Đoản Văn Không Đề Số Ba
(Nhớ một người, quên một người, và để tang cho một người)
Chuyện Một
Anh về lại, nơi này, sau gần hai năm bỏ đi như trốn chạy, mà trốn chạy thật. Bên kia sông căn nhà vẫn đó, hai cánh cổng đóng kín, không khép hờ như trước, ngập một màu xác pháo úa đỏ đã ngã màu tím bầm. Từ trên dốc đường nhìn xuống, con đò ngang, cũng còn nằm thiu thỉu ngủ chờ người gọi qua sông như những ngày tháng cũ dưới bến giữa trưa. Trời bây giờ tháng Bảy đầu Thu, hàng phượng già hai bên đường tới trường lơ thơ, lẻ loi vài ba cánh hoa đỏ bầm màu máu, nấn níu, chưa chịu tàn theo tuổi Hạ.
Người qua đường tưởng là anh đứng chờ qua sông, nhưng không, anh đứng nhìn con đò mà không chờ qua sông, con đò đã bao nhiêu lần anh ngóng anh trông giữa những sáng sương mờ đón hay những chiều nắng muộn đưa, đón đưa người con gái chung lớp, chung trường, áo trắng tóc buông lơi nao nao thả gió của căn nhà bờ bên đó.
Có khẻ nhìn trộm nhau nhiều lần nhưng ngập ngừng, chần chừ chưa dám nói ra, lặng câm chỉ riêng mình anh hiểu, cứ đi về như vậy mà vui, đủ vui để yên tâm với sách vở ngổn ngang của mùa thi phần số. Thi rớt, anh bỏ xóm đi, cuối mùa thi, không từ biệt, vẫn thương thầm chưa nói ra, hẹn với lòng trở lại một ngày nào đó.
Một ngày nào đó là hôm nay, cũng định là sẽ theo đò qua sông, xác pháo đỏ ngập cổng nhà làm anh ngơ ngẩn, một nửa hồn bất chợt buông xuôi bỏ cuộc. Anh bước từng bước chậm xuống bến. Hai ba người đàn bà đi chợ về xuống đò. Con đò tỉnh ngủ, bà thiếm chèo đò quen, nhận ra làm dấu chờ. Anh lắc đầu cười gượng nhìn qua căn nhà bên đó, cám ơn.
Mở dây cột, bà thiếm sửa ngay mái chèo, quay lại sau nhìn anh, chắc bà hiểu, buồn buồn nói vọng lên “bên đó đám cưới xong mấy ngày nay rồi”. Con đò tách bến, con đò ra xa rồi thật xa, anh vẫn nhìn theo, “vĩnh biệt căn nhà bên kia sông, vĩnh biệt mà thương con đò”.
Chuyện Hai
Hình như cũng gần cả nửa năm, cứ mỗi lần từ Vĩnh Long về hay trên Sài Gòn xuống, xuống phà Mỹ Thuận qua sông, anh đứng nhìn mà thấy buồn buồn làm sao. Hai chị em, một trai chừng sáu bảy tuổi, ốm yếu, đội cái nón nĩ cũ rách tả tơi, một gái chừng lên mười, cũng mảnh khảnh gầy gò, bị cụt mất nửa cánh tay phải, một chân co rút lên đi cà nhắc và hư sâu oắm bên mắt phải, tóc xỏa dài, rối bời. Cả hai mặt mày sáng sủa, dễ nhìn, em dắt chị đi trước, tay cầm cái giỏ tre nhỏ như cái đục, lên đầu này rồi ngược lại đầu kia. Chị cố hát bài này bài nọ, cố cao giọng lấn át tiếng máy phà xình xịch nổ, xin khách đi đường chút tiền bố thí.
Bao lần rồi, cũng bao nhiêu bài hát quen “bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã đi xa rồi” hay “có người hỏi tôi tại sao hay ca bài ca sầu nhớ, hay ngắm trăng mờ hoàng hôn” hát đi hát lại, không biết học từ đâu nhưng con bé hát khá hay, mặc dù anh nghe tiếng mất tiếng còn.
Lần nào cũng vậy, mỗi lần xuống phà chờ xe lên, anh tới bên hai chị em, cho một số tiền chừng năm ba chục, hỏi han đôi ba câu, không biết người ta cho nhiều không, nhưng thấy hai đứa vòng tay, rươm rướm mắt cám ơn, anh bỗng dưng muốn khóc.
Một trưa cuối Thu, trời thay mùa nhuốm lạnh, nắng tốt, người rầm rập xuống lên mua bán, không đầy một tháng nữa tới Tết. Vì phải trở lên Sài Gòn có việc cần làm gấp cho chỗ làm, có lẽ ở trên đó vài tuần, chờ xe đò tới lượt qua phà chắc khoảng hơn tiếng rưỡi đồng hồ, anh bỏ xe đi nhanh xuống, vừa lúc phà bên bờ Cai Lậy vừa qua tới. Anh tìm kiếm hai chị em, dẫn lên tiệm cơm sát bờ đường lên xuống phà, ăn bữa cơm trưa làm quen, hỏi tên.
Anh cười nhìn hai chị em rụt rè ăn mà lòng nhói đau không ít. Kể chuyện cho anh nghe, cô chị vừa thúc thít vừa quẹt nước mắt, quê ở bên Lấp Vò, ba làm trong Hội Đồng xã nào đó, nhà bị trúng đạn pháo kích của quân du kích trong đêm họ tấn công xã, chừng hơn một năm nay. Ba mẹ chết hết, còn lại hai chị em, nó bị thương, người ta chở hai chị em lên bệnh viện tỉnh. Nó sống nhưng tàn tật. Xã chôn cất ba mẹ xong, người quen đưa hai chị em vào ở tại một cái chùa nhỏ, ngoại ô Sa Đéc, trên đường đi ra ngã ba Mỹ Thuận Vĩnh Long, sống với bà sư cô tuổi già, lum khụm, bữa cơm bữa cháo. Mới chừng đó tuổi mà cũng biết thương cho bà sư cô, mấy ngày đầu, hai chị em ra đường, đón xe xin quá giang ra bắc Mỹ Thuận, ca hát xin tiền bá tánh, được người đi qua người đi lại thương tình. Những ngày sau hai chị em có được chút tiền, trả cho xe đi về mỗi ngày. Hết chuyện, anh ngồi nghe, hai chị em rấm rứt khóc, anh cay xé mắt.
Sau ngày tháng Chạp đưa ông Táo, anh trở xuống Vĩnh Long, xách thêm cái túi vải, đựng mấy bộ đồ mới cho con trai con gái, hai đôi dép săn –đan, mua ở chợ Sài Gòn, ngay khi về trên này hôm ăn cơm với hai chị em hát ăn xin, quà Tết cho hai đứa.
Hớn hở mang túi xách xuống phà, tìm đầu trên đầu dưới không thấy bóng dáng hai chị em, không có tiếng hát như trước, thấy cũng lạ, hỏi ông bác nhân viên lo sắp cho xe hàng xe đò xuống phà, anh chết lặng. Bữa chiều đó, mưa to, giông gió như bão rớt, trời tối xầm, sấm chớp, chiếc xe lam thường ngày từ Mỹ Thuận về Sa Đéc, trên đó có hai chị em hát ăn xin, không may đụng một chiếc xe nhà binh GMC chạy ngược chiều, lật nhào bể làm hai văng xuống ruộng, năm sáu người chết, có hai chị em nó. Anh nghe mà tưởng chừng như trời đất quay cuồng, ngửa mặt lên, nắng chang chang đổ, muốn thét cho lớn “trời ơi”.
Anh mở túi xách để quần áo, hai đôi dép săn – đan, chia ra bên trai bên gái trước tấm bia của hai nấm mộ, còn mùi đất bùn, trần trụi, nằm sau chái hiên cái chùa một khoảnh sân, đốt nhang lâm râm khóc. Bà sư cô già đứng phía sau lưng, khóc theo, chiều nay chiều Ba Mươi Tết.
Chuyện Ba
Không hẹn mà gặp, anh vừa tới, tay cầm bó hoa Huệ trắng, trước mộ Vĩnh đã có người, người con gái, tóc xỏa dài, áo dài xanh da trời nhạt, ngồi cúi đầu, quay lưng ra trước mộ bia. Giờ này trời vừa ngấp nghé trưa, nắng rực sáng một màu vàng hực, trải dài trên những hàng mộ thẳng hàng trong nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, anh đứng khựng lại xa, lẳng lặng chờ.
Lâu lắm rồi, sau ngày đám cưới Vĩnh, thằng bạn thân cùng quê, hẹn lần hẹn lựa, giờ mới về lại Sài Gòn, nơi này vẫn vậy. Từ ngày thôi học, hai thằng hai ngả, Vĩnh vào lính, anh lang thang, đường trong ngõ ngoài, phố trên chợ dưới vẫn ồn ào ngựa xe áo quần, lụa là son phấn. Ngày Vĩnh chết ở chiến trường Tam Biên, chôn trong nghĩa trang này, anh cũng chưa một lần về đốt nén nhang tiễn bạn.
Nghĩa trang giờ này đông người hơn, khăn tang chập chờn ẩn hiện như cánh bướm trắng vờn quanh những ngôi mộ cũng trắng một màu liêu trai u uẩn. Anh đi gần tới, cũng là lúc người con gái đứng lên quay lại, cả hai ngở ngàng, chưng hửng nhìn nhau, họ không phải là người lạ.
Nhật Hạ, người con gái, anh, và Vĩnh cùng chung trường, họ dân chợ tỉnh, anh người xóm quê, thân và rất thân. Cứ thân rất thân vậy rồi anh trộm thương thầm cô nàng nhưng không dám nói ra, hết mùa thi này rồi mùa thi sau vẫn lặng thầm mơ một ngày nào đó. Mùa thi cuối, anh chết lặng, mang nỗi buồn riêng mình, cố gượng làm vui, từ biệt khi Vĩnh cho biết, hai người sẽ làm lễ đính hôn nay mai, nhắc anh đừng quên tới dự. Anh bỏ tỉnh nhỏ đi và không lần về từ ngày đó.
Ngồi trong phòng khách nhìn ra, mưa lất phất lùa lá me trên con đường quen lả tả bay, phố vắng giữa xế chiều, hai người nhắc chuyện xưa chuyện cũ, bỏ chuyện bây giờ, chuyện của những ngày hết còn thơ, biết buồn và biết thương biết nhớ, của kỷ niệm một thời áo trắng sân trường, quán nước công viên ở một tỉnh lẻ. Người con gái, nếu gọi cho đúng, người góa phụ, nói nhiều hơn là nghe, anh nghe nhiều hơn ít nói, nhưng dường như ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối cái gì đó. Riêng anh, cái mơ ước một ngày nào của năm xưa chợt loáng thoáng vội về đâu đó trong hồn, đôi lúc anh định nói nhưng lại thôi.
Đứng dậy từ biệt ra về, bỗng dưng anh muốn nói, chưa nói, người con gái trông ra có vẻ đang chờ, quay nhìn lên bức hình Vĩnh cười tươi trên tường, anh chợt thấy lòng đau nhói, như chùng xuống. Anh bước nhanh ra cổng, hẹn gặp lại, nhưng không hẹn khi nào, ở đâu. Người con gái đứng nhìn theo, anh lầm lũi đi giữa mưa. Mưa như bụi phấn lớp học tạt vào mặt, đưa tay lên vuốt mặt, mắt nhạt nhòa ướt như mưa, anh nói cho chính mình hai tiếng “không được”.
Chuyện Bốn
Anh đẩy chiếc xe xích lô, mướn của ai đó, vào dưới gốc cây lớn nghỉ mệt, chiếc xe mà nhờ nó anh còn có được chút miếng ăn, chút nước uống đủ sống hơn mấy tháng nay, từ những ngày được thả ra sau mấy năm tù, kể từ ngày miền Nam thua cuộc. Anh kéo cái nón vải cũ rách vài lỗ, không lớn lắm, còn che được nhúm tóc lưa thưa sạm nắng xuống, mồ hôi xuống theo, ngồi trong lòng xe nhìn vào bên chợ, vắng người đi, nắng sắp ngã màu về chiều. Người con gái bán hoa, ngay ngõ đường ra đầu chợ, anh đã thấy nhiều lần khi chở khách đến đây, tay lật tới lật lui hết bó này tới bó kia, hoa còn màu nhưng không thấy người mua, ngồi nhìn trời, thở dài mệt mỏi. Anh cũng như cô cũng thở dài mệt mỏi. Đường về đêm nay không biết đường của ai dài hơn ai, chắc cũng não nuột ngõ sâu hun hút.
Hôm nay, cũng buổi tàn chợ chiều, có chút tiền dư, chắc cũng đủ trả hơn là mua vào buổi sáng, anh nghĩ vậy. Trên đường về trả xe, nghỉ sớm vì cảm thấy không khỏe, anh ghé ngang qua mua bó hoa, hoa nào cũng được, sáng mai, nghỉ một buổi, vào nghĩa trang thăm mộ thằng bạn thân, thằng lính Dù, không cha không mẹ, giờ thứ hai mươi lăm năm đó, nhất định chết chứ không chịu bó tay, ngày giỗ của nó.
Chưa biết và ngại cũng chưa hỏi giá, anh nhìn qua nhìn lại, người con gái bán hoa, khá đẹp, nhưng nét mặt thoáng chút u buồn, tóc dài đen huyền như màu mắt, áo bà ba xanh thiên thanh, cũ nhưng còn nét người xưa, người của ngày thành phố chưa mất tên, chừng trên hai mươi. Thấy anh chần chừ, cô lên tiếng hỏi, anh thật tình nói, cô nhoẻn miệng cười, lựa cho anh bó hoa còn tươi nhất trong số những bó khác, héo rũ chờ bỏ quên đâu đó. Cô không nhận tiền trả, anh ngồi xuống, cám ơn. Chợ thưa người, hai người hỏi nhau qua lại. Vài ba anh bộ đội gầy guộc, khệ nệ rau củ trên tay, đi ngang qua nhìn đăm đăm.
Cô, con gái duy nhất của một người sĩ quan Sư Đoàn Bộ Binh, chết trận, mẹ bỏ đi không thấy về, học tới lớp 12, bỏ lại với ngoại mấy năm nay, bị đuổi ra khỏi nhà ở cư xá Bắc Hải. Hai bà cháu dắt díu nhau về sống với bà dì tu tại gia dưới miệt Cây Da Xà, Phú Lâm. Cô bỏ học, vào đời, tập buôn tập bán, nuôi bà nuôi thân. Câu chuyện có vậy, rồi họ quen nhau, anh phụ dẹp hàng, đạp xe đưa người con gái về nhà. Đèn đêm chán chường vàng vỏ, đường xa nhưng trên đường trở về, anh thấy con đường bỗng dưng vui.
Những ngày sau đó, đi về, chiếc xích lô của anh, lúc nào cũng thấy có một người khách, người con gái và những bó hoa tươi đủ màu rực rỡ ra chợ sớm và không về muộn như trước và cũng từ đó, hoa đua nhau không còn ủ dột như xưa.
Chuyện Năm
Hai chị em nó mồ côi, ba mẹ mất sớm, bỏ lại cho ngoại nuôi, mất hồi nào không biết chỉ nghe bà bảo là hồi hai đứa còn nhỏ lắm. Ngoại già, nhà tranh vách lá, mái dột cột xiêu, tảo tần hôm sớm, nằm xéo ở khoảnh đất trũng, cuối góc bìa ấp dưới, đan rỗ đan đục tre bán trên chợ xã, cách đó chừng hai ba cây số dọc theo tỉnh lộ, cơm cháo tạm cho ba bà cháu sống bữa thiếu bữa dư, bù qua sớt lại nhưng chưa gọi là đói.
Ngoại cũng ráng chắt chiu cho hai chị em đi học trường tiểu học xã. Năm nó lên lớp Ba, chị lên lớp Nhất, ngoại già yếu hơn, tay chân có khi không cầm nổi cái dao chẻ tre chẻ trúc, chầm cọng lạt khi trật khi trúng. Chị nó biết. Chị nó thức khuya phụ nhưng quanh quẩn chỉ giúp việc cắt, chặt mấy cọng lạt cho bằng cho ngay, vậy thôi. Nó ngồi bên thui thủi nhìn qua nhìn lại. Trong ánh đèn dầu mờ ba bóng người chập chờn trên vách lá, gầy buộc, buồn thiu.
Cuối năm lớp Nhất chị nghỉ học, ngoại cũng mòn mỏi rồi. Chị lên chợ xã làm công cho vợ chồng bác chủ tiệm hàng xén khá giả. Sáng sớm hai chị em dắt nhau di bộ dọc theo tỉnh lộ lên chợ, cũng như những ngày trước nhưng giờ thì tới chợ, nó vào trường chị nó tới tiệm. Nó tiếp tục học lên lớp Nhất rồi thi đậu vào Đệ Thất. Ngoại mừng chị cũng mừng. Chị nhất định phải nuôi cho nó ăn học tới nơi tới chốn. Chị không còn làm công việc phụ bán sai vặt ở tiệm hàng xén, chị lạnh lẹ nên theo bác gái chủ tiệm, xuống quận lên tỉnh, đặt hàng, đếm hàng, lo xem cái nào cần thêm cái nào nên bớt. Cảnh nhà cũng vậy, đở hơn đôi chút chứ nghèo vẫn nghèo. Phần nó, đi học thì thôi, chứ Thứ Bảy Chủ Nhật nào vì thương chị vất vả lam lũ, nó cũng chịu khó, sáng sớm ra đồng, xế trưa ra sông, câu cá, bắt cua, nhà có ăn, bữa nào nhiều, đem ra chợ xã, ngồi bán, vậy mà nó thấy vui.
Ngày tháng kiếp đời của ba bà cháu cứ vậy mà trôi qua. Đậu Tú Tài Một nó vào lính, mản khóa về lại nhà nghỉ phép trước khi ra đơn vị. Có người ở ấp trên dạm hỏi chị, ngoại bằng lòng, chị cũng bằng lòng, qua Tết năm sau đám cưới. Nó nhất định sẽ về đúng ngày, mừng ngày vui của chị.
Ngày cưới, hai bà cháu chờ mà không thấy nó về như đã nói, nhưng chị cũng phải theo chồng, ngoại tiễn chị ra xe lam rước dâu. Hai bà cháu ôm nhau sụt sùi, dù nhà chồng về nhà chị, đi bộ cũng tới.
Vài hôm sau, chị về lại nhà, hai bà cháu, môt già một trẻ, một lần nữa ôm nhau khóc sướt mướt, khóc sụt sùi, tin từ xa về: nó tử trận trên chiến trường Lam Sơn, Hạ Lào, ngay trưa hôm chị theo về nhà chồng, bỏ lại ngoại một mình nhưng chị vẫn đi về, còn nó, nó đã bỏ ngoại và chị đi xa, một nơi rất xa và không bao giờ về nữa.
Thuyên Huy
Đã sang mùa 2020