Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Bài Thơ Viết Đêm Giao Thừa - nvs.Vũ Thụy

Bài Thơ Viết Đêm Giao Thừa
Anh viết cho em bài thơ thức trắng
Đêm Giao Thừa nghe chim lạnh kêu nhau
Sợi tóc sâu lần lượt bỏ da đầu
Anh nhớ em ngập sầu trong im lặng
Kể em nghe chiều nay vào quán vắng
Rất tình cờ gặp bạn lính Mỹ xa
Một hồi lâu hai đứa mới nhận ra
Mày với tao đã học cùng một khóa
Không chữ ngờ nào viết giống nhau cả
Ôm choàng nhau - ôm chung một rời rã
Nước mắt trào vội vã nuốt vào trong
Dù lính trận cũng có lúc mềm lòng
Ly cà phê bịn rịn giọt long đong
Anh chìm đắm từng giọt buồn giọt nhớ
Tiếng thằng bạn âm thanh nay khàn vở
Đọc bài thơ buồn của thuở cách chia
They answered the call, they volunteered
They grew tired, they persevered
Some traveled far, some stayed near
Some saw battle without showing fear
Their sacrifices and challences grew creater by the day
But these loyal men and women wouldn't have it any other way...
Uống cà phê như ngậm đắng nuốt cay
Anh thấy lòng mình như chất ngất say
Hai thằng lính già siết chặt tay từ giã
Vang bóng một thời xin trả chiến trường xa
                         nvs.Vũ Thụy
        (TX.  Đêm Giao Thừa Giáp Ngọ 2014)


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Thơ Tết của Nguyễn Lý - Tưởng

      Thơ Tết


1.  Vó Ngựa Qua Sông

Ta nghe vó ngựa qua sông,
Chạy trên bãi cát một vòng... rồi xa...
Non Tây bóng ngả xế tà,
Chiều lên đỉnh núi, quê nhà nơi đâu?
Nhấp nhô con sóng bạc đầu,
Nhìn ra cửa biển, một màu tối đen.
Đời là một giấc cô miên,
Say trong cơn mộng đảo điên mơ hồ.
Thần tiên đang ở nơi mô?
Cho ta đến đó cùng vô động đào.
Dưới khe tiếng suối rì rào,
Chim quyên xao xác bay vào rừng phong.
Nào ai biết rõ chuyện lòng,
Bao năm vẫn để chuyện lòng trong tim.
Bao năm ta vẫn đi tìm,
Lên non xuống biển vẫn tìm không ra.
Tỉnh giấc, ta vẫn là ta,
Ngoài song: vó ngựa đã qua lâu rồi!
                 Nguyễn Lý - Tưởng
Thứ sáu 17/01/2014 (17 tháng Chạp Quý Tỵ)
                    *****

2. Xuân Về:  Một Chút Tình Yêu
Quận Cam mai nở cuối mùa Đông,
Tuyết cũng không rơi, vẫn nắng hồng.
Hội chợ, diễn hành, Xuân họp mặt,
Ta nghe rạo rực ở trong lòng.

Không hẹn nhưng mình vẫn ước ao,
Một ngày hội ngộ dưới hoa đào.
Xuân về không thấy hơi sương lạnh,
Gió chướng, trời hanh, nắng gắt gao.

"Đào hoa y cựu tiếu đông phong?"
Bên đó giờ chưa có nắng hồng.
Lạnh quá tuyết rơi vườn trụi lá,
Thuyền em còn đợi khách sang sông.

Thân em gối chiếc cảnh cô phòng,
Vó ngựa còn đang kiếp ruỗi rong.
Chẳng thấy ngươi xưa quay trở lại,
Một đàn bướm trắng lượn qua sông. 
 
Tết đến rồi đây sao quạnh hiu?
Lòng em bỗng thấy xót xa nhiều.
Bao năm lưu lạc nơi đất khách,
Một chút tình yêu buổi xế chiều.
                Nguyễn Lý - Tưởng
Thứ Bảy 18/01/2014 (18 tháng Chạp Quý Tỵ)
                   *****  

3. Giây Phút Đợi Chờ
Một cặp bồ câu đậu nóc nhà,
Trước thềm còn lại một mình ta.
Ngồi chờ Tết đến sao lâu quá?
Đi chợ đàng xa, mẹ nhớ cha.

Năm tôi sáu tuổi, cha xa mẹ,
Mẹ sống cô đơn trọn tuổi già.
Tôi vừa đi học, vừa xem hát,
Mẹ giữ gia nương, giữ cửa nhà.

Đứa con lãng tử, thằng con út,
Con út được cưng, được ẳm bồng.
Một thằng con út, là con một,
Anh đã hy sinh, chị lấy chồng.

Cuối năm, gói bánh, làm dưa món,
Mẹ dặn canh nồi, canh bánh chưng,
Bếp đang rực lửa, nồi sôi sục,
Sợ lửa lan ra đến góc tường.

Mai vàng trước ngõ đã ra hoa,
Tết đến, nhà tôi như mọi nhà.
Cảnh mẹ một con, con một mẹ,
Cũng lo sắm Tết với người ta.

Lư hương, chén rượu, lập bàn thờ,
Di ảnh người cha, đã cũ xưa.
Tuổi trẻ ra đi chưa tới số,
Thù nhà nợ nước vẫn đang chờ!

Năm xưa năm Mão, con đi tù, (1)
Mẹ đợi con về, con ở mô ?
Con đã theo cha: tù cải tạo!
Mẹ già tuổi thọ vào thiên thu.

Con lập bàn thờ có mẹ cha,
Có đèn nến, có cả bông hoa.
Có đàn con cháu, nhà sum họp,
Đất khách quê người, vui Tết ta.

Con vẫn tin nơi chốn vĩnh hằng,
Mẹ cha sum họp ngày đầu năm.
Ở đây con cháu mừng năm mới,
Tưởng nhớ ông bà một chữ tâm.
          Nguyễn Lý - Tưởng
27/01/2014 (27 tháng Chạp Quý Tỵ)
                   *****

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Tìm Hiểu Thơ Cổ - Bá Yên sưu tầm




                                            Tìm Hiểu Thơ Cổ
Đầu Xuân, xin trích lại mấy bài Thơ Xuân (rất có thể do Vua Thành Thái ngự chế NĂM 1900?) đã được nhà Huế học Phan Thuận An sưu tầm và giới thiệu trong “Canh Tý Thi Tập” do Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế xuất bản năm 2007 đề giới thiệu đến quý thân hữu & đồng môn VHH. trong và ngoài nước. Nguyên văn những bài thơ này được viết bằng chữ Hán (không thể viết chữ Hán trên blog này), chỉ xin được giới thiệu phần phiên âm  tiếng Việt, dịch nghĩa và dịch thơ mỗi bài.

BÀI 1:

Phiên âm:
NGUYÊN ĐÁN
Nguyên chinh giai tiết trị tình huân,
Húc nhật huy hoàng cảnh sắc tân.
Mãn điện điều phong (1) quan đái tập (2),
Doanh đình thuỵ khí vũ mao trần.
Niên phong hải tĩnh kì thiên huống,
Nội trị ngoại ninh ngưỡng đế ân.
Thủ thị ôn hoà nhân vật toại,
Hàm triêm vũ lộ vạn phương xuân.
Dịch nghĩa
BUỔI SÁNG ĐẦU NĂM
Tiết đẹp ngày đầu năm gặp lúc trời tạnh ráo sáng sủa.
Mặt trời mọc chiếu rạng rỡ (làm cho) cảnh vật mới mẻ.
Khắp điện, gió nhẹ thổi, áo mũ cân đai tập hợp lại.
Đầy sân, khí tốt lành, cờ quạt tàn lọng dàn bày ra.
Cầu trời cho năm được mùa, biển lặng sóng.
Trong nước bình trị, ngoài biên yên ổn, ngữa nhờ ơn vua.
Chính sự được thi hành ôn hoà, dân chúng thoải mái.
Ai nấy thấm nhuần mưa móc, muôn nơi thắm vẻ xuân.
Dịch thơ:
Đầu năm tiết đẹp buổi êm trời,
Rạng rỡ bình minh cảnh tuyệt vời.
Trong điện gió lành, đai mũ rợp,
Ngoài sân khí tốt, quạt cờ phơi.
Nhờ trời, biển lặng, dân no đủ,
Ơn nước, ngoài yên, trong thảnh thơi.
Chính sự ôn hoà, ai nấy thoả,
Xuân nhuần mưa móc đến muôn người.
Chú Thích:
(1) Do câu “Phong bất minh điều” (gió không làm cành cây xao động), chỉ thời thái bình, muôn dân yên ổn.
(2) Theo lệ của triều Nguyễn, vào sáng mồng Một Tết âm lịch hằng năm, các hoàng thân và đại thần đều đến tham dự lễ đại triều ở điện Thái Hoà để chúc phúc nhà vua và Hoàng gia.

BÀI 2:

Phiên âm:
TÂN THIỀU THÍ BÚT
Tân thiều thục khí mãn xuân thành,
Vận khải tam dương (1) hảo cảnh trình.
Phát phất điều phong (2) lai bảo điện
Hoàng hoàng thuỵ nhật chiếu châu doanh.
Điềm hi phú thứ thiên phương lạc,
Đãi đảng ôn hoà vạn tượng minh.
Ta thủ hân khan thời tiết thuận,
Kim thu định tất hoạch phong doanh.
Dịch nghĩa:
THỬ BÚT ĐẦU XUÂN
Đầu xuân, kinh thành Phú Xuân đầy ắp khí ấm áp.
Trời mở vận ba dương, mọi cảnh hiện ra vẻ đẹp đẽ.
Những làn gió nhẹ phất phơ đến điện quý.
Những tia nắng ấm rạng rỡ chiếu vào dinh ngọc.
Đông đúc và giàu có, nghìn phương yên vui.
Thong thả và êm ấm, muôn hình tượng sáng sủa.
Đầu gật gù, sung sướng thấy thời tiết thuận lợi.
Mùa thu năm nay ắt hẳn sẽ gặt hái được mùa màng.
Dịch thơ:
Đầu xuân trời đẹp khắp Thần kinh,
Khí hậu ôn hoà vạn cảnh xinh.
Gió nhẹ phất phơ nơi điện các,
Nắng lành rạng rỡ chốn cung đình.
Muôn phương quần chúng mừng an lạc,
Vạn nẻo nhân dân hưởng thái bình.
Vui thấy tiết trời thường thuận lợi,
Thu này mùa gặt hẳn phồn vinh.
Chú thích:
(1) Ba khí dương, tiết thuộc về mùa xuân. Nhất dương là tháng mười một, nhị dương là tháng chạp, tam dương là tháng giêng.
(2) Theo lệ của triều Nguyễn, vào sáng mồng Một Tết âm lịch hàng năm, các hoàng thân và đại thần đều đến tham dự lễ đại triều ở điện Thái Hoà để chúc phúc nhà vua và Hoàng gia.

      Bá Yên sưu tầm


Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Chờ Xuân Đợi Xuân - Trần Văn Dật

Chờ Xuân Đợi Xuân
(Riêng gởi Xuân: P.H)
Ta vẫn chờ Xuân, vẫn đợi  Xuân
Với ta, Xuân cứ mãi bên lòng
Bao điều khoan khoái Xuân mang tới
Bấy thứ hân hoan Xuân tỏ cùng…
Cảnh vật tươi xanh, tâm thoải mái…
Bông hoa hồng thắm, ý thong dong…
Quanh ta trời đất tràn vui sống
Xuân hỡi êm say một giấc nồng!

Trần Văn Dật
(Vĩnh Long, 22 tháng 01-2014)


Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Suối Voi - Huế (Nguyễn Bá Yên)



Giới thiệu cảnh quang Cố Đô Huế
SUỐI VOI

Nằm trên địa phận Thừa Thiên – Huế. Tên thường gọi là Suối Mệ (con voi khổng lồ). Suối Voi nằm cách Huế # 60km về phía Nam. Từ quốc lộ men theo đường nhỏ bằng bê tông hướng lên phía Tây khoảng 3km là đến Suối Voi.  
                                                              Suối Voi
Con suối chảy qua hằng trăm khối đá khổng lồ. Tại đây có 1 khối đá lớn có dạng hình 1 con voi đang thả vòi uống nước dưới chân thác; ở đây có 1 hồ nước được đặt tên là Đầm Voi _ hiện được quy hoạch làm hồ tắm thiên nhiên, rộng khoảng 30m2, sâu > 2m, nhằm phục vụ du lịch, được đặt tên là “Khu du lịch sinh thái Suối Voi”. Điểm du lịch này chỉ hoạt động được vào mùa nắng.
Đi ngược lên khoảng trên 1 km là suối Đá Bàng, còn gọi là Hang Nai, nằm dưới chân một chỏm núi cao trong dãy Trường Sơn. Đây là một con đường kỳ thú, có nhiều hồ thác tự nhiên chảy luồn lách qua nhiều vách đá hình dạng khác nhau bên một khu rừng nguyên sinh phía thượng nguồn; nơi đây còn giữ lại những cây sến cổ thụ và quần tụ những loài chim thú quý hiếm như vượn quàng, sơn dương, nai, hoẵng, heo rừng, khướu, sáo, trĩ sao…

         Bá Yên
(Phỏng theo nội dung tờ quảng cáo du lịch Thừa Thiên-Huế)



Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Hoài Niệm Những Mùa Xuân - dk np


  Hoài Niệm Những Mùa Xuân 

     Bước chân trên những lá hồng,
Gió mang hương cũ, cho lòng nao nao.
     Đông sầu bóng ngã phương
Tiếng chim ríu rít xôn xao góc trời,
     Giá đi, mây nước đổi dời,
Núi xanh, sông biếc một thời dễ thương.
     Mai vàng Thành Nội ven đường,
Nam Giao, đào nở tỏa hương quanh chùa.
     Hải Đường, Vỹ dạ vào mùa,
Nguyệt Biều hoa bưởi cho vừa ngất ngây.
     Gia Hội xác pháo tung đầy,
Trường Tiền sáu nhịp trong tay tuổi hồng.
     Ta nghe nhịp phách trên sông,
Tiếng đàn, tiếng sáo mơ mòng điệu ca.
     Mùa Xuân khắp nẻo gần xa,
Gặp nhau chào hỏi mặn mà đầu năm.
     Quê xưa nay chỉ âm thầm,
Buồn vui dấu kín trong tâm mỗi người.
     Hương Giang, núi Ngự đời đời,
Thủy chung còn đó, Xuân thời đã qua.
     Quê hương không muốn chia xa,
Xin người thấu nỗi, thứ tha mọi điều
                      dk np/ Jan. 22 - 2014


Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Nếu Một Mai - Ngu Uyên


           Nếu Một Mai

                     *
Nếu một mai không còn yêu nhau nữa
Xin trả lại Người đoản khúc chim ca,
Trả gió miên man hôn bờ tóc rối,
Trả vòng tay nào nới rộng tình xa.
                      *
Nếu một mai không còn yêu nhau nữa
Xin trả lại Người đếm vắng sao sa,
Trả mây lang thang qua cầu hò hẹn,
Trả những vĩa hè nắng hạ cài hoa.
                       *
Trả vốc hương thơm ven rừng cỏ biếc,
Trả vầng trăng tròn qua ngỏ cài song,
Trả trời xanh biếc mênh mông,
Còn lời hẹn Giúp Non Sông... Xin đừng...!


                             Ngu Uyên




Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

O Nớ - Ba Yên

            O Nớ
(Cố quên sao mãi nhớ)
O Nớ có còn nhớ ai không
Ai kia ghi tạc ở trong lòng
Dáng hình O Nớ thon thon nhỏ
Mái tóc đen huyền xoả lưng ong.
Hoài niệm buổi nào hãy còn xuân
Cùng ai trao gởi một chút lòng
Hứa hẹn rồi đây ta kết bạn
Chia sẻ vui buồn đến trăm năm.
Cớ sao Nguyệt Lão cứ làm ngơ
Duyên tình đôi lứa đứt dây tơ
O Nớ cùng ai đành lỗi hẹn
Mình lỡ duyên rồi O Nớ ơi!...
Bây chừ nhớ lại thấy lâng lâng
Hoài niệm về O cứ mỏi trông
Dầu cho năm tháng luôn hờ hửng
Lòng còn đọng lại bao nhớ mong

           Bá Yên _ 22/01/2014


Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Kiếp Người - Trần Văn Dật

           Kiếp Người
                  (Riêng gởi PH) 
Tạo hóa sinh chi cái kiếp người,
Lại bày bao sự phải hoài hơi.
Trẻ lo danh phận, quên hôm sớm,
Già chữa bệnh căn, chạy ngược xuôi.
Ít bạc, trò hay thành chuyện dở,
Nhiều tiền, việc dở hóa điều hay.
Mấy ai được hưởng niềm vui trọn,
Bởi xót nhân tình* lắm đổi thay!?
                     
              Trần Văn Dật
(Calgary- Canada, Dec. 04 -2013)
--------------
Chú thích:  * Nhân tình = tình người





Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Cẩm Nang Kontum - Truyện ngắn của vhp.Hạ Vũ



Bài viết đoạt giải Danh Dự “Viết về Nước Mỹ ” 2011 do Nhật Báo “VIỆT BÁO Nam Cali tổ chức

CẨM NANG KONTUM

vhp1
vhp.HẠ VŨ

Tôi bước vào nhà khệ nệ với những túi xách mới “tha” về từ những cửa hàng cho ngày Tết sắp đến, chợt khựng lại khi thấy mẹ tôi đang ngồi đọc Bảng Chỉ Dẫn Cấp Cứu bỏ túi (CPR) mà tôi thường gọi là “Cẩm Nang Kontum”, vì vật này bà có được khi ở Kontum và do một người ở Kontum tặng cho. Cặp mắt bà đỏ hoe.  “Cẩm Nang” này là một bảng chỉ dẫn những cách cấp cứu trẻ con và người lớn được in trên một tờ  giấy cứng có thể gấp xếp lại, nhỏ bằng một cái thẻ Master Card để người sử dụng có thể mang theo dễ dàng.  Bảng này viết bằng tiếng Anh, in tại Mỹ, đã cũ lắm rồi.  Mẹ tôi mang theo khi rời VN đã hơn 20 năm nay.  Từ khi bà lấy những lớp học Săn Sóc Trẻ (Child Care), bà lấy ra nhìn ngắm nó và đọc đi đọc lại, thuộc nằm lòng rồi, mà vẫn cứ đọc mãi. Mở ra xếp lại nhiều lần nên nó đã sờn mép và rách ở những chỗ gấp nếp.  Bà dùng băng keo trong dán lại. Không phải mẹ tôi không còn tấm nào khác.  Bà có mấy tấm, nhà trường phát cho mẹ một, và tôi cũng tìm cho mẹ hai cái giống như vậy, nhưng bà vẫn giữ tấm thẻ này, và khi đọc bà vẫn đọc tấm này.  Vì đó là tặng vật của một người mà bà yêu qúy nên bà cũng trân qúy nó vô cùng.
Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi thấy tấm thẻ này là vào những ngày gia đình tôi sắp rời quê cha đất tổ để di cư sang Mỹ.  Lúc đó còn khoảng  một tháng nữa, gia đình tôi gồm ba người: mẹ tôi, tôi và đứa em trai lặng lẽ âm thầm thu xếp hành lý mang theo đi đoàn tụ với cha tôi ở Mỹ sau hơn mười năm xa cách. Tôi vừa xong lớp 12, ra đi bỏ lại thầy cô, bạn bè, và một mối tình đầu đời vừa chớm nở.  Trước mắt tôi là tấm hình chụp chung với một nhóm bạn hôm đi cắm trại ở Thủ Đức trong đó có “anh” bên cạnh được lồng vào một khung hình khá đẹp, đắc tiền, và hơi nặng cân. Tôi đã nhịn ăn quà vặt hết mấy ngày để mua sắm khung hình này, nên muốn mang theo nó. Tôi hỏi mẹ:
- Con mang theo khung ảnh này nghe mẹ?
Mẹ tôi đang ngồi mân mê hộp bánh biscuit cũ, được gói giấy cẩn thận mà bà đã mang nó từ nhà ngoại về gần tháng rồi nhưng vẫn chưa chịu mở ra.  Nghe hỏi, bà quay lại nhìn một lúc rồi đáp:
- Con hãy mang theo tất cả những gì liên quan đến Tình Yêu và Kỷ Niệm dù cay đắng hay ngọt bùi, vì đó là hành trang quý báu trong đời mà mình không thể mua được.  Còn của cải vật chất mình có thể sắm lại được với đôi tay của mình.
Nghe lời mẹ, tôi bỏ lại khung hình, lấy tấm ảnh gói gọn tình yêu và kỷ niệm của mình cho vào bao ni-lông dày bọc kỹ, cất vào phong bì hồ sơ cá nhân của tôi để mang theo. Mấy ngày qua chúng tôi soạn những vật kỷ niệm và hình ảnh cũ mới của gia đình từ những tấm hình chụp khi tôi mới chào đời ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ, tới hình mới nhất chụp ngày Tất Niên trong lớp với bạn bè, và hình ảnh cũ mới của gia đình bên ngoại, bên nội…
Cầm tập Lưu Bút của bạn bè viết cho hồi tôi tốt nghiệp truờng Trung học cấp hai (tức tương đương với bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp), tôi lật từng trang đọc lại. Tôi mĩm cười sung sướng với những hình ảnh tươi đẹp của bạn bè, những lời nói dí dỏm, những niềm vui của tuổi học sinh.  Cũng năm đó tôi được tuyển thẳng vào lớp 10 trường trung học cấp 3, và được cha tôi gởi về một cái radiocassette tưởng thưởng. Tôi muốn mang nó theo vì đó là phần thưởng cho công lao chịu khó học tập của tôi và cũng là biểu tượng tình cảm thương quý của ông dành cho tôi.  Nhưng vì hơi cồng kềnh nên tôi thắc mắc hỏi:
- Con mang theo tập Lưu bút được không mẹ?
- Được.
- Luôn cái máy của cha cho con nữa nghe mẹ?
Mẹ tôi quay lại nhìn tôi một thoáng rồi nói:
- Con à, cái to lớn nhất, quý báu nhất mà mình đành bỏ lại là quê hương thì sá gì cái radiocassette này!
- Nhưng nó là kỷ niệm của con, là tình cảm của cha dành cho con.
- Vì hành lý mang theo bị hạn chế, mình chỉ có thể mang theo những gì nhỏ, gọn, nhẹ, nhưng giá trị tinh thần lớn lao, không thể thay thế được. Con hãy giữ lại những vật kỷ niệm nào mà đã mất đi rồi không thể tìm lại được, còn cái nào còn đó thì lo gì không có lại.
Mẹ, con đã bỏ lại cái máy cassette yêu quý mà mang theo quyển Lưu Bút Ngày Xanh, vì con biết cha có thể cho con cái khác đẹp hơn, tân tiến hơn. Còn mẹ? Sao mẹ phân vân mang hay bỏ lại hộp biscuit cũ kỹ của mẹ bao nhiêu ngày mà chưa quyết định được?  Trong đó chứa một trời yêu thương? Buồn? Vui? Cay đắng? Ngọt bùi? Đau thương? Mất mát?… mà mẹ không thể tìm lại được.  Sao mẹ không cương quyết mang theo mà còn phân vân?
Trời về khuya, xe cộ đã dần thưa thớt, mọi người đi vào giấc ngủ mệt mỏi để lấy sức chuẩn bị cho một ngày vật lộn với cuộc sống.  Tôi không thể ngủ được.  Tôi sắp sửa bỏ lại quê hương này với bao kỷ niệm buồn vui cay đắng, bỏ lại ông bà cô bác, bỏ lại căn nhà đã từng che mưa nắng cho gia đình, bỏ lại những ngày gian khổ với bo bo, mì sợi, thèm thuồng một chén cơm trắng với nước mắm ớt mỡ hành. Nhưng mà… nỗi đau lớn nhất trong tôi là bỏ lại người yêu đầu đời của mình. Biết làm sao bây giờ? Từ khi biết mình vương mang một bóng hình người dưng khác họ, tôi đối diện với cảnh biệt ly.  Đau lòng kẻ ở người đi!  Tôi nghe tim mình nhức nhối. Thấy mẹ tôi và em trai đang chìm trong giấc ngủ, tôi len lén ngồi dậy lấy giấy viết thư cho anh.  Tôi cẩn thận lấy tấm khăn lông dầy che chắn ánh sáng ngọn đèn ngủ để không làm phiền tới hai người thân thương yêu này.  Vừa viết xong hai chữ “Anh Yêu”, nước mắt tôi bắt đầu ràn rụa. Bây giờ tôi sắp ra đi thì anh ấy mới bắt đầu lập hồ sơ đi Úc với gia đình, và hẹn tôi 5 năm sau, gặp lại nhau trên đất Mỹ.  Xa cách muôn trùng, có gặp lại nhau được không hay là vĩnh biệt?  Xa mặt có cách lòng hay không?  Dù ngắn hạn hay dài hạn, dù tạm thời hay vĩnh viễn, cuộc chia ly nào với người thân cũng làm mình đau vô tận! Trên trần nhà, vài con thạch sùng tắc lưỡi làm tăng thêm nỗi buồn thảm của cảnh chia ly.  Tôi gục đầu xuống bàn…
Môt bàn tay mềm mại đặt nhẹ lên vai, thì ra là mẹ tôi.  Bà không ngủ.   Bà đã lặng lẽ theo dõi tôi.  Thấy tôi đang sầu thảm khi đối diện với một hoàn cảnh chỉ có đổ vỡ, chia lìa, còn đoàn tụ thì mong manh như sợi tơ, bà đã đến bên, ngồi xuống, im lặng nghe tiếng lòng tôi nức nở. Một hồi lâu, giọng bà trầm nhỏ như nghèn nghẹn:
-Cái gì thuộc về mình dù có đi năm non bảy núi, cũng về với mình.  Còn như không phải thì dù bên cạnh cũng là không.
Tôi nhìn mẹ, cặp mắt của bà ươn ướt.  Tôi có cảm tưởng bà nói cho chính mình.  Nói xong, bà hít nhẹ một hơi dài, nuốt nước mắt vào trong.  Mẹ tôi là vậy, từ khi hiểu biết tới giờ tôi chưa bao giờ thấy bà rơi lệ.  Mẹ tôi là một người phụ nữ cứng rắn.  Khi cha tôi khăn gói đi vào trại tù cải tạo, tôi không biết bà có khóc hay không, vì lúc đó tôi còn quá nhỏ. Khi cha tôi từ giã bà và chị em chúng tôi để vượt biên, lúc đó tôi tuy còn nhỏ vả không rõ sự việc lắm, nhưng cũng biết cha mẹ mình đang có một quyết định vô cùng quan trọng, và linh cảm lần đi này của cha chắc không có ngày về như những lần trước.  Mẹ tôi rất gan lì, không nhỏ một giọt nước mắt.  Cuộc sống gian khổ, bà đã bươn chải lo lắng cho chị em tôi ăn mặc, học hành,  thuốc men khi đau ốm, có những đêm mẹ tôi chỉ ngủ được ba bốn tiềng đồng hồ.  Ấy vậy mà tôi không nghe bà than van hay rơi lệ.
Trước đấy hai năm, khi mẹ tôi nhận được tin cha bên Mỹ có người đàn bà khác, bà đứng chết lặng, và vẫn không để rơi một giọt nước mắt.  Có thể bà khóc thầm vào đêm khuya hoặc khi vắng mặt các con chăng?  Lúc đó tôi đã âm thầm theo dõi mẹ, nhưng không thấy mắt bà sưng húp hay mọng nước.  Bà đã đem tất cả thư từ của cha tôi đốt sạch.  Tôi đã tự hào có một người mẹ như là một dũng tướng kiên cường.  Sau đó, mỗi khi nhận được thư của cha tôi, đọc xong, bà chậm rải xé từng mảnh từng mảnh cho đến khi chỉ còn là một đống giấy vụn nát.  Bà không khóc. Tôi không nghĩ bà khổ đến nỗi nước mắt cạn khô.  Tôi vẫn thấy bà chuyện trò, cười nói vui vẻ với bạn bè, đồng nghiệp, và học trò của bà.  Mẹ tôi giấu kín nỗi đau của mình bằng tiếng cười và dặn dò chúng tôi đừng hé lộ điều bất hạnh này với ai.
Mẹ tôi sống như một goá phụ trẻ suốt bốn năm cha tôi trong tù và mười năm cha ở hải ngoại.  Bạn bè cả nam lẫn nữ ngày xưa của mẹ tôi thỉnh thoảng có tới thăm bà.  Một vài lần các cô, các bác còn tụ họp ăn uống tại nhà nữa rất vui vẻ. Quan hệ giữa các bác ấy và mẹ tôi thật trong sáng.  Bà chưa có một hành vi khuất tất nào cả. Tôi cũng đã ý tứ dò xét để xem trong số những người bạn cũ của mẹ, có ai có thể là người yêu cũ của bà hay không, nhưng tuyệt nhiên không có gì đáng ngờ xảy ra cả.  Một lần, trước khi rời bỏ quê hương khỏang gần hai tháng, một người đàn ông trung niên có gương mặt rắn rỏi, nước da sạm nắng tới thăm mẹ tôi.  Lúc tôi đi học vừa về tới nhà thì cũng vừa lúc ông ấy ra cửa.  Mẹ tôi đứng ở cửa tiễn đưa, cặp mắt của bà sũng ướt.  Thấy tôi, bà nhoẻn miệng cười bảo tôi chào bác, và giới thiệu là người bạn cũ tới thăm.  Đó là lần đầu tiên tôi gặp bác ấy, cũng là lần duy nhất bác ấy tới nhà.  Tôi không quan tâm lắm, vì chuyện bạn của mẹ tôi tới nhà vẫn thường xảy ra, chỉ có bà khóc là lạ mà thôi. Đấy là lần đầu tiên tôi bắt gặp bà khóc.  Lúc đó tôi cũng không thắc mắc vì nghĩ rằng ai chẳng buồn khi chia ly.  Tôi cũng đã từng khóc khi nói lời từ giã bạn bè.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy từ đêm đó về sau bà trằn trọc khó ngủ.  Không bao lâu, mẹ tôi đem hộp biscuit về và trầm tư xa vắng.  Tôi cứ nghĩ rằng tại vì bà sắp bỏ nước ra đi nên buồn, và vì qua Mỹ gặp lại cha tôi để ký giấy ly dị nên tâm tư của bà nhiều xáo trộn.  Chợt nhớ lại cặp mắt sũng nước của bà và cái cừơi che lấp ngày đó, một thắc mắc nảy ra.  Tôi ngước nhìn mẹ, và hỏi:
-Nếu cha không xa mẹ, mà vẫn ở bên cạnh mẹ cho đến bây giờ, liệu mẹ có mất cha hay không?
- Nều đã hết tình hết nghĩa, đành chia tay thôi, con à.  Đặt giả thiết, cha con vượt biên không thành công, ở lại. Gia đình mình cực khổ trăm bề, cơm đắng canh cay, nuốt không trôi, rồi cha con gặp một người đàn bà khác và ngã vào vòng tay của người ấy.  Mẹ con mình làm gì?  Đánh ghen?  Có ích lợi gì không? Đem về cái xác không tim thì quý báu gì hả con?
Tôi thắc mắc tại sao mẹ tôi còn trẻ mà có tư tưởng tiêu cực?  Sao bà buông xuôi một cách dễ dàng như vậy? Trong quá khứ có chuyện gì xảy đến trong đời để bà có cái nhìn thiếu tích cực?  Tất cả bí mật đó tôi đoán có lẽ nằm trong cái hộp biscuit nhỏ mà mẹ tôi trân quý và người đàn ông chỉ đến gặp bà một lần.
Tôi đánh bạo hỏi bà:
- Tại sao mẹ và người yêu cũ của mẹ chia tay?
Mẹ tôi ngước mắt nhìn tôi một lúc rồi nói:
- Con biết?
Tôi khẻ gật đầu, mẹ đáp:
- Không phải người của mình thì Trời xui Đất khiến không việc này cũng việc nọ xảy ra, đưa đến tan vỡ thôi.
Tôi dựng chuyện hỏi tiếp:
- Bác ấy đã tới tìm mẹ, vậy là bác vẫn còn yêu mẹ.  Tại sao mẹ và bác ấy không tái hợp?
- Mỗi người có một cuộc sống riêng yên ổn, làm chi thêm nghiệt ngã hả con?  Vì tương lai của các con, mẹ phải đem các con qua Mỹ và lo cho các con có cuộc sống đàng hoàng.  Mẹ không an lòng để các con sống với người đàn bà không phải là người sinh đẻ ra các con.  Bác ấy đang có một mái gia đình cần che chở và con cái cần bảo bọc.  Trời chia hai người hai ngã rồi, con ạ.
kontum xưa1
-Mẹ gặp bác ấy trong trường hợp nào?
- Bác ấy là sĩ quan đóng quân ở Kontum.  Sau một trận chiến lớn, nhà trường tổ chức cho thầy cô giáo và học sinh đi ủy lạo thương bệnh binh ở Bệnh Viện.  Mẹ dẫn học trò mẹ vào phòng bệnh của bác ấy, và từ đó quen nhau.  Bác ấy vừa đi tu nghiệp ở Mỹ về được hơn một tháng thì bị thương, nằm viện.
-Mẹ chậm một bước?
-Không.  Đều là mối tình đầu của cả hai.  Tan vỡ này, mẹ cũng có một phần lỗi trong đó.
Mẹ tôi đưa mắt nhìn ngăn tủ trong có hộp biscuit.  Tôi không hỏi nữa vì biết mình đã chạm vào vết thương khó lành của bà.  Bà đứng dậy lặng lẽ đến bên tủ lấy hộp, cẩn thận mở ra, không làm rách giấy bao.  Cả giấy bao cũ, bà cũng trân quý.  Trong hộp là một chồng thư cũ đóng dấu nơi gởi KBC… Mẹ tôi giải thích ngày trước thư của quân nhân ở đơn vị thừơng được gởi từ KBC. Tay bà run run nhặt từng lá thư lên, nước mắt ràn rụa.  Lần thứ hai tôi thấy bà khóc.  Bà cầm “Cẩm Nang Kontum” ngắm nghía một cách trân quý.  Đấy là lần đầu tiên tôi thấy nó.  Mẹ tôi cho biết khi tu nghiệp bên Mỹ, bác ấy được phát tấm thẻ này, và đã tặng lại cho mẹ tôi để bà học hỏi và cấp cứu học trò khi cần thiết.
Tôi lặng lẽ vào giường nằm, để bà sống lại với những kỷ niệm nhiều mật ngọt lẫn đắng cay của mình.  Bà đọc lại tất cả thư từ với nước mắt. Xong, bà xuống bếp đốt bỏ từng lá thư trong một cái lò đất.  Bà chôn quá khứ của bà.  Hành trang này bà đã mang theo mình bấy lâu nay, ngay cả khi vu quy.  Bây giờ bà bỏ lại, không mang theo qua xứ người.  ”Mẹ đã bảo con hãy đem theo những gì liên quan đến Tình Yêu và Kỷ Niệm dù đắng cay hay ngọt bùi, mà sao giờ đây mẹ đành đoạn đốt bỏ?  Mẹ muốn dứt khoát với quá khứ?  Được không hả mẹ?” Bà cầm “Cẩm Nang Kontum” ngần ngừ một chốc rồi đưa vào lò, nhưng kịp rút lại.  Bà do dự… hồi lâu rồi cất vào hồ sơ cá nhân của mình để mang qua Mỹ. Vẫn còn vương tơ!  Hành trang của mẹ tôi đó, nhẹ như tơ trời nhưng cũng nặng ngàn cân.
Giờ đây tôi đã lập gia đình và sống hạnh phúc bên người yêu đầu đời của tôi với hai đứa con dễ thương.  Chúng tôi đã xa cách mấy năm trời, cuối cùng đoàn tụ nơi này.  “Cái gì thuộc của mình dù đi năm non bảy núi, cũng về với mình  phải không mẹ?  Còn mẹ vẫn ôm mãi một nỗi đau mất mát!”  Tôi ngồi xuống bên cạnh, ôm chặt vai bà, tỏ sự thông cảm. Bà lặng lẽ không nói  một lời, chỉ cho tôi mục Cáo Phó trong một tờ nhật báo đặt bên cạnh.
kontum (1)
Tim tôi chùng xuống.  Bà ngồi thẩn thờ, lặng ngắm nhìn tấm thẻ một hồi lâu…đoạn từng bước nặng nhọc uể oải  ra phía sân sau.  Qua một lúc lâu lưỡng lự,  dùng dằng, mẹ quyết định  bật quẹt lên đánh lửa.  Không biết tại tay bà run hay tại gió mà năm lần bảy lượt ngọn lửa mới bật ra.  Ngập ngừng,  bà đưa thẻ vào… và rồi không giựt ra như ngày xưa nữa.  Lửa tàn, bà đưa mắt dõi theo mớ tro vỡ vụn bay trong gió, thầm thì:
-Xin gió mang đến cho chàng trái tim ta…
Giọng bà sũng nước, rồi tắt nghẹn!  Thời gian như ngưng đọng…Tôi lặng lẽ đến bên bà, ôm thật sát và nhỏ nhẹ  nói thầm vào tai:
-Mẹ ơi!  Bờ vai mà mẹ chờ đợi mỏi mòn từ bấy lâu nay để mong được chỉ một lần trút hết niềm đau, nỗi buồn, và sự thương nhớ của mình,  đêm nay sẽ về với mẹ…
                                                      vhp.Hạ  Vũ
                                                  (CA, Dec., 23/2010)
104_4007_2