Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Điển tích văn học: Áo



Điển Tích Văn Học 26 : 
                                                          ÁO

                                     Inline image

         Áo, chữ Nho là Y 衣, phần mặc để che chắn phía trên của thân người, nhưng ngày xưa Y là phần khoát bên ngoài dài từ trên xuống dưới, nên nói đến Y là nói đến vẻ phục sức bề ngoài của con người. Vì vậy mà hễ nói đến chữ Y, thì người ta cũng nghĩ ngay đến câu thành ngữ Y CẨM HOÀN HƯƠNG 衣錦還鄉, mà ta nói là ÁO GẤM VỀ LÀNG.         
       Trong văn học cổ của ta còn gọi là ÁO GẤM MẶC VỀ khi nói đến ý nguyện của Phan Tất Chánh (tức Phan Sinh) trong truyện thơ Nôm khuyết danh PHAN TRẦN là:

                         Cũng đừng áy náy lòng quê,
                     Khi nào Áo Gấm Mặc Về mới cam!

      "Áo Gấm Mặc Về" là phải mặc ban ngày, cho mọi người đều thấy để trầm trồ cho sự thành đạt rực rỡ của kẻ sĩ ngày xưa khi thi đậu làm quan, nên còn được gọi là GẤM NGÀY, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện dùng để phô trương sự giàu sang phú quý:

                        Vẻ vang rỡ rỡ Gấm Ngày,
                  Ai ai chẳng muốn bạn bầy với tiên? 

      Theo Hán Sử, Sở Bá Vương Hạng Vũ nói là: "Phú qúy bất quy cố hương, như y cẩm dạ hành, thùy tri chi giả! 富贵不归故乡,如衣锦夜行,谁知之者!"  Có nghĩa: Giàu sang mà không trở về quê cũ, thì cũng như mặc áo gấm mà đi đêm vậy, ai biết cho đây!?"  Ý nói giàu sang vinh hiển mà không được người ta biết tới, nên ta lại có thành ngữ Y CẨM DẠ HÀNH 衣锦夜行, nôm na là "Mặc áo gấm đi đêm" không ai biết đến cả!

                    Inline image 

                       Inline image
                        Y Cẩm Hoàn Hương là Áo Gấm Về Làng, là Vinh Quy Bái Tổ

        Ngoài Áo Gấm ra, ta còn có ÁO GIỚI LÂN. GIỚI 介 là Vỏ cứng của ngao sò ốc hến. LÂN 鱗 là Vẩy cá Vẩy rồng, nên Áo Giới Lân là chỉ Áo Giáp làm bằng các loại vỏ vẩy cứng để che thân của các vỏ quan và binh lính ngày xưa. Trong bài "Tài Tử Đa Cùng Phú" của Cao Bá Quát chỉ những thân phận thấp hèn của các lính trận và phó tướng, ông đã viết:


                           Quản bao người mang cái giàm danh, 
                           Áo Giới Lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ.

      Ta còn thấy thêm một loại ÁO trong bài phú rất hay nầy của Cao Bá Quát nữa là ÁO TRỌNG DO. Trọng Do 仲由 tức Tử Lộ 子路, học trò của Khổng Tử. Khổng Phu Tử từng nói: "Ý tệ uẩn bào, dữ ý hồ lạc giả lập, nhi bất sỉ dã, kỳ Do dã dư 衣敝縕袍, 與衣狐貉者立, 而不恥者, 其由也與" Có nghĩa: Mặc áo vải gai rách, cùng đứng với người mặc áo lông cừu, mà không thấy hổ thẹn, chẳng là trò Do đó sao? Ý chỉ Tử Lộ tuy nghèo, mặc áo bằng cỏ gai, nhưng lại là con chí hiếu đội gạo đường xa nuôi cha mẹ, thì đứng chung với người giàu sang quyền qúy cũng không thấy hỗ thẹn chút nào cả! Cao Bá Quát muốn mượn ý nói mình tuy nghèo nhưng tự hào sống bằng sức lao động của mình, chớ không chịu lòn cúi người khác:

                       Áo Trọng Do bạc phếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
                      Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.

                     Inline image  Inline image
                           Áo Giới Lân ...                        Áo Trọng Do ...

       ÁO LAI, là Áo của Lão Lai Tử 老萊子, một trong Nhị Thập Tứ Hiếu 二十四孝. Theo tích sau đây:


       Lão Lai Tử , người nước Sở, sanh vào thời Xuân Thu, thờ cha mẹ rất hiếu thảo. Lúc ông được 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống thọ. Ông sợ cha mẹ buồn khi thấy mình già nên ông thường mặc quần áo sặc sỡ rồi múa hát trước mặt cha mẹ để làm vui; lại có khi bưng nước giả bộ trợt té rồi khóc oa oa như con nít làm cha mẹ phải bật cười. Nhớ bài học hồi lớp Đệ Thất ngày xưa như sau:

               Lão Lai Tử đời Châu cao sĩ,
               Thờ hai thân chẳng trễ ngọt bùi.
               Tuổi già đã đúng bảy mươi,
               Nói năng chẳng chút hở môi rằng già.
               Khi thong thả mẹ cha ngồi trước,
               Nhảy lăn vào bắt chước trẻ thơ.
               Thấp cao điệu múa nhởn nhơ,
               Xênh xang màu áo bạc phơ mái đầu.
               Chốn đường thượng khi hầu bưng nước,
               Giả làm điều ngã trước thềm hoa.
               Khóc lên mấy tiếng oa oa,
               Tưởng chừng lên bảy lên ba thuở nào.
               Trên tuổi tác trông vào vui vẻ,
               Án đình vi gió thụy mưa xuân.
               Cho hay nhân tử sự thân,
               Trong trăm năm đặng mấy lần ngày vui.

           Inline image  Inline image
                   
 Lão Lai Tử làm vui lòng cha mẹ già

       Nên Áo Lai là chỉ người con có hiếu với cha mẹ già, như trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính có câu:

                        Áo Lai chưa múa sân nầy,
                    Thời đem kinh bố mà thay gọi là.

       Trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích nhớ về cha mẹ, cụ Nguyễn Du cũng đã viết:

                        Sân Lai cách mấy nắng mưa,
                      Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

       
ÁO TRẮNG MUÔNG ĐEN: là Tà áo màu trắng và Con thú màu đen, chỉ hai vật tương phản nhau, với dụng ý nói sự vật trên đời thay đổi nhanh chóng như đám mây nổi trên trời vừa có hình dạng như tà áo trắng, phút chốc đã biến thành con thú màu đen, đúng ra là con chó màu xanh theo như hai câu thơ của Đỗ Phủ trong bài Khả Thán Thi là:


         天上浮雲如白衣, Thiên thượng phù vân như bạch y,
          斯須改變如蒼狗.   Tư tu cải biến như thương cẩu.
Có nghĩa :
               Mây nổi trên trời như áo trắng,
               Phút giây biến tựa chó xanh lơ.

        Inline image  Inline image
                  Bức tranh Vân Cẩu vẽ người tang thương.     
       
       Như lời nói của con chuột bach trong truyện Nôm Trinh Thử là:

                            Thiếp nay ở mé đông lân,
                   Vì cơ Thương Cẩu lang quân tếch ngàn.

       Trong Cung Oán Ngâm Khúc thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã cho nàng cung nữ tài hoa suy luận chuyện đời bằng câu:
                           Lò cừ nung nấu sự đời,
                Bức tranh Vân Cẩu vẽ người tang thương.

       Còn trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính thì ta đọc được câu:
                           Phù vân một đóa bay đi,
                  Khi thì Áo Trắng, khi thì Muông Đen!


       Xin được kết thúc các điển tích về ÁO tại đây, mời đọc bài viết tới.

                                                        Đỗ Chiêu Đức



  

           



Không có nhận xét nào: