Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Thành Ngữ Điển Tích 43: Dương (Đỗ Chiêu Đức)

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 43 : 

                                             DƯƠNG

                                  Inline image

                                Cho hay giọt nước CÀNH DƯƠNG,
                                           Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.

          Đó là CÀNH DƯƠNG LIỄU cắm trong tịnh bình của Quan Thế Âm Bồ Tát, khi Thúy Kiều đi tu  ở Quan Âm Các trong vườn nhà của Họan Thư. CÀNH chữ Nho là CHI 枝, nên CÀNH DƯƠNG chữ Nho là DƯƠNG CHI 楊枝, như trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính:

              Ngửa nhờ giọt nước DƯƠNG CHI,
              Rẩy cho đã héo rồi thì lại tươi.

         DƯƠNG CHI tức là DƯƠNG LIỄU CHI 楊柳枝, là Nhành Dương Liễu cắm trong bình nước Cam lộ của Phật bà Quan Âm. Khi giọt nước cành dương rảy ra, có thể cải tử hồi sinh, hóa héo thành tươi và giải thoát cho chúng sinh qua mọi tai ách, như trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" cụ Nguyễn Du gọi giọt nước đó là HẠT DƯƠNG CHI:

               Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
           Nước tịnh bình rưới HẠT DƯƠNG CHI.

       Ngoài ra, DƯƠNG LIỄU còn tượng trưng cho sự chia tay, ly biệt, như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm:

              Chợt ngoảnh lại trông màu DƯƠNG LIỄU,
             Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.

        Hay như trong bài " Xuân Dạ Lạc Thành Văn Địch" của thi tiên Lý Bạch có câu :
           Thử dạ khúc trung văn CHIẾT LIỄU,     
                     此夜曲中聞折柳,
          Hà nhân bất khởi cố viên tình ?           
                    何人不起故園情 ?

                 Inline image
Có nghĩa :
                  Nhạc vẳng đêm nay lời BẺ LIỄU,
                  Ai người chẳng dậy nỗi niềm quê ?

        Ngày xưa, hễ đưa người đi xa ở các trường đình, thì người đưa tiễn hay bẻ một nhành liễu tặng người đi để làm roi ngựa, đồng thời cũng để bày tỏ nỗi lòng quyến luyến của mình như nhành dương liễu thướt tha níu kéo làm lưu luyến bước người đi.

       Nói đến "Bẻ liễu", ta lại nhớ đến tích Liễu Chương Đài với bài thơ của Hàn Hoành gởi cho vợ là Liễu Thị bị lưu lạc trong loạn An Lộc Sơn là:
              
     章台柳,章台柳,  Chương đài liễu, Chương đài liễu,
     昔日青青今在否?   Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
      縱使長條似舊垂,  Túng sử trường điều tự cựu thùy,
     也應攀折他人手。  Dã ưng phan chiết tha nhân thủ!

Có nghĩa :
                 Liễu chương đài, Liễu chương đài,
                 Còn xanh như trước hay đã phai ?
                 Cành lá vươn dài như xưa cũ,
                 Hay là đã bẻ vào tay ai ?!

        Liễu Thị đọc thơ mà khóc ròng, vừa mừng vừa tủi, bèn làm một bài thơ hồi âm cho chồng như sau :

      楊柳枝,芳菲節,  Dương liễu chi, phương phi tiết,
      所恨年年贈離別。  Sở hận niên niên tặng ly biệt.
      一葉隨風忽報秋,  Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
       縱使君來豈堪折?   Túng sử quân lai khởi kham chiết?

Có nghĩa :
                  Nhành dương liễu, tiết thơm bay,
                  Chỉ hận năm năm tặng chia tay.
                  Gió cuốn lá rơi thu đã tới,
                  Chàng chưa về đến bẻ cho ai?!

     Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, tả lúc Thúy Kiều đang ở lầu xanh, sau khi đã " Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngã bóng dâu tà tà " thì Thúy Kiều lại :

              Nhớ lời hẹn ước ba sinh,
         Xa xôi ai có biết tình chăng ai ?
              Khi về hỏi LIỄU CHƯƠNG ĐÀI,
        Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!

         Inline image

       Sau Dương Liễu Chi, ta có DƯƠNG CHU là tên của một người.

       DƯƠNG CHU 楊朱 (395-335 trước Công Nguyên) là một Nhà Tư Tưởng của Đạo gia thời Chiến Quốc. Có thuyết cho là người của nước Ngụy, có thuyết nói là nước Tần. Ông là một trong Bách Gia Chư Tử thời Chiến Quốc với thuyết Vị Ngã 為我 (Vì mình). Dương Chu cho là nếu ai cũng "vì mình" hết thì, không ai "nhiều chuyện" mà lo việc của người khác, thì thiên hạ cũng sẽ thái bình. Thuyết nầy trái với thuyết của 墨翟 MẶC ĐỊCH (Mặc Tử) là Vị Nhân 為人 (Vì người). Ông cho là tất cả mọi người nếu đều biết vì người khác, thì thiên hạ cũng sẽ thái bình. Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông Sãi đã luận về chữ TU của hai triết gia trên như sau :
        Kìa như...
                       Mặc Địch với Dương Chu, tu một việc Vị nhân Vị ngã;
                       Nhổ mải lông mà lợi cả thiên hạ, thì Dương Chu tu một sự chẳng vui;
                       Mài hết trán mà lợi có một người, thì Mặc Địch tu một lòng chẳng nại.

        DƯƠNG ĐÀI 陽台 nơi mà Vu Sơn Thần Nữ gặp Sở Tương Vương như trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc nước Sở. Nên Dương Đài chỉ nơi mây mưa ân ái giữa trai gái với nhau, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

            DƯƠNG ĐÀI này sẵn mưa mây,
       Mà xem chúa Sở vui vầy giấc tiên.   

       DƯƠNG QUAN 陽關 là cửa ải nằm ở tây nam xứ Đôn Hoàng thuộc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc, là cửa khẩu giao thông chính yếu của biên cương Tây bắc. Theo như bài thơ Vị Thành Khúc của Thi Phật Vương Duy đời Đường như sau:

       渭城朝雨浥輕塵, Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần,
       客舍青青柳色新。 Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
       勸君更盡一杯酒, Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu,
       西出陽關無故人。 Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
Có nghĩa :
              Sớm ngày mưa bụi Vị Thành,
              Liễu tươi quán trọ xanh xanh bồi hồi.
              Cạn thêm chén rượu ly bôi,
              Dương Quan chia cách ai người cố nhân?

                        Inline image

         Trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều đưa tiễn Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn hình ảnh DƯƠNG QUAN để chỉ cảnh ly biệt:                        

             Sông Tần một dãy xanh xanh,
        Loi thoi bờ liễu mấy cành DƯƠNG QUAN.
            Cầm tay dài ngắn thở than,
       Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời !

        Cuối cùng ta có tích DƯƠNG XA 羊車 là Xe Dê. Xe do dê kéo theo tích sau đây:
       Sau khi diệt Ngô và Thục, Tư Mã Ý lên ngôi, lập nên nhà Tấn. Truyền đến đời cháu nội là Tư Mã Viêm ( 236-290 ), con trưởng của Tư Mã Chiêu, ở ngôi 35 năm, sử xưng là Tấn Võ Đế.
       Tấn Võ Đế là ông vua hoang dâm của nhà Tấn. Vừa lên ngôi, ông bèn ra lệnh cho dân gian ngưng ngay việc cưới hỏi, rồi cho hoạn quan đến từng địa phương để tuyển gái đẹp đem về hậu cung. không phải như Bạch Cư Dị tả hậu cung của Đường Minh Hoàng là:
        Hậu cung giai lệ tam thiên nhân,  後宮佳麗三千人 (ba ngàn người đẹp sau hậu cung).
        
     Hậu cung của Tấn Võ Đế có đến 5 ngàn người đẹp từ khắp nơi tuyển về, đủ mọi từng lớp sang hèn quí tộc bình dân... Tất cả người đẹp phải qua sơ tuyển ở địa phương và chung tuyển trước khi được đưa vào cung. Ôi,  5.000 giai nhân cung nữ, làm cho nhà Vua đâm ra vui mừng đến bối rối, không biết phải hưởng dụng như thế nào! May thay có một cận thần đưa Ý kiến: Vua nên ngồi trên xe do 2 con dê kéo đi vòng quanh hậu cung, xe dê ngừng ở cửa của cung nhân nào thì tối hôm đó Vua sẽ ngự ăn tối và ở đêm lại với cung nhân đó. Nhà vua đã rất hoan hỉ mà nghe theo, báo hại các cung nhân phải nhờ người tìm hái lá dâu của dê ăn mà rắc trước lối vào cửa cung của mình để mong rằng xe dê sẽ ngừng lại vì dê muốn ăn lá dâu.   
                     Inline image
                Xe dê ở hậu cung và hình tượng Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm.                         

        Trong tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu NGUYỄN GIA THIỀU có câu :
                  Phải duyên hương lửa cùng nhau,
                  XE DÊ lọ rắc lá dâu mới vào.
          Và...
                  Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,

                 Dấu DƯƠNG XA đám cỏ quanh co.


          Tội nghiệp thay, 5000 cung nữ chỉ chờ đợi có một ông Vua mà thôi!

                   Hẹn bài viết tới !

                                    Đỗ Chiêu Đức





Không có nhận xét nào: