Nan Giải
Truyện ngắn của Hoàng Đằng
Truyện ngắn của Hoàng Đằng
Tháng 2, tháng 3 Âm Lịch ở vùng này là mùa “được biển”, dù biển đã ít cá so với ngày xưa.
Lý do cá ít đi, dễ hiểu thôi! Người càng đông lên thì lượng tiêu thụ cá càng nhiều; ngư cụ tối tân đi qua chỗ nào vét hết cá cả lớn lẫn bé từng mẻ lớn ở chỗ đó; lại thêm, một số ngư dân thiếu ý thức đánh bắt bằng những phương tiện hủy diệt – đánh mìn, sử dụng chất nổ; chưa nói đến sự sinh sản của cá bị hạn chế do nước biển ô nhiễm càng ngày càng nặng mà con người gây ra trong quá trình công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, biển vẫn là nguồn sống quan trọng đối với con người, đặc biệt đối với ngư dân; “đi khơi” hay “đi lộng”, tàu thuyền mỗi lần vào bến là có cá, tôm, mực… nghĩa là là ngư dân có thu nhập, mà có thu nhập thì có tiêu pha. Vào mùa “trời yên, biển lặng”, ở vùng ven biển, hoạt động kinh tế rất mạnh: đánh bắt, buôn bán, chế biến hải sản, dịch vụ du lịch …
Mùa “được biển” nào, mụ Tài cũng kiếm được nhiều tiền để chi tiêu việc gia đình cả năm. Năm nay, mụ cố gắng đạt mức thu nhập trội hơn mấy năm trước mong trang trải đủ những chi tiêu dồn từ năm ngoái qua.
Năm ngoái, mụ đã cho sơn quét lại nhà cửa, mua sắm thêm một ít đồ đạc bày biện trong nhà tổ chức lễ cưới cho đứa con gái. Mụ nói: “Quen sợ dạ, lạ sợ bề ngoài”; nhà cửa phải khang trang, phía thông nghị mới khỏi xem thường.
Đầu năm nay, đứa con gái sinh cháu ngoại; mụ xin bên thông gia đem về nuôi sinh. Việc ấy là trách nhiệm của mọi bà mẹ, mụ Tài phải làm tròn, một phần vì thương con, một phần vì tập tục: “Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”. Dầu vậy, mụ không đích thân làm được mọi chuyện; cả ngày bận chạy chợ, lo buôn lo bán, mụ phải thuê một phụ nữ già dặn tới xông phây, giặt giũ, chăm sóc con gái và cháu ngoại; mỗi tháng mụ phải trả tiền lương cho người phụ nữ ấy, số tiền không phải nhỏ. Con gái người ta lấy chồng gần, mẹ đẻ chỉ nuôi sinh 3 tháng 10 ngày – thời gian cần cho sản phụ sinh con đầu lòng cứng chân cứng tay hết phong long để về với chồng, con gái mụ lấy chồng xa, thành thử mụ có ý định nuôi đủ 4 tháng.
Việc chi tiêu cứ ba dồn bốn dập; cách đây hơn tháng, chồng mụ cảm thấy mệt trong ngực, khó thở, chóng mặt, mụ phải xây chạy một số tiền khá lớn để chồng vào Sài Gòn, trước là chữa bệnh, sau thăm một số bà con ở đó luôn thể.
Mụ một mình xoay xở trong mấy tháng này làm sao có thu nhập khá, hy vọng lấp bằng các hố chi tiêu trên. Khổ nỗi, “mưu sự tại nhân” mà “thành sự tại thiên”.
Mụ Tài vốn không phải là dân miền biển; mụ sinh ra và lớn lên từ một gia đình nông nghiệp ở một làng quê biển cách 20 cây số.
25 năm trước, o con gái mới lớn tên Tài, ngày ngày xuống ruộng lên cồn tập trồng trọt, thu hoạch nông sản với bố mẹ. Cạnh làng, có một đồn “quân đội nhân dân Việt Nam”; ở đó, một anh lính độc thân đang thi hành nghĩa vụ quân sự; o và anh quen nhau. Rồi đồng đội của anh khuyến khích, cha mẹ hai bên gặp nhau, đồng ý; o và anh xây dựng hôn nhân, nên vợ thành chồng.
Ngày đưa o Tài về nhà chồng, đoàn đưa dâu qua nhiều làng mạc rợp bóng tre xanh nằm rải rác giữa những cánh đồng lúa non mơn mởn đang thì con gái, rồi trèo lên những đôộng cát trải dài ven biển. Làng chồng o ở đó; mấy xóm nhà tôn nằm phơi giữa nắng, không một bóng cây, chỉ cát và cát; trời đang trưa, nắng lòa cả mắt; may là thỉnh thoảng có những luồng gió từ biển thổi vào mang theo hơi mát át bớt hơi nóng!
Trong đoàn đưa dâu, quên để ý đến chuyện nhà trai có thể nghe rồi không vui, một bà dì buột miệng:
- Con Tài nhà miềng ra lấy dôông đây, biết mần chi mà ăn hè! Đi biển chưa quen, đất đai trồng trọt không có, khổ rồi, khổ rồi! Tài ơi!
Có người còn ngâm nga câu ca dao, nửa trêu chọc, nửa giúp vui:
Mẹ già muốn ăn cá thu
Gả con về biển biệt mù tăm hơi.
O Tài nghe mà ngao ngán, buồn lắm! Khi chú bác cô dì trong đoàn đưa dâu tạm biệt ra về, o Tài chảy hai hàng nước mắt ròng ròng, phấn son trang điểm trên mặt loang ra, nhòe nhoẹt. Một ông chú cầm tay o Tài an ủi, vỗ về:
- Cực hay sướng, giàu hay nghèo là do số Trời định, cháu ạ! Cháu cứ hy vọng ở tương lai, hơn nữa: “Lấy chồng thì phải theo chồng; chồng vô hang rắn hang rồng phải vô”; không ai cưỡng luật ấy được …
Mấy ngày sau, o Tài được chồng dắt dạo một vòng quanh vùng. Đến bến thuyền đánh cá trở về, o Tài thấy giá cá ở đây và giá ở chợ quê o có mức chênh lệch đáng kể, o nảy ra ý định làm nghề buôn cá. Với nghề này, o hy vọng có thu nhập đều đặn và có dịp gặp lại bố mẹ, anh chị em ruột của mình thường xuyên vì o vô, ra chợ hàng ngày; đâu đến nỗi “lấy chồng miền biển biệt mù tăm hơi” như người ta nói! .
Mỗi sáng, o dậy sớm, ra bến đón tàu thuyền vào, mua cá, gánh lên đường quốc lộ cách đó khoảng 3 cây số, đón xe vào chợ bán lại. Ban đầu, o buôn số lượng cá ít, càng về sau số lượng càng nhiều.
Từ một nông dân, o trở thành người buôn cá chuyến.
Khi còn là nông dân tập sự, o thấy chung quanh mình nông vụ xong, người ta nghỉ ngơi thoải mái, không bận tâm gì; ai cũng đinh ninh rằng cái ăn, cái tiêu sẽ có thu hoạch mùa vụ lo. Giờ đã là thương nhân – dù chỉ là tiểu thương, o luôn đặt mình trong tình trạng bận rộn. Tay tiếp xúc nhiều với tiền bạc, óc nhiễm dần thói ham tiền; tiền vào rồi vẫn muốn tiền vào nữa, không biết mấy cho vừa. Cái muốn của o không đáy; hèn chi người xưa có câu: “Phi thương bất phú” (Không buôn thì không giàu), đúng quá đi thôi!
Nông dân dễ tự mãn, dễ bằng lòng với số phận, “tri túc tiện túc”, còn thương nhân không biết tự mãn, đồng tiền hối thúc họ mãi tiến bước.
O thấy rằng nếu chỉ buôn cá chuyến đi, còn chuyến về quang gánh để không, uổng quá - uổng công, uổng tiền xe và uổng thời gian. O nảy ra sáng kiến: đi chuyến vào là tôm cá mực, đi chuyến ra là hàng tạp hóa; o sẽ tranh thủ chiều tối bán lẻ các nhu yếu phẩm cho dân làng, kiếm thêm thu nhập. O biến sáng kiến ấy thành hiện thực ngay; o làm việc quần quật không những cả ngày, mà còn thâm qua đêm; mỗi lần có dịp nghĩ đến câu nói của bà dì: “Cháu Tài sợ không biết mần chi mà ăn!”, o, mỉm cười thầm, vẻ tự đắc. Người đời hay nói: “Cái khó bó cái khôn”, trường hợp o Tài thì khác: “Cái khó ló cái khôn”.
Xong nghĩa vụ quân sự, chồng o ra quân. Buổi đầu, “đi bạn” theo tàu đánh bắt xa bờ của một người bà con. Mỗi chuyến đi kéo dài nhiều ngày; vợ chồng ít dịp gần nhau, chồng đi xa, vợ lo lắng, không an tâm.
Dạo này, bão tố bất ngờ do khí hậu thay đổi; lại thêm, tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của nước ta; tàu đánh cá xa bờ của dân ta, dù chỉ hoạt động trong ngư trường truyền thống, vẫn bị tàu thuyền Trung Quốc ức hiếp: khi thì tịch thu sản phẩm, khi thì cắt phá ngư cụ, khi thì đâm chìm tàu, khi thì đánh đập, thậm chí bắn giết ngư dân.
Nghĩ chồng “đi bạn” không ổn, o Tài sắm một chiếc xe máy. Chồng o không đi biển nữa; hàng ngày, chồng “lai” vợ trên chiếc mô tô, sáng mấy pa-ni-e hải sản vào chợ, chiều mấy thùng hàng tạp hóa về nhà. Theo truyền thông của Nhà Nước, mỗi ngư dân là một chiến sĩ giữ chủ quyền biển đảo, mỗi con tàu đánh bắt xa bờ là một cột mốc khẳng định biên giới quốc gia. Chồng o Tài lên bờ, thế là Nhà Nước mất đi một chiến sĩ. Cái chung thì mất nhưng cái riêng thì được; chồng bên vợ, vợ bên chồng, rồi chẳng bao lâu sau hai vợ chồng sinh được một con gái; có hạnh phúc nào hơn!
Hai ôông mụ nay đã cao tuổi. Năm ngoái, đứa con gái tốt nghiệp ngành ngân hàng, ra trường kiếm được việc làm, lấy chồng là viên chức nhà nước. Đời họ như thế đang “thuận buồm xuôi gió”. Nhưng ở đời, ai biết được “chữ ngờ”, đời là bất trắc, vô thường, khiến ôông mụ hiện tại lâm vào tình thế nan giải.
Đầu tháng 4 năm nay (2016), từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, cá chết hàng loạt trôi dạt trắng bờ. TV nói cá chết vì nhiễm độc chất trong nước biển; độc chất do ai thải ra thì Nhà Nước đang tìm, chưa “nắm được tay, vày được cánh” thủ phạm.
Hôm trước, ông chồng nằm bệnh viện từ Sài Gòn điện thoại ra nói với mụ dư luận trong ấy bàn tán thủ phạm chính là nhà máy Phóc-mô-xa phóc-mô-xiếc gì đó ngoài Vũng Áng, Hà Tĩnh. Nghe vậy, mụ rùng mình, vừa mắng vừa giải bày với ông:
- Ba mi đừng nghe dư luận rồi nói lại với người này người khác mà nguy cho bản thân và gia đình chừ! Nhà Nước nói chưa có chứng cớ gì để kết luận việc xả thải của Phóc-mô-xa có liên hệ với cá chết. Phải tin theo Nhà Nước! Ba mi có nghe ai nói chi khác thì nghe mô bỏ đó; đừng nói chuyền mà bị quy tội tuyên truyền chống phá Nhà Nước. Họ chỉ cần giữ ba mi một ngày là tui phải bới cơm, khổ rồi. Mà ba mi coi, việc nhà mình giai đoạn này đang búi xờm xờm. Mệ nằm một chỗ đầu giường kìa! Cái chị tới giúp nuôi con sinh cháu hôm qua bỏ về rồi, chỉ vì chị mượn tiền trước mà tui chưa có sẵn; ba mi thì ở xa, một mình tui cáng đáng cả trăm thứ việc mà trong lưng không còn một xu; chưa có khi mô mà cực như chừ! Ba mi nhớ những điều tui nói mà giữ thân nghen!
Gần một tháng rồi, cả cộng đồng ở đây có vẻ như ngưng sinh hoạt. Nghe cá nhiễm độc, người ta không ăn cá; không ăn thì người ta không mua; tàu thuyền nằm bến vì ra khơi đánh bắt, sản phẩm về không biết bán cho ai; không lao động, không thu nhập; không thu nhập thì không chi tiêu.
Hôm qua, hôm kia, nghe Nhà Nước có chủ trương cứu trợ gạo cho ngư dân và thu mua sản phẩm của các tàu đánh bắt xa bờ về bến. Gia đình mụ Tài không phải là ngư dân, nên mụ chắc chắn không được trợ cấp; Nhà Nước có thu mua tôm cá, gia đình mụ vẫn không hưởng lợi được gì vì gia đình mụ không đi đánh bắt xa bờ, Hồi tối, mụ nằm nghĩ miên man rồi nảy ra ý định, thôi thì đem gia đình vào quê mụ định cư, buôn thúng bán mẹt gì đó sống qua ngày, chờ chết là hết đời. Tuy nhiên, lập lại cơ ngơi khác đâu phải là chuyện dễ! Quê mụ đang trên đà đô thị hóa; đồng ruộng đang san lấp để phân lô bán cho ai có nhu cầu xây dựng nhà cửa, mỗi lô diện tích khoảng 100 m2 có giá trên dưới 500 triệu đồng, rồi còn thêm chi phí làm nhà, tốn cả tỉ bạc, mụ mần răng có được! Tiền bạc đã khó, thái độ của bà mẹ chồng còn khó hơn. Mới thoáng nghe mụ Tài tâm tình kế hoạch với con gái đang ấp cháu đầu này nhà, bà mẹ chồng gần 100 tuổi nằm giường đầu kia nhà, thều thào tiếng được tiếng mất:
- Tau sống ở đây với làng xóm tau thôi, đừng đem tau đi mô mà chết đường chết sá. Tau sống ở đây để chết thì chôn bên cạnh mộ bọ bây thôi.
Mụ Tài thở dài, vật mình xuống giường; bên ngoài, màn tối đã buông xuống. Mụ nhắm mắt lại, nhưng giấc ngủ không thể nào đến được. Những đợt sóng từ ngoài biển khơi dội vào bờ tạo ra âm thanh “ầm”, “ầm”, “ào, “ào” đập vào tai mụ. Tiếng ầm ào như tiếng đấng Siêu Nhiên xô sập một cái gì đó vĩ đại lắm.
Đang trong tâm trạng bồn chồn, mụ suy diễn đó là âm vang sụp đổ cuộc sống của người dân biển!
03/5/2016 (27/3/Bính Thân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét