Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

             Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***


Chưa… hỏi đã… ngã

Trong chữ “Nhẹ” vẫn có dấu “Nặng

Trong chữ “Vững” vẫn có dấu “Ngã

Trong chữ “Hiểu” vẫn có dấu “Hỏi

Chữ “Ngắn…dài hơn chữ “Dài


Chưa… hỏi đã… ngã - 1
Ngay cả tiếng Nôm cũng thế, nếu viết đúng ngả chúi là sai chính tả. Còn nếu viết sai thành ngã chúi thì lại đúng chính tả. 


Vì tự điển dùng dấu hỏi cho nghiêng ngả, ngả nón nhưng dùng dấu ngã cho ngã chúi, ghi đúng theo phát âm lên giọng. 

Cả lũ nhưng lủ khủ, dỡ hổng nhưng dở bổng là thí dụ khác. 

Ngoài ra có nhiều từ miền Nam bị sửa lại cho đúng phát âm miền Bắc như mắc cở thành mắc cỡ, cù lủ thành cù lũ, lũ khũ.

Có hằng trăm từ ba hồi xuống giọng thành hỏi, ba hồi lên giọng thành ngã, không theo qui tắc nào cả, cho đã cái miệng của mình nhưng làm khổ cho cái đầu của người khác. Người Nam và Trung, viết theo phát âm của mình, nên thường viết sai. Viết trật chính tả là chuyện tự nhiên, viết đúng mới là chuyện hi hữu.

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)



Luận về chữ… ngu

Người khôn không nói cái gì mình nghĩ.

Người khôn vừa vừa, nói một nửa cái gì mình nghĩ.

(Hà Sgn)



Chưa… hỏi đã… ngã – 2

Người Bắc viết “Cô Lan lang thang, mới tám tuổi tủi thân khóc ầm ĩ, âm ỷ bỏ ngỏ bừa bãi nhà cửa” vì họ nói y chang như thế. Trong khi đó, người Nam viết “Cô Lang lang thang, mới tám tủi tủi thân khóc ầm ỉ, âm ỷ bỏ ngỏ bừa bải nhà cửa”, nói thế nào là viết thế ấy. Tại sao dân miền Nam không dùng dấu ngã mà dùng dấu hỏi?
Lý do là người Nam phát âm hỏi hay ngã như nhau nên chỉ dùng một dấu. Chỉ dùng dấu hỏi vì liền sau câu hỏi là dấu (?), nên họ viết “hỏi” với dấu (?), và các dấu ngã đều biến thành hỏi. Người Trung phát âm thanh hỏi và ngã thành nặng nên dùng dấu hỏi y như người Bắc. Đúng là… đừng hỏi ngã hỏi ngã

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)



Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 1

Được trớn, cho tôi đây nói thêm chút tẹo nữa nhá? Nào, ai cấm. Xin mời. Rằng, những lối nói bắt quàng như trên, ta còn có thể suy luận, chứ nói theo kiểu này, chắc chắn 99% bạn đọc của tôi khi nghe/đọc như thế này chỉ còn có nước bù trất. 


Thế nào? Nói thử đi. Thì đây, ta thử đọc câu văn trong tập sách “Phong Lưu Cũ Mới” (NXB TP. SG tái bản năm 1991) của học giả Vương Hồng Sển, ngữ cảnh này là lúc tay này chơi đá gà thua cháy túi, nôn nóng muốn gỡ gạc lại bèn năn nỉ bên kia cáp độ tiếp, dù trời sắp sụp tối là rã đám. 

Tay kia: "lại giả bộ chần chừ, muốn thôi không đá nữa cho nên "chín hấu mại hơi" cố ý lánh đàng kia làm sao cho gà mình lấn lông lấn cựa chắc ăn mới nghe cho" (tr. 184).

Từ mại hơi có thể hiểu là dù muốn, dù thích nhưng mồm mép lại cứ như cậu Phước - đứa con cầu tự của bà Phó Đoan trong “Số Đỏ”, dù thèm nhỏ dãi vẫn cứ "em chả em chả", bụng thì muốn nhưng cứ cái đầu cứ lắc, chê ỏng chê eo…


Tác phẩm bị vất trong…sọt rác - 1

Nhà văn Mai Thảo đến thăm Trần Phong Giao ở tòa sọan báo Văn. Trong khi hút thuốc lá vặt chờ Trần Phong Giao làm việc. Ông vô tình nhặt được truyện ngắn đầu tiên có tựa đề Rượu Chưa Đủ của Dương Nghiễm Mậu vất trong cái sọt rác, ông mang về đăng ở báo Sáng Tạo. 


Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 2

Còn "chín hấu" là sao? Cụ Sển giải thích, đây là tên gọi của loại bài mà ngày xưa người Triều Châu ở miền Nam ưa chơi, còn gọi bài "cảo hấu/ cửu hảo"; trong khi đó nhiều từ điển ghi là bài "cá hẩu". Chuyện này bình thường, chỉ do khác biệt phát âm.

Thế nhưng tại sao chín hẩu lại đi chung với mại hơi? Chịu chết. Khó có thể suy luận, chỉ còn cách nghe nhà sưu tập đồ cổ ngoạn thuộc hàng bậc nhất miền Nam giải thích là lúc chơi bài này: "Khi bài chia rồi thấy bài không liền, thì hô lên "mại" (không), nếu có thêm hai người đồng hô như mình thì xóa bài chia lớp khác. 

Trong khi ấy người cầm bài tốt không chịu sẽ "xin đánh" và nếu thua sẽ chung tiền gấp hai. Nên khi bài tốt sẵn mà còn "mại hơi" để dụ địch. 


Tác phẩm bị vất trong…sọt rác - 2

Nhà văn Ngọc Giao trong khi đợi đám tang đi qua tòa sọan báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở phố Hàng Bông, Ông vô tình nhặt được bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn của T.T.Kh. bị vo tròn vất trong cái sọt rác. 


Con đường Dương Nghiễm Mậu

Tin nhà đưa sang cho biết hiện giờ nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã trở thành công nhân một xưởng sơn mài thành phố. Bằng hữu văn nghệ ở Sài Gòn gần như hết thảy đã ngừng viết và đã phải đổi nghề để sống, để có lao động, để được yên thân. Nghe nói Nguyễn Thụy Long đi đạp xích lô. Nghe nói Trần Lê Nguyễn bán sách cũ. Nghe nói Nguyễn Đình Toàn nuôi thỏ nuôi gà ở làng Báo Chí cũ. Tất cả đểu dãi dầu, tất cả đều sương nắng. Nghe những tin nhà về bạn bè, thấy lòng xót xa buồn rầu, nhìn thấy những khổ cực đang chồng chất lên những thân thể chữ nghĩa thất thế và đang phải sống giữa chế độ hiện giờ của chúng ta. 


Riêng nghe tin Dương Nghiễm Mậu bây giờ làm công nhân một xưởng sơn mài thành phố, không hiểu sao tôi lại thấy vui vui và muốn cười. Có lẽ vì Dương Nghiễm Mậu bao giờ cũng đến với tôi bằng khuôn mặt đó. Khuôn mặt một người nhắm cả hai mắt lại, cho cái nhìn trở thành cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm hồn, và nụ cười tủm tỉm hóm hỉnh là chân dung Mậu ở tấm hình chân dung ngộ nghĩnh của Trần Cao Lĩnh. Cũng có lẽ vì tôi thấy Mậu vững chãi nhất, chẳng phải buồn phiền và xót xa cho hắn.



Công nhân một xưởng sơn mài thành phố. Cây dù đen Tú Xương. Đúng là cảnh "Sáng vác ô đi tối vác về" rồi nhé. Dương Nghiễm Mậu! Những tấm sơn mài. Cây dù bên cạnh. Tôi đang hình dung ra Dương Nghiễm Mậu ngồi một mình một góc trong một xưởng, trước những tấm sơn mài ấy. Muốn hỏi Mậu ở Việt Nam nghìn dặm: "Những tấm sơn mài ấy có vẽ hình sông núi quê hương?" Chắc là có. Không trên tranh thì trong tim, trong hồn, trong thức, trong ý. Và cái nền của sơn thì vẫn là một con đường. 

Con đường đi qua đời sống. Con đường đi qua văn chương. Con đường đẹp nhất, vì con đường thẳng tắp. Con đường đẹp nhất, vì là con đường một mình. Cuối cùng là đứa trẻ mồ côi trong truyện ngắn đầu tay Rượu Chưa Đủ của Dương Nghiễm Mậu sự thực không bao giờ mồ côi. Mồ côi là những kẻ khác kia.

(Mai Thảo)


Tác phẩm bị vất trong… sọt rác - 3

Nhà văn Trân Thị NgH gửi truyện ngắn đầu tay tựa đề Chủ Nhật viết năm 1680 (?), nhưng mãi mấy năm sau mới dám gửi đến báo Văn nhưng bị Trần Phong Giao từ chối. Bà gửi tới tạp chí Vấn Đề của Mai Thảo thì lại được đăng. 


Ao nghiên ruộng chữ với người trăm năm cũ

Thể lọai “Kịch lịch sử”


Vũ Khắc Khoan

Sinh ngày 27.2.1917 tại Hà Nội. Mất ngày 12.9.1986 tại Minneapolis.

Kịch bản: 

Hậu Trường, Thần Tháp Rùa, Ga Xép

Thành Cát Tư Hãn, Giao Thừa

Vũ Ánh: Người cuối cùng rời khỏi tàu

Tôi viết những ghi chép về Vũ Ánh, người bạn quý của chúng tôi trong những năm tháng phục vụ ngành truyền thông VNCH. Tôi quen Vũ Ánh từ những ngày đầu cùng chung khoá huấn luyện ở Đài Phát Thanh Saigon 03 Phan Đình Phùng. Rồi cùng làm việc ở Đài cho đến hết ngày 29/4/1975. 


Vũ Ánh nhiều tuổi hơn tôi, chẳng nhớ anh mở đường thế nào để tôi dám xưng hô ‘mày tao’. Có thể lúc đó tôi không biết Vũ Ánh lớn tuổi hơn tôi và đứng bên cạnh tôi anh cũng khá là cao!  Thời độc thân, chúng tôi từng hùn tiền thuê chung một căn nhà ở đường Ngô Tùng Châu, Gia Định. Chính những ngày tháng này giúp tôi nhận ra một Vũ Ánh khác, một Vũ Ánh rất nghệ sĩ. Sở dĩ tôi nói thế vì anh khá am hiểu hội hoạ và cũng tập tành cầm cọ. 


(Nguyễn Mạnh Tiến cựu Phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn)



Ao nghiên ruộng chữ với người trăm năm cũ

Thể lọai “Kịch lịch sử”


Đòan Phú Tứ

Đoàn Phú Tứ sinh ngày 10-9-1910 tại Hà Nội. Quê quán ở làng Tử Nê, tỉnh Bắc Ninh là một nhà soạn kịch, nhà thơ, dịch giả. Khi viết, ông ký tên thật hoặc các bút danh: Tam Tinh, Tuấn Đô, Ngộ Không

 

Kịch bản

Ghen (1937); diễn tại Nhà hát Lớn năm 1947

Mơ Hoa, gồm 6 vở kịch ngắn (1941)

Ngã Ba, kịch dài (1943)

Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa, kịch ngắn (1944)



215 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Bùi Xuân Phái và Vũ Đình Liên là đôi bạn tâm giao cùng hoài cảm cảnh xưa người cũ. Trước đó khi họ chưa gặp nhau, tình cờ Bùi Xuân Phái đọc được bài thơ Ông Đồ, họa sĩ có cảm hứng và vẽ bức tranh Ông Đồ xuất thần đến độ chính ông Vũ Đình Liên cũng phải thừa nhận lột tả cái thần hay hơn cả bài thơ của ông


Sau đó, nhà thơ Vũ Đình Liên có làm bài thơ "Gửi Bùi Xuân Phái"
Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn 
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương 
Anh, tôi đâu phải không vui lắm 
Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn 
Còn lẽ loài người da bọc thịt 
Há như giống sói mõm phanh sườn 
Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp 
Đốt trái tim trầm gửi gió hương 


Một lần Bùi Xuân Phái có việc gấp phải đi ra khỏi nhà, ông đi ra cổng thì chạm trán Vũ Đình Liên đi vào. Bùi Xuân Phái tế nhị, muốn tránh cho bạn khỏi phải nhận lời xin lỗi của mình, ông vội trèo lên cái cối đá vốn nằm úp ở sân và Phái đứng im, giả làm bức tượng. Vũ tiên sinh lững thững đi qua…"bức tượng" mà không hề hay biết gì.


***


(Bùi Xuân Phái 1920 -1988):

 


Quê gốc ở Vân Canh, Hoài Đức Hà Đông. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khoá 1941 - 1946, tham gia kháng chiến, đồng thời tham dự nhiều triển lãm chung với các họa sĩ khác. Năm 1952 ông về Hà Nội, sống và sáng tác tại nhà (số 87 Phố Thuốc Bắc) cho đến khi mất. Từ năm 1956 đến năm 1957, Bùi Xuân Phái giảng dạy tại Trường Mỹ Thuật Hà Nội, khi xảy ra phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, họa sĩ phải đi lao động, học tập trong một xưởng mộc tại Nam Định..

Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Ông chuyên về sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được mọi người mến mộ (đúng ra là Nguyễn Tuân) gọi dòng tranh này là Phố Phái.


Lê Hữu Mục - 1

Cảm tình đó tôi có được là do những tác phẩm của anh: nghiêm túc, sâu rộng, đĩnh đạc... Trong giao tiếp với tính cách bạn bè, hay với tư cách của người nghiên cứu đi sau, nhiều người phàn nàn anh Mục về sự khép kín trong việc trao đổi tài liệu, trách anh thường làm việc một mình, được hỏi về chi tiết nào đó trong lãnh vực nghiên cứu của anh, anh ít khi trả lời. Tôi cho rằng mỗi người đã chọn thái độ sống và phương thức làm việc của mình rồi, người nghiên cứu mà khép kín trong sự giao tiếp trao đổi là vì những lý do riêng của kinh nghiệm tự thân. 


Cơ cấu giáo dục đại học của VNCH thời 1954-1972 đã ngăn chặn bước tiến thủ của anh Mục về phương diện cấp bằng cũng như ngạch trật. Từ lúc có bằng cử nhân, giữa thập niên 50, đến khi anh có thể thi tiến sĩ phải mất hơn hai mươi năm. Con đường quá dài và vô lý của kẻ sanh không nhằm thời. Những người có trách nhiệm ở đại học thời đó không mở chương trình tiến sĩ vì lý do nầy lý do khác. Khi mở thì cũng mở nửa chừng, Tiến sĩ đệ tam cấp chớ không phải là tiến sĩ quốc gia. Nghĩa là rồi sẽ phải thi thêm lần nữa! 

Và tôi được thi cùng luợt với anh nhờ sự xả cảng đó: khóa đầu tiên của trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, 1973, dành cho những người đang giảng dạy ở Đại Học Văn Khoa mà chưa có bằng tiến sĩ (vì không được đi ngoại quốc, lúc đó người có bằng tiến sĩ là những vị được đi ngoại quốc du học và trở về với bằng tiến sĩ, đệ tam cấp hay Tiến sĩ Quốc gia). 

(Nguyễn Văn Sâm)


Luận về chữ…ngu

Rồng vàng tắm nước ao tù

Người khôn ở với người ngu, bực mình

(Hà Sgn)


Lê Hữu Mục - 2

Sau đại nạn 75, nhiều lần mỗi khi gặp người chuyên môn về chữ Nôm nổi tiếng từ miền Bắc vào như Gs Nguyễn Tài Cẩn, hoặc sau nầy gặp ở Paris như nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp, tôi phần lớn nghe chính từ cửa miệng họ lời thán phục và kính nể bác/cụ Lê Hữu Mục. Có người còn nói với giọng tri ân rằng những chữ nầy chữ kia tôi đọc được là nhờ bác/cụ Mục. Tạo được cái uy tín đó, có được sự tri ân đó, sở học và sự suy luận của anh Mục chắc chắn là đã có sức thuyết phục thật nhiều.


Nhiều lần nói chuyện với anh, tôi rút ra mấy quan điểm tôi cho là cần thiết cho người trong môi trường chữ Nôm, do anh Mục khám phá được như là kinh nghiệm thực tiễn: 
- Chữ Nôm có tích cách lịch đại: Chữ Nôm được viết ra mỗi thời mỗi khác. Khi đọc bản Nôm phải chú ý đến thời đại xuất hiện của nó. Mỗi thời đại có qui luật cấu tạo riêng. Cho những chữ Nôm vào cái khuôn thời đại của nó thì ta dễ đọc hơn dầu là chữ đó ta chưa từng gặp và nó cũng chẳng có mặt trong bất cứ từ điển nào.


Anh nhấn mạnh: Cụ Hoàng Xuân Hãn không để ý đến qui luật thời đại mà chỉ để ý đến miền xuất hiện. Miền, chẳng hạn Nghệ An, Hà Tĩnh là một yếu tố không gian, nhưng yếu tố thời gian còn quan trọng hơn, không thể bỏ qua

(Nguyễn Văn Sâm)



Luận về chữ… ngu

Trên đời có bốn cái ngu

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu

(Hà Sgn – Ca dao)



Xuân Sách: viết chân dung – 1

Phần một về Hồi ký Giải Mã Chân Dung

Vậy thì tác phẩm, hay dở chưa biết nhưng chắc chắn là có “vấn đề”. Làm sao mà tìm được một ông giám đốc xuất bản dám chịu trách nhiệm với mình. Có một nhà văn làm giám đốc một nhà xuất bản ở Vũng Tàu đã đến tuổi hưu, ông đang làm thủ tục. Có người bạn quen đem tác phẩm Chân Dung Nhà Văn đến , ông giám đốc biết là tác phẩm hay nhưng cũng có vấn đề nên còn e ngại. Ông bạn xúi ông làm sao sách in xong đúng vào lúc ông xách gói về vườn là yên chuyện. 

Giám đốc xuôi lòng, Xuân Sách vui mừng về nhà chờ đợi rồi một bức thư gởi tới: “ Ông, sách của ông tôi đã làm xong thủ tục chỉ còn đem xuống nhà in thì anh em trong cơ quan họp lại nói với tôi, thủ trưởng sắp về hưu còn niêu cơm để lại cho anh em chẳng lẽ lại bị đập vỡ. Ông thông cảm nhé, là người nhà cả mà. Tôi vẫn giữ bản thảo, nếu ông cần tôi sẽ gửi trả”.


Cuối năm 1991, anh Hoàng Lại Giang, nhà văn, trưởng chi nhánh Nhà Xuất Bản Văn Học ở Sài Gòn xuống Vũng Tàu:

- Tôi xuống là để bàn với ông về việc in thơ Chân Dung, ông đồng ý không?

Ông Hoàng vừa nói vừa cười.

- Đừng đùa làm tôi tổn thọ!

- Không chỉ ý riêng tôi mà đã được giám đốc tôi đồng tình. Chuyện không dễ nhưng ông thử tính xem, bây giờ là thời điểm sau đổi mới, văn nghệ được “cởi trói”, tôi biết ông “máu” in, chúng tôi cũng liều… Thân với ông không chớp lấy thời cơ này thì hỏng.

 

Tôi vỗ mạnh vào bàn tay Hoàng Lại Giang:

 - Tiên sư “Tào Tháo”. Chúng ta làm!


(Đỗ Ngọc Thạch)



Luận về chữ… ngu

Người khôn ăn nói nửa chừng,

Để cho người dại, nửa mừng nửa lo

(Hà Sgn)



Xuân Sách: viết chân dung - 2

Phần hai về Hồi ký Giải Mã Chân Dung


Một ngày tháng tư-1992. Tôi nhận điện từ chi nhánh NXB Văn Học ở Sài Gòn: Sách đã ra lò. Lên ngay! Từ khi cầm bút, tác phẩm ra lò của tôi chưa đến nỗi nhiều nhưng cũng đủ làm nguội cái cảm giác hồi hộp sung sướng của thuở ban đầu. Lần này thì khác, đứa con tinh thần của tôi ra đời là tập thơ Chân Dung Nhà Văn. Hành trình của nó đã đi qua một chặng đường dài đến ba mươi năm. Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu chuyện. 

Nhưng như cái nghiệp đã vận vào thân, không đùa thì còn biết làm gì! Các chân dung lần lượt xuống chiếu với nhiều cung bậc khác nhau. Có bài đùa một tí, có bài đùa dai, có bài xót xa đồng cảm, có bài nghẹn ngào uất ức, có bài “mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Ra bài nào truyền tay bài đấy, truyền khẩu ở mọi nơi mọi lúc, ở giờ nghỉ các cuộc họp, ở quán nước vỉa hè, ở cửa hàng bia hơi bánh tôm Hồ Tây, ở quán thịt chó Hàng Lược… 

Tôi cứ ngu ngơ như kẻ điếc không sợ súng, hay nói như nhà phê bình Vương Trí Nhàn, “ông Sách bị quỷ ám”. Cũng có lúc bị bầm dập tôi thấy cô đơn trơ trọi, cũng có lúc ngộ ra cái khoái cảm tuyệt vời trong sự sáng tạo văn chương, tôi lặng lẽ đi tới. Biết đâu, “Dại chốn văn chương ấy dại khôn


Ba mươi năm sàng lọc được trăm bài, chín mươi chín bài xưng tụng các anh các chị đồng nghiệp, bài thứ một trăm tự vẽ mặt mình! Nhưng làm thế nào để in ra thành sách? Nhiều người góp ý cho tôi. Anh Phùng Quán nói: Thơ ông tuy truyền miệng truyền tay cũng coi như “một sàng trong xó bếp”, in ra mới được coi là “ một miếng giữa làng”. Có người khuyên không nên in ra mà để lưu truyền như một thứ văn học dân gian, có khi tạo nên một dòng thơ Chân dung như dòng thơ Bút Tre vậy, tạo việc làm cho các nhà sưu tầm khảo cứu hậu thế.


Có người cảnh báo , từ truyền khẩu mà in ra giấy trắng mực đen của loại thơ độc hại này là một khoảng cách “chết người”. Trăm năm bia đá, nghìn năm bia miệng, đâu phải chuyện chơi

(Đỗ Ngọc Thạch)


Luận về chữ… ngu

Quận công La Rochefoucauld cũng nói về cái ngu như sau:

Có ba cái ngu:

1. Không biết cái gì mình cần phải biết.

2. Không biết đến nơi đến chốn cái gì mình biết.

3. Biết những cái mình không cần biết.

(Hà Sgn)



Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - 1

Hỏi : Trở lại với vấn đề gần đây nhất. Làm sao anh biết William Joiner Center cần người nghiên cứu?

Đáp : Tôi cũng nghe người ta bảo với nhau. Năm 1994 tôi có viết bài Vài Cảm Nghĩ Về Văn Học Hải Ngoại đăng trên Tạp Chí Văn Học của Viện. Bài đó được các học giả, nhà phê bình, nhà văn bên ngoài hưởng ứng, trao đổi nhiều kỳ trên đài RFI của Pháp. Đó là ý kiến của các anh Đặng Tiến, Tạ Trọng Hiệp, và Trần Vũ, họ coi bài tôi là một kiến giải cởi mở, một cái nhìn mới đầy thiện chí về cách nhìn giao lưu. 


Bên này tờ Hợp Lưu của anh Khánh Trường đăng lại bài tôi và những ý kiến trao đổi cũng gây một tiếng vang và tờ Văn Học của anh Nguyễn Mộng Giác cũng có trích đăng một phần. Vì thế, mối giao lưu giữa tôi và nước ngoài dần dần được mở rộng. 


Một vài người thông tin cho tôi, tôi mới biết chương trình của William Joiner Center (WJC) trong dó có phần văn hóa cổ của người Việt. Tôi đề xuất dự án nghiên cứu văn hóa Việt Nam cổ truyền qua các công trình của học giả Việt Nam hải ngoại, được họ chấp nhận. Tôi cho rằng cả trong nước lẫn hải ngoại đều đang nhìn về văn hóa cổ truyền của mình, đi tìm căn cước của mình


Tôi nghĩ đi tìm căn cước không phải người Việt ở ngoài mà người Việt trong nước phải coi là trách nhiệm lớn. Đừng để mình là Từ Thức về làng cũ nhưng không còn thấy làng mình nữa.

(Thượng Văn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm

(Tôn Nữ Hỷ Khương)



Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - 2

Hỏi : Chúng ta vẫn tự hào có 4000 năm văn hiến. Chữ quốc ngữ chỉ mới được sử dụng hơn trăm năm nay. Phần gia tài trước đó là chữ Hán chữ Nôm nay không mấy người biết đọc và hiểu. Làm thế nào để cho gia tài đó không mất đi ?

Đáp : Đây cũng là điều chúng tôi băn khoăn 40 năm nay. 40 năm nghiên cứu về thơ văn Lý Trần, đồng thời cũng là một quá trình dài được chứng kiến, tiếp xúc với cách ứng xử cụ thể đối với di sản văn hóa của con người đương đại. Chúng tôi với tư cách người làm văn hóa thì bảo vệ được bao nhiêu hay bấy nhiêu.


Hỏi : Việc làm của anh trong 40 năm qua cho chỉ riêng thơ văn Lý Trần là công sức của đời người. Anh cũng biết đó không chỉ là chuyện của một đời mà còn phải là sự tiếp nối của nhiều đời khác trong tương lai. Anh nghĩ sao ?

Đáp : Ở Trường Đại Học Quốc Gia bây giờ đã có bộ môn Hán Nôm, hàng năm đào tạo hàng mấy chục cử nhân trẻ có trình độ Hán Học. Về phần tôi, từ 78 tôi bắt đầu nghĩ đến thế hệ tương lai cho ngành văn học cổ. Khoảng 81-82 tôi đã được phép Viện tuyển chọn 3 chị và 4 anh tốt nghiệp đại học ngữ văn, có khả năng làm việc. Trong số ấy không thể nói tất cả đều vững vàng nhưng ít nhất cũng có hai, ba, bốn người có thể kế tiếp chúng tôi. 


Bây giờ, sau khi Thơ Văn Lý Trần đã ra mắt đầy đủ 4 tập trong năm tới, tôi còn phải tính đến việc xin tài trợ đâu đó để làm lại bộ sách một cách hoàn chỉnh hơn. 5000 trang khổ lớn, cả một gánh nặng còn đè lên những ngày còn lại của chúng tôi.

(Thượng Văn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ước gì em hoá ra trâu
Anh hoá ra chạc xỏ nhau cả ngày
Ước gì em hoá lưỡi cày   

Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ



Chữ nghĩa làng văn

Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh

Mặc dù cái tiêu đề là như thế, song tôi chưa thể bắt đầu ngay với Vũ Ngọc Tiến và những tác phẩm viết về chiến tranh của ông được. Có lẽ phải (mào đầu) hơi dài dòng một chút. 

Tôi nhớ đến mấy câu thơ trong một bài “Chân Dung” của văn nhân kiêm thi sĩ Xuân Sách: Tôi hát chiến tranh như trảy hội / Đừng nên xấu hổ khi nói dối... 


Vâng! Trên giá sách nhà tôi phơi phới những tác phẩm viết về chiến tranh. Sách in có, sách giáo khoa phủ đầu cho học trò từ bậc tiểu học đến bậc đại học có. Thơ, văn, nhạc, họa... đủ các kiểu tưng bừng. Tất cả đều đẹp đẽ, trơn tru, đều ngợi ca hết mực phía bên này và căm thù, ghê tởm phía bên kia... Và chung nhất, đó là những cái kết có hậu mà nếu căn cứ vào đó, thì cuộc đời bây giờ hẳn phải tươi đẹp không biết đến nhường nào. Tiếc thay đó chỉ là những ảo tưởng. Hãy chịu khó đọc đi. Rồi bạn sẽ thấy hiện lên cả một sự mê muội, nếu không thì cũng là dối trá có chủ ý, từ những chữ đầu tiên, cho đến tận con chữ cuối cùng. Kí ức của một thời Đường ra trận mùa này đẹp lắm... vẫn còn hằn rõ trong tôi. 


Năm ấy, chú ruột tôi ra đi và không bao giờ trở về nữa. Ông bà nội tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng mới được con cháu ghé tai báo cho biết cái nỗi đau xé lòng ấy. Nỗi đau ập xuống như một phát súng ân huệ để ông bà tôi lìa bỏ cõi đời này. Không biết bây giờ, xương cốt chú tôi đang bị chôn vùi lạnh lẽo nơi đâu, và chắc chắn còn hàng triệu, hàng triệu người như chú tôi nữa...
(Phạm Lưu Vũ)


Tiểu sử: tên thật Vũ Ngọc Tiến. Bút danh: Vũ Liên Châu. Sinh năm 1946, tại phường Bưởi, Hà Nội.

 


Tác phẩm: Tập truyện ngắn, Tiểu thuyết lịch sử, Khói mây Yên Tử (2002), Quân sư Đào Duy Từ I2002), Giao Châu tụ nghĩa (2002), Rồng đá.



Câu đối lơ mơ lỗ mỗ

Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Lọc lừa luồn lách lại leo lên


Gốc gác địa danh Huế: tiếng Chăm

Tiếng Hoé tiền thân của địa danh Huế đã tồn tại trong dân tộc: người Chăm. Trước thế kỷ XIV, chính xác là trước năm Đinh Mùi 1307 lúc triều Trần chính thức có hai châu Ô và Ry (Lý) thì người Chăm tại lưu vực sông Hương gọi địa bàn mình trú ngụ bằng tên HoéHoé tiếng Chăm có nghĩa hương thơm, chẳng mấy chốc chuyển thành Huế tiếng Kinh. 


Học lại chữ Hán

Đành rằng ngôn ngữ cũng là một thứ sử liệu nhưng ta không thể có tham vọng biết lịch sử với độc một nguồn ngôn ngữ. Nhưng nếu chứng tích ngôn ngữ được đối chiếu với một vài chứng tích khác thì có hy vọng tìm ra phần nào sự thật trong cõi u minh của thời gian, những chứng tích khác ấy. Bổn phận chúng ta là đi tìm những chứng tích đó, mỗi người một nẻo. Những chứng tích là hình ảnh biến chuyển của nền văn minh Anh-đô-nê-diêng của Lạc Việt sang nền văn minh Trung Hoa của Việt Nam trên bước truy tầm này, ta đừng quên ngôn ngữ cổ Việt.


Trước hết ta thử xét qua chế độ mẫu hệ của ta bằng vào danh từ “cha”. Sách Tiền Hán Thư viết rằng ta không có tình cha con. Thế nghĩa là thuở ấy ta còn theo mẫu hệ như người Chàm ngày nay, tuy còn theo họ mẹ, nhưng vẫn biết cha, vì vợ chồng sống chung với nhau, còn Tiền Hán Thư  thì cho rằng ta "không biết đạo vợ chồng, vì vợ chồng chỉ lấy nhau (vì sinh lý) mà không có sống chung với nhau".


Thế sao ta lại có danh từ cha? Danh từ này, Quan thoại là Fuá tsíl, Quảng-đông là Fùa tsánh, Hán Việt là Phụ thân. Xem ra thì danh từ cha của ta không phải do tiếng Tàu mà ra. Quan-thoại và Quảng-đông đều có Pà, Pá, tức cũng là “cha đó, mà đó không phải là danh từ để chỉ ai, mà là đại-danh- từ của con xưng hô với cha; ta cũng đã vay mượn Pa, Pá, biến thành Bố (Bắc Việt), thành Ba (Nam Việt), còn Cha thì khó có thế là một biến thể thứ ba của  được.

(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)



Lan man chuyện “Họ”… và tên

Khó ai thống kê cho hết thiên hạ có bao nhiêu họ. Tàu thời xưa gọi là “bách tính” (trăm họ). Họ bên Tàu phức tạp, rắc rối hơn ta nhiều. Có khi lấy họ đặt tên cho đất (ví dụ đất Đường, đất Ngu...). Có khi lấy tên đất đặt cho họ (ví dụ họ Đào, họ Tiết...). 


Tàu không dùng họ của vua để đặt tên cho triều đại, mà dùng tên đất (nơi phát tích - quê hương của kẻ lập nên triều đại ấy) để gọi (ví dụ nhà Minh, nhà Thanh...). Khác hẳn với bên ta dùng họ của vua để đặt tên triều đại (ví dụ nhà Lý, nhà Trần...). Đây chính là một trong những ý thức độc lập, tự chủ của ông cha ta ngày trước, quyết không chịu nhất nhất cứ phải bắt chước theo “thiên triều”. Tên triều đại không có nghĩa là tên nước (quốc hiệu). Đó là hai danh từ riêng hoàn toàn khác nhau, một đằng chỉ “nhà” (tên triều đại), một đằng chỉ “nước” (quốc hiệu). Chẳng ai gọi nước Lý, nước Trần... mà vẫn cứ là nước Đại Việt. 


Tuy nhiên, nước ta (hình như) có một ngoại lệ duy nhất là vào thời Hồ Quý Ly ngắn ngủi (vỏn vẹn bảy năm 1400 - 1407). Hồ Quý Ly vốn có tổ tiên là người đất Ngu bên Tàu xiêu dạt sang ta. Sau khi cướp ngôi nhà Trần, ông bèn dập khuôn theo cách của Tàu để đặt tên cho triều đại mình, gọi là triều Đại Ngu

(Phạm Lưu Vũ)



Kỹ nữ và con đĩ

Chữ “kỹ” ban đầu còn có nghĩa, còn được dịch là “ả đào,” “đào hát,” “con nữ phường chèo.” Sau này được dịch thẳng là đĩ, con gái mại dâm (Đào Duy Anh), con đĩ, nhà thổ (Thiều Chửu). 

  

Kỹ nữ và con đĩ, tuy là đồng hội đồng thuyền, cùng là xướng ca vô loài nhưng cũng được phân biệt cách đối xử. Những lúc hứng bốc lên dạt dào thì thi sĩ gọi là kỹ nữ nghe cho thanh tao, lãng mạn! Nói đến kỹ nữ là người ta liên tưởng đến những số phận long đong, lỡ làng. Một kỹ nữ gảy khúc tì bà đã làm xúc động ông tư mã Giang Châu. Một kỹ nữ lênh đênh trên sông Hương ngợp ánh trăng đã làm mềm lòng nhiều thế hệ: 


Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt.
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi.
-Du khách đã đi rồi!
(Xuân Diệu, “Lời Kỹ Nữ”) 


(Xướng ca vô loài – Nguyễn Dư)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Buôn có bạn bán có phường 

Lời nói của những kẻ buôn bán tỏ ý không muốn lẻ loi.


Đây không phải là “tỏ ý không muốn lẻ loi” mà là một đúc kết, một kinh nghiệm làm ăn, buôn bán, phải có phường hội, có hợp tác giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau mọi việc buốn bán sẽ thuận lợi hơn là “đơn thương, độc mã”. Ví như “Có đắt hàng tôi mới trôi hàng bà”.

(Hoàng Tuấn Công)



Phạm Duy và 10 bài tục ca

Khi còn sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã có đôi lời tâm sự về 10 bài tục ca của ông đọc trên băng cassette được phổ biến hạn chế và đến nay gần như “thất truyền”:

“Hai vị viết sách, viết báo về tôi là Tạ Tỵ và Georges Gauthier đều cho rằng cái vui, cái tếu không phải là chất liệu Phạm Duy, cho nên tục ca không thành công. Chưa kể có người chê tôi đi tới chỗ nhảm nhí trong nghệ thuật. Tôi cũng hiểu được vì sao có những người chống đối tục ca dù họ không biết cặn kẽ nội dung của nó. Tôi không hề tung tục ca ra quần chúng. Tôi chỉ tặng vài người bạn thân một băng cassette ghi lại buổi hát chơi ở Vũng Tầu và còn dặn dò đừng phổ biến”


Có lẽ không nhà phê bình nào có đủ thẩm quyền hơn chính tác giả khi nhận xét về những điểm yếu trong cuộc đời sáng tác của mình. Trong trường hợp Phạm Duy, ông đã thẳng thắn nhìn nhận đã có nhiều người “chê” tục ca vì nó đi tới chỗ “nhảm nhí trong nghệ thuật” nhưng ông cũng vạch ra lý do: “họ không biết cặn kẽ nội dung của nó”.  

(Nguyễn Ngọc Chính)


(xem tiếp kỳ tới)


Trở lại tuổi thơ cùng Lucky Luke 


 

(anh em nhà Dalton)


Nhân vật phản diện thường xuyên nhất trong tập truyện tranh là Morris đã xây dựng nên bốn tên cướp mang dòng họ Dalton nhưng lại cho chúng chết ngay khi vừa xuất hiện. Về sau, Morris đã cho chúng sống lại bằng cách xuất hiện các anh em họ của Dalton. Băng cướp Dalton sau bao gồm: Joe, Jack, William và Averell. Trong đó Joe là anh cả, lùn nhất nhưng cũng hung hãn nhất, là thủ lãnh của cả nhóm. Sau đó tới Jack, William, dần cao hơn nhưng cũng bớt hung hãn hơn. Cuối cùng là Averell, em út, cao nhất và cũng… ngốc nhất nhà.



Trong Lucky Luke có cả những người Mexico với cái mũ rộng vành (sombrero) thường ngồi ngủ ngay cạnh đường ray xe lửa. Những người Hoa với mái tóc đuôi sam thường làm nghề đầu bếp hoặc giặt ủi... trong thời miền Tây đổ xô đi tìm vàng (gold rush).


Ngược lại, một số nhân vật hư cấu trong truyện lại được Morris vẽ theo nguyên mẫu nổi tiếng. Chẳng hạn như một phù thủy da đỏ có gương mặt của ca sĩ Elton John, nhân vật săn tiền thường “Chasseur de primes” có vẻ bề ngoài của diễn viên cowboy Lee Van Cleef. Một tên cướp giống có khuôn mặt giống với “vua hề” Louis de Funès và diễn viên Jack Palance trở thành “chân dài” trong “Fil de Fer”!


(Nguyễn Ngọc Chính)



Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Tuy nhiên thiếu tá Cannela tin rằng phát biểu của ông đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh. Cannela nhớ đã nói với Arnett rằng Việt Cộng đã phá huỷ thị xã và đó là điều đáng tiếc (“Vietcong had destroyed the town and that was a shame”). Nhưng phóng sự của Peter Arnett cho người đọc hiểu rằng Mỹ đã pháo nát Bến Tre (6) và chỉ ghi người tuyên bố câu “It became necessary to destroy the town in order to save it” là một thiếu tá “không tên tuổi” (unidentified).


(6) Trích đoạn New York Times, February 8, 1968: “Bến Tre was pulverized by U.S. firepowere. “It became necessary to destroy the town in order to save it,” an unidentified U.S. Major explained…”

Năng nổ đưa những loại “tin” như quân lính Mỹ thô bạo đánh bom, rót pháo đốt làng giết dân, tướng VNCH là tội phạm chiến tranh, nhưng cả làng truyền thông Hoa Kỳ và thế giới không có đến một tấm ảnh, không một lời bình luận, không một thước phim về hàng trăm người miền Nam Việt Nam bị cán binh cộng sản bắn, giết ngay những ngày Tết ở Sài Gòn hay về những mồ chôn người tập thể ở Phú Cam, Gia Hội, …


Cân bằng, trung thực của báo giới truyền thanh và truyền hình về cuộc chiến và Mậu Thân 1968 là như thế.

Không phải giới truyền thông chỉ mù và điếc trong giai đoạn “Tổng tiến công, tổng nổi dậy” hay thời gian sau đó; Cả thế giới dường như đều không muốn biết đến Thảm sát Mậu Thân vì biết mà không lên tiếng lên án thủ phạm thì thẹn với lương tâm. Và nếu phải nói sự thật thì còn gì là “thời thượng” nữa. Đó là thời đại của “flower child” cởi truồng nghe nhạc ngoài trời, thời của phản chiến, của “make love, not war”, v.v…

(Trần Giao Thủy)



Đèn Cù

Cuốn sách không viết theo phong cách hồi ký hay tự truyện, khi người viết có sẵn một bản đồ để viết theo, với một mục tiêu muốn đạt tới. Đây cũng không phải là tiểu thuyết, tác giả không kể những chuyện mình tưởng tượng ra. “Truyện tôi”  là một thể loại văn xuôi mới, Trần Đĩnh tạo ra. Mai mốt có thể sẽ không còn ai viết “truyện tôi” nữa. Mà có ai viết thì chăc chắn cũng không viết giống như Trần Đĩnh. Đèn Cù là một cuốn sách độc đáo.


Trần Đĩnh vốn là một thi sĩ, loại người thích sáng tạo ngôn ngữ, bầy đặt, đùa rỡn, vui chơi với ngôn ngữ. Đẽo gọt, mài rũa, “như thiết như tha, như trác như ma,” rùng mình sảng khoái hay quằn quại đau khổ với ngôn ngữ. Trước khi gia nhập tòa soạn báo Sự Thật, ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1949, tuổi 19, ông đã viết báo rồi. Nhưng cuốn sách này tuyệt nhiên không dùng lối văn viết báo. 


Nhà báo không ai mở đầu một bài bằng mấy chữ: “Viết này vất vả,” rồi chấm câu. “Lười là rõ,” lại chấm câu. Cái khí văn đó tràn suốt tác phẩm. Có thể gọi đó là Khí văn Trần Đĩnh. Cũng như chúng ta có thể nhận ra Khí văn Phùng Quán, Khí văn Thanh Tâm Tuyền, vân vân, các thi sĩ có lúc viết văn xuôi. Nó riêng biệt, văn đó đúng là người, mỗi người một vẻ.


(Tác giả Trần Đĩnh và nhà bình luận Ngô Nhân Dụng, Hoa Kỳ, 2015)


Nhưng Trần Đĩnh vẫn giữ nguyên cái đức của người viết báo, là nói sự thật, kể những chuyện thật. Đọc tới đâu người ta cũng cảm thấy: Đây là những chuyện thật, sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết. 


(Ngô Nhân Dụng)


Ngoài sáng tác, Trần Đĩnh còn là một dịch giả với tác phẩm như: 

Linh Sơn của Cao Hành Kiện

Ngầm của Murakami Haruki.

Trần Đĩnh mất ngày 12-5-2022 tại Sài Gòn, thọ 93 tuổi



Những chiếc xe mì của quá khứ

Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.

Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối (sic), bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn bự tổ chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái “vịm” bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng.

 

Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái “vịm” thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái “vịm” mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.

  (Đỗ Duy Ngọc)


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương

Cho những nhà văn nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)


Bình Nguyên Lộc (1914-1987)

Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, là một nhà văn lớn, nhà văn hóa trong giai đoạn 1945-1975. Ngoài bút danh Bình Nguyên Lộc, ông còn có các bút hiệu khác như Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh…]


Ông đã sáng tác khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam chỉ được in phần đầu, phần còn lại độ 800 trang viết tay coi như bị thất lạc. *


* Phụ bản của người góp nhặt :

Qua tự sự của Bình Nguyên Lộc, sau 75, người Hà Nội vào mượn quyển Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam để tham khảo. Rồi không thấy họ trả lại nữa.


Ông cũng từng viết tiểu thuyết bằng thơ trường thiên như Thơ Ba Mén, Việt Sử Trường Ca, Luận Thuyết Y Học, Thơ Thổ Ngơi Đồng Nai, Ca Dao… Ông còn có công sưu tầm được hàng nghìn câu ca dao kèm theo chú thích về đặc điểm của mỗi câu.


Tháng 10-1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7-3-1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn


Phùng Quán 

Khi rời khỏi quân đội, vợ làm giáo viên, gia cảnh Phùng Quán lúc ấy rất nghèo. Cái tích "Cá trộm, văn chui, rượu chịu" ra đời trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, nhà ông ở cạnh hồ Tây nên thường câu trộm cá ở đấy để thêm vào những bữa ăn gia đình. 


Phùng Quán lại hay rượu, là con nợ kinh niên của nhiều chủ quán rượu quanh hồ. Ông kể có một lần, có chàng thủy thủ tàu viễn dương đến nhà "tán" cô con gái rượu xinh đẹp của ông, đã để lại biếu ông một nửa gói thuốc ba số 5, ông đã phải mang ra quán đổi lấy... rượu uống được mấy ngày





Không có nhận xét nào: