Thăm Vợ Đẻ Trong Đêm
Truyện ngắn của Hoàng Đằng
Đang ở bãi tập, Khán nhận được điện tín: “Vợ sinh. Xin phép về gấp.”
Khán là giáo sư toán trung học, thi hành lệnh động viên, đang thụ huấn khóa sĩ quan pháo binh ở Dục Mỹ, tỉnh Khánh Hòa.
Ở quân trường, nguyên tắc là chỉ cấp phép cuối tuần – từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật – ra Nha Trang, thường cho những khóa sinh có thành tích học tập tốt trong tuần; ngoài ra, không có ngoại lệ gì nữa; tất cả khóa sinh cắm trại 100% để hoàn tất chương trình học ôm đồm, dồn dập. Năm 1962 ấy, “quân giải phóng” và “quân cộng hòa” bắt đầu có những trận đánh lớn; chiến trường cần nhiều sĩ quan tốt nghiệp để bổ sung những tổn thất hàng ngày.
Tuy nhiên, đa số khóa sinh là công chức, cán bộ động viên, tuổi tác không còn non trẻ, vị chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện thông cảm, nhiều lúc nới tay, bỏ qua nguyên tắc, cấp phép vài ba ngày cho những khóa sinh có việc nhà quan trọng như việc tang, việc hôn ...
Khổ nỗi! Nhận ân huệ đó, một vài khóa sinh không biết điều, trễ phép nhiều ngày, việc này làm cho vị chỉ huy trưởng bực mình, trở nên cứng rắn, nguyên tắc.
Trong tình hình đó, việc của Khán lại đến! Quá nôn nóng thấy mặt con, Khán cầm cái điện tín, đánh bạo lên gặp trực tiếp vị chỉ huy trưởng. Trong quân đội, đặc biệt ở quân trường, sửa soạn đi gặp cấp trên không đơn giản chút nào; phức tạp, rườm rà lắm! Quần áo phải ủi thẳng tắp, mũ phải đội thật ngay ngắn, giày phải đánh thật bóng, soi mình được; đến trước mặt cấp trên, phải đứng xa mấy bước trong tư thế như ... trời trồng, đưa tay lên chào, trình diện và nói to lời thỉnh nguyện.
Khán đã làm tất cả những điều ấy nhưng vô ích; vị chỉ huy trưởng, vẻ mặt lạnh lùng, không chấp nhận; lý do đưa ra: một là số khóa sinh đi phép đặc biệt trước không chấp hành kỷ luật quân đội, trở lại đơn vị không đúng hẹn, hai là gần thi tốt nghiệp, không được bỏ sót một giờ học, một buổi tập nào.
Thôi, lệnh cấp trên thì phải chấp hành, biết làm gì hơn! Khán đành đợi đến cuối tuần, họa may có cái phép thường đi xả hơi ở Nha Trang rồi tính chuyện. Cấp chỉ huy các quân trường rất rành tâm sinh lý; khóa sinh là thanh niên, đang tuổi khát khao tình dục, giữ lại trong trại lâu ngày không chừng một số sẽ hóa điên.
Sáng thứ bảy tuần ấy, đánh giá kết quả học tập trong tuần, Khán được xếp loại khá; vậy là quân trường thưởng phép đi Nha Trang một ngày – từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật.
Đầu Khán nóng lên cái ý nghĩ phải về Quảng Trị. Tuy nhiên, đi Quảng Trị bằng cách nào cho trót lọt, làm sao trên đường đi không bị ai ngăn cản, khi trở lại quân trường không bị hình phạt quá nặng, đó là một bài toán nan giải, ông giáo sư dạy toán này phải giải đây.
Phòng ngủ trong quân trường được trang bị từng dãy giường hai tầng; tầng trên một khóa sinh nằm và tầng dưới một khóa sinh nằm. Cách sắp đặt này để tiết kiệm không gian; còn có mục đích gì thêm nữa Khán không biết!
Ở cái giường lầu của Khán, Khán nằm trên và một anh bạn rất thân nằm dưới. Khán đem ý định đi Quảng Trị ra bàn với anh bạn thân ấy.
- Anh cứ đi. Anh ấy khuyên. Mọi việc tôi sẽ sắp xếp để không sĩ quan cán bộ nào biết anh vắng mặt.
- Anh bạn có cách chi mà tài rứa? Khán nóng ruột hỏi vặn.
Anh ấy trình bày tỉ mỉ kế hoạch:
- Hôm nay là thứ bảy, không có điểm danh, điểm diện, mà nếu có, cũng chẳng sao vì anh có phép rồi. Tối mai và những lần sau, khi điểm danh, tôi đứng hàng dưới cùng; đến tên anh, tôi giả giọng hô lớn theo tiếng Huế: “có mặc”. Trong đêm, trên giường anh, tôi sẽ lấy súng, ba lô sắp dài, lấy mền đắp thành hình người nằm ngủ. Thế là xong chuyện. Nhưng ... đừng nấn ná bên vợ lâu ngày, “con ra thì cha vô” chưa nên nha, làm vậy thì hỏng bét mọi chuyện. Chậm lắm là tối thứ hai phải có mặt.
Nghe có lý, Khán yên tâm, ra trại tìm phương tiện về Nha Trang. Thôi, đừng đem theo hành lý gì nặng mà cồng kềnh. Trọ ở Nha Trang, cả đêm Khán không chợp mắt, hình ảnh vợ nhăn mày, nhăn mặt do đau đẻ, hình ảnh đứa con đỏ hỏn hiện ra trong trí ..., Khán nóng ran ruột gan.
Tờ mờ sáng, Khán tới phòng bán vé máy bay ở Nha Trang. Đến giờ làm việc, Khán thấy người bán vé, may ơi là may, một người đã quen trước ở Huế.
- Anh làm gì mà vào đây? Người ấy hỏi.
- Ôi, gấp quá, gấp quá; bán giúp cho một vé về Huế. Khán khẩn khoản nói, quên mất việc chào hỏi xã giao.
- Mình bị động viên vào quân đội, thụ huấn ở Dục Mỹ, có việc cần, việc cần, phải về gấp.
- Vé đi Huế vừa hết. Anh ấy thất vọng nói, bàn tay phải đưa lên gãi đầu. Nhưng xa quê mà ngộ cố tri, chừ mần răng hè? Thôi, anh cứ ngồi chờ xem thử gần đến giờ bay, có ai hoàn vé không.
Nghĩ một chốc, anh ấy hỏi:
- Mà theo quy định, đối với quân nhân, phải có giấy phép mới bán vé. Anh có phép không?
- Có phép đi Nha Trang. Khán bực mình trả lời. Không có phép đi Huế.
Anh ấy lẩm bẩm trong miệng, hai bàn tay xoa lui xoa lại vào nhau:
- Khó hè! Khó Hè!
Thất vọng, Khán năn nỉ pha chút trách móc:
- Vô đây, gặp anh, có việc cần, nhờ anh giúp, mà anh cứ xoa tay gãi óc thì anh em chi hè!
Mủi lòng, anh ấy thả giọng như để an ủi:
- Thôi được ... Nhưng đến giờ phút chót không ai trả vé thì mình cũng chịu nghe.
Khán ngồi ở cái ghế dài nơi phòng vé, mắt cứ nhìn ra đường như thử đang chờ đợi ai, tai cứ ngỡ: lúc thì đang nghe tiếng gọi của người bán vé, lúc thì đang nghe tiếng trẻ khóc oa oa. Rồi phòng vé đông người vào ra, tiếng nói chuyện, tiếng đằng hắng, tiếng guốc giày nện lộp cộp trên nền xi-măng làm cho trí óc Khán bớt tập trung vào việc về quê.
- Anh Khán tới nộp tiền lấy vé, đi nhanh, máy bay sắp cất cánh rồi. Người bán vé lên tiếng gọi, giọng vui hẳn lên. May quá anh Khán ơi! Vừa có một hành khách gọi tới, xin đổi chỗ sang chuyến bay ngày mai. Chi mô mà lo, tôi giúp được anh rồi nghe. Nhưng bán vé cho quân nhân mà không có phép, nếu phát hiện ra, không biết tôi sẽ chịu kỷ luật gì đây.
Không kịp nói lời cảm ơn với anh bạn ấy, Khán tìm phương tiện đi gấp tới sân bay. Ở sân bay, một sĩ quan quân cảnh đang soát giấy phép quân nhân trước khi cho ra sân lên máy bay; Khán không có phép hợp lệ, nghĩ trong bụng thế nào cũng sẽ bị chận lại; vì vậy, Khán sắp mẹo: chờ tất cả hành khách trên chuyến bay lập thủ tục lên máy bay xong, Khán mới đến bàn kiểm soát.
- Ai tên Nguyễn Khán... nhận lại vé và giấy tờ trở về quân trường. Vị trung úy quân cảnh ra lệnh. Tại sao giấy phép chỉ cho đi Nha Trang mà lại lên máy bay đi Huế?
Vị trung úy này kỹ quá, Khán không thể lợi dụng sự vội vàng để qua mặt. Trên mình đang khoác áo quần dân sự, Khán vẫn đứng nghiêm, đưa tay lên chào kiểu nhà binh, động tác này đã được nhập tâm sau mấy tháng quân trường; Khán trình diện và giải bày lý do:
- Vợ tôi sinh con, nhà hiện đơn chiếc, cha mẹ hai bên đều ở xa, xin trung úy thông cảm. Nếu trung úy ở hoàn cảnh tôi, trung úy chắc cũng không thể làm khác hơn. Tôi vốn là thầy giáo, nghĩa là người mẫu mực, mô phạm, nếu tôi có trễ phép, nhiều lắm cũng chỉ một ngày.
Chiếc loa của sân bay cứ oang oang: “Máy bay đã đến giờ cất cánh, yêu cầu hành khách Nguyễn Khán lên máy bay gấp!”
Mạch máu Khán giần giật; tim Khán đập mạnh; trí Khán miên man. May thay, không biết vì lý do gì, viên trung úy trở nên có tình cảm.
- Thôi, anh ra sân bay. Viên trung úy nhỏ nhẹ nói. Chúc mừng anh có cháu bé. Gửi lời chúc chị ăn ngon cơm để có nhiều sữa cho cháu bú. Nhưng nhớ đừng trễ phép nhiều nha!
Khán về đến nhà ở Quảng Trị; trời sắp tối; con chó ngồi trước cửa sủa vang, mặt gầm gừ, rồi nhận ra Khán, nó thay đổi thái độ, cúi đầu xuống hôn quần Khán, ngoắt đuôi lia lịa, nhảy chồm lên, đưa hai chân trước vuốt ve má Khán. Nó xa Khán lâu ngày, nhớ, nay gặp lại ... mừng.
Trên chiếc giường tre – chiếc giường rẻ tiền sắm riêng cho người “nằm nơi”, hết thời gian ở cữ sẽ vất đi – vợ Khán nằm nghiêng, xoay lưng ra ngoài, xoay mặt vào trong, đang ấp bé sơ sinh. Nghe tiếng động, vợ Khán ngoái cổ nhìn ra; Khán vén chiếc màn xanh che căn buồng bước vào, mắt Khán cay cay, còn vợ Khán hai mắt rần đỏ, mấy giọt nước mắt ứa ra ... lăn; thay vì chảy xuống má, những giọt từ mắt trên vượt qua sống mũi, nhập vào những giọt ở mắt dưới, rồi cùng nhau rơi xuống giường. Đó là những giọt nước mắt vừa mừng vừa tủi; mừng chồng đã về; tủi phải cắn răng chịu một mình những cơn đau quái ác trong thời gian chuyển bụng không có người xẻ chia. Khán làm một cử chỉ an ủi vụng về: sờ tay lên má vợ, xoa nhẹ lên hai mắt, ngồi xuống bên giường, ngoái đầu vào ngắm con.
- Em nì, con bé “dễ ghét” dữ hi! Khán thỏ thẻ với vợ.
Rồi âu yếm nói tiếp:
- Em xem thử con giống chúng ta: em mấy mươi phần trăm, anh mấy mươi phần trăm?
Vợ Khán tươi hẳn lên. Có lẽ để Khán yên tâm, vợ Khán mỉm cười trả lời:
- Nì, xem nì, con giống anh đến 70%, giống em chỉ 30% thôi.
Khán cười, cúi đầu xuống hôn lên trán vợ; nụ cười và cái hôn của Khán mang ý nghĩa thỏa hiệp với nhận xét của vợ.
Đêm đó, Khán kê cái ghế dài ngủ gần bên giường vợ, nói là để ngủ, nhưng Khán có ngủ được gì đâu. Cái ghế quá chật không cho Khán trở mình. Lòng Khán mang nhiều trạng thái: mừng vui được về gần vợ, gần con; hồi hộp vì nằm bên vợ sau bảy tháng trời xa vắng và nhịn nín. Nhưng biết làm sao, vợ Khán còn “ở cữ” mà!
Bốn giờ sáng, trời Quảng Trị đầu đông, bên ngoài còn tối, mưa rơi rả rích, gió bấc thổi từng luồng lung lay các tàu lá chuối nhìn mờ mờ qua khung cửa kính. Khán bận lại quần áo. Vợ Khán ôm mặt khóc, Khán khóc theo. Khán đưa tay bật nhẹ chiếc máy hát. Giọng ca sĩ Duy Khánh ngân lên du dương: “Tám giờ đi lại thêm tám giờ về, thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi, ta đưa nhau đến đỉnh tuyệt vời ...” Anh lính trong bài hát được 24 giờ phép về thăm vợ để chăn gối, còn Khán, anh lính chuồn về thăm vợ đẻ, bỏ ra một ngày một đêm – từ chiều thứ bảy đến tối chủ nhật – để về, nay ra đi chưa biết mất bao nhiêu thời giờ. Khán và vợ Khán tự dưng khóc òa. Nghe tiếng động, bé thức giấc ... oa oa. Tiếng con gái tiễn đưa ba trở lại đơn vị trong thời chiến là thế đó!
Khán hé cửa bước ra, rồi trở vào ... đóng lại, cứ vậy không biết bao nhiêu lần trước khi có hành động dứt khoát. Ấy là sáng thứ hai. Khán đã trễ phép một đêm. Chiếc xe đò đưa Khán đến Huế. Trời chưa sáng hẳn. Hai bên đường, trong những túp lều tranh nằm lác đác, qua lỗ hỏng của các bức phên, ánh lửa đã bập bùng trong bếp. Nông dân đang chuẩn bị cho một ngày mới.
Khán lại đến phòng bán vé máy bay. Bây giờ trời đã sáng hẳn. Khán hỏi mua vé đi Nha Trang. Oái oăm thay! Lại hết vé.
Trên đường, từng đoàn học sinh cỡi xe đạp đến trường, hàng năm hàng bảy, khung trời kỷ niệm lại hiện về, Khán lẩm bẩm một mình: “Ước gì ...”
Mọi người hối hả tới văn phòng, công sở, chợ búa ..., Khán trở về với thực tại, tưởng tượng ở quân trường chắc đang tập họp điểm danh.
Người bán vé khuyên cứ ngồi đợi, hy vọng may ra đi được vé chờ. Một giờ trôi qua là một giờ Khán không có mặt ở đơn vị, không có mặt ở bãi tập. Những hình phạt quen thuốc: hít đất, nhảy xổm, dã chiến ... đang đợi Khán; rồi còn kết quả kỳ thi cuối khóa sẽ ra sao đây, chả lẽ từng làm giáo sư trung học mà thi rớt để ra trung sĩ. Cái nhục không phải ở chức vụ, cấp bậc mà là cái đoán già đoán non của ba quân thiên hạ rằng mình thiếu khả năng.
Bên ngoài, trời mưa lớn; giờ cất cánh của máy bay vừa được thông báo hoãn; chuyến bay đi Nha Trang lúc 11 giờ sáng phải hoãn lại đến 3 giờ chiều.
Hai giờ chiều, Khán được gọi đến bàn lấy vé; một hành khách nào đó hủy chỗ trên chuyến bay, có lẽ người ấy sợ trời xấu máy bay rớt (!). Vậy mà Khán gặp may, có chỗ để thay vào.
Ba giờ chiều, máy bay lao lên không trung giữa mưa to gió lớn, luồn mình vào giữa những tầng mây chằng chịt, đen ngòm, thỉnh thoảng đang bay, tụt mạnh một cái; lòng ruột trong người Khán lộn lên nhào xuống. Khán nóng ruột, cứ kéo tay áo, đưa mắt nhìn vào đồng hồ. Ũa! Đã qua hai giờ bay mà sao không thấy máy bay đáp. Có chuyện gì trục trặc chăng? Những suy nghĩ xấu xa hiện về trong đầu. Lỡ mà máy bay rớt, mình mất xác tan thây, còn vợ mới sinh non ngày, non tháng, con thơ chưa biết nhìn rõ mặt cha, tội nghiệp quá! Mình chết thì yên phận, nhưng tương lai vợ con sẽ ra sao đây. Bên ngoài cửa sổ máy bay, những giọt mưa đập mạnh vào kính, rồi tạo thành những dòng chảy khác chi những dòng nước mắt lăn nhanh trên má của một thiếu phụ đang khóc òa. Trời tối mờ mờ. Một tiếng “rạt” khiếp hồn. Ồ! Máy bay đã hạ cánh. Thế là tử thần đã biến đi. Nhưng... chưa biết sân bay nào đây. Máy bay chạy hết đường băng quành lại trước nhà ga; hú hồn! Sân bay Nha Trang. Hành khách lũ lượt xuống máy bay, cô tiếp viên đứng ở cầu thang, nói nhỏ: “Vì thời tiết xấu, máy bay định đi thẳng Sài Gòn, nhưng tính số lượng xăng không đủ, đành tìm mọi cách có thể để hạ cánh. May mắn là an toàn.”
Đồng hồ... kim chỉ sáu giờ. Tỉnh Khánh Hòa đang lũ lụt. Đường lên Dục Mỹ, những chuyến xe thường ngày không chạy. Không chần chừ nữa, Khán cùng với khoảng 10 người đành bao xe đi. Xe chạy rất chậm, đặc biệt qua những đoạn đường nước ngập chảy xiết. Đây đó, một số người phủ mình trong chiếc áo tơi lá, thả rớ, cất cớ, được cá, reo hò ồn vang. Xe đến Lương Sơn cách Dục Mỹ khoảng 15 km, nước ngập sâu không đi được. Khách phải xuống xe nửa đường, nhưng tiền phải chịu trả cả; do thiên tai, chứ ai muốn chở nửa chừng! Không lẽ ngồi đây, Khán rủ thêm người thuê ghe đi tiếp. Trời tối đen, gió thổi ngược chiều, nước chảy ngược chiều, ghe quanh qua quẩn lại giữa vùng nước mênh mông, bến bờ không thấy, không biết mình ở đâu. Chung quanh, rền vang tiếng côn trùng như tiếng ma quỷ gọi nhau trong đêm khuya. Ai nấy nổi da gà, run cầm cập. Đêm hôm lỡ ghe bị lật, ai biết mà cứu! Xác sẽ trôi mất tới phương nào. Cái sợ càng tăng lên khi nghĩ dại: nếu người điều khiển ghe là người của cách mạng, biết mình là lính, anh ta chở mình vào vùng giải phóng, cách mạng sẽ xử mình sao đây. Trong lúc tâm thần bấn loạn, tiếng vợ khóc òa và tiếng bé oa oa hồi sáng sớm khi chia tay lại vọng về; phải chăng đó là điềm báo vợ con khóc than tiễn mình vào cõi chết. Khán rùng mình, run lập cập.
10 giờ đêm. Ghe vào bờ. Người chủ ghe cho biết còn hơn 10 cây số nữa mới đến Dục Mỹ. Làm sao đi Dục Mỹ đây? Ngủ lại nơi này không ổn. Ở thôn quê, thông thường giờ này người ta đã đi ngủ lâu rồi, huống gì đêm nay trời mưa lụt. Không quen, đâu dám gõ cửa nhà ai, chưa nói chi thời buổi chiến tranh, an ninh không bảo đảm. Đứng bên bờ nước, cứ tiếc sao không ở lại Nha Trang, chờ sáng hãy hay. Biết ý, người chủ ghe tình nguyện đi kiếm giùm xe ngựa.
Con ngựa cúi đầu chạy, thùng xe kéo theo sau kêu lộc cộc trong đêm khuya; tiếng lộc cộc ấy gợi Khán nhớ lại tiếng sênh của ông cai điều khiển đội âm công gánh quan tài người chết đến nơi huyệt mộ. Đang nghĩ bậy bạ, Khán thấy mờ xa... một toán người đang đứng dàn hàng ngang, chận đường. Tới gần, mới vỡ lẽ: một cành cây do nước mưa kéo trĩu xuống, vắt ngang qua đường.
Cuối cùng Khán cũng đến được trung tâm huấn luyện Dục Mỹ. Đã 12 giờ đêm. Chiếc áo poncho, mặc dù rất kín, không thể che khô nổi bộ quần áo vượt đường trường mưa gió quá lâu. Tới cổng trại, Khán trình diện xin vào, anh lính gác chặn lại, không cho, lý do là lệnh cấp trên: Ban đêm nội bất xuất, ngoại bất nhập. Năn nỉ một hồi lâu không kết quả. Đứng bên trạm gác, từng cơn lạnh luồn dọc thân thể, bỗng Khán nhớ: Khi tới Huế có mua gói trà Mai Hạc và mấy gói mè xửng hiện còn trong xách.
- Đứng chờ sáng, lâu quá. Khán nói với anh lính gác. Cái rechaud đâu anh cho mượn, tôi muốn đun nước chế trà chúng ta uống và nhấm nhí ít kẹo mè xửng tôi có trong xách cho đỡ lạnh.
Nghe nói ăn bữa khuya, anh lính gác sáng mắt; không đợi Khán, anh lăng xăng tự đun nước lấy. Nhờ bữa trà khuya ấy, Khán và anh lính gác trở nên thân với nhau và rồi anh lính gác thông cảm, bỏ qua quy định của cấp trên, cho Khán vào trại giữa đêm khuya.
Khán lẻn vào phòng, tìm tới giường, thấy một người đang đắp mền nằm ngủ. Khán hết sức kinh ngạc, giật mình lùi lại do phản ứng tự vệ. Bình tỉnh lại, Khán đưa tay vén nhẹ chiếc mền, chiếc súng Garant M1 đặt nằm dài tạo chân và thân của một con người, cái gối vắt ngang làm lồng ngực, cái mũ sắt tạo dáng cái đầu. Ôi! Người bạn cùng giường của Khán quá khéo tay.
Anh bạn Khán đang nằm, thức dậy, giọng ngái ngủ:
- Anh mới vào, anh Khán. Chị và cháu khỏe chứ? Sĩ quan Cán bộ chưa ai biết anh vắng trại.
- Cảm ơn bạn nhiều. Khán cảm động nói. Mọi việc đều tốt: việc ở nhà và việc ở đơn vị. Thôi, sáng mai chúng ta sẽ có nhiều thời giờ nói chuyện với nhau. Giờ khuya quá rồi, chúng ta hãy ngủ một chút.
Khán đánh một giấc ngon cho đến lúc hồi kèn tập họp buổi sáng thức dậy. Trời đã tạnh ráo. Gió mát mơn man trên má Khán. Về phía biển, một vệt màu đỏ xuất hiện ở chân trời, báo hiệu bắt đầu từ hôm nay – thứ ba – trời sẽ nắng ấm.
Ngoài kia, nơi quê nhà, vợ con Khán sẽ chịu rét mỗi ngày mỗi thêm – mùa đông đang dần tới.
Mùa xuân năm Mậu Tý (2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét