THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 97 :
TANG TAO TẢO TẠO
桑 弧 蓬 矢 Tang Hồ Bồng Thỉ
TANG HỒ BỒNG THỈ 桑 弧 蓬 矢 : TANG là Cây Dâu; HỒ là Cây Cung; BỒNG là Cỏ Bồng; THỈ là Cây Tên, nên TANG HỒ BỒNG THỈ có nghĩa là "Cây cung được làm bằng cành dâu và Mũi tên được làm bằng lõi của cỏ bồng rất cứng". Thành ngữ nầy có xuất xứ từ sách Lễ Ký-Thiên Nội Tắc (禮 記.內 則): Ngày xưa, khi thế tử được sinh ra, thì Lễ quan dùng cung làm bằng cành dâu và sáu mũi tên bằng cỏ bồng, bắn lên trời xuống đất và bắn ra bốn hướng Đông Tây Nam Bắc để biểu thị chí hướng cao xa rộng lớn. Sau trong dân gian sanh con trai cũng bắt chước làm theo để mong cho con mình có chí lớn, và vì thế mà lại hình thành thêm một thành ngữ nữa là NAM NHI CHI CHÍ 男 兒 之 志 là Chí hướng của người con trai. Ta gọi là "Chí Làm Trai". Còn thành ngữ TANG HỒ BỒNG THỈ 桑 弧 蓬 矢 thì ta gọi thành TANG BỒNG HỒ THỈ hay HỒ THỈ TANG BỒNG, như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết trong bài hát nói "Nợ Nam Nhi" là:
TANG BỒNG HỒ THỈ nam nhi trái, 桑 蓬 弧 矢 男 兒 債
Cái công danh là cái nợ lần...
Còn trong bài "Chức Phận Kẻ Trượng Phu" thì ông viết là:
Chí TANG BỒNG HỒ THỈ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế...
Trong bài "Chí Làm Trai" thì ông lại viết đầy đủ hơn về chí lớn của kẻ làm trai với các câu mở đầu như sau:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ TANG BỒNG vay trả, trả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng dùng gọn lại bằng hai chữ TANG BỒNG mà thôi:
Bấy lâu đèn sách ra công,
Con đà nên chữ TANG BỒNG này chăng?
Tang Hồ Bồng Thỉ
Còn...
TANG BỘC 桑 濮 là nói gọn lại của 4 chữ TANG TRUNG BỘC THƯỢNG 桑 中 濮 上 hay TANG GIAN BÔC THƯỢNG 桑 間 濮 上 có nghĩa là "Ở trong vườn dâu trên bờ sông Bộc". Theo chương Nhạc Ký trong sách Lễ Ký 禮 記 - 樂 記 có ghi: Tang gian Bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm dã 桑 間 濮 上 之 音, 亡 國 之 音 也 có nghĩa: Những âm thanh truyền ra từ rừng dâu trên sông Bộc là những âm thanh vong quốc. Và theo Địa Lý Chí Hạ trong Hán Thư《漢 書· 地 理 志 下》:“Vệ địa hữu tang gian Bộc thượng chi trở, Nam nữ diệc cức tụ hội, thanh sắc sanh yên 衛 地 有 桑 間 濮 上 之 阻,男 女 亦 亟 聚 會,聲 色 生 焉” có nghĩa: Trong vườn dâu trên sông Bộc của nước Vệ là nơi kín đáo, nên trai gái rất thường tụ tập nơi đó, vì thế mà sanh ra những âm thanh sắc dục. Nói một cách Nôm na là: "Con trai con gái của nước Vệ hẹn hò nhau trong rừng dâu bên bờ sông Bộc để cớt nhả đú đởn làm tình với nhau, là việc làm đồi bại dâm ô, là điềm mất nước", nên trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du dịch TANG GIAN BỘC THƯỢNG là "TRÊN BỘC TRONG DÂU" để làm lời nói của Thúy Kiều khi Kim Trọng "Xem trong âu yếm có chiều lả lơi" thì nàng Kiều đã "stop" chàng Kim lại bằng:
... Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Ta tuồng TRÊN BỘC TRONG DÂU,
Thì con người ấy ai cầu mà chi !?...
Còn trong truyện thơ Nôm Trinh Thử thì dùng thẳng từ TANG BỘC khi chuột đực gạ gẫm chuột bạch đã đáp rằng:
Ví đem TANG BỘC thói thường,
Xưa nay dạ sắt gan vàng như không !...
Tang Gian Bộc Thượng : Trên Bộc trong dâu
TANG DU 桑 榆 : Cây Tang (dâu tằm ăn) và cây Du (Như cây bưởi của ta), theo sách "Thái Bình Ngự Lãm" quyển ba dẫn "Hoài Nam Tử"《太 平 御 览》卷 三 引《淮 南 子》có câu: “Nhựt tây thùy, cảnh tại thọ đoan, vị chi Tang Du 日 西 垂,景 在 树 端,谓 之 桑 榆” có nghĩa: Mặt trời ngã về tây, ánh nắng chiếu trên ngọn cây, gọi là TANG DU, nên TANG DU có nghĩa là Phương tây, là trời đã về chiều, là tuổi già bóng xế, là tuổi đã về hưu. Như 2 câu thơ trong tác phẩm thơ Nôm Nhị Độ Mai:
Sinh ly xa cách huyên đình,
Một cây bóng ngã mấy cành TANG DU.
TANG TỬ 桑 梓 : Cây Tang và cây Tử (một loại cây cho gỗ tốt dùng để đóng đàn được). Ngày xưa, trong thôn xóm quanh nhà cha mẹ ở, trước trước sau sau đều trồng rất nhều cây Tang và cây Tử. Lâu dần, TANG TỬ được dùng để chỉ nơi cha mẹ ở hoặc để chỉ quê hương, cũng giống như từ PHẦN DU 枌 榆 là Tên đất, quê hương của Hán Cao Tổ, về sau cũng dùng để chỉ quê hương nói chung. Trong truyện thơ Nôm Từ Thức Gặp Tiên có câu:
Ngập ngừng nhớ cảnh PHẦN DU,
Anh em bè bạn mấy thu đến giờ !
Hay ghép PHẦN DU và TANG TỬ lại thành PHẦN TỬ 枌梓, như thơ Nguyễn Du trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh :
Bóng PHẦN TỬ xa chừng hương khúc,
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang.
Hoặc đảo ngược lại thành TỬ PHẦN như trong Truyện Kiều, lúc Từ Hải đi lập nghiệp Kiều đã nhớ về quê hương cha mẹ như sau:
Đoái thương muôn dặm TỬ PHẦN,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa !
Còn trong Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ thì dùng từ TANG TỬ :
Cành mai chếch mác càng thương,
Câu thơ TANG TỬ giữa đường càng đau.
Cây Tử Cây Tang Cây Phần Du
TANG ĐIỀN THƯƠNG HẢI hay THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN 滄 海 桑 田, là Biển Xanh và Ruộng Dâu. Theo tích Ma Cô 麻 姑 Thần Tiên Truyện 神 仙 傳 của Cát Hồng 葛 洪 đời Đông Tấn 東 晉.
Tiên cô Ma Cô nói rằng: Từ ngày tiếp nhận tuần tra đến nay đã ba lần thấy Biển Đông hóa thành Ruộng Dâu, nay lại đi ngang qua tiên đảo Bồng Lai thấy nước biển ở đó đã lưng hơn một nửa, chắc là muốn biến thành lục địa hay sao. Tiên ông Vương Viễn thở dài mà rằng: Các thánh nhân đều bảo rằng Đông Hải rồi sẽ là mảnh đất đầy bụi bặm cho mà xem...
Từ điển tích trên thành ngữ THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN 滄海 桑 田 thường dùng để chỉ những sự biến đổi lớn, những thay đổi bất ngờ ngoài dự tính của con người. Ta thường nghe "Tang thương biến đổi", "Bãi bể hóa nương dâu", "Cuộc đời dâu bể", "Thế sự bể dâu"... như trong truyện thơ nôm Từ Thức Gặp Tiên có câu:
Nguồn cơn biết ngỏ ai hay,
Giận cơ TANG HẢI trách ngày thiếu niên.
Hay tỏ ra bi quan yếm thế như nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều:
Phong trần đến cả sơn khê,
TANG THƯƠNG đến cả hoa kia cỏ này !
... nên con người mới "mang tiếng khóc ban đầu mà ra" để:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò BÃI BỂ NƯƠNG DÂU ?
... Rồi nhìn cuộc đời thay đổi trôi nổi như đám phù vân:
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người TANG THƯƠNG !
Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du đã mở đầu bằng những câu:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc BỂ DÂU,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
...và cụ đã đão ngược lại thành DÂU BỂ, khi cho Thúy Vân hỏi Kiều một cách thật vô tư đến... đáng trách là:
Cơ trời DÂU BỂ đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Cớ sao ngồi nhẫn tàn canh,
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây ?!
Thương hải Tang điền với Ma Cô tiên và Vương Viễn
TAO KHANG 糟 糠 mà ta hay đọc nhầm thành TÀO KHANG. TAO là TAO PHÁCH 糟 粕 là cặn bã; KHANG 糠 là Cám, là trấu, nên TAO KHANG là phần cặn bã của hạt lúa sau khi đã xay thành gạo, tức là Cám và tấm mẳn. Ngày xưa, chỉ có nhà giàu sang khá giả mới được ăn cơm, còn nhà nghèo khó chỉ ăn tấm mẳn mà thôi, nên thành ngữ TAO KHANG CHI THÊ 糟糠 之 妻 là Người vợ tấm mẳn, chỉ người vợ cả đã cùng chồng sống qua những ngày nghèo khổ khó khăn của lúc ban đầu. Theo Hậu Hán Thư:
Đầu đời Đông Hán, Quang Võ Đế Lưu Tú trọng dụng thị thần là Tống Hoằng, phong làm Thái Trung Đại Phu. Chị của Lưu Tú ở góa lâu ngày lại phải lòng Tống Hoằng, nên Lưu Tú muốn gả chị mình cho Tống Hoằng, bèn hỏi Hoằng về phép giao tế ở đời với cái nhìn "Giàu đổi bạn, Sang đổi vợ" như thế nào? Hoằng đáp là: "Bần tiện chi giao bất khả vong, TAO KHANG chi thê bất hạ đường 貧 賤 之 交 不 可 忘,糟 糠 之 妻 不 下 堂" có nghĩa: "Những người bạn lúc ta còn nghèo hèn thì không thể quên; Người vợ tấm mẳn lúc nghèo khó thì không thể bỏ được". Quang Võ Đế Lưu Tú nghe xong bèn thôi, không dám ép Tống Hoằng lấy chị của mình nữa, nên...
TAO KHANG chỉ người vợ gắn bó với ta từ thuở nghèo hèn, nói chung là vợ lớn, vợ cả thì không thể bạc đãi được. Trong Truyện Kiều, khi đã được Thúc Sinh chuộc về từ lầu xanh, Thúy Kiều cũng biết thân phận lẻ mọn của mình, nên khuyên Thúc về thăm vợ cả là Hoạn Thư. Cụ Nguyễn Du đã viết nên tình cảnh lúc bấy giờ là:
Tin nhà ngày một vắng tin,
Mặn tình cát lũy, nhạt tình TAO KHANG.
Bần tiện chi giao bất khả vong, TAO KHANG chi thê bất hạ đường
TẢO TẦN 藻 蘋 hay TẦN TẢO đều chỉ hai loại rau mọc dưới nước, như rau ngổ, rau nhúc của ta. Theo chương Chiêu Nam, Quốc Phong trong Kinh Thi 詩 經。國 風。召 南 có thơ:
于 以 采 蘋?南 涧 之 滨。 Vu dĩ thái TẦN? Nam giản chi tân.
于 以 采 藻?于 彼 行 潦。 Vu dĩ thái TẢO? Vu bỉ hành lạo.
于 以 盛 之?维 筐 及 筥。Vu dĩ thịnh chi? Duy khuông cập cử.
于 以 湘 之?维 锜 及 釜。 Vu dĩ tương chi? Duy ky cập phủ.
于 以 奠 之?宗 室 牖 下。 Vu dĩ điện chi? Tông thất dữu hạ.
谁 其 尸 之?有 斋 季 女。 Thùy kỳ thi chi? Hữu trai qúy nữ.
Có nghĩa :
Rau TẦN tìm hái ở đâu ?
Bên dòng khe nước ở đầu phía nam.
Rau tảo thì hái ngoài vàm,
Bên lạch nước biếc chảy tràn ngoài kia !
Hái xong đựng ở đâu kìa ?
Rổ rá em đã đựng vìa một khi.
Hái xong rồi nấu bằng gì ?
Cà ràng ông táo em thì nấu ngay !
Nấu xong em để cúng ai ?
Ông bà tiên tổ đặt ngay trên bàn.
Ai người van vái cầu an ?
Có cô gái nhỏ đảm đang mọi bề !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Tần Tảo , Tảo Tần
Đó là bài thơ ca ngợi các bà các cô là gái đảm đang, là vợ hiền dâu thảo, chăm hái rau TẦN rau TẢO về để làm cổ cúng tổ tiên, nên TẦN TẢO hay TẢO TẦN là từ dùng để ca ngợi đức tính siêng năng cần cù của người phụ nữ trong gia đình, như trong truyện Phạm Tải- Ngọc Hoa (còn có tên là Phạm Công- Cúc Hoa) có câu:
Sớm khuya chăm việc TẢO TẦN,
Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai !
TẠO HÓA 造 化 : Tạo tác và Sinh hóa, chỉ Đấng thiên nhiên tạo ra vạn vật và tạo nên mọi hoàn cảnh ở trên đời nầy. Trong văn học cổ TẠO HÓA là Thượng Đế, là Ông Trời như trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
TẠO HÓA gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng nhắc đến Tạo Hóa nhưng với thái độ hằn học hơn:
Tay TẠO HÓA cớ sao mà độc,
Buộc người vào kim ốc mà chơi.
Đến khi gặp cảnh trắc trở đau buồn thì không còn khách sáo nữa mà gọi thẳng là:
TRẺ TẠO HÓA đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương!
TRẺ TẠO HÓA là từ chữ Nho là TẠO HÓA NHI 造 化 兒, mà cụ Nguyễn Du đã gọi tắt là HÓA NHI (không phải là QÚA NHI 過 兒 của Tiểu Long Nữ gọi Dương Qúa đâu nhé!), khi Sở Khanh rủ Thúy Kiều bỏ trốn khỏi lầu Ngưng Bích rồi nửa đường lại lủi mất, để cho Thúy Kiều bơ vơ một thân một mình, bị Tú Bà rượt theo bắt về:
HÓA NHI thật có nỡ lòng,
Làm chi dày tía, vò hồng, lắm nau !
Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời !?
... và không chút khách sáo vì hờn mát, nàng Cung nữ của Ôn Như Hầu đã gọi thẳng HÓA NHI là CON TẠO:
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh,
Thử xem CON TẠO gieo mình nơi nao?
Khi đã tỉnh táo lại, không gọi là CON nữa mà gọi là... ÔNG TẠO HÓA, chữ Nho nói cho gọn lại thành HÓA CÔNG 化 公 :
HÓA CÔNG sao khéo trêu ngươi,
Bóng đèn tà nguyệt tẻ mùi ký sinh.
Hẹn bài viết tới :
TAY, TĂM, TẤC, TẤM.
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét