Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Phi Công Vận Tải - Nguyễn Mộng Khôi

     

            

     PHI CÔNG VẬN TẢI

                             Nguyễn Mộng Khôi ( khoá 62B )

"Chuyện quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài chống canh." (Nguyễn Du)

 Một buổi sáng ngày đầu tháng hai năm 1962, tôi đang dạy học thì chú em tới trường cho biết là chú đọc báo thấy Không Quân đang TUYỂN SINH VIÊN đi Hoa Kỳ học lái máy bay. Mấy năm trước hồi còn Trung học, tôi có nghe KQ mở khóa huấn luyện ở Nha Trang, nhưng lần này thì tôi dứt khóat là muốn đi Mỹ để học lái máy bay. Cái tâm trạng của phần đông Sinh viên chúng tôi thời đó là muốn đi ngọai quốc để học lấy những tinh hoa xứ người. Tôi vừa đi dạy vừa học MPC ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Một hôm trong giảng đường, giờ Giáo sư Patat, dạy géométrie analytique, có một sinh viên đẹp trai, tóc xoăn, trạc tuổi tôi đang nói tiếng Pháp với người bên cạnh (là anh Thảo Xoăn sau này đấy). Một anh nữa là Lê My, học PCB , thỉnh thoảng gặp nhau ở đại giảng đường lớp physic và chimie. Sở dĩ tôi nhớ mặt hai anh vì họ có những nét đặc biệt, người thì tóc xoăn, đẹp trai; người thì tướng mạo lừ nhừ, mắt đỏ, nhiều lông tay như ông Tây con. Tôi chưa lần nào nói chuyện với hai anh cho đến khi gặp nhau ở quân trường.

Chúng tôi chỉ được nhận vào quân chủng Không Quân, ngành phi hành, sau khi trải qua cuộc tuyển lựa gay go. Về bằng cấp, phải có cái Tú Tài trở lên, chiều cao ít nhất 1m62, phải nặng trên 50 kg hay 110 # ; mắt, tai, tim, phổi... phải hoàn hảo. Chưa hết, cái màn chót là "thi hoa hậu". Thí sinh, mặc xi líp, rồi phải giễu qua mặt các bác sĩ giám khảo là BS Tuân, BS Húc. Chừng nào hai ông gật đầu mới được. Những thí sinh mắt lé, mắt lác, nói cà lăm, mặt rỗ hoa, chân khập khiễng... đều không được nhận vào ngành phi hành. Hồi cuối thập niên 50 tới đầu thập niên 60 (thời Đệ Nhất Cộng Hòa) thí sinh đậu được hai phần Tú Tài chừng 20%. Thí sinh có Tú Tài mà được chọn vào SVSQKQ chừng 20% và thanh niên Việt nam bấy giờ thì chiều cao trên một mét sáu mươi không nhiều.

Ngày 11 tháng Tư năm 1962, tôi và 89 thí sinh được tuyển chọn,được nhận vào SVSQKQ và được đặt tên KHÓA 62B. Trung uý Trần Sao, Trưởng Phòng Nhân Viên cho tập họp chúng tôi lại và hỏi, anh nào chưa thu xếp xong chuyện gia đình thì có thể ở lại thêm mấy ngày. Anh Lê Nguyên Hải muốn có vài ngày để thi cho xong năm thứ nhất trường Dược. Vì vậy, ngày 14 tháng Tư, chúng tôi mới lên đường. Sáng ngày 14 , các tân SVSQKQ tập họp tại câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc để nghe Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh, tư lệnh KQ ban chỉ thị. Tôi biết ông từ năm 1958, hồi ông dạy Hình Học lớp Đệ Nhất B4 trường Chu Văn An. Hôm nay gặp lại, dáng dấp thầy vẫn như xưa. Ngoài đám SVSQ chúng tôi, còn thấy một người đẹp đứng phía sau để nghe Đại Tá nói chuyện. Sau này chúng tôi mới biết là phu nhân của Đại Tá, là Phượng, người yêu của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh trong chuyện ĐỜI PHI CÔNG.

Sau đó, khóa 62B được 3 chiếc C-47 chở đi Nha trang. Tôi ở cái thứ nhì. Khi máy bay đã bình phi, chúng tôi, cứ hai người được phép rời chỗ ngồi, lên phòng lái để quan sát. Hai anh phi công là thần tượng của tôi bấy giờ. Các anh vui vẻ chỉ cho chúng tôi vài địa danh dưới đất. Tôi không ngờ là chỉ hai năm sau, một số SVSQ của khóa 62B được ngồi trên ghế lái C-47, trong đó có tôi.

Khoảng 10:30 sáng, máy bay đáp xuống phi trường Nha Trang, di chuyển vào parking khu hàng không dân sự. Nhìn qua khung kính máy bay, tôi thấy lố nhố một số SVSQ khóa 61. Có lẽ, các anh đang chuẩn bị ra đón chúng tôi, trong đó có cả mấy anh bạn học trường Chu Văn An ngày trước. Trông anh nào cũng đen xạm. Tôi thầm nghĩ, chắc các anh sẽ vui vẻ tiếp đón khóa đàn đàn em như những người bạn lâu ngày không gặp, để kể chuyện nắng mưa quân trường.

Nhưng tôi đã nhầm! Họ lầm lì đi đến chỗ chúng tôi. Một anh mặt sắt đen xì quát to: "Các Ông để hết sắc marin lên xe, xếp hàng dọc rồi chạy theo tôi. Ông nào bị xỉu, những người khác vẫn phải tiếp tục chạy." Có vài người còn đang ngơ ngác, chậm chạp, bị phạt hít đất ngay tại chỗ. Có một anh dám bắt tay niên trưởng, liền bị 5 hít đất. Trên đoạn đường chạy về barrack, anh Lý Thường Kiệt là người té xỉu đầu tiên.

Vừa vào tới nơi, tôi định nằm vật xuống sàn, nghỉ mệt, tôi lại nghe tiếng thét tập họp, để chạy tới phạn xá ăn cơm. Vừa đói vừa mệt, tôi muốn ngồi xuống ăn liền mấy chén cơm cho đỡ cồn cào gan ruột, nhưng mà chúng tôi vẫn phải đứng nghiêm trước dãy bàn ăn và chỉ được ngồi khi nào có lệnh. Sau khi ăn no, tâm thần ổn định, tôi mới nhìn kỹ anh niên trưởng vừa bắt chúng tôi chạy. Anh này cũng là cựu học sinh Chu Văn An, nhưng học lớp khác. Anh có miếng vải mầu vàng pha đỏ ở cổ áo mà các anh gọi là cà rốt. Ăn xong, chúng tôi phải chạy vội về barrack, để làm tạp dịch, đào cỏ, xúc cát. Buổi chiều, một anh đến dạy trải giường. Anh Từ Bộ Châu biểu diễn màn đánh xi sàn nhà, đánh giày. Anh chỉ đôi giày đang mang mà nói: "Giày của các ông phải bóng như đôi này." Tôi và anh Trần Quế Lâm, giường bên, phải thức khuya để o bế đôi giày mới lãnh. Có lẽ ngày 14 tháng Tư này là ngày dài nhất trong đời SVSQ của tôi.

Những ngày sau thì buổi sáng chạy từ barrack ra bờ biển, tới trạm Bưu mới trở lại. Về ăn sáng rồi tập cơ bản thao diễn, hoặc tập bắn. Buổi chiều học lý thuyết. Anh Vũ Lâm dạy văn thư quân đội, anh Vinh dạy võ khí, BS Trụ với Y khoa phòng ngừa, và nhiều huấn luyện viên khác với những giờ học về binh thư, chiến lược vv... Thỉnh thoảng chúng tôi được học thêm về võ thuật với Thượng sĩ Cải, Chiến tranh chính trị với Trung úy Long.

Sau hai tháng rưỡi mồ hôi nước mắt, tôi và 24 người của khóa 62B rời quân trường vào một buổi sáng cuối tháng 6 để đi học bay ở Moody AFB, tiểu bang Georgia. Khi về nước chỉ có 16 người mang đôi cánh bạc. Đã 50 năm mà tôi vẫn còn nhớ những ngày huấn nhục ở Nha Trang. Tôi cám ơn những anh cà rốt đã bắt tôi hít đất, đã phạt tôi đi bộ... Chính những cái đó mà sau này tôi đã học được hạnh khiêm nhường, tính chịu đựng...

Máy bay chở chúng tôi đi Hoa Kỳ là loại DC- 6, phải đáp nhiều nơi như đảo Guam, wake, honolulu... để đổ xăng và đổi phi hành đoàn. Phải mất một tuần bay từ Việt Nam tới căn cứ Clark AFB tiểu bang California; nhưng sau hơn một năm ở Mỹ, về lại Việt Nam chỉ hai ngày bằng phản lực cơ Boeing 707.

Từ Clack AFB, chúng tôi được di chuyển bằng xe lửa tới Lackland, tiểu bang Texas để bổ túc Anh văn. Thời gian học Anh ngữ ở đây,có lẽ là giai đọan sung sướng nhất của đời SVSQ. Chúng tôi đựơc hưởng qui chế sĩ quan đồng minh, ăn uống đầy đủ, phòng ốc tiện nghi, học ngày 8 tiếng, weekend thì thoải mái đi chơi, hoặc shopping ở San Antonio, nhưng phần đông chọn mấy tỉnh biên giới Mễ như Laredo, acunã... để thư dãn cuối tuần, để "trả thù dân tộc."

Ba tháng ở Lackland qua thật mau. Chúng tôi được học bay ở Moody AFB, tiểu bang Georgia. Căn cứ này buồn hơn Lackland, nằm cách thị trấn Valdosta khoảng hơn 10 dặm. Hàng ngày thì sáng đi bay, chiều địa huấn, đôi khi Thứ Bẩy phải tập cơ bản thao diễn. Chúng tôi bayT-28 B. Cứ một thầy thì hai trò. Tôi và anh Phan Khôi (khoá 61) bay với Trung úy Ruff . Anh và tôi được thả Solo cùng một ngày, mỗi người mới có 24 giờ bay. Trong Flight 63-D2 của chúng tôi, thì anh Nguyễn văn Ánh là bay solo sớm nhất, chỉ với 22 giờ. Anh Bùi Gia Định đứng đầu về địa huấn. Học bay ở Moody 10 tháng là xong.

Về lại Việt Nam, có cánh bay trên ngực có đeo lon trên vai, nhưng buổi sáng, chúng tôi vẫn phải học bổ túc quân sự thêm 3 tháng, sau đó mới chính thức là CHUẨN ÚY PHI CÔNG của KQVN. Có 5 tân Chuẩn Úy về Vận tải là các anh Thảo Xoăn, Tôi (Khôi), anh Phương Già, anh Nhật Nhám, và anh Âu.

Sau 3 tháng bay huấn luyện, chúng tôi được xác định Hoa Tiêu Phó, ngồi ghế phải, để bay các phi vụ chuyên chở và hành quân. Thời gian này là '' khỏe'' nhất. Không bị cấm trại, không nhiều trách nhiệm vì không được giữ chức vụ quan trọng nào trong đơn vị. Bay xong về nhà. Tôi thường xin bay đêm, thả hỏa châu để ban ngày đi học. Tôi ghi tên ở Đai Học Văn Khoa Sài gòn. Đêm bay, sáng đi học, buổi trưa mang một ổ bánh mì, một bao thuốc lá, tìm một rạp chiếu bóng có máy lạnh, ăn xong, hút thuốc rồi ngủ trong rạp, đến chiều vào phi đoàn xem Phi Vụ Lệnh. Bay đêm cũng có nhiều cái thú vị mà Antoine de Saint Exupery (nổi tiếng thế giới trong tác phẩm Bay Đêm- Vol De Nuit) không có được. Mỗi lần một trái hỏa châu thả xuống là sáng cả một vùng. Mũi tên lửa trong đồn chĩa tới đâu thì nơi đó bị đánh bom, bị ăn hỏa tiển của khu trục, lửa toé sáng như pháo bông ngày Hội Hoa Đăng .

Không quân bắt đầu bành trướng mạnh, chúng tôi được huấn luyện ra Hoa tiêu chánh, rồi Trưởng phi cơ (TPC ). Trong 5 ngừơi khóa 62 B thì Thảo và tôi là bay C-47, C-119, C-130, và thường cùng một lớp. Có một kỷ niệm khó quên là ngày check out TPC C-47, Huấn luyện viên, T/Tá B., Ông dẫn theo cô em gái, vui vẻ, dễ thương. Trên bầu trời Nha Trang, cao độ 9000 bô, cô lên phòng lái, đứng sát bên Thảo, hỏi chuyện trời mây. Bạn tôi có lẽ hơi mất bình tĩnh, tay vẫn trên cần lái, nhưng heading bắt đầu nhúc nhích, cao độ nhấp nhô vài trăm feet. Tôi vội nói nhỏ với cô: "Hôm nay anh Thảo THI LÁI. Bay thế này không khéo rớt mất!" Thầy B. phán một câu: "Không rớt đâu!" Tôi yên chí. Hôm ấy Thảo và tôi đều pass. Câu chuyện qua đường đã bốn mươi năm mà không ngờ Thảo và tôi gặp lại người đẹp hôm Đại Hội KQ ở Houston. Nhắc lại chuyện xưa, cô vẫn cái nụ cười của bốn mươi năm trước mà anh bạn Tóc Xoăn xuýt nữa "ngả nghiêng cánh chim" với người đẹp.

Chúng tôi bay C-47 được 4 năm, có vài ngàn giờ, thì chuyển sang C-119, Thảo và tôi được học ở Mc Guire, tiểu bang New Jersey. Học 6 tháng thì xong.

Về nước, chúng tôi bay huấn luyện cho những hoa tiêu Hỏa Long và Tinh Long sau này, thỉnh thoảng chở hành khách và cũng có những phi vụ hành quân. Trận Snoul, trong một phi vụ thả dù, máy bay của tôi chở 16 phuy xăng tiếp tế cho chiến xa. Đang vào trục thả thì phi cơ bị phòng không địch bắn như mưa, thân tầu thủng nhiều lỗ, hai lính dù áp tải, chết ngay tại chỗ. Động cơ bên phải trúng đạn phát hỏa. Xuôi cờ máy phải. Còn một động cơ chúng tôi quay về đáp an toàn. Lần đầu tiên, tôi ký giấy khai tử cho hai quân nhân thuộc binh chủng bạn.

Một phi vụ hành quân khác. Hai phi cơ C-119 được điều động đi Đà nẵng. Phi cơ vừa vào chỗ đậu thì tôi và Tr/úy Diệp, trưởng phi cơ (TPC) máy bay kia, được mời vào văn phòng của Sư đòan. Tới nơi, tôi thấy Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh vùng 1, Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh và một vài sĩ quan ( SQ ) tham mưu. Chúng tôi đứng chào và được mời ngồi trước mặt anh SQ quân báo. Anh cho biết, mục tiêu là thả dù tiếp tế cho căn cứ Bastogne. Anh nhấn mạnh, ở đó phòng không địch dày đặc. Có cả SA-7. Mấy ngày gần đây, 2 phi cơ C-123 của Mỹ bị bắn cháy, một chiếc trực thăng cứu cấp rớt gần đồn, chưa lấy được xác Phi hành đòan (PHĐ). Chúng tôi được lệnh phải bay gấp vì quân bạn đã cạn lương thực và đạn dược.

Chúng tôi chào nhị vị tướng lãnh rồi ra phi cơ. Anh SQ quân báo lúc nãy cũng chạy theo. Anh kéo tôi ra phía sau phi cơ, anh ngập ngừng một chút. Tôi nhìn thẳng vào anh. Tôi thấy mắt anh hơi đỏ, anh nói nhỏ: "Ông thầy ơi, phi vụ này nguy hiểm lắm đấy. Có tiền bạc, hoặc giấy tờ thì đưa hết để tôi giữ cho, tôi có hai bịch cơm xấy khô đem cho ông thầy. Có chuyện gì cứ nhắm hướng Đông theo quốc lộ 547 mà chạy. Nhưng phảỉ chạy cách quốc lộ chừng một cây số; vì trên lộ là Việt cộng."

Phi cơ của tôi và Diệp còn 25 phút thì tới Bastogne, bỗng đài kiểm báo Panama, cho biết tất cả phi cơ không được bay qua tọa độ XYZ... Có B-52 làm việc từ 16:00 tới 16:20. Tọa độ này chính là chung quanh căn cứ Bastogne. Thay vì phải làm vòng đợi cho đến khi B-52 trải thảm bom xong, tôi quyết định cứ dẫn Diệp vào mục tiêu. Tôi biết vào sớm như vậy thì nguy hiểm. Phi tuần B-52 vừa ra khỏi Bastogne, những đám khói, những bụi cây trốc gốc còn đang cháy đỏ dưới đất, Diệp bay sát cánh phải của tôi. Chúng tôi cùng thả một lượt. Thả ở cao độ 600 bộ, nên khá chính xác. Hai mươi ngàn pounds thực phẩm, võ khí và quân dụng lọt hết trong vòng đai tiền đồn. Phi cơ chúng tôi không bị trúng một viên đạn nào. Có lẽ những xạ thủ phòng không VC chưa hết táng đởm kinh hồn của trận mưa bom B-52. Phi cơ chúng tôi về đáp an toàn ở Đà nẵng. Anh SQ quân báo đợi tôi ở parking, trả lại giấy tờ và ví đựng tiền. Tôi trả lại anh hai bịch gạo xấy khô. Tôi và Anh chưa hề quen biết, mà không hiểu sao anh lại tử tế như thế!

Ngoài phi vụ hành quân, tôi còn bay huấn luyện. Bay huấn luyện, nhiều khi cũng liên đới trách nhiệm. Có một phi vụ mà TPC là Tr/úy H (Tôi check out H ra TPC) thuộc Phi Đoàn Hắc Long AC-119 G. Lúc nửa đêm, phi cơ được điều động đến một tiền đồn đang bị địch tấn công. Khi máy về đáp ở TSN, không ra gears, máy bay bị crash ở phi đạo 25-L. Sáng sớm tôi vào câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời ăn điểm tâm. Đang ngồi thì Chuẩn Tướng Tiên (Tư Lệnh Sư Đoàn V ) vào. Ông ngồi bàn bên cạnh hỏi tôi: "Nghe nóiđêm qua một C-119 làm crash vì pilot không ra bánh đáp." Tôi nói: "thưa vâng." Ông bắt đầu nói giọng bực mình "Trong lịch sử KQVN, chưa thấy pilot nào quên landing gears khi đáp. Phi Hành Đoàn này có thể bị đưa ra toà án Quân Sự." Tôi đáp là sẽ điều tra và tường trình theo hệ thống quân giai (Không đòan, Sư đoàn, Bộ Tư lệnh KQ, rồi Tổng tham mưu) lên Chuẩn Tướng.

Tôi bắt đầu viết tường trình (10 cuốn). Ngoài thủ tục điều tra thường lệ như liên lạc với kỹ thuật xem phi cơ (PC) được xếp loại, tai biến, tai nạn, hay phế thải, rồi chụp hình,l ấy lời khai của Đài Kiểm soát, lấy lời khai PHĐ vv... Tôi còn đính kèm hai bản báo cáo của QUÂN BÁO và KHÍ TƯỢNG:

-Quân Báo: khi Hắc Long của Tr/úy H. tới thì VC sợ quá, chúng chém vè, rút lui. Hắc Long truy kích. Ba bó đại liên (mỗi bó 6 nòng) khạc liên hồi đạn 12 ly 7, trong lúc địch hốt hoảng tháo chạy đã bỏ lại 20 xác chết.

-Và Đài Khí Tượng cho biết, cái đêm mà PC gặp nạn thì thời tiết từ tiền đồn về Sài Gòn có mưa giông, hạn chế tầm nhìn cuả PHĐ.

Dựa vào những báo cáo trên, trong phần ý kiến của Sĩ quan An Phi tôi kết luận: ''Trong khi PC oanh kích thì bị phòng không địch bắn trúng chân đáp, PC về đáp với thời tiết xấu. PC hư hại nặng, nhưng PHĐ vô sự."

Chừng 3 tháng sau, tôi vào câu lạc bộ, lại thấy Chuẩn Tướng ngồi ăn. Tôi đứng chào. Lần này, mặt Ông tươi hẳn lên. Ông thân mật, chỉ ghế mời tôi ngồi. Ông nói: "Sư đoàn 5 mới nhận được cả chục huy chương, chắc anh biết? Anh làm báo cáo hay lắm!" Ông biết tôi, vì khi mới về Vận Tải, nhiều lần tôi bay copilot với Ông.

Có một chuyến bay chở Hành khách mà tôi nhớ đến bây giờ, lộ trình Sài gòn - Đà lạt. Khi mọi người đang lên phi cơ, tôi giật mình thấy Bích, người bạn gái năm xưa. Bích chưa nhận ra tôi ngay, vì khi mới quen, tôi là SVSQKQ ở Nha Trang, nắng gió quân trường làm nước da tôi đen xạm. Nay tôi là Tr/úy TPC lái C-119. Tôi mặc áo bay đen, khăn quàng tím, nước da trắng hơn xưa. Tôi tới chỗ Bích, vẫn dáng gầy gầy, vẫn mái tóc thề. Bích nhận ra tôi. Tôi mời Bích lên phòng lái. Anh cơ phi hảo ngọt, nhường ghế cho cô. Khi máy bay bình phi, tôi giao tay lái cho anh hoa tiêu phụ. Bích nói: "Sáu năm không gặp nhau. Anh khác xưa quá. Em thích cái khăn mầu tím của anh. Nếu biết anh bay hôm nay, thì em đã mặc áo dài mầu hoa cà." Anh cơ phi rót một ly cà phê mời Bích. Anh nhìn nàng, nhìn tôi và nói: "Tôi tặng anh, chị bài ca dao này:

" Trèo lên cây bưởi hái hoa.

" Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân,

" Nụ tần xuân nở ra xanh biếc.

" Em có chồng, anh tiếc lắm thay

Bích đọc tiếp:

"Ba đồng một mớ trầu cay.

"Sao anh không hỏi những ngày còn không?

"Bây giờ em đã có chồng.

"Như chim vào lồng, như cá cắn câu.

"Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,

"Chim vào lồng, biết thuở nào ra?

Cái câu ca dao này đã có từ lâu, nhưng sao bây giờ lại hợp với chuyện Bích và tôi như thế. Bích đã có chồng và chồng nàng hình như cũng là KQ.

Khi PC đáp xuống phi trường Liên Khương, Đà lạt, đã thấy xe hơi của gia đình Bích ra đón. Tôi đưa tiễn Bích ra xe. Nụ hôn đầu tiên của tôi và Bích.

Nhìn cái xe Simca chuyển bánh, tôi bỗng nhớ câu thơ của Xuân Diệu lúc tiễn người yêu đi lấy chồng:

"Lòng cũng quay theo trục bánh xe.

"Chở người yểu điệu áo sầu che.

Từ đó đến bây giờ, tôi không gặp lại Bích nữa.

Một năm sau, tôi cũng lập gia đình. Bà xã tôi người Vĩnh Long, nhưng làm việc ở Sài gòn. Tôi là bạn học với người anh. Đám cưới chúng tôi tổ chức tại Hội Đua Ngựa, Vườn Tao Đàn, Sài gòn. Hội quán này là của Pháp. Nhà tôi là nhân viên của Banque Francaise commercial (BFC) nên được làm đám cưới ở đây.

Ngày cưới, phía KQ, có Th/B, anh chị Thảo Xoăn, anh Phương Già. Bên nhà gái, có một số phù dâu cùng làm ở BFC với nhà tôi. Năm sau nhà tôi sinh cháu trai, đặt tên Nguyễn Trọng Khôi-Nguyên. Anh Phương già lập gia đình sau Thảo và tôi. Tuy gọi là Phương già nhưng chị Phương lại rất trẻ và đẹp. Ba gia đình chúng tôi thường gặp nhau, ăn uống, nói chuyện đời, nói chuyện bay bổng.

Hai năm sau cùng, trước khi KQ tản hàng, Thảo và tôi lên làm việc ở Không Đoàn 53 Tác Chiến. Người ở phòng Hành quân, người ở An phi, nhưng vẫn phải bay cho Phi đoàn. Ngày 29 tháng Tư 75, Ngày KQ ở TSN GIÃ TỪ VŨ KHÍ, phần lớn bay sang U-Tapao, Thái Lan. Nhưng Thảo (phải công nhận, những người tóc xoăn khôn thật!) lại đáp Côn Sơn để đưa gia đình Anh, GĐ Tôi, GĐ anh Phương và hàng trăm thân nhân KQ, đang kẹt ở đó ra đi. Anh ở lại Côn Sơn một đêm, nghe tin tức. Sáng hôm sau có lệnh đầu hàng của T T Dương văn Minh, Anh mới quyết định đi U-Tapao.

Từ U-tapao, tất cả KQ được đưa vào Mỹ, ở rải rác trong 4 trại tạm cư chính. Gia đình tôi ở Camp Pendleton. Ch/Tướng Tiên cũng ở đây. Ngày nào tôi cũng mời Ông đi ăn sáng free, trong căn lều của Camp.

Một tháng sau, gia đình tôi được hội Cô Nhi ở Washington State bảo trợ. Hội chưa họat động vì chưa có giấy phép. Ở nhà rãnh rỗi, tôi xin làm Teacher Aide. Buổi sáng đi dạy, chiều đi bay để lấy bằng bayThương Mại Dân Sự (Commercial pilot cuả FAA). Tôi thấy nghề làm thầy không khá được. Làm được một năm thì bỏ. Lúc này tôi bắt liên lạc được Anh Hoàng Nuôi và Anh Thảo Xoăn. Anh Nuôi đang bay C-47 xịt thuốc sát trùng $ 800/tháng. Anh hỏi muốn bay, anh giới thiệu. Anh Thảo rủ đi Topeka (Kansas) chặt thịt $8/giờ. Tôi đang chuẩn bị đi theo, thì lại được tin cả hai người đã bỏ nghề rồi!

Tôi quyết định đi học nghề in ở Community college gần nhà. Học xong, tôi may mắn bắt được job ở một hãng in Check, và tôi đã làm cho hãng này cho tới ngày về hưu được 23 năm.

Những ngày mới đi làm, chán quá(!) phần mệt, phần ở xứ lạnh miền Tây Bắc, phần chưa quen công việc. Nhìn quanh, những người Việt lứa tuổi tôi đều làm những nghề vất vả cả. Những week-ends, gặp nhau ở Chùa, ở Nhà Thờ để mà than vãn. Thi sĩ Hà Huyền Chi viết:

"Ra đi, buổi sáng mù sương,

"Cũng mầu trắng đục khó thương khi về

"Ta mù như mắt đèn xe.

"Tấm thân tơi tả, cho thuê từng ngày.

Thi sĩ Thanh Nam thì coi mỗi ngày lao động là một trận đấu trên võ đài:

"Ngủ say mai sớm lên đường

"Đấu trường lại múa dăm đường võ quen.

Cả đến văn hóa xứ người cũng làm Ông đau lòng.

"Đổi ngược họ, tên cha mẹ đặt.

"Học làm con trẻ, nói u ơ.

Sau một thời gian lao động tốt, tôi chịu được những nhọc nhằn ban đầu, về sau quen đi, được thăng tiến nghề nghiệp, được làm công việc thích hợp, nên đã có cuộc sống ổn định khi về hưu. Bà xã tôi thì may mắn hơn, làm accountant cho một sở Tìm Việc của Tiểu Bang. Công việc kế toán này thì nhà tôi đã quen khi còn làm ở BFC Sài gòn.

Chúng tôi bỏ miền Tây Bắc, xuống Quận Cam. Gia đình con trai tôi, có vợ và ba con cũng theo xuống và định cư ở đây. Năm nay, tôi đã trên Bẩy chục, gắn bó tình nghĩa KQ được 50 năm. Bao nhiêu VUI, BUỒN, VINH, NHỤC, bao nhiêu BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI, nhưng cứ tưởng như mới ngày hôm qua!

" Chuyện quê, góp nhặt dông dài.

" Mua vui cũng được một vài trống canh "(Nguyễn Du)


                       Nguyễn Mộng Khôi ( khoá 62B )





                           


Không có nhận xét nào: