THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 39 :
CHÀNG
CHÀNG tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Đó là CHÀNG trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với hình tượng hào hùng của một nam nhi trong thời loạn, "xếp bút nghiên theo việc đao cung" để lên đường cứu nước:
Áo CHÀNG đỏ tựa ráng pha,
Ngựa CHÀNG sắc trắng như là tuyết in.
và ...
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu !
CHÀNG chữ Nho là LANG 郎, Từ để gọi người yêu, người tình, người hôn phối... một cách âu yếm thân mật, như tình lang, phu lang, lang quân... Theo thứ tự ABC... trong văn học cổ, Chàng đầu tiên được nhắc đến là CHÀNG CHU, tức CHU LANG 周郎 là CHU DU 周瑜, còn gọi là CHU CÔNG CẨN 周公瑾, là người văn võ song toàn, 28 tuổi đã làm Đô Đốc của Đông Ngô, nổi tiếng với trận chiến Xích Bích, lấy ít thắng nhiều đánh tan 83 vạn quân Tào Tháo, hình thành cuộc diện Tam Quốc lúc bấy giờ. Ngoài tài cầm binh và thao lược, Chu Du còn là một nghệ sĩ tài hoa lỗi lạc, giỏi cả cầm kỳ thi họa, nhất là về đàn tranh. Thường có câu: "Khúc hữu ngộ, Chu lang cố 曲有誤,周郎顧" có nghĩa: Nếu khúc đàn có sai sót, thì chàng Chu sẽ chiếu cố, chỉ điểm cho ngay! Xin được nhắc lại bài Ngũ ngôn Tứ tuyệt THÍNH TRANH 聽箏 nổi tiếng của Lý Đoan 李端 đời Đường sau đây:
鳴箏金粟柱 , Minh tranh kim túc trụ,
素手玉房前. Tố thủ ngọc phòng tiền.
欲得周郎顧 , Dục đắc Chu Lang cố,
時時誤拂絃 . Thời thời ngộ phất huyền.
Diễn nôm :
Thánh thót đùa phím ngọc
Tay ngà nắn cung mơ
Muốn chàng Chu chiếu cố
Thường để lạc phím tơ
Lục bát :
Trục vàng phím ngọc vấn vương
Tay ngà nắn nót cung thương mơ màng
Muốn chàng chiếu cố ngó ngàng
Nàng thường để lạc phím đàn cung tơ!
Thường thì đàn, ai cũng muốn đàn cho hay. Nhưng ở đây thì ngược lại, nàng cố ý đàn dở, đàn sai để được chàng dòm ngó đến. Cái hay của bài thơ là ở chỗ nầy, nêu bật được cái tâm lý rất thực tế, rất nhân bản của phái nữ khi muốn được người mình yêu mến để ý đến. Nàng đã không màng đến thể diện, tự ái nữa, không cần phải đàn hay để được khen, mà chỉ muốn đàn sai để được chàng đến chiếu cố, thân cận và chỉ điểm cho. Lý Đoan đã rất tâm lý khi làm bài thơ nầy. Trong bài hát nói HỎI GIÓ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, phần hai câu thơ chữ Hán là:
Thử thị Đà Giang, phi Xích Bích, 此是沱江非赤壁,
Dã vô Gia Cát dữ CHU LANG. 也無諸葛與周郎。
Có nghĩa :
Nơi đây là sông Đà Giang chớ không phải là sông Xích Bích.
Chẳng có Gia Cát Lượng mà cũng chẳng có Chàng Chu.
Nói đến CHÀNG người ta cũng nghĩ ngay đến Chàng Ngưu và Ả Chức, tức Ngưu Lang 牛郎 và Chức Nữ 織女, vốn là hai vì sao ở hai đầu sông Ngân Hà trên trời. Tương truyền Chức Nữ là cháu gái của Ngọc Hoàng giỏi nghề dệt vải, gả cho Ngưu Lang là chàng chăn trâu. Vì hai vợ chồng quá yêu nhau nên chểnh mảng công việc. Ngọc Hoàng giận mới đày hai người ở hai bên bờ sông Ngân Hà, mỗi năm chỉ cho đàn ô thước bắt cầu để gặp nhau một lần vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch, tục gọi là đêm Thất Tịch, nên Chàng Ngưu Ả Chức hay Ngưu Lang Chức Nữ 牛郎織女 gì đều chỉ tình yêu trai gái hay tình nghĩa vợ chồng với nhau. Trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính diễn tả tình duyên trắc trở giữa Thiện Sĩ và Thị Kính:
Thiệt công ô thước bắc cầu,
CHÀNG Ngưu Ả Chức giã nhau từ rày.
Hay như trong Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu tả mối tình của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga:
Hữu tình chi bấy NGƯU LANG,
Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng.
CHÀNG NGƯU là nhân vật thần thoại không có thật, chứ CHÀNG KHUÔNG, CHÀNG VŨ là những người có thật trong đời sống.
CHÀNG KHUÔNG tức Khuông Hành 匡衡, tự là Trĩ Khuê, người đất Đông Hải huyện Quận Thừa, là một học giả nổi tiếng đời Tây Hán, làm quan đến chức Thừa Tướng. Ông xuất thân là con nhà nông nghèo khổ, gia cảnh bần hàn, phải đi làm công để đổi lấy sách học. Ông lại nổi tiếng và để đời với việc xin ông hàng xóm cho khoét một cái lổ trên vách (gọi là TẠC BÍCH 鑿壁) lúc đêm về để nhờ vào ánh đèn sáng xuyên qua lổ hổng đó mà đọc sách học hành, như cụ Nguyễn Công Trứ đã tả trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú là:
Cần nghiệp Nho khi TẠC BÍCH TỤ HUỲNH,
TẠC BÍCH TỤ HUỲNH 鑿壁聚螢
CHÀNG VŨ tức là Xa Dận, tự là VŨ TỬ. Theo Tấn Thư quyển 83 Xa Dận Truyện, ông người đất Nam Bình, từ nhỏ đã hiếu học, nhưng nhà nghèo, ban ngày phải đi làm lụng kiếm sống, ban đêm không có tiền mua dầu thắp đèn để học. Nhân những tháng mùa hè có nhiều đom đóm, ông bèn đuổi bắt tập hợp chúng lại gói trong vải mỏng để lấy ánh sáng (gọi là TỤ HUỲNH 聚螢) mà đọc sách, sau cũng trở thành một văn học gia nổi tiếng đời Tấn.
Nói chung, CHÀNG KHUÔNG CHÀNG VŨ gì đều chỉ những người nghèo mà hiếu học.
Nhưng trong lịch sử văn học cũng có những người BỎ HỌC để đi làm việc lớn hơn, như BAN SIÊU đời Hán, nổi tiếng với ĐẦU BÚT TÒNG NHUNG 投筆從戎 , có nghĩa: Vứt bỏ cây bút mà theo việc binh nhung, cũng có nghĩa là bỏ nghề văn theo nghiệp võ.
BAN SIÊU 班超(32-102)tự là Trọng Thăng, người đất Hàm Dương Thiểm Tây ngày nay. Ông là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà sử học của thời Đông Hán. Ông đã đầu bút tòng nhung lên khai phá và ổn định miền đất Tây Vực đến 31 năm mới xin về quê quán. Trong tác phẩm thơ Nôm trường thiên lịch sử của ta là Thiên Nam Ngữ Lục có câu:
Những tào tót núi nhảy sông,
Sánh cùng Tôn Vũ, sức cùng BAN SIÊU.
Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn khi diễn Nôm, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã gọi BAN SIÊU là CHÀNG SIÊU:
Phận trai già ruổi chiến trường,
CHÀNG SIÊU tóc đã điểm sương mới về!
Họa hình và tượng Ban Siêu đời Đông Hán
Cuối cùng ta có CHÀNG TIÊU là TIÊU LANG 蕭郎, là Phiếm chỉ đại từ thường dùng để chỉ người tình hoặc ý trung nhân theo tích sau đây:
Theo Toàn Đường Thi Thoại: Thi nhân đời Đường Nguyên Hòa là Tú Tài Thôi Giao 崔郊, thương một người nô tì tài sắc vẹn toàn của nhà bà cô. Sau vì nghèo, cô bán nô tì đó cho Liên Soái làm tì thiếp. Giao cứ thơ thẩn trước cửa Liên Soái mà không dám vào. Nhân tiết Hàn Thực người tì thiếp đi ra ngoài gặp gỡ Thôi Giao bên rặng liễu. Giao cảm xúc làm tặng nàng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng sau đây:
公子王孫逐後塵, Công tử vương tôn trục hậu trần,
綠珠垂淚濕羅巾。 Lục Châu thùy lệ thấp la cân.
侯門一入深如海, Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
從此蕭郎是路人。 Tòng thử TIÊU LANG thị lộ nhân.
Có nghĩa :
Công tử vương tôn ruổi bụi trần,
Lục Châu lệ nhỏ ướt đầm khăn.
Cửa hầu tựa bể sâu thăm thẳm,
Từ đó CHÀNG TIÊU kẻ trước sân.
Lục bát :
Vương tôn công tử theo sau,
Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
Cửa hầu sâu tợ biển xa,
Có người mách lẻo, định tâng công, đem bài thơ nầy cho Liên Soái xem. Liên Soái cho mời Thôi Giao vào dinh. Mọi người đều lo sợ cho chàng. Không ngờ Liên Soái cũng thuộc nòi tình, tuy rất yêu thương người tì thiếp tài hoa, nhưng thấy hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, nên trả nàng lại cho Thôi Giao và còn tặng cho bốn ngàn nén bạc về quê để... yêu nhau, tạo nên một giai thoại trong làng thơ lúc bấy giờ.
Trong Truyện Kiều, lúc Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn tích nầy khi Thúy Kiều cứ một mực khăng khăng không chịu thành thân với Kim Trọng:
...Có điều chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường để hững hờ CHÀNG TIÊU !?
Nghe chàng nói đã hết điều,
Hai thân thì cũng quyết theo một bài...
Nhưng cuối cùng thì cũng ...
Cùng nhau giao bái một nhà,
Lễ đà đủ lễ, đôi đà đủ đôi.
Động phòng dìu dặc chén mồi,
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa !...
Xin được kết thúc các CHÀNG ở đây với sự sum hợp của KIM KIỀU. Hẹn bài viết tới!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét