Kỷ Niệm Còn Vương
Mười một giờ khuya tôi sắp "tiêu diêu miền cực lạc" thì re..eng...re...eng... tôi lầm bầm: "Lại con nhỏ Hồng này nữa chứ không ai khác ngoài hắn. Tối ngày nàng cứ bắt tui nghe hoài chuyện lòng... thòng của nàng lập đi lập lại, chán chết!!!”
Tôi uể oải bắt phone. Nếu không bắt thì nàng sẽ không tha đâu, nàng sẽ gọi hoài cho đến khi trả lời phone mới thôi. Với tôi, nàng bỏ lịch sự của nàng vào thùng rác lâu rồi. Từ xưa tôi chịu thua nàng, bây giờ tôi vẫn là kẻ chịu thua! "Thôi mà chị Hai. Làm lớn thì phải làm láo chứ." Câu kinh nhật tụng này của nàng làm tôi
nghẹn họng. Tôi nhừa nhựa nói:
- Lại chuyện ngày xửa ngày xưa, "em tan trường về, anh theo Hồng về" nữa hả? Mình buồn ngủ lắm rồi, tha cho mình bữa nay đi.
- Chỉ một câu thôi. Chị ừ thì đi ngủ ngay.
- Từ đó tới giờ, hình như nhiều lần lắm rồi, ta lắc đầu với mi mà có thành công lần nào đâu!!!
- Vậy là kỳ này chị ừ, phải không?
- Phải.
Nàng hóm hỉnh đáp:
- Vậy là được rồi. Chị ngủ đi. Mai nói tiếp.
Thế là tôi mắc bẩy nàng - một cú lừa ngoạn mục! Ngày mai, nàng bảo tôi làm một bài thơ và viết một bài văn cho Đặc San của lớp. Tôi giẫy nẩy. Nàng cười hì hì chiến thắng, thật ứa gan:
- "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy." Trễ rồi, chị ơi!
- Thật là... già mà còn dại!!!
Nàng còn giở trò dụ dỗ... gái già:
- Viết đi, em đánh máy giùm cho. Chị Hai đừng để thua anh Hai chứ. Ngày xưa chị bắt nạt anh Hai, bây giờ thua thì quê một cục đó. Kỳ trước anh Hai viết một bài rồi, anh thắng chị một bàn, bây giờ chị chẳng những phải gỡ huề mà ráng thắng một bàn đi.
- Đừng nói bậy, bà xã ảnh cho ảnh bầm mình bây giờ.
Ngày xưa, đám trai gái Sài Gòn "du học" Huế, hễ lớp dưới là em, dù lớn tuổi hơn. Các em này có một vài người tự lượng sức mình không tiết kiệm được nên gởi tiền cho tôi cất giùm. Không chỉ em mà anh cũng gởi, trong đó có anh Hai (bọn quỷ nhỏ Hồng – Ngọc – Minh phong chức anh Hai cho anh ấy). Anh ấy ít nói, trông có vẻ lạnh lùng, bọn quỷ nhỏ bảo là thẹn thùng, chứ lạnh lùng gì mà
lạnh. Anh nhờ tôi làm thủ quỹ giữ tiền và dặn dò tôi tới đúng đầu tháng mới đưa đừng đưa sớm dù được năn nỉ ỉ ôi thế mấy cũng không đưa. Tôi chấp hành quy ước rất cứng nhắc, không uyển chuyển gì cả. Đám quỷ nhỏ có cớ mà chọc ghẹo, gặp mặt anh cứ tỉnh bơ trổi giọng ư ử hai câu:
Bắc thang lên kiện ông Trời,
Tiền đưa gái giữ khó đòi, anh ơi!
Ngoài việc học hành, đi chơi để... xả hơi cũng không thiếu, nhất là đi chơi xa. Cứu trợ nạn lụt là dịp đi xa không tốn tiền xe, việc gì mà nói không. Đám xa gia đình của bọn tôi điếc không sợ súng nên không có việc gì mà vắng mặt. Vác thùng tiền đứng ở chợ Đông Ba làm đệ tử của Hồng Thất Công Bang Chủ để "lạy
ông đi qua, lạy bà đi lại" có tôi. Đi cứu trợ ở Quảng Nam càng xung phong đi sớm. Có xe nhà binh đưa đi mà, ngại gì mấy trái lựu đạn ném vào(!) Nước chưa cạn, sình lầy, xác heo, gà, vịt, bò v.v. nổi lình bình hôi thúi: chuyện nhỏ... không lo. Mấy con vi trùng bệnh dịch thông minh(!) lắm, biết người tốt người xấu nên tránh xa đám sinh viên thương người như thể thương thân này. Chúng tôi hăng say làm việc không biết mệt mỏi, không thắc mắc lợi hại, chỉ biết việc đáng làm thì mình làm. Bây giờ nhớ lại tôi còn thấy niềm vui ngày ấy như còn hiện diện đâu đây.
Vào cuối tuần chúng tôi thường tới nhà các thầy để, trước là thăm thầy cho đậm tình thầy trò, sau là ra khỏi nhà cho thoải mái tâm trí. Nhà thầy Dật, thầy Nguyện, thầy Định, thầy Kháng, Cha Thích... là những nơi đám sinh viên chúng tôi thường ghé thăm. Cha có chiếc xe vận tải nhỏ nên chúng tôi thường theo Cha đi viếng các lăng tẫm, nhà thờ La Vang, các tu viện. Cha rộng rãi, hào phóng, hễ có đi xa là Cha kêu chúng tôi tham dự. Đám xa gia đình này được Cha quan tâm và ưu ái lắm. Tôi nhớ có lần chúng tôi tựu họp tại nhà Cha ăn uống ca hát ở sân sau, nơi vườn trẻ do Cha thành lập. Tôi không biết hát. Lần nào tôi cũng bị quê một
cục. Thu Thủy thấy vậy, bắt tôi tập hát, và dạy tôi hát. Lần đó, tôi bạo dạn cất giọng oanh... chì hát lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời của tôi. Tôi nhớ hoài bài hát đó. Tôi cất tiếng: Lòng vui sướng anh em ơi, tim thấm nhuần tình đồng bào, trai đời mới... Mới được vài câu, nhìn quanh thấy mọi người đang chăm
chú thưởng thức giọng ca vàng... giả của tôi, tôi đột nhiên bị khớp, liền ú ớ rồi tắt tị luôn. Từ đó vĩnh biệt nghiệp ""hát sĩ" của tôi.
Tôi còn một kỷ niệm không quên với thầy Châu Phan. Không biết cái tên tôi có duyên nợ gì với thầy mà thầy đặc biệt quan tâm đến... không bình thường. Có lẽ ngày xưa còn bé thầy được cha mẹ cưng chiều dữ lắm, ngày tối bắt thầy uống nước cam cho có nhiều vitamin C chống bệnh. Thầy bị đám người giúp việc nhà ăn xén bớt đường cát ngọt ngào và mua loại cam rẻ tiền cho thầy uống chua lè chua lét, nên thầy thấy chữ cam là dị ứng, và thầy quyết tâm trả thù mấy trái cam. Ôi Cam Tân An của Miền Nam bị mất giá ở Huế rồi!
Vào lớp, sau khi cho chúng tôi đi du ngoạn thế giới xem di tích cổ của nhân loại hoặc sau khi trở về sống với tổ tiên thời tiền sử, (thầy là giáo sư dạy sử Tây Phương) thầy giở sổ điểm ra, không cần cúi xuống ngó tới tên sinh viên làm gì cho hao tốn calories, cũng không cần giở sổ điểm làm chi cho mất thì giờ, lần nào cũng vậy, thầy cất giọng tenor:
- Chị Ca...a...m.
Tôi lên trả bài. Có điểm rồi tôi ỷ y lần sau không học bài. Thế là lại: Chị Ca...a...m... Kết quả thì các bạn biết rồi, khỏi nhắc. Cứ thế quen miệng Chị Cam, Chị Cam..., cho đến 4 cột điểm rồi mà thầy không tha. Lần thứ năm, sau khi dứt giảng bài, thầy vẫn cứ Chị Ca...a...m. Tôi tức mình phản đối, cả lớp cười rần rần. Sau đó thầy mới... tha tào. Các bạn ơi, không biết có trường Đại Học nào mà bắt sinh viên lên bảng trả bài như Viện Hán Học của ta không? Trường của ta là trường đặc biệt độc nhất vô nhị trên thế giới gọi sinh viên lên bảng trả bài như học sinh tiểu học, hoặc trung học cấp hai. Không giống ai cho nên mệnh yểu chăng, chỉ thọ 6 năm?
Ngoài ra các thầy còn quan tâm đặc biệt với đám sinh viên xa gia đình như cha mẹ quan tâm tới con cái vậy. Khi tôi hăng hái xung phong (bệnh phong có tên là xung) đứng ra nhận lãnh nấu tiệc tất niên 1963 cho sinh viên cả trường (chắc lúc đó tôi uống lộn thuốc nên đầu óc hơi mát dây thần kinh), các thầy đến động viên khích lệ, thật cảm động. Tôi còn lưu giữ vài tấm hình chụp thầy Chương đến thăm trong lúc bọn tôi tạm nghỉ để dùng bữa trưa. Thầy Nguyện thì "Các con giỏi quá...," thầy Dật thì "Các chị chiụ khó quá..."
Sau đó chúng tôi còn tổ chức liên hoan Tất Niên riêng cho đám xa gia đình tại nhà trọ để đỡ buồn nhớ quê, nhớ nhà trong mấy ngày cận Tết. Tôi và một vài đứa em nữ ngang hông bù đầu nấu ăn, các nam thì giao cho nhiệm vụ dọn dẹp, trang trí phòng ốc, còn Ngọc Dung lo nhiệm vụ viết "đít cua." Nhỏ này làm biếng. Khi thầy Nguyện, thầy Dật, thầy Ngân đến dự, tôi hỏi Dung bài đâu. Ngọc Dung cười hì hì... trừ. Thế có tức không? Không đứa em nào chịu ứng khầu thành văn, đùn đẩy cho tôi: Chị lớn chị nói đi. Đùn đẩy trước mặt các thầy coi không được, đành làm lớn phải làm láo, tôi buộc lòng ứng khẩu một bài "đít còng." Khi tôi nói tới việc chúng tôi vô cùng cảm động vì được các thầy quan tâm, bỏ việc quan trọng, tới dự bữa tiệc đơn sơ với những đứa trẻ xa cha xa mẹ trong những ngày quan trọng này, thì đám tiểu quỷ cái này trở thành những trái mít ướt. Nước mưa rớt lộp độp trong nhà mặc dù ngoài trời hôm đó Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Sét đang trốn nhiệm vụ của mình, bận lo nhậu nhẹt với đám tiên nữ của chị Hằng Nga. Tôi đành tắt tiếng ngang xương.
Ôi! Nhớ làm sao những ngày xanh tươi thắm đó! Ước gì trái đất quay ngược chiều để trở về quá khứ thân yêu ngày tháng cũ, hưởng lại hạnh phúc của tuổi học trò đã xa lắm rồi nhưng vẫn còn đậm nét không phai. Nhớ làm sao là nhớ xứ Huế nên thơ, người Huế hiền lành, các thầy không chỉ là SƯ mà còn là PHỤ của chúng tôi nữa!!!
Vhp.Hạ Vũ
(Viết theo lời kể của Cam Tân An)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét