Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Chữ Nghĩa Làng Văn I- Ngộ Không Phi Ngọc Hùng


          Chữ Nghĩa Làng Văn I

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

***

Tiếng nói xưa và nay

Sư ni: Đây là từ gốc Ấn Độ. Ở Ấn Độ, nam giới đi tu gọi là bít-sư, nữ giới đi tu gọi là bít-sư-ni.

Khi các từ này nhập vào nước ta, chỉ còn giữ các âm tiết cuối: sư, ni. Sau đó ta thêm cách gọi khác: sư ông, ni cô

(Trần Văn Giáp).

Bên hè phố sách

Phố sách vỉa hè

Gặp tôi bà tâm sự vụn: "Hồi đó đi học chủ yếu là để biết chữ. Biết chữ là để đọc sách. Ba má cho bao nhiêu tiền cũng dành để mua sách hết. Giờ ra chơi là lôi sách ra đọc, đọc say sưa, mê lắm!".
Bà tiếp: "Nhưng mà mình đâu có nhiều tiền mà mua được hết, nhiều bữa coi sách xong đi ra bị người bán sách liếc. Tui về nhà nghĩ phải tìm cách nào đó để vừa được đọc sách, mà không bị người ta khó chịu”
Thế là tui nghĩ ra việc đi bán sách. Trời ơi lúc đó tui vỗ trán tự hào tại sao mình lại thông minh như vậy, nghĩ ra cách vừa được đọc sách mỗi ngày không tốn tiền mà còn có lời nữa chứ". Bà Trình cười tít mắt. Năm đó bà Trình mới 14 tuổi, bà xin ba má cho nghỉ học để ra vỉa hè bán sách để đọc sáh.

Bà Trình vẫn ở vậy một mình từ đó đến giờ, không lập gia đình. Sống độc thân, bà Trình dành toàn bộ thời gian của mình cho những quyển sách. Ai cũng tìm cho mình một người bạn đời và bạn đời của bà là những cuốn sách. Bà Trình bảo sách thì không có tuổi, dù bao năm trôi qua thì những nhân vật đó vẫn ở đó, vẫn vẹn nguyên, và bà cũng vậy cứ mãi yêu đời như cái thời còn trốn học ra sân trường đọc sách.

(Nguyễn Trí Thức)

Phật giáo và Đạo giáo

Trong một ngôi chùa Bắc Việt người ta thường thấy chia ra làm 2 khu thờ lớn nhỏ khác nhau, và ngoài cửa còn có một vài cây cổ thụ như cây Bồ đề, hay cây Đa, cây Gạo.
Tục ngữ nói: Thần cây Đa, ma cây Gạo”.

Cung giữa chùa là để thờ Phật có tượng. Gian bên có 3 pho tượng Nữ thần ở trên bệ, dưới có tượng quan tướng Ngũ Hổ. Như vậy đủ thấy chùa Việt Nam thờ hỗn hợp hai yếu tố với nhau là Phật giáo ngoại lai và Thần đạo bản xứ.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

Chữ Việt cổ

Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại

Vì chưng: bởi vì

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Chuyện làng văn xom chữ

Đoàn Phú Tứ (1910-1989) là một nhà soạn kịch, nhà thơ, dịch giả nổi danh từ thời tiền chiến.
Khi viết, ông ký tên thật hoặc các bút danh như : Tam Tinh, Tuấn Đô, và... Ngộ Không,

Ông lấy bút danh “Ngộ Không” dựa vào “Vạn sự giai không” là mọi thứ trên đời đều là tạm bợ, hư ảo không có thật..
“Vạn sự giai không” thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan căn bản nhất của tư tưởng đạo Phật: Kinh Bát nhã ba la mật chép: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Sắc chính là không, không chính là sắc)

Chữ nghĩa làng văn

Truyện Kiều, câu 1160:
“Một tay chôn biết mấy cành phù dung”

Nó cũng xuất hiện trong Chinh Phụ Ngâm:
Vẻ phù dung một đoá khoe tươi.
Phù dung lại đã bên sông bơ sờ.
.
Phù dung có 2 loại:
- Mộc phù dung (mộc liên) mọc ở trên đất tức hoa dâm bụt (hibiscus).
- Thảo phù dung mọc ở dưới nước tức hoa sen (lotus).

Phù dung trong câu thơ Kiều và Chinh Phụ Ngâm kể trên không thể là hoa sen, vì sen chỉ có cuống lá, cuống hoa, không có cành. Vả lại sen nở hoa trong hồ, trong đầm, chứ không trên sông.

Như vậy, phù dung trong Truyện Kiều là một loài hoa dâm bụt.

(Trần Văn Tích - Cỏ cây trong truyện Kiều)

Ống

ông ; súng
(súng ống)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

- Súng ống: tiếng Thái, ống cũng là súng.

Buôn tảo bán tần

Tảo, tần là tên hai loại rau mọc ở dưới nước, ven bờ. Trong bài thơ "Thái tần" có câu:
Vu dĩ thái tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ
thái tảo
Vu bỉ hàng lạo

Nghĩa là: đi hái
rau tần, bên bờ khe phía nam, đi hái rau tảo, bên lạch nước kia. Trong văn hóa Tàu, tảo, tần tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm của người phụ nữ.
Thành ngữ "buôn tảo bán tần" đã có trong Kinh Thi.

Ở Việt Nam, ý biểu trưng của tảo, tần cũng được xử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn như “Sớm khuya chăm việc tảo tần - Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai”. Sau này, "buôn tảo bán tần" chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ.

Nét “tục” trong tục ngữ phong dao

An giẻ chùi trôn, ăn l. chấm muối.

(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)

Nón đội

Khi ta lên tám chín tuổi, thấy các ông già đội nón ngoan xác, tục gọi là nón "mền giải" hay là nón "tam giang"; con nhà quan và học trò các học hiệu thì đội nón phương đẩu đại, tục gọi là "nón lá"; họ hàng nhà quan và các ông già thì đội nón cổ châu, tục gọi là "nón dâu"; người lớn và trẻ con đội nón liên diệp, tục gọi là "nón lá sen"; con trai con gái, đàn ông đàn bà ở chỗ kinh kỳ đội nón cổ châu, trẻ con đội nón tiểu liên diệp, tục gọi là "nón nhỡ khuôn"; đàn ông đàn bà thôn quê, đội nón xuân lôi tiểu lạp, tục gọi là "nón sọ nhỏ"; lính tráng đội nón trạo lạp, tục gọi là "nón chèo vành"; người hầu hạ và vợ con lính tráng đội nón viên đẩu, tục gọi là "nón khua"; nhà sư và thầy tu đội nón cẩu diện, tục gọi là "nón mặt lờ"; người có tang đội nón xuân lôi đại, tục gọi là "nón cạp"; người có chửa một năm trở xuống đội nón cổ châu, quai mây, nhà quan và nhà quyền thế có tang đội nón cẩu diện để phân biệt, người trong Thanh, Nghệ đội nón viên cơ, tục gọi là "nón Nghệ".
Đến khoảng năm Nhâm Dần (1782) quân Tam phủ biến loạn, cậy công làm càn, nhiều người đội nón viên cơ, để lẫn với quân lính.
Đến năm Bính Ngọ (1786) trong nước có biến, lại bỏ nón viên cơ, đội nón cẩu diện, người có tang một năm trở xuống, buộc quai sợi trắng để phân biệt. Ở thôn quê, theo dáng nón ngoan xác mà làm thấp đi, gọi là nón toan bì, tục gọi là "nón vỏ bứa", thỉnh thoảng lại có người đội nón xuân lôi tiểu; còn những thứ nón tam giang, ngoan xác, phương đẩu, viên đẩu, cổ châu, liên diệptrạo lạp thì không thấy nữa.

(Phạm Đình Hổ - Vũ trung tùy bút)

Chữ nghĩa làng văn

Nhu cầu sáng tạo ra những từ ngữ mới là của nhà văn là ngôn từ và việc nhà văn nào cũng khát khao. Từ xưa đến nay đều như vậy. Như trong hai câu thơ nhằm tả cảnh tù túng, quẩn quanh của Kiều ở lầu xanh khi mà trong lòng thì ngổn ngang trăm mối, Nguyễn Du viết:
Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng


Vào thời ấy mà dám lật ngược từ "hoàng hôn" thành "hôn hoàng" thì quả là một sự táo bạo.

(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

Vũ Đình Liên

photo

Ông đồ “Vũ Đình Liên”
tranh sơn dầu Bùi Xuân Phái
(1920 – 1988)



Sinh ngày 15 tháng10 năm Quý Sửu (1913) ở Hà Nội
Học: Trường Bảo hộ, trường Luật.
Dạy tư, quản lý Tinh hoa, chủ trương Revue pédagogique.
Hiện làm tham tá Thương chính Hà Nội.
Đã đăng thơ: Phong hóa, Lao, Phụ nữ thời đàm, Tinh hoa.

Có những nhà thơ không bao giờ có thể làm được một câu thơ - tôi muốn nói một câu đáng gọi là thơ. Những người ấy hẳn là những người đáng thương nhất trong thiên hạ. Sao người ta thương hại những kẻ bị tình phụ nuôi một giấc mộng ái ân không thành, mà không ai thương lấy những kẻ mang một mối tình thơ u uất chịu để tan tành giấc mộng quí nhất và lớn nhất ở đời; giấc mộng thơ?

Hôm nay trong khi viết quyển sách này, một quyển sách họ sẽ xem như một sự mỉa mai đau đớn, thơ Vũ Đình Liên bỗng nhắc tôi nghĩ đến những con người xấu số kia.Tôi có cần phải nói ngay rằng Vũ Đình Liên không phải một người xấu số? Trong làng thơ mới, Vũ Đình Liên là một người cũ. Từ khi phong trào thơ mới ra đời, ta thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. Người cũng ca tình yêu như hầu hết mọi nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ.

Ông đồ năm năm đến mùa hoa đào, lại ngồi viết thuê bên đường phố. "Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn". Ít khi có một bàu thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lưòi sám hối của cả một bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu... Cái cảnh thương tâm của nền học Nho lúc mạt vận chúng ta vô tình như không lưu ý. Trong bọn họ, chúng ta vẫn có một hai người ca tụng đạo Nho và các nhà nho. Nhưng chế giễu mạt sát không nên, mà ca tụng cũng không được. Phần đông các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương. Không nghiên cứu, không lý luận, Vũ Đình Liên với một tấm lòng dễ cảm nhận ra sự thực ấy và gián tiếp chỉ cho ta cái thái độ hợp lý hơn cả đối với các bực phụ huynh của ta. Bài thơ của người có thể xem là một nghĩa cử.

Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ.

Tháng 9 – 1941

(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

107 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết: Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến sợ hãi như không nói được. Vua thường bảo rằng: “Nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt nam bắc, ngươi cùng với Ngô Vị đã được đãi hậu, làm quan đến á khanh, nên biết thì phải nói, há nên do dự rụt rè chỉ cốt dạ vâng làm gì”.

Mùa đông năm 1919, Gia Long băng hà, Minh Mệnh nối ngôi. triều đình cần thực hiện một nghi thức ngoại giao là cử sứ thần sang Tàu cầu phong cho vua mới.
Rủi thay, khi ông chuẩn bị lên đường cũng là khi nạn đại dịch (tả?) đang hoành hành từ Nam chí Bắc. Lan qua Huế, ôn thần dịch lệ đã kịp chép tên ông vào sổ các nạn nhân! Đây là những thông tin “lạnh lùng” có được từ Đại Nam chính biên liệt truyện: “Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng “tốt”, nói xong thì chết, không nói một câu nào đến việc sau khi chết. Gia phả và các tài liệu khác, về cái chết của Nguyễn Du, đều chép đại để như vậy.

(Về cái chết của Nguyễn Du – Trần Ngọc Vượng)

Lễ nhập quan và phát tang

Kế đến là lễ nhập quan. đúng giờ quy định, tang chủ cùng những người thân và đạo tỳ tiến hành nghi thức khâm liệm người chết. Trước khi nhập quan, bên trong quan tài, dưới đáy được lót bằng chiếu mới, trà,.. Bên trên các thứ ấy đặt thi hài người quá cố. Phủ lên trên thi hài là quần áo, ít vật dụng lúc sinh tiền người chết đã sử dụng.

Sau lễ nhập quan, phía trước đặt ba chén cơm cúng theo hàng ngang. Hai chén hai bên, trên đặt một chiếc đũa, chén cơm ở giữa đặt đôi đũa. Một số ý quan niệm cho rằng, người quá cố là "ma mới" hay bị "ma cũ" ăn giành nên chén cơm ở giữa (của người mới chết) có hai chiếc đũa để ăn cho nhanh, còn hai chén cơm ở hai bên (của các vong khác) chỉ có một chiếc đũa, không thể ăn nhanh được, và như thế người quá cố sẽ không bị đói.

Sau nhập quan là lễ phát tang, tang gia quỳ trước linh cữu khấn lạy theo sự hướng dẫn của sư tăng. Sau một thời kinh đầu tiên, người chủ tang, thường là con trưởng, đốt nhang vái và lạy trước bàn thờ , rồi lấy một vòng khăn sô bịt lên đầu. Xong chủ tang gọi lần lượt từng người một trong gia đình, từ thân đến sơ, từ già đến trẻ, vào thắp nhang, vái lạy và vấn khăn tang.

(Đỗ Kim Trường)

Bên hè phố sách

Sài Gòn và những trang sách cũ

● Đừng tưởng rằng sau một cuộc phần thư, cái còn lại chỉ là đống tro tàn của quá khứ . . .

Ngày xưa, ở nước Trung Hoa có bạo chúa Tần Thủy Hoàng đốt sách (1), chôn học trò. Ngày nay, ở Việt Nam giữa thế kỷ 20, cũng có những bạo chúa đi theo con đường của Tần Thủy Hoàng, cũng đốt sách, bằng những hình thức lưu đày, cưỡng bức.

(1)  xem Từ đền sách cấm Parthenon ở Đức, Buenos Airs của Trùng Dương ở kỳ tới)

Thế còn cuộc đốt sách, tiêu diệt hết những văn hóa phẩm, “những tàn dư, nọc độc của nền văn hóa Mỹ Ngụy đồi trụy” của những Tần Thủy Hoàng tân thời thì sao?
Đừng tưởng rằng sau một cuộc phần thư, cái còn lại chỉ là đống tro tàn của quá khứ!

Đó là ý nghĩ cứ chập chờn trong đầu tôi trong những có mặt ở Sài Gòn, mỗi ngày đều say mê bước vào những cửa hàng sách cũ trên đường Hồng Thập Tự cũ (nay là Nguyễn thị Minh Khai), tay mân mê những quyển sách giấy đã ố vàng, mắt nhắm lại mà như thấy hết những ngày ấy Sài Gòn, mũi hít sâu cái mùi giấy cũ ẩm mốc, và tâm tư là của anh học trò nghèo gần 40 năm về trước, mê sách hơn bất cứ thứ gì trên đời.

Con đường Hồng Thập Tự cũ, chỗ có tòa nhà rất lớn của Hội Hồng Thập Tự Việt Nam ngó qua bên kia là bệnh viện phụ sản Từ Dũ, lúc nào cũng đông đảo người qua lại. Đây là quãng đường quen thuộc của tôi trong suốt 7 năm mài đũng quần (vá) trên ghế Trung Học ở trường Petrus Ký. Nhiều năm sau đi lại cũng trên con đường ấy, tôi như người mộng du. Phố xá đã thay đổi quá nhiều hàng cây hai bên đường có chỗ đã bị đốn đi. Quán cà phê ghế đẩu bên đường cũng không còn nữa. Nhưng dường như bây giờ khúc đường này có nhiều nhà sách hơn. Từ những nhà sách lớn cho đến những quán sách và bên cạnh đó, là những cửa hàng sách cũ, chật hẹp, ẩm mốc.


Thổ thần

Thường thấy giữa đồng ruộng Bắc Việt một cái gò, cái đống đất có cây cổ thụ che phủ một cái bệ xây làm nền. Nhà nông chung quanh đem hương hoa, rượu, xôi, gà đến cúng tế, vì đấy là một đền hay nền thờ thổ thần. Ngừơi ta kiêng xâm phạm vào khu vực này, cây không được chặt, đất không được cuốc. 

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

hùng cứ 雄踞

Theo soạn giả thì hùng nghĩa là mạnh mẽ, hùng cứ nghĩa là chiếm giữ một nơi và tự coi như chúa tể nơi ấy.
Về định nghĩa của từ hùng cứ như soạn giả đã nêu, chúng ta có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông không được phép suy diễn một cách tuỳ tiện khi giải nghĩa các từ tố. Trong từ “hùng cứ”, chữ cứ
có nghĩa là ngồi xổm (khác với chữ “cứ” nghĩa là chiếm giữ), và hùng cứ nghĩa là choán chỗ một cách ngang nhiên, coi mình là chúa tể ở nơi mới chiếm được. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Gà mở cửa mả

Theo phong tục xưa khi chôn ai được ba ngày thì rước thầy cúng
Lễ mở cửa mả. Lễ vật ngoài hương đèn, hoa quả còn bộ tam sên:
- Trứng, con cua luộc và miếng thịt ba rọi
- Và một con gà mái còn sống.

Con gà này được buộc giây vào một chân rồi dắt đi quanh mả.
Sau đó thả gà cho đi đâu thì đi. Gà phải đợi làm lễ, vừa bơ vơ,
vừa mệt nên ngơ ngơ không biết đi đâu nữa.
Ngụ ý câu thành ngữ trên chỉ những người lúc nào cũng ngơ
ngơ, ngác ngác như…gà mở cửa mả.

(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Nét “tục” trong tục ngữ phong dao

Đĩ xơ, đĩ xác, đĩ  xạc, đĩ xờ
Đĩ ở trên bờ, đĩ lặn xuống ao.

(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)

Vũ Trọng Phụng

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp như Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư…Điều quan trọng hơn là cuốn sách đã mang một cái tên không xứng hợp. Vì rõ ràng là khiếm khuyết, khi cuốn sách mang tên “NVVNHĐ” mà lại không có Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh,…

Đã đành, trong điều kiện Việt hiện nay, việc đánh giá tác giả, tác phẩm văn học khó tránh được sự chi phối của ý thức hệ, nhưng chúng ta đều biết, văn học còn có những giá trị trường tồn, vượt qua ý thức hệ. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay “Chí Phèo” của Nam Cao là những bằng chứng hiển nhiên rằng: Trong một chế độ phản tiến bộ, vẫn có nhà văn viết nên những tác phẩm có giá trị lâu bền. Đã đến lúc, cần phải đặt thẳng vấn đề: Chẳng lẽ suốt 20 năm (1955-1975), những sáng tác văn học ở miền đều là thứ “vứt đi”, không đáng đếm xỉa gì đến?

Dù đây là vấn đề “nhạy cảm” và phải cân nhắc thận trọng, nhưng nhất thiết không thể né tránh vì nếu “khoanh vùng” trong phạm vi các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, do nhận thức ấu trĩ, đã có thời muốn “vứt đi” những di sản văn hoá tiền nhân để lại, muốn “vứt đi” cả những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng! 

(Nguyễn Khắc Phê - Nhà văn hiện đại)

Vì sao Phạm Quỳnh đặt tên báo là Nam Phong
và thường dùng bút hiệu Thượng Chi?

Phạm Quỳnh có nhiều bút danh như Hồng Nhân, Hoa Đường, Thiếu Hoa Đường… Nhưng bút danh ông thường dùng nhất là Thượng Chi. Bản thân ông chưa khi nào giải thích vì sao lại lấy bút danh đó. Cho nên nhiều người đã cố công tìm cách giải thích.
Xin kể ra đây vài ý kiến để bạn đọc tham khảo.
Phan Kính Đức, trong tập Giải oan lập một đàn tràng viết: “bút hiệu ông thường dùng Thượng Chi có nghĩa: quí trọng đề cao những gì hay và đẹp.” mà không giải thích gì hết.

Trần Huy Tiên, trong bài Các loại danh nhân Việt Nam (trên Văn hóa nguyệt san, số 62 tháng 7/1961 tại Sài Gòn) viết: 
“Có lẽ là do hai chữ đầu trong câu Kinh Thi có liên hệ đến chữ Quỳnh là tên ông Phạm “ Thượng Chi dĩ quỳnh hoa hồ nhi” nghĩa là: “Để thêm vào những cái ấy (những đồ trang sức của một người đàn bà trong đám cưới nói trên) nên lấy hoa tai ngọc quỳnh mà thêm”. Phải chăng ông Phạm kín đáo tự ví mình là một đóa hoa quỳnh tô điểm cho nền văn hóa Việt Nam?”.

Còn theo nhà giáo Vĩnh Ba thì: 
“Theo giáo sư Tôn Thất Quy, Thượng Chi là trích từ ba câu trong bài thơ “Trữ” thiên Tề Phong Kinh Thi (…) Thượng chi dĩ quỳnh hoa hồ nhi (Lại có thêm đá quỳnh hoa che khuôn mặt (xinh đẹp của cô gái)/ Thượng chi dĩ quỳnh vinh hồ nhi (Lại có thêm đá quỳnh vinh che mặt)/ Thượng chi dĩ quỳnh anh hồ nhi (Lại có thêm đá quỳnh anh che mặt). Thượng Chi có nghĩa là lại có thêm, cần có thêm tức thu nhập thêm những cái hay đẹp của các nền văn minh khác (các loại đá quỳnh-Quỳnh cũng là tên của ông, một cách chơi chữ tế nhị) bên cạnh bản sắc dân tộc đáng quí của chúng ta (khuôn mặt xinh đẹp của cô gái).”

(Dã Thảo)  

Bồ bịch

Ðây là hiện tượng mượn âm trong ngôn ngữ bị hiện tượng tỉnh lược chi phối. Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? 

Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy.
Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi anh chăm việc canh nông
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.

(Lê Trung Hoa - Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)

Chữ nghĩa làng văn

Trong văn chương hiện đại, ta cũng thỉnh thoảng gặp những từ ngữ mới được sáng tạo khá tài tình. Trong thơ ít nhiều đã có những đóng góp trong lĩnh vực này, mở rộng đất đai sử dụng cho một số từ ngữ và như thế cũng có thể gọi là sáng tạo ngôn từ.
Trong truyện ngắn Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, đoạn kết có một dòng nghe thật da diết:
"Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy".

Một từ đặt vào văn cảnh này thật tuyệt vời. Hình như nó được biến báo từ "tha thiết", nhưng chỉ thay đi một chút thôi mà nội hàm bỗng bao trùm hơn rất nhiều, sức biểu cảm cũng mạnh, mạnh mẽ hơn hẳn, nhờ vào sự mù mờ, không rõ ràng như chính tâm trạng con người vào những giây phút ấy. Sức cuốn hút của những dòng sông trong văn Nguyễn Huy Thiệp với những từ ngữ đầy chất thơ và giàu sáng tạo như thế. Phải chăng sức huyễn hoặc ấy đã lôi cuốn được cả một dòng sông "thao thiết" mà ta vừa nói tới.
 
(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

Tên Nôm tên Tự
  
Địa danh, tên sông, núi, hồ, hay các công trình tôn giáo đền, chùa, miếu, mạo đều có tên và hễ có tên thì tất phải có nguồn gốc, có lý do mà nó hình thành. Ngoài ra sự tồn tại một cách phổ biến nhiều hơn một tên gọi ví dụ Kẻ Chợ từng là tên gọi dân gian của kinh đô Thăng Long, Đông Kinh, hay Nhất Trụ Tự còn được gọi là Chùa Một cột thì có thể khẳng định rằng sự tồn tại cặp tên song hành là một quy luật. Ta gọi là cặp tên Nôm - tên Tự.

Tên Nôm là tên được đồng bào quen dùng còn gọi là tên tục, hay tục danh, hay tục hiệu hay tên dân gian. Tên
Tự còn đựoc gọi là tên Chữ với một số quy luật của cặp tên Nôm-tên Tự..  

(David Phùng – Sự hình thành tên Nôm một số kiến trúc tôn giáo)


Không có nhận xét nào: