Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

***

Vạn


Vạn: làng chài. 

Trong từ điển của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651, vạn được định nghĩa là “nơi tụ tập nhiều thuyền bè để buôn bán”. 

Vạn còn chỉ tập hợp những người làm chung một nghề như vạn buôn, vạn xe, vạn cấy…

(Làng xã Việt Nam – Nguyễn Tùng)



Hát thờ thần và hát nằm với nhau 

Làng Diềm là một trong những nơi của hát Quan Họ. Nam nữ làng ấy làm một hội hát, con trai con gái đến đình thờ thần, rồi đến đêm thì cùng nhau về nhà chị cả, hát với con trai làng Hoài Bão. 

Đêm ấy làng này con gái có chồng và con gái chưa chồng cũng đều đến nhà chị cả. Chị cả sai người nhà làm tiệc rượu mời các chàng trai xã Hoài Bão ăn uống no say, sau đó mới hát. 

Đến sáng thì tắt đèn trong nhà, trai gái cùng nằm mà hát. 

Lúc tắt đèn, người con trai thuận tình với người con gái nào thì hát với cô ấy. Nếu chàng trai con gái nào yêu nhau, giả vờ đi ra tiểu tiện ở ngoài nhà, cùng đi ra ngoài nhà mà giao phối.

(Nguyễn Xuân Diện)



Hát cung văn

Âm nhạc hát văn mang âm điệu dân ca Phú Thọ, quan hệ gần. Dân ca Phú Thọ, là cái nôi sinh ra các loại dân ca đồng bằng bắc bộ: Hát văn, ca trù, quan họ, hát chèo, mức độ xa gần khác nhau nhưng chung một gốc xuất xứ từ kinh đô vua Hùng.

Hát văn mở đầu thỉnh mời thánh về, tiếp theo kể công đức, cầu mong ước muốn, tiễn thánh. Một buổi hát diễn ra nhiều điệu hát: Phú nói, phú chênh, phú rầu, ngâm thơ, vãn, dọc, cờn, hãm, dồn, xá. Tùy mỗi nghi lễ, các điệu hát lặp lại kéo dài nhiều giờ. 


Sau hát thờ vào hầu bóng. Hầu bóng tứ phủ, lễ các vị thánh. Hát múa hầu đồng nhập hồn vào người ngồi đồng. Hát cửa đền, một hình thức nghi lễ về vị thánh hiển linh suy tôn tại ngôi đền. Hát cung văn, hát chầu văn, hát văn, hát bóng... một hình thức sinh hoạt ca múa nhạc, diễn xướng tâm linh văn hóa xứ Bắc, đậm màu hồn Việt. Tồn tại lâu đời trong dân gian từ Bắc đến miền Trung, phát triển mạnh tại các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, lên cả miền núi Lạng Sơn, Quảng Bình...Hát văn được dân lưu truyền, tôn vinh những nhân tố văn hóa, nghệ thuật thuần Việt.   

(Tuấn Giang)



Chuyện đôi đũa - 1

Theo nhiều sử liệu nghiên cứu về đôi đũa thì người dân vùng Hoa Nam thuộc giống dân Bách Việt là dân tộc đầu tiên phát minh ra đôi đũa dùng để gắp thức ăn. Trong quyển L’histoire culturelle de la Chine, sử gia Đàm Gia Kiện xác nhận người Tàu (trước Tần Thỉ Hoàng) vẫn còn ăn bốc tức đưa thức ăn vào miệng. 

(Đàm Gia Kiện, L’histoire culturelle de la Chine – p.769)


Chỉ khi họ bành trướng lãnh thổ về phương Nam, vùng đất của dân Bách Việt đất ấm áp, nơi có nhiều rừng tre và trồng được lúa nước, người Hán khám phá ra dân nơi nầy dùng một dụng cụ thô sơ bằng tre, dùng để và cơm và gắp thức ăn đưa vào miệng. 


Đôi đũa đuợc phát sinh qua hình ảnh cái mỏ con chim ngậm giữ… hột lúa hay một con cá, trước khi đưa vào miệng ăn. 

(Lê Quốc)



Chữ là nghĩa

Bắt đầu từ địa danh Hòn Gay tôi khoái chí tử! Hầu hết các cách giải thích đều không được người ta thỏa mãn! Tôi đi tìm mấy ông Tây tới thám hiểm đầu tiên. Tôi nắm đầu cái ông Tây đầu tiên ghi tên nơi này. À! Thì ra Kon gai:

Cái ông Tây đầu tiên thấy cái hang đẹp quá! bèn chỉ hỏi người bản địa. Thế là người bản địa trả lời: Con gái


Ngày nay vẫn còn hang con gái đó! Quí vị nào không tin thì cứ việc đi tìm ngữ nghĩa của Hòn Gay, Hòn Gai, Hồng Gai...


(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục)


Chuyện đôi đũa - 2


Một người Tây Phương, Ô. G. Charles, trong tác phẩm: ”La table du dragon” hết sức ca tụng đôi đũa và thức ăn Á Đông. Ông viết: ”Người ta tự đào huyệt chôn mình bằng chiếc nĩa, nhưng ngườt ta xây dựng sức khoẻ của mình với đôi đũa (On creuse sa tombe avec la fourchette, mais on construit sa santé avec les baguettes).

Tác giả nhận xét cung cách ăn uống của mấy ông con trời: 

”Bữa ăn được xem là khoảng thời gian xum họp, vui vẻ, nên người Tàu gây nhiều tiếng động ồn ào trên bàn ăn. Xương xẩu, rác rưởi bỏ bừa bãi bên cạnh chén cơm hoặc vứt đầy xuống mặt đất. Chiếc bàn sau bữa ăn giống như một bãi chiến trường ngỗn ngang xác chết..” (G. Charles, La table du dragon).


(Lê Quốc)


Chưa…hỏi đã…ngã

Với giọng chuẩn, quan niệm chung cho rằng dân Nam Kỳ thì bê bối nhất, Trung Kỳ thì còn khá một chút, chớ Bắc Kỳ thì hoàn hảo trong việc sử dụng hỏi ngã. Vì giọng của người ta khi sinh ra vốn đã “chuẩn” rồi nên viết đúng chính tả. 


Nhưng thế nào là chuẩn?
- Chuẩn là nói đúng. Đúng hay sai là phải có cái gì làm chuẩn để có thể so sánh. Người Bắc dùng rất nhiều từ Hán Việt trong khi miền Nam chỉ dùng tiếng Việt, và không có tiêu chuẩn nào để cho là từ Hán Việt đúng hơn tiếng nước ta. Bình Nguyên Lộc viết rằng từ Hán Việt chỉ là tiếng Tàu nói sai giọng. 


- Chuẩn là là có tỉ số dân nói nhiều nhất. Nếu thế thì phát âm miền Nam đúng tiêu chuẩn nhất, vì phát âm miền Bắc chiếm độ 30%; miền Thanh Nghệ Tĩnh chừng 15%; miền Nam chiếm 55% từ Nha Trang đến Cà Mau. Nói miền Nam chuẩn hơn thì hơi lộng ngôn một chút. Chuẩn phải là một cái gì khác.


(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)


Con đường Dương Nghiễm Mậu

Một chuyện ngộ nghĩnh khác, về Phan Đăng Lưu. Chẳng hiểu vì lý do nào cùng với Lê Xuyên tác giả Chú Tư Cầu, Mậu là một trong hai tù nhân văn nghệ bị quản huấn bỏ quên lâu nhất. Mãi gần nửa năm sau, mới được gọi tên. 

Cuộc thẩm vấn tức cười không thể tả được:

- Dương Nghiễm Mậu. Tên thật Phí Ích Nghiễm.

- Sao lại những hai tên?

- Một tên cha mẹ đặt. Một tên vì nghề nghiệp.


Quản huấn lắc đầu, Mậu không có một hồ sơ tội phạm. Đành hỏi:

- Anh bị bắt vì tội gì?

- Tôi không biết.

- Vô lý. Phải có tội mới bị bắt. Anh làm nghề gì?

Mậu nửa đùa nửa thật:

- Nghề văn nghệ sĩ.

Tên quản huấn dốt nát chẳng hiểu nghề văn nghệ sĩ là cái nghề quỷ gì, nhưng nét mặt rạng rỡ:

- Có thế chứ. Vậy tôi ghi vào hồ sơ tội trạng anh, tội anh là tội văn nghệ sĩ.


Tội văn nghệ sĩ. Tếu thật. Nhưng cũng là sự thật. Tác phẩm Dương Nghiễm Mậu, sau 1975, cũng bị đem ra trưng bày tại phòng Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy. Nội dung những tác phẩm Dương Nghiểm Mậu cũng bị đem ra mổ xẻ và đả kích thậm tệ ở các lớp học, các buổi họp và trên đài phát thanh Cộng Sản. 


Cái "tội văn nghệ sĩ" do tên quản huấn dốt nát định cho Mậu ở buổi thẩm vấn Phan Đăng Lưu, tôi biết. Mậu công nhận và còn thầm công nhận mãi. Như một ở cùng cảnh ngộ với bằng hữu. Như một tin tưởng vĩnh viễn ở chính mình, và qua bản thân, ở văn chương. Văn chương với Dương Nghiễm Mậu, mang ý nghĩa tốt đẹp nhất và toàn vẹn nhất của một tự thành. Con đường đi vậy là trước sau thông suốt. Những bước chân đi trên con đường ấy vậy là đã tới. Tôi vẫn nghĩ trở lại cái truyện ngắn đầu tay Rượu chưa đủ của Dương Nghiễm Mậu tôi nhặt được trong một cái sọt rác và đăng lên một số Sáng Tạo năm nào. 


Đứa trẻ mồ côi im lặng đào đất chơi trò đắp hình sông nước quê hương. Trò chơi tuyệt vời ấy đã hoàn tất. Nó cũng là cái trò chơi chúng ta cùng nhìn thấy là tuyệt vời và đã hoàn tất, bằng văn chương của người viết văn đi một mình trên con đường mình là Dương Nghiễm Mậu.


(Mai Thảo)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 


Muốn thành công phải trải qua thất bại
Trên đường đời có dại mới có khôn.


Nhớ Chóe và thơ - 1

Dĩ nhiên, khi làm thơ, viết truyện hay sáng tác nhạc thì ông dùng tên thật Nguyễn Hải Chí. Còn vẽ tranh ông mới dùng nghệ danh Chóe đã gắn bó với ông từ năm 1969 trên nhật báo Sóng Thần


Nếu lần giở lại lịch sử báo chí Sài Gòn thì trước năm 1975 đã có hai cây bút biếm nổi tiếng là Ngọc Dũng ký TuýtĐinh Hiển ký Hĩm, cho nên tôi dè chừng rằng, khi nhà văn Viên Linh đề nghị chàng họa sĩ quê gốc An Giang học vẽ ở trường làng Nguyễn Hải Chí lấy hiệu Chóe thì cũng chưa chắc dám tin.


Lúc sinh thời, Chóe luôn quan niệm cái nghề của ông là hí họa, chứ không phải biếm họa. 


(Một trong 6 bức vẽ cuối cùng của họa sĩ Chóe)


Ông suy tư về hành trình cầm cọ mang lại niềm vui cho nhiều người: "Xin bạn hãy cùng tôi gọi con đường này là hí họa, vì hí họa là con đường rộng và lòng ta rộng theo… Trong hí họa cần cả nội dung lẫn hình thức. Không tạo được hình thức sẽ làm hỏng nội dung. Hình thức càng tốt, càng giảm được số chữ phải ghi trong tranh. Hí họa cần nhất là dễ nhìn, dễ phân biệt, tập trung làm nổi bật ý chính, tạo cho người xem chú ý ngay về sự khập khễnh của hình thức rồi mới dẫn dắt họ đến cái phi lý, cái lố bịch của nội dung”. 


Họa sĩ Chóe cũng có vẽ tranh sơn dầu, vẽ phong cảnh và vẽ chân dung, nhưng thành tựu cả đời ông vẫn là hí họa. Ông bảo rằng đó là "nghề cười" một cách chuyên nghiệp: "Tôi không cống hiến gì đâu. Tôi làm chưa bằng người làm vườn, người trồng rau. Lớn lên có một nghề và nghề ấy nuôi sống được mình là quá tốt rồi".


(Lê Thiếu Nhơn)


      Câu đối lơ mơ lỗ mỗ 


Ông ăn nên làm ra, xây lầu tầng ba, gần trời xa đất
Tôi có sao đành vậy, ở nhà cấp bốn, gần đất xa trời


Nhớ Chóe và thơ - 2

Nửa đầu thập niên 1990, những hí họa của Chóe chiếm lĩnh nhiều trang báo. Mỗi ngày Chóe vẽ cỡ 10 bức hí họa khác nhau đi "bán" cho các tòa soạn. Năm 1997, Chóe bệnh tiểu đường, phải đi Pháp điều trị hai lần, nhưng không thuyên giảm. 


Năm 2001, Chóe bị hư hẳn con mắt phải, con mắt trái chỉ còn thấy lờ mờ nên không còn vẽ được nữa. Hơn một năm ròng, Chóe nằm nhà làm thơ, thỉnh thoảng gọi điện bạn bè để đọc cho nghe những câu thơ suy ngẫm như
Khi ta vẽ trừu tượng.
Cái đầu ta hiện thực.
Khi ta vẽ hiện thực.
Cái đầu ta trừu tượng.
Khi ta vẽ em.
Đầu ta bay đâu mất.

Năm 2002, vợ con Chóe đưa ông sang Mỹ với le lói mong mỏi những tiến bộ y khoa mới nhất có thể giúp ông níu kéo sự tồn tại. Ngày 18/1/2003, bác sĩ ở Virginia đã chích thuốc phục hồi thị lực cho Chóe, và tranh thủ được nhìn thấy trở lại trong khoảng nửa giờ đồng hồ, ông đòi giấy bút để vẽ nhoáng nhoàng một mạch sáu bức tranh. Đáng xót xa thay, đó cũng là những tác phẩm cuối cùng của Chóe. Ngày 4/3/2003, Chóe đứt mạch máu não, và lặng lẽ chuồi vào chốn hư vô một tuần sau đấy, ở tuổi sáu mươi.

5 năm rồi, kể từ ngày Chóe đi xa, tôi ngồi viết những dòng này trong bất chợt thảng thốt nhớ bài thơ ngắn của ông:
Em vứt đi ngọn lửa
Ta từ bỏ kiếp rơm
Để đời sau không còn là tro bụi


(Lê Thiếu Nhơn)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 


Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.


Lê Hữu Mục


Anh Mục lớn hơn tôi quá một con giáp. Tôi nhìn anh còn hơn cả bậc thầy mình. Anh lúc đó đã có giảng khoa ở Đại Học Huế, đã có sách về Nhất Linh, về Tự Lực Văn Đoàn. Khi tôi mới bước vào ngưỡng cửa của trường Đại Học Văn Khoa thì anh Mục đã có những công trình làm ngẩn ngơ người đọc là bản dịch rất nhuần nhuyễn hai quyển truyện ký viết bằng chữ Hán của người xưa là Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh Tập

Hai tập truyện xưa này anh dịch đã rất tài tình, và rõ ràng lại thêm tài hoa trong cách hành văn. Phần quan trọng bậc nhất là phần dẫn nhập ở đầu sách, giới thiệu toàn bộ nội dung để người đọc nắm bắt được những gì tác giả muốn chuyển giao cho người đọc. Tôi rất khâm phục hai công trình sáng giá này của anh. Trong việc học hành nghiên cứu, anh Mục lúc nào cũng đi trước tôi một đoạn đường dài, chắc chắn bằng kiến thức và bằng tác phẩm chớ không phải đoạn đường dài của thời gian… 


(Nguyễn Văn Sâm)


214 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 


Vũ Trọng Phụng, bạn học của Vũ Đình Liên qua đời, ông (Tú Sót) điếu bạn mình bằng vào một bài thơ:

Thiên cổ văn hào anh Phụng ơi!

Ai hơn anh tha thiết tình người

Một thân mang cả muôn vàn nghiệp

Một phận đôi chung vạn ức đời


Tú Sót tên thật là Chu Thành , sinh năm Canh Ngọ (1930), quê ở Diễn Tường, Diễn Châu, Nghệ An. Đây là một vùng quê “có tiếng” về nói trạng của xứ Nghệ. Chu Thành là con út trong gia đình, ngay từ khi lên 6, 7 tuổi đã được tiếp xúc với chữ nho, rồi được học chữ quốc ngữ. Lớn lên, Chu Thành vào bộ đội chống Pháp. Khi Thủ đô hoàn toàn giải phóng, ông về làm việc ở NXB Thanh Niên đến lúc nghỉ hưu (1989). 

Cũng bắt đầu từ khi “cầm sổ hưu”, Chu Thành - Tú Sót mới chính thức bắt đầu cầm bút lông, và học thêm ở các bậc túc nho đi trước như cụ Lê Xuân Hòa rồi gắn những năm cuối đời của mình với nhóm “Cảo thơm thư hiên” ở góc phố Bà Triệu. Ông đã mãi mãi trở thành “người muôn năm cũ” từ mùa xuân 2006.


(Mối tình trong bài thơ Ông đồ - Lê Chánh Thiêm)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Ngước lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao.


Xuân Sách: viết chân dung


Phần một về tập thơ Chân dung nhà văn

Đối với các “Bậc trưởng lão” từ thời 30-45, tưởng Xuân Sách sẽ bị mắng mỏ là “phạm thượng”, “hỗn láo” hay đại loại như vậy. Nhưng Thơ Chân dung đã nhận được sự đối xử rất quân tử. Như với ba đại gia là Nguyễn Tuân, Xuân Diệu và Hoài Thanh…


Chân dung Nguyễn Tuân
Vang bóng một thời đâu dễ quên

Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên

Chén rượu tình rừng cay đắng lắm

Tờ hoa lại trót lỡ ưu phiền.


Cụ Nguyễn, con người vốn thích đùa một cách... cao sang và thâm trầm, thích ăn nem rán nóng bỏng thì gắp lên đặt xuống cái nem, nghe thơ và phán: “Hóm, thằng này hóm” 


Chân dung Xuân Diệu
Hai đợt sóng dâng một khối hồng

Không làm trôi được chút phấn thông

Chao ơi ngói mới nhà không mới

Riêng còn chẳng có, có gì chung.


Và phản ứng của Xuân Diệu, Xuân Sách kể: 

Một lần gặp Xuân Diệu trong quán bia hơi, tôi nâng cốc bia chúc mừng ông vừa được bầu làm viện sĩ của Viện hàn lâm nghệ thuật nước CHDC Đức, ông chạm cốc: Chúc mừng họ Ngô nhà ta, những bài thơ của cậu đi vào cõi bất tử.


Chân dung Hoài Thanh:
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời

Nửa đời sau lại vị người ngồi trên

Thi nhân còn một chút duyên

Lại vò cho nát lại lèn cho đau

Bình thơ tới thuở bạc đầu

Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình

Giật mình mình lại thương mình

Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan.


Trong Lời cuối sách nhân NXB Văn học tái bản cuốn Thi Nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Từ Sơn viết: “Một lần khác, vẫn ở bên giường cấp cứu, chúng tôi bàn về thơ “chân dung nhà văn” đang lưu hành trong giới văn chương. Cha tôi khe khẽ đọc lại mấy câu “thơ chân dung” nói về ông mà ai đó đã đọc cho ông:

Vị nghệ thuật một nửa đời

Nửa đời lại phải vị người cấp trên

“Thi nhân” còn một chút duyên

Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau!...

 

Đọc xong, cha tôi bình: “Tay này nó biết mình mê Kiều nên nó dùng lối lẩy Kiều để vẽ chân dung mình thì khéo thật. Tuy vậy câu thứ hai nói oan và nói ác quá. Cha biết có không ít người nghĩ như thế về cha”. Nói xong, cha tôi có vẻ hơi buồn buồn”.


Trong bài viết Lời cuối sách này, Từ Sơn đã nói rõ tại sao Hoài Thanh lại có cái “nhìn lại” rất nghiêm khắc với “Thơ Mới” và nhất là tự phê phán Thi Nhân Việt Nam tới mức như Xuân Sách đã viết Thi nhân còn một chút duyên / Lại vò cho nát lại lèn cho đau”.


(Đỗ Ngọc Thạch)


Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - 1


Hỏi : Bộ Thơ văn Lý Trần bắt đầu từ bao giờ?

Đáp : Bộ Thơ văn Lý Trần do Viện Văn học chủ trương biên soạn ngay từ khi Viện mới thành lập (1959). Một mảng văn học 5 thế kỷ của ông cha ta gần như trống. Từ thế kỷ X, Ngô Quyền dựng nước, cho đến hết thế kỷ XIV, tức đến năm 1406, người Minh đặt ách đô hộ trở lại. Thơ văn còn lại quá lác đác, không hệ thống, coi như một khoảng trống của lịch sử. Rất nhiều tên sách hiện còn mà sách thì đã mất. Rất nhiều văn bia có giá trị văn học không được ai ghi lại. Học giả Lê Quý Đôn chỉ ghi tên các bia nhưng không chép lại văn bia. 


Năm 1968, tôi được giao việc ấy. Gs. Đặng Thai Mai nói : bố tôi cụ Nguyễn Đổng Chi đã đi trước một bước rồi. Ông cụ đã soạn ra cuốn Việt Nam cổ văn học sử  từ năm 1941, chuyên khảo cứu văn học từ đời Hồ trở về trước. Ông chỉ mới ra được một quyển đầu là quyển sử văn học. Quyển hai dự tính sẽ dịch đầy đủ thơ văn Lý Trần. Nhưng ông lại phải tham gia cách mạng nên không làm được nữa. Gs. ĐTM nói : "Bây giờ anh nối tiếp ông cụ và đứng ra đảm đương việc này". Từ đó tôi gạt bỏ việc nghiên cứu Tự lực văn đoàn và Nam Cao mà mình rất yêu thích để chuyên tâm vào công việc được giao. 


Hỏi : Việc đi tìm tài liệu thế nào ?

Đáp : Quan trọng vẫn là nguồn tài liệu chứa trong thư tịch như các bộ Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển và một loạt thi tập còn lại đây đó. 

Ngoài ra là nguồn tài liệu điền dã : văn bia, văn khắc, sách vở tản mác trong dân... Nguồn này bắt chúng tôi phải tổ chức nhiều chuyến đi tìm kiếm khắp nơi, kể cả rừng sâu núi cao, những nơi "khỉ ho cò gáy". Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm nhớ đời.


(Thượng Văn)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 


So với cái mênh mông của vũ trụ
Thì nỗi buồn của hạt bụi có ra chi.



Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - 2


Hỏi : Có kế hoạch nào để đi tìm nguồn tài liệu ở ngoài nước ?

Đáp : Chúng tôi là người đã tìm ra quyển Việt kiệu thư (Gò đất Việt) của Lý Văn Phượng viết vào thế kỷ XVI thời nhà Minh. Lý Văn Phượng là nhà sử học người Tàu, biết thu góp tư liệu một cách cẩn thận. 

Trong sách đó tôi tìm được ba đạo sắc của Minh Thành Tổ. Đạo sắc thứ nhất ban bố vào năm 1406, gồm 10 điều, trong đó có ghi cụ thể : các hạng người làm nghề thầy thuốc, thợ thủ công, ca nữ, thầy bói... người Việt, mỗi hạng phải bắt về Tàu bao nhiêu,


Phải dò xem sự lợi hại của hỏa pháo của cha con họ Hồ (Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng) như thế nào. Hồ Nguyên Trừng là một nhà kỹ thuật giỏi, sau này bị bắt sang Tàu, được bổ dụng làm Tả thị lang Bộ Công, theo cách gọi ngày nay là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chứng tỏ họ cũng biết dùng người chứ không phải bạ ai cũng giết. 


Tôi quan tâm đến điểm thứ ba trong đạo sắc : "Phàm sau khi đến An Nam, bao nhiêu sách vở của người Nam viết, kể cả sách ca lý dân gian, sách ghi những câu vần vè cho trẻ em học, trừ những gì do Trung Quốc viết ra, tất cả đều phải đốt ngay tại chỗ, một mảnh một chữ chớ để sót. Bao nhiêu bia ký trong nước, trừ những bia do Trung Quốc dựng, đều phải đập ngay tại chỗ, một mảnh một chữ chớ để còn". Những đạo sắc này chứng tỏ dã tâm của Minh Thành Tổ rất ghê gớm, bởi vì ông ta hiểu muốn tiêu diệt tận gốc một dân tộc thì không gì bằng tiêu diệt văn hóa của dân tộc đó. 


(Thượng Văn)


Chữ nghĩa làng văn - 1


Tôi hỏi, vậy thì “Ba người anh từ chiến trường đông bắc. Được tin em gái mất trước tin em lấy chồng” là những ai? Lê Đỗ Ngọc cho biết đó là các anh Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên, Lê Đỗ Khang. Chị Lê Đỗ Thị Ninh, vợ anh Hữu Loan, là em kế anh Khang.


(Một lần gặp nhà thơ Hữu Loan – Xuân Đài)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 


Uống ba chén rượu khoanh tay ngủ
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười.


Chữ nghĩa làng văn - 2


- Màu tím hoa sim anh làm năm nào?

- Việc này nhiều giai thoại lắm, có người bảo mình vừa khóc vừa làm thơ bên mộ vợ, rồi chép vào quạt nan, người lại bảo mình làm ở đơn vị rồi khắc lên báng súng. Thơ dài thế, làm sao viết vào quạt nan hoặc khắc lên báng súng cho đủ

Sự thật thế này: vợ mình mất ngày 29/5/1948, lúc cô ấy mới quá tuổi trăng tròn. Thương quá, đau quá Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương”. Nén thương xót vào lòng, một năm sau mình mới làm ra được bài thơ. 


Được giáo dục chu đáo nên vợ mình rất nết na, cô ấy quán xuyến mọi việc trong nhà, từ cơm nước, may vá…nên cả làng, cả họ ai cũng quý mến. “Ngày xưa nàng thích hoa sim tím. Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa”. Còn các câu: Chiều hành quân qua những đồi sim. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt là nhớ tới cô ấy rất thích màu tím, mỗi ngày lên đồi hái hoa sim tím chưng trong nhà, chưng trên bàn viết của mình.


(Một lần gặp nhà thơ Hữu Loan – Xuân Đài)


Chữ và tiếng nói


Truyện Kiều và các công trình sưu tầm tục ngữ, phong dao, câu đố, hát ví....sách gối đầu giường, tôi thường đọc. Nhưng phải phải chỉ có tuyệt tác của Nguyễn Du và tục ngữ ca dao của dân gian sáng tạo mới đáng đọc, mà ở bất cứ một tác phẩm cổ điển nào chúng ta cũng học được về nguồn gốc chữ, cách nói và viết của người ngày trước.


Trong truyện Kiều có chữ “áy”: Một vùng cỏ áy bóng tà. 

Phải đến dịp cuối năm ngoái, tôi về vùng Thái Bình, nghe người dân nói: “Cỏ áy”, “mạ áy” mới biết tiếng “áy” đó là của dân gian, mới nhớ ra vợ Nguyễn Du quê ở Quỳnh Côi, Thái Bình.
Rất nhiều chữ, nhiều câu khác ở các truyện, thơ cổ như thế, đáng để nhớ, để học cả. Tuy nhiên không đem tiếng địa phương, tiếng chuyên môn, tiếng lóng vào bừa bãi trong sáng tác. Chỉ nên dùng ở những trường hợp cần thiết, không có không được. Tôi cố viết theo một thứ tiếng phổ biến và hiểu chung dễ nhất. Đối với ngôn ngữ và cả cách nói, giọng nói, cũng đều lấy một nơi làm gốc. 

Cũng như, tôi cũng thường sáng tạo ra tiếng, nếu tôi nghĩ những tiếng ấy dễ hiểu và dễ phổ biến. Những cách ấy làm phong phú, giầu có thêm cho ngôn ngữ văn học. Nếu có sai lầm, chỉ khi nào dùng quá liều theo kiểu chuộng lạ, khoe chữ.

(Sổ tay viết văn – Tô Hòai)


Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Kịch lịch sử”


Tào Mạt


Tào Mạt tên thật là Nguyễn Duy Thục, sinh tại huyện Thạch ThấtSơn Tây.


Khi mới 16 tuổi. Tào Mạt đặc biệt yêu thích văn học Hán-Nôm và tự học để nghiên cứu. 

Tào Mạt qua đời năm1993 tại Hà Nội


Ông để lại khoảng 20 kịch bản chèo, tuy nhiên những kịch bản được nhiều người nhắc đến là: Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính và Lý Nhân Tông học làm vua, Bài ca giữ nước


(Bài ca giữ nước)


Sở dĩ ông lấy bút danh Tào Mạt vì ông kính phục nhân vật Tào Mạt, là một viên tướng nước Lỗ thời Xuân Thu, được ghi lại trong Sử ký của Tư Mã Thiên và Đông Chu Liệt Quốc. Tướng Tào Mạt nổi tiếng với điển tích cầm chuỳ thủ đe doạ Tề Hoàn Công để đòi lại cho nước Lỗ nhưng vùng đất đã bị nước Tề chiếm. 


***

“…Khi Việt Minh ra lệnh phá ngôi đình uy nghi và ngôi chùa Vĩnh Phúc của làng theo chủ trương vườn không nhà trống thì cán bộ huyện là Tào Mạt ngầm ra tay ngăn cản. Ngôi đình và ngôi chùa được giữ nguyên nhưng Tào Mạt thì bị điều đi học tập một thời gian dài...Năm 1950, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, Việt Minh ra mặt tận diệt những ai không phải là người của họ, chính anh Thục (tên thật của Tào Mạt) một đêm bên bờ sông Thao, anh đã nói với ông anh tôi (Phan Lạc Phúc) rằng:  “Các anh đi đi. Đây không phải là đất của các anh đâu. Đi ngay trước khi quá trễ". Anh em tôi nghe lời dời về Hà Nội rồi vào Nam ngay khi đất nước phân ly. Các anh em tôi sau đó đều trở thành quân nhân quân đội Cộng hòa, chống lại sự xâm lăng của quân cộng sản, trong đó có người bạn thân, người ân nghĩa Tào Mạt. 


Năm 1992, từ nửa vòng trái đất, Tôi nhận được thư của anh qua người bạn cùng làng. Lá thư có lời tha thiết: "Các anh hãy cố mà về để anh em còn được nắm tay nhau, kẻo chần chừ thì quá muộn. Anh em ta là những con người làng Nủa, cùng uống nước giếng Bìm mà thành người, trước sau vẫn không thay đổi... Tôi cố sống để được gặp các anh”….

Mãi hai năm sau tôi mới về làng cũ. Và như tôi dự đoán: Quá muộn! Tào Mạt đã chết trước đó một năm. Đứng trên căn gác ở đầu làng, nơi thiết trí bàn thờ Tào Mạt... tôi thắp 3 nến hương, vái 2 vái coi như anh còn sống, mà nước mắt bỗng chan hòa".

(Một thời oan trái – Phan Lạc Tiếp)

Thăng Long - Hà Nội xưa


Trước Khuê Văn Các là Thiên Quang Tĩnh, hai bên bờ tả hữu của giếng Thiên Quang là hai dãy bia Tiến sĩ đề danh. Việc dựng bia Tiến Sĩ do vua Lê Thánh Tông khởi xướng vào năm 1484; từ đó mỗi kỳ thi Đình lại được bổ túc thêm vào. Hiện nay còn khoảng 82 bia đời Lê sơ, đời Mạc và đời Lê Trung Hưng. Nếu so với những khoa thi thì con số 82 bia nầy vẫn còn thiếu


(Văn Miếu và Quốc Tử Giám – Kiêm Thêm)


Cái cười


Giở cuốn từ điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ ra xem, tôi thấy có cả thảy 91 từ mục về cái cười


cười ầm, cười ba ngoe, cười bao biếm, cười bả lả, cười bí hiểm, cười bỡn, cười cắm cắt, cười cợt, cười chê, cười chớt nhả, cười chúm chím, cười giã lã, cười dài, cười duyên, cười đùa, cười gay, cười gằn, cười gượng, cười giả dối, cười giòn, cười ghê rợn, cười hả hả, cười hả hê, cười hắt hắt, cười hề hà, cười hề hề, cười hì hì, cười hỉnh, cười hỏm hỉnh, cười hồn nhiên, cười hùn, cười huề, cười khà, cười khan, cười khảy, cười khanh khách, cười khì, cười khinh khỉnh, cười khoái trá, cười khúc khích, cười lả lơi, cười lanh lảnh, cười lạt, cười lão, cười lẳng, cười lén, cười lỏn lẻn, cười man rợ, cười mát, cười mỉa, cười miếng chi, cười mỉm, cười mơn, cười mũi, cười múm mím, cười nụ, cười ngặt nghẹo, cười ngất, cười ngoại giao, cười ngỏn ngoẻn, cười nghiêng ngửa, cười nhạo, cười nhoẻn, cười phì, cười quỷ quyệt, cười ra nước mắt, cười ranh mãnh, cười rặc rặc, cười rộ, cười rúc rích, cười rùm, cười ruồi, cười sặc sụa, cười sằng sặc, cười sâu sắc, cười tích toát, cười tình, cười toe toét, cười tít mắt, cười tủm tỉm, cười thầm, cười thích thú, cười thỏa mãn, cười trây, cười trời, cười vang, cười vỡ bụng, cười xã giao, cười xều xào, cười xộ…


(Trịnh Y Thư)


Học lại chữ Hán 


Nhà chơi đồ cổ ở Sài Gòn, cụ Vương Hồng Sển có cho tôi xem một cái chén như thế, nhưng bằng sứ chớ không phải là bằng sừng con tê ngưu, nhại giống hệt sừng của con tê ngưu

Thế thi cái chén “sáng ban đêm” ấy không hề là “chén ngọc” bao giờ cả, mà là chén bằng sừng. Trong khi nguyên tắc nói là “chén sáng ban đêm” thì chẳng ai hiểu cả. Chữ Tàu rắc rối quá sức, họ viết một đàng mà hiểu một ngả, thì ta tự nhiên phải điên đầu về chữ nghĩa của họ, không có gì phải ngạc nhiên. 


(Bình Nguyên Lộc)


Chia tay Thương xá Tax - 1

  

Ban đầu, mặt tiền của tòa nhà Grands Magasins Charner, thường được gọi tắt là GMC, có gắn tháp đồng hồ theo kiến trúc của Pháp nhưng pha trộn những đường nét Á Đông với mái cong trên tháp. GMC kinh doanh các mặt hàng mà thời Pháp thuộc gọi là “bazar”, những sản phẩm đắt tiền, sang trọng được nhập cảng từ Pháp phục vụ cho người Pháp tại thuộc địa, và các đại điền chủ Nam kỳ Lục tỉnh. Bên cạnh các cửa hàng buôn bán, GMC còn có “phòng trà” (salon de thé).

 

alt       alt


GMC tháp đồng hồ      GMC 3 tầng lầu năm 1942


Năm 1942, việc kinh doanh lúc này rất thịnh vượng nên xây thêm một tầng lầu và đập bỏ phần tháp đồng hồ ngoài mặt tiền. Thay vào đó là hàng chữ GMC. Đối với những người Sài Gòn xưa, hình như tòa nhà đã đánh mất vẻ “cổ kính” với tháp đồng hồ.


(Trần Thị Vĩnh Tường)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 


Không giải thích nghĩa đen, ghi nhầm, hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ trong “Tự điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam ” 

“Bà dì xù xì xó bếp” 

Chê những người dì không có tài năng gì.


Giải thích như vậy là lạc đề. Thành ngữ chê người dì xấu tính hoặc không đủ tư cách làm người dì. Không phải chê “tài năng” như GS nói. Câu này đồng nghĩa câu “Bác xác bác xơ”.


(Hoàng Tuấn Công)


Chia tay Thương xá Tax - 2

  

Sau ngày Sài Gòn “đổi chủ”, Thương xá Tax cũng được “đổi đời”. Năm 1981 Tax đổi tên thành “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố”. Tax khi đó mang tên vừa dài vừa khó nhớ đối với người Sài Gòn vẫn dùng cái tên cũ: “… đi lên Tax”.

Đáng chú ý là “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố” đã thu hút một số du khách đến từ các nước Đông Âu nên người Sài Gòn lại có một cái tên “bán chính thức” là “Chợ Liên Xô” hay ngắn gọn hơn, “Chợ Nga”! Khách hàng Đông Âu nhiều khi đóng thành từng thùng để chuyển về nước những mặt hàng… tư bản.

  

Đọc đến đây chắc hẳn có bạn đọc thắc mắc tại sao bài viết này lại mang tựa đề “Chia tay Thương xá Tax”?. Nếu chú ý theo dõi báo chí trong nước ta sẽ hiểu ngay vì sao sẽ phải chia tay. Báo Tuổi trẻ, ngày 20/8/2014, đưa tin trong một bài viết có tựa đề “Tiểu thương Thương xá Tax “chết đứng”: Tác giả Trần Thùy Linh sau khi nhắc lại việc “xóa sổ” khu vực Passage Eden đã viết: 

“Hôm nay, có một nỗi đau tưởng đã lên da non, bỗng bùng lên, dữ dội, khi nghe tin thương xá Tax sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ. Một cao ốc 40 tầng hiện đại, sáng choang sẽ mọc lên, thay thế cho Tax già nua cũ kỹ đã 134 tuổi. Khu trung tâm Sài Gòn sẽ còn gì?” 

Tôi bỗng nhớ lại một câu nói của ai đó. Câu này đã được dẫn trước bài viết nhưng cũng xin ghi lại một lần nữa để đừng quên:

“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng khẩu súng lục,

tương lai sẽ bắn lại anh bằng một khẩu đại bác”


(Trần Thị Vĩnh Tường)


Trở lại tuổi thơ cùng Lucky Luke 


   


Đồng hành với Lucky Luke là Jolly Jumper, “chú ngựa chạy nhanh nhất miền Tây”. Là con ngựa đặc biệt, nên Jolly Jumper biết đi trên dây, thông minh tới mức cùng chơi cờ với Lucky Luke và khi nói chuyện có thể trích dẫn cả… văn học. Jolly Jumper nhiều lần cứu Lucky Luke thoát khỏi các tình huống khó khăn nhưng hai nhân vật này lại thường xuyên trêu chọc nhau. Như trong tập “Sarah Bernhardt”, Jolly Jumper “chê” vì Lucky Luke soi gương “làm đỏm” trước khi đi gặp mgười đẹp. Còn Lucky Luke lại nhận xét Jolly Jumper “ở truồng” khi chú ngựa này không có yên trên lưng.


Đặc biệt Jolly Jumper rất ghét Rantanplan, được mệnh danh là "con vật ngu ngốc nhất miền Tây" hay "chú chó ngốc hơn cả cái bóng của mình". Rantanplan là chú chó của trại giam và sheriff giao nhiệm vụ canh giữ bọn “tứ quái” Dalton.


  (Rantanplan và tứ quái Dalton)

 

Morris đã xây dựng Rantanplan dựa trên một nguyên mẫu có thực là Rin Tin Tin, một chú chó thông minh, dũng cảm thường xuất hiện trên các bộ phim của hãng Warner Bros vào những năm 1920. Nhưng ngược lại với Rin Tin Tin, Rantanplan là chú chó ngu ngốc, chết nhác, tham ăn, và có cái mũi… bị điếc.


(Nguyễn Ngọc Chính)


Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)


Chợ Bến Tre (circa 1967-68). Nguồn: PapaSharky


“It became necessary to destroy the town in order to save it” – Nguồn gốc của câu tuyên bố “nổi tiếng” này là bài tường trình từ Bến Tre của Peter Arnett (AP) ngày 7 tháng 2, 1968. Theo Mona Charen, đầu đuôi câu chuyện như sau (4).


(4) Useful Idiots, How liberals get it wrong in the cold war and still blame America first, Mona Charen, Regnery Publishing, February 2003, p33.


Trong một trận đánh ở thị xã Bến Tre năm 1968, một đơn vị 12 lính Mỹ chỉ với vũ khí cá nhân phải chống cự với hoả lực của cộng sản Việt Nam trong suốt hai ngày hai đêm. Hoả lực của Việt Cộng đã giết nhiều thường dân và huỷ hoại một phần của thủ phủ tỉnh Kiến Hoà. Sau đó, các binh sĩ Mỹ đã được giang thuyền giải thoát khỏi vòng vây. 


Vài ngày sau khi an ninh đã trở lại, Peter Arnett được phi cơ quân sự đưa vào thị xã. Tại Bến Tre, Arnett đã phỏng vấn hai sĩ quan hiện diện là Thiếu tá lục quân Phil Cannela – sĩ quan cố vấn, trách nhiệm tại hiện trường – và Thiếu tá Không quân Chester L. Brown. Cannela tin rằng chính ông là sĩ quan mà Arnett đã trích lời trong bản tin về mặt trận Bến Tre. 


(Trần Giao Thủy)


Đèn Cù  

(Tự truyện của tác giả Trần Đĩnh)


Trần Đĩnh là người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh – Người Việt Books xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014


Quý vị lắng nghe bài Đèn Cù. Tự mình hát lên, hát cho thấm thía vào lòng, cho những câu dân ca văng vẳng trong đầu trong khi đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh. Khen ai khéo vẽ (ối a) đèn cù. Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh… Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh nó chạy tít mù. Đèn Cù, cũng gọi là đèn kéo quân, là một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em và cho cả người lớn. Quý vị sẽ dần dần nhìn thấy hoạt cảnh xã hội Việt Nam những hình nhân voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh trên màn ảnh đèn cù trong hơn nửa thế kỷ. 


Trong đó có tác giả. Một nhân chứng, một người tham dự trong đám Voi giấy (ối a) ngựa giấy lần lần hồi tưởng lại những cảnh cùng nhau chạy vòng quanh (ối a) nó tít mù. Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu chưa phải là một kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất. Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy. Quý vị sẽ cười, sẽ khóc, sẽ thắc mắc, sẽ dằn vặt, thao thức, kinh tởm, giận dữ, sót thương, khi bị cuốn theo những Voi giấy (ối a) ngựa giấy chạy quanh trong cái đèn cù.


Dưới cái tựa Đèn Cù Trần Đĩnh gọi cuốn sách này là “truyện tôi.” Đọc xong thì hiểu tại sao tác giả không gọi nó là một “hồi ký” hay “tự truyện,” những loại văn quen thuộc khi người ta kể chuyện cuộc đời mình đã sống. 


(Trần Ðĩnh, 1998, Trần Ðộ chụp – hình: tác giả cung cấp)


(Ngô Nhân Dụng)


(xem tiếp kỳ tới)


Những chiếc xe mì của quá khứ


(xe mì Sài Gòn)

  

Lời giới thiệu

 

Quý vị còn nhớ xe mì đầu đường gần nhà, các xe mì rất ngon chỉ đóng đô một chỗ không?  Hay quý vị còn nhớ các tiếng “sực… tắc” vào ban đêm của của các xe mì gõ bình dân giá rẻ trong xóm?  (TVG)

 

***

Sài gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc Kampuchia, món “Sushi” của Nhật, món “Pizza” của Ý, món “Cà-ri” của Ấn, món nướng của Đại Hàn, món “Soup” rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch (?) của Singapore, món “Dim sum” Hồng Kông… và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.

 

Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong giới hạn, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.

Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.

 

(Đỗ Duy Ngọc)


Tác giả: Nhà văn, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc thổ quán ở Huế, sinh năm 1950 tại Đà Nẵng, hiện đang sống ở Sài Gòn.

Tác phẩm: Thầy tôi: Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Vĩnh biệt Họa sĩ Bé Ký, Họa sĩ Đinh Cường, Bước không qua số phận, Những chiếc xe mì của quá khứ, v…v…


***


Phụ đính 


Chữ nghĩa làng văn


Nhà văn KQ Nguyễn Đình Thiều


Nguyễn Đình Thiều sinh ngày 14-2-42 tại Sơn Tây. Ra Hà Nội, theo hoc trường tiểu học Lý Thường Kiệt rồi trường trung học Thăng Long cho đến năm 1954 di cư vào Nam. Từ 1954 cho tới 1958 Nguyễn Đình Thiều sống tại Nha Trang tiếp tục việc học.
Năm 1959 ông vào Saigon, kết thúc năm cuối cùng bậc trung học vì ông phải lao vào đời kiếm sống vì gia đình không đủ giúp ông vào đại học. Suốt hai năm 59 - 60, ông sống dọc miền biên giới và cao nguyên Trung phần, hưởng cuộc đời tranh đấu hiểm nguy và ly kỳ như những nhân vật mà ông đưa vào tiểu thuyết sau này...

Năm 1961 ông bỏ rừng già về Saigon gia nhập quân chủng Không quân. Từ 1962 tới 1964 ông du học tại Hoa Kỳ, trở về nước ông phục vụ trong quân chủng Không quân tại hầu hết các Không đoàn trên toàn quốc.



Không có nhận xét nào: