Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XXI (Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

        Chữ Nghĩa Làng Văn XXI


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Móc: sa mù, mưa bay 


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Tự Vi Tiếng Việt Miền Nam


Về lịch sử, cụ Vương Hồng Sển quyết liệt bảo vệ một cái nhìn khách quan về các nhân vật bị các ông quan sử học của chế độ mới lên án. Cụ ca ngợi kính trọng Phan Thanh Giản yêu nước, sáng suốt. Cho nên, cụ không chịu được những ai vì thiên kiến chính trị mà cố kết tội cụ Phan: “Có một hôm nọ, xúm nhau tìm tội lỗi của quan Phan, từ sáng đến xế trưa mà chưa ngã ngũ, tôi bực quá buộc lòng than khá lớn: Chớ chi ông sanh ở Hà Nội thì không có chuyện”. Cả nhóm đứng dậy và giải tán, tôi đến nay còn ăn năn già không biết giữ lời.” (tr. 488) 

Ở một chỗ khác, cụ phê phán việc hạ bệ tượng đồng Trương Vĩnh Ký: “hình đồng của nhà tiền bối này, nguyên do tiền bá tánh Nam Kỳ góp trong cuộc lạc quyên để nhắc đời công lao người học rộng này, nay còn đâu? Và người đi sau có quyền gì hủy hoại lòng bái phục chơn thành của nhóm người đi trước?.” (tr. 587).

 

Nói thêm: Nguyễn Văn Trung cho biết cháu Trương Vĩnh Ký là ông Trương Vĩnh Thạnh có được mời đến để thông báo lý do hạ bệ tượng Trương Vĩnh Ký: “Nhân dân không muốn duy trì những tàn tích cũ!”. Việc dựng tượng Trương Vĩnh Ký không phải là sáng kiến của chính quyền thực dân Pháp, mà là của những người yêu nước thuộc tổ chức Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu. Đó là một cuộc vận động rộng rãi trong mọi giới, từ nông thôn đến thành thị (xem Nguyễn Văn Trung, sách đã dẫn, tr. 41-44). 

(Cái nhìn của Vương tiên sinh về chế độ mới - Văn đoàn Việt)



Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa

Theo chọn lựa của Văn Quang, được nhắc trước tiên nên nhà hàng La Pagode, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Thánh Tôn. Tên gọi tếu ‘Cái chùa’ (nghĩa tiếng Việt của từ ‘la pagode’ tiếng Pháp) cũng khá thông dụng. Nhà văn Văn Quang kể:


“Trước hết phải kể đến nhà hàng La Pagode, tôi cho là “cổ kính” nhất. Ngay từ những năm 1953, khi tôi mới biết taxi là “cái giống gì” (bởi ở miến Bắc hồi đó chưa có taxi), tôi đã biết La Pagode. Hồi đó Pagode còn bày hàng ghế salon bọc da ra ngoài hành lang, theo lời ông Nguyên Sa thì nó giống hệt nhiều nhà hàng ở Paris. Ngồi ở đây thoáng đãng. Khách đến thường chỉ dùng một ly cà phê, ngồi từ

chiều đến tối mịt.


Đúng là một nhà hàng “cổ kính” khi từ bàn ghế, màu da bọc ghế cho đến quầy, kệ nội thất đều có màu chủ đạo là nâu, rõ hơn là các gam màu nâu cũ kỷ, lâu đời. Riêng về mặt vách bằng kính thật dày cho khách nhìn ngắm đường phố, điều hay ho nữa là loại vách này ngăn được phần lớn tiếng động, tiếng xe cộ ồn ào bên ngoài. Như khi trời mưa lớn, bên ngoài ướt át, lạnh lẽo, sấm chớp rền vang…, nhưng bên trong quán, nhờ các vách kính dày, khách ngồi nhâm nhi tách cà phê hay tách trà lipton chanh nóng thì vô cùng ấm áp, khô ráo, và có ồn ào gì đó là do tiếng tranh cải, cười nói từ các bàn bên cạnh.

(Phạm Nga)



Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo


Trời buồn trời đổ cơn mưa

Ta buồn ta ngủ từ trưa đến chiều

Ngủ xong dậy ăn cơm nhiều

Ăn xong lại ngủ từ chiều đến mai



Giai thoại làng văn xóm chữ

Ăn cơm vua


Một ông thợ xẻ, gặp dịp làm nên giàu có, mua được chút phẩm hàm, mở tiệc ăn khao. Trong những câu đối mừng, người ta chú ý nhất đến một bức trướng trên đề ba chữ: Ăn cơm vua
Ai đọc cũng phải tủm tỉm, nhớ lại câu hát: "kéo cưa, lừa xẻ, ông thợ nào khỏe thì ăn cơm vua, ông thợ nào thua thì về bú tí ... "

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)

 


Ai đã đặt tên cho các đường phố Saigon trước 1975


Từ lâu, tôi đã có dịp bày tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục về việc đặt tên cho các đường phố tại Saigon vào năm 1956, ngay sau khi chúng ta dành được độc lập từ người Pháp. Vì đây là một công việc hoàn thiện, nên tôi vẫn đinh ninh rằng đó phải là một công trình do sự đóng góp công sức của nhiều người, của một ủy ban gồm nhiều học giả, nhiều sử gia, nhiều nhà văn, nhà báo…

Nhưng thật là bất ngờ, bất ngờ khi qua tài liệu đính kèm của tác giả Nguyễn Văn Luân, chúng ta được biết kiệt tác của lịch sử này đã được hoàn thành bởi… một người. Người đó là ông Ngô văn Phát, trưởng phòng họa đồ thuộc tòa đô chánh Saigon.

Nhà văn Ngô văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, sinh quán tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bặc Liêu: Người đã đặt tên đường phố Sài Gòn năm 1956.


Nhân đây, tôi cũng xin được gửi lại một vài ý kiến của tôi:

Nói vào chi tiết hơn, vua Lê Thánh Tôn đã mở mang bờ cõi từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Rồi sau đó, chúa Nguyễn Hoàng và con cháu đã vượt đèo Cù Mông, đánh chiếm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vĩnh viễn xóa sổ nước Chiêm Thành khỏi bản đồ thế giới. Rồi còn tiếp tục mang về cho nước ta cả một đồng bằng nam phần mênh mông bao la, từ Đồng Nai đến Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc... Nghĩa là hơn một nửa diện tích đất liền của Việt Nam hiện nay là do giòng họ của chúa Nguyễn Hoàng đã mang về cho nước ta!


(Vũ Linh Châu)

 


Sài Gòn một chút quán xá  

Gỏi vịt, bánh xèo 

Vùng Thanh Ða (Bình Thạnh) nổi tiếng khắp Sài Gòn với món cháo vịt, gỏi vịt. Vào buổi tối người Sài Gòn hay ra bán đảo Thanh Ða trước là để đón những luồng gió mát từ sông Sài Gòn thổi vào và ghé mấy quán cháo vịt, gọi thêm đĩa gỏi vịt ăn kèm. Nếu là “bợm nhậu” thì gọi thêm chai bia Con cọp BGI để… đưa cay. 

 

Nếu ngại ra Thanh Ða thì trên đường Hồng Thập Tự cũng có khu bán cháo vịt thuộc loại… “ăn được”. Thịt vịt tại đây khá mềm, nhai kỹ thấy ngọt và đặc biệt không thấy mùi hôi vốn có của thịt vịt. Có thể họ tuyển loại vịt chạy đồng nên không hôi (?).

 

Ðinh Công Tráng là một con đường nhỏ gần nhà thờ Tân Ðịnh nhưng cũng đi vào lịch sử ăn uống của Sài Gòn với món bánh xèo. Bí quyết của bánh xèo nằm ở kỹ thuật pha bột, sao cho khi chiên lên, bánh giòn tan khiến người ăn có thể cảm được cái thú nghe miếng bánh đang được nhai dưới hai hàm răng.  Lớp bột gạo pha chút nghệ khi đổ vào chảo dầu tạo nên một tiếng “xèo” khiến ta hiểu được tại sao lại gọi là… bánh xèo! 

 

Khu Ða Kao có tiệm bánh cuốn Tây Hồ (127 Ðinh Tiên Hoàng), gần chợ Ða Kao. Tại đây, mỗi bàn có để sẵn một thẩu nước mắm và một chồng chén nhỏ để khách tùy nghi sử dụng, thêm nhiều hay ít ớt bằm theo sở thích riêng của từng người. Tuy nhiên, có khách lại thích chan luôn nước mắm vào đĩa để bánh cuốn thấm nước mắm, đậm đà hơn. Chả quế và giò lụa được cắt thành miếng lớn, để riêng trong một đĩa nhỏ. Khách có thể chỉ ăn bánh cuốn nhân thịt mà không đụng tới đĩa giò chả, như vậy người phục vụ nhìn vào đĩa chả còn nguyên mà không tính tiền. Nếu cần, có thể gọi thêm đĩa bánh tôm hoặc bánh cuốn không nhân.

 

Sài Gòn cũng có bánh cuốn Thanh Trì kiểu Bắc, mỏng như tờ giấy, ăn với “ruốc” (chà bông) và nước mắm phải kèm với vài giọt cà cuống. Còn bánh ướt là kiểu bánh cuốn bình dân ở Sài Gòn, cũng ăn kèm với bánh tôm chiên, giò, chả và rau, giá. Những xe bánh ướt được đẩy đi khắp Sài Gòn, có cả nồi hấp nên lúc nào bánh cũng nóng và người bán bao giờ cũng chan nước mắm vào đĩa thay vì chấm kiểu “thanh cảnh” như bánh cuốn Thanh Trì.


(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tình yêu... giúp ta vượt lên những suy nghĩ tầm thường

và đưa chúng ta tới những suy nghĩ... tầm bậy.



Bánh cuốn Thanh Trì 

Nước mắm nhà pha lấy, không tài nào được, dù là đã pha một chút nước sôi và đường vào nước mắm rồi; nước mắm đó thể nào cũng có một cái gì ngang, hoặc mặn quá, hoặc chua quá, cứng quá hay có khi nhạt quá. 


Để làm nổi hẳn vị của nước chấm lên, người hàng bánh thường gia thêm vào chai nước chấm một hai con cà cuống băm nhỏ, nó đem đến cho ta một cái thú đậm đà hơn là cái thú cà cuống nước bán từng ve nhỏ ở các hiệu bán đồ nấu ở phố Hàng Đường. 

Ai muốn ăn nước mắm không giấm, nhưng vắt chanh xin tùy ý; ớt, lấy cay lắm hay vừa, cứ việc theo sở thích của từng ngườị  Ta chấm chiếc bánh trắng vào trong chén nước chấm màu hổ phách, đưa lên miệng và chưa nhai đã tưởng như bánh "chưa đến môi đã trôi đến cổ" mất rồi... 

(Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng)



Cơm vua, cơm làng 

Cơm vua
Xưa kia, các sinh hoạt hàng ngày trong Hoàng cung, Tử cấm thành của vua chúa nước ta không được sử thần nào ghi chép. Phải nhờ… sách báo của Tây ghi chép hộ…

 

***
Hocquard kể rằng đội bếp của nhà vua gồm 100 người. Mỗi ngày, mỗi người được phát 30 quan tiền kẽm để đi chợ mua đồ nấu một món ăn. Ngoài đội nấu ăn ra, còn có thêm 500 người săn thú vật, 50 người bắn chim. Vùng biển có một đội đánh cá 50 người. Vùng hải đảo có một đội bắt tổ yến 50 người. 50 người chuyên pha chế nước trà. Tổng cộng, số người phục dịch chuyện ăn uống của nhà vua lên đến 800 người.

 

Gạo đức vua dùng phải thật trắng và chọn lựa từng hạt, nấu trong nồi đất, mỗi lần nấu xong thì đập bỏ (1). Đũa vua dùng vót bằng tre vừa mới trổ đủ lá và thay đổi hàng ngày. Loại đũa ngà không tiện dụng vì hơi nặng đối với tay nhà vua. Số lượng gạo phải được xem kỹ và nấu thật đúng, không bao giờ nhiều hay ít hơn, nếu đức vua không ăn như ngày thường, nếu ngài thấy không ngon miệng thì ngài gọi các viên ngự y đến xem mạch bốc thuốc. Ngài bắt các y sĩ uống trước mặt ngài” 

(Ai ơi bưng bát cơm đầy…- Nguyễn Dư)

 

(1) Vua chúa Nga có trò uống rượu đập chén. Tướng tá Tây rút kiếm chém chai, tu rượu. Ta có thói ăn cháo đá bát

Nay có thêm mốt mới ăn cơm đập nồi.



Giai Thoại Làng Văn

Là bạn của Nam Cao, Tô Hoài cũng không dễ chịu về tiền nong hơn mấy chút, nhưng tương đối anh cũng đỡ lo lắng và cũng đỡ phải vật lộn với sự sống hàng ngày như Nam Cao. Có lẽ vì thế giọng văn của Tô Hoài ít chua chát, sâu xa: anh đúng là con dế mèn phiêu lưu, nhìn con vật gì ở chung quanh cũng lạ lùng với con mắt thơ ngây. Không có gì lạ hết: Tô Hoài lúc viết cuốn truyện đầu tay “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” chỉ là một bạch diện thư sinh mới ở trường ra và sống một cách hiền lành, cơm ngày hai bữa, ở một làng làm giấy bản trên sông Tô Lịch, ngày ngày ngồi ở hiên nhìn ra sân xem những gà, lợn, chim sẻ, cào cào, bươm bướm... Tô Hoài cũng hiền lành như Nam Cao, nhưng ranh mãnh hơn một chút; tuy vậy, không lúc nào để mất tính chân thành. 

Trước khi di cư vào Nam, anh (Tô Hoài *) còn tỏ sự chân thành ấy với tôi lần chót:trong một thư dài viết tay, anh đã chí tình khuyên tôi ở lại và nói lên những giờ phút mong đợi trở về gặp nhau đông đủ để sống lại những ngày thân mến trước đây. 

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)


(*) Sau 75, theo hồi ký của Vũ Bằng thì Tô Hoài vào Sài Gòn, ghé thăm Vũ Bằng hai lần. 

Tiếp đến, Vũ Bằng bị nạn trong vụ án “Hồ Con Rùa” khi ông đang hấp hối nên không bị bắt. (nguồn Trần Ngọc Tự)



Nói lái với câu đố 
Con gì ở cạnh bờ sông,
Cái mui thì nát cái cong thì còn 

(con còng - cong còn nói lái thành con còng)



Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 

Nguyễn Huy Tưởng: Chữa thế nào? - 1 

Chữa chừng nào thấy không còn chữa được nữa thì thôi. Anh Nguyễn Công Hoan không chữa mấy, nhưng Tolstoi chữa 108 lần. Đến đỗi một nhà phê bình nói: Những mẩu văn do ông cắt bỏ, nếu ai ký tên dưới đó cũng sẽ nổi tiếng. Như thế thì ta thấy một nhà văn như Tolstoi đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức cho hai pho tiểu thuyết như Anna Karénine và Chiến tranh và Hòa bình?

Nhà phê bình trên còn nói rằng: Từ truyện đầu tay đến truyện cuối cùng của ông, không có sự khác biệt nhau về trình độ nghệ thuật. Nghĩa là ngòi bút của ông trong truyện đầu vẫn điêu luyện như ở truyện cuối.

 

Khi đọc lại, các cậu nên thêm ít, bỏ nhiều. Đó là phương pháp của Anatole France, cũng còn gọi là cây kéo của A. France (Les Ciseaux d’ A. France), cũng tương tự như Lỗ Tấn: Khả hữu khả vô ! Cắt câu văn nó đau như cắt ruột vậy.

(Xuân Vũ)


Tam

Tam : em

(bếp lạnh anh tam biếng hỏi han

Tuy rằng bốn biển cũng là anh tam)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 

Nguyễn Huy Tưởng: Những tiếng “thì, là, mà, và….“ - 2

 

Những tiếng “thì, là, mà, và…” coi vậy mà rắc rối đấy, các cậu nhớ coi chừng. 

Dùng nó thì câu nặng nề ra, dễ trật văn phạm lắm, và nghe chướng tai nữa. Maupassant viết những câu rất ngắn, nhà phê bình Marcel Prévost đã tổng kết: “Những câu dài của ông không phải là những câu hay.” 

Đó là kinh nghiệm, các cậu nên học ngay, đừng nên để mình có thói quen viết câu dài rồi khó sửa.

 

Bệnh dễ chữa hơn tật, nhất là cái tật trong văn chương. 

Như ông Thiếu Sơn bị nhà phê bình Vũ Ngọc Phan chế diễu là nhà phê bình “vậy vậy”, vì cứ vài câu thì ông lại “vậy” một phát. Trong văn học Pháp có một nhà văn viết rất đơn sơ, không có một câu nào rắc rối cả, chỉ có một mệnh đề. Đó là Hector Malot, tác giả của 2 quyển truyện En Famille và Sans Famille được tặng giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp. Đừng làm ra vẻ văn chương bằng những câu rắc rối, chế tạo văn chương.

(Xuân Vũ)



Tiếng Việt không có qui luật văn phạm 

Động từ ‘To Be’ hay ‘Etre’ mà ta dịch ‘Thì’ hay ‘Là’ thường vắng mặt trong các câu nói hay câu văn. Trong tiếng Việt không có chia động từ và không có thì trong động từ. 

Trần Trọng Kim soạn quyển Văn Phạm Việt Nam sau khi ông tiếp xúc với văn hóa Pháp. Article thì dịch ra là quán từ Le, la, un, une, les, des tương đương với bên Việt ngữ cái, con, các, những

 

Quán từ cái dùng chỉ vật bất động như cái chén, cái khăn

Quán từ con dùng để chỉ thú vật hay vật có thể di động như con gà, con cọp, con đường, con sông. Nhưng người Việt Nam không nói cái cam, cái bưởi, cái núi mà trái cam, trái bưởi, trái núi

 Đây là một phần của sự phức tạp của tiếng Việt. 

         (Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)



131 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Một chút đời tư. Vợ đầu của Nguyễn Thụy Long là người con gái nuôi của nhà văn Chu Tử. 

Sau 1975 Nguyễn Thụy Long mất vợ. Theo Long thì người vợ đầu bỏ anh, anh bị lấy nhà, và “Nàng đuổi tớ đi.” Long có người vợ thứ hai, thêm hai cô con gái. Hai đời vợ, chỉ bốn cô con gái. Các cháu này rất ngoan. Long nói: “Thế nào ông cũng kiếm một thằng cu. Lấy vài chục mụ vợ để lại một Cái Cu ông cũng tìm.” Tôi bảo Long: “Bốn cô con gái là hạnh phúc rồi. Thời buổi này con gái giúp đỡ nuôi nấng cha mẹ, hiếu đạo hơn con trai rất nhiều. Bọn con trai đa phần là tòng… âm hộ, mà bỏ quên cha mẹ.”


Người vợ thứ ba của Nguyễn Thụy Long chính là người kham khổ nuôi nấng anh trong những ngày bệnh hoạn cuối đời, là người góa phụ khăn tang đứng rũ bên quan tài Long, lúc chúng tôi mang vòng hoa phúng điếu đến. Cháu gái út, và cậu con trai duy nhất, khăn tang đứng hai bên quan tài cha. Hình như các cháu chưa hiểu rõ thế nào về cha của mình.


Rồi bè bạn cũng đã tới lưa thưa. Những vòng hoa có hàng chữ Chia Buồn, Kính Viếng. Quan tài Long mở nắp. Một cây gậy chống nghiêng nắp với thành áo quan. Chắc là Long nằm chờ những cháu gái thân yêu từ nước ngoài về nhìn mặt cha lần cuối.

Quan tài màu đỏ. Những hoa văn rực màu vàng. Hai màu đỏ-vàng đã đẩy những phận người lênh đênh trên những bờ vực của hiểm nghèo, khổ đau, tủi nhục, chết chóc trong bao năm.

Thôi, thế là ta thắp nhang. Nói lắp đôi điều tiễn đưa. Có khóc cũng không cùng.

(Kỷ niệm cùng Nguyễn Thụy Long - Cung Tích Biền)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Công việc 1 ngày của một bà nội trợ:

Sáng giặt quần áo

Trưa phơi quần áo

Chiều thu quần áo

Tối ủi quần áo

Đêm cởi quần áo

Sáng tìm quần áo... đem giặt

 


Đã có một thời…

Lê Xuyên

Gần 10 giờ đêm 2/3/2004, chị Lê Xuyên điện thoại cho tôi báo tin anh Lê Xuyên vừa mất lúc 9 giờ 20, tức là cách đó nửa giờ. Lời chị kèm theo rất chân tình:

– Tôi gọi cho anh trước khi gọi cho nhà đòn.

Tôi hiểu ý chị và phải nói tôi hiểu từ lâu mới đúng. Gia đình anh chị trong hoàn cảnh sinh sống rất khó khăn chật vật, vì thế nên tôi đã dặn chị trước: nếu có chuyện gì cần chị cứ gọi cho tôi. Tôi tin vào tình bạn của bạn bè từ khắp nơi luôn sẵn sàng giúp đỡ Lê Xuyên nên hứa ngay: Chị cứ lo mọi việc cho tang lễ của anh, còn chuyện khác để anh em chúng tôi lo.

 

Buông điện thoại, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên trước cái tin buồn này. Từ hai năm nay, Lê Xuyên nằm một chỗ, có thể nói thẳng nằm đó chờ ngày “về với ông bà”. Một năm trước đây thôi, anh phải vào bệnh viện, chị cũng gọi cho tôi, chị cho tôi xem giấy “nhập viện” của anh và số tiền phải trả. Tôi cũng lại làm cái nhiệm vụ thông báo cho một số anh em ở nước ngoài để kiếm tiền trả bệnh viện. Không phải chỉ chúng tôi mà còn những người quen khác của anh, những người học cùng trường lớp xúm nhau vào chung lo. Hầu như ai cũng hiểu rằng ngày “ra đi” của anh không xa. Những lần sau này tôi đến thăm anh, anh nằm đó nhưng tỉnh táo, không nói chuyện được song hỏi nhiều, anh vẫn nhớ, vẫn hiểu. Khi anh gật đầu, thỉnh thoảng có được một nụ cười, đôi mắt ánh lên một niềm vui. Nhất là khi tôi cố gợi lại một vài câu chuyện vớ vẩn từ hồi xa xưa chúng tôi gặp nhau ở ngoài đường.


(Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời – Văn Quang)

 


Hình dung từ 

 

Hình dung từ dốt trong tiếng Việt vừa khôi hài vừa gợi hình. 


Dốt là trạng thái không sống cũng không chín. Me dốt không phải là me chín cũng không phải là me sống. Bánh tráng dốt không hoàn toàn ướt nhưng chưa khô. Người dốt không phải là người mù chữ nhưng sự hiểu biết còn nhiều thiếu sót.

(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)

 


Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước năm 1975

Hồi tôi còn học trung học phổ thông, tức là đầu những năm sáu mươi, trong sách giáo khoa văn học trích giảng, vẫn có những phần nhắc lại một cách sơ lược rằng ở các thành thị miền Nam có một nền văn học của mình – dù rằng nhắc để phê phán. Năm 1959, Chế Lan Viên có bài đọc Hoa Đăng của Vũ Hoàng Chương, bài viết kèm theo nhiều trích dẫn. Trước đó trên báo Văn Nghệ còn thấy in một lá thư, trong đó nhà văn Nguyễn Tuân thay mặt Hội Văn Nghệ mời các nhà văn miền Nam cùng dự Hội Nghị Các Nhà Văn Châu Á tổ chức ở Ấn Độ cuối năm 1956. Lá thư có cái giọng thực sự chân thành và trân trọng: 

“Thân gửi các bạn nhà thơ nhà văn miền Nam… Chúng tôi lấy làm sung sướng chuyển vào các bạn lời mời của Ban Trù Bị Hội Nghị… Hội Văn Nghệ VN trong khi cử ba bạn nhà văn nhà thơ miền Bắc sang dự Hội Nghị cũng rất thiết tha mong mỏi được gặp các bạn để trao đổi những kinh nghiệm sáng tác của chúng ta.” 


Bước vào chiến tranh, những thông tin rộng rãi kiểu đó không còn nữa. Tuy nhiên trong những năm ấy, nhiều tờ báo nhiều cuốn sách bên kia giới tuyến vẫn có mặt, sách báo ở Sài Gòn ở các thành thị miền Nam vẫn len lỏi trở đi trở lại trong câu chuyện của giới viết văn ở Hà Nội. Sự tiếp xúc xảy ra âm thầm lưa thưa lót đót, khi được khi chăng, nhưng không bao giờ chấm dứt. Và khởi đi từ những năm chống Mỹ, nó sẽ có lúc bồng bột cuộn lên mạnh mẽ (mà cũng là xô bồ tung tóe, nhếch nhác hơn, đầy trắc trở hơn) trong những năm hậu chiến và kéo mãi đến ngày nay. 

(Khuyết danh)

 


Chữ nghĩa làng văn 

Với loại viết bằng chữ Nôm thì câu văn khó hiểu, kết cấu truyện lượm thượm và còn đang ở trong hình thức truyện kể. Với loại viết bằng chữ Hán thì người đọc không thấy được tính chất thời đại cũng như đặc tính của ngôn ngữ Việt trong đó vì khi thực hiện các tập này, tác giả chỉ thuần nhắm phần thâu thập các truyện cổ truyền trong dân gian.
Một vài nhà văn Việt thời chữ Nôm có sáng tác loại truyện kể nặng tính chất truyền kỳ - một hình thức truyện ngắn tương đối gần với dạng phôi thai của truyện ngắn ngày nay - như Ðoàn Thị Ðiểm, với sáu truyện trong tập 'Truyền Kỳ Tân Phả', như Cao Bá Quát với mười truyện trong văn cả của ông. 


Các truyện này cho tới ngày nay vẫn chưa có điều kiện để được lưu hành rộng rãi cho nên không có ảnh hưởng trong văn chương. Nhìn chung các mặt ngôn ngữ, không khí cũng như hình thức các truyện ngắn cũ đều khác xa với truyện ngắn gần đây. 

(Nguyễn Văn Sâm - Vài suy nghĩ về truyện ngắn)

 


Nam nữ thọ thọ bất thân…

Với câu trên có người luận ra “thọ” là “sống lâu”, là “muôn đời”. “Nam nữ thọ thọ bất thân” hiểu nghĩa trai gái muôn đời không được thân với nhau.

Nhưng viết đúng ra là “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Riêng phần viết chữ Hán hai chữ “thụ thụ” rất rõ nghĩa vì hai chữ này viết khác nhau: Chữ “thụ” trước là đưa. Chữ “thụ” sau là nhận

Như vậy “thụ thụ” là đưa và nhận.

Nghĩa đen trai gái khi đưa và nhận (đồ vật) không được đụng chạm người vào nhau. Nghĩa bóng là lúc giao tế, trai gái không được quá thân mật ngoài vòng lễ giáo.

(Duy Lý – báo Tự Do)


Họ

Số họ người Việt rất hạn chế, có khoảng 140 họ khác nhau- chúng tôi ghi lại trong danh sách ở dưới đây. 

An, Âu  
Bạc, Bạch, Bành, Bế, Biện, Bùi  
Ca, Cái, Cam, Cao, Cát, Cầm, Cấn, Cù, Chế, Chiêm, Chu = Châu, Chung, Chử, Cung  
Danh, Diệp, Diêu, Doãn = Roãn, Dư, Dương, Đái, Đàm, Đà, Đặng, Đèo, Đinh, Đoàn, Đô, Đồ, Đỗ, Đồng, Đống  
Giang, Giáp  
Hạ, Hàn, Hoa, Hoàng = Huỳnh, Hồ, Hồng, Hùng, Hứa   
Kiên, Kiều, Kiểu, Kim, Kỷ, Kha, Khiêu, Khiếu, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khương, Khưu   
La, Lã = Lữ, Lai, Lại, Lang, Lâm, Lê, Linh, Lộ, Lợi, Lục, Lương, Lưu, Lý   
M Ma, Mã, Mạc, Mai, Mạnh   
Ninh, Nông, Nghiêm, Ngạc, Ngân, Ngô, Ngụy, Nguyễn, Nhan, Nhữ   
O Ông   
Phạm, Phan, Phí, Phó, Phù, Phùng   
Quách, Quan, Quản   
Sầm, Sơn   
Tạ, Tăng, Tiêu, Tô, Tôn, Tống, Từ, Tường, Thạch, Thái, Thang, Thành, Thẩm, Thân, Thiều, Thục, Trà, Trang, Trần, Triệu, Trịnh, Trình, Trưng, Trương   
Ung, Uông, Uyển, Ưng   
Vạn, Văn, Vi, Viêm, Vòng, Vũ = Võ, Vương 
Xuân
(Văn Hóa Việt Nam, số 2, Mùa Thu 1998)

Do đó có thành ngữ "trăm họ" (bách tích) thời xưa thường dùng để chỉ dân chúng cả nước. ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia Phả: Khảo Luận và Thực Hành đã dẫn có nói đến ba trăm họ tối đa có thể có nhưng ông đã không lập danh sách. 

(Tên họ người Việt – Nguyễn Vy Khanh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tuổi hạc với các cụ ta xưa 

 

Nghe tiếng gà gáy, không ham phòng the.



149 họ 

Để chứng minh Bách Việt là trăm giống Việt và sau đây trăm họ là hàng trăm (số nhiều) chớ không phải đúng một trăm họ đâu.

Xin kể ra đây theo mẫu tự:

- An, Âu...

- Bạc, Bạch, Bành, Bế, Biện, Bùi...

- Cả, Cái, Cam, Cao, Các, Cầm, Cấn, Châu, Chế, Chiêm, Chu, Chung, Chữ, Cỗ, Cung, Cù...

- Danh, Diệp, Doãn, Dư, Dương...

- Đái, Đàm, Đào, Đặng, Đèo, Đinh, Đoàn, Đô, Đỗ, Đồng, Đổng...

- Giang, Gíap...

- Há, Hạ, Hàn, Hoa, Hoàng (Huỳnh), Hồ, Hồng, Hùng, Hứa...

- Kiên, Kiều, Kiểu, Kiêm, Kỷ, Kha, Kheo, Khiên, Khiếu, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khương, Khưu...

- La, Lã, Lai, Lại, Lâm, Lê, Linh, Lộ, Lỗ, Lợi, Lục, Lữ, Lưu, Lương

- Ma, Mã, Mạc, Mai, Mạnh...

- Nặc, Ninh, Nông, Nùng, Nghiêm, Ngạc, Ngọ, Ngô, Ngụy, Ngưu, Nguyễn, Nhan, Nhữ...

- Ông...

- Phạm, Phan, Phí, Phó, Phù, Phùng...

- Qúach, Quan, Quản...

- Sầm, Sơn, Sử...

- Tạ, Tăng, Tần, Tiêu, Tô, Tôn, Tống, Từ, Tường, Thạch, Thái, Thang, Thành, Thẫm, Thân, Thiệu, Thục, Trà, Trang, Trần, Triệu, Trình, Trịnh, Trưng, Trương...

- Ung, Ứng, Uông, Uyển...

- Van, Văn, Vi, Viêm, Vũ (Võ), Vương...

- Yết...

 

Các họ trên đây chép trong Đại Việt Linh triều Đăng Khoa lục, Đăng khoa Bi khảo, Lê Triều Lịch danh Tiến sĩ đề danh Bi ký. Đếm ra được 149 họ, có thể còn thiếu sót.

(Trăm họ – Trần Khánh)



Tiếng Anh, tiếng Hán

Hệ thống giáo dục của nước Pháp đã được người Pháp ở Việt Nam điều chỉnh cho thích hợp với thực tế ở Việt Nam.  Đây là hệ thống Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ" (Enseignement Franco-Indigène), thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt.  Trong nền giáo dục này tiếng Pháp là chuyển ngữ tức tiếng Pháp được dùng để trao đổi trong lớp học (giảng bài, làm bài, sách giáo khoa viết bằng tiếng Pháp).  Riêng ba lớp tiểu học đầu là được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, sau đó tiếng Việt được học như một ngoại ngữ.  

Ngoại ngữ thứ hai thường là tiếng Anh ở bậc tú tài. 

Chữ Hán được học theo tự nguyện, một tuần một giờ ở lớp trên của tiểu học nếu có thày dạy.

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)



Từ nguyên học dân gian

Bộ môn này có mục đích tìm hiểu, giải thích những ý nghĩa có tính chất cội nguồn của từ. Nó là đối tượng nghiên cứu bằng cách nhìn lại sử học, dân tộc học, văn hoá… thí dụ: Miền Trung có con sông gọi là "sông Mã". Trong dân gian, người ta giải thích rằng gọi nó là "sông Mã" vì nó chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi, và sông Mã nghĩa là "sông Ngựa".
Cách giải thích cảm tính, chủ quan, không chứng cứ như vậy, gọi là từ nguyên học dân gian.

Từ nguyên học khoa học phải tìm những chứng cứ khoa học để giải thích. Thật ra, "sông Mã" là lối nói "trại" đi của cái tên đích thực: sông Mạ, được ghi bằng một chứ Hán, đọc là "mã" (ngựa).


Mạ” trong tiếng Việt xưa (nay còn lưu lại trong phương ngữ miền Trung) vốn có nghĩa là “Mẹ”. Những con sông lớn ở vùng Đông Nam Á thường được gọi bằng cái tên có nghĩa Mẹ (với ngụ ý là lớn, lớn nhất) như vậy. Chẳng hạn:
Tiếng Việt có sông Cái = sông mẹ 
Tiếng Thái Lan có Menam = sông mẹ 
Tiếng Môn cổ có Meklong = sông mẹ

Vậy vậy tên gọi sông Mã hiểu là sông Mạ hay là sông Cái, nghĩa là "sông mẹ, sông lớn" chứ không phải là… sông Ngựa. Nghiên cứu từ nguyên là công việc đầy khó nhọc, nhưng hết sức thú vị.

(Khái niệm từ vựng học – Khuyết danh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


thủ tục 手 續 

Soạn giả giảng giải rằng, thủ là tay, tục là thói quen, rồi đưa ra định nghĩa: thủ tục là cách thức tiến hành công việc theo một thứ tự hoặc một luật lệ đã quen. 


Như vậy, ông chưa giải nghĩa được các từ tố. Thủ 手 có nghĩa đen là bàn tay, và có nghĩa mở rộng là công việc, là cách làm việc; tục 續 nghĩa là tiếp nối, là trình tự, khác hẳn với chữ tục 俗 nghĩa là thói quen. Thủ tục 手 續 là trình tự và phương pháp làm việc. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)







Không có nhận xét nào: