Giai Thoại Văn Chương :
Thi Nang TỀ KỶ
Như tất cả mọi người đều biết, trong trời đông giá rét, thậm chí tuyết phủ ngập trời, hoa mai vẫn cứ ngạo nghễ vươn lên, kết nụ trổ hoa bất chấp sương rơi tuyết phủ. Cùng với Tùng Trúc hợp thành: TÙNG TRÚC MAI TUẾ HÀN TAM HỮU 松 竹 梅 歲 寒 三 友, là ba người bạn trong mùa đông hàn lạnh lẽo! Không mạnh mẽ cao lớn chửng chạc như Tùng, không xanh tốt dẽo dai vươn dài như Trúc, Mai ẻo lả khẳng khiu với những cành nhánh mảnh mai, nhưng những đọt xanh vẫn manh nha, nụ non vẫn đâm chồi nẩy lộc... Xin mời nghe một câu chuyện mai nở sớm trong trời đông tuyết gía của TỀ KỶ 齊 己, một nhà sư thi sĩ có biệt hiệu là THI NANG 詩 囊 (Túi Thơ) sau đây...
TÙNG TRÚC MAI TUẾ HÀN TAM HỮU 松 竹 梅 歲 寒 三 友
Theo sách "Đường Tài Tử Truyện"《唐 才 子 傳》ghi chép:
Nhà sư thi sĩ TỀ KỶ 齊 己 (863—937), tục danh là Hồ Đắc Sinh 胡 得 生, có biệt hiệu là Hành Nhạc Sa Môn 衡 岳 沙 門, là người đất Ninh Hương, thuộc huyện Trường Sa tỉnh Hồ Nam hiện nay. Ông sống ở cuối đời Đường, và xuyên suốt qua ba triều đầu đời Ngũ Đại. Lúc nhỏ gia đình nghèo khó, 6 tuổi đã phải đi chăn trâu độ nhật, nhưng lại có chí cầu học, mỗi ngày đều đọc sách và làm thơ trên lưng trâu. Sư Cụ trong chùa Đồng Độ Tự thương tình cho vào chùa tu để có thời gian học hành và nghiên cứu kinh Phật. Từ đó, Tề Kỷ học hành tấn tới và làm thơ rất nhanh rất giỏi.
Một hôm gần cuối năm, như thường lệ, Tề Kỷ thức sớm cúng Phật và làm công phu buổi sáng trong khi đêm qua tuyết rơi rất lớn. Mở cửa ra sân nhìn về thôn xóm xa xa, chợt thấy trong nền tuyết trắng bao la lấm tấm có mấy cành mai đà hé nở! Cảm cho cái tinh thần bất khuất trước tuyết đông giá lạnh, cái sức sống mạnh mẽ ngạo nghễ vươn lên giữa biển tuyết mênh mông của hoa mai, Tề Kỷ về phòng làm ngay bài thơ "TẢO MAI 早 梅 " để tán thưởng cho việc hoa mai nở sớm. Trong bài thơ có 2 câu rất hay là:
Tiền thôn thâm tuyết lý, 前 村 深 雪 裏
Tạc dạ SỔ chi khai. 昨 夜 數 枝 開。
Có nghĩa :
- Trong rừng tuyết của xóm phía trước xa xa...
- Tối đêm qua đã có VÀI cành mai đà hé nở!
Tề Kỷ rất đắc ý với 2 câu thơ nầy, nên mới đem khoe với Trịnh Cốc 鄭 谷 (849-911), một thi sĩ đương thời. Trịnh Cốc đọc xong phê rằng: " SỔ Chi Khai 數 枝 開 " là VÀI cành mai đà nở, chưa thấy được cái "TẢO 早" là SỚM của Mai, nên đổi lại là "NHẤT CHI KHAI 一 枝 開" để nêu bật được cái SỚM của MỘT cành Mai nở trong tuyết lạnh! Tề Kỷ nghe xong, phục sát đất, bèn sửa lại thành:
Tiền thôn thâm tuyết lý, 前 村 深 雪 裏
Tạc dạ NHẤT chi khai. 昨 夜 一 枝 開。
...và từ đó về sau gọi Trịnh Cốc là "NHẤT TỰ SƯ 一 字 师 ", vừa có nghĩa là "Ông Thầy dạy cho MỘT chữ", lại vừa có nghĩa là "Ông Thầy dạy cho chữ NHẤT"!
Toàn bài thơ TẢO MAI của sư Tề Kỷ như sau:
早 梅 TẢO MAI
萬 木 凍 欲 折, Vạn mộc đống dục chiết,
孤 根 暖 獨 回。 Cô căn noãn độc hồi.
前 村 深 雪 裏, Tiền thôn thâm tuyết lý,
昨 夜 一 枝 開。 Tạc dạ nhất chi khai.
風 遞 幽 香 出, Phong đệ u hương xuất,
禽 窺 素 豔 來。 Cầm khuy tố diễm lai.
明 年 如 應 律, Minh niên như ứng luật,
先 發 望 春 臺。 Tiên phát Vọng Xuân Đài !
齊 己 Tề Kỷ
CHÚ THÍCH :
TẢO MAI : là Mai nở sớm, cũng có nghĩa là: Mai nở sớm hơn tất cả các loài hoa trong trời đông giá lạnh.
ĐỐNG DỤC CHIẾT Đống là Đong đá, Dục là Muốn, Chiết là Gãy. Có nghĩa là: Đong đá dòn đến muốn gãy luôn.
NOÃN là Ấm. HỒI là Hồi Sinh, nên Noãn Độc Hồi là: Nhờ Hơi ấm mà đơn độc hồi sinh.
ĐỆ 遞 là Đệ Trình. Ở đây có nghĩa là Truyền đạt, nên Phong Đệ là: Gió Đưa, gió đẩy.
CẦM là Chim muông. KHUY là Nhìn ngắm.
TỐ DIỄM là Trong Trắng đẹp đẽ. Ở đây chỉ Bạch Mai.
ỨNG LUẬT: là Ứng theo Quy Luật tự nhiên.
VỌNG XUÂN ĐÀI: là Cái Đài Ngóng Xuân, lên đó để đợi mùa Xuân tới. Đứng trên đài cao, có thể nhìn thấy mặt trời mọc trước, có thể đón tia đầu tiên của ánh nắng mùa xuân trước hơn là những người ở dưới thấp.
NGHĨA BÀI THƠ :
Muôn ngàn thảo mộc đều lạnh cóng đến muốn gãy ra. Chỉ riêng có rể của hoa mai là biết hút hơi ấm trong đất mà đơn độc hồi sinh. Cho nên, trong nền tuyết trắng xóa mênh mông của xóm trước xa xa, đêm qua một cành mai đã vươn lên nở hoa trong trời đông giá rét. Gió đã đưa cái hương thơm nhè nhẹ thoảng đi và chim cũng đã ngạc nhiên nhìn ngắm cành bạch mai thanh khiết trắng trong đẹp đẽ mà bay đến. Nếu sang năm lại theo cái quy luật Nở Sớm tự nhiên nầy, thì hoa mai ơi, hãy nở trước ở Vọng Xuân Đài để cho nhiều người nhìn ngắm, chớ ở nơi hoang sơ lạnh lẽo vắng vẻ nầy, có ai biết đến mà thưởng thức nhìn ngắm đâu!
Như trên đã nói, Sư Tề Kỷ đi tu chỉ vì nghèo, bất đắc dĩ và bất đắc chí không thi thố được tài năng, nên còn nặng nợ với công danh, ông ví mình như cành mai nở sớm kia, vượt lên trên trăm hoa để khoe sắc, nhưng lại khoe sắc trong vùng tuyết lạnh không người... cũng như tài năng của ông bị mai một ở trong chùa không người biết đến vậy! Cho nên, ông đã khuyên mai nên nở ở Vọng Xuân Đài cho mọi người nhìn ngắm để biểu lộ cái ao ước thầm kín trong lòng... Nếu đi thi ta cũng sẽ toả sáng như mai sớm tỏa hương cho mọi người ngưỡng mộ vậy!
DIỄN NÔM :
TẢO MAI
Muôn cỏ hoa đong cứng,
Rể truyền hơi ấm xanh.
Xóm ngoài trong tuyết lạnh,
Đêm qua nở một cành.
Gió đưa hương thoang thoảng,
Chim ngắm vẻ đẹp xinh.
Nếu sang năm lại sớm,
Vọng Xuân Đài nở quanh.
Lục bát :
Cỏ hoa lạnh cứng trời đông,
Riêng mai hơi ấm vẫn không phai tàn.
Xóm ngoài trong tuyết mênh mang,
Đêm qua nở trắng một cành bạch mai.
Gió đưa hương thoảng ra ngoài,
Chim nhìn ngắm vẻ thanh bai trong lành.
Sang năm lại sớm nở xanh,
Vọng Xuân Đài đó chung quanh lắm người.
Đỗ Chiêu Đức
Đọc bài thơ nầy, lại làm ta nhớ đến 2 câu cuối của bài "Cáo Tật Thị Chúng 告 疾 示 眾" của Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là một Thiền sư của Việt Nam ta là:
莫 謂 春 殘 花 落 尽, Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
庭 前 昨 夜 一 枝 梅 ! Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Có nghĩa :
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân, đêm trước, nở cành mai!
Khi viết 2 câu trên, hẵn Mãn Giác Thiền Sư cũng đã đọc qua bài thơ của nhà sư Tề Kỷ rồi!
Sau lúc thành niên, Tề Kỷ bèn vân du và du học bốn phương, chính thời gian nầy ông đã xưng hiệu là Hành Nhạc Sa Di (Môn) 衡 岳 沙 彌 (門), đến đâu ông cũng đều làm thơ đến đó, khi lên lầu Nhạc Dương, lúc dạo chơi hồ Động Đình, khi thì đi ngang qua xứ Trường An, nơi phồn hoa đô hội, lúc lại trèo đèo vượt suối đến tận Chung Nam Sơn, ngắm thông xanh ở Hoa Sơn... Ông đã làm rất nhiều bài thơ nổi tiếng trong khoảng thời gian nầy, cụ thể như bài Đăng Chúc Dung Phong 登 祝 融 峰như sau:
猿 鳥 共 不 到, Viên điểu cộng bất đáo,
我 來 身 欲 浮。 Ngã lai thân dục phù.
四 邊 空 碧 落, Tứ biên không bích lạc,
絕 頂 正 清 秋。 Tuyệt đỉnh chánh thanh thu.
宇 宙 知 何 極, Vũ trụ tri hà cực,
華 夷 見 細 流。 Hoa Di kiến tế lưu,
壇 西 獨 立 久, Đàn tây độc lập cữu,
白 日 轉 神 州。 Bạch nhật chuyển thần châu.
CHÚC DUNG PHONG 祝 融 峰 là ngọn núi cao nhất trong 72 ngọn của Nam Nhạc Hành Sơn, ngất ngưỡng chót vót trên cao, vô cùng hùng vĩ. Vượn và chim đều không lên đến đó được, người lên đến đó cũng thấy mình như phơi phới muốn bay lên, bốn bên đều là bầu trời xanh biêng biếc, vì trời cũng đã đang độ vào Thu. Vũ trụ bao la không biết đến đâu là cùng cực, những dòng sông nhỏ xíu bên dưới nối liền vùng Hoa Hạ và các xứ Man Di. Đứng trên đàn phía Tây giờ lâu sẽ thấy ánh mặt trời chiếu sáng soi rọi khắp cả Thần Châu. Xin được tạm diễn Nôm như sau:
Vượn chim chẳng đến được đây,
Người thì phiêu diễu sắp bay lên trời.
Bốn bề sắc biếc rạng ngời,
Trên cao chót vót thu trời xanh lơ.
Bao la vũ trụ vô bờ,
Sông chia Hoa Hạ lờ mờ dưới chân.
Tây đàn đứng đó bâng khuâng,
Sáng lòa mặt nhựt khắp Thần Châu ta !
Vân du một vòng khắp thiên hạ, khi trở lại đất Trường Sa, thì danh của Tề Kỷ đã nổi như cồn. Năm Công nguyên 921, trên đường đi Tứ Xuyên, khi ngang qua đất Kinh Châu được Tiết Súy Cao Qúy Hưng lưu lại, an trí cho trụ trì ở Long Hưng Tự nổi tiếng nơi đây với bổng lộc rất hậu hĩnh. Nhưng là kẻ chân tu, Tề Kỷ đã không còn màng đến phú qúy lợi danh như hồi còn trẻ nữa, nên lại trở vế đất Giang Lăng và viên tịch ở nơi đây lúc 76 tuổi, ông để lại Bạch Liên Tập 白 蓮 集 gồm hơn 800 bài thơ. Số lượng thơ của ông làm so với các thi sĩ đời Đường được xếp hàng thứ 5, chỉ sau Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, và Nguyên Chẩn mà thôi. Nhưng ông được người đời gọi là THI NANG 詩 囊 (Túi đựng thơ) không phải vì ông làm nhiều thơ, mà vì trên cổ của ông phần ở dưới mặt có một cái bướu thịt lủng lẳng như chiếc túi. Lẽ ra trông rất xấu, nhưng người đời vì mến tài ông nên gọi đó là "Chiếc túi đựng thơ". Vì thế mà ông mới có thêm một biệt hiệu đăc biệt là THI NANG 詩 囊 là vậy.
Mặc dù là cao tăng nhà Phật, nhưng thơ của TỀ KỶ vẫn chịu ảnh hưởng của Tam Giáo: Nho Thích Đạo đã thấm nhuần và ăn sâu vào nếp sống của xã hội quần chúng qua cách sống, cách nghĩ, cách viết và cả cách... làm thơ nữa. Mời đọc bài XUÂN HỨNG 春 興 của ông sau đây sẽ rõ:
春 興 XUÂN HỨNG
柳 暖 莺 多 語, Liễu noãn oanh đa ngữ,
花 明 草 盡 長。 Hoa minh thảo tận trường.
風 流 在 詩 句, Phong lưu tại thi cú,
牽 率 繞 池 塘。 Khiên suất nhiễu trì đường.
叫 切 禽 名 宇, Khiếu thiết cầm danh Vũ,
飛 忙 蝶 姓 莊。 Phi mang điệp tánh Trang.
時 來 真 可 惜, Thời lai chơn khả tích,
自 勉 掇 蘭 芳。 Tự mẫn xuyết lan phương !
齊 己 Tề Kỷ
Cái cảm hứng trong mùa xuân của nhà sư Tề Kỷ cũng vừa là cái cảm hứng chung của văn nhân thi sĩ trước cảnh những nhành liễu như ấm lên với gió xuân và hòa vào tiếng chim oanh đang rộn rã hót líu lo, những đóa hoa như sáng đẹp thêm ra và cỏ thì như vươn dài vô tận. Cái phong lưu tiêu sái thì nằm trong câu thơ còn sự phóng túng buông thả thì giàn trải theo ao hồ. Tiếng phi cầm kêu thảm thiết đúng là tên của con Đỗ Vũ (Đỗ Quyên là con Cuốc), còn những cánh bướm bay lượn chập chờn chẳng phải mang họ Trang của Trang Chu hay sao. Khi thời vận đã đến mà không biết nắm bắt thì quả thật là đáng tiếc, nên chi ta cũng tự nhủ mình là phải biết chắc lọc mà chọn lấy mùi hương cao qúy của hoa lan (Đừng để cho Xuân tàn hoa lạc tận rồi sẽ chẳng còn chi nữa!) Xin được tạm diễn Nôm như sau đây:
CẢM HỨNG NGÀY XUÂN
Liễu xanh oanh hót líu lo,
Hoa xuân sáng đẹp mặc cho cỏ dài.
Phong lưu thơ thẩn trang đài,
Thả lòng phóng túng tình lay ao hồ.
Thiết tha tiếng cuốc ngẩn ngơ,
Chập chờn cánh bướm còn ngờ Trang sinh.
Tiếc Xuân thắm thoát qua nhanh,
Nhủ lòng chọn lấy một cành lan hương !
Hẹn bài viết tới :
Thi Kiệt VƯƠNG BỘT.
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét