Kiệm Trúc
Chuyện mượn một số địa danh thật, tình tiết, bối cảnh và nhân vật
được viết bằng tưởng tượng, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình nếu có.
1.
Ngân bỏ
túi xách bằng vải dầy, không nặng lắm, trong đựng
vài ba bộ quần áo, đồ dùng cá nhân lặt vặt
và mấy túi gạo xấy, khẩu phần cho lính ăn, xuống đất. Mùi lá rừng khô mục, ướt đẩm sương
đêm xông lên, không át nổi mùi hơi người của đoàn người dân, hơn mấy ngàn, già
trẻ bé lớn, đứng ngồi chật cứng trên đường, gánh gồng dắt díu nhau, theo quân VNCH,
sau mấy ngày đêm cầm cự, bỏ chạy về Xuân Lộc, sau khi quân cộng sản chiếm ngã
ba Dầu Giây trên quốc lộ 1 và chặng ngang tỉnh lộ 20, đoạn cuối từ Trúc Tân tới
quận Kiệm Tân. Vào giữa tháng Tư, trời bỏ xuân vào đầu hạ, chưa đủ nóng, để bớt
chút lạnh giữa đêm, trăng lờ mờ nhấp nhô sáng trên cao, lập lòe chút lửa nhỏ, đủ
nhìn thấy không đếm hết, của điếu thuốc còn sót lại, trên gương mặt, khô cứng,
mệt mỏi, chán chường của những người lính VNCH còn lại, lẳng lặng, lầm lũi bước
từng bước nặng nề, súng đủ loại nghe vang vọng đuổi theo sau. Thỉnh thoảng, có
tiếng con nít khóc và tiếng người xì xào gọi tìm nhau đâu đó.
Ngân ngồi bệt xuống,
bên đường, bàn chân bên phải đau quá, làm như có gai nhọn hay cái gì đó đâm
vào, không tiếp tục đi xa hơn nữa, dù đã cố gắng. Trong tâm trạng sợ bị kẹt lại
xa phía sau, Ngân cổi chiếc giày Bata bên chân phải, tháo vớ, hai ba viên đá nhỏ cỡ đầu ngọn viết chì rớt ra ngoài, mang giày vào, đứng dậy. Đoàn người phía trước
đã bỏ đi khá xa môt khoảng đường, lưa thưa phía sau, lác đác từng năm ba nhóm,
mù mờ động đậy, quân lính VNCH lẩn khuất dần đâu đó. Sâu phía hai bên rừng, con
đường tiếp tục dài như cái dài hun hút của mấy ngày đêm qua, rồi thì trời cũng
nhá nhem về sáng.
Ngân quàng túi xách lên, mệt nhọc đứng dậy
đi. Ở một phía bên kia đường, trong màn sương đêm đục mờ chưa kịp tan, súng vẫn
còn nổ từng chập, khi nhặt khi thưa. Xa xa sau lưng, hình như có bóng ai, cạnh
một hố đất lớn ven lề đường, đám người phía trước đã đi khuất từ lâu. Tò mò, Ngân tới
gần một chút, có tiếng gọi “má má” đứt
quảng, nghe rõ hơn. Ngân giựt thót mình, kinh ngạc, thằng bé khoảng chừng hai
tuổi, gầy ốm, mặc cái áo thung rách màu cháo lòng và cái quần xà lỏn, bạc màu
đen, ống cao ống thấp, nước mắt ràng rụa, bơ phờ ngơ ngác, lạnh run, đứng khóc
sướt mướt một mình. Anh cố đảo mắt nhìn quanh, không còn một ai ở đây, đám người
phía sau chưa lên tới, buột miệng “trời
ơi, con của ai lạc bỏ ở đây.” Ngân đến gần thằng bé, kéo cái áo thung lính
màu ô liu trong túi xách ra, ngồi xuống, choàng cái áo quanh thân nó, ôm chặt
vào người anh, tay xoa đầu ướt đẩm sương, vỗ về, tay kia lau nước mắt trên mặt. Thằng bé nhìn anh đờ đẩn mất hồn, tiếp tục sụt sùi khóc.
Ngân
kéo thằng bé ngồi xuống đất, hỏi tên gì, nó lặng thinh cứ khóc, đở thằng bé ngồi
trong lòng chờ, trên đường đã có chút nắng sáng, cũng khá lâu. Đám người từ xa
lên tới, đi ngang qua, anh hỏi thăm, ai nấy lắc đầu, không ai biết gì, tiếp tục
đi. Người đàn bà quảy đôi gánh, nặng trĩu, lỉnh ca lỉnh kỉnh đồ đạc gì đó, có
ba bốn đứa con, trai gái, chín mười tuổi theo, dừng lại, bỏ gánh xuống, đưa cho
Ngân gói lá chuối khô, đựng ba bốn nắm cơm vắt nguội, chỉ thằng bé, chị làm dấu
bảo cầm lấy, rồi gật đầu chào bỏ đi. Mấy đứa nhỏ hấp tấp theo sau, xa rồi mà thỉnh
thoảng chị vẫn còn quay đầu nhìn lại. Anh nói vọng theo cám ơn. Thằng bé nín khóc từ
lâu. Ngân đưa nắm cơm vắt cho nó, dắt nhau đi tiếp, thằng bé nắm chặt tay anh,
tay kia cầm cứng ăn ngon lành.
Chiều tối, rừng người di tản khựng lại, khi sắp
tới xóm đạo Bảo Bình, vì bị đạn pháo của quân cộng sản bắn quá, không ai dám đi
tiếp, nên Ngân cũng bắt kịp họ không lâu sau. Anh bỏ thằng bé trên vai xuống,
nó ngủ yên từ lúc nào rồi. Cũng như những lần trước, cũng tiếng gọi nhau, cũng
tiếng thở dài rã rời khắp chỗ. Bụng đói, anh mở bịch gạo xấy còn hơn phân nửa, trút vào
lòng bàn tay, nhai chầm chậm, nhìn thằng bé, nhớ lại tiếng “ba” mà nó gọi anh trên đường đi, Ngân mỉm cười nói thầm, “ngủ đi con, thằng Kiệm Trúc”, cái tên mà anh định sẽ đặt cho nó,
trong đầu mình, ghép hai địa danh Trúc
Tân và Kiệm Tân, nơi anh gặp nó bị lạc. Ba nắm cơm vắt còn lại vẫn nẳm yên
trong túi xách, lạnh cứng. Đến giữa đêm,
đoàn người di tản hàng ngàn, mới tới được quốc lộ 1, nhập chung với giáo dân của
mấy xóm đạo Bảo Bình, Bảo Toàn và Bảo Hòa. Họ vốn đã tập trung, gánh gồng, lớn
bé trước đó, ở hai bên đường, theo quân
lính VNCH rút lui xuôi Nam. Quân cộng sản phục kích tấn công ở ấp Suối Cá, rồi
thung lũng Giá Rai, dọc theo chân núi Cam Tiên. Hai bên đụng nhau dữ dội, quân
VNCH bị thiệt hại khá nặng nhưng cuối cùng cũng mở đường qua được.
Chị bảy Tựu, mở cửa, không bước ra, trố mắt
nhìn trân trân, ngạc nhiên, thằng bé Kiệm Trúc đứng lấm lét thụt thò sau lưng,
ôm cứng chân Ngân. Anh bồng nó lên tay, đi vào nhà, chị bảy Tựu không hỏi gì, lặng
lẽ theo sau. Ngân quay lại, nói vừa đủ nghe “chuyện
dài, chút nữa em kể cho chị nghe.” Tin Long Khánh mất, tin đất nước rối bời,
người đi người ở, đường phố Sài Gòn hổn độn, không khí ngột ngạt, đông nghẹt
hơn trước, cộng thêm cái nắng đầu hè, trời đất hình như cũng khác đi, lạnh lùng
nắng mưa bất chợt. Cả hơn một tháng nay, từ ngày quân đội VNCH quyết định bỏ
vùng 1 vùng 2, chị cứ ngóng tới ngóng lui, lo cho mình ít mà lo cho thằng em
nhiều, không biết nó ra sao, lo thì lo vậy nhưng lại không làm được gì khác hơn. Thấy Ngân về, chị mừng rơi nước mắt nhưng sự có mặt của thằng bé làm chị cũng
khá thắc mắc trong lòng “chẳng lẽ...” Trời
cũng đã lấp xấp chiều, nắng Sài Gòn chợt dịu xuống, giống như câu hát trong bản
nhạc quen nào đó “nắng Sài Gòn anh đi mà
chợt mát.” Để thằng nhỏ lẩn quẩn quanh mình, Ngân dọn dẹp sơ trong phòng
rồi dẫn nó đi tắm. Chị bảy Tựu, chạy xẹt nhanh qua nhà anh chị thợ may bên kia
đường, có đứa con trai cũng trạc tuổi thằng bé Kiệm Trúc, xin bộ quần áo cũ
về, đưa Ngân cho nó mặc tạm, rồi quày quả lo nấu cơm. Ngân kể lại chuyện anh và
thằng bé trên đường di tản và ở đâu nó có cái tên Kiệm Trúc. Chị bảy lắng nghe,
nhìn thằng bé múc cơm ăn, hột ngoài hột trong, ngậm ngùi thương xót. Đêm đó
chị đem nó vào phòng ngủ chung với mình, có tiếng chị ầu ơ “ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẽo...” nghe rõ mồn một cho tới giữa khuya.
Nhờ ông bác, ba của thằng bạn cùng học năm sư phạm, còn làm xã trưởng Tân
Sơn Hòa, Ngân xin cho thằng bé Kiệm Trúc cái giấy thế vì khai sanh, với tên “Nguyễn Kiệm Trúc”, ngày sinh “ngày 17 tháng 4 năm 1972”, ngày anh gặp
thằng bé, nơi sinh “Tân Sơn Hòa, Gia Định”
và thêm tên nó vào tờ khai gia đình.
Ba Ngân mất không lâu thì mẹ cũng theo ông
mà đi, bà con đem chôn tại khu gò mả trống của gia đình bên ngoại. Sau ngày giỗ
năm đầu, ngoại cũng già yếu rồi, hai chị em dắt dìu nhau từ Thủ Thừa về ở trên
Sài Gòn, căn nhà nhỏ này, trong cái hẽm sâu mang tên Nghĩa Phát, nối ngã ba đường
Nguyễn Văn Thoại không mấy xa, không trải nhựa, đá đất lõm chõm, chạy thông qua
tới bên kia chợ lăng Cha Cả, mà ông bà mua được khi còn sống, đi về làm ăn buôn
bán. Chị bảy tiếp tục bương chảy nuôi em từ những năm lên đệ thất đệ lục ở trường
Mạc Đỉnh Chi. Chị và Ngân không phải cùng cha mẹ nhưng thương nhau còn hơn ruột
thịt, chị là con nuôi. Không biết chị về ở với ba mẹ khi nào, nhưng khi sinh
Ngân ra thì chị đã có ở đó rồi, nghe kể lại, năm 1945, 46 gì đó, ba mẹ nhận chị
làm con nuôi từ một người miền Bắc, làm phu cạo mủ cao su ở Hớn Quản, vì người
này nghèo và bệnh lao phổi nặng quá, không nuôi nổi và cũng không còn sống bao
lâu; và thật vậy, ông chết chừng năm sau đó, chôn cùng mấy người phu cạo mủ, chết
trước, không thân nhân họ hàng khác tại cái nghĩa địa khô cằn đất đỏ ven bìa rừng
cao su ở Bà Rá. Sau đó, ba mẹ Ngân được sự giúp đở của người bạn làm giám đốc
khu đồn điền, hốt hài cốt đem về chôn ở Thủ Thừa. Tội nghiệp, chị bảy người thấp
lùn, không nhan sắc, xấu hơn mấy cô gái khác trong làng nên chị thường lầm lũi
một mình trong nhà, ít khi ra ngoài trừ khi phải theo mẹ đi chợ sáng, hay mua
cái gì đó. Chị lớn rồi, nên chỉ đi học trường làng vài năm rồi thôi, ba mẹ thấy
vậy cũng không ép thúc làm gì. Lớn lên một chút, chị phải lòng một anh trai
trên xóm trên, có tật chân đi khập khễnh, gia đình cũng tàm tạm, nhưng không
may, anh chết vì bị trúng mìn của quân du kích cộng sản cài trên bờ đường đất
cuối ấp, chận lính nghĩa quân của xã mở đường mỗi sáng, nên chuyện tình bất
thành. Chị buồn nhiều tháng nhưng rồi cũng nguôi ngoai, không ai ngờ, chị lại
nhất định không lấy chồng từ đó và ở vậy cho tới nay, giờ đã gần bốn mươi. Chị
thường hay đọc kinh niệm Phật, bàn thờ ba mẹ lúc nào cũng đầy đủ hoa quả mâm
đèn, giỗ quảy thì hai chị em đón xe đò dắt nhau về dưới ngoại đôi ba ngày.
Miền Nam mất, hàng trăm ngàn quân nhân công
chức VNCH bị lùa tập trung vào các trại tù cải tạo của nhà cầm quyền cộng sản, đi
không biết khi nào về. Ngân không trở lên Định Quán, chẳng thấy thiết tha gì
cái chức hiệu trưởng trường tiểu học Suối Nho, vì trong đầu đang tính chuyện vượt
biên, chuyện mà lúc bấy giờ, người ta, từ thường dân tới công an, cán bộ, xóm ấp
phường khóm nói tới hà rầm, từ bến xe, quán xá cho tới đường lớn hẽm cụt, nhà
tranh nhà ngói. Chị bảy Tựu hùn hạp với một người bạn gái quen ở phường Cây
Sung, Bình Đông, nhanh nhẩu mở một hai cái sạp bán quần áo ngay chợ An Đông, chợ
Vườn Chuối, sau ngày đổi tiền đợt đầu, công việc bán buôn xem ra khấm khá, đa số
khách hàng đều là bộ đội hay dân miền bắc vô, chuyện trong này chuyện ngoài đó
cứ mặc tình trả giá mắc rẽ. Thằng bé Kiệm Trúc giờ thì đeo cứng theo chị, “một má bảy hai má bảy.” Nó dễ dạy, mặt
mài trông cũng lịch sự, ít nhõng nhẽo, bảo đâu ngồi đó, cười luôn miệng. Chị bảy
thương nó còn hơn con, đôi khi nhìn nó ngủ, chị bùi ngùi, xót xa nhớ hoàn cảnh
mình cũng không khác gì, không ai hiểu nỗi
buồn thiếu cha thiếu mẹ của nó như chị. Nhiều khi thấy nó khóc bâng quơ, chị buột
miệng thở dài “tội nghiệp”. Sau mấy
tháng im hơi lặng tiếng, Ngân nhập vào đám buôn bán chợ trời, từ Lăng Cha Cả,
ngã tư Bảy Hiền, chợ Kim Biên, ra tới đường Hàm Nghi, Lê Thánh Tôn, đủ mọi thứ,
đồng hồ, ra dô, thuốc tây, thuốc lá, bị công an bắt nhiều lần, nhưng nhờ có đường
dây “móc ngoặc” nên “điềm nhiên tự tại” rủng rỉnh xu hào, đủ
cơm đủ cháo.
Ngân gặp lại Liên, cô bạn học cùng lớp ở
năm cuối trung học, chưa kịp tốt nghiệp Dược thì quân cộng sản vào, vì có ông
già là sĩ quan cấp tá, hình như là Trung đoàn trưởng nào đó của sư đoàn 7 VNCH ở
miền Tây, đang ngồi tù, lý lịch xấu, con nhà “Ngụy”, thường xuyên bị “họp
đoàn, kiểm điểm tự phê”, chịu không nổi, nhịn cũng không quen nên bỏ trường,
nhảy vào làm nghề buôn bán thuốc tây từ ngày thôi học, lanh lợi không thua ai. Hôm đi tìm số thuốc bán cho vài mối quen cần mua, từ Bình Dương xuống kiếm, trên
chợ trời đường Kỳ Đồng, cô nàng cho biết có quen một đường dây dưa người vượt
biên rất uy tín, đã trót lọt nhiều chuyến và hiện vẫn còn tiếp tục. Chính Liên
cũng đã có nhiều lần giới thiệu khách cho họ, có thù lao chút đỉnh, đi ngay tại
Sài Gòn, không cần phải “giả dạng thường
dân”, trốn tránh đi xa tận Cà Mau Rạch Giá hay ngược lên Tuy Hòa Nha Trang. Nếu muốn, Liên sẽ đích thân đưa Ngân tới gặp, riêng mình thì đã có thằng em bạn
cô cậu, có chiếc tàu đánh cá nhỏ ở Vũng Tàu, đang sắp xếp, chờ ngày giờ thuận
tiện, đem cả gia đình ra đi, nếu không, chắc cũng đã theo đường dây này từ lâu
rồi.
Về nhà, hai chị em bàn qua bàn lại, tính tới
tính lui, cuối cùng chị bảy Tựu quyết định ở lại, mặc cho Ngân nói sao thì nói. Chị ở lại, còn giữ được căn nhà, nếu rũi ro, không đi lọt thì còn có chỗ mà ở, có
người lo cho mồ mả ba mẹ và ba ruột của chị dưới Thủ Thừa, mai mốt ngoại chết rồi,
chẳng lẽ bỏ mồ hoang cỏ lạnh sao, chị không làm như vậy được. Còn thằng bé Kiệm
Trúc, chị giờ mến tay mến chân, nửa bước chẳng rời, chị có ý, muốn để nó ở lại
cho chị nuôi nhưng Ngân không chịu, chị buồn hết mấy ngày. Rồi cũng xong, trước
ngày ra đi, hai chị em dẫn thằng bé về Thủ Thừa, đốt nhang cúng vái mồ mả ba mẹ
mình cũng như ba chị bảy Tựu, xin linh thiêng phù hộ cho Ngân được bình yên vô
sự, đi đến nơi đến chốn. Ngoại nắm tay Ngân bùi ngùi “con đi, ráng giữ thân, nhớ về thăm ngoại”, ôm thằng bé Kiệm Trúc, bà xoa đầu, vuốt mặt “tội nghiệp cho con quá.” Nghe bà nói, ai cũng rươm rướm nước mắt. Thằng bé không biết ất giáp gì, thấy
người lớn thúc thít khóc, nó cũng òa khóc theo.
Đúng như sự sắp xếp của người tổ chức, trời
tờ mờ sáng, sương mù chưa tan hẳn, chị bảy đón xích lô đạp, đưa hai “cha con” Ngân xuống chỗ hẹn để lên “tắc xi”, tên gọi của mấy cái ghe máy nhỏ
dùng chở người vượt biên ra tàu lớn, hay là “cá
lớn.” Bạn hàng bán buôn, rộn rịp, lên xuống hàng hóa, ồn ào, gọi nhau ơi ới. Hai bên bờ, đầu cầu chữ Y, người lái ghe đứng chờ, thúc hối xuống mau để ra
sông cho kịp mấy cái khác, sợ gặp trục trặc. Ngân bồng thằng bé Kiệm Trúc lên,
theo sau, quay lại nhìn mà không dám nói gì hết, vì sợ người khác nghe. Thằng
bé ngoáy đầu, lầm thầm “má bảy má bảy.” Chị đứng chết cứng nhìn theo. Bóng Ngân khuất ở dưới chân cầu lâu rồi, chị ôm mặt
khóc ròng, dưới trụ đèn đường. Chút ánh sáng muộn, còn lại đâu đó chiếu ngang mặt chị một màu vàng vỏ. Hai ba người bộ đội đẩy xe đạp xuống chợ, tìm mua gì
đó, đi qua ngang, thắc mắc nhìn. Nắng bắt đầu rựng lên, chị bảy mắt ngó hướng
dưới sông, mong thấy được chiếc ghe chở Ngân đi. Nước sắp lớn, mặt trời rựng
lên đỏ rực phía bên kia bờ, không thấy gì khác hơn, ngoài mấy mảng lục bình lờ
đờ xuống lên theo chiều sóng nước, chị vẫn chưa chịu bỏ đi.
Ra khơi, trời xem ra êm, đôi khi cũng có mấy
trận mưa nhưng gió không mấy lớn, chòng chành lên xuống theo sóng biển, cao quá
đầu người. Chiếc tàu nhỏ, khá cũ, nước sơn tróc vài mảng, chở không hơn bảy tám
gia đình, lớn nhỏ, chỉ có Ngân, độc thân và thằng bé Kiệm Trúc là đứa nhỏ nhất,
cũng lặng lờ lướt sóng. Tiếng máy nổ êm êm buồn ngủ. Hơn hai ngày đêm nằm trốn
dưới khoang hầm chật cứng, xếp lớp như cá, được lên sàn trên, người đứng người
ngồi, hứng chút nắng ban mai, nhưng chung quanh chỉ có trời và nước một màu
xanh đen thẳm. Ai nấy làm quen nhau, hỏi thăm tên tuổi, quê làng, ai đi ai ở, cầu
khấn ông bà phù hộ cho chiếc tàu “xuôi chèo mát mái, nạn khỏi tai qua.” Ai nấy cũng hỏi mình tới đâu rồi, người tài công, khoảng tuổi Ngân, da sạm đen,
màu muối và nắng của mấy người chuyên làm nghề đánh cá biển, cười xuề xòa, “yên tâm đi, mình qua ngang vịnh Thái Lan rồi,
nếu không có gì, sẽ vào tới bờ của Mã Lai nay mai”.
Trời chợt nổi giông to, gió rít và hú lên từng
chập nghe ghê rợn, mây đen xuống thấp, che kín cả một vùng, mưa trút như thác,
rớt đồm độp trên sàn tàu. Không kịp che kịp tát, nước tràn xuống cả khoang hầm. Một chập khá lâu, rồi mưa lâm râm từng đợt nhẹ, lất phất. Lờ mờ phía trước, từ đàng
xa, chiếc tàu khá lớn, gấp bốn năm lần tàu của Ngân, lừ đừ tiến lại gần, lưới cá
chất từng đống lớn trên sàn, có cắm lá cờ Thái Lan trên nóc phòng lái, lố nhố
người làm dấu bảo chậm lại, cho tới khi đến gần, họ cho tàu chạy vòng quanh. Người nào người nấy trông có vẻ bậm trợn, đen đúa, rảo mắt nhìn đăm đăm chăm
chú, không nói gì, liệng qua vài chục hộp cá và bánh kẹo rồi quay tàu ra xa bỏ
đi. Cũng như những người trên tàu khác, Ngân ôm thằng bé Kiệm Trúc nhìn theo, hồi
hộp và lo lắng cái gì đó nhưng rồi, hình như cảm thấy đói, Ngân mở cái hộp, lớn
cở bằng hơn nửa bàn tay, mà mọi người chia đều sau khi cùng nhau lượm chung lại,
tay lấy ra từng miếng cá mòi đút cho thằng bé ăn. Anh bốc một chút nhỏ bỏ vào
miệng ngậm, phần của mình, nó nhìn anh cười. Mặt trời sáng rực lên giữa biển, nắng
xuyên qua sương lóng lánh màu ngủ sắc, chiếc tàu lại cố đi lên, bóng người đứng
thẳng, có lẽ đã hơn giữa trưa.
Chưa kịp hoàn hồn hẳn, chiếc tàu đánh cá
khi nãy, quay trở lại, lần này họ cặp sát vào hông tàu Ngân, năm sáu người lực
lưỡng nhảy qua, mã tấu và súng M16 cằm tay, lầm lì, giơ lên giơ xuống hăm dọa,
ra dấu mọi người ngồi yên xuống sàn tàu. Một tên đứng canh, đám còn lại, sau
khi xuống khoang hầm lục lạo tìm kiếm trở lên, nhìn một lượt chung quanh, nói xí xô xí xào với nhau gì đó. Tên chỉ huy
làm dấu lần nữa, bảo mọi người lấy bất cứ cái gì có trong túi áo túi quần ra,
chỉ là mấy hộp cá và kẹo ngọt mà bọn này đã cho trước đây. Không tìm được gì
hơn, họ nhảy ngược qua, cho tàu nổ máy lớn, khói bốc lên đen kịt, chạy vòng ra
xa một chút, rồi quay lại đâm mạnh vào tàu Ngân, hết phía mũi tới phía sau, mặc
cho người trên sàn tàu hoảng hồn, thất kinh, hét la vô vọng. Bọn đánh cá Thái
Lan để tàu đứng yên nhìn, chiếc tàu của Ngân nứt ra, bể làm nhiều khúc. Anh tài
công, nhiều người trong đó có Ngân, dù đã nắm chặt tay thằng bé Kiệm Trúc,
nhưng cũng bị hất văng xuống biển. Anh tài công ráng lôi hết những thùng nhựa đựng
nước uống, đựng dầu máy trống, quăng xuống làm phao, đứng trên phần cao trần
phòng lái, la lớn, chiếc tàu nhỏ từ từ chìm. Bọn đánh cá Thái Lan, lúc bấy giờ mới
quay ngược hướng, bỏ đi. Người Ngân run lên từng chập, chết điếng, vừa lạnh vừa
lo sợ cho thằng bé, vì nó không còn trong tay anh nữa, cố ngóc đầu cao khỏi mặt
những con sóng lớn, trắng xóa màu sương, nhấp nhô giữa biển. Đám người bị văng
xuống, quanh đó, xa có gần có, không biết sẽ ra sao. Ôm cứng cái thùng nhựa,
giương mắt nhìn trên mặt nước, từ khoảng xa, Ngân hớt hãi bơi nhanh lên, xác thằng
bé Kiệm Trúc trôi dật dờ trên đầu ngọn sóng xô chiều về hướng mình. Ngân ôm lấy,
sụt sùi, nức nở khóc thành tiếng “trời ơi
con tôi”, người nó tím bầm, ướt sủng, mắt nhắm nghiền và đã không còn nữa nụ
cười thơ ngây quen thuộc. Nhân đặt xác nó tựa lên thùng nhựa, nghẹn ngào vịn
tay, bất động, mặc cho sóng đưa sóng đẩy, ở phía sau, chiếc tàu đã chìm gần hơn
phân nửa, không thấy bóng dáng ai trên đó.
Mặt trời đã nghiêng về hướng nào đó, lâu rồi,
trôi bềnh bồng giữa biển nước mênh mông, không ai biết đông tây hay nam bắc. Ngân mệt đừ, thiếp đi một lúc, tỉnh dậy, xác thằng bé hâm hấp ấm nhờ chút nắng
sắp ngã chiều, bất chợt nhìn quanh, có chấm đen nho nhỏ nhấp nhô lên xuống, ở
phía mặt trời, lớn dần, không lâu, hiện rõ mặt, một chiếc tàu đánh cá Thái Lan
lớn lừ lừ tới, chậm lại rồi dừng hẳn, nằm yên. Một số người cùng chuyến tàu chết,
không biết trôi giạt phương nào, số còn lại còn thoi thóp trên biển trong mấy
giờ qua, trong đó có Ngân, may mắn, được tới cứu, vớt lên. Chiều chập choạng tối,
chiếc tàu về tới bến cảng phía nam Nakhon Si Thammarat. Họ giao cho đồn cảnh
sát ở đây, đếm lại chừng hơn mươi người sống sót, không kể xác thằng bé Kiệm
Trúc. Chừng hơn nửa tháng sau, Ngân mang theo cái hộp thiếc nhỏ đủ màu, trong
đó đựng tro cốt còn lại của thằng bé Kiệm Trúc, sau khi được sự giúp đỡ của mấy
ông bà lớn tuổi địa phương, đem hỏa thiêu tại một ngôi chùa, có đủ kinh kệ và lễ
cầu siêu theo tập tục người Thái. Hôm lên chuyến xe buýt đưa về trại tỵ
nạn ở Vọng Các, cả nhóm cúi đầu chào đám dân làng tiễn đưa, cám ơn bẳng tiếng Thái.
2.
Ở
bên này cuối thu, buổi chiều, thiếu nắng, từ trên lầu, nhìn xuống, trời vàng úa
theo màu lá khô chết úa vàng, rụng ngập cả một khoảng công viên rộng, chạy
quanh khu chung cư Kensington, chủ nhật, dưới đường không mấy người đi, vắng và
vắng ngắt. Chuyến xe lửa về miệt biển, có lẽ đã trễ, giờ này chưa thấy qua, cái
sân ga nhỏ cuối góc phố lặng thinh buồn thiu buồn thít, Ngân sửa lại cái hủ làm
bằng sành màu nâu đậm, đựng tro cốt thằng bé Kiệm Trúc, ngay một chút trên đầu
tủ sách, cạnh góc phòng khách, đốt ba cây nhang thơm mua từ khu phố Tàu, còn
sót lại, cắm vào bình đựng, đặt mấy nắm cơm vắt, cái món ăn mà thằng bé đã ăn,
hôm anh gặp nó trên đường rừng di tản, cạnh bên. Mới đó mà đã tới ngày giỗ một
năm, Ngân cúi đầu, chấp tay, bỗng dưng khóc lớn, nghẹn ngào đứt quảng “thôi con hãy ngủ yên, như con đã ngủ yên
trong tay ba hồi xưa. Ba xin lỗi đã mang con theo, ba cầu xin trời phật độ trì
cho con sớm mau về miền cực lạc, ở đó, mai này, ba sẽ hôn con, cái hôn thương
yêu dài bất tận khi ba con mình gặp lại”.
Ở bên nhà, cũng ngày hôm đó, chị bảy Tựu, cầm
cái thư Ngân gởi về, nhận hôm qua, bỏ bán buổi sáng, đón xe đò đi Thủ Thừa. Ngoại
ngồi đối diện chờ đợi, chị bảy mở thư ra, cả hai vui mừng không xiết, khi biết
Ngân đi được trót lọt. Đọc chưa hết nửa trang giấy, chị bảy bỗng nhiên dừng
ngang, bỏ lá thư xuống giường, bật khóc nức nở. Ngoại chưng hửng chưa biết ất
giáp gì, cũng chưa kịp hỏi, chị bảy lại khóc lớn hơn, nước mắt ràng rụa “thằng Kiệm Trúc, thằng Kiệm Trúc chết giữa
biển rồi ngoại ơi.” Ngoại cầm lấy tay chị bảy run run “cái gì, trời ơi, thằng nhỏ chết rồi hả”, lá thư rớt xuống sàn nhà
xi măng, vài chữ ươn ướt chút nước mắt nhạt nhòa. Hai bà cháu ôm nhau, ngửa mặt
nhìn ra đường, cùng buột miệng hai tiếng “Kiệm
Trúc”.
Chiều hôm đó, mắt đỏ hoe buồn hiu trên chuyến
xe về lại Sài Gòn, chị bảy Tựu làm thinh, cứ miên mang nhớ thằng bé, nhớ gay nhớ
gắt, mặc cho tên công an, hỏi han gì đó ở trạm kiểm soát kinh tế ngay tại ngã
ba Bình Chánh, dưới Thủ Thừa. Căn nhà vắng tanh, ngoại ngồi một mình, không buồn
lên đèn, ngó ra khúc sông ngang chợ, cũng ngậm ngùi nhớ, nhớ thằng bé, nhớ gay
nhớ gắt không thua gì chị bảy Tựu trên Sài Gòn.
Thuyên Huy
South Port một chiều đứng nhìn biển, tháng giêng 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét