Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Cái Thuở Ban Đầu - Trần Văn Dật & Cảm Tác của Bùi Huy Nguyên và Nguyễn Bá Yên

                    Cái Thuở Ban Đầu


Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ đã ai quên (Thế Lữ)

Suốt mấy mươi năm trên dòng đời xô đẩy

Sâu thẳm tận cùng con tim

Vẫn thấp thoáng bóng hình em

Có những đêm

Tình cờ trong giấc mơ

Em bỗng về… không ngờ

Với bóng hình xưa cũ:

Mái tóc huyền óng ả nên thơ

Đôi mắt buồn dịu hiền quyến rũ

Và anh ngắm nhìn em, ngẩn ngơ…

Anh không nhớ

Em đà nói gì

Anh đã làm chi

Mà sáng dậy

Thẫn thờ… sầu bi…

Rồi nghĩ suy

Chuyện ngày xưa… thương mến, yêu vì…

Ngày xưa bài MẸ TÔI ([1])em hát

Tâm can anh man mác…

Buồn theo mỗi âm thanh:

 

“Anh lắng tai nghe máy phát thanh

Tên em giới thiệu đượm ân tình

Tiếng đàn bỗng dạo đầy êm ái

Anh thả tâm hồn tận cõi xanh…

 

Tiếng hát ngân nga quá não n

Giọng chừng lưu luyến, ý đê mê

Lim dim đôi mắt theo mơ tưởng…

Nhưng bỗng lòng sao lạnh tứ bề!...”

 

Yêu tiếng hát lâm ly

Rồi mê si ca sĩ

Anh tìm em lặng lẽ giữa đêm về

Ra đi

Nặng nề…

Tơ vương…

 

“Đêm dày rơi xuống ngập tình thương

Quanh quẩn chỉ trong một đoạn đường

Thấp thoáng em ngồi bên cánh cửa

Tóc thề buông xõa ánh đèn vương…

                      (…)

Một mình, một bóng giữa đêm thâu

Ai thấu cho ai dạ ủ sầu

Không buộc mà sao chân vẫn bước

Đăm đăm mắt dán chặt… hồi lâu!

 

Ước gì em bỗng ngước nhìn ra

Bốn mắt gặp nhau… ôi mặn mà!

Chết lặng đôi tim trong phút chốc

Côn trùng than thở vọng từ xa!...

 

Em cứ ngồi yên trong lạnh lùng

Và đêm càng xuống phủ không trung

Cô đơn anh lại về phòng vắng

Dằn vặt tâm tư giữa mịt mùng…”

 

                                   Ngày ấy

Cái thời trẻ trung

Vụng dại

Tuổi Xuân thì

Yêu mến nhìn nhau

Bằng lời ngô nghê…

 

“Gặp gỡ đầu tiên biết nói gì?

Tiếng yêu chỉ gợi dưới đôi mi

Luyến thương vẫn thấy như hờ hững

Muốn tỏ… nhưng rồi dám nói chi?

 

Mong ước tuôn ra những cảm tình

Hoa đời niên thiếu vẹn nguyên trinh

Mà rồi thấy cả điều ngăn trở

Đành phải nén lòng trong lặng thinh!

 

Người cười tôi cũng chỉ cười theo

Để lại tan đi giữa gió chiều

Gần gũi vẫn sao xa cách quá

Đêm nằm trằn trọc giữa cô liêu…

 

Ngang trái biết bao hỡi cuộc đời

Sầu tình vương vấn tuổi đôi mươi

Ai xui gặp gỡ làm chi vậy

Bận rộn cho mình trăng gió ơi!?

                                   

Tháng ngày trôi

Tôi vẫn yêu Người

Nuôi một lý tưởng

Mà Trời ơi!

Chẳng biết về mô?

          

“Anh cứ than gào giữa gió mưa

Cho vơi bớt nỗi nợ tình xưa

Yêu thương đã nói lên gì nhỉ

Lặng lẽ đi qua luống mịt mờ?!...

(…)

 

Nhân duyên ai gắn thế em ơi

Lẩn quẩn loanh quanh giữa chợ đời

Chua chát hoài  Xuân- yêu vẫn nhớ

Bi sầu lắng đọng chóng chiều rơi…”

Rồi

Nàng lên xe hoa

Tôi nhìn theo

Mang nỗi xót xa…

 

Tôi muốn xóa đi tất cả

Đừng nhọc lòng những chuyện ngày qua…

Nhưng đôi khi

Quái lạ

Bóng hình xưa… dịu hiền

Thon thả…

Lại bừng lên:

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ đã ai quên? (Thế Lữ)

 

                                 Trần Văn Dật

                           Vĩnh Long, 09/10/2008

[1] “Mẹ Tôi” của nhạc sĩ Nhị Hà

                        ***** 

    LỜI CẢM BÀI THƠ “CÁI THUỞ BAN ĐẦU”     

    Năm mươi năm đằng đẳng, ngỡ là thời gian đã xóa nhòa tất cả. Nhưng chiều hôm nay mưa buồn trên đất khách, anh chợt nhớ về dĩ vãng xa xăm. Bảy mươi tuổi đã già chưa hở em? Sao lòng anh vẫn yêu say đắm, dạt dào! Đôi mắt em buồn ngày xưa. Mái tóc huyền của em ngày xưa. Giọng hát em lâm ly ngày xưa…suốt bao năm anh khát khao, suốt bao năm anh say đắm, chợt hiện hữu trong anh nồng nàn. Em ơi dòng Thạch Hãn quê hương có còn giữ những kỉ niệm của một mối tình thầm lặng; góc phố Quảng Trị ngày xưa có còn in dấu những bước chân ngập ngừng của một kẻ si tình… Bao nhiêu năm trên đường đời rong ruổi, thế cuộc thăng trầm… Anh đi tìm trong hư vô. Công danh, áo cơm có nghĩa gì hở em? Đoạn cuối cuộc đời, anh mới nhận ra chỉ có tình em dành cho anh là nguyên vẹn. Chỉ có tình em mới nuôi lớn hồn anh, để cho anh khao khát sống, khát khao yêu…

     Em ơi hãy cho anh nói lời ngày xưa mà anh chưa một lần dám nói: “Anh yêu em! Anh yêu hoài Xuân”. Ở bên kia Đại dương em có nghe lời yêu thương muộn màng của anh? Cảm ơn em! Cảm ơn cuộc đời đã cho ta còn có nhau, đã cho ta còn nhớ nhau!

          Lời yêu muộn màng xin gởi  trọn về em! 

 

                          Vĩnh Long, tháng 10/2008

      Bùi Huy Nguyên

   

                             *****


“CÁI THUỞ BAN ĐẦU” CẢM TÁC

      Thời gian trôi… cứ trôi theo quy luật tự nhiên của muôn đời, nó bào mòn tuổi thơ và làm hao mòn sự sống của sinh vật và con người, nhằm tái tạo những thế hệ nối tiếp… Tuy nhiên vẫn còn tồn tại đâu đó một thực thể không hình dạng, không màu sắc của sức sống tinh thần trong nội tâm của mỗi con người, khó có thể bị rửa trôi bởi thời gian…  -“cảm xúc”.

Cảm xúc làm nảy sinh tình cảm thương yêu, giận ghét… giữa người và người. Trong đó, một thứ tình cảm thật dịu ngọt, thật êm ái không biết xuất phát từ đâu, đã hình thành một mối liên kết bền vững giữa hai thực thể khác phái… tạo nên một thứ cảm xúc luyến lưu khiến cho con người khó thế nào quên được!... “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Ngàn năm hồ dễ đã ai quên” (Thế Lữ). Ở đây, qua những dòng thơ “Cái Thuở Ban Đầu” của tác giả Trần Văn Dật, chúng ta cũng thấy ẩn hiện một thứ tình cảm thật sôi động, thật mãnh liệt, dầu phải trải qua bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày… vẫn còn đó “Tình em” của cõi đầu đời. Nó vẽ lên trong tâm tư tác giả “Hình bóng một nửa thương yêu, luôn thấp thoáng và hiện hình qua giấc mơ”… “Vẫn thấp thoáng bóng hình em; Có những đêm, tình cờ trong giấc mơ, Em bỗng về… không ngờ”. Sự níu kéo của tình cảm con người từ “một thời đã mất”, dù chỉ là hình tượng, cũng thật mãnh liệt, với tóc huyền óng ả, với đôi mắt dịu hiền quyến rũ, với lời nói ngọt ngào ru êm... đã khiến cho tâm tư tác giả thẩn thờ, sầu bi… rồi tiếc nuối…

Cảm xúc của “người” càng lúc càng thêm đậm đà, sâu lắng khi tâm tư tiếp cận với “chuyện ngày xưa” tượng thanh thành lời ca tiếng hát… đã một thời đưa hồn tác giả đến tận cõi trời xanh… đồng thời cũng khiến cho tác giả cảm thấy “lạnh tứ bề” khi trở về đối diện với thực tại…

Hoài niệm về “một thời khó quên”- một cõi đời rất đáng yêu- luôn ray rứt tâm tư tác giả, đã nhào nặn thành những vần thơ đẹp, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tôi yêu cuộc đời ngào ngạt đầy hương hoa này, đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời đã mất…”.

 

                              Nguyễn Bá Yên







 

Không có nhận xét nào: