Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

Thành Ngữ Điển Tích 42: Dây (Đỗ Chiêu Đức)

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 42 : 

                                                DÂY
                               

                      南有樛木,    Nam hữu cù mộc, 
                      葛藟累之。    Cát lũy luy chi.
                      乐只君子,    Lạc chỉ quân tử,
                      福履绥之。    Phúc lý tuy chi.
      Có nghĩa :
                                 Phương nam cù mộc một cây,
                           Kóc kèn bìm bịp mọc đầy leo quanh.
                                 Vui thay quân tử chí thành,
                           Trên hòa dưới thuận yên lành tề gia.

           Đó là bài CÙ MỘC《國風·周南·樛木》thuộc chương Chu Nam, Quốc Phong trong Kinh Thi. Đây là bài dân ca Hoa Hạ của đời tiên Tần, ví các cô gái lấy chồng như là các loại dây leo cát lũy quấn quanh thân cây cù mộc (Cát lũy luy chi). Cù mộc là loại cây cao bóng cả như người quân tử (người chồng) che chở cho vợ cùng sống hạnh phúc với nhau vậy. Cát lũy là dây leo nên còn tượng trưng cho thân lẻ mọn như Thúy Kiều đã ví mình khi đã được chuộc về từ lầu xanh để làm vợ lẻ của Thúc Sinh:

                      Tin nhà ngày một vắng tin,
               Mặn tình CÁT LŨY nhạt tình tao khang

      Còn đối với người hùng Từ Hải thì Thúy Kiều cũng tự ví mình nhỏ nhoi như là những DÂY CÁT ĐẰNG sống nương tựa vào bóng cây to lớn:

                      Nàng rằng chút phận ngây thơ,
                Cũng may DÂY CÁT được nhờ bóng cây. 

      Cũng như khi đưa tiễn Thúy Kiều đi theo Mã Giám Sinh, Vương Viên Ngoại cũng đã gởi gắm rằng:

                      Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,
                Tuyết sương che chở cho thân CÁT ĐẰNG.

          ĐẰNG 藤 là dây Mây, nên CÁT ĐẰNG cũng là dây leo, dây chùm gởi. Tương đương với DÂY CÁT, ta còn có DÂY SẮN, DÂY BÌM cũng thường dùng để chỉ thân phận nhỏ nhoi lẻ mọn của phái nữ, như trong "Hoa Tiên Ký" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:
             
      

 

                          Vả nghe tiếng nổi văn thơ,
                 Xin đem DÂY SẮN mong nhờ bóng thông.

          Hay như khi Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư, thì Thúy Kiều ở lại một mình nên cũng lo âu than thở cho thân phận lẻ mọn của mình là:

                            SẮN BÌM chút phận con con,
                  Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

         Mở đầu cho thơ truyện Nôm "Hoa Tiên Ký" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện là hai câu:

                    Trăm năm một sợi CHỈ HỒNG,
              Buộc người tài sắc vào trong khung trời.

        Như ta đã biết, CHỈ HỒNG là do tích Nguyệt Lão và Xích Thằng mà ra (xem lại Điển Tích Văn Học 2). Chỉ Hồng còn được nói trại đi thành CHỈ THẮM, như trong Tây Sương Ký:


                       Nhân duyên sao khéo hẹn hò,

               Rắp đem CHỈ THẮM xe cho Trịnh Hằng.       

                     

        Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Chỉ Hồng không những gọi là Chỉ Thắm mà còn được gọi là DÂY THẮM nữa, như:

                  Ý cũng rắp ra ngoài đào chú,
                  Quyết lộn vòng phu phụ cho cam.
                     Ai ngờ trời chẳng cho làm
           Nở đem DÂY THẮM mà giam bông đào.
     


       Ngoài DÂY THẮM trong văn học cổ còn có DÂY UYÊN là Dây đàn hòa hợp giữa chim Uyên 鴛 và chim Ương 鴦. Uyên Ương 鴛鴦 là một loại chim, có hình dáng giống như con vịt, nhưng lông có màu sắc rực rỡ rất đẹp. UYÊN là con trống, ƯƠNG là con mái, thường đi đôi với nhau không chịu rời xa nhau, nên thường dùng để ví với tình nghĩa khắng khít giữa vợ chồng đôi lứa, như trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính có câu:
                     Nửa chăn để bụi đã dày,
           UYÊN ƯƠNG ước lại sum vầy hơn duyên.

          Còn trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thì dùng từ DÂY UYÊN để dịch nhóm từ 3 chữ là UYÊN ƯƠNG HUYỀN 鴛鴦絃 (Dây Uyên Ương) trong nguyên tác của Đặng Trần Côn là:

                   強援琴指下, 驚停鸞鳳柱.  
 Cưỡng viện cầm chỉ hạ, kinh đình loan phượng trụ.
                   強調瑟曲中, 悲遏鴛鴦絃. 
 Cưỡng điều sắt khúc trung, bi yết UYÊN ƯƠNG HUYỀN.

Có nghĩa :
              - Miễn cưỡng gãy đàn, chỉnh e phím loan phượng bị chùng dưới các ngón tay, và ...
              - Gắng gượng cố mà đàn, lại e khúc sầu muộn sẽ làm đứt dây uyên ương.                

         Hai mươi chữ của bài ngũ ngôn trong nguyên tác của Đặng Trần Côn nêu trên, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dịch rất khéo, chỉ tóm gọn lại trong hai câu lục bát mà thôi:
                      Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
              DÂY UYÊN kinh đứt, phím loan ngại chùng.
          
           
        Trong Truyện Kiều, khi ngỡ Thúy Kiều đã bị chết thiêu, Thúc Sinh buồn bã sống một mình ở Lâm Truy, thấy phấn thừa hương cũ của Thúy Kiều còn sót lại, lại càng tưởng nhớ đến nàng hơn:

                    Lâm Truy từ thuở UYÊN bay,
          Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.
                    Mày ai trăng mới in ngần,
          Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa!

         Xin được nói thêm về câu đầu của vế thơ nầy, lẽ ra phải là: "Lâm Truy từ thuở ƯƠNG bay" thì mới đúng, vì UYÊN là chim Trống, ở đây chỉ Thúy Kiều nên phải là ƯƠNG (chim mái) mới đúng. Nhưng tất cả các bản Truyện Kiều đều in là "UYÊN", nên cũng... chả biết sao cho phải!

        Cũng trong Truyện Kiều, sau khi nghe Thúy Kiều đàn và kể lể "Cung cầm lựa những ngày xưa, Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây" thì Hồ Tôn Hiến đã:

                   Nghe càng đắm, ngắm càng say,
             Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.
                  Dạy rằng: Hương lửa ba sinh,
            DÂY LOAN xin nối cầm lành cho ai !

   Thúy Kiều đã đáp :

                  Thưa rằng: Chút phận lạc loài,

           Trong mình nghĩ đã có người thác oan .

                  Còn chi nữa cánh hoa tàn,

          Tơ lòng đã đứt DÂY ĐÀN TIỂU LÂN .
        

          DÂY ĐÀN TIỂU LÂN : là Dây đàn của nàng Phùng Tiểu Lân 馮小憐, ái phi của Bắc Tề Hậu Chúa thời Nam Bắc Triều, được Hậu Chúa Cao Vi phong làm Thục Phi. Tiểu Lân thông minh lanh lợi, giỏi ca múa, đặc biệt là ngón đàn tì bà rất tuyệt diệu. Hậu Chúa rất sủng ái thường ăn cùng mâm, đi cùng xe.  Công nguyên 577, Bắc Tề mất vào tay Bắc Chu. Chúa Bắc Chu là Vũ Văn Ung thấy Hậu Chúa Cao Vi còn rất thương mến Phùng Tiểu Lân nên trả nàng lại cho Cao Vi. Nhưng sau khi Cao Vi chết, Vũ Văn Ung lại tặng nàng cho Đới Vương Vũ Văn Đạt. Đạt cũng rất sủng ái nàng, nhân trong bửa tiệc nàng gãy đàn tì bà giúp vui, bất ngờ dây đàn bị đứt. Phùng Tiểu Lân mới tức cảnh làm một bài thơ như sau:

              雖蒙今日寵,        Tuy mông kim nhật sủng,
              猶憶昔時憐。      Do ức tích thời lân.
              欲知心斷絕,      Dục tri tâm đoạn tuyệt,
              應看膝上弦。      Ưng khan tất thượng huyền.
Có nghĩa :
                      Hôm nay tuy được cưng chìu,
                 Nhớ xưa sủng ái đủ điều mến thương.
                      Lòng ta chi xiết đoạn trường,
                 Như dây đàn đứt vấn vương tơ tình !

        Thúy Kiều đã rất tâm đắc khi mượn ý của bài thơ của Phùng Tiểu Lân để bày tỏ lòng mình với Hồ Tôn Hiến bằng câu: "Tơ lòng đã đứt DÂY ĐÀN TIỂU LÂN " rồi mới bày tỏ nguyện vọng của mình với Hồ là:
                       
                  Rộng thương còn mảnh hồng quần,
         Hơi tàn được thấy gốc Phần là may !

        Nhưng Hồ Tôn Hiến đã không đáp ứng cho nàng về quê để thấy "Gốc Phần", để thăm lại mẹ cha, mà lại "Ép tình mới gán cho người thổ quan" khiến cho nàng phải "Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang" để kết thúc cho cái thân "má hồng phận bạc" và "một đời tài sắc" của mình như lời bà TamHợp Đạo Cô đã nói:

               Tu là cỗi phúc, Tình là DÂY OAN !

        Câu thơ trên đây của Nguyễn Du đã trở nên bất hủ, với 6 câu vọng cổ "TU LÀ CỖI PHÚC" do nghệ sĩ Minh Cảnh ca và 6 câu vọng cổ "TÌNH LÀ DÂY OAN" (còn có tên LAN và ĐIỆP) do nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan ca, cả hai bài vọng cổ trên đều do nhạc sĩ Viễn Châu biên soạn. Ngoài ra "TÌNH LÀ DÂY OAN" còn là tên của bộ phim 36 tập, do M&T Picture sản xuất.

                        soạn giả Viễn Châu và Út Bạch Lan

     Xin được kết thúc các DÂY ở đây. Hẹn bài viết tới!

                                                        Đỗ Chiêu Đức






Không có nhận xét nào: