chịu. Đành đưa anh về Sài Gòn có nhiều phương tiện hơn.

Về đến Sài Gòn tôi lùng tìm những bài thơ của Tú Kếu, tôi biết chỗ để tìm những bài thơ đó và tôi đã tìm được một số nhưng chưa được nhiều lắm. Nhất là tôi chưa tìm được tập thơ Tú Kếu làm trong 12 năm tù đày. Tôi có được xem tập thơ này và tập thơ đã được gửi ra nước ngoài, không biết bây giờ ai giữ nó.



Chị Phương đưa cho tôi bài thơ do chị chép tay:
Người về môi hé, tình đau
Ngực xuân cởi áo, mắt sầu hạ sang
Trâm cài, lược giắt hồng nhan

Thu về bóng nhỏ như say
Dưới hiên hoài tưởng rụng đầy lá khô
Dấu rêu phong vết bụi mờ

Tàn mai, vàng cúc ủ ê
Phượng yêu năm ngón tay che mặt trời…”

Chắc bài thơ trên Tú Kếu làm khi vợ anh lên thăm anh ở trại tù.

***

Một ngày, 8 giờ 30 phút sáng, Tú Kếu ra đi êm thấm, sau khi húp một thìa sữa.

(Viết trên gác bút của Nguyễn Thụy Long)


***

Phụ đính II


Sống quạnh hiu, chết nương nhờ cửa Phật - 1


 


Khu nghĩa trang thái giám triều Nguyễn rộng chừng 1.000 m2 và nằm trong chùa Từ Hiểu và là một trong những cổ tự của xứ Huế với cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình. Hiện nay, toàn bộ khu lăng mộ thái giám kể trên có 25 ngôi mộ, trong đó có 2 mộ gió (có mộ nhưng không có thi hài).


Các thái giám sống suốt đời trong cung đến cuối đời, khi về già họ sẽ nằm chờ chết tại tòa nhà phía Bắc Hoàng Thành, gọi là Cung Giám Viện chứ không được chết ở trong cung. Hiểu được kết cục bi đát ấy, nhiều thái giám đã dành giụm tiền từ lúc còn trẻ khỏe để tìm nơi chôn cất cho chính mình lúc chết và khu nghĩa địa thái giám triều Nguyễn ở chùa Từ Hiếu ra đời trong hoàn cảnh ấy.


   

Thái giám nhà Nguyễn. Nơi an nghỉ ở Huế


(Nguồn Tổng hợp: T.H và VTCNews)


Sống quạnh hiu, chết nương nhờ cửa Phật - 2

Tương truyền, trong quá trình mở rộng Thảo Am Đường thành chùa Từ Hiếu có sự đóng góp không nhỏ của một thái giám nhà Nguyễn có tên Châu Phước Năng. Có lẽ cũng vì thấu hiểu số phận hẩm hiu khi chết nên vị thái giám này đã nhắm chùa Từ Hiếu là nơi an nghỉ cuối cùng của đời mình. Để thực hiện ý nguyện,  vị thái giám Châu Phước Năng kêu gọi các thái giám trong triều đình quyên góp mở rộng Thảo Am Đường để sau này có nơi yên nghỉ và việc làm này cũng được vua Tự Đức chấp thuận. Do có công đóng góp xây dựng chùa nên khi chết các vị thái giám này được chôn cất tại một quả đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. 


Vì sự hiện diện của khu lăng mô này mà chùa Từ Hiếu còn có một tên gọi khác là chùa Thái Giám. Hiện nay, khu lăng mộ thái giám triều Nguyễn nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu hoang lạnh, ít người tới thăm và hẩm hiu như chính thân phận những vị thái giám đang nằm dưới mộ.  

(Nguồn Tổng hợp: T.H và VTCNews)


Sống quạnh hiu, chết nương nhờ cửa Phật – 3

Hiện nay, trong vườn chùa Từ Hiếu có đến 25 ngôi mộ của thái giám triều Nguyễn. Trước mỗi ngôi mộ đều có tấm bia ghi rõ tên họ và chức vụ của từng người.

Theo lời dịch lại của một sư cụ trong chùa, thì xúc động nhất là lời lẽ trên tấm bia trước cổng nghĩa trang. Bia chỉ cao quá 1m, rộng hơn 0,5m nhưng nội dung có thể khiến người đọc không khỏi xót xa: “Nhân nghĩ rằng nếu không lo kể về sau, khi còn sống thì nương nhờ chốn Phật, mà khi chúng ta chết thì biết nương tựa vào đâu. Nhận thấy ở góc thành phía tây nam có một đám đất, lấy gạch xây thành để về sau làm nơi chôn mộ. Ở đó làm một cái am lợp ngói để thường năm thờ cúng, gần nơi của Phật mới là nơi thừa tự lâu dài.


 


Phận đời đưa đẩy đã khiến nhiều thái giám có một nỗi sợ mãnh liệt lớn hơn cả cái chết, chết ở đâu, chết lúc nào… theo họ giờ không quan trọng mà quan trọng nhất là được chết toàn thây, được chết cạnh cái mà mình đã cắt bỏ đi để khi về thế giới bên kia mình được chứng nhận là đã trải qua một kiếp con người. 


Đó cũng là cái kết “đáng buồn thay” cho cuộc đời của những con người “sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận”.

(Nguồn Tổng hợp: T.H và VTCNews)









Không có nhận xét nào: