CHỮ NGHĨA
Truyện ngắn của Lão Gàn
Trời mới sáng, lão Hạc còn nằm trên giường, lão chưa ngồi dậy, dù mắt đã mở từ mấy giờ trước.
Người già không còn “mê ăn, lú ngủ” như người trẻ. Ăn khi nào cũng được, bụng không biết đói; ngủ mỗi đêm khoảng vài tiếng mà giấc ngủ không bao giờ được sâu.
Bên ngoài, tiếng gõ cửa nghe “lốc cốc” liên hồi, hoà lẫn tiếng phụ nữ hoảng hốt gọi vào:
- Thầy ơi, thầy dậy cho con nói chuyện ni với!
Người trong cộng đồng thường gọi lão Hạc bằng thầy vì trước đây lão Hạc có làm nghề dạy học một thời gian.
Lão Hạc vói lấy chiếc gậy để dưới giường, chống lom khom ra mở cửa. Thấy chị Tươi, lão Hạc hỏi với vẻ bực bội:
- Chuyện gì mà hốt hoảng rứa, con?
- Để con vô nhà, rồi con trình bày cho thầy nghe! Chị Tươi dìu lão Hạc vào ngồi trên ghế, rồi nức nở giải bày. Thiên hạ nhiều chuyện lắm, con chịu không nổi rồi, e con chết đi thôi!
Chị Tươi là người trong làng, còn trẻ tuổi, chưa tới 30; chị đang ở với đứa con gái mới lên ba; chị có quầy hàng lớn ở chợ; việc kinh doanh khấm khá; chồng chị bị tai nạn giao thông mất cách đây đã 2 năm. Mãn tang, chị xây lăng cho chồng; nghe vậy, gia đình bên chồng mừng lắm.
Biết lão Hạc thường cho câu đối đắp ở mộ. Trong địa phương, lão Hạc nổi tiếng về đặt câu đối mà ý nghĩa đi sát với từng hoàn cảnh, chứ không phải mang nghĩa chung chung. Nhà chồng khuyên chị Tươi tới lão Hạc mà xin chữ để tỏ bày nỗi lòng thương nhớ với chồng. Chị Tươi nghe lời.
Lão Hạc thương hoàn cảnh chị, nghĩ và viết ra câu đối. Việc viết đối của lão Hạc là việc làm giúp – thiện nguyện.
Câu đối với vế đầu nói chuyện chồng, vế sau nói chuyện vợ. Ý nghĩa chỉ gói gọn trong tình cảm của vợ dành cho chồng.
Lão Hạc mừng thầm là đã nghĩ ra câu đối hay; chị Tươi đem về để gia đình nhà chồng duyệt, ai cũng khen câu đối nói đủ ý nghĩa, âm điệu đọc lên nghe cảm động lắm.
Câu đối đắp xi-măng lên hai trụ cổng của lăng. Người làng, người xóm đến thăm công trình.
Làng này có tập quán là hễ trong làng có ai làm lăng mộ, có chi, tộc nào làm nhà thờ, dân làng rủ nhau lần lượt đến thăm để động viên. Đi thăm, trước kia người ta thường xách chai rượu, bây giờ thường ôm cả thùng bia, cả cây thuốc lá; có người thì trao phong bì đựng tiền.
Chiều đó, một khách thăm đọc câu đối rồi cười toe toét; kíp thợ thi công và gia đình nhà chồng chị Tươi ngạc nhiên, hỏi lý do cười, nhiều lần người khách vẫn không nói mà cứ lẩm bẩm hai từ “rộn lòng” trong câu đối:
“Anh yên phận, mồ cao mả đẹp – Em rộn lòng, đêm nhớ ngày trông.”
Cuối cùng, có người trong gia đình hiểu được nghĩa nói lái của hai từ “rộn lòng”.
Tối lại, cả gia đình nhà chồng họp, buộc tội chị Tươi ngoại tình khi tang chồng mới mãn.
Có ông chú còn đặt điều:
- Hèn chi chị Tươi không xây “lăng đôi” dành sẵn phần để làm mộ chị sau này bên mộ anh!!!
Cả đêm, chị Tươi ấm ức, không ngủ được, chị chỉ chờ trời sáng để đến giải bày nỗi oan với lão Hạc.
Lão Hạc cũng chẳng biết làm gì, nói gì mà chỉ thở ra: “Ôi chà chà! Ôi chà chà!!!”
14/4/2019 (10/3/Kỷ Hợi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét