Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Phiếm luận: Nịnh và Mỵ - Đỗ Chiêu Đức

Phiếm Luận : 
                                   NỊNH và MỴ

                                 Inline image
           
        Kẻ dùng lời nói khôn khéo nhưng giả dối ton hót, khen ngợi để được lòng người khác thì gọi là SIỂM NỊNH 諂佞; còn kẻ chẳng những dùng lời nói mà cả hành động, thậm chí không màng dến thân mình để làm cho người khác tin tưởng mình, thì gọi là SIỂM MỴ  諂媚. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta hiện nay, người Siểm Nịnh cũng nhiều mà người Siểm Mỵ thì... cũng lắm !

        Thời Xuân Thu Chiến Quốc ...

        Tề Hoàn Công 齊桓公 là một trong Ngũ Bá nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc, nhờ có Tể Tướng giỏi là Quản Trọng 管仲 phò tá, giúp đỡ nên mới làm nên nghiệp Bá. Song song với cặp Tri Kỷ QUẢN TRỌNG và BÀO THÚC NHA nổi tiếng trong lịch sử và trong văn học ra, Tề Hoàn Công còn có ba sủng thần khác là Công Tử Khai Phương, Thụ Điêu, và Dịch Nha. Ba người nầy ngoài tài nịnh nọt ton hót để làm vui lòng Tề Hoàn Công ra, còn có tài SIỂM MỴ nữa ...

        CÔNG TỬ KHAI PHƯƠNG 公子開方, là một trong những Công Tử của nước Vệ, mặc dù Vệ là nước nhỏ, nhưng nếu cố gắng phấn đấu để cầu tiến thì cũng có thể trở thành chúa của nước Vệ, nhưng lại bỏ nước Vệ mà theo phò Tề Hoàn Công, thậm chí vua nước Vệ là cha của anh ta chết, anh ta cũng không thèm về chịu tang, mà ở lại nước Tề để phục thị vua Tề, nên Tề Hoàn Công rất yêu mến anh ta, cho rằng anh ta yêu mình hơn cả cha của anh ta nữa.

        THỤ ĐIÊU 豎刁, Chuyện của Thụ Điêu lại càng siểm mỵ hơn. Anh ta vốn là hậu duệ của một dòng dõi qúy tộc, từ nhỏ đã được đưa vào cung để hầu hạ Tề Hoàn Công. Khi đến tuổi thành niên, theo lệ thường thì không thể ở lại trong cung được nữa, vì tránh sự giao tiếp va chạm với các cung nữ trong cung. Thụ Điêu đã hưu đao cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình quăng cho chó ăn để được ở lại bên cạnh mà hầu hạ Tề Hoàn Công. Tề Vương rất cảm động cho là: Thụ Điêu yêu ta còn hơn cả yêu thân mình mình nữa! Câu chuyện tự thiến mình để được ở lại trong cung của Thụ Điêu cũng mở màn cho nghề làm Thái Giám của các đời sau nầy. Thụ Điêu là Đệ Nhất Thái Giám thời cổ đại.

       DỊCH NHA 易牙, câu chuyện của Dịch Nha lại càng làm cho người ta phải kinh ngạc hơn. Anh ta vốn là một đầu bếp giỏi, là người đầu bếp đầu tiên biết dùng các loại gia vị phối hợp nhau cho thức ăn được thơm ngon hơn. Một hôm, Dịch Nha hầm một con heo sửa cho Tề Hoàn Công ăn, Tề Vương buột miệng khen: "Thịt heo thật ngon, các món ngon, các cao lương mỹ vị trong thiên hạ ta đều đã có thưởng thức qua cả rồi, chỉ có thịt người là chưa được ăn qua mà thôi!" Chỉ là câu nói khoe khoang của bậc vương hầu cho biết mình đã thưởng thức hết các món ngon vật lạ trên đời nầy rồi. Nhưng tên Dịch Nha lại ghi nhớ trong lòng, định làm một món thịt người đặc biệt cho Tề Hoàn Công ăn. Anh ta suy đi nghĩ lại, Tề Vương là bậc cao qúy, chẳng lẽ lại vào ngục lóc thịt của các tên tử tội cho ông ta ăn, lại không lẽ cho ông ta ăn thịt của dân thường. Suy tới tính lui anh ta bèn về nhà làm thịt đứa con mới lên bốn tuổi của mình để dâng lên cho Tề Vương. Tề Hoàn Công thấy món ăn lạ mà rất ngon miệng, bèn hỏi là thịt gì, thì Dịch Nha mới cho biết là thịt của con mình. Tề Hoàn Công vừa thất kinh vừa cảm động, từ đó rất tin dùng tên đầu bếp Dịch Nha nầy, ông ta cho rằng: Dịch Nha yêu mình còn hơn cả người thân và con cái của anh ta nữa! Được Tề Vương tin yêu, Dịch Nha ra ngoài mở quán ăn riêng để kinh doanh và trở thành ông tổ của các nhà hàng sau nầy.

                         Inline image
                             Khai Phương Thụ Điêu Dịch Nha tạo hình qua điện ảnh
          
       Ba tên sủng thần nầy đêm ngày quấn quít ton hót, tìm vui với các lạc thú bên cạnh Tề Hoàn Công. Tể Tướng Quản Trọng trông rất gai mắt nhưng cũng không làm gì được, vì Tề Vương rất yêu qúy và tin dùng ba tên siểm nịnh và ủy mỵ nầy, mặc dù Tề Vương rất kính trọng Quản Trọng gọi ông là Trọng Phụ. Khi Quản Trọng bệnh nặng sắp lâm chung, Tề Hoàn Công đến để nghe Trọng phụ Tể tướng trối trăn. Quản Trọng đã nói thẳng với vua Tề rằng:
     - Ba tên Dịch Nha, Thụ Điêu và Khai Phương đều không phải là người tốt, mong rằng chúa công hãy lánh xa họ. Tề Hoàn Công nói:
     - Nhưng Dịch Nha lại rất yêu ta, ngay cả con của hắn cũng nấu cho ta ăn mà! Quản Trọng đáp rằng:
     - Con người ai cũng thương yêu con cái mình, nay ngay cả con cũng nhẫn tâm giết chết thì còn ai mà hắn không nở giết nữa chứ? Tề Hoàn Công lại nói:
     - Còn Thụ Điêu vì muốn ở lại bên cạnh ta mà phải tự thiến thân mình. Quản Trọng lại đáp rằng:
     - Là người, ai cũng yêu qúy cái thân của mình, nay thân mình cũng không biết yêu qúy thì còn biết yêu qúy người khác hay sao? Tề Hoàn Công lại nói:
     - Còn Công Tử Khai Phương, người đã không màn đến nước Vệ, ngay cả cha chết cũng không về chịu tang mà ở lại bên ta, chả lẽ cũng chẳng thực lòng yêu ta sao?! Quản Trọng lại đáp rằng:
     - Cái con người mà ngay cả đất nước mình cũng bỏ, cha mẹ mình cũng bỏ, thì còn ai mà hắn ta không dám bỏ nữa chứ?! 
       Tề Hoàn Công trầm ngâm không hỏi nữa, ông ta thầm nghĩ rằng: Ba tên sủng thần của ta đều rất yêu ta, sao trong mắt Trọng Phụ lại trở thành những người vô nhân tính đáng ghét thế kia. Nhưng lời nói và nhận xét của Trọng phụ không phải là không có lý, nên khi Quản Trọng mất, Tề Hoàn Công bèn đuổi ba tên sủng thần đó ra khỏi cung điện. Nhưng...
       Chỉ một thời gian sau, không ai bên cạnh a dua nịnh hót và bày trò vui chơi hưởng lạc, Tề Hoàn Công thấy buồn bực nên lại cho triệu hồi ba tên sủng thần trên về lại bên cạnh mình. Và...

                   Inline image  

                     Inline image

       Khi Tề Hoàn Công ngã bệnh, các con của ông ta tranh đoạt ngôi thái tử để kế vị. Ba tên sủng thần gian nịnh cũng tham gia vào cuộc đấu đá nầy. Dịch Nha và Thụ Điêu bắt Tề Hoàn Công giam ở hậu cung và bỏ đói ông ta cho đến chết. Trước khi bị chết đói, Tề Hoàn Công còn ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Bởi không nghe lời Trọng Phụ nên mới có cảnh thê thảm như ngày hôm nay. Nay có chết đi cũng không còn mặt mũi nào gặp lại Trọng Phụ nơi suối vàng." Càng bi thảm và đáng buồn hơn là sau khi chết đói, đến sáu mươi bảy ngày sau mới có người phát hiện mà đem chôn. Thịt da thối rửa, vòi bọ bò cả ra đến ca cung.
     
       Do tích của Dịch Nha trên đây, trong văn học cổ Trung Hoa hình thành một thành ngữ "PHANH TỬ HIẾN MỴ 烹子獻糜". Có nghĩa: Nấu con để hiến dâng lòng siểm mỵ (của mình với vua chúa). Trong văn học cổ Việt Nam ta gọi là CẦU MỴ GIẾT CON, tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh khi cho ông Sãi luận về chữ "Ghét" có câu:
         ... Ghét hoài, ghét huỷ; ghét ngọt, ghét ngon.
             Ghét đứa CẦU MỴ mà GIẾT CON,... 

       Trong đời sống thực tế hiện nay của chúng ta cũng có rất nhiều người CẦU MỴ... không đến nỗi giết con, nhưng lại đem con... bỏ chợ. Con mình không nuôi lại đi nuôi con người khác. Cha mẹ thì cho đi ở housing, nursing home... nhưng mỗi lần làm từ thiện thì chỉ cần có ai đó siểm nịnh hót cho vài câu thì lại rất sẵn sàng ký check cho vài chục ngàn đô. Đi công vụ mà phải ở trọ nhà nghỉ, khách sạn của sếp kinh doanh để cho sếp có lợi nhuận, mặc dù phải bương chải khoảng đường rất xa mấy trăm dặm để họp hành công tác, cũng là một cách siểm mỵ theo kiểu mới hiện nay.        
 
      Ở đời, hễ... 
           Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. 
            Lách luồn, lươn lẹo lại leo lên.

      Từ xưa đến nay, ở xã hội nào cũng vậy, luôn có một số người lấy nịnh bợ làm bệ đỡ, bệ phóng trong công việc, cho sự tiến thân, mưu cầu quyền lực, quyền lợi. Nhất là trong xã hội Việt Nam hiện nay phải có một trong ba thứ sau đây để tiến thân, đó là "Quan hệ, Tiền tệ, và Hậu duệ".  Có nghĩa...

      - Phải có quan hệ thân thích, bạn bè hay đệ tử... hoặc ...
      - Phải có tiền để lo lót, đút lót, biếu xén...như câu:

           " Cái gì không mua được bằng tiền, thì...
             Mua được bằng... rất nhiều tiền !"

      - Phải là hậu duệ của CÔCC (Con ông cháu cha), Đảng viên, Cán bộ gộc...

     Nghĩa gốc trong Từ Điển về từ NỊNH và MỴ như sau:

     NỊNH 佞 : là Có tài trí, nên từ khiêm tốn tự xưng mình với người khác là BẤT NỊNH 不佞: có nghĩa là "Kẻ bất tài nầy". Nhưng...
     NỊNH 佞 là chữ Hội Ý, được ghép bởi bộ NHÂN 亻là Người bên trái, bên phải phía trên là bộ NHỊ 二 là số Hai, phía dưới bộ NỮ 女 là Cô Gái; Nên NỊNH 佞 là : Người thuyết phục cùng lúc đến hai cô gái, nên là người ăn nói giỏi mà... rất xạo, rất nịnh, là tên Sở Khanh lừa đão.
  
      Cho nên, muốn NỊNH đâu phải dễ, vì muốn NỊNH trước tiên phải có tài, mặc dù là tài "nâng bi", tài ăn nói khéo để gạt gẫm hay lấy lòng người khác, để che đậy cái xấu của mình, như ông SÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh trong tác phẫm SÃI VÃI:

            Tu lời khéo để mà sức phi văn quá.

    SỨC PHI VĂN QUÁ 飾非文過 có xuất xứ từ Hán Thư, có nghĩa : "Che đậy cái sai cái xấu cho nó qua đi một cách tốt đẹp". Còn...

              Inline image

    MỴ 媚 : là chữ vừa là Hài Thanh, vừa là Hội Ý:

      - HÀI THANH vì được ghép bởi bộ Nữ 女 bên trái chỉ ý, chữ MY 眉 bên phải chỉ Âm, nên MỴ là vẻ Xinh đẹp, dễ thương của phái nữ, như KIỀU MỴ 嬌媚 là Kiều diễm khả ái. Ta còn có thành ngữ Thiên Kiều Bá Mỵ 千嬌百媚  là Trăm ngàn lần xinh đẹp quyến rũ.

      - HỘi Ý vì bên trái là+ bộ Nữ 女 chỉ cô gái, bên phải My 眉 là Chân mày. Chân mày của cô gái, nên Mỵ vừa có nghĩa là đẹp, lại vừa có nghĩa bày tỏ tình ý, như thành ngữ My Lai Nhỡn Khứ 眉來眼去 là Mày đi mắt lại, là Liếc mắt đưa tình. Nên...
     Nghĩa phát sinh của MỴ 媚 là: Nịnh nọt lấy lòng, làm ra vẻ dễ thương, tội nghiệp để cho người khác thương xót tin tưởng mình, như ba tên sủng thần của Tề Hoàn Công vậy!

     Cho nên, muốn NỊNH thì phải có tài ăn nói giỏi, muốn MỴ thì cũng phải có sắc đẹp dễ thương. Muốn NỊNH muốn MỴ không phải là chuyện ai cũng có thể làm được!

                                         Đỗ Chiêu Đức 



Không có nhận xét nào: