ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Những đêm rồi, dù tuổi tác cao, sức khỏe kém, tôi vẫn xem bốn trận bán kết và chung kết World Cup – Qatar giữa Argentina vs Croatia, giữa Marocco vs Pháp bắt đầu từ 02 giờ sáng, giữa Croatia vs Maroc và Pháp vs Argentina bắt đầu từ 22 giờ đêm.
Để thức xem được, trong con người tôi. đã có sự đấu tranh giữa nhu cầu của thể xác là ngủ và nhu cầu của tinh thần là giải trí và hiểu biết.
Rốt cuộc, nhu cầu của tinh thần đã thắng, kéo theo sự mệt mỏi của thể xác sáng hôm sau.
Tôi nghiệm ra trong đấu tranh, bên thắng thì được lợi, còn bên thua thì phải bị hại.
Sự đấu tranh trong con người không chỉ diễn ra một bên là thể xác với một bên là tinh thần – tinh thần, theo tôi tạm hiểu, là lý trí và tình cảm - mà còn diễn ra trong nội mỗi một bên là thể xác hay tinh thần.
Sự đấu tranh trong nội thể xác thể hiện điển hình qua câu nói lóng về tình dục của dân gian: “Trên bảo dưới không nghe”.
Sự đấu tranh trong nội tinh thần thể hiện điển hình qua câu ca dao:
“Thương em anh cũng muốn vô.
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.
Do có bên lợi, bên hại trong đấu tranh, đặc biệt là đấu tranh trong nhân quần xã hội, có người đã cho hạnh phúc không phải là đấu tranh.
“Hạnh phúc là đấu tranh”, nghe đâu, là triết lý của Karl Marx (1818 – 1883).
Trong thế kỷ XIX – thời Marx sống, công nghiệp phát triển mạnh, trong xã hội hình thành hai giới: chủ doanh nghiệp – nhà tư bản và công nhân. Giới tư bản muốn lợi nhuận nhiều, buộc giới công nhân đem sức lực và dành nhiều thời gian lao động, trả lương cho công nhân ít, không cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho công nhân; ấy là hình thức bóc lột kẻ yếu thế.
Ngoài ra, các nước tư bản, do nhu cầu tìm kiếm tài nguyên, tìm kiếm nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, xuất quân đi xâm chiếm làm thuộc địa những ước yếu thế. Mang trong mình tính tham lam, kẻ thực dân cướp tài nguyên, bóc lột sức lao động của dân bản địa.
Trước tình trạng bị bóc lột thậm tệ và bị khinh khi, công nhân và nhân dân các nước thuộc địa bắt buộc phải đấu tranh để giành lại quyền sống. Karl Marx cổ xúy cho sự đấu tranh; ấy là đương nhiên.
Bây giờ, các nước trên thế giới đã độc lập. Trong công nghiệp, giới công nhân đã được luật pháp công minh bảo vệ quyền lợi. Chuyện phải đấu tranh để có hạnh phúc không cần thiết nữa.
Người ta dã nói đến cạnh tranh thay vì đấu tranh.
Cạnh tranh là giành phần hơn bằng cách thi đua, còn đấu tranh là giành phần hơn bằng cách đánh bại hay tiêu diệt.
Đối tượng của cạnh tranh là đối tác; đối tượng của đấu tranh là thù địch.
Cạnh tranh thì cùng tồn tại; còn đấu tranh thì chỉ một bên tồn tại.
Cạnh tranh thúc đẩy xã hội tiến bộ, còn đấu tranh, có trường hợp, kéo xã hội thụt lùi.
Như thế, cạnh tranh sẽ đem đến cho con người càng ngày càng hạnh phúc hơn.
Sự tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp sản xuất ra hàng hóa nhiều hơn, tốt đẹp hơn; con người dễ tiếp cận để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng.
Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp sáng chế máy móc thay sức người; con người đỡ vất vả; đời sống vật chất thoải mái đưa đến đời sống tinh thần thoải mái; có nhiều thì giờ để nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Nếu hiểu hạnh phúc là được thỏa mãn những nhu cầu, những ước muốn trong cuộc sống, thì cạnh tranh là nguồn của hạnh phúc.
Đời sống đi lên khiến con người có thêm một triết lý sống nữa - “hạnh phúc là sẻ chia”.
Do rủi may, do tài năng, do trí tuệ, giữa người và người, luôn có mức sống chênh lệch. Mức sống chênh lệch trong xã hội là nguồn của bất mãn; vì vậy, người ta khuyến khích, cổ vũ sự sẻ chia.
Những lúc thiên tai, nhân họa, những dịp Tết Nhất, người ta tự nguyện quyên góp giúp nhau hay Nhà Nước kêu gọi những nhà hảo tâm giúp đỡ những người bị nạn.
Công việc quyên góp bao giờ cũng thành công, thu được vật dụng, tiền bạc với số lượng lớn.
Trong quá trình quyên góp, người bỏ công, người bỏ của, người nhận cứu trợ, ai cũng ấm lòng.
“Con béo kéo con gầy”; xã hội hòa ái, đùm bọc nhau. Hạnh phúc là đó…
Hoàng Đằng
16/12/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét