Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) - Chương 4 Hải phận Phú Yên

                                              

               Đời Thủy Thủ 2

                                          Vũ Thất

                                                           

                             Chương 4

                     Hải phận Phú Yên

Thứ bảy 5/8/1967 03:45G

Tôi cố dỗ lại giấc ngủ nhưng đầu óc cứ lởn vởn giấc chiêm bao lạ 

kỳ. Vì sao trở lại Quy Nhơn? Có phải là điềm báo chuyến công 

tác không thành công? Hay sứ mệnh hoàn tất, tôi an toàn về nhà?

 Nhưng Quy Nhơn là quê nhà của Hưng, đâu phải quê nhà Vĩnh 

Long của tôi? Hay đó là lời khuyên nên rút lui, hủy bỏ công tác?

 Mà có muốn rút lui cũng đã quá muộn. Nhảy xuống biển thì 

dễ dàng nhưng sức đâu lội vào bờ?

Ba má tôi sau mỗi giấc mơ còn nhớ được, đều kể cho nhau và

 cùng đoán điềm giải mộng. Tôi ước phải chi có Hưng. Anh 

là người thường nhìn sự việc một cách lạc quan, chắc chắn có lời 

giải đáp giúp tôi bớt bi quan. Anh có đang nhớ em không? Anh 

đã lên xe về Sài Gòn chưa? Em vừa chiêm bao thấy trở về nhà ba

 má anh nhưng tỉnh giấc trước khi thấy anh…

Có tiếng mở tủ lạnh ở phòng ăn và tiếng cười đùa. Tôi nhìn đồng

 hồ. Gần 4 giờ sáng. Đúng là Võ Bằng vừa mãn phiên hải hành.

 Nhớ tới lời hứa tặng tô mì của anh chàng, tôi tự dưng thấy đói 

cồn cào. Buổi chiều, ba má Hưng cho tôi ăn sớm để chuẩn bị 

xuống tàu. Các món ăn chỉ là rau cải mà Anh Đào cho là nhẹ 

bụng, ói mửa đỡ mệt hơn. Nhưng giờ này mà mò qua phòng ăn, 

liệu Bằng có cho là tôi đã thức chờ gặp lại anh chàng? Hoặc giả

 tôi quá tham ăn? Tôi quyết định không ăn và vờ ngủ say. Tôi 

nhắm mắt mà đầu óc cứ mơ màng chờ nghe tiếng gõ lắc cắc, lốc

 cốc của chiếc xe mì đêm khuya đẩy qua căn nhà trọ học. Tôi thật

 sự thèm tô mì thay cho bún sứa, bún cá, mực rim, nem nướng 

suốt nửa tháng ở nhà ba má Hưng. Tô mì cùng hương vị đặc thù

 của nó cứ nhảy múa chờn vờn trong đầu.

Có tiếng gõ nhẹ ở cửa. Tôi vờ không nghe. Tiếng gõ lớn hơn một 

chút. Tôi nghĩ tội gì mà không ăn! Nên ăn quá đi chứ! Vừa được

 đã thèm vừa được Hạm Phó một chiến hạm phục dịch. Không 

chừng còn thấy ngon hơn bao giờ. Tôi nói:

- “Xin chờ một chút, tôi có mặt ngay.”

Tôi rời giường, mở túi đeo vai trên bàn lấy bọc trang điểm 

mang vào phòng vệ sinh. Mười lăm phút sau, tôi vào phòng ăn. 

Võ Bằng và Thiếu úy Hoàng Văn cười chào và tôi tươi cười đáp lễ.

 Hoàng Văn ngồi ở chiếc ghế trong cùng. Võ Bằng ngồi cạnh chiếc

 ghế anh chàng nhường cho tôi. Hai tô mì đang tỏa khói…

Bằng kéo ghế cho tôi. Tôi ngồi mà thấy vui vui. Lời chúc của tôi

 có hiệu quả. Bằng còn sống và đang phục dịch tôi ăn uống…

- “Ngủ ngon chứ, cô Phượng?”

- “Ngon mà không ngon!” Tôi trả lời Võ Bằng.

- “Tôi biết cô không quen tiếng còi đổi phiên. Nó phải ré to để 

đánh thức cho bằng được bất kể ngủ say đến thế nào! Nhưng 

chúng tôi quen rồi. Ai đi phiên thì bật dậy, ai không đi phiên thì 

ngủ tiếp dễ dàng. Tiếng còi trở thành một lời ru…”

- “Tôi sợ kiểu ru này lắm. Chắc không bao giờ dám quá giang 

lần nữa.” Tôi cầm đũa và nói tiếp. “Tôi mà ngủ lại được thì 

Đại úy ăn luôn tô mì này rồi! Cám ơn nha, Đại úy. Mà mì hiệu

 gì vậy? Trông thật ngon.”

- “Mì của Thiếu úy Văn, nấu cũng Thiếu úy Văn. Tôi chỉ là người… 

 được ăn như cô.”

Tôi nghiêng mặt nói với Thiếu úy Hoàng Văn:

- “Cám ơn Thiếu úy.”

- “Không có chi. Hiệu mì là Nissin của Nhật!”

Tôi xới đều vắt mì rồi gắp một ít đưa vào miệng. Xem ra hương

 vị còn hơn cả mì gõ tôi ưa thích. Chắc vì ăn lần đầu và đang đói 

chăng?

- “Cô Phượng ở Sài Gòn mà ở đâu?” Thiếu úy Văn hỏi.

Tôi chủ trương nói thật nhưng với câu hỏi này thì buộc phải trả

 lời dối. Mà đã thú nhận học Đại học Sư phạm thì phải chọn nhà

 ở gần đó cho hợp lý. Tôi nói:

- “Chợ Quán”.

- “Đường nào?”

- “Cộng Hòa.”

- “Ba năm trước tôi học Đại học Khoa học, trên cùng đường.”

Võ Bằng chen lời:

- “Cô Phượng học Đại học Sư phạm, coi như chúng ta là láng giềng.”

Tôi cúi ăn tô mì, bụng thấy lo lo. Nếu cả hai lần lượt hỏi tiếp, nhà

 số mấy, thỉnh thoảng ghé thăm được không, biết trả lời sao!

 Tôi tự khuyên phải nắm thế chủ động, phải là người hỏi, chớ 

làm người trả lời xem ra dễ giấu đầu lòi đuôi! Mà hỏi gì đây?

- “Nói như vậy, hẳn Đại úy cũng học Đại học Khoa học?”

- “Hầu hết Sĩ quan Hải Quân đều tốt nghiệp hay qua vài năm ở đó.

- “Tại sao?”

- “Vì một số môn học hải nghiệp đòi hỏi Toán và hình học Giải tích.”

- “Thí dụ như môn học gì?”

- “Như Hàng hải thiên văn, Cơ học, Điện kỹ nghệ.”

- “Còn những môn không cần Giải tích?”

- “Nhiều lắm!” Bằng tủm tỉm cười. “Cô định làm người 

yêu thủy thủ chắc? Hỏi kỹ thế!”

Tôi tiếp tục tấn công:

- “Đại úy học Khoa học mà môn gì?”

- “Toán Đại cương.”

- “Môn học?”

- “Tùm lum về toán. Như Vi phân, Tích phân.”

- “Có học ‘đoán điềm giải mộng’ không?”

- “Cô giỡn với tôi chắc? Hai thứ là khắc tinh của nhau mà!”

- “Tôi vừa nằm chiêm bao, có phần lạ lùng. Tưởng Đại úy có

 học Phân tâm, thử giải giùm!”

Võ Bằng sửa thế ngồi, đổi giọng quan tâm:

- “Chiêm bao thấy gì? Dù gì tôi cũng là đệ tử đời thứ 10 

của Sigmund Freud!”

- “Tôi chiêm bao thấy chiến hạm quay lại Quy Nhơn!”

Bằng cười:

- “Kiểu chiêm bao này tôi rành sáu câu.”

- “Ý nghĩa thế nào? Tôi cứ lo lo…”

Võ Bằng ngẩng mặt, chăm chú ngắm tôi:

- “Sao lại lo lo? Chẳng phải cô từng cam kết với ông Hạm 

Trưởng là ‘có chết cũng ngậm cười’?”

- “Chết được thì nói gì, sợ ngất ngư, ngáp ngáp! Đã có khi nào 

tàu rời bến rồi quay trở lại không, Đại úy?”

- “Có thể có với lý do chính đáng. Còn quay lại chỉ vì một giấc

 chiêm bao thì không!”

- “Nhưng ông Hạm Trưởng có nói trên đường về Sài Gòn,

 tàu có thể bị địch phục kích, hoặc bị tham dự hành quân dài

 ngày.”

- “Sau các bất thường đó, tàu vẫn tiếp tục về bến, không quay 

trở lại.”

- “Vậy, giấc mơ của tôi có ý nghĩa gì?”

- “Ý nghĩa là… vớ vẩn! Chẳng qua cô bị ám ảnh bởi lời hù dọa…”

- “Hù dọa? Ai hù dọa?” Tôi nóng nảy hỏi.

Võ Bằng uống vài ngụm lemonade, nhởn nhơ trả lời:

- “Cô quên là tôi đã dọa sẽ tống cô lên bờ nếu cô không chịu 

ngủ ở buồng của tôi? Lời hù dọa đó đã nhập vào tiềm thức của 

cô.”

- “Cứ cho là vậy đi, nhưng phải có ý nghĩa gì chứ? Ba má tôi, 

mỗi lần nằm chiêm bao, ông bà đều bàn tán cho tới khi họ thấy

 thỏa mãn về một ý nghĩa.”

- “Tôi đã nói rồi. Chiêm bao của cô phát xuất từ lời dọa đùa,

 chả có ý nghĩa gì hết!”

- “Nhưng ông Hạm Trưởng có nói là tôi cố tình đâm vào 

cửa tử, phải chăng giấc mơ muốn khuyên là đừng đi nữa, hãy

 quay trở lại, đi là chết?”

Võ Bằng trợn mắt:

- “Cô nhất định trở lại Quy Nhơn chỉ vì nằm mơ? Tôi đã ‘nói 

giúp’ cho cô đi, nay nếu muốn quay về, cô hãy tự mình nói

 với Hạm Trưởng!”

Thấy Bằng đổ quạu, tôi vội phân trần:

- “Đại úy! Tôi chỉ muốn nói ra để xả mối lo chớ có đòi quay tàu 

lại đâu!”

- “Nhân danh đệ tử của Freud, tôi xác nhận giấc mơ của cô là 

vớ vẩn. Vậy hãy quẳng gánh lo đi và vui sống!”

Võ Bằng cười, phô bày hàm răng nhuộm ít nhiều khói thuốc.

 Hàm răng của Hưng còn hơn thế, dù tôi luôn nhắc anh đánh

 răng thật kỹ. Giờ này hẳn Hưng đang gật gà gật gưỡng trên xe

 đò. Xe dù đậu nhiều bến, vẫn nhanh hơn tàu, vẫn về Sài Gòn

 trước tôi. Anh hứa cùng tôi ngồi ở bến Bạch Đằng chờ xem 

tàu nổ! Bây giờ mới năm giờ sáng, chỉ mới 10 tiếng trôi qua. 

Phải cần lênh đênh thêm 30 tiếng nữa. 30 tiếng nữa mới 

được gặp lại Hưng. Thôi đành gặp lại trong tâm tưởng...

Tôi nhìn tô mì chỉ còn nước cặn của Võ Bằng, gợi ý:

- “Đại úy mới hết phiên hải hành, lại thêm no bụng, hẳn là 

buồn ngủ lắm rồi!”

Thiếu úy Văn lên tiếng:

- “Để tôi đi ngủ thay cho Hạm Phó!”

Tôi bật cười nhìn theo anh chàng biến sau màn cửa. Võ 

Bằng đẩy ghế đứng lên. Tôi mừng hụt. Anh chàng cầm tô mì 

đến bỏ vào bồn rửa rồi mở tủ lạnh lấy chai lemonade đổ chia hai

 ly.

- “Chai cuối.” Võ Bằng đưa tôi một ly. “Chúng ta cưa đôi. Ăn 

đồng chia đủ. Sống chết có nhau. Mời cô.”

- “Cám ơn Đại úy.” Tôi nâng ly, tiếp lời.” Nhưng tôi chỉ uống 

nếu Đại úy rút lại câu chót. Câu đó làm mất mùi vị của nước

 lemonade tôi ưa thích!”

- “Đồng ý!” Võ Bằng vui vẻ nhượng bộ.

Tôi cụng ly, rồi hớp từng hớp, mắt nhìn quanh. Mãi lúc này tôi

 mới để ý lối trang trí của phòng ăn. Trên bức vách, nơi đặt bộ 

salon, là ba phù hiệu treo cách đều từ cao xuống thấp. Hai 

huy hiệu cao nhất có hình tròn, Huy hiệu thấp nhất mang hình

 cái thuẫn. Sợ Võ Bằng đặt câu hỏi, tôi vội hỏi trước:

- “Ba phù hiệu đó là gì, Đại úy?”

- “Phù hiệu ở cao nhất có chữ Quân Lực trên đỉnh, chữ Việt 

Nam Cộng Hòa bên dưới, ở giữa có hình chim ó mang cờ vàng

 ba sọc đỏ là phù hiệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Phù

 hiệu giữa là phù hiệu Hải Quân với hai chữ Tổ Quốc Đại 

Dương trên vành ngoài có nền vàng với ba vòng chỉ đỏ. Phần 

còn lại màu xanh với bản đồ Việt Nam, hình mỏ neo và ngôi sao

 năm góc. Phù hiệu cuối, ở giữa là ngôi sao năm cánh trên nền

 chiếc mỏ neo. Bên trái là chữ HTH Đống Đa. Bên phải là chữ 

số HQ 007, là huy hiệu của chiến hạm này.”

- “Các chữ tắt nghĩa là gì?”

- “HTH là Hộ Tống Hạm. HQ là Hải Quân.”

- “Còn số 007? Nghe như mã số của điệp viên James Bond.”

- “007 là mã số của chiến hạm. Hai số 00 chỉ loại tàu Hộ tống. 

Số 7 chỉ số thứ tự. Nói rõ hơn, chiến hạm mà cô Phượng đang đi

 là loại Hộ Tống, chiếc thứ 7. Còn vụ điệp viên 007 tôi cũng 

mê 007 lắm. Theo tin tình báo thì rạp Rex đang chiếu Dr. No. 

Thành thử, khi về Sài Gòn thế nào tôi cũng mời cô cùng đi xem.”

- “Đại úy ở trên tàu này bao lâu rồi?” Tôi đặt câu hỏi, phớt

 lờ lời Võ Bằng.

- “Từ lúc đi Mỹ lãnh tàu đến giờ là gần hai năm.”

- “Tên Mỹ cùng đi với Đại úy?”

- “Không. Hắn mới đổi xuống chừng ba tháng. Tôi đã nói với 

cô là thời ông Diệm không có quân Mỹ hiện diện. Cứ cho là cô

 hiện giờ ở tuổi 20 đi, thì vào năm ông Diệm bị giết cô cũng đã 

16 tuổi, đã đủ nhận thấy không có bóng dáng quân Mỹ.

 Chỉ sau trận Vũng Rô và hai năm kế tiếp Hải Quân bắn chìm

 và bắt giữ thêm 6 tàu chở vũ khí của Bắc Cộng, chiến trận vượt

 khả năng Quân Đội Miền Nam, Mỹ mới nhảy vào!”

- “Thế nào là vượt khả năng?”

- “Một quân đội trang bị vũ khí với súng garant bắn phát 

một đấu với một quân đội có vũ khí tối tân AK 47 bắn liên thanh.”

- “Sao không làm như Bắc Cộng, là Mỹ chỉ gửi giúp súng đạn 

tối tân, đâu cần phải nhảy vào!”

- “Cô tưởng Bắc Cộng không nhảy vào Miền Nam? Vậy họ 

làm đường mòn Hồ Chí Minh để làm gì? Ông Diệm tin rằng Khu 

Trù Mật và Ấp Chiến Lược đủ loại bỏ cộng sản. Nhưng Ông 

Minh giết ông Diệm xong, bỏ ngay hai chiến tuyến hữu hiệu đó.

 Và Việt cộng lan tràn, trở tay không kịp...”

- “Tại sao không …?”

- “Hãy ngưng! Chúng ta lại đi vào chính trị. Nói qua chuyện

 khác vui hơn.”

Tôi ấm ức nhìn Võ Bằng:

- “Một câu hỏi cuối: Tên Mỹ làm gì trên tàu?”

- “Làm biếng!” Bằng cười, tiếp. “Hắn xuống tàu với tư cách là

 Sĩ quan Liên lạc, tức liaison officer. Nhiệm vụ giữ liên lạc giữa 

chiến hạm Việt Nam và chiến hạm Hoa Kỳ để hỗ tương yểm trợ.

 Thí dụ như Đệ thất hạm đội khám phá tàu địch xâm nhập, họ 

báo cho sĩ quan liên lạc để chúng tôi theo dõi và đuổi bắt. Còn

 khi chúng tôi đụng độ với tàu địch có hỏa lực mạnh hơn, sĩ quan

 liên lạc xin phi pháo yểm trợ. Bình thường thì hầu hết thời gian

 hắn chỉ ngủ và đọc sách.”

- “Chớ không phải hắn chỉ huy tàu này?”

- “Tôi không nghĩ là cô thiếu óc suy xét.” Võ Bằng cười tiếp. 

“Cô đã hỏi hơn câu hỏi cuối. Nếu cô hứa sẽ làm người yêu thủy

 thủ, tôi cũng hứa sẽ trả lời đầy đủ mọi câu hỏi tiếp theo!”

Burt Lancaster lúc nào cũng vui vẻ dễ thương có đâu như Võ Bằng

 ưa nói móc họng. Thần tượng bị ghét lây! Tôi nhìn hàng kệ trên 

vách đối diện chứa những quyển sách to và dày, bìa cứng, gáy in

 chữ Mỹ: Technical Manual, Mechanic Textbook, Radar &

 Sonar… Tôi quay nhìn bức vách sau lưng. Ba chiếc tủ ngăn 

cao ngang ngực, bên trên là dãy kẹp giấy tờ. Nếu vắng bóng 

người, tôi dám đọc lén lắm, biết đâu lấy được tin quan trọng cho 

Hưng.

- “Vậy là cô không muốn làm người yêu thủy thủ!” Võ Bằng 

nâng ly. “Nào, chúng ta cạn ly rồi… đường ai nấy đi!”

Miệng thì nói hùng hổ nhưng anh chàng đưa tôi tới cửa buồng, 

chúc ngủ ngon, hẹn gặp lại, rồi đi thẳng tới trước. Đến tấm 

màn cuối cùng, anh chàng quay lại, thấy tôi còn chưa chịu vào 

buồng, đưa tay vẫy vẫy bắt chước kiểu vẫy của Hưng. Tôi cười,

 lắc đầu rồi bước vào buồng. Theo Anh Đào, 5 giờ sáng là giờ đi 

thám sát chiến hạm tiện nhất vì mọi người còn say ngủ. Nhưng

 đó là lời căn dặn của một người ở khu quá giang, có thể lấy

 cớ đi tìm phòng vệ sinh. Còn tôi, ở khu sĩ quan, mọi thứ có sẵn,

 đi lang thang giờ này chỉ tổ gây nghi ngờ.

Đứng tần ngần một lúc, tôi kéo ghế ngồi, hai tay ôm lấy mặt. Da 

mặt tôi rít chịt, kéo theo cảm giác toàn thân ngứa ngáy, hôi hám. 

Tôi thèm đi tắm mà ngại ngùng. Gian buồng không cửa khóa, 

nhà tắm che qua loa bằng tấm nhựa đục mờ. Đang tắm, nếu có 

người đột nhập, tôi sẽ làm gì? La hét ư? Không chừng trở thành

 lời mời gọi. Tôi có bi quan quá lắm không? Liệu 10 tiếng bình 

yên vừa qua có đủ bảo đảm tôi được an toàn? Tôi hồi tưởng những

 cử chỉ lời nói của Hạm Trưởng, Võ Bằng, các sĩ quan, và cả tên 

Mỹ. Lúc nào họ cũng nhã nhặn, lịch sự. Nhất là với tên tôi thù 

ghét nhất. Hắn to xác nhưng trông hiền hậu, chân chất, thân 

tình.  Xét thực lòng, nỗi âu lo giờ chỉ còn như hơi gió lạnh thoảng 

qua.

Tôi quyết định đi tắm. Giờ này đã quá trễ để mặc đồ ngủ. Tôi

 mở túi xách, mò quanh quả bom tìm bộ đồ mới và đồ lót. Tôi 

tháo đồng hồ và nữ trang để gần khung ảnh gia đình. Tôi chỉnh 

màn cửa cho kín đáo rồi mở đèn ở bàn, tắt đèn trên trần. Độ sáng

 đã giảm đi bảy phần. Tôi đi vào phòng tắm trong tâm trạng 

nửa buồn nửa vui. Vui vì quả bom còn đó, kế hoạch cho đến lúc 

này rất trơn tru. Buồn vì tôi quá cô đơn, không có Hưng để tâm

 sự, chia sẻ niềm vui như mọi lần. Tôi cởi quần tây. Tháo các

 nút áo chemise ngắn tay. Lần lượt các đồ lót. Tôi lấy đồ sạch khỏi

 bọc và nhét đồ dơ vào.

Theo chỉ dẫn của Bằng, tôi chỉnh độ ấm cho vòi búp sen. Nước âm

 ấm tỏa khắp người nghe sảng khoái lạ thường. Chả bù với xối

 từng gáo nước lạnh. Bằng cũng để sẵn cục xà bông Dove, chai 

thuốc gội đầu…

Tôi lau khô người, mặc bộ đồ mới, đeo chiếc đồng hồ tay đang

 chỉ giờ 6:05. Tôi bước ra ngồi ở bàn viết, cân nhắc xem có nên 

đi thám sát. Không có lý do nào hợp lý để bào chữa cho hành động

 đi lang thang quanh tàu. Ngủ lại thì có thể ngủ quên, bỏ qua

 buổi bình minh là mục đích chính của việc quá giang ngắm biển

 như đã nói với Hạm Trưởng. Mọi nhất cử nhất động của tôi ắt 

hẳn là ông phải biết.

Ánh huỳnh quang ôm trọn mặt bàn khá rộng so với gian buồng.

 Khung ảnh cô thiếu nữ bồng đứa bé lại gây tôi tò mò. Tôi vói tay

 kéo gần khung hình. Mẹ bồng con? Cô nàng này không là một

 trong hai cô ở bức ảnh gia đình. Phải thân thuộc lắm mới được 

Bằng để trên bàn. Tôi nhớ Bằng có nói về vợ con: yêu cô nào thì 

cô đó đi lấy chồng, con thì không biết có không. Hẳn đây là 

một trong những người yêu của anh chàng. Nàng còn trẻ quá. 

Chừng mới trên hai mươi mà chú bé chừng lên ba. Tôi lẩm 

bẩm hát: “Mối tình đầu, trót bọt bèo, Vì người ta đã chạy theo 

bạc tiền.” Tôi bụm miệng, lẩm bẩm mấy lần tiếng ‘xin lỗi’. Hưng 

cấm tôi hát nhạc vàng nhưng như Bằng nói, những bản nhạc đồi

 trụy đã vào tiềm thức mất rồi.

Tôi đẩy khung hình về vị trí cũ và chợt thấy một cái gạt tàn thuốc

 nằm ở góc sát vách, phía sau cái bị đeo vai của tôi. Nó long 

lanh màu nghệ, lớn bằng cái dĩa đựng thức ăn. Tôi vói tay kéo

 gần. Nó không nhúc nhích cục cựa mà dính chặt mặt bàn. Tôi 

tức mình dùng cả hai tay nhấc lên. Độ nặng nhiều hơn tôi 

tưởng. Hẳn người ta cố tình chế tạo cho nặng để không bị chạy 

trợt khi tàu tròng trành. Nó làm bằng thủy tinh, rất dày, quanh

 vành có bốn khe vừa vặn cho điếu thuốc. Nếu tôi có được một cái 

để tặng Hưng chắc anh thích mê tơi.

Tôi chợt nhớ tới quả bom. Khi tôi cài đặt nó nơi nào đó, nhất thiết 

phải có cái gì cùng độ nặng tương đương thay thế để vào túi xách 

chứ? Đã có vài người xách giùm khi lên tàu, thì khi giúp xách 

xuống thế nào cũng thấy sự khác biệt. Tôi quyết định ăn cắp cái

 gạt tàn này, một công hai việc. Nhưng xem ra vẫn còn nhẹ hơn 

quả bom rất nhiều. Tôi đứng lên. Một dãy kệ chất đầy sách. Sách

 thì quá nhẹ. Tôi quyết định để giải quyết sau. Tôi tò mò muốn

 biết Võ Bằng đọc những quyển sách gì. Tôi mở đèn trên trần. 

Kệ sách được xếp theo thứ tự:

- Nautical Navigation - Dutton

- Handbook of Damage Control

- The Cruel Sea - Nicholas Monsarrat

- The Old Man And The Sea - Ernest Hemingway

- Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Đại – Bùi Giáng

- Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống – Nguyễn Hiến Lê

- Hoàng Tử Bé – Antoine de Saint-Exupéry

- Điệu Ru Nước Mắt – Duyên Anh

- Thất Sơn Mầu Nhiệm – Dật sĩ & Nguyễn Văn Hầu

Trong 9 quyển này, tôi chỉ từng đọc mỗi một quyển: Điệu Ru 

Nước Mắt. Quyển sách quả là đã ru tôi rơi nhiều nước mắt. 

Riêng quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm đặc biệt cuốn hút tôi. Nó

 không chỉ thuộc về sở thích Sử Địa mà còn vì tò mò về sự mầu

 nhiệm của vùng bảy núi thuộc quê quán của Võ Bằng. Thất

 Sơn là những ngọn núi nào? Sự mầu nhiệm đó là gì? Tôi rút 

quyển sách khỏi kệ, đẩy ngọn đèn ở bàn về đầu giường. Tôi xếp

 chồng hai chiếc gối tựa sát vào bàn rồi ngả người xuống. Tôi 

trân trọng đọc lời tựa…. “Thất Sơn Mầu Nhiệm! Thất Sơn 

Mầu Nhiệm! Quả thật như thế. Và cũng vì thế nên bốn chữ 

Thất Sơn Mầu Nhiệm mới được dùng để đặt tên cho quyển sách

 này…

Từ nguồn gốc Địa lý đến lịch sử chinh phục, từ bản kê danh 

hiệu đến sự quan trọng về mọi phương diện của Thất Sơn, từ 

tiểu sử Đức Phật Thầy Tây An đến tiểu sử các vị Giáo Chủ và 

các vị Đại Đệ Tử của Đức Phật Thầy, từ tiểu sử các Tu Sĩ đời 

sau đến lược sử của Đức Huỳnh Giáo Chủ, từ quan niệm của 

các vị trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương đến những sự nhiệm

 mầu mà mọi người có thể nhận xét về Thất Sơn… mục nào 

chúng tôi cũng cố gắng viết cho đúng sự thật và làm cho bạn 

đọc được sảng khoái tinh thần.”

Danh nhân, giáo phái tôi nghe nói nhưng chưa biết tận tường.

 Sự nhiệm mầu về Thất Sơn thì coi như mù tịt. Tôi mê mẩn 

đọc, mải mê lật từng trang. Chừng mỏi mắt, hạ quyển sách

 lên ngực, tôi mới thấy chiếc đồng hồ chỉ 6:35.

Tôi vội ngồi dậy, mang vào đôi bata. Giờ này hẳn đã sáng. 

Hy vọng kịp thấy cảnh tượng mặt trời ngoi từ từ lên mặt biển.

 Tôi bước qua phòng ăn vắng vẻ, bước lần lên boong tàu…

 (Còn tiếp)





Không có nhận xét nào: