Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất
Chương 6: Hải phận Khánh Hòa
Từ sân lái, Võ Bằng bước thong dong như người dạo mát, miệng cười duyên trông dễ ghét. Tôi ôn lại xem mình đã nói những gì khiến Trung sĩ Tùng đề quyết tôi đang yêu Võ Bằng? Thắc mắc về tấm ảnh mẹ bồng con là triệu chứng của bệnh ghen? Mà tôi cũng kỳ, sao thắc mắc làm chi chuyện chẳng dính dáng gì để phải bị nghi oan. Trăm sự cũng tại Võ Bằng, lấy danh nghĩa bạn cùng khóa, anh chàng săn sóc em gái bạn hơi kỹ! Nghĩ đến phải giao tiếp thêm một ngày một đêm nữa mà ngao ngán…
Bằng đứng thay chỗ của Hoàng, vui vẻ giãi bày:
– “Không thấy cô ở phòng ăn lẫn phòng ngủ nên tôi có phần lo. Tôi quên dặn cô là sáng sớm đừng lên boong tàu.”
– “Tôi vừa được dặn dò.”
– “Cô quen Trung sĩ Tùng?”
– “Mới vừa quen.”
– “Hy vọng cảnh biển buổi sáng không quá đẹp khiến cô bỏ cữ cà phê. Sinh viên nào mà không nghiện cà phê, phải không?”
– “Tôi có quên đâu.” Tôi nâng cổ tay xem giờ. “Còn một tiếng rưỡi nữa mới hết giờ điểm tâm mà! Vả lại Đại Úy nói ăn sáng tự do, thì việc tôi không ăn cũng đâu có phạm… quân lệnh!”
– “Nào ai ép uổng chi đâu!” Bằng cười nụ, nhún vai. “Chỉ đoán rằng cô mất ngủ, hẳn cần nhâm nhi tí cà phê cho tươi tỉnh, vậy mà!”
– “Bây giờ tôi bắt đầu thấy mệt hơn.” Tôi bóng gió.
– “Tôi đề nghị thế này: trước là cà phê cà pháo, sau là thăm một vòng chiến hạm. Cô từ chối một, coi như từ chối cả hai!”
Tôi thích chí cười thầm. Cả hai tôi đang tối cần, từ chối sao được. Nhưng việc thăm chiến hạm, ưu tiên hơn. Tôi nói:
– “Tôi nhận lời với điều kiện đảo ngược.”
– “Đồng ý!”
Võ Bằng chỉ khối sắt chễm chệ giữa tàu:
– “Khối sắt đó phân chia boong tàu hai phần: sân mũi và sân lái. Bên trong khối sắt là phòng Hạm Trưởng, cao hơn là Trung tâm Chiến Báo và Phòng Truyền Tin. Trên hết là Đài Chỉ Huy. Chúng ta đang đứng ở sân mũi. Ngay trước mắt cô là khẩu súng to nhất của chiến hạm, có tầm bắn xa 18 cây số. Quanh nó là các thùng đạn. Cạnh đó là máy kéo và thả neo.”
Tôi nhìn hai thùng đạn khá lớn đặt sát vách khối sắt, và hai đặt hai bên khẩu pháo. Các nắp thùng đạn chỉ được cài bằng các chốt vặn, dễ dàng mở nắp đặt vào quả bom. Tôi cân nhắc địa hình. Thật là một địa điểm lý tưởng. Ngay phía dưới là Khu Sĩ Quan, bên trong là Phòng Hạm Trưởng, trên cao là Đài Chỉ Huy. Chỉ cần đặt quả bom vào bất cứ thùng đạn nào, quả bom sẽ kích nổ dây chuyền cả bốn thùng, chắc chắn chiến hạm cùng toàn bộ sĩ quan sẽ bị banh xác. Việc mang quả bom lên chỗ này không đến đỗi nguy hiểm vì đây là lối đi dành riêng cho sĩ quan. Chỉ cần né tránh giờ đổi phiên trực. Việc đặt bom thực hiện sau 5 giờ sáng là lý tưởng nhất. Trường hợp bị bắt gặp, sẽ viện cớ vừa khám phá mua lầm thùng margarine hết hạn sử dụng nên đem ném bỏ. Tôi thở ra sảng khoái với địa điểm tìm được và lý do hợp lý. Tuy nhiên, biết đâu còn nơi khác lý tưởng hơn.
Tôi bước theo Võ Bằng dọc hành lang mạn trái đến sân sau. Đây là khu vực tôi ói mửa đêm qua. Sân tương đối rộng là nơi tập họp toàn thể thủy thủ đoàn để điểm danh và phân chia công tác. Mỗi bên mạn tàu có một dàn thả thủy lôi chống tàu ngầm, một khẩu súng trung liên và một đại liên. Chỉ là các thùng đạn nhỏ để quanh các khẩu súng. Không địa điểm nào hấp dẫn để đặt bom ở khu vực này.
Võ Bằng đi ngược về phía mũi dọc mạn phải và dừng lại trước khung cửa dẫn vào lòng tàu. Anh chàng nói lớn:
– “Bây giờ chúng ta đi thăm nhà bếp và khu ăn ngủ của hạ sĩ quan và thủy thủ.”
‘Chà! Nơi này mà cho nổ thì hốt trọn cả trăm người.’ Tôi nghĩ thầm khi bước đến bên Võ Bằng. Ngay trước khi bước qua khung cửa, tôi chợt nhìn thấy một bờ biển cát trắng chạy dài nối liền một thành phố. Phía sau là dãy núi đen thẫm, chập chùng. Tôi hỏi:
– “Thành phố nào vậy, Đại Úy?”
– “Mình đang đi ngang Nha Trang.” Bằng chỉ tay về một khu nhà cô lập. “Kia là quân trường Hải Quân, nơi tôi từng thụ huấn.”
– “Đại úy học ở đó bao lâu?”
– “Hai năm.”
– “Cực khổ lắm hả, Đại úy?
– “Thử tưởng tượng cô học đại học bốn năm mà bị dồn ép phải học trong hai năm. Đó là chưa kể huấn luyện quân sự.”
– “Huấn luyện viên người Mỹ?”
– “Đại Học Sư Phạm của cô có giáo sư Mỹ?”
Tôi lắc đầu. Võ Bằng gật gù:
– “Trường Sinh viên Sĩ Quan Hải Quân cũng vậy. Ngay cả lớp học tiếng Anh cũng do giáo sư Việt.”
– “Cô bạn tôi có bồ là Sinh viên Sĩ Quan Thủ Đức, cuối tuần là cùng nhau dung dăng dung dẻ. Suốt hai năm, chắc Đại úy… cũng vậy, phải hôn?”
– “Chúng tôi không dung dăng dung dẻ vì tôi đóng đô ở nhà nàng.”
– “Bây giờ cô ấy là phu nhân Đại úy Võ Bằng?”
Bằng quay sang tôi cười:
– “Không, bây giờ cô ấy là phu nhân một vị giáo sư. Tôi đã nói với cô rồi mà…”
Bằng lại nhìn về phía thành phố mà tôi đoán là chàng ta đang tìm ngôi nhà đóng đô xưa. Chợt nhớ là đã tự hứa không thắc mắc về đời tư của Võ Bằng, ấy vậy mà giờ tái phạm, tôi chuyển đề tài:
– “Cái đảo đó là đảo gì, Đại úy?”
Võ Bằng nhìn theo hướng tay tôi chỉ:
– “Hòn đảo lớn đó tên là Hòn Lớn. Khóa chúng tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên với hòn đảo này. Buổi chiều của tháng đầu tiên huấn luyện thể lực, chúng tôi được một tàu đổ bộ thả lên bãi bên này đảo và đón nhận ở bãi bên kia. Trời cũng góp phần huấn luyện nên mưa xối xả suốt trọn đêm chúng tôi mò mẫm lần qua đỉnh núi. Sau đêm đó chúng tôi thấy mọi huấn luyện khác đều… nhẹ nhàng!”
Nhìn bộ mặt tươi tắn trẻ trung của Bằng tôi không thể không nghĩ anh chàng nói xạo. Rồi bỗng nhớ tới lời cô bạn kể về anh bồ than thở chuyện bò hỏa lực sống chết như chơi, tôi muốn đưa ra một nhận xét mang chút cảm thông nhưng tự nhủ mắc mớ gì… thông cảm! Võ Bằng lại lên tiếng:
– “Chuyện Hòn Lớn nhạt nhẽo quá phải không? Thì kể chuyện mấy hòn nhỏ nghe thú vị hơn. Cô hãy nhìn hai hòn đảo có dạng hình parabol kia!”
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của Bằng. Quả thật có hai hòn đảo, một cao lớn, một thấp nhỏ nhưng đồng dạng như hai anh em đang ngồi đùa cùng sóng biển. Màu nước trở thành xanh thẫm trước hai khối đá loang lở rong rêu. Tôi xoay nghiêng và bắt gặp tia mắt đam mê của Bằng. Tôi hỏi:
– “Hai hòn đảo đó tên gì, Đại úy?”
– Một mang tên Hòn Nội và một là Hòn Ngoại. Do những yếu tố đặc biệt nào đó chưa ai rõ, chim Yến các nơi đua nhau về đây làm tổ và từ đó hai đảo mang chung tên Hòn Yến. Tổ Yến nổi tiếng khắp nơi vì được đồn đại là thuốc tiên dành cho giới nhà giàu!”
– “Sao gọi là dành cho giới nhà giàu? Bộ người nghèo là chịu chết sao? Mà tổ yến là thần dược cho bệnh gì?”
– “Suy nhược. Nó đắt như vàng, nghèo đừng mong rớ tới!”
– “Tôi chưa từng nghe. Thật khó tin!”
– “Đặc tính này của loài chim yến càng khó tin hơn. Đó là lòng chung thủy.”
Võ Bằng lặng thinh đăm đăm nhìn tôi. Tôi sốt ruột:
– “Đại úy kể tiếp đi chứ, lòng chung thủy thế nào đến nỗi khó tin?”
– “Kể chuyện mà cứ nghe cô gọi Đại úy ơi Đại úy hỡi, làm mất hứng! Gọi bằng anh đi, cho thân mật.”
– “Quen Đại úy chưa đầy một ngày mà! Cần thêm thời gian.”
– “Đồng ý. Hạn chót là trước khi rời tàu.”
Tôi lờ điều kiện của Võ Bằng, nhắc lại câu hỏi;
– “Lòng chung thủy của loài yến ra sao?”
– “Mấy năm trước, tôi được nghe một ông thượng sĩ già kể chuyện về loài chim Yến. Chúng bé nhỏ, yếu đuối vì thế tìm sống nơi các vách núi để tránh các loài hiểm ác. Một khi đã thành chồng vợ là thủy chung một đời. Tổ ấm xây ở đâu là suốt đời ở đó. Hàng ngàn tổ yến trên cùng một vách đá mà luôn luôn về đúng tổ của mình. Tổ yến được cả vợ lẫn chồng tạo thành bằng nước miếng kết với cỏ cây và với chính những chiếc lông của chúng.
Loài chim yến hiền hòa tránh được ác thú nhưng rất không may gặp phải loài người. Họ cho rằng tổ yến là thần dược trị suy nhược nên tổ yến trở thành nguồn sống của người nghèo và là thuốc trường sinh cho người giàu. Do đó loài chim yến nhận lấy thảm kịch. Có người lấy trọn tổ, ném yến con xuống biển. Khi bị lấy mất con hay mất tổ, chim mẹ đau buồn bay đâm đầu vào vách núi tự sát đúng ngay nơi cái tổ của mình. Chim cha sau khi bay vài vòng kêu gào thảm thiết rồi cũng một lòng tự sát theo vợ. Lại còn có tiếng đồn tổ yến hồng mắc hơn tổ yến thường. Do đó có người khi lấy tổ yến đã cố tình chừa lại một ít, Yến phải xây lại tổ thật gấp cho kịp ngày sinh nên không đủ nước miếng đến phải khạc ra máu.”
– “Nghe thảm thương quá! Có thật vậy sao?”
– “Tôi nghe vậy hay vậy chớ chưa có dịp nhìn tận mắt. Nếu cô muốn kiểm chứng, hôm nào tôi và cô cùng đi Nha Trang, ra Hòn Yến…”
– “Hiện tại Đại úy nên tiếp tục đưa tôi đi xem tàu.” Tôi ngắt ngang.
Võ Bằng nở nụ cười miễn chấp, bước qua khung cửa. Khi đến ô vuông trên sàn có thang đứng dẫn xuống phòng ăn sĩ quan, Võ Bằng nói:
– “Thay vì xem tàu rồi ăn sáng, tôi e hết giờ ăn sáng. Vì vậy đề nghị chúng ta cà phê cà pháo rồi hãy tiếp tục.”
Tôi nhìn đồng hồ: 8 giờ 30. Tôi gật đầu đồng ý. Bàn ăn trống trơn. Phòng ăn chỉ có mỗi tên Mỹ ngồi ở sofa chơi với bộ bài. Võ Bằng đưa tay nhấn chuông rồi kéo ghế cho cả hai. Chúng tôi cùng ngồi. Anh thủy thủ hôm qua xuất hiện, vui vẻ hỏi:
– “Chị uống cà phê?”
Tôi đứng lên muốn tự làm lấy nhưng anh thủy thủ lên tiếng:
– “Cà phê pha sẵn, để tôi mang đến.”
Anh trở lại với một cái khay gồm hai ly cà phê, hũ đường và hộp sữa ông Thọ.
– “Hạm Phó và chị dùng gì? Có trứng chiên và bánh mì hoặc cháo hột vịt muối.”
Võ Bằng chờ tôi chọn trước. Tôi nói với anh thủy thủ:
– “Nhờ anh chỉ chỗ cho tôi tự làm lấy!”
– “Trên chiến hạm. mỗi người mỗi việc mà cô thì không được chia việc. Hãy cho biết cô thích ăn gì!” Võ Bằng nói nhỏ.
Nếu đang ngồi với Hưng thì tôi đã làm mặt giận không ăn. Nên đành nói:
– “Anh cho bánh mì trứng chiên.”
– “Tôi cũng vậy.” Võ Bằng lên tiếng.
Anh thủy thủ ‘đáp nhận’ rồi hối hả rời phòng. Tôi nhăn nhó:
– “Tôi đã quen tự lo cho mình, Đại úy làm tôi vô cùng áy náy!”
– “Hãy dành sự áy náy cho việc cô từ chối lời mời đi xem Dr. No. Còn ở đây, đó là nhiệm vụ của Hạ sĩ Tốt mà chuyên nghiệp gọi là Chiêu Đãi Viên.
Tôi mỉm cười với cái chuyên nghiệp trong quân đội mới nghe lần đầu. Võ Bằng như hiểu nụ cười của tôi, nói:
– “Chưa lạ đâu. Các Chiêu Đãi Viên còn bị bè bạn đặt biệt danh là Phi Hành Gia.”
– “Sao mà từ cái nghề tầm thường lại vọt lên cao quý đến thế?”
– “Cô thử tưởng tượng hai tay bưng hai dĩa thức ăn chạy như bay xuống cầu thang.”
– “Còn biệt danh của Đại úy?”
Anh Phi Hành Gia đặt thức ăn lên bàn. Võ Bằng nhấc hũ muối tiêu rải lên trứng, xé mảnh bánh mì chấm vào trứng rồi đưa lên miệng lặng lẽ nhai. Được vài miếng, anh chàng nghiêng mặt nhìn tôi:
– “Biệt danh của tôi hả? Nói không được!”
Tôi nhấc chai xì dầu xịt lên trứng. Trứng chiên thật khéo. Tròng trắng và tròng đỏ tạo thành hai vòng tròn đồng tâm. Tôi dùng dao cắt trứng và dùng nĩa đặt trứng lên bánh mì. Tôi nói trước khi đưa vào miệng:
– “Nói không được, tức là có biệt danh không được thơm tho.”
Võ Bằng lặng thinh, không phản đối. Tôi ăn tiếp miếng thứ nhì, vừa nhai vừa tự trách mình ăn nói sỗ sàng. Dù có ghét, cũng phải lịch sự cho qua chuyến đi, huống hồ Bằng đã tận tình giúp đỡ. Tôi tự trách rồi dịu giọng như một biểu hiệu xin lỗi:
– “Chừng nào mình mới về tới Sài Gòn hở Đại úy?”
– “Bình thường từ Nha Trang về đến Sài Gòn là mất 24 tiếng, nghĩa là nếu không có gì trở ngại, cô có thể rời tàu sáng mai. Thử chiêm nghiệm xem, lúc đó cô vui hay buồn!”
Tôi thầm trả lời ‘tất nhiên là rất vui’ nhưng miệng nói khác:
– “Còn tới 24 tiếng nữa mà! Đến lúc đó mới biết!”
– “Tôi thì bắt đầu buồn rồi! Cứ mỗi giây phút trôi qua là càng buồn thêm. Tới lúc đó hẳn là rơi nước mắt!”
Dù với cái giọng nửa đùa nửa thật, và dù tôi đang yêu Hưng, những lời của Võ Bằng cũng gây trong tôi ít nhiều xao xuyến. Tôi lại phải chuyển đề tài:
– “Đại úy nói gia nhập Hải Quân là do bạn bè rủ rê, vậy có khi nào Đại úy hối hận?”
– “Hối hận? Ý cô là sao? Tôi nhớ đã có nói tôi gia nhập Hải Quân là đúng thời điểm Quân Đội cần thêm người.”
– “Thí dụ như Đại úy thấy quân đội… không như ý mình!”
– “Tôi chỉ tự hỏi mình có làm đúng ý quân đội!”
Tôi thất vọng với câu trả lời của Bằng: ‘Thế thì có chết cũng đáng kiếp!’ Đúng lúc tôi tìm lại được sự thanh thản, Bằng lại gây dao động:
– “Bây giờ tôi còn khám phá một điều hay ho. Nhờ nhập ngũ mà tôi nghiệm ra trên đời có lắm điều kỳ bí, thú vị. Như nhờ đi Hải Quân mà hôm nay tôi mới được hân hạnh đi chung tàu với người đẹp Phan Kim Phượng.”
– “Đang nói chuyện đứng đắn, Đại úy cứ nói chuyện đâu đâu.” Tôi càu nhàu.
– “Chuyện thật đứng đắn đấy! Thì cô cứ đặt câu hỏi rồi tự trả lời. Ai xếp đặt cho tôi và Đính học cùng khóa? Ai xui cô quá giang tàu này? Và như vậy, trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Tôi nâng ly cà phê. Mùi thơm hơn mùi cà phê tôi uống hàng ngày. Tôi nhìn về bàn cà phê nhưng không tìm thấy thương hiệu. Tôi nhấp vài ngụm, vị đắng nghét. Tôi chưa để đường. Võ Bằng thấy tôi nhăn mặt, mỉm cười đẩy sang chiếc đĩa đựng hộp sữa đặc. Tôi lắc đầu. Bằng đưa sang hũ đường. Tôi múc đầy muỗng như thường lệ. Vừa nhâm nhi cà phê tôi vừa ngẫm nghĩ cái ‘duyên’ gặp gỡ Võ Bằng. Không, chả có cái duyên nào hết. Chẳng qua anh chàng chỉ mượn ‘Kiều’ để tán tỉnh lăng nhăng. Vấn đề là tôi phải làm sao ngăn chận. Võ Bằng đột ngột hỏi:
– “Có thật là cô chưa yêu ai? Đẹp như cô dĩ nhiên có hàng tá người đeo đuổi.”
Tôi nhìn đồng hồ và đề nghị:
– “Kém 5 là 9 giờ. Anh Tốt đang chờ dọn dẹp. Chúng ta tiếp tục xem tàu.”
Võ Bằng mỉm cười đứng lên, kéo ghế cho tôi dễ rời bàn.
Chúng tôi bước qua khung cửa, đi về phía lái trên một hành lang đầy mùi gia vị.
Cuối hành lang, một khu vực mở rộng, sáng choang, với nhiều dãy bàn và một số thủy thủ. Có tiếng hô “nghiêm” từ đâu đó, tất cả đứng lên và sau tiếng “nghỉ” của Bằng, tất cả ngồi xuống. Nhân viên chào Hạm Phó của họ mà tôi thấy ái ngại như mình đang được chào. Phải biết thế thì đã không đòi đi.
Tôi cố giữ bình thản, quan sát. Tổng cộng bảy dãy bàn bọc formica xanh, ba nằm ngang và bốn nằm dọc theo tàu. Hai bên mỗi dãy bàn là băng ghế bọc nệm, đủ chỗ cho năm người ngồi. Tính theo chỗ ngồi, tổng cộng bảy bàn, là 70 chục người. Hiện diện ở một bàn nằm ngang có năm hạ sĩ quan đang nhậu với bia quân tiếp vụ, trong đó tôi nhận ra Trung sĩ Tùng. Ở hai bàn nằm dọc mỗi bàn có một nhóm người chơi cờ tướng, domino tôi chưa từng gặp mặt. Một tấm lưới sắt thay cho bức vách của khu vực nấu nướng nằm trên khe hở của một quầy dài, một phần là các ngăn đựng đũa muỗng nĩa. Ở một vách treo đủ cỡ nồi niêu xoong chảo. Ở một vách khác là các hộc trống vừa cho quả bom. Có bốn lò điện, mỗi lò là một tấm phản đen tròn, khác cỡ, có núm điều chỉnh độ nóng. Nối tiếp bốn lò điện là hai chậu lớn đựng chén dĩa dụng cụ đã dùng, chờ rửa. Cửa vào nằm sát mạn tàu, dễ vô ra nhưng có vào đặt được quả bom thì cũng chỉ uổng công. Theo ước lượng, nhà bếp ở trên phần nổi, quả bom chỉ làm hư sơ sài con tàu và sát hại vài ba người nhà bếp. Còn đặt bom khu bàn ăn, có thể giết gần cả tàu nhưng chỉ toàn là lính. Mục tiêu chính là Hạm Trưởng, tên Mỹ, sĩ quan, và chiến hạm.
– “Đây là nhà bếp,” Võ Bằng nói, “là nơi cung cấp ba bữa ăn cho cho Hạ sĩ quan và thủy thủ. Mỗi người tự lấy thức ăn đựng trong khay để dọc theo quầy dài. Theo tổ chức nhà bếp, đi chợ và nấu ăn thì có chuyên nghề tiếp vụ. Trông coi bảo quản thực phẩm là quản kho. Tính toán tiền nong lương bổng thì là kế toán. Trách nhiệm tổng quát là Thiếu úy Trương Lâm. Giờ này các nhân viên nhà bếp được nghỉ ngơi trước khi lo bữa ăn trưa.”
– “Họ không có Phi Hành Gia như sĩ quan?” Tôi hỏi móc.
– “Theo cấp số thì không! Nhưng Hạ Sĩ Quan du di hay lắm.”
– “Du di thế nào?”
– “Tôi không muốn biết vì biết thì phải cấm!”
– “Còn chỗ ngủ, có khác biệt không?”
– “Có chút khác biệt. Họ đều nằm giường treo nhưng với Hạ Sĩ Quan thì có thêm tấm nệm cá nhân.”
– “Tôi muốn xem tận mắt!”
– “Xem tận mắt thì không được.” Võ Bằng tủm tỉm cười.
– “Sao lại không được?” Tôi thắc mắc.
– “Tôi nói không được là không được.”
Lại ‘nói không được’. Cho là anh chàng cố tình chọc giận, tôi nằn nì:
– “Nhưng tôi muốn xem!”
– “Bình thường, trước khi tiếp đón quan khách, chiến hạm cần sẵn sàng ở tình trạng hoàn hảo nhất. Hiện tại chưa sẵn sàng!”
– “Chưa sẵn sàng thì xem theo chưa sẵn sàng. Tôi chỉ là kẻ quá giang chớ có là quan khách gì đâu!”
– “Với riêng cô thì còn hơn cả quan khách!”
– “Tại sao?”
– “Cô nhất định muốn biết?”
Tôi gật đầu. Võ Bằng ghé miệng sát tai tôi nói nhỏ:
– “Tại vì không chuẩn bị sợ e có nhân viên ngủ… ở truồng!”
Tôi nghe nóng ở mặt và tự mắng mình: “Cứ ham đòi hỏi. Cho đáng đời!” Tôi vờ không nghe, bước đến bàn của Trung sĩ Tùng. Tùng và bốn người gật đầu chào. Tôi đáp bằng nụ cười. Võ Bằng giới thiệu bốn người tôi chưa quen: Trung sĩ Trọng pháo Hà Quang Lâm, Trung sĩ Giám lộ Lê Tín, Thượng sĩ Cơ khí Đoàn Văn Thức, và Thượng sĩ Quản Nội Trưởng Trịnh Minh Hoàng. Hoàng rót bia vào hai ly giấy mời:
– “Xin mời Hạm Phó và cô đây chung vui với chúng tôi vài ly!
Tôi lắc đầu:
– “Xin cám ơn, Phượng không biết uống rượu.”
Võ Bằng không khách sáo, đi liền một hơi tới đáy. Anh chàng cầm luôn ly của tôi:
– “Tôi uống thay cho cô Phượng.” Nói xong là nốc sạch.
Tất cả vỗ tay hoan hô. Trung sĩ Lâm lên tiếng:
– “Hạm Phó uống ngọt lắm, đại diện cô Phượng lần nữa, Hạm Phó?”
– “Hai ly liền tù tì là quá đủ ngất ngư rồi! Hai ly nữa là dám đưa cô Phượng xem phòng ngủ của các anh lắm!”
Tôi quắc mắt nhìn Võ Bằng. Anh chàng cười nham nhở. Quản Nội Trưởng Hoàng cười nói:
– “Bộ Hạm Phó sợ Hạm Trưởng ghi vào Nhật ký Hải hành: ‘Hôm nay Hạm phó say rượu’?”
Trung sĩ Tín họa theo:
– “Cứ uống đi, Hạm Phó. Có bị Hạm Trưởng ghi thì ghi lại ‘Hôm nay Hạm Trưởng không say rượu’!”
Tôi hòa tiếng cười vang cùng mọi người. Người thứ tư lớn tuổi nhất, Thượng sĩ Thức rót đầy ly rượu của Bằng và của ông, hai tay nâng hai ly, nụ cười hiền hòa không làm giảm các nếp nhăn ở đuôi mắt:
– “Uống ngọt như Hạm Phó, phải liệt vào hàng cao thủ! Ly này để mừng cao thủ!”
– “Cao thủ về rượu thì không có tôi. Hôm nay đặc biệt chỉ vì muốn ‘cứu bồ’!”
– “’Cứu bồ’. Tôi nổi nóng. “Tôi đâu cần cứu bồ! Tôi xin uống trả ly ‘cứu bồ’.
Tôi cầm ly rượu mời Võ Bằng đưa lên miệng nhắm mắt uống cạn. Tiếng vỗ tay của tất cả hiện diện đồng loạt vang lên. Người tôi bắt đầu rạo rực, nóng bừng. Hơi thở gấp gáp. Bằng lên tiếng:
– “Cám ơn các anh. Tiếp tục cuộc vui nhưng đừng say xỉn. Cô Phượng còn cần đi xem vài nơi nữa.”
Chúng tôi từ giã, đi ngược về khu sĩ quan, dùng cầu thang nghiêng lên tầng trên. Bằng nói:
– “Cô sắp được viếng hai nơi đặc biệt quan trọng, coi như là linh hồn của chiến hạm. Đó là Trung tâm Chiến Báo và Phòng Truyền Tin. Trung tâm Chiến Báo là nơi thu thập tin tức địch còn Phòng Truyền Tin là nơi trao đổi tin tức giữa ta và bạn. Tổng hợp tin tức hai nơi, sĩ quan hành quân sẽ nghiên cứu, phân tích và đề ra các đường lối hành động hiệu quả nhất trình Hạm Trưởng.
Lòng tôi rộn vui. Cơn chếnh choáng say như tan biến. Hưng mà có được tin tức này thì mừng phải biết! Vừa dợm bước thì một nhân viên quần áo ướt đẫm mồ hôi đi vội đến trước Võ Bằng. Anh hổn hển nói:
– “Thưa Hạm Phó, máy chánh tả đang tăng nhiệt độ. Chưa biết lý do.”
Võ Bằng trầm tĩnh nói:
– “Anh trở lại hầm máy, tiếp tục theo dõi. Tôi sẽ báo ngay cho Hạm Trưởng. Nếu thấy nhiệt độ tăng nhanh, cho giảm hoặc ngưng máy.” Võ Bằng quay sang tôi. “Cô Phượng đi với tôi.”
Khi đứng trước buồng Hạm Trưởng, Võ Bằng nói:
– “Xin lỗi tôi phải gặp Hạm Trưởng. Cô Phượng hoặc ra boong chính hoặc về buồng ngủ. Tùy nghi. Sẽ gặp lại sau.”
Võ Bằng gõ vào chữ Hạm Trưởng. Tôi nghe tiếng vọng ‘cứ vào’. Anh chàng đẩy cánh cửa và khuất sau đó. Tôi đứng ngẩn ngơ không biết về hướng nào? Có đi hướng nào thì cũng không thoát khỏi con tàu đang gặp rắc rối!
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét