Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Giai Thoại Văn Chương: Sửa Văn Vương Bột (Đỗ Chiêu Đức)

Giai Thoại Văn Chương:

                                 Sửa Văn Vương Bột:
         Người đứng đầu Tứ Kiệt buổi Sơ Đường  
                                       

                                      Inline image
                                           Tượng Vương Bột 

        Vương Bột 王勃 (650-676), tự là Tử An 子安, người đất Giáng Châu, Long Môn (tỉnh Sơn Tây ngày nay), là người đứng đầu trong Tứ kiệt đời Sơ Đường, cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Châu Hoan Giao Chỉ. Lên sáu tuổi Bột đã nổi tiếng thần đồng, thuộc làu kinh sử. 14 tuổi đoạt khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình. Năm 16 tuổi trên đường đi thăm cha, hay tin Đô Đốc Diêm Bá Dư trấn nhậm Hồng Châu trùng tu Đằng Vương Các mở cuộc thi thơ văn và khoản đãi tân khách bốn phương. Vương Bột đã nhờ gió đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng 9 đưa đến Đằng Vương Các để làm một bài Tự thật hay, để đời với đôi câu bất hũ tả mùa thu trên sông nước là:

      Lạc hà dữ cô vụ tề phi,                           落霞與孤鶩齊飛,
      Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.  秋水共長天一色.
Có nghĩa:
                  Ráng chiều cò trắng cùng bay, 
             Long lanh thu thủy nước mây một màu. 

       Tài hoa mệnh bạc, năm 26 tuổi trên đường đi đến Giao Chỉ thăm cha. Vương Bột đã bị đắm thuyền và chết đuối trên dòng Chương Giang. Tương truyền, vì Vương chết trẻ nên rất thiêng; trên khúc sông Chương Giang nơi ông chết đuối, cứ vào khoảng đêm khuya canh vắng, người ta thường nghe văng vẳng tiếng ngâm hai câu thơ bất hủ tả cảnh mùa thu nêu trên:

     ...落霞與孤骛齐飞,   Lạc hà dữ cô vụ tề phi, 
       秋水共长天一色.   Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc...

        Sứ thần Hồ Tông Thốc của ta, trong dịp đi sứ Trung quốc, một buổi chiều tà, nhân chèo thuyền dạo chơi trên khúc sông Chương Giang nơi Vương Bột chết đuối, được nhân dân địa phương kể cho nghe câu chuyện nói trên. Hồ Tông Thốc nghe xong, bèn ra đứng ở mũi thuyền nói to lên rằng: 

              何必與 共二字 !   Hà tất dữ cộng nhị tự !
Có nghĩa : 
                Cần gì phải dùng hai chữ DỮ 與 và CỘNG 共 (Với và Cùng)! 

     Mọi người hỏi tại sao, thì Hồ Tông Thốc giải thích rằng: 
     Hai câu văn tuy hay, song thừa hai chữ Dữ 與 và Cộng 共, vì đã nói "tề phi" (cùng bay) thì mặc nhiên là có ý Dữ 與 (với) trong đó rồi; đã nói "nhất sắc" (một màu) thì mặc nhiên là có ý Cộng 共 trong đó rồi! Nên, hai câu trên nên sửa lại như sau: 

         落霞孤骛齐飞,   Lạc hà cô vụ tề phi,
         秋水长天一色.   Thu thuỷ trường thiên nhất sắc. 

        Mọi người nghe nói, đều phục ông bắt bẻ có lý, và hai câu của ông tuy về mặt âm hưởng không bằng hai câu của Vương Bột, nhưng về mặt văn tự thì quả có gọn ghẽ và hàm súc hơn. 
        Rôi từ đó, trên khúc sông ấy, người ta không còn nghe tiếng ngâm thơ của oan hồn thi nhân họ Vương nữa. 

                Inline image  Inline image  
  * Hồ Tông Thốc 胡宗簇, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (gọi tắt là Cương Mục) ghi là Hồ Tôn Thốc (đổi sang Tôn) do kiêng húy nhà Nguyễn. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Kẻ Cuồi, nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi, ông đã đậu tiến sĩ. Đỗ Trạng Nguyên và làm quan trong triều vào cuối đời Trần. Năm 1386, làm Hàn Lâm Phụng Chỉ, sau đó được thăng An Phủ Sứ, chức Thái Bảo Tước Quận Công, từng đi sứ sang triều Minh. Hồ Tông Thốc là con người bản lãnh, luôn luôn tự tin vào tài năng của mình và của dân tộc mình nữa. Trong bài thơ Thị ý 示意 (Tỏ ý) có hai câu thể hiện bản lĩnh nầy của nhà thơ:

      Hàn mặc tranh vi, Vương Bột hậu,     寒墨爭為王勃後,  
      Văn chương thùy thí, Giả Sinh tiền.   文章誰試賈生前。
Có nghĩa :
    Tài bút mực quyết không chịu đi sau Vương Bột, 
    Nghiệp văn chương ai biết ta còn đứng trước Giả Sinh. 

Giả Sinh là Giả Nghị, một nhân tài đời Tây Hán.
Có thể vì thế mà mới có giai thoại về việc sửa thơ của Vương Bột chăng?!         
       Dù sao thì chuyện sửa thơ Vương Bột chỉ là truyền thuyết của người Việt Nam ta, có lẽ muốn hạ bớt cái hào quang qúa lớn của Tứ Kiệt ở buổi Sơ Đường, đồng thời cũng muốn chứng tỏ là ta cũng có nhân tài về văn học, biết nhận xét hay dở chớ không chỉ biết mù quáng mà ca ngợi suông theo thói thường tình.

       Thật ra thì như phần trên đã nhận xét, bỏ 2 chữ DỮ và CỘNG ra thì âm hưởng nhạc điệu của câu văn trở nên cụt ngủn, mặc dù ý tứ lời văn có gọn ghẽ hơn. Người Hoa không biết đến truyền thuyết về giai thoại nầy, họ chỉ biết hai câu tả cảnh mùa thu bất hũ nêu trên của Vương Bột cũng không phải là do Vương hoàn toàn nghĩ ra, mà đã mượn lời và ý trong bài "Tam Nguyệt Tam Nhật Hoa Lâm Viên Mã Xạ Phú 三月三日華林園馬射賦" của Dữu Tín 庾信 người đời Bắc Chu 北周. Trong bài phú của Dữu Tín có hai câu tả cảnh du xuân như sau:

      落花與芝蓋同飛,  Lạc hoa dữ chi cái đồng phi,
      楊柳共春旗一色.    Dương liễu cộng xuân kỳ nhất sắc.
Có nghĩa :
            Hoa rụng cùng bay phất phới với rèm xe,
            Hàng dương liễu cùng cờ xuân xanh xanh một màu.

      Hai câu tả cảnh mùa xuân nêu trên, tuy hay nhưng ít người biết tới, vì chưa thật xuất sắc, kịp đến khi Vương Bột vận dụng hai câu trên để tả cảnh mùa thu trong bài Đằng Vương Các Tự thì mới trở thành bất hũ và lưu danh thiên cổ! Hễ nhắc đến Vương Bột là người ta nghĩ ngay đến bài phú Đằng Vương Các Tự, và hễ nhắc tới Đằng Vương Các Tự thì người ta cũng nghĩ ngay đến hai câu tả cảnh mùa thu bất hũ nầy:                    
        
       Lạc hà dữ cô vụ tề phi,                       落霞與孤鶩齊飛,
       Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.  秋水共長天一色.
Có nghĩa:
                  Ráng chiều cò trắng cùng bay, 
             Long lanh thu thủy nước mây một màu. 

                  Inline image  

                  Inline image
                               Đỗ Chiêu Đức







Tảo Hàn Giang Thương Hữu Hoài (Dịch giả: Mailoc) & Bài viết của ĐỗChiêu Đức

Lòng quê man mác những khi lạnh về. Đó cũng là nỗi lòng chúng ta, những người viễn xứ , xin chia sẻ cùng bạn thơ xúc cảm khi đọc lại một bài thơ của Manh Hạo Nhiên.
Thân mến
Mailoc

Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài 
            (Mạnh Hạo Nhiên)

Mộc lạc nhạn nam độ,
Bắc phong giao thượng hàn.
Ngã gia Tương thuỷ khúc,
Dao cách Sở vân đoan.
Hương lệ khách trung tận,
Cô phàm thiên tế khan.
Mê tân dục hữu vấn,
Bình hải tịch man man.

--Dịch nghĩa:--

Rét sớm, nhớ trên sông

Cây rụng lá, nhạn bay về nam
Gió bấc thổi trên sông lạnh buốt
Nhà ta ở khúc sông Tương
Cách xa nước Sở mấy đường mây
Nước mắt nhớ quê đã cạn trên đất khách
Nhìn cánh buồm cô đơn ở cuối trời
Mịt mùng bờ bến muốn hỏi lối về
Chỉ thấy biển tối chập chùng mênh mông. 



-Bản dịch của MaiLộc— 

    Rét Sớm Trên Sông
    (1)
Vàng bay hồng nhạn về nam
Trên sông gió bấc lạnh tràn mênh mông.
Nhà ta Tương Thủy khúc sông ,
Cách xa mây Sở xa trông diệu vời .
Nhớ nhà khiến khách lệ rơi ,
Buồm đơn lặng lẽ bên trời nhớ quê .
Lầm đường muốn hỏi nẻo về ,
Chiều tà biển lặng não nề lòng ai!

(2)
Nhạn về nam, vàng bay muôn cánh
Trên sông dài bấc lạnh cắt da.
Thủy Tương khúc đó nhà ta ,
Muôn trùng mây Sở trông xa diệu vời .

Nhớ nhà khách lệ rơi ướt đẫm
Cánh buồm đơn, thăm thẳm chân trời .
Mịt mờ lối cũ đâu rồi ,
Mênh mông biển lặng bồi hồi lòng ai!
          ML

 Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây:

        TẢO HÀN GIANG THƯỢNG HỮU HOÀI
                            Inline image
                    
   "Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài" của Mạnh Hạo Nhiên còn có một tựa nữa là "Tảo Hàn Hữu Hoài". Bài thơ "Ngũ Ngôn Luật Thi" nầy được Mạnh Hạo Nhiên sử dụng những từ rất độc đáo và rất đặc biệt. Ta hãy tìm hiểu lại các từ nầy xem sao....

早寒江上有懷                Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài
            
木落雁南渡,                    Mộc lạc nhạn nam độ, 
北風江上寒。                    Bắc phong giang thượng hàn. 
我家襄水曲,                    Ngã gia Tương thuỷ khúc, 
遙隔楚雲 端。                   Dao cách Sở vân đoan,
鄉淚客中盡                        Hương lệ khách trung tận, 
孤帆天際看。                    Cô phàm thiên tế khan. 
迷津欲有問,                    Mê tân dục hữu vấn, 
平海夕漫漫。                    Bình hải tịch man man.
           孟浩然                                          Mạnh Hạo Nhiên

    Inline image  Inline image

Chú Thích :
                    Cảm xúc trên sông khi trời lạnh sớm.
          1. Mộc Lạc : là CÂY RỤNG, ta biết là Cây không thể rụng được, vì trong tiếng Hoa và tiếng Việt ta không có Thể Thụ Động (Passive voice), nên ở đây phải hiểu là: Cây bị rụng hết lá vì trời đã cuối thu. Ở đây chỉ những loại cây thuộc "Lạc diệp kiều mộc" 落葉喬木, là loại cây có thân cao to và lá sẽ vàng rụng vào mùa thu.
          2. Nhạn Nam Độ: Sao không nói là Nhạn Nam PHI mà nói là Nhạn Nam ĐỘ 渡, Thì ra ĐỘ ở đây có ba chấm thủy chỉ đi ngang qua sông hồ ao biển. Vì tác giả đang ở trên sông, nên nhìn thấy chim Nhạn bay ngang qua sông đi về hướng Nam.
          3. Giang Thượng: là Trên sông, xác định lại một lần nữa là Tác giả đang đi thuyền trên sông.
          4. Tương Thủy: 襄水 Tương Thủy nầy khác với Tương Giang 湘江 mà ta thường hay nhắc tới là: Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ... Tương Thủy nầy chảy ngang qua phía Nam thành Tương Dương nên nay được đổi tên thành Nam Cừ. Nhà cũa Mạnh Hạo Nhiên ở Lộc Hành Sơn, mao lư của ông nằm ở chỗ uốn khúc (doi hay vịnh) của dòng Tương thủy. Nhập giang tùy KHÚC là chữ KHÚC nầy đây.
          5. Vân Đoan: Đoan là ngay ngắn (Đoan chính), là đầu, là đầu mối (chấp kỳ lưỡng đoan: Giữ lấy 2 đầu), là Bưng, là Lý do... Ở đây VÂN ĐOAN là Trong đám mây, ngay cái đám mây đó đó...
          6. Hương Lệ : Không phải là giọt lệ của quê hương , mà là giọt lệ rơi vì thương nhớ quê hương.
          7. Thiên Tế : là đường chân trời (Horizon). Ta có thể hiểu là Góc trời, Bên trời gì cũng được.
          8. Mê Tân : Tân là Bờ, là Bến. Mê Tân ta quen gọi là Bến Mê (Bọt trong bể khổ bèo đầu Bến Mê). Nhưng ở đây chỉ Bến bờ mờ mịt không biết nơi đâu.
          9. Bình Hải : là Mặt biển bằng phẳng? À, thì ra ngày xưa phương tiên giao thông thô sơ, trên chiếc thuyền nhỏ nhìn ra sông lớn, cũng chỉ thấy trời nước mênh mông, nên gọi là Bình Hải, chớ không có biển gì ở đây cả!
        10. Tịch : là Đêm (Thất tịch, Trừ tịch ), là Buổi chiều, là Hoàng hôn: Tịch Dương là Nắng Chiều. TỊCH MANG MANG là Chiều xuống mênh mông, là Hoàng hôn phủ đầy bầu trời.

             Ta thấy Mạnh Hạo Nhiên toàn dùng những từ rất lắc léo, rất đặc biệt và sử dụng cả những biện pháp Tu Từ, Mỹ từ Pháp rất mới đối với lúc bấy giờ.
Dịch Nghĩa : 
              Ngồi trên thuyền nhìn lên hai bên bờ, thấy cây đều đã rụng hết lá, nhìn lên bầu trời lại thấy đàn chim nhạn bay ngang sông để về Nam. Gió bấc về làm lạnh cả dòng sông, nhà ta ở mãi tận khúc quanh của dòng Tương Thủy, cách trở xa xôi như đám mây Sở xa xa kia. Giọt lệ nhớ quê nơi đất khách đã hầu cạn rồi, nhưng chỉ thấy được có cánh buồm đơn lẻ ở phía chân trời. Nếu có muốn hỏi nơi đâu là bờ bến thì cũng không biết nơi đâu trước cảnh mịt mù của buổi hoàng hôn trong sóng nước mênh mông nầy.

Diễn nôm :
 
             TẢO HÀN GIANG THƯỢNG HỮU HOÀI

                     Lá rụng nhạn xuôi nam,
                     Trên sông gió lạnh tràn.
                     Nhà ta bên Tương Thủy,
                     Cách trở Sở mây ngàn.
                     Nhớ quê dòng lệ cạn,
                     Buồm nhỏ trôi mênh mang.
                     Bến mê như có hỏi,
                     Sông nước chiều thênh thang !
            
      Lục bát :
                     Lá rơi nhạn hướng về nam,
                     Ù ù gió bấc lạnh tràn trên sông.
                     Tương Giang quê cũ vời trông,
                     Ngẩn ngơ mây Sở cách ngăn mấy lần.
                     Nhớ quê dòng lệ cạn dần,
                     Buồm côi đơn lẻ chiếc thân u hoài.
                     Bến mê như muốn hỏi ai,
                     Mênh mông sông nước cho dài hoàng hôn !

                                              Đỗ Chiêu Đức.



Tháng Ba Phơi Áo Tình Nhân - Trầm Vân



Tháng Ba Phơi Áo Tình Nhân 
Áo người phơi giữa tháng Ba
Cho cành hoa gạo trổ hoa ngập ngừng
Đỏ chung quanh, đỏ thủy chung
Đỏ lang thang nhớ lưng chừng trời xanh
Tình qua mấy nẻo gập ghềnh
Tháng Ba thương nhớ che vành nón em
Phiêu bay đôi vạt áo mềm
Vạt xuôi vạt ngược nổi chìm phong ba
Dẫu đau vết cắt tình xa
Vẫn em kiều diễm mượt mà dung nhan
Tháng Ba phơi áo lụa vàng
Hồn tôi theo dấu lỡ làng trú đau
Áo bay con gió rối nhàu
Tìm nhau trong cuộc bể dâu chia lìa
Môi tình còn níu đam mê
Nụ hôn chờ đợi lời thề tái sinh
Biết đâu tái hợp duyên mình
Nhưng đừng oan trái tội tình cho nhau
          Trầm Vân


Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Đất Đau Lòng Mẹ (Liêu Xuyên) & Góc Nhớ Trời Quê (Mai Thắng) & Tình Yêu Quê Hương (Mai XThanh)



     ĐẤT ĐAU HỒN MẸ
   (Tung hoành trục khoán)
“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông…”

ĐẤT đau hồn Mẹ xót xa lòng,
KHÁCH lữ buồn thương giống Lạc Long.
MUÔN thủa trời nam đầy tưởng vọng,
TRÙNG dương sóng biển luống chờ mong.
SAO đành dâng hiến người phương bắc,
NHỎ hận sầu đau cảnh núi sông !
HẸP mộng nghìn đời Nam Đế Quốc…
QUÊ NHÀ MỘT GÓC NHỚ MÊNH MÔNG !
            Liêu Xuyên                        


GÓC NHỚ TRỜI QUÊ 
(thtk - gcđ)

ĐẤT từ vạn thuở thấm sâu lòng
KHÁCH tự xa ngàn đuổi ước mong
MUÔN dặm quan san hoài khát vọng
TRÙNG dương biển nước hiển uy long
SAO trời khối lớp/ đa nguồn sóng
NHỎ tiếng van/ thần khí núi sông
HẸP mảng chiều vơi ngồi điểm bóng
QUÊ NHÀ MỘT GÓC NHỚ MÊNH MÔNG

    Mai Thắng – 190326

       Tình Yêu Quê Hương
( Thơ theo thể Tung Hoành Trục Khoán)

"ĐẤT KHÁCH MUÔN TRÙNG SAO NHỎ HẸP
QUÊ NHÀ MỘT GÓC NHỚ MÊNH MÔNG"

"ĐẤT lành chim đậu" nhớ trong lòng
KHÁCH trọ bèo trôi sóng Cữu Long 
MUÔN thuở ghi tâm ơn đoái tưởng
TRÙNG thời khắc cốt đức trông mong
SAO trời  bóng tối ra khơi biển
NHỎ lệ ghe tàu tấp bến sông
HẸP chốn bao dung thương bát ngát
QUÊ NHÀ MỘT GÓC NHỚ MÊNH MÔNG

Mai Xuân Thanh
Ngày 30/03/2019






Ngày Họp Mặt & Karaoke (Sedona Thùy Trang)


Ngày Họp Mặt
Ngày họp mặt
Gặp lại nhau sau 36 năm
Đám bạn ngày nào nay đã 50+
Nhưng vẫn nói cười, miệng í ới mày, tao...
hey hey hey
Nhớ tao không? Ngày xưa ấy... Nhớ không?
Bây giờ thế nào? Con lớn hay chưa?
Hiện làm gì? Nhà ở nơi nao?
Vui? Hạnh phúc? Sao thoáng buồn thế bạn?
Gần 40 năm, bao điều muốn nói
Đâu thể một ngày mà trao hết được ra
Kể chuyện xưa, nay, chuyện gian khổ trong đời
Chuyện vất vả ngược xuôi tìm hạnh phúc...
Và đâu đó trong từng câu chuyện
Có lẫn nụ cười và những dòng lệ ngắn
Nhiều niềm vui và không ít xót xa
Người thành công, kẻ thất bại, chuyện thường
Nhưng gặp lại, bạn bè tôi vẫn thế…
Chỉ cười vui không toan tính so đo
Như thuở học trò áo trắng chỉ ham chơi
Không bạc tiền vàng thau lẫn lộn
Nên thật thà tình cảm đáng nâng niu...
Ôi… đám bạn ngày nào nay đã 50+
Gặp nhau chỉ cười… vẫn í ới mày, tao…
          Sedona 7-2017


          Karaoke
Gặp được nhau thì hãy cứ ca
Ca hay ca dở có sao đâu
Cứ hát vang lên tình bằng hữu
Mấy ai có được lúc chiều tàn
Chỉ cần đĩa gỏi gà phay xé
Tô cháo nấm non với chân gà
Vài ba lon bia cùng dàn nhạc
Karaoke… thế là vui
Hay quá! Phi Hùng hát quá hay
Cứ như ca sĩ không "ca lẻ"
Cứ ca ra là... phải ok
Ngày xưa sao không làm ca sĩ?
Có thể bây giờ đã thành SAO
Không sao... chưa Tết 30 nhé*
"Tiếng hát mãi xanh”** vẫn đang chờ
Phi Hùng hãy cố, cố gắng lên!
Này nhé cho tôi xin nói nhỏ
Nếu không sáu múi chuẩn soái ca
Lần sau ông Tú nên thêm áo
Để chúng xem clip khỏi ngượng ngùng
Mỗi lúc Phi Hùng cất giọng ca
Nhìn bạn quây quần vui ca hát
Lòng tôi chộn rộn muốn bay về
Nhớ quá ngày xưa Nguyễn văn Bé***
Bây giờ đã lớn... vẫn trẻ thơ
Chờ tôi bạn nhé ngày gặp lại
Vui vẻ quây quần hát với nhau
Cứ như ngày ấy mình chưa lớn
Vẫn phá, vẫn trêu, vẫn tao mày…
      Sedona Thùy Trang 12-18-2018

*30 chưa phải là Tết
**Chương trình thi hát dành cho U50
***Bé là ngày xưa còn bé và Nguyễn Văn Bé là tên trường cấp 2 của chúng tôi


Chiều Trên Đồi (Mailoc) & Chiều Nhớ Xa Vời (Trầm Vân) & Tình Người Viễn Xứ (Mai XThanh)



     CHIỀU TRÊN  ĐỒI

Hoa dại đầu xuân rực rỡ đồi
Một mình chiều xuống bước rong chơi.
Gập ghềnh sơn đạo chênh vênh đá
Uốn khúc đường đi quạnh quẽ người.
Trước mặt mơ hồ sương khói tỏa 
Sau lưng nhàn nhạt ánh tà rơi.
Tần ngần lặng ngắm  trời hồng thắm
Xao xuyến tâm hồn, cảnh đẹp ơi!
          Mailoc
         3-24-19


    Chiều Nhớ Xa Vời
Chiều quê ngồi bỗng nhớ ai ơi
Man mác mây trôi trắng núi đồi
Thưở ấy nồng nàn tay nắm chặt
Ngày xưa âu yếm gót đưa chơi
Tưởng làn tóc biếc mơ mùa cũ
Thương nụ cười duyên lạc xứ người
Xa cách ngàn trùng đau sóng gọi
Đêm trường thao thức giọt sương rơi
 Trầm Vân


Họa :
    Tình Người Viễn Xứ

Bạn ta bên Pháp cách xa ơi !
Sáng dậy thể thao chạy xuống đồi
Học hỏi tề gia rồi nội trợ
Tu hành dưỡng tánh cũng rong chơi
Quê hương cách trở mòn con mắt
Đất khách xa xăm mõi bóng người
Xướng họa cho vơi đi nỗi nhớ
Ngâm nga thưởng thức lá vàng rơi...(!)

Mai Xuân Thanh
Ngày 27/03/2019





Thơ Xướng-họa: Xướng: Mộng suối Đào (Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân) & Các bài họa của Mai XThanh,



     MỘNG SUỐI ĐÀO

Đời chẳng hoài mong những ước ao,
Cho hồn Xuân gởi ý thơ vào.
Chiều đưa nhẹ gió toan thành bướm,
Đêm thấm nồng men tưởng hoá sao !
Cố sự chẳng màn thêm vọng tưởng,
Phù sinh đã dứt hết chiêm bao.
Cười vui thoả thích đời thanh thản…
Gõ nhịp mà ca mộng suối đào !

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân


Họa :  
       Nhớ Cố Nhân

Quen em, giặt lụa ở cầu ao
Trước ngõ, nhà anh nhẹ bước vào
Buổi sáng đi câu mình xế bóng
Chiều hôm vác cuốc tối trăng sao
Cố nhân lối xóm thương nhiều lắm
Tình bạn vong niên nhớ biết bao
Kẻ ở người đi xa biệt xứ
Trời ơi...(!) vượt biển động, ba đào...(!)

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/03/2019




Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Đời Cô Lữ/ Thơ của Mỹ Trinh & Lời Bình của Ngân Triều

           Đời Cô Lữ
Một thoáng hôm nào qua rất nhanh
Bâng khuâng mơ ước chẳng còn xanh
Vuột tay sóng vỡ tan bèo bọt
Chợt biết đời ta mộng chẳng thành
Ơi tóc xanh trở màu dĩ vãng
Ơi dịu dàng không ghép mơ hoang
Ơi triều âm ngàn năm sóng vỗ
Ru giùm ta muôn khúc bẽ bàng
Những ân tình ra đi vời vợi
Theo mây bay về cuối chân trời
Chiều sương mờ yêu thương mất dấu
Song thưa tình cô lữ chơi vơi
        Mỹ Trinh

*Lời bình của Ngân Triều:
Xin quý bạn cùng tôi đọc mấy khổ thơ, thơ Mỹ Trinh, bài Đời Cô Lữ:
Đời Cô Lữ là cuộc sống cô đơn, lẻ loi, xa cách quê hương của một người nào đó vì một hoàn cảnh riêng phải kiều ngụ nơi xứ lạ quê người.
Bốn câu đầu là những nỗi chạnh lòng:
Một thoáng hôm nào qua rất nhanh
Bâng khuâng mơ ước chẳng còn xanh
Vuột tay sóng vỡ tan bèo bọt
Chợt biết đời ta mộng chẳng thành
*
Chạnh lòng trước hết là thời gian. Thời gian của kiếp nhân sinh là vô cùng ngắn ngủi (như một thoáng, qua rất nhanh)
Cũng như:
Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ (1)
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay

 (Đời người thấm thoát, Cao Bá Quát)
(1) Người sinh trong đất trời như đến nhà trọ (ngắn ngủi)
*Tiếp theo là buồn vì tuổi già. Ước mơ hoài bảo còn đó nhưng tóc chẳng còn xanh nữa rồi, bản thân đã già, lực bất tòng tâm, thì còn làm được gì! Như hai câu thơ khảng khái của Đặng Dung, vị anh hùng mạt lộ, bất phùng thời:
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma
國讎未報頭先白
幾度龍泉戴月磨
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
 (Bản dịch của Tản Đà)
*
Cái gì mà "Vuột tay sóng vỡ tan bèo bọt"? Phải chăng là thời thế, dâu bể, tang thương? Một biến cố vô cùng trọng đại, khó lường mà những người trong cuộc phải bó tay, phải để sự việc cho sóng cuốn đi, vỡ tan tành. Một cách thể hiện bóng bẩy nhưng người đọc cảm nhận văn chương phản ánh thời thế, phản ánh lịch sử của những người sống tại Miền Nam Việt Nam sau cái ngày 30/4/1975 dâu bể đó.
*
Để cái buồn cuối cùng là cái buồn tổng hợp những lý do trên. Đúng vậy! Không phải riêng tư, mà một tâm tình chung, một tâm tình của cả một thế hệ như tác giả, bấy giờ.
Trong cái riêng có điển hình của cái chung, chi tiết và tổng hợp. Cái ý thơ hay là ở chỗ đó vậy.
Thân mến, Ngân Triều
25 Tháng 3 2016 lúc 18:35.
***
@ Thân gửi anh Ngân Triều
**************************************
    Như Một Lời Cám Ơn
Cũng may còn có người cầm bút
Nhấc hồn sương khói cõi mù khơi
Mây bay cùng gió tìm xuân mới
Đậu xuống bờ vai hạt nắng ngời
*
Cũng may gió vẫn ngàn năm ấy
Vời vợi đưa mây những nẻo đường
Quê hương ngàn dặm dòng xuôi ngược
Hồn còn nương gió ghé thăm thương
*
Cũng may sương trắng tan vào nắng
Nhật nguyệt triền miên tạo dáng hình
Triều dâng biển hát Ngân lời sóng
Chim chóc còn nghe khúc tự tình
*
Cũng may xuân vẫn về như thuở
Khoe cánh hồng tươi thủ thỉ lời
Cám ơn cát bụi mừng gặp gỡ
Cho đất nuôi mầm cây trái tươi
*
Cũng may có cả tình thân thiện
Thật thà tim nở chữ hồng ân
Bốn mùa xoay chuyển vòng con tạo
Dang cánh tay đời gỡ bâng khuâng
*
Cũng may máu vẫn về tim ấm
Nhịp đời khua bước dáng em đi
Thả ra muôn cõi lòng phiền muộn
Nâng gió trời cao cánh thiên di
Mỹ Trinh
26 tháng 03, 2019
***
Ngân Triều
    Ai Hay
(Hồi âm, họa bài thơ
Như một lời cảm ơn” của Mỹ Trinh).
*
Ai hay thiên chức[1] người cầm bút,
Vẽ hồn cho sương khói mù khơi.
Cho mây cho gió về Xuân mới,
Đất nước quê hương rạng nắng ngời.
*
Ai hay gió vẫn ngàn năm ấy,
Tha thiết dìu mây khắp nẻo đường.
Mây trắng hồn quê chìm mộng tưởng,
Miên man sầu kỷ niệm yêu thương.
*
Ai hay sương chỉ tan vào nắng,
Non nước thề xưa ấp ủ hình.
Cho biển ngân triều trong gió lộng,
Man mác hoa trôi bát ngát tình.
*
Ai hay Xuân vẫn về, cho dẫu,
Còn thấy mưa sa, thấy nghẹn lời.
Để thấy tân Xuân mừng gặp gỡ,
Đêm tàn cho thấy ánh vàng tươi.
*
Ai hay thơ trữ tình chan chứa,
Kiếp tằm đến thác chẳng vong ân.
Tơ vàng ký thác cho đời ấm,
Bạc phận chẳng màng, chẳng bâng khuâng.
*
Ai hay máu vẫn về tim ấm,
Bồn chồn theo những bước ta đi.
Nẻo xưa ai chẳng vương sầu khổ?
Cả cười chao đảo, cánh thiên di[2].

Ngân Triều
29.03.2019


[1]Thiên chức: 天軄, năng khiếu, thuộc tính sẵn có.
[2] Thiên di: 遷移, một cung trong số tử vi, chỉ sự dời đổi, trôi nổi, lênh đênh.