Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Rong Bút Mùa Xuân 2019 - Thuhuongseattle


Rong Bút Mùa Xuân 2019
         thuhuongseattle

Kính trọng và ưu ái thắp ngọn bạch lạp buổi tối
cho ngày 30 tháng tư năm 1975 để tưởng nhớ,
để cảm ơn những anh hùng tử sĩ hy sinh cho
cuộc chiến Quốc Cộng sau vĩ tuyến 17 và cho
nửa triệu thuyền nhân Việt chết trên biển tìm tự
do. Khối người tị nạn và những cái chết vô tội
trên biển Đông đã đánh thức lương tâm nhân
loại. Cộng Sản Việt không thể chối cãi. Ánh
sáng của một ngọn nến, của một người tị nạn,
của tôi, chị em tôi, con cháu tôi và của mọi
người có dĩ vãng di tản, là những đốm lửa, là
những vì sao lung linh trên vòm trời đêm. Tôi
không còn tâm hồn ngây thơ để cùng ai đếm sao
trời nữa mà chỉ thấy gương mặt người thân, bạn
bè nhập nhoè trong đêm mỗi lân nhìn trời đêm.
Tôi đôi khi thì thầm ngày đó: em hay khóc thầm
vì các anh ra đi quá sớm, ở tuổi chưa biết yêu
nhưng bây giờ sau 45 năm trôi qua em cảm thấy
mình đang già và các anh thì vẫn thế, vẫn vô tư
như ngày nào…có chút gì nuối tiếc trong hồn
người viết, có chút gì xao xuyến, cũng như bồi
hồi khoảnh khắc đưa tôi vào vô thức….
Mùa Xuân, mùa Phục Hưng, mùa của sự sống,
đất trời chan hoà hạnh phúc. Mùa Xuân đến tôi
hay nghĩ vẩn vơ, không vẽ được một bức tranh
ra hồn, không viết được một đoản văn như ý và
khó ngủ. Tôi đi ra vào, vườn trước vườn sau
như đang chờ đợi một cái gì đó không định
nghĩa được. 45 mùa Xuân qua trong đời, sao
mắt tôi vẫn nhòa lệ, hồn tôi vẫn thổn thức, tim
tôi vẫn nhói đau khi tôi hồi tưởng những bất
hạnh vây bủa quanh gia đình tôi (và bao nhiêu
gia đình khác) những năm tháng chiến tranh.
Khu vườn khiêm nhường của riêng tôi là một
chốn ẩn náu của tâm hồn người viết trong những
khoảnh khắc riêng.
Khu vườn riêng cho tôi nhiều ưu ái như nhìn
bướm vờn lượn trên các khóm hoa hút nhụy,
hummingbirds (chim ruồi, tôi không thích cái
tên này vì ruồi không có cái âm thanh tuyệt vời
khi cánh chim bay, chuyển động như xé không
gian) bay vù vù chung quanh các loại hoa loa
kèn màu hồng đậm, đỏ rực rỡ, ngắm nhìn các
chàng chim ca hát nhạc tình trên cành cây hay
trên bờ tường adobe quanh nhà: mourning dove
(chim cuốc), chim sẻ (house finches), chim cu
gáy (quails) hay road runner (chim có chân rất
dài cao, chạy trên đường và khi cần cũng bay
được, tôi gọi nó là chim chạy điền kinh) mời gọi
tình nhân trong không gian nồng ấm, tinh khôi
những buổi mai. Các nàng bao giờ cũng điệu
điệu, mắt long lanh, ngơ ngác còn các chàng tha
hồ thi tài ca hát nhảy múa, chim cũng thích vai
tựa vai, môi hôn môi, rỉa bộ cánh cho nàng, mắt
long lanh, xích lại gần nàng hơn. Tôi ngừng tay
tưới nước, bắt sâu, đào đất yên lặng ngắm nhìn
như sợ gây tiếng động không lịch sự với khách
thăm vườn. Tôi chợt nghe tiếng hát ngọt ngào
vẳng từ phòng vẽ một bài hát tôi rất thích, vô
tình tôi hát nho nhỏ cho chim hay cho chính tôi
những ngày xưa ấy (Tình tự mùa xuân của Từ
Công Phụng)
Năm thứ hai tôi học Văn Khoa và nhạc sĩ đang
học Quốc Gia Hành Chánh... Một dòng nhạc
trữ tình, vô tư và hiền quá. Ngày đó mấy chị em
tôi được nghe hát và nhìn bản nhạc viết bằng
bút chi cửa Từ Công Phụng, của Trịnh Công
Sơn. Theo thời gian nhạc đi vào tiềm thức và
song hành trong đường đời chị em tôi với rất
nhiều nhạc sĩ nổi danh khác. Năm theo học Đại
học Sư Phạm có một giờ hát mỗi tuần của thầy
Quảng, 40 mạng trong lớp ngoạc miệng hát
nhiều bản du ca đầy tình tự quê hương dân tộc.
Bố mẹ tôi rất khó, và chị em tôi chưa bao giờ
được ra khỏi nhà sau bữa cơm chiều với bạn
gái. Nhưng nghe nhạc thì được, đôi khi cha tôi
thường nói một mình… cứ yêu đương thế này….
Cộng Sản vào Saigon có ngày… nhưng biết là
một chuyện làm sao cấm được mộng mơ của
tuổi trẻ và niềm cao ngạo của con nhỏ bắc kỳ di
cư 1954 thầm nói: “Bố ơi, làm sao không nghe
nhạc, làm sao tin bánh vẽ của CS và nhất là anh
con, dòng họ bạn bè đang phục vụ quê hương.
Con có một vòng đai chinh nhân thì sợ gì hả
bố.”
Chị Nga hay giả vờ ngủ trưa, lên lầu nằm dài
cho dù cái nóng tàn nhẫn của Saigon để i ỉ hát
một mình, còn tôi chỉ dám nghe nhạc trong giờ
làm toán vì không phải thuộc lòng như môn vạn
vật còn các bài bình luận về Kiều và vài tác giả
khác tôi làm lấy lệ vì đầu óc còn trên mây. Tôi
ghét nhất là môn văn từ ngày còn nhỏ, nhưng
lại mê đọc và tôi đọc tất cả các tác phẩm của Tự
Lự Văn Đoàn ngày còn rất nhỏ vì cha mẹ tôi
kính trọng và yêu mến nhóm TLVĐ. Sau này
lớn khôn tôi tha hồ đọc nhưng không dám nói
với cha tôi về tác phẩm và nội dung tác phẩm
tôi đọc có trình độ hay không?
Đúng là không phải nhà văn, tế bào não bộ bị
chạm điện, tôi lại viết về ngày tháng xưa cũ tự
ngàn xưa ….
Em lại đây với anh
Ngồi đây với anh
Chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt
tình nồng
Còn vài ngày nữa là 30 tháng tư …Tháng Tư
Đen của chúng ta, nhũng người có quá khứ tị
nạn Cộng Sản Việt Nam. Đợt sóng tị nạn và
thuyền nhận đã đi vào lịch sử Mỹ và các quốc
gia trên năm châu.
Bạn làm gì, nghĩ gì ngày 30 tháng tư xin cùng
tôi thắp ngọn nến tưởng nhớ cho vòm trời lung
linh sáng vì tình yêu quê hương.
         Thuhuongseattle








Nỗi Lòng Tháng Tư - Trầm Vân



    Nỗi Lòng Tháng Tư
Tháng Tư nước thống nhất rồi
Dòng sông còn hát những lời chia xa
Sóng còn cuồng quẫy Hoàng Sa
Biển Đông căm hận gian tà giặc Trung
Tháng Tư ngó lại mênh mông
Còn bao nhiêu nỗi long đong muộn phiền
Thương người vượt biển nổi chìm
May mà đến được bình yên xứ người
Quê nhà xứ lạ đôi nơi
Nỗi đau xé ruột rã rời lòng nhau
Câu thơ rơi xuống biển sâu
Vớt lên bao nỗi bạc đầu nhớ thương
Câu thơ chìm dưới trùng dương
Vớt lên thân xác rã mòn thuyền nhân
Trùng dương địa ngục cõi trần
Bão to cướp biển trầm luân cuộc đời
Tháng Tư ai khóc ai cười
Cũng nghe nghèn nghẹn những lời tâm tư
Nước nghèo thắc thỏm cơn mơ
Bao giờ giàu mạnh phất cờ vinh quang
Như Singapore quốc Hàn
Ngăn quân bắc, chống nghèo nàn tiến lên
Lấy dân là gốc rễ bền
Khơi lòng yêu nước trái tim hào hùng
Khơi oai dũng hai bà Trưng
Bóng Trần Hưng Đạo lẫy lừng oai phong
Bạch Đằng giang nhú cọc chông
Đánh tan lũ giặc Nguyên Mông lui tàn
Tháng Tư thắp vội nén nhang
Cầu cho quốc thái dân an no lành
Cầu cho đất nước chuyển mình
Đổi thay , mở cửa bình minh nước nhà
Chống xâm lược diệt tham ma
Mở ra trang sử chói lòa núi sông
Tháng Tư trao gửi nỗi lòng
Vọng về tiếng gọi Diên Hồng xa xăm
      Trầm Vân




Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Ngày Tôi Xa Quê Hương - Quách Như Nguyệt

  

            Ngày Tôi Xa Quê Hương

Tôi có ý định viết về biến cố ngày 30 tháng Tư -một ngày quá ư là trọng đại đối với riêng cá nhân tôi và toàn dân Việt Nam năm 1975- tự lâu rồi. Nghĩ đến sẽ viết… Chỉ nghĩ thôi à các bạn ơi, vì tôi rất lươi huyền, hì hì…, đối với tôi, làm thơ đỡ mất thì giờ hơn nhiều, còn ngồi gỏ lóc cóc kể chuyện, mấy ngón tay tôi rất mỏi, viết lại không được hay… chả ai thèm đọc thì viết để làm gì cơ chứ?  Cứ nghĩ như thế nên tôi lại thôi.
Nhưng hôm nay cơn… ghiền nổi lên, làm cho tôi chăm chỉ ngồi xuống, nhớ lại ngày hôm đó...

*****
          Ngày tôi xa quê hương
Hôm đó là ngày 29 tháng Tư, năm 1975.  Tôi đang nằm chán chường đọc truyện thì nghe tiếng thằng nhóc ở nhà bên cạnh la to thật là to, to đến độ ở bên nhà tôi còn nghe được: 
“Sắp đi Mỹyyyyy….!  Sắp đi Mỹ rồiiiiiii…!” 
Tôi nghe thế bèn chạy xuống nhà nói với mẹ tôi: 
“Mẹ ơi, con thấy thằng Hòa con chú thím Bẩy vừa la lên là sắp đi Mỹ đó. Cả nhà bên ấy đang xôn xao. Mẹ qua nhà chú Bẩy hỏi thăm thử đi mẹ”.  Mẹ tôi vội vàng chạy qua bên nhà hàng xóm. Chỉ khoảng vài phút sau, mẹ tôi hối hả về nhà, bảo cả nhà phải sửa soạn để lên đường ngay lập tức!

Biến cố tháng Tư xẩy ra quá nhanh. Trước đó hơn cả tháng, mẹ tôi đã tìm đủ mọi cách, dò hỏi tìm đường đi. Nhà tôi là dân Bắc kỳ mà, đã phải chạy trốn Cộng Sản từ năm 1954, bố mẹ tôi đã từng nhìn thấy tận mắt cảnh đấu tố ghê rợn như thế nào rồi nên rất hiểu, rất sợ ở lại Việt Nam nếu Việt Nam mình không còn tự do dân chủ. Ông bà nhất định phải ra đi bằng mọi giá, quyết chí sẽ đi thêm một lần nữa, tị nạn Cộng Sản thêm một lần nữa, cho dù kỳ này, chuyến đi này có nghĩa là phải rời bỏ, bỏ lại tất cả nhà cửa, tài sản, phải lìa xa quê hương, không biết đến chừng nào mới có dịp trở về… Thời điểm đó, may mắn có bà chị thứ Năm của tôi đang học ở bên Úc nên bố mẹ tôi yên trí lắm!  Cùng lắm thì xin tị nạn ở Úc, nước Úc cũng là một đất nước tự do mà, ở bất cứ nơi nào cũng vẫn hơn là ở với tụi Việt Cộng gian manh.

Mẹ lo cho bố tôi và tôi đi trước. Có bà bạn của mẹ sẽ đi Mỹ, mẹ hỏi tôi có chịu làm con nuôi của bạn mẹ, để qua Mỹ trước một mình không? Mặc dù sợ lắm, không biết tương lai sẽ ra sao nhưng tôi cũng chịu (đúng là điếc không sợ súng) vì tôi không muốn bị ở lại với tụi VC!   Có nhiều tin đồn khủng khiếp là tụi VC sẽ bắt nhốt mấy cô nữ sinh lại, cô nào để móng tay dài, chúng sẽ rút móng tay!  Rồi người ta còn đồn đãi là học trò, nữ sinh viên sẽ bị ép lấy mấy anh cán ngố... vân vân và vân vân…  Tôi nghe mọi người xầm xì, mặc dù bán tín bán nghi, nghĩ rằng hầu hết những tin đó chỉ là tin đồn, tin vịt; nhưng nếu nhỡ đó là sự thật?  Tụi Việt Cộng mà, ác độc lắm mà, chuyện gì mà chúng chả dám làm?  Nên có nhiều người rất hoang mang! Lý do tôi chịu đi trước một mình vì tôi nghĩ đằng nào tôi cũng sẽ học đại học ở nước ngoài.  Mẹ tôi đã dự định nếu tôi không xin được học bổng, cho dù bất cứ giá nào; mẹ cũng sẽ lo cho tôi đi du học… khi tôi học xong lớp 12 trong vài năm nữa. Tôi vốn được cưng chìu, chả phải làm việc nhà gì cả, nên tôi biết, cho dù mơ hồ, rằng nếu bị đẩy vào một đời sống hoàn toàn mới lạ, xa nhà, xa quê hương, xa bạn bè, thân quyến… không có sự bảo bọc, thương yêu của bố mẹ thì tôi không biết mình phải xoay sở ra sao?  Cuộc sống mới của tôi nơi xứ người chắc chắn sẽ rất khó khăn và cực khổ!... May quá!  Chuyện đã không thành. Và mẹ tôi lại tiếp tục tháo vát, đảm đang; bà nhanh nhẹn đi tìm manh mối, tìm đủ mọi phương cách khác. Tôi thấy những người làm sở Mỹ trong xóm tôi, từ từ ra đi bằng máy bay, ngày nào cũng có người đi. Tôi nghe thấy tiếng đạn pháo kích ầm ỉ mỗi ngày! 

Lúc đó, hai ông anh tôi từ chiến trường xa đã may mắn chạy được về nhà. Lúc đó, bạn trai của bà chị kế tôi, anh S. đang học năm chót Y khoa, gia đình anh ở Châu Đốc, cũng đến tạm trú ở nhà tôi. Mọi người chả biết làm gì khác hơn là chờ đợi. Trước đó khoảng vài ngày, cả nhà tôi đã dắt díu nhau đến chỗ hẹn, nhà của một người bạn mẹ, để cùng nhau ra phi trường đi bằng lối máy bay, nhưng lúc đó phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích nặng nề, tòa Đại sứ Mỹ cũng chả hơn gì, chẳng có một chút xíu an ninh gì cả.  Mọi sự, tất cả đều đã hổn loạn, chao đảo, dân Sài Gòn hoảng hốt!  Ngồi chờ ở nhà bạn mẹ tôi lâu thật lâu! Rốt cuộc mọi người phải quay về. 

Cho nên ngay buổi trưa hôm đó, ngày 29 tháng Tư năm 1975, nghe mẹ tôi nói như thế, mọi người đều mừng quá là mừng, vội vàng thay quần áo, vì đã có sẵn túi sách, vali từ mấy ngày hôm trước, nên chỉ trong vòng tích tắc là tất cả đã sẵn sàng để đi ngay. Khi tôi đi ngang qua nhà PK, bạn học Trưng Vương, nó thấy tôi và gia đình, người nào cũng tay xách nách mang, vội hỏi
“Mày đi đâu, cả nhà mày đi đâu vậy?” 
Tôi bảo nó: 
“Nghe nói có tầu ở bến tầu, nhà mày cũng đi luôn đi, đi mau, đi liền ngay đi … nếu không tầu sẽ rời bến đó”.

Đến bến tầu, có hàng rào kẽm gai ngăn chận lại; họ không cho vô. Ông anh cả tôi bèn lấy vòng vàng nhét vào tay mấy người lính để họ mở rào. Nữ trang thì họ lấy nhưng rồi họ cũng nhất định không cho phép đi qua. May quá bố tôi làm quan thuế, công chức ở kho 11; có người nhận ra bố tôi nên họ mới nói với nhau để cho bố tôi và cả nhà đi qua khỏi cổng rào.  Chị dâu tôi, vợ của người anh thứ ba, bế theo đứa con gái một tuổi, con bé cháu đầu tiên của gia đình, ra tận bến tầu để tiễn cả nhà. Chị đứng đó đến giờ phút cuối cùng nhưng không đi vì chị đã quyết định ở lại.  Chị nói với mẹ tôi: 
“Nếu anh Tiến còn sống, con chắn chắn sẽ đi theo bố mẹ, theo gia đình chồng nhưng anh Tiến đã mất rồi, mẹ cho con xin phép được ở lại với ba má, gia đình con”.  
Chị dâu tôi đẹp lắm! Chị hát hay nên rất... hay hát, hihi... Tết đầu tiên sau khi lấy anh tôi, chị đã hát cho tôi và cô em út nghe nhiều bản nhạc Xuân, trong đó có bài Câu Chuyện Đầu Năm: “Trên đường đi lễ Xuân đầu năm, qua một năm ruột rối tơ tằm...”

Câu chuyện đầu năm

Lần đầu tiên có người hát riêng cho hai đứa tôi nghe, tụi tôi rất thích. Tôi thích và thương chị vì chị hay ăn hàng, ăn quà vặt, rất vui vẻ, hòa đồng với chúng tôi.  Tên chị là Kim Thạnh, nhưng ở nhà gọi chị là chị Bé. Chị Bé chỉ tôi nấu chè, làm bánh, may quần áo. Chị là người Nam, tính tình thật thà, dễ chịu, dễ thương!  Chị hay cười, nụ cười thật tươi có một cái răng khểnh rất xinh. Đàn bà mà đẹp phần đông bị lận đận, long đong, khổ về đường tình ái. Chị dâu tôi trái lại, được chồng cưng yêu, mối tình của chị với anh tôi đẹp như mơ. Anh Tiến tôi và chị đang sống với nhau quá chừng hạnh phúc nhưng… cái số của chị đúng là số hồng nhan bạc phận mà!  Khi chị đang mang thai khoảng 6,7 tháng thì anh tôi bị tử trận. Thấy chị vác cái bụng bầu thật lớn, lết về nhà báo tin chồng chết, thấy chị khóc sưng vù cả mắt, xỉu lên xỉu xuống, gào khóc khi đi theo sau quan tài, ai mà không xót xa, mũi lòng thương chị và rơi lệ chứ?!

Tội nghiệp chị, lúc đó chị mới có hai chục tuổi đầu. Chị ở lại Việt Nam là một quyết định quá sai lầm vì chị là người Nam nên ngây thơ chưa biết, không hiểu rõ bọn Việt Cộng ác độc như thế nào; mẹ của chị lại là dân nằm vùng nữa… nên chả trách được. Hơn một năm sau đó, chị giẫm mìn chết thảm khi đang đi lao động ở vùng kinh tế mới. Cháu gái của tôi thế là mồ côi cả cha lẫn mẹ, nó phải ở với ông bà ngoại nó. Bà ngoại cháu chắc về sau này ân hận ghê lắm! Ân hận vì đã từng là VC nằm vùng, ân hận vì đã không bỏ chạy, chạy khỏi, chạy trốn cái chính thể độc tài, tàn ác, tham lam, chỉ biết vơ vét của công làm của riêng. Bọn Cộng Sản Việt Nam đúng là một lũ cầm quyền ngu dốt, láo khoét, không hề biết thương dân, yêu nước. Sau khi lấy miền Nam, chúng đã đưa đất nước tôi trở lùi... đi ngược lại với thế giới văn minh, trở thành một quốc gia thấp kém, nghèo nàn, đói khổ.  Các quân nhân, công chức bị bắt giết, tù đầy.  Biết bao nhiêu người đã liều chết ra đi, vùi thây nơi biển cả...

Mẹ tôi thương đứa cháu nội của bà, cứ tiếc nuối mãi.  Mẹ nói hoài:
“Biết thế cứ dằn lấy nó, bế nó theo nhỉ.... chắc mẹ nó cũng cho nó đi mà!”
Cho dù chính bà và chị em chúng tôi có gửi tiền về khá nhiều, rất đều cho cháu nhưng mẹ tôi vẫn khắc khoải hoài, chẳng thể nào yên tâm, cứ thương nhớ đứa cháu nội còn kẹt lại. 

Cả nhà tôi may mắn, đúng là trời thương, đi được hết: bố mẹ tôi, vợ chồng ông anh cả, hai ông anh độc thân, chị kế tôi và bạn trai, tôi và nhỏ út. Tất cả mười người.  Chúng tôi đi bằng một chiếc tầu lớn của tư nhân có tên là tầu Anh Tuấn.  Trước đó vài ngày, chú của mẹ tôi (ông làm việc về hàng hải) có đến nhà trả lời cho mẹ tôi biết là họ không nhận thêm người nữa, cho dù mẹ tôi đã chịu trả 15 lạng vàng cho mỗi đầu người -theo ý họ- để được đi.  Thất vọng quá nhưng mẹ tôi cũng cứ sang tên nhà lại cho ông.  Không ngờ ngày 29 tây, ngày cuối cùng của cuộc nội chiến thảm khốc tương tàn; chiếc tầu mà gia đình chúng tôi cùng leo lên lại là tầu Anh Tuấn!

Người ta leo lên tầu nhiều chật nứt, đâu cũng thấy người, người nằm ngồi la liệt. Gia đình chúng tôi ngồi gần ngay bếp, chỗ có cầu thang đi xuống hầm tầu, tương đối rộng rãi, đêm nằm ngủ thoải mái, có thể dạng chân dạng tay chứ không phải nằm chật chội sát cạnh bên nhau như xếp cá hộp. Trên đường đi có tiếng súng bắn nổ đì đùng, nghe rất gần, veo véo bên tay, chát chúa làm cho mọi người khiếp đảm. Mọi người đều nghĩ họ bắn theo tầu của mình nên lo sợ lắm!  Khi đi ngang qua Vũng Tầu, tôi thấy lòng mình bâng khuâng, nơi tôi sinh ra đây mà...  (khi tôi gần 2 tuổi thì gia đình tôi dọn vào SàiGòn) ấy thế mà tôi chưa hề được trở về thăm, dù chỉ một lần (thỉnh thoảng mẹ tôi có đi VT, sao tôi không đòi mẹ cho tôi đi theo nhỉ?)  Tôi chẳng thể nào hình dung nổi Vũng Tầu nhìn ra làm sao, bãi biển có đẹp không, tôi sinh ra ở bãi trước hay bãi sau (tôi không hỏi mẹ tôi) và đã thầm nghĩ trong đầu: “Vĩnh biệt Vũng Tầu, vĩnh biệt Việt Nam, không biết bao giờ mới có dịp trở về?  Không biết trong cuộc đời còn lại của mình, mình có sẽ được thấy, được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình không?  Chào quê hương yêu dấu!”

Chỉ sau vài tiếng lên tầu thôi, thì tôi bị có tháng.  Rầu ơi là rầu!  Tôi chẳng phòng hờ, chả mang theo gì cả, thấy xấu hổ quá, sợ mọi người nhìn thấy nên tôi cứ ngồi lì, ngồi yên tại chỗ, chả dám đứng dậy, chả dám đi đâu. Thời gian trôi qua thật não nề, chậm chạp. Cũng may tôi không bị ra nhiều, sau đó còn xin xuống được dưới hầm tầu để tắm rửa và thay quần áo. Lúc đó nước ngọt rất quí nên tôi chỉ được tắm bằng nước biển, tắm xong, cả người tôi cứ dính dáp, rin rít thế nào ấy, rất là khó chịu. Làm đàn bà, con gái rất là khổ quí vị ơi, tôi “công nương” quen rồi nên với tôi, ngay ngày đầu tiên rời khỏi quê hương, tôi đã thấy khổ, khổ quá rồi!

Các bạn biết sao không?  Cho dù lương thực, nước uống họ dự trữ rất nhiều nhưng vì có nhiều người leo lên tầu quá nên chủ tầu và ban quản lý rất dè xẻn khi phát nước, phát cơm.  Gia đình tôi may mắn lắm, vì ngồi ngay bếp nên khi được chia phần ăn, nhà tôi được chia trước hết, anh đầu bếp lại có cảm tình với gia đình tôi; anh luôn luôn đưa phần ăn nhiều nhất cho chúng tôi. Chưa bao giờ tôi thấy được ăn ngon như thế, cơm trắng và cá khô thôi nhưng sao mà thơm ngon đến thế. Tôi còn đòi anh cho ăn cơm cháy nữa, cơm cháy giòn rụm, thơm phức ăn với cá khô chiên mằn mặn giòn tan, ngon thì thôi! Còn có lạp xưởng và ruốc thay đổi cho mỗi buổi nữa… Đang đói bụng, nên cho dù ăn cơm khô khan, tôi vẫn thấy quá ngon!

Đêm hôm đó, mọi người nghe radio thấy Trịnh Công Sơn hát bài “Nối vòng tay lớn”.  Mất! Mất rồi! Mất nước thật rồi! Hỡi ơi… Tôi thấy buồn ơi là buồn!  Buồn quá đỗi!

Mặc dù nhớ trường, nhớ bạn; mặc dù là thân phận người tị nạn long đong... đêm thứ hai trên tầu; tôi cũng vẫn... mơ mộng như thường. Đêm tối mịt mùng nên trăng sao sáng tỏ, lung linh và lung linh!  Nước biển nhấp nhô, lấp lánh ánh trăng vàng. Tôi ngồi ngắm trăng ngây ngất!  Ngồi yên lặng một mình, tôi nghĩ đến quê hương, nghĩ đến bạn bè, nghĩ đến họ hàng thân thuộc còn kẹt lại và tôi rơi nước mắt. Nước mắt chẩy ra ràn rụa. Ôi, quê hương ơi, quê hương tôi sao quá lầm than!  Những người còn ở lại rồi sẽ ra sao? Tôi cảm thấy thương tâm quá!

Trưa hôm sau, ngày thứ ba lênh đênh trên biển, tầu đang đi êm ru thì bỗng dưng có bão. Đúng là giông tố bão bùng! Mưa ầm ầm, mưa to gió lớn; gió rú, rít lên bay phần phật mấy tấm phông che.  Mấy người đàn ông phải hùa lại ôm, phải giữ lại phông che vì gió đã bật, tróc lên, làm bay mất đi một số. Tầu Anh Tuấn là một chiếc tầu khá lớn, thế mà nó như một chiếc lá bé nhó, bồng bềnh, chông chênh trên mặt biển. Đại dương mênh mông, bao la quá! Trời bỗng tối xầm, đen kịt lại, âm u. Chiếc tầu bị nhào lên nhào xuống, lắc lư thật mạnh như sắp bị úp ngược lại. Thật hãi hùng! Mưa gió lạnh lùng, lạnh đến buốt xương! Lần đầu tiên tôi mới biết run lập cập là run như thế nào? Hai hàm răng đánh vào nhau nghe lập cà lập cập đó mà! Tất cả mọi người đều muốn chạy xuống hầm tầu cho đỡ ướt.

Tôi ngồi co ro, nhắm nghiền mắt lại vì sợ hãi; nhiều tiếng la hét hốt hoảng ở chung quanh, có nhiều người dẫm lên người tôi mà đi, họ dành nhau chạy xuống hầm tầu. Tôi nghe tiếng năn nỉ, tiếng khẩn khoản cầu Trời, khấn Phật, van xin Chúa... Tôi cũng nghe thấy mình nói thầm, tụng kinh cầu xin đức Phật cứu vớt chúng tôi, xin Phật Bà QuanThế Âm cứu khổ cứu nạn... giúp chúng tôi vượt qua khỏi cơn khổ nạn nầy. Con tầu quá bé nhỏ trong gió bão, sóng gầm lên, sóng nổi trận lôi đình, giận dữ, nhồi thật mạnh như muốn hất tất cả mọi người xuống lòng đại dương! Tiếng gào khóc chung quanh làm cho thần kinh tôi căng thẳng, nhức óc, mệt lã cả người.... 

Bây giờ nhớ đến cái cảnh tượng ngày hôm đó, tôi lại thấy buồn cười, bình thường thì không thấy ai nhớ đến Phật, đến Chúa cả, đến khi xẩy ra chuyện thì mọi người mới kêu xin, mới nhớ đến, mới van nài...  có quá trễ lắm không?!

Rồi thì cũng có người đỡ tôi xuống dưới, không còn bị mưa ướt và gió lạnh nữa; nhưng khi ở hầm tầu, không khí không thoáng như ở phía trên, tầu lại lắc lư, nhồi rất mạnh, trồi lên rớt xuống kinh khiếp quá! Trong suốt cuộc đời tôi, chưa bao giờ tôi bị nôn mữa một cách dễ sợ, kinh hoàng như thế. Đó là lần đầu tiên và mong rằng cũng là lần cuối cùng… vì cái cảm giác đó ghê rợn lắm các bạn ơi! Khi đó tôi mới hiểu ra khi người ta nói ói đến mật xanh, mật vàng là như thế nào!!!  Có nghĩa là bao tử mình đã không còn gì để ói, đắng nghét những chất nước mầu vàng vàng, xanh xanh vẫn cứ ọe ra (xin lỗi đã tả chân, hổng được thanh tao cho lắm nhé, hichic..). Tôi thấy đau quặn bụng!  Nước mắt nước mũi tràn ra, nhức đầu, chóng mặt quay cuồng đến độ gần ngất xỉu!

Cơn bão, dù có lớn cách mấy, rồi cũng qua đi. Người nào người nấy đều như cái mền rách, mặt trắng bệt, xanh xao... ngoại trừ một số rất ít người không bị say sóng và thật là khỏe mạnh, còn lại thì ngất ngư, mệt đờ người, nhừ tử! Cả người tôi ướt sũng,  tôi phải lò dò lấy bộ quần áo khác để thay. Ngày hôm sau, tôi thấy người ta cột quần hoặc áo của họ vào một dây thừng bằng ny lông, xong thả xuống biển để... giặt.  Tôi cũng bắt chước làm theo.  Lúc đó tôi đã khá hơn, chai lì hơn nên không còn biết mắc cỡ là gì cả (nói vậy chứ cũng còn chút chút, hihi....).  Tôi đã ráng làm mặt tỉnh, cột cái quần lót dính đầy vết dơ thả xuống dưới biển, may quá cũng chẳng có ai thèm để ý.  Tầu chạy bong bong kéo theo sợi dây thừng, lần đầu tiên tôi cột không chặt nên bị mất toi cái quần xì líp! Sau đócó kinh nghiệm hơn, tôi cột thật chặt!  Nước biển quả thật là mầu nhiệm, giúp khử trùng và làm sạch sẽ một số quần áo của tôi.

Tôi gặp PK -nhỏ bạn Trưng Vương-  trên tầu, thì ra là nhờ tôi mà gia đình nó cũng đi được. Gia đình của nó mang theo rất nhiều thức ăn. Lúc đi, mẹ tôi cũng quơ theo vài ổ bánh mì, giò chả... mang theo được cả cái nón lá nữa cơ đấy... nhưng thức ăn đã hết ngay trong ngày thứ hai; vả lại nếu còn, bão tố cũng làm bánh mì ướt nhẹp hết, không ăn được. Mẹ tôi muốn mua sữa cho bố tôi uống, mua mì gói cho mấy đứa con nên tôi nói lại với PK.  Các bạn biết sao không? Mẹ của PK đòi bán $10, $15 đô cho mỗi thứ (đúng là cắt cổ!). Biết là đắt, nhưng vì cần thiết nên mẹ tôi cũng phải mua.

Hảo, em gái tôi, tình nguyện làm người đi phát nước. Nó và một anh nữa, người cầm thùng nước, người mang theo một cái ấm to và một cái ly nhỏ. Những người tị nạn có đồ chứa nước, Hảo đổ nước từ ấm to vào trong đó; người nào không có, Hảo rót nước vào cái ly nhỏ cho uống tạm.  Nghe Hảo kể có một số người vì khát nước quá, đã phải uống cả nước tiểu của mình.  Tầu Anh Tuấn lớn lắm quí vị à, Hảo nó đi phát nước hết một vòng cũng mất hơn cả tiếng rưởi đồng hồ. Lúc đó, khát nước, nắng lại chói chan đến hoa cả mắt, người đi phát nước chắc nhìn giống như một... nàng tiên tuyệt diệu, từ trên trời rơi xuống, ha các bạn?   Bởi thế có nhiều người biết và nhớ mặt em tôi lắm. Khi ra đến trại tị nạn, có nhiều người đã nhận ra nó, tay bắt mặt mừng với nó.

Tầu đi lang thang trên biển khoảng 5 ngày thì gặp tầu hải quân của Mỹ. Mọi người từ từ leo thang lên tầu lớn. Lúc đó, vì họ không cần dùng đến nước nữa nên tôi được cho xuống tắm ở tầng dưới, được tắm hoàn toàn bằng nước ngọt, chứ không là nước biển như vài lần trước đó. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng như thế; thoải mái, dễ chịu, quá ư là dễ chịu, thoáng mát, sảng khoái quá chừng đi.

Khi qua bên tầu Mỹ, có một người đàn ông duy nhất trên tầu Anh Tuấn (thì ra ông lại là bố của một người bạn tôi, bạn học trên đại học sau này) đã từ trần và họ phải thủy táng ông.

Buổi tối đầu tiên ở trên tầu Mỹ, tôi ngồi nghe ông anh trai và ông anh rể tương lai nói chuyện với mấy người lính Mỹ, thấy thích lắm! Tuy hiểu hết nhưng tôi rất nhát, chỉ cười cười ngồi nghe ké chứ chả dám nói năng chi. Tối hôm đó, tôi nghe từ radio của một người lính Mỹ bản nhạc “You are everything”.  Tuy mới nghe lần đầu, tôi đã thấy thích ngay.  
You are everything

Nẩy giờ N ngồi gỏ keyboard lóc cóc mà cũng đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi đó. Đói bụng rồi, N đi kiếm cái gì ăn nha... Chuyện đời tị nạn của N còn dài lắm nhưng tạm thời N chỉ kể đến đây thôi... từ từ, nếu chăm và có hứng, N sẽ kể tiếp nha…

Mỗi lần tháng Tư về, nhất là gần cuối tháng Tư; chúng ta đều cảm thấy buồn, thấy nhớ quê hương, thấy bâng khuâng, phải không các bạn?  Những người Việt tị nạn Cộng Sản không bao giờ quên một cuộc đổi đời to lớn của dân Việt Nam mình, ảnh hưởng đến biết bao nhiêu là thế hệ.
      Quách Như Nguyệt




Ký Ức Một Đời - Liêu Xuyên & Thương Thuở Điêu Tàn (Như Thị) & Ký Ức Nào Quên (Mai XThanh)


    KÝ ỨC MỘT ĐỜI

Đời ta từng nghẹn uất than dài,
Vận nước điêu linh khổ oán ai.
Thế trận đành thua đau mấy chốc,
Non sông phải chịu khóc từng ngày.
Vợ chồng chia cách đời tang tóc,
Thân xác lầm than sống hận đày !
Ảm đạm thê lương sầu vạn ngả...
Đìu hiu ốm đói tấm hình hài !
          Liêu Xuyên

Họa:
THƯƠNG THUỞ ĐIÊU TÀN
Chiến tranh tang tóc  mấy năm dài
Cằn giữa điêu tàn biết hỏi ai
Khói lửa bao trùm từ những lúc
Đạn bom cày xới đến bao ngày
Cố hương quạnh quẽ còn chia cắt
Bản quán hắt hiu chịu đọa đày
Một dải sơn hà tràn khí độ
Mà sao giằng xé tấm hình hài

      Như Thị

  Ký Ức Nào Quên

Nhà neo nỗi khổ mẹ than dài
Lệ thấm niềm đau bố nhớ ai !
Chạy gạo xô bồ xa vạn dặm
Đi buôn hổn độn cách bao ngày
Trâu nằm cỏ rác kia la liệt
Bò đứng đống rơm nọ chất đầy
Ảm đạm hằn sâu trong ký ức
Buồn thương ấp ủ mảnh hình hài

Mai Xuân Thanh

Ngày 26/04/2019




* Nắng Có Phai Trên Cầu Hò Hẹn - Ngu Uyên


NẮNG CÓ PHAI TRÊN CẦU HÒ HẸN

Xin nắng đừng phai, trên cầu hò hẹn
Để cho mình gặp lại cố nhân xưa
Bao năm dài ngăn cách chuyện đón đưa
Kẻ chân mây người ôm sầu cách biệt

Rừng thay lá rồi khô nào ai biết
Chim lại nguồn vẫn hót khúc tình si
Thương nhớ nhiều, bao vạn đấng nam nhi
Chân lướt nhẹ, trên dòng sông ngược nước

Theo hoa, theo lá, chân tình cất bước
Không ngại ngùng bão tố đến từ sau
Xuân đất trời cứ vùn vụt qua mau
Đành mang theo giấc mơ  người ở lại

Xin nắng đừng phai, trên cầu hò hẹn
Để cho mình gặp lại cố nhân xưa
Nắng vẫn vàng, mây chạy, gió đong đưa
Ngàn tâm sự, ngân nga trong nỗi nhớ.

                   Ngu Uyên   2019




Tháng Tư Chờ - Trầm Vân


     Tháng Tư Chờ
Tháng Tư giọt nắng hao gầy
Xô em vấp ngã vào đày đọa xa
Chiếc thuyền chèo giữa phong ba
Lắc lư giữa nỗi đau nhòa lênh đênh
May mà tới chốn an bình
Bước chân lạ lẫm nơi miền lạ quê
Còn đâu lối hẹn trăng thề
Ngổn ngang tâm sự bốn bề chênh vênh
Em đi bỏ lại cuộc tình
Buồn anh vỡ nát gập ghềnh cơn đau
Áo bay đôi vạt về đâu
Câu thơ lỡ vận bạc đầu trăm năm
Câu thơ rơi dưới mưa dầm
Vớt lên chỉ thấy tình lầm lỡ xiêu
Đường tình trơn trượt rong rêu
Bước chân tuột dốc cheo leo mịt mờ
Tháng Tư hoa giấy thẫn thờ
Rối nhàu sóng vỗ đôi bờ trùng khơi
Tóc em bay biếc phương trời
Cột lòng anh với những hơi thở tàn
Tháng Tư trăm mối ngổn ngang
Em đi bỏ lại võ vàng câu thơ
Gửi em con sóng ngẩn ngơ
Trăng treo trên bến hẹn hò năm xưa
Vầng trăng vàng mãi đến giờ
Trôi trên dòng nhớ đợi chờ bóng em
         Trầm Vân



Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Bài họa: Giàu- Nghèo (Mai XThanh & Liêu Xuyên)

Họa: 
          Giàu - Nghèo
      (Bài Xướng bên dưới)

Thiếu thốn dân đen chẳng dám chơi
Đói no ấm lạnh kệ ai rồi
Quan tham quyền thế ăn không hết
Bổng lộc cơ ngơi uống chẳng vơi
Nợ bước đường cùng, cầu nguyện Chúa
Vay thân khốn quẩn, vái xin Trời
Tai ngơ, đau khổ hằng trăm chỗ ?
Mắt lấp, lầm than khắp mọi nơi !

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/04/2019




Họa:
      NGHÈO -  GIÀU

Nghèo khó nào ai có được chơi,
Dân đen thiếu thốn khổ đau rồi.
Nhà tranh vách đất rầu xiêu vẹo,
Tiền bạc gạo cơm đói khó vơi.
Chỉ bọn gian thương lường lật Thánh,
Cùng quan cẩu trệ bán mua trời !
Lũ này nức vách giàu vô kể…
Vàng ngọc dấu chôn khắp mọi nơi !
           Liêu Xuyên





Hồi ức: Chợ Đời (Cò Mẹ)


Thưa Quý Độc Giả,
Nối tiếp những dòng thơ THÁNG TƯ ĐEN, hôm nay tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết mới của thi hữu CÒ MẸ. Bài Hồi Ức CHỢ ĐỜI có thể nói là đặc sắc nhất của tác giả được ấp ủ từ lâu nay mới ra mắt bạn đọc. Tác giả kể lại nỗi niềm tâm sự của một người vợ trẻ lấy chồng thời chinh chiến. Sau 1975, nàng lâm vào cảnh bế tắc trong cuộc sống, tiếp  theo đó là những bất hạnh cay đắng dồn dập như muốn đốt cháy cuộc đời của nàng và của các con. Không nghề nghiệp chuyên môn, muốn làm thợ cạo mũ cao su cũng không được, buôn bán cũng không xong, nghèo khổ lên đến đỉnh điểm, hụt hơi.  Tưởng nàng sẽ gục ngả ở thời điểm nầy nhưng không: hình ảnh mất đứa con nhỏ bò lổm ngổm dưới đất, hình ảnh chồng đói rét ở đâu đó trên rừng, hình ảnh cha mẹ già lọm khọm mót từng củ mì vụn, thêm vào đó là ý chí quật cường khiến nàng bừng lên sức sống. Nàng đi lên tỉnh xin làm nhân viên bán thuốc ở phòng y học dân tộc. Người ta chấp nhận, một trang đời mới mở ra, nàng mừng rỡ như đang thấy một tia sáng hy vọng ở cuối đường hầm chợt lóe lên... Nàng hăng hái vượt qua trở ngại, hoàn thành cuộc hành trình, đưa con cái bình yên vào vùng đất mới xây dựng lại cuộc đời ấm no hạnh phúc. Với lối hành văn mộc mạc bình dị tác giả dẫn ta nhớ lại cảnh nghiệt ngã đau thương của cuộc đổi đời sau khi miền Nam thất thủ năm 1975. Đọc bài để thông cảm với hoàn cảnh ngặt nghèo của tác giả mà thương  cho người vợ lính phải vật lộn với cái ăn cái mặc để sinh tồn: vừa nuôi con vừa nuôi chồng ở trại tù cải tạo, qua đó ta thương cho nàng cũng là thương cho chính mình vì nỗi đau và sự mất mát của nàng cũng chính là nỗi đau chung  của một dân tộc sau 1975.  Xin trân trọng giới thiệu (NC).


                Hồi ức:
                             CHỢ ĐỜI 
(Bài viết như một nén hương lòng kính dâng hương linh Ba Má đã vì con mà hy sinh cả cuộc đời, làm chỗ dựa  để  con cái đứng vững trên đôi chân trước nghiệt ngã của cuộc đời. 
Tiếc rằng Ba Má không còn sống để vui hưởng tuổi già bên cạnh con cháu nơi xứ người tràn đầy vật chất và tự do. 
Bài viết cũng để tặng những người cùng cảnh ngộ, vợ lính và góa phụ trẻ thời chiến chinh.)
---------------------
Mới đó đã 44 năm qua...
Ngẫm lại đời người như bóng câu qua cửa . . . !
Hồi mới "giải phóng “ tôi  cũng không biết ai giải phóng ai?! Thì cứ nghe họ nói giải phóng thì giải phóng chớ biết chi!? 
Tôi lấy chồng được hơn 3 năm, khi có chồng cứ mỗi năm tôi sanh một  đứa con, đứa đầu lòng là con trai, do lần đầu sanh tôi không kinh nghiệm hay gặp bà mụ dở tôi cũng không biết! Bà dùng máy hút em bé ra đầu bị chấn thương đỏ bầm chết ngộp. Bà làm hô hấp nhân tạo vài phút thì bé khóc ré lên, khóc hoài suốt cả tháng trừ khi bú là nín.  Tôi và má tôi thay phiên nhau ẵm bồng (nói phần nầy để tả nỗi niềm người con gái sinh con đầu lòng, vắng mặt chồng, đúng với câu ca dao: Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình.)
Năm sau 1972 chiến tranh ác liệt các vùng Tam Giác Sắt tỉnh Tây Ninh gồm những địa danh Cầu Khởi, Bời Lời, Suối Ông Hùng quận Khiêm Hanh. Chồng tôi là đại đội trưởng một đơn vị tác chiến nên khi có chồng 1971 đến ngày 30/4/75 tính đi tính lại vợ chồng tôi chưa được 100 đêm gọi là chăn gối!...
Khoảng tháng sáu năm 1972 gần ngày sanh nở tôi đi khám thai bác sĩ cho biết có thể tuần sau bé chào đời.  Bỗng chiều hôm ấy từ chiến trường báo tin chồng tôi tử trận! Nghe tin bất ngờ tôi loạng choạng không còn đứng vững, trời đất tối sầm, tim tôi như ngừng đập, nghẹt thở nghẹn ngào...!
Tôi rán bình tỉnh hỏi thêm, họ báo tôi đến nhà xác nhận diện thân nhân!
Tôi đi nhanh vào phòng thay đồ đến nhà xác cùng bạn của chồng tôi là đại uý Tài không quân lái trực thăng. Ngoài trời mưa lâm râm mây xám âm u phủ trùm! Tới nơi tôi thấy thi thể binh sĩ nằm la liệt trên băng ca và trải luôn poncho dưới đất, người đầy máu me ràng rụa, tôi run quá nói thầm “các anh chiến sĩ phù hộ cho tôi sớm được gặp chồng .” Tay tôi  đụng vào xác người lạnh ngắt khiến  tôi cũng lạnh run, hơn mười mấy xác người không phải chồng tôi!? 
Tôi thầm khấn: “Anh ơi, anh ở đâu ? Anh có sống khôn thác thiêng thì cho em biết tin”.
Cứ mỗi lúc nghe tiếng còi xe Hồng Thập Tự rú lên lòng tôi tan nát... 
Thấy tôi bệ vệ mang cái bụng bầu to, anh bạn của chồng tôi nói: 
- “Bà Kỷ, tôi đưa bà về nhà nghỉ ngơi, bà cũng mệt lắm rồi. Để tôi tìm cách liên lạc xem sao, tôi cho bà biết sau, đừng để ảnh hưởng thai nhi.” Anh ấy dìu tôi ra khỏi nhà xác, lên chiếc xe Jeep lùn. Trên trời trực thăng bay lên đáp xuống liên tục, cõi lòng tôi như chết lịm! Không gian quanh tôi đầy thần chết!
Gần 8giờ tối anh bạn trở lại báo: “Thằng Kỷ chưa chết. Nó bị thương nặng, trực thăng đưa về Tổng Y Viện Cộng Hoà rồi, bà yên tâm đi."  Anh bạn an ủi tôi vài câu, vội vả quay đi.
Tôi đứng ngồi không yên cứ ra vào ngoài ngỏ như chờ đợi... Tôi thấy mấy người lính tiểu đoàn 352 đóng quân gần nhà đi hành quân vừa về còn đang loay quoay với cái ba lô màu xám xịt,  mình mẩy đầy cát bụi,  thấy tôi vội nói: “Chiều nầy lúc trận chiến ác liệt, tôi thấy xác của Đại Uý mặc bộ đồ bệt nằm dưới đám cây mì, mình đầy máu.” 
Nghe qua lòng tôi rối bời hụt hẫng! Tin chắc là vậy vì chú lính nầy biết rõ chồng tôi. Sau đó tôi lấy lại bình tĩnh: hai tin tức trái ngược từ hai người quen khiến tôi nửa tin nửa ngờ. Chờ hừng sáng tôi đón chuyến xe đò đầu tiên đi Sài Gòn.  Tôi nôn nóng phải chờ phá mô VC đấp ở Suối Sâu nên gần 8 giờ  mới tới TYVCH. Trong Y viện rất nhiều thương binh, vẫn còn nằm trên băng ca vì không đủ giường, thấy chồng tôi đang oằn oại mảnh đạn trầy xước đầy người, vết máu khô còn đọng, bác sĩ cho biết 9g30’ sẽ giải phẫu gan vì còn mảnh đạn trong đó. 
Sắp tới giờ vào phòng mỗ chồng tôi bảo tôi đi về và an ủi tôi vài câu. Tôi đứng chết lặng không nói ra lời! Nước mắt chảy quanh làm cho tôi bồi hồi xúc động muốn té xĩu vì quá kiệt sức từ hôm qua đến giờ, kết hợp lời khuyên của bác sĩ bảo tôi về nhà nghĩ ngơi gìn giữ thai nhi.  Khi y tá đẩy chồng tôi vào phòng mổ, tôi bơ vơ trơ trọi lủi thủi quay về! 
Đêm ấy tôi đau bụng dữ dội khoảng hơn 3g sáng tôi sanh được một bé gái bụ bẫm, bao nhiêu đau đớn trong tâm hồn trôi qua để đón nhận hạnh phúc mới từ đứa bé sơ sinh! 
. . . . 
Thế rồi ngày tháng dần trôi, năm sau tôi sanh thêm một bé gái trắng trẻo dễ cưng. 
Rồi từ đó bom đạn cứ giày xéo quê hương tôi. Mỗi đêm nghe vẳng bên tai tiếng súng nổ tạch đùng, nhìn qua khe cửa sổ thấy hỏa châu soi sáng một góc trời, tôi thường an ủi mình bằng câu hát “Súng ru em ngủ bằng câu chuyện tình,  7000 đêm giấc ngủ chưa tròn,  giấc ngủ hao mòn, cơn mơ thành bại bây giờ là đây."
Tôi phân vân lo lắng chiến tranh còn giầy xéo quê hương không dứt, chắc tôi sớm trở thành goá phụ,  tôi rất sợ không dám nghĩ nữa! 

Đến tháng 3/75 chồng tôi bảo mẹ con tôi về quê nội miền biển Phan Thiết để lánh nạn tránh xa tầm đạn pháo của giặc cho anh yên lòng làm tròn nhiệm vụ nơi chiến trường.
Thế là tôi lo thu xếp bồng bế các con về quê nội...

Làm dâu Miền Trung tôi phải làm nhiều việc mà ở nhà cha mẹ ruột tôi chưa từng làm.  Tôi chỉ cầu mong hết chiến tranh về lại quê nhà gần cha mẹ anh em.
Càng trông càng xa, càng cách biệt... 
Hàng ngày nghe ba chồng đi làm về nhà nói hôm nay đường Sài Gòn - Phan Thiết đấp mô xe đò không ra vào được, dân buôn bán phải đi bằng đường biển... 
Đến một hôm vào lúc nửa đêm tôi nghe tiếng súng từ xa vẳng lại, có tiếng chân người chạy rầm rập ngoài đường đất, ba má chồng tôi ở nhà trên rù rì to nhỏ chuyện gì tôi không nghe được!
Đến hừng sáng má chồng bảo tôi:
- Con Hai lấy bị mang khoai khô theo, mì gói,  quần áo vài bộ cho mỗi đứa nhỏ chạy giặc,  lên nhà cô ba ở (cô ba là em gái kế của ba chồng tôi, chồng cô là Trưởng Ty Cảnh Sát PT thời đó), nhà cô tại chợ PT trên đường Gia Long.
Đoạn đường từ nhà ba má chồng tôi đến nhà cô ba khoảng 3km, phải ngang qua cầu đúc dài khoảng 50 mét.  Má chồng tôi thúc giục: 
- Tụi bây nhanh lên!
Gia đình gồm ba má chồng và 5 đứa em chồng còn đi học, cùng 4 mẹ con tôi, đứa con lớn của tôi 3 tuổi,  đứa kế 2 tuổi cô chú nó bế,  còn đứa nhỏ nhất vài tháng tuổi tôi bế để rủi khi bị lạc bé có sữa mẹ bú.
Sau khi chờ ba chồng tôi khoá cửa chính nhà lớn và khoá cửa rào xong, cả nhà cùng chạy theo đoàn người trong xóm.  Họ gánh gồng bồng bế vừa đi vừa chạy.  Dọc theo đường thấy quần áo lính, nón sắt, ba lô, giầy... vứt bừa bãi.  Trong số người cùng chạy họ hối nhau: 
- Chạy nhanh lên Việt Cộng vào tới Phan Rí rồi.
Chen lẫn theo đám người chạy về hướng chợ, qua khỏi cầu chạy thêm một đoạn nữa tới nhà cô Ba, thì vừa lúc đó trên trời xuất hiện hai chiếc phản lực,  cô ba thét lớn:
- Chui xuống ván tránh bom. 
Thì ngay khi đó hai tiếng nổ kinh hoàng long trời lở đất.
Tiếng la hét trước nhà - Bom nổ trên cầu.
Cô ba la lớn: - Chạy ra biển!
Cả nhà theo ba má chồng tôi,  trà trộn đám đông chạy ra biển.
Chiến tranh thật là kinh hoàng! 
NGÀY ĐÓ LÀ NGÀY 20/4/75 PHAN THIẾT THẤT THỦ!!! 
Đến khi VC chiếm dần các tỉnh tiến về SG thì tôi cùng gia đình trở về nhà, chợ búa hoàn toàn tê liệt không ai mua bán gì, ở nhà thì cứ ăn khoai luộc, nhà còn ít gạo nên nấu độn khoai khô! 
Đến 30/4/75 SG thất thủ! Miền nam loạn lạc! 
Sau khi chờ đắp một đoạn đường bị hỏng, xe chạy thông thương,  mẹ con tôi bồng bế về quê ngoại.
Về nhà thấy tường nhà nứt nẻ  do đạn pháo kích, chồng tôi bị bắt tập trung  cải tạo, mẹ con tôi không có tiền để sinh sống, đồ đạc trong nhà bàn ghế bán chẳng ai mua, cứ nhờ ngoại lên rẫy mót củ mì về nấu ăn. Có bà xóm dưới bán cá thấy tôi bế tắc cuộc sống, thương hại mấy đứa nhỏ, bảo tôi 4giờ khuya ra chợ cá bà cân cho 2kg,  bán hết rồi trả vốn cho bà lấy lời về trang trải mà sống.
Tôi nghe lời, khuya  dậy sớm lúc con tôi còn say ngủ, tôi khoá cửa để chúng trong nhà; nhà tôi gần cạnh nhà ngoại mà ngoại phải thức sớm cùng mấy đứa em lên rẫy mót củ mì đâu có ai ở nhà trông cháu.
Đợi vựa cá cân cho bạn hàng xong bà mới cân cho tôi 2kg, đến 6 giờ sáng tôi tìm chỗ trống ngồi chồm hỗm bán.  Hơn 7g mới có người đi, chợ bắt đầu nhóm người qua kẻ lại ít ai hỏi mua,  trong lòng tôi buồn rầu vô cùng, sợ con thức dậy không có mẹ sẽ khóc!
Chốc sau chợ đông có người mua 2 - 3 con cá trào, vài con cá trê. Khi bán xong, đếm tiền lại còn bị lỗ! Mình nhớ rõ ràng mình lời một ký được mấy đồng mà tại sao lại lỗ?! 
À , thì ra mình không biết cân,  quá dư nên mất ký, thì thôi móc tiền túi ra đền trả người ta, bữa sau rút kinh nghiệm cân yếu một chút nhưng vẫn thiếu.  Hôm nay hơn 8g giờ sáng mới về tới nhà, vừa mở cửa thì thấy con bé nhỏ nhất 8 tháng tuổi bò dưới nền gạch ỵ , trét đầy mình mặt mày tay chân! 
Thương con quá!
Tôi nghẹn ngào nức nở muốn gào thét thật to cho đã cơn hận!
Tôi giận mình sao sanh ra trong thời buổi đau thương khổ sở như vầy để con thơ nheo nhóc tội nghiệp!
Hôm sau tôi không đi bán nữa ở nhà giữ con chờ má tôi về để phụ mài củ mì gói bánh ít, bánh tầm cho má đi bán. 
Sống nhờ bà ngoại mấy bữa, bà ngoại cũng già rồi còn nuôi ba đứa em mới nghỉ học vì "giải phóng" vô các trường học đều đóng cửa!
Tôi tìm người bán đồ đạc trong nhà mà chẳng ai mua, thậm chí tôi mang quần áo của tôi ra chợ trời bán, chiếc áo dài nào họ không mua tôi sửa lại áo bà ba mặc. Đồ đạc bán từ từ lấy tiền đi thăm nuôi chồng, đến khi còn cái tủ áo cuối cùng tôi bán để lấy tiền làm vốn.  Hôm đó tôi mướn con bé xóm trên phụ tôi coi em, sáng theo tôi bán bún riêu vì tôi không biết gánh nên  để  cho nó gánh vì nó ở miệt quê nên giỏi gánh gồng. Mới ngày đầu gánh từ nhà ra đường bán được hai tô,  tới trưa ế quá nó đòi gánh lên đường Băng-ca-lô bán. Hai thầy trò đi được một đoạn tôi nói: một chút tới nơi tìm chỗ ngồi rồi ăn đi cho đở đói.  Rán đi tới dốc Toà Hành Chánh Tây Ninh, con bé vấp cục đá đỗ cả nồi nước lèo,  thịt văng tứ tung. Vừa mắc cỡ vừa tiếc của,  nếu không lượm lại thì về sẽ đói!  Hai cô cháu hốt bún và rau vô rổ,  lượm thịt để vô nồi về nhà rửa sạch nấu lại mà dùng.
Lúc bấy giờ chỉ cần được ăn để mà sống! 
Thử thách có mấy ngày tôi không làm được nghề mua bán hàng rong, tôi cứ suy nghĩ tìm phương kế khác làm việc để nuôi con; còn ba má và em tôi thì đi mót củ mì tạm thời vì ông bà cũng gần 70 tuổi mà chủ mì người ta giàu kinh nghiệm cày xới đâu bỏ sót củ nào đâu mà mót hoài! 
Tôi chợt nghĩ ra cách:  đem sức lực ra làm mướn mà không  cần bỏ vốn, là học cạo mủ cao su,  vừa cạo mủ vừa lượm củi khô về nấu cơm cũng  đỡ cho gia đình, nhưng khi tôi tới xin việc thì họ đã vô tổ hợp rồi, nên họ từ chối . 
Vì phải sống, tôi ra chợ bán tạp hoá nhỏ như xà bông, kim chỉ, trà v.v.  Mấy món nầy không cân đo nên tôi bán được, không bị lỗ.
Rồi từ đó trôi nổi theo nhịp sống giữa chợ đời...
Chưa kể những phiền phức ban đêm hợp tổ sau một ngày lao động mệt mỏi. Vì tôi là "vợ ngụy" nên người ta luôn chờ sơ hở để làm khó, người chế độ cũ thì không dám gần gủi sợ vạ lây, còn người mới đến thì tránh xa sợ ảnh hưởng! Cuộc sống hằng ngày không yên ổn bởi cái đám đục nước béo cò luôn rình rập chờ sơ hở lập công!
Ai đã từng sống trong giai đoạn nầy như tôi ắt cảm nhận được ngay việc ăn uống đói khổ,  khi mua từng lạng thịt cho mỗi hộ phải xếp hàng ở Hợp Tác Xã cả buổi,  người trí thức thì về quê cày sâu cuốc bẩm, kẻ ít học lại lên lãnh đạo tổ, ấp, phường!

Chồng tôi bị chuyển trại cải tạo nhiều nơi,  đến khi tôi không còn khả năng nuôi chồng đành bỏ phế, để lo sinh kế nuôi đàn con dại.  Ba tôi già tuổi 70, thấy vườn nhà có ít trái cây nên bẻ bán để mua gạo.  Một hôm ba tôi, lúc thân gầy bụng đói, leo bẻ trái cây, vói hái trái chín xa chót vót ngoài cành, trượt  tay té xuống đất, chấn thương sọ não,  má tôi chở đi nhà thương được ba hôm thì ba tôi mất.  Cha mẹ tôi vốn hiền lành, thấy người  nghèo khổ,  cho ở đậu trong đất nhà, thừa cơ hội giải phóng họ cướp đất luôn! 
Có người hiểu đạo lý thì trả đất lại,  về quê sinh sống,  còn kẻ tham lam thì dựa vào chính quyền mới cướp luôn đất. Mấy anh trai tôi là người làm việc chế độ cũ cũng đi tù biền biệt! Tôi là đứa lớn nhất trong đám con còn lại chịu nhiều áp bức nên  đứng ra thưa kiện gần 30 năm,  cứ mỗi lần mời họp giải quyết đất đai thì họ lập biên bản hoà giải, mất cả thời giờ mà chẳng được gì!
Luật pháp không nghiêm minh!
Thời gian trôi qua nhanh...
Khi con tôi lớn lên được 4-5 tuổi tôi xin cho con đi học mẫu giáo,  hiệu trưởng phán rằng: không nhận con lính ngụy!  Tôi căm hờn tức giận trào dâng,  nhìn con trẻ mà nước mắt tuôn trào, lệ tôi rơi còn nhiều hơn nước mưa! 
Còn rất nhiều và thật nhiều những nỗi khổ không sao kể xiết!
Mỗi năm đến Tháng Tư,  những người hiện diện thế hệ ấy đều chạnh lòng nhớ lại những ngày đầy ảm đạm thê lương! Lòng se thắt những nỗi đau tột cùng trong tâm não!... 
Đau thương nhất là các vị tướng lãnh tuẩn tiết,  nêu cao chí hùng không hàng giặc! Tôi chạnh lòng thương tiếc và kính trọng những vị tướng chết theo thành của những ngày Tháng Tư Đen năm 75.
Lịch sử Việt Nam trải dài nhiều thế kỷ cứ lập lại sự trả thù dân tộc mình. Khi triều  đại mới lên thay, thì lập tức trả thù triều đại cũ một cách tàn bạo! Tại sao triều đại nhà Lý phải qua tới Hàn Quốc để lánh nạn? Vì triều đại nhà Trần đã tàn sát khốc liệt! Tới khi nhà Nguyễn lên ngôi thì tàn sát nhà Tây Sơn cũng rất tàn bạo, cho voi dầy ngựa xé bà Bùi Thị Xuân và chồng là Trần Quang Diệu (một Đô Đốc của vương triều Tây Sơn) lẫn đứa con gái. Còn binh sĩ thất trận thì bị chém đầu cả dòng họ!
Năm 1975 miền Nam thất thủ, hàng trăm ngàn quân dân cán  chính VNCH bị tù đày, vợ con bị tịch thu tài sản,  dồn lên kinh tế mới là nơi rừng thiêng nước độc, một cách  trả thù ác hiểm, khiến vợ xa chồng con xa cha một cách tàn nhẫn. Nhiều sĩ quan chế độ cũ đã bỏ mạng nơi rừng núi  âm u tại  trại  cải tạo Cổng Trời (Lạng Sơn, Bắc Việt). Có người bị xử tử tại chỗ không cần cải tạo như đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn ở Cần Thơ. Trước khi chết ông thốt lên những lời đanh thép:
- Chúng tôi không có tội, các anh muốn bắn thì cứ bắn đi!
- Nếu chúng tôi thắng chúng tôi sẽ không bắn các anh, chúng tôi sẽ không bỏ tù các anh. 
Quý vị thấy không, ông Hồ Ngọc Cẩn ngay lúc bị xử bắn,  vẫn lịch sự gọi kẻ chiến thắng bằng anh, và xưng là  chúng tôi,  không dùng từ chúng mầy, bọn mầy, tụi tao... 
Con người nhân bản là như vậy... 
Tháng Tư nhắc chuyện buồn còn vướng đọng!

Tôi mong sao thời kỳ nầy, tuổi trẻ tài giỏi, ý thức được sự tồn vong của dân tộc mà vững tay lái,  đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi ách độc tài đảng trị để toàn dân Việt sống trong tự do, hạnh phúc, sánh kịp các nước tư bản văn minh trong vùng Đông Nam Á, cho những người trải qua cuộc đổi đời kinh hoàng 30/4/75 được thấy thanh bình thực sự trên quê hương yêu dấu... 
               CÒ MẸ 2019