Hello,
chào Jennifer, buổi sáng
Mấy
hôm nay trời có chút mưa, mưa lai rai, mưa ở Cali còn hiếm hơn rượu chát, mưa
không đầy một lu nước. Bên cái xứ Việt Nam nào đó ở Đông Nam Á mà ví mưa chưa đầy một lu nước, thiên hạ còn đọc
hiểu, nhưng ở USA này nói mưa không hứng đủ một thùng nước thì những đứa con cháu
mũi tẹt da vàng thế hệ hai, ba làm sao nghe hiểu, lại còn phải “động não” hay
“gu gồ” may ra mới “cảm thông” được “huấn từ” của nội ngoại chúng nó nói "chiện
diệt lam"!
Jennifer có bao giờ từng nghe hay thấy người ta hứng nưóc trong lu chưa?
Ở những vùng đồng chua nước mặn, nước mưa
hứng uống là được liệt vào hàng đặc sản, dành riêng cho cở đại gia có tiền có
chức không bao giờ “bán nước” mà chỉ “đổi
nước”, cho “thuê (đất) nước” mà thôi! Nghèo nghèo thì để một cài lu, cái khạp
dưới mái nhà, trước liếp cửa ra vào, hai bên để hai tàu lá chuối cắm thành chữ
V, và nuớc mưa từ mái tranh hay mái lá tập trung rơi vào tàu lá chuối xong lật
đật và vội vả... chạy vào lu... tỏn tỏn kêu to là chưa đầy nên lu còn trống (thùng rỗng kêu to mà).
Nằm trong nhà, trong đêm
khuya tịch mịch, nghe tiếng mưa rơi bên ngoài sao mà buồn thúi ruột, nhất là
lúc chưa có vợ có con, có cô nhân tình bé nhỏ lâu ngày không gặp thì cái buồn ấy
nó tăng theo lủy tiến! Ngủ không được, nghe tỏn một cái, rồi nghĩ một tí, tỏn một
tiếng tiếp là mưa sắp tạnh, nhưng vẫn còn
nghe tiếng mưa rơi tiếng mưa to nặng hạt là gió và mưa đã xé rách te tua tàu lá
chuối mất rồi nên nuớc không chảy ngay vào nhiều được nữa. Còn nhà kha khá một
tí thay vì mái nhà lợp lá ba năm lại phải thay lá nên họ mua “tôn” để xài
lâu và bền hơn, và nước mưa sẽ chảy ngay chóc vào máng xối ngay hàng thẳng lối,
đẹp ly kỳ. Máng xối dùng miếng tôn bẻ đôi
lại, còn nghèo hơn thì đi chặt tre, loại tre mạnh tông ruột lớn, chẻ làm hai, đẻo
hết mắt rồi làm máng xối cũng tiện.
Hồi mấy nẳm đi cải tạo, may mắn được xếp chỗ
ngủ gần cửa sổ bên hông chưa đầy nửa thưóc
lại có song chắn, gặp những tối mưa đêm vùng
núi rừng Trường Sơn lạnh buốt vẫn
cố gắng lọ mọ trong bóng tối, xếp tờ giấy báo (gói đồ thăm nuôi) thành một cái
máng nhỏ và thò tay ra cầm hứng chút mưa đêm cho nó chảy vào lon “guigoz” để dành
uống dần chút nước mưa rừng... cứu đói (và rét).
Qua Cali rồi, thấy nhà nước yêu
cầu hạn chế xài nước tối đa, cho nên, túng phải tính, cắt máng xối ra rồi chế
biến cho nó chảy vào thùng (ở đây không có... lu, mà có thì giá cái lu gấp ba,
bốn cái thùng nhựa) rồi xem thời tiết ngày nào có mưa thì chuẩn bị sẵn sàng lấy
thùng ra hứng để dành cũng tiết kiệm được ba bốn ngày nước tưới bông đở cho ngân sách chi tiêu hằng tháng khá nhiều.
Ông
bà mình hồi xưa có khuyên con cháu nên tu thân tích đức, vì “có đức mặc sức mà ăn”,
và hỏi đức mua ở đâu? được trả lời, đức
như nước mưa trời cho vậy, càng hứng được nhiều, càng có... nhiều đức?! Ngộ quá
không tề!
Nghe
Jen nhắc về Mạc đỉnh Chi mà sao nhớ quá
chừng chừng. Jennifer vào đó cở lứa tuồi chưa đầy 20, thì anh Ba cũng thế. Thương
đứa con sinh ra ốm đói thiếu dinh dưỡng, thiếu sữa mẹ nên ông cụ thân sinh mới
cho học chút tiếng tây, tiếng u hòng khi lớn lên ra đời có chút vốn liếng mà mua “sữa
bò” tẩm bổ vào buổi sáng, và nhâm nhi
ly sâm banh, ăn bánh bích quy “lu” vào buổi tối; nào ngờ tây nó cũng cuốn cờ về nước
nên... nào có ích gì cái chữ... Tây, cuộc đời chiếc xe thổ mộ lăn lóc ngon trớn liền chuyển hướng 90 độ, left turn, quẹo trái qua “massiges” học tiếng... Mỹ cho nó hợp thời trang, với lại
mau mau có tiền dằn túi (nhất me mỹ, nhì
sư, tam cha rồi tứ mới đến tướng) , còn cái thứ lông bông như anh ba thì biết lấy
chi mà đội đá vá trời (chừ đây!), nên dành
phải chịu nhẫn nhục mua thời gian chờ thời cơ vậy.
Con đường Mạc đĩnh Chi, Phan đình Phùng, Phan
thanh Gian, Tự đức... đã bào mòn biết mấy đôi dép rồi nhỉ? Hơn cả năm trời, miệt mài ngày tám tiếng chẳn
ra vào cái VA A đó đến quen thuộc cả mấy lầu thang, mấy viên gạch lót trong sân
của hội. Kỷ niệm ở đây có 2 lần vinh nhục, để viết lại tặng Jen đọc nghe chơi
(nhân Ngày Lễ Cha nhé!)
Hội
không những dạy cho biết đọc, biết viết
hoặc đàm thoại (bằng tiếng Mỹ) mà cũng có mở những lớp rất đặc biệt. Cứ
3 tháng (1 quarter) thì xong một khoá. Mãn khóa có cử ra vài người lên đọc diễn
văn, ai học tiếp cứ ghi danh học tiếp. Trong lớp của anh ba có khoảng dưới 15 người, già trẻ, trai gái có đủ giai cấp thứ bậc trong xã hội. Khi đi học
có người có xe và tài xế nhà nước đưa rước và vào lớp vẫn còn nguyện bộ veston
với cà vạt, có người mặc áo chim cò, quần jean và ngậm ống vố v.v.. Anh văn thì đấu
nhau như gió v.v. phần anh ba thì độc có hai bộ mặc đi mặc lại hoài, có bữa đi
học về bị trời mưa chờ
xe buýt nên không có áo thay đành phải muợn anh chủ nhà bộ đồ hướng đạo để mặc đi
học đở.
Về trình độ Anh văn của anh Ba lúc
đó cở xoàng xoàng nếu không muốn nói là quá tệ (có sao nói vậy Jen ơi), nhưng
so với tuổi tác thì anh có vẻ còn trẻ, và ưa... tía lia. Cô giáo và văn phòng
nhà trường cứ ngỡ anh là một hướng đạo sinh hay trưởng gì đó nên có ý định cử
anh ra đọc diễn văn cuối kỳ. Việc này cũng làm mất lòng phật ý một số học viên cùng lớp giỏi hơn, già hơn hoặc
giàu hơn mà không được hội cử. Thảo trước diễn văn, đưa cô giáo xem lại nhờ sửa chữa, thêm bớt rồi chuyển văn phòng xem qua (thật ra là cô giáo viết cho
gần như toàn bài, chứ khả năng thì ai biết ta hơn ta biết ta!)
Hôm nay là...
show time. Người đầu tiên lên bục đọc, một công chức già, thâm niên, (nghe đồn
là Đổng Lý Văn Phòng cho một bộ nào đó) oai nghiêm và lịch lãm khoác bộ đồ lớn
hợp thời trang, kế tiếp một cô giáo sư ở
một trường trung học công lập ở Gia định trong một bộ áo dài Việt nam quý phái,
kế đến một nữ quân nhân trong quân phục chỉnh tề, trên mỗi vai điểm một bông mai vàng sáng choé, hãnh diện là con cháu
bà Trưng bà Triệu của Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến. Ai nấy cầm diễn văn và đọc Anh Văn qua giọng mũi, giọng tây ro ro như chim hót và cũng được cả hội trường
vỗ tay ào ào tán thưởng.
Và giờ là đến phiên “chàng”, trẻ măng, má còn muốn búng
ra sữa, mặc bồ đồ hướng đạo (mượn của anh chủ nhà) lên bục, chào hội trường (cũng
theo kiểu hướng đạo), và ladies & gentlemen, vừa nói thì tay mở túi áo lấy
bài đít cua ra chuẩn bị... đọc. Thò bàn tay ngọc, thọc bàn tay ngà, mò tất cả túi hò lẫn túi xê thế mà không tìm ra được
bài "đít cua" ấy đã chạy trốn ờ đâu, ở túi nào! Thôi chết rồi, thật là
tai hại bạc triệu, lấy gì đây mà tía lia với cả hội trường gốm đủ bá quan văn võ cùng học viên trong hội giờ đây? Cô giáo hướng dẫn ngồi phiá duới mặt mày cũng
xanh lét, hồi hộp, lo lắng, không biết phải xử trí làm sao khi trông thấy cậu học
trò cưng và tín nhiệm của mình đang trong tư thế... việt vị! Túng phải tính chứ
biết làm gì chừ đây? Thôi, để câu giờ,
lúng túng và ngập ngừng lập lại “ladies and gentlemen” lần nữa (!) sorry, sorry, speech của tôi đã đưa
cho cô giáo sửa chữa gìùm nhưng hình như chưa trả lại tôi hay sao đó, thôi, xin
phép được bày tỏ cảm tưởng, hiểu biết gì xin nói nấy chứ không tìm ra được giấy
để đọc! Hy vọng qúy vị cũng cùng chấp nhận cho.
Thế là anh ba bắt đấu cho nổ máy,
thao thao bất tuyệt, chắc có ai hay nghi ngờ cho là anh đang mở chốt lựu đạn để “nổ”, không, anh đã bỏ ra ba đêm
liền, học thuôc lòng, không thừa thiếu một
chữ, và còn đứng trước gương soi ở nhà để tự trả bài, dượt đi dượt lại, lâu lâu ngập ngừng một chút như đang tìm vần, tìm ý để diễn tả những điều
gì muốn trình bày... “ thưa qúy bà và qúy ông, sáu tháng trước đây, khi đến hội nhập với VA A này, tôi không có một đồng xu dính túi, một tiếng Mỹ nào để đàm thoại với
giám đốc, với nhân viên văn phòng, với qúy thầy cô giáo qúy mến hiện diện. Hôm
nay, hôm nay, dưới những tàn cây bóng mát này, trước tòa nhà nguy nga của hội, tôi nghĩ,
tôi hy vọng có thể bàn thảo một vài
chuyện trên trời cũng như dưới đất, chuyện bên Tàu, bên Mỹ, hoặc, nào chúng ta
hãy cùng thử bàn về Clark Gable cho vui,
xem sao! Bảo đảm, khỏi cần cầm đít cua để
đọc, phải thế không thưa ông giám đốc và thưa qúy vi?...” (Vị GĐ sau này là bộ trưởng bộ ngoại giao của
CP Reagan). Công lao ấy là nhờ ai? Hỏi tức là đã trả lời... Xin cám ơn tất cả đã
lắng nghe”.
Cô giáo ruột, khá đep, cao ráo, vợ của một Trung úy trẻ hải quân Mỹ,
theo chồng qua Viêt nam, lần đầu tiên cấn thai với bầu vú căng sửa, cái bụng... chang bang mang
cái thúng úp ngược gần ngày sinh nở đã...
lè è từ phiá dưới hàng thính giả, tự động ráng chạy u một mạch lên bục ôm “hug” cậu
học trò một cái quá mạnh làm anh ba cũng cảm thấy, sao mà... lấn cấn!
Vinh
ở đó (tạm cho là vinh đi), ở Mạc đỉnh Chi, và nhục cũng gần đó, trên con đường mang
tên Massiges này!
Học
ở đó, trong giờ ra chơi, thường ưa ra đường
nói chuyện, tán dốc, xem xe cộ cùng người qua kẻ lại v. v. Thường ra góc Mạc đỉnh Chi – Phan đình Phùng, không xa Hội
lắm, có gì khi nghe chuông reo có thể chạy về lớp kịp. Hôm đó đứng nói chuyện
thì gặp một cô gái trẻ tay xách “gà mèn” nhôm, hình như đi mua thức ăn sáng, đi đi lại lại và cúi mặt nhìn quanh dưới đường
như đang muốn tìm một cái gì đó. Anh ba cũng ngó xuống đất, thấy tờ bạc 100 đồng
ở dưới đường trên đám cỏ, chắc là cô ấy đang làm rớt tiền nên cố đi tìm lại.
Anh ba nhẹ nhàng chuyển bộ, nhích lại chút xíu cho gần, xong lấy chân giẫm lên và đè nhanh che kín tờ bạc! Đi ngang chỗ của
tụi này đang đứng, cô bé với giọng nói thiểu não, hỏi bâng quơ: “mấy anh mấy
chú nãy giờ đúng đây có thấy tiền của con làm rớt đâu đây không? chết rồi, vừa
thút thí khóc vừa tự than, “về nhà mợ sẽ
đánh chết”... Cô ấy tiếp tục đi tìm, còn anh ba (phải nói là thằng cảnh này thì đúng
hơn) đang đứng dậm chân tại chỗ vì dưới đế của chiếc xăng đan cũ xì của tên không có liêm sỉ này đang đè
bẹp tờ giấy trăm của con nhỏ ở đã đánh rơi!
Anh viết đến đây, qua sang năm là chẳn
60 năm rồi, sao mà còn cảm thấy ngượng,
thấy ốt dột, thấy mắc cở, thấy hỗ thẹn với lương tâm quá chừng chừng. Viết ra đây, khác với người
ta hay thiên hạ viết hồi ký chuyên nói chuyện ngon không à, anh đang nói chuyện
của anh, con cái mà có đọc được chắc chúng cũng coi cha nó “không ra cái thớ gì”, nhưng biết làm
sao, sự thật mà, sự thật vẫn là sự thật.
Tiếng chuông báo vào lớp đang rung lên,
nhìn nhanh cô gái ấy thấy đã đi xa, mấy
người đang cùng đứng với anh đã vội vả về lớp, anh cúi nhanh người xuống, nhón
chiếc dép lên, thò tay... đở nhanh và nhẹ tờ bạc, xong gíui ngay vào túi quần, chạy thẳng một mạch vượt qua mấy cầu thang lên lầu năm
cho kịp vào lớp. Đâu thèm để ý gì về bài học, IQ đang bắt đầu nghĩ sẽ tiêu thụ “chiến lợi phẩm” cách nào cho thật tối ưu! Đang nghĩ đến thằng bạn cùng xóm, nhà nó nghèo
lắm, cha mẹ lại đông con, Bắc Kỳ năm tư, rất chịu khó học hành, gia đình luôn cố gắng phấn đấu vượt khó
để vươn cao. Nhà nó ở gần nhà trọ của anh, mỗi lần về nó thường đi vào ngõ hẻm ngang
qua cửa sổ là chỗ anh thường ngồi ăn cơm,
thấy mỗi phần cơm tháng của anh mỗi ngày đều có phần tráng miệng, nó đứng lại tâm
sự, “mày được may mắn có cha mẹ gửi tiền cho ăn học, lại được ăn cơm tháng đem
đến tận nhà, bữa ăn nào tao thấy cũng có
tráng miệng... Còn tao, mày biết sao không, ở nhà chỉ có ông thân là lao động
chính. Ông làm thợ mộc, mỗi ngày về nhà nhiều bữa ông lê chân không muốn nổi. Gia đình cả nhà đều đợi về cùng ăn cơm, mỗi bửa ăn chỉ có rau muông luộc và một
tô lớn nước rau muống với tép chanh. Bảo ông cụ nên ăn với rau, tại sao bố lại
cứ ăn cơm với nuớc rau hoài vậy. Ông trả
lời, bố ăn cơm với nước rau luộc nó quen rồi, lại dễ nuốt, còn rau để dành cho
các con, đang sức lớn và cần có sức để học
hành! Khổ qúa, năn nỉ mãi, ổng cũng không bao giờ ăn rau!” Nghe đến thế anh lại
càng thương nó, sẵn đang ăn trái chuối tráng miệng, anh liền bẻ làm hai, trao
cho nó phần hơi lớn hơn. Nó trả lại, bảo cho nó xin phần nhỏ hơn cũng khá qúy lắm
rồi, và hỏi lại anh: "Tớ cũng thắc mắc tại sao cậu lại đưa tớ phần lớn hơn? - Trong trường hợp của cậu là tớ thì cậu cũng
xữ như thế thôi.
Hai đúa anh bắt đầu thấy thích nhau, mến nhau, kết nghĩa. Trăm
bạc mà anh đã dùng chân để đè nó đã được cất kỹ trong túi, và chiều nay anh sẽ tìm nó và dẫn nó đi ăn phở, món ăn mà nhỏ lớn
giờ nó chưa bao giờ có dịp thưởng thức. Gặp nó, anh liền bảo:
- Hôm nay tao có tiền,
chiều nay tao sẽ bao mày ăn phở Quyền. - Hôm nay giữa tháng, tiền đâu mày có, ba mày gửi
cho thêm à?
- Cứ đi ăn, đừng hỏi lôi thôi.
Anh gọi cho nó một tô xe lửa đặc biệt, có thêm đùm
trứng gà non, và nó xin thêm chút nước béo
và giá trụng (để ăn cho no). Vừa ăn, vừa húp sồn sột, nó vừa hỏi:
- Tiền đâu mày có, lúc này mày theo băng
“nước hẹ” rồi phải không?
– Không, không đời nào, để có dịp tao sẽ kể cho mày
nghe.
Thời gian qua, nó cũng đã thi đậu và làm lớn trong cơ quan thuế vụ của nhà
nuớc, mua xe, tậu nhà, có vợ giàu, con cái hạnh phúc. Gặp anh nó không nhớ tại
sao mời nó ăn phở lúc chúng anh còn nghèo,
nhưng nhắc lại, mày còn nhớ bố tao không, nhờ bố tao cứ mãi ăn cơm với nước rau
muống luộc nên hôm nay tao mới được như thế này! Ý nó muốn nói là TRỜI CÓ MẮT !
Cũng thời gian trôi qua, anh cũng được bổ
dụng làm công chức mà trụ sở chỗ làm việc của anh, như một định mệnh lại ở ngay ngã tư Phan đình Phùng - Mạc đỉnh
Chi. Sáng sáng cố đi làm sớm một tí, đến ăn phở và uống cà phê gần đó, cố gắng
tìm lại xem có gặp được người con gái đã đánh mất 100 đồng mà chủ nhà bảo đi
mua phở, để trả lại món nợ mấy năm về trước. Sau này khi bị gọi động viên vào
quân đội, nhờ có lương sai biệt và tiền thưởng của cơ quan dân sự nên cứ mỗi ba
tháng anh lại ghé sở cũ để lãnh tiền, rũ theo mấy đồng nghiệp trong quân đội đi
ăn nhậu, anh vẫn còn có ý định tìm người con gái năm xưa, hay cũng ghé những quán
ăn gần đó để dò hỏi tin tức chủ quán có để ý thấy nguời con gái ấy không, nhưng
họ cũng chẳng biết và chẳng nhớ.
Qua Mỹ rồi đi cày, nay 80 tuổi trẻ, lãnh được
chút hưu. Mỗi lần nhận được bao thơ viền xanh đỏ từ bên nhà là cầm lòng không đậu, lại phải ứng ra, xỉu xỉu mỗi lần ít lắm cũng 100 đô
gửi trực tiếp cho người nhận để yểm trợ bầu, bí, miếng khi đói... Và, làm như số
tiền phải trả, không gửi cho học sinh nghèo, thì gởi cho thương phế binh, cho
những người neo đơn, người phong cùi của linh mục, những bệnh nhân ung thư gần chết của
các ni sư, nhà thờ, chùa chiền v..v.., gửi mà vui, vì món nợ đã vay năm xưa giờ phải trả lại cũng là chuyện hợp lý,
hợp tình!
Riêng thằng út, qua dây lúc mới
3 tuổi nên nó hành xử khá giống Mỹ, thắc mắc hỏi Ba nó, “sao mà ăn không dám ăn,
xài ba không dám xài, cái cạo râu cùn lâu quá, cũ xì rồi mà ba cũng cứ dùng không chịu mua cái mới, mà sao ba lại cứ gửi tiền trả cho ai mà làm hoài thế”?
- Xưa, Ba đã lở nợ tiền credit card (chứ không phải tiền mua phở!),
nên nay phải trả thôi.
- Nợ nhiều ít, ba trả một lần đi cho xong cho rồi.
- Không
được, cái nợ “đời” này phải ráng trả, hằng tháng, không bao giờ hết, chỉ đến
khi chết mới thôi!
- Hay là như thế này, nó đề nghị, con thấy nhà anh Duy, anh Đạt
và chị Đào thường uống bia, nước ngọt cô
ca, con nói với họ để dành lon không rồi con lấy đem về, con đem bán thêm để phụ
với Ba trả nợ, nhưng Ba phải giúp con là
“lấy chân đạp cho giẹp mấy cái lon không cho nó nhỏ lại để con đem đến recycle
plant khỏi kềnh càng.
- Chà,
có phải mang giày không, hay mang “sandal” (loại dép cũ của ba nó từng sử dụng
hồi mấy nẳm!), hay là dùng chân không để đạp?
Trong
một góc vườn của căn nhà nhỏ ở đất nước người, (anh đặt tên cho nó là “rue
cognac” dịch tiếng Việt là “hẻm ve chai”) cu ki một lão ông tóc bạc, lưng còng,
kiên nhẫn và đều đặn dùng chân đạp cho dẹp cái lon không, rồi cúi mình xuống,
nhanh gọn, thao tác một cách nhuần nhuyển, bốc lượm ngay cái lon dẹp ấy rồi bỏ
thẳng vào trong bao nylon đen lớn chỉ trong chớp mắt. Cám ơn Bề trên, ban cho còn chút
tráng kiện để thực hành rất nhanh nhẹn, gọn đẹp, và rất ư là... chuyên nghiệp! Đó là nhờ học được cái thao tác ở góc Mạc đỉnh Chi, lúc anh cúi nhanh xuống đất lén “chôm tờ rơi” rồi... bỏ túi! Có điều
không còn nhớ, là lúc đó, hồi mấy nẳm ấy mà, đã sử dụng chân trái, hay chân phải
để “ép, đè” lên “nó” cho nên hôm nay mới phải ra nông nổi này!
“C’est
la vie”, kể cũng khá NGỘ , phải không Jen?
Không phải một bông hồng, mà chỉ là một tô canh tập tàng vói nhúm rau đủ
thứ “cải thiện” trong vườn, vài xác tép
bạc hong khô một nắng trong Ngày Lễ Cha, trong căn mobile home, tự đun nấu và
để tự tặng riêng mình, nay đã là cha của những... ba người cha!
Hẹn
Jennifer một dịp khác. Chào thân ái.
hô – ngo.c Oceanside
(tháng sáu, Ngày Lễ Cha)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét