Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất
Sàn tàu dưới chân tôi run nhẹ và con tàu hơi sựng lại. Tôi đoán máy tàu vừa giảm như Võ Bằng căn dặn nhân viên. Tôi bước đến cột cờ cuối lái, tò mò nhìn hai cuộn nước thi đua ra sức đẩy khối sắt khổng lồ. Khó mà ngờ lái tàu lại thấp đến thế, chừng không quá một sải tay là đụng mặt biển. Tiếng rầm rập của chân vịt, tiếng xạc xào của nước xoáy tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn vui tai. Vùng nước cuồng xoay càng xa đuôi tàu càng dịu dần, cuối cùng hình thành một vệt dài như dòng sông bạc giữa đại dương xanh.
Sảng khoái trước cảnh tượng lần đầu được thưởng thức, tôi ngẩng mặt hít thật sâu. Vừa thở ra tôi vừa xoay người nhìn về hướng mũi. Nói cho đúng, tôi nhìn về phía cửa hông, với hy vọng Võ Bằng xuất hiện. Tôi tìm bóng dáng anh chàng ở tầng cao hơn. Lá Quốc Kỳ nền vàng ba sọc đỏ bay phất phới ở đỉnh cột giữa tàu. Tôi thực sự ngạc nhiên trước hình ảnh sống động hiện tại so với hình ảnh lặng lờ của lá cờ treo ở cột sau lái tôi thường thấy khi cùng Hưng quan sát sinh hoạt của chiến hạm cặp bến Bạch Đằng. Tôi đoán rằng với chiến hạm, lá Quốc Kỳ được treo ở một trong hai vị trí, tùy khi cặp bến hay hải hành. Tôi say sưa ngắm hình ảnh mới mẻ vừa khám phá. Nắng vàng và trời xanh tô điểm lá cờ thêm lộng lẫy, uy nghi. Dù Hưng nói gì thì nói, tôi vẫn yêu lá cờ vàng ba sọc đỏ. Còn ý nghĩa nào đẹp hơn ba miền chung dòng máu đỏ da vàng. Tôi chào kính lá cờ đó từ lớp mẫu giáo cho đến ngày nay và chắc chắn tôi còn tiếp tục chào kính cho đến hết đời. Lá cờ đó không chỉ là biểu hiện của dân tộc trường tồn mà còn là biểu hiện quãng đời trưởng thành tươi đẹp của tôi và cuộc sống đầy trọng vọng của ba má tôi. Khi nghe lời Hưng chống Mỹ cứu nước, tôi mụ mị quên mất là lá cờ này ngày ngày vẫn ngạo nghễ phất phới khắp Miền Nam. Bọn Mỹ mang quân đến xâm lược chẳng lẽ quên một việc ưu tiên sơ đẳng là thay thế cờ vàng bằng cờ sao sọc? Con đường tôi chọn hiện tại có đúng là lý tưởng?
Tôi nghe mệt mỏi, chán ngán chừng như sắp quỵ ngã. Hai cột trụ quấn dây hình số 8 cách tôi dăm ba bước xem ra là chỗ ngồi hấp dẫn. Khi tôi vừa ngồi xuống thì chợt thấy trên khoảng sơn đỏ dưới chân có những vệt trắng tinh anh. Tôi khom người đưa tay xoa nhẹ. Thì ra là những hạt muối từ nước biển tạt lên bốc hơi. Tôi nhớ đã bị nước bắn tóe khi đứng ở giữa tàu và đưa tay xoa hai má. Cả hai rin rít các hạt li ti. Trán và cổ tôi đã bắt đầu rịn mồ hôi. Khi đứng lên tìm chỗ tránh nắng, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là tên Mỹ ngồi sẵn từ bao giờ ở hai trụ bên mạn đối diện. Hắn mỉm cười, tay vẫy chào. Tôi không cách nào hơn là huơ tay đáp lễ.
Sự hiện diện của tên Mỹ khiến tôi bước về phía mũi tàu dù chưa biết tránh nắng nơi nào. Khi đến bên dưới chiếc ca nô treo kề hông khối sắt, đúng nơi tôi gặp Trung sĩ Tùng vào sáng sớm, tôi đứng nhìn ra biển khơi, nắm dây an toàn bằng cả hai nắm tay. Chân trời gập ghềnh theo dãy Trường Sơn. Hòn Lớn, Hòn Yến không còn bóng dáng. Vẫn biển xanh lao xao, óng ánh, chập chùng. Vẫn trời xanh vời vợi mây trắng lang thang …
Tôi còn phải ngắm những hình ảnh nhàm chán này đến bao lâu nữa? Tàu đã giảm máy nghĩa là chuyến đi kéo dài. Dự trù về đến Sài Gòn sáng mai hóa thành chiều tối? Hưng sẽ chờ… mệt nghỉ! Anh đã quá lạc quan cho rằng sau khi chọn xong nơi đặt quả bom, tôi chỉ việc nằm khểnh nghe ca nhạc kịch. Tổ chức đã cấp cho tôi một cassette nhỏ với hai cuộn băng nhạc Trịnh Công Sơn, một cuộn kịch Kim Cương, một cuộn cải lương Sân Khấu Về Khuya nhưng đêm qua khi về tới buồng là đã ngất ngư, là ngủ thiếp. Rồi khi thức dậy thì bị Võ Bằng bám riết!
– “Mới ra nắng mà đôi má đã ửng hồng. Chắc tôi phải nuốt lời đã thề là không bao giờ còn dám yêu ai nữa…”
Tôi nghiêng mặt về tiếng nói của Võ Bằng. Anh chàng từ sân mũi bước vội đến đứng bên tôi.
– “Gặp Đại úy là nghe Đại úy nói… ‘dớ dẩn’!” Tôi cằn nhằn.
– “Chuyện yêu đương mà chê ‘dớ dẩn’ thì chuyện gì không ‘dớ dẩn’?”
– “Tàu hư gì, Đại úy? Tôi đã cảm thấy tàu chạy chậm lại.”
– “Hệ thống làm nguội máy gặp trở ngại. Cơ khí đang sửa chữa. Hy vọng vài tiếng là xong.”
– “Bớt máy thì chừng nào mới tới Sài Gòn?”
– ‘Cô khoe là chưa yêu ai mà sao nôn về quá vậy? Tưởng đâu tàu chạy chậm, thì giờ ngắm biển dài hơn, cô mừng mới phải!”
– “Đại úy nói bầu trời chỉ đẹp lúc hoàng hôn và bình minh. Thời gian còn lại chỉ thấy dài lê thê, chán ngắt!”
– “Với tôi thì ngày nào cũng đẹp, cũng ngắn nếu ta biết sử dụng nó.”
– “Đại úy sử dụng thế nào?”
– “Thí dụ như khi ngắm bình minh và hoàng hôn, tôi không chỉ ngắm bằng đôi mắt mà bằng cả tâm trí. Tôi vừa thưởng thức vừa đặt câu hỏi vì sao bình minh và hoàng hôn lại đầy sắc màu như thế! Tương tự, tôi cũng tự hỏi vì sao bầu trời và đại dương lại màu xanh và tại sao màu xanh đại dương lại đậm hơn màu xanh bầu trời. Rồi lại hỏi vì sao có mây và vì sao mây có nhiều loại, lắm màu. Lại hỏi vì sao có bão, gặp bão làm sao tránh? Ngắm lơi khơi, thời giờ không tốn bao nhiêu nhưng để giải tỏa các thắc mắc, có khi phải mất nhiều ngày. Phải đến thư viện. Phải tìm đúng sách. Phải đọc. Phải nghiên cứu!”
– “A! Một gợi ý rất hữu ích, thiết thực, đáng thực hành.” Tôi thích thú kêu lên. “Lâu nay tôi vô tâm quá! Từ nay phải học hỏi theo lối của Đại úy. Bắt đầu, Đại úy làm ơn cho tôi mượn sách giải đáp các câu hỏi Đại úy vừa nêu.”
– “Tàu có thư viện, nhưng rất tiếc không có sách cô cần!”
– “Vậy Đại úy có sẵn lòng thay thế… thư viện?”
– “Với ai khác thì tôi sẽ nói không huởn, nhưng với cô thì tôi sẵn lòng bất cứ lúc nào!” Võ Bằng mỉm cười với vẻ âu yếm. “Vì sao biển và trời có màu xanh? Hẳn cô còn nhớ, thời trung học, chúng ta đã biết ánh sáng là tổng hợp của bảy màu: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím. Khi ánh sáng chiếu vào bầu khí quyển trong đó có các phân tử, các hạt bụi, hạt nước, mỗi màu của ánh sáng có độ dài sóng, tần số và năng lượng khác nhau sẽ bị hấp thụ hoặc phản xạ hoặc khuếch tán khác nhau. Màu có độ dài sóng lớn như đỏ, cam, vàng sẽ bị hấp thụ nhiều, Có độ dài sóng ngắn như xanh, lam, chàm, tím sẽ bị khuếch tán và phản xạ. Do mắt người nhạy cảm với màu xanh nên nhìn bầu trời chỉ thấy màu xanh. Môi trường của biển tương tự môi trường khí quyển. Nhưng màu xanh của nước biển đậm hơn màu xanh của bầu trời là vì ngoài khuếch tán màu xanh của ánh sáng còn phản chiếu thêm màu xanh bầu trời.”
Tôi hân hoan tương đắc với hiểu biết mới. Chỉ cần hai chữ ‘vì sao’ để thêm kiến thức mà lâu nay quá vô tình! Để bày tỏ chút lòng biết ơn Võ Bằng, tôi nồng nhiệt hỏi:
– “Đại úy, vì sao lại có sóng bạc đầu? Có phải vì phần trên đỉnh sóng tan vỡ thành bong bóng, đủ mỏng để ánh sáng xuyên qua, không khuếch tán, không khúc xạ, nghĩa là giữ nguyên màu trắng?”
Võ Bằng kêu lên như khoa học gia Archimedes khám phá chân lý:
– “Eureka! Eureka! Cô phải là tri kỷ của tôi mới được.”
– “Đại úy nói, khi ánh sáng chiếu vào bầu khí quyển, bảy màu của ánh sáng bị khúc xạ, khuếch tán tùm lum, nhưng ta chỉ thấy màu xanh vì màu xanh nhạy cảm với thị giác. Xin hỏi, vậy thì vì sao khi mặt trời mới mọc và sắp lặn, ta lại thấy màu đỏ?”
– “Vì sao ư?” Võ Bằng tươi cười đáp. “Vì vào thời điểm đó lớp khí quyển của trái đất dày nhất nên các màu đều bị khuếch tán, trừ màu đỏ. Màu này có độ dài sóng lớn nhất nên dễ dàng xuyên qua. Khi mặt trời lên cao dần, bầu khí quyển mỏng dần, màu đỏ bị khuếch tán dần. Cho đến thiên đỉnh, tức giữa trưa, lượng khí quyển mỏng nhất nên mặt trời trở thành trắng lóa.”
Thấy Võ Bằng nhìn đồng hồ, tôi vội hỏi:
– “Còn về mây? Đại úy nói mây có lắm loại, có nhiều màu.”
Võ Bằng mỉm cười, cặp mắt không rời khuôn mặt tôi:
– “Cô thật sự muốn biết? Có ăn nhằm gì môn Sử-Địa đâu?”
Thay vì thú nhận rất muốn biết, tôi trêu chọc:
– “Để giết thì giờ mà!”
– “Đại khái mây là khối tập họp hơi nước. Một đám mây nhỏ có thể nặng tới 500 tấn. Nhưng tại sao chúng không bị rơi xuống đất mà lại trôi lang thang? Là vì hơi nước nhẹ hơn không khí nên có khuynh hướng bốc lên cao nhưng lại đủ nặng để chịu lực hút của trái đất. Khi mức độ tích tụ tăng cao, tùy nhiệt độ của khí quyển mà ngưng tụ thành giọt nước hay tinh thể nước đá và rơi xuống thành mưa, thành tuyết hay mưa đá.”
Võ Bằng ngưng nói, mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi. Tôi hơi ngượng, nhắc:
– “Còn loại mây, màu mây?”
Võ Bằng chớp mắt làm như sực tỉnh:
– “À, mây được ghi nhận có 10 loại mang tên bằng tiếng Latin rất khó nhớ. Dù chỉ phải nhớ một tên thôi, tôi thà nhớ tên Pham Kim Phượng.” Võ Bằng nhăn nhở cười duyên. “Mười loại mây này được đặt tên theo độ cao của nó và được xếp vào ba tầng: tầng thấp, tầng trung và tầng thượng. Tầng thấp từ mặt đất lên 2 ngàn mét gồm 4 loại: Cumulus, Stratus, Stratocumulus và Nimbostratus. Tầng giữa từ 2 ngàn mét đến 7 ngàn mét gồm 2 loại: Altocumulus và Altostratus. Tầng thượng từ 7 ngàn mét tới 18 ngàn mét gồm 4 loại: Cirrus, Cirrocumulus, Cirrostratus và Cumulonimbus. Còn màu của mây thì tùy thành phần cấu tạo, tùy độ dày mỏng… mà có mây trắng, mây đen, mây ngũ sắc, v.v…”
Võ Bằng chỉ một cụm mây gần chân trời.:
– “Đó là loại mây Cirrus, có dạng tơ trắng mong manh, giăng lơ thơ rất cao trên nền trời khiến không thể không nghĩ tới câu thơ Đỗ Phủ: ‘Thiên thượng phù vân tự bạch y’.”
Anh chàng nhìn quanh, tìm kiếm, lại tiếp:
– “Cụm mây như cục bông gòn kia là loại mây Cumulus tôi thích nhất. Nó báo hiệu một ngày trời rất đẹp. Gặp gió, loại mây này biến hóa thiên hình vạn trạng trong đó có bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương. Nhưng tôi lại rất ghét một loại mây tương tự cumulus mang tên cumulonimbus. Loại mây này rộng hơn, dày hơn, cao hơn, có màu xám đậm gây những trận mưa rất lớn. Có thể đây là loại mây được người xưa mô tả là … thâm đông, chúng ta đề cập hôm qua!’
Tôi tặng Võ Bằng một cái liếc xéo trước khi nghe tiếp:
– “Người xưa cũng hay nói ‘sau cơn mưa trời lại sáng’ nhưng ít khi nói về một hiện tượng đặc biệt là sau cơn mưa còn có thể có ‘mống chuồn’.”
Tôi phì cười lớn. Võ Bằng có cái tài là không để tôi giữ được vẻ mặt bình thản hay trang nghiêm. Anh chàng phát âm ‘mống chuồn” thay vì ‘móng chuồn’, gợi tôi nhớ thời mới lớn bạn bè hay dùng để chọc ghẹo nhau. Hưng rất hiếm khi nói đùa hoặc anh có nói mà vì ngôn ngữ bất đồng, tôi không hiểu đủ để bật tiếng cười. Lắm khi tôi phải yêu cầu anh nói lại. Nhưng với Võ Bằng, cùng miệt vườn, cùng ngôn từ dân dã, thật dễ cảm thông và gần gụi. Tôi vui vẻ khuyên can:
– “Đại úy nên dùng danh từ ‘cầu vồng’ cho nó đúng sách vở, chớ dùng ‘móng chuồn’ tôi nghe… nhột quá!”
Võ Bằng cười thiệt tươi:
– “Tiếng Việt mình thật tuyệt vời. Móng chuồn là một cách ám chỉ, mây mưa là một cách ám chỉ khác. Nhưng… vì sao có móng chuồn? Giải thích hiện tượng này thì dông dài, chỉ cần biết đại khái là do mặt trời chiếu qua triệu triệu giọt mưa, bị phản xạ và khúc xạ liên miên nên hiện nguyên hình bảy màu: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím.”
Võ Bằng lại nhìn đồng hồ, tôi vội hỏi:
– “Như vậy Hải Quân học về mây để tiên đoán thời tiết?”
– “Chỉ phần nào thôi, như phong vũ biểu Barometer, là một cảnh giác trong khi chờ xác nhận từ bản tin chính thức do các đài khí tượng chuyển đến. Bản tin khí tượng đặc biệt hữu ích khi có bão. Nó cho biết tâm bão đang ở tọa độ nào, hướng di chuyển, vận tốc, sức gió ra sao, nhờ đó chiến hạm tìm vùng an toàn để tránh.”
Tôi nghiêng mặt, định hỏi tiếp thì đã nghe giọng cợt đùa:
– “Bây giờ là 11giờ 15 phút. 15 phút nữa tôi phải chuẩn bị để nhận phiên hải hành. 15 phút đó đủ để tôi trả lời các câu cô hỏi về tôi, như tôi đã yêu ai và đang yêu ai!”
– “Đại úy có hứa sẽ đưa tôi viếng Trung Tâm Chiến Báo!” Tôi thản nhiên nhắc nhở.
– “Tôi luôn luôn giữ lời hứa. Thì viếng Trung Tâm Chiến Báo!”
Chúng tôi leo lên sân thượng bằng chiếc thang thẳng đứng tựa vách khối sắt. Sân thượng là một khoảnh sân vuông vức mỗi cạnh năm thước. Giữa sân có một cầu thang bắt lên tầng cao hơn, tôi đoán là Đài Chỉ Huy. Một cạnh là vách của tầng giữa. Ở mỗi cạnh dọc hông tàu là một ổ súng máy. Cạnh cuối cùng nhìn thẳng hướng lái tàu. Lên cao hơn, phối cảnh đổi thay, tôi mải mê ngắm biển và trời. Xem chừng biển bao la hơn, trời vời vợi hơn, sắc màu tươi sáng hơn, tàu thuyền rõ nét hơn.
Võ Bằng mở cánh cửa nặng nề phía sau cầu thang phô bày một buồng nhỏ chất chồng nhiều khối máy móc đang hoạt đông. Có khối với những ô chữ số, có khối nổi sóng tín hiệu. Có khối mang dãy gạch đỏ đen. Một nhân viên tháo gỡ ống nghe đứng lên chào. Võ Bằng giới thiệu chúng tôi rồi theo một lối đi hẹp vào sâu hơn. Một chiếc bàn vuông lớn đặt giữa gian phòng rộng mát, quanh bốn vách gắn lỉnh kỉnh các dụng cụ tôi chưa từng thấy bao giờ. Võ Bằng nói:
– “Trung Tâm Chiến Báo là đây. Mỹ gọi là CIC, viết tắt chữ Combat Information Center. Hai khí cụ có màn ảnh tròn đặt ở hai góc là máy Radar và Sonar. Như tôi đã có dip nói qua, Radar là máy phát giác tàu và phi cơ địch. Sonar phát giác tàu ngầm. Rất tiếc chiến hạm đang trên đường về bến nên không thể cho cô xem tận mắt, nghe tận tai các hình ảnh và âm thanh tuyệt vời của chúng. Ba dụng cụ gắn ngang hàng trên vách hông là đồng hồ 24 giờ, phong vũ biểu Barometer, và máy đo chiều sâu Fathometer.”
Võ Bằng đứng sát mép tấm bản đồ chiếm trọn mặt bàn, bên trên có bút chì, com-pa, thước kẻ song song:
– “Đây là tấm hải đồ và các thước đo cần thiết cho việc hải hành và săn tàu ngầm. Việc hải hành được chia thành hai loại: Hải hành cận duyên và hải hành viễn dương. Một phương pháp hải hành dùng chung cho hai loại này là Phương pháp Hải Hành Phỏng định, tiếng Mỹ gọi là Dead Reckoning.
Võ Bằng chăm chú nhìn tôi dò xét. Thấy tôi tỏ vẻ lắng nghe, anh chàng vui vẻ tiếp:
– “Để dễ thấy phương pháp này, một so sánh cụ thể rất nên đưa ra. Ví dụ mình tính đi đâu đó bằng xe hơi với vận tốc trung bình 60 cây số giờ và dự trù đến nơi sau 10 tiếng. Nếu không bị kẹt xe, hoặc không bị Việt cộng đắp mô thì đến đúng giờ dự trù. Ảnh hưởng của gió không làm thay đổi tốc độ, vì chỉ cần bớt hay tăng thêm ga. Với tàu biển thì gió và dòng hải lưu có tác động rất lớn. Bởi vì khác với xe chạy trên mặt đường, tàu thì chạy trên mặt biển, Nghĩa là dù hướng đi và vòng quay chân vịt giữ nguyên, con tàu bị gió và hải lưu đẩy dạt ít nhiều khỏi đường đi và đồng thời làm tăng hay giảm tốc độ. Nói cách khác, con tàu sẽ đến ngoài địa điểm đã định đồng thời đoạn đường di chuyển cũng dài hơn hoặc ngắn hơn.
Võ Bằng lại ngưng nói, nhìn tôi. Chỉ đến khi tôi cho biết đã hiểu anh chàng mới chịu trình bày tiếp:
– “Một rắc rối nữa là trên thế giới, tùy theo vùng và theo mùa, chiều và vận tốc của gió và của dòng hải lưu khác nhau. Nói riêng về bờ biển của chúng ta, có hai mùa gió, là mùa gió Đông-Bắc tức mùa Gió Chướng, thổi từ đông-bắc xuống tây-nam khoảng tháng 11 đến tháng 4. Và mùa gió Tây-Nam, thổi ngược lại, từ tháng 5 tới tháng 10. Về dòng hải lưu thì coi như gió chiều nào dòng hải lưu chảy theo chiều ấy.”
Võ Bằng chỉ một vòng tròn lớn in sẵn trên hải đồ:
– Đây là Vòng Tròn Định Hướng, tiếng Anh gọi là Compass Rose, được chia đều thành 360 góc độ. Đường thẳng qua số 0 và 180 là trục Bắc Nam của Trái Đất. Đường thẳng qua số 90 và 270 là hướng Đông Tây.”
Anh chàng chỉ một đường thẳng kẻ sẵn bằng viết chì trên hải đồ và vẽ thêm hai gạch chéo hai bên đường kẻ:
– “Còn đây là đường đi thật 190 độ của chiến hạm và giả thử một bên đường đi có một đảo chìm và bên kia là vùng đá ngầm. Khi bị gió và hải lưu đánh dạt, con tàu sẽ va phải một trong hai đối vật này. Vì vậy, tùy mức độ nguy hiểm của hải trình, thỉnh thoảng sĩ quan đương phiên phải xác định vị trí chiến hạm. Xác định bằng cách dùng la bàn đo ba góc độ của ba đối vật trên bờ. Điểm giao nhau của chúng là vị trí thật của chiến hạm lúc đó. Khi thấy vị trí này nằm ngoài đường đi thật, sĩ quan đương phiên phải tính toán để định ra hướng đi mới sao cho con tàu dù bị dạt vẫn nằm trên đường đi thật. Thí dụ như chúng ta đang trong mùa gió tây nam, gió và dòng nước tác động vào chếch mạn phải của con tàu, đẩy con tàu dạt ra ngoài đường đi thật về phía trái. Vậy muốn giữ con tàu nằm trên đường đi thật, hướng đi phải chếch bên phải. Việc tính toán để tìm ra hướng đi nhờ vào công thức: khoảng cách bằng vận tốc nhân với thời gian và các dụng cụ đo đạc. Thí dụ ta tìm ra hướng đi mới là 200 độ. Cho lái hướng này, thực tế con tàu chạy trên đường đi thật là 190. Theo miệt vườn của chúng ta, cách thức này gọi là lái trừ hao, phải hôn cô Phượng?”
Tôi cười gật đầu. Võ Bằng hỏi:
– “Cô có bao giờ thấy chiếc la bàn?”
– “Dĩ nhiên. Dân sử-địa mà!”
– “Cô từng có dịp ứng dụng nó?”
– “Chưa,” Tôi thú thật.
– “La bàn cô thường thường thấy là la bàn từ. Hải Quân chúng tôi… chê loại này bởi nó không chính xác. Như cô biết, do cấu tạo địa chất khác nhau, mỗi địa phương có địa từ trường mạnh yếu khác nhau. Lại thêm độ lệch địa từ variation mỗi năm một khác. Lại còn chịu ảnh hưởng sắt thép máy móc của con tàu, gây thêm độ lệch deviation. Cho nên, để tìm hướng Bắc thật của la bàn từ, sĩ quan hải hành phải tính toán lôi thôi lắm! Chính vì vậy la bàn từ chỉ dùng đến khi la bàn điện bị hư. La bàn điện là khí cụ đã được khử từ, đã được điều chỉnh các độ lệch để lúc nào cũng chỉ đúng hướng Bắc của địa cực.
Võ Bằng nhìn tôi như đo lường mức độ tôi nhận hiểu. Thật tình tôi chỉ hiểu lơ mơ nhưng đủ thấy mới lạ và thú vị rất đáng nghe tiếp. Hơn nữa tôi đã nhập tâm ‘ranh ngôn’: thà nghe Võ Bằng nói hơn là bị nói; tức thà hỏi hơn bị hỏi. Tôi hăng hái khích lệ:
– “Mục đích chuyến đi của tôi là ngắm biển và tìm hiểu đời sống trên biển. Đại úy vừa cho tôi một số kiến thức mới lạ và thú vị. Tôi chưa từng biết khi hải hành dọc ven biển, người ta định vị trí tàu bằng cách dùng la bàn điện đo hướng ba đối vật. Cũng chưa hề nghĩ đến gió và hải lưu làm tàu chạy lệch đường. Vậy trong trường hợp hải hành viễn dương, như chuyến đi xuyên Thái Bình Dương của Đại úy, cả tháng lênh đênh không bến bờ, tìm đâu ra ‘đối vật’ mà định vị trí?”
– “Đối vật thì ở đâu chẳng có! Hải hành cận duyên thì có đối vật trên đất. Hải hành viễn dương thì có đối vật trên trời. Dĩ nhiên dụng cụ để đo hướng đối vật trên trời và cách đo cũng khác. Đối vật trên trời là các thiên thể như mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Đây là phương pháp rất nhiêu khê, gọi chung là phương pháp hải hành bằng thiên văn. Tôi chỉ đưa ra vài ‘khái niệm’ gợi ý, chớ muốn hiểu rõ thì cô phải gặp tôi liền tù tì vài tháng.”
– “Khó dữ vậy sao?” Tôi giả lả.
– “Có lẽ đó là môn học khó nhất của nghề đi biển. Để định vị trí bằng thiên văn, cụ thể là Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh, các định tinh …”
– “Xin lỗi, thế nào gọi là hành tinh, định tinh?” Tôi ngắt lời.
– “Chúng ta đều biết Thái Dương Hệ gồm Mặt Trời và 9 hành tinh quay quanh. Chín hành tinh đó đặt theo thuyết ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, đặt theo trời, biển, địa ngục là Thiên Vương Tinh, Hải Vương Tinh, Diêm Vương Tinh và đặt theo hứng là Địa Cầu tức Trái Đất. Còn định tinh là những ngôi sao sáng, có vị trí ổn định trên thiên cầu. Định tinh gần ta nhất là Mặt Trời, cách hơn 4 năm ánh sáng. Tốc độ ánh sáng là 300 ngàn cây số mỗi giây. Năm ánh sáng là quãng đường ánh sáng đi được trong 1 năm, tức là gần 10 ngàn tỷ cây số. Vậy Mặt Trời cách ta gần 40 ngàn tỷ cây số!”
Tôi thè lưỡi:
– “Đường xa chi mấy!”
– “Cô có đọc tập truyên của Lan Đình hả?”
Tôi gật đầu nhưng kéo Võ Bằng trở lại chủ đề:
– “Cám ơn Đại úy cho tôi hiểu rõ về hành tinh, định tinh. Xin tiếp tục.”
– “Định vị trí bằng thiên văn là một việc làm đòi hỏi sự lanh lẹ, khéo léo và chính xác. Các dụng cụ cần có là Sextant, Chronometer, Timer, The Nautical Almanac…
Dùng kính lục phân Sextant để đo độ cao và phương vị độ thiên thể. dùng đồng hồ Chronometer, Timer để đo thời gian và dùng Lịch thiên văn The Nautical Almanac để có tọa độ các thiên thể. Từ các số liệu đó tính ra vị trí con tàu. Đặc biệt Lịch thiên văn còn cho biết giờ Mặt trời, Mặt trăng mọc lặn, Sự bắt đầu và kết thúc của bình minh và hoàng hôn. Tôi yêu bình minh và hoàng hôn vì đó là các thời điểm vừa thấy được rõ ràng chân trời vừa còn nhận ra thiên thể muốn đo đạc. Cô muốn nghe tiếp chứ?”
Tôi sốt sắng gật đầu. Võ Bằng cười mỉm:
– Tôi nói đúng phải không? 15 phút trôi thật mau. Cô muốn nghe tiếp, hẹn sau khi tôi xuống phiên. Giờ thì chúng ta xuống phòng ăn.”
Tôi nhìn đồng hồ:
– “Còn sớm mà Đại úy, mới mười một giờ rưỡi.”
– “Bộ cô tính cho tôi nhịn đói nhận phiên hải hành sao chớ? Cho tôi ít thì giờ dằn bụng, cô cũng cần thì giờ chuẩn bị đón tiếp Hạm Trưởng chủ tọa bữa ăn.”
– “Bộ bữa ăn… vắng mặt Đại úy?” Tôi lo ngại hỏi.
– “Cô là người đại diện!”
Nghĩ đến việc ngồi ăn với toàn là thứ dữ, tôi cảm thấy hụt hẫng:
– “Đại úy cho tôi miễn…”
Võ Bằng lại nở nụ cười dễ ghét:
– “Miễn đại diện Hạm Phó thì được nhưng miễn với tư cách thân nhân Hạm Phó thì không!”
– “Cho miễn đi mà!”
– “Như tôi đã nói, bữa ăn trưa và tối, không ai được phép vắng mặt và cũng không ai được rời bàn trước Hạm Trưởng. Nếu cô nhất định không dự, hãy đích thân xin phép Hạm Trưởng với lý do chính đáng.”
Tôi ngẩn ngơ bước theo Võ Bằng. Trên đường đến phòng ăn, tôi chợt khám phá ra một sự thật khó tin: Gần bên Võ Bằng, mọi lo âu của tôi tan biến…
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét