Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Halloween Nhớ Xa Xôi - Trầm Vân


Halloween Nhớ Xa Xôi

Halloween lễ hội vui
Hóa trang người dữ tiếng cười vang xa
Đuổi đi hồn ác tà ma
Giữ gìn mái ấm an hòa vui tươi

Halloween lễ xa xôi
Tình xa ngàn dặm đôi nơi chia lìa
Dẫu là em hóa trang gì
Tình anh mãi đậu bờ mi chớp buồn

Tặng em mây tím hoàng hôn
Ngày xưa âu yếm bồn chồn chờ mong
Em về đôi má ửng hồng
Hàng cây nghiêng ngả ngóng trông chúng mình

Tóc em dài những lọn xinh
Chừng như cột chặt bóng hình đôi ta
Ngờ đâu đôi ngả tình xa
Mình anh lặng bước giữa sa mạc đời

Halloween đến bên trời
Hóa thân anh một cánh dơi vỗ sầu
Cánh dài vỗ những nhịp đau
Vỗ về em những đêm thao thức lòng

Xua tan buồn ám sầu đông
Dắt dìu em bước thong dong tháng ngày
Nhờ con gió ấp vòng tay
Tình anh đêm gối tràn đầy giấc mơ

 Trầm Vân



Mua - Trầm Vân


                Mua 

Nào ai đem bán vầng trăng
Cho ta mua lại ánh rằm nhớ thương
Những đêm cô tịch lạnh buồn
Nghe ngan ngát lượn mùi hương tóc dài

Nào ai bán bước khoan thai
Ta mua về mộng trổ ngoài vào trong
Mùa xuân về vội trổ bông
Hoa khoe sắc với má hồng dung nhan

Nào ai bán gió mây ngàn
Đôi tà áo lượn thênh thang lối về
Ta mua về gói cơn mê
Ướp vào tâm tưởng câu thề lứa đôi

Nào ai bán những nụ cười
Ta mua về đóa hoa môi tươi hồng
Lỡ khi trời thả mưa giông
Ngỡ ai bên cạnh che chung chiếc dù

Nào ai bán những thẫn thờ
Những chiều nhung nhớ đợi chờ bóng nhau
Ta mua tình đẹp nhiệm màu
Vẽ câu thơ lượn trên đầu thời gian

Lỡ mai tình bước sang ngang
Lỡ mai ai bán lỡ làng tình xa
Ta mua lại giọt lệ nhòa
Thả dòng ký ức vỡ òa sóng đau

 Trầm Vân




Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Cũng Còn Đó Nợ Nhau - Thuyên Huy & Cảm tác của Mai XThanh


Cũng Còn Đó Nợ Nhau
(Chuyện được viết bằng tưởng tượng, mọi trùng hợp vô tình nếu có là điều ngoài ý muốn của người viết).

    Từ Suối Đá, gia đình Thịnh dắt nhau ra Gò Dầu, được một người bà con xa, ba Thịnh kêu bằng chú, chú tư Đặng, cho tạm cất cái nhà tranh nhỏ, trên miếng đất xéo góc sau, sát bên con đường lộ, đất đá lồi lõm, đi về hướng mấy cái ấp trong, không xa ngã ba quốc lộ lên Tây Ninh, ngay cửa chi khu quận bao nhiêu. Ba mẹ Thịnh vốn đã nghèo, giờ lại nghèo hơn, hai vợ chồng từ ngày bỏ nghề phu cạo mủ ở ngoài Xa Cam, bồng Thịnh, chưa đầy một tuổi, trôi giạt về đây, may có người chủ đất tử tế, cho mướn mấy miếng ruộng gò, tới mùa, lúa gặt xong, có nhiều trả nhiều, có ít trả ít, lam lũ năm này qua tháng kia, tạm đủ ăn ngày hai bữa, cũng  được mấy năm, nhưng không may, đám ruộng hai người đang làm, phải trả lại cho bà con của người chủ đất, vì ông bị bệnh nặng qua đời.
    Chân ướt chân ráo, đi qua đi lại cái bến xe lôi, xe đạp xe máy, ngoài ngã ba mấy ngày đầu, ba Thịnh lân la làm quen, hỏi han mấy anh chủ xe cười nói, lăng xăng, người đi lên xuống, kêu réo vang rân cả một góc đường. Thấy việc làm cũng không khó, ba mẹ Thịnh bàn nhau, với số tiền chắt mót dành dụm có được, sẽ nhờ người bà con cho mượn thêm làm vốn, tìm mua cái xe lôi đạp cũ nào đó để kiếm tiền sinh sống. Định vậy, chưa kịp nhờ, thì ông tư Đặng giới thiệu ba Thịnh mướn lại đám ruộng nước, bên kia cầu lớn, đường đi Bến Cầu, biên giới Miên, dọc theo bờ nhánh sông ngang chợ quận, với giá rẽ, vốn đã bỏ hoang không ai làm, của bác sáu Đậm, hiện đang làm gì đó trong văn phòng quận, cái văn phòng lớn nằm ở đầu dốc, ngã ba chợ, giữa hai dãy phố chính. Ba mẹ Thịnh đồng ý ngay, vì dù sao cũng quen với nghề làm ruộng rồi, bên cạnh đó, vừa không phải bỏ ra một số vốn và vừa gần nhà, đi về cũng tiện. Hôm theo ông Tư đến nhà bác sáu Đậm, để làm quen và nhận lời, một căn phố gạch hai tầng lầu, cửa sắt, hàng rào gạch cao, sân trước nhiều chậu cây chậu kiểng gì đó, nằm cùng một bên với rạp chiếu bóng, ngó ra đường đi xuống bờ sông cuối chợ. Hai bác Đậm còn trẻ, lớn hơn ba mẹ Thịnh chừng vai ba tuổi, niềm nở và vui vẻ tiếp, có đứa con gái duy nhất, chắc cở tuổi Thịnh, đang học lớp tư ở trường tiểu học quận. Lúc ra về, bác Đậm còn nhắc một nhắc hai, “nếu cần gì, cứ tới cho ông hay, ông sẽ giúp, đừng ngại gì hết” rồi mời mọc “thỉnh thoảng ghé lại chơi”, ba Thịnh cười gật đầu nhưng không biết nói gì hơn là hai tiếng “cám ơn”.
                                          Cầu Gò Dầu

    Vào học trễ, vì đã học gần xong lớp năm ở Suối Đá trước khi ra Gò Dầu, vã lại Thịnh đọc viết khá rành rẻ nên được trường sắp vào lớp tư, cùng lớp với Diệu, con gái bác sáu Đậm, chủ ruộng của ba mình. Hai đứa quen nhau và chơi chung với đám bạn con nhà chợ quận từ đó. Nhờ chiếc xe đạp cũ mua ở chỗ sửa xe của một anh thương phế binh, tại góc cột đèn bến xe Gò Dầu Tây Ninh Sài Gòn, ba Thịnh “đi ruộng về nhà” đở vất vả phải “đi sớm về tối”; bên cạnh đó, nhờ chú tư Đặng cũng như ba má Diệu, giúp chuyện này chuyện kia một thời gian đầu, nên đám ruộng giờ xem ra đâu đó “đê điều” ngay hàng thẳng lối.  Sáng sáng, sau khi Thịnh đi học, mẹ Thịnh ngồi xe đạp theo ba qua ruộng, ngoài việc đắp bờ, nhổ cỏ bà chịu khó giăng câu, tát đìa chỗ này chỗ kia, có khi ra tới gần tận con rạch rẽ, ngó qua bên chợ, nên ngày nào cũng có cá có tép, bông súng bông sen. Ba Thịnh cũng lựa một miếng đất hơi cao, không ngập nước, cày xới đất, bón chút phân làm mấy cái giàn trồng bầu mướp dưa leo và chừng chục luống rau lang rau muống cho nên, không những đủ cho cả nhà ăn mà còn mang bán lòng vòng ngoài chợ, kiếm thêm vài ba chục bạc. Đôi khi, mẹ cũng mang mấy trái bầu to, nửa rổ dưa leo tươi cứng chắc nịch và mấy con cá trê vàng mà bà tĩ mĩ lựa tới lựa lui, khệ nệ mang qua biếu cho hai bác sáu Đậm, gọi là chút quà ăn lấy thảo. Những lần đó, cũng có Thịnh đi theo, hai đứa gặp nhau, “tay bắt mặt mừng” ồn ào lăng xăng, vui đùa từ nhà trong ra sân ngoài, tươi cười thỏa thích. Mẹ Thịnh ngần ngại, giữ kẻ không dám ngồi lâu nhưng mẹ Diệu thì, một hai ở nán lại cho hai đứa chơi với nhau chút xíu nữa, miệng lúc nào cũng gọi Thịnh tiếng “con” nhẹ nhàng. Lúc ra về, không lần nào mà bà sáu không đưa hai mẹ con ra tới tận cửa.
    Ngây thơ, hồn nhiên, vô tư lự, Thịnh và Diệu lớn dần theo ngày tháng, thành bạn thân hồi nào, không đứa nào nhớ, chỉ biết vắng chút xíu là thấy buồn, thấy nhớ, nhớ bâng quơ. Cái sân lót đá đầy chậu hoa chậu kiểng giữa căn nhà kín cổng cao tường của Diệu và khoảng sân đất lấp xấp mưa bụi với cây ổi già, cây mận trỗ muộn, của căn nhà tranh mái lá của Thịnh, đối với hai đứa không có gì khác nhau, chỗ nào cũng vui nhiều buồn ít. Sáng sớm mưa nắng gì cũng vậy, đứng chờ nhau ngay ngã ba, chưa thấy tới thì ngóng ngóng trông trông, thấy rồi thì cười toe cười toét, tay nắm tay quàng, tung tăng trên đường đến trường. Chiều tan học, trên đường về nhà, cũng tại ngã ba, bước đi bước ở, xí xô xí xào, hẹn hò chuyện gì đó ngày mai, cũng nhặt hoa phượng đỏ ngày hè, bắt chước tiếng ve nhớ lớp học, cũng gom lá thu vàng, nhóm lửa sưỡi ấm góc sân trường, kỷ niệm vụn vặt cứ theo dòng đời nhiều thêm, nhiều đến nổi không làm sao kể cho hết.
    Xế chiều trời mưa dầm, giữa tháng mười năm Thịnh học lớp nhất, nước tuôn xối xả, dù vậy, thấy trời còn sớm, nán ở lại làm cho xong mấy luống cải bẹ xanh sắp lớn, ba Thịnh vì lụp chụp, không để ý, trợt chân ngay bờ đất sét trơn, đạp trúng cái cán của lưỡi cày dựng ngay góc chòi, lưỡi cày sắt bén, đập vào ống chân, máu tuôn ra xối xả, ông ngã xuống dưới mặt đất lấp xấp nước mưa. Mẹ Thịnh đang kéo tấm liếp lá dừa che luống cải, sát ngoài bờ đê ruộng, nghe tiếng ông thét lên, bỏ chạy ngược vào, bà ngồi xuống điếng hồn, vịn lấy chân ông khóc òa “trời ơi trời ơi”. Ông run lên từng chập nhưng cố cắn răng chịu đau, bà bỏ chạy ra đường lộ, may đón được chiếc xe lôi máy, từ hướng Gò Dầu Thượng về. Hai người, người cõng người nâng chân, mang ba Thịnh để lên xe, phủ tấm ni lông che mưa, rãnh nước chảy thành dòng pha màu máu từ trong ruộng ra tới ngoài.  Mẹ Thịnh theo xe lôi, bỏ cái xe đạp lại đó. Họ đưa ông vào bệnh viện quận, trời cũng vừa nhá nhem tối. Một phần vì bị lưỡi cày cắt đứt quá sâu, một phần cũng vì nó đập mạnh quá, cho nên ống chân trái của ba Thịnh bị gãy hơn hai phần ba. Sau gần mười ngày nằm băng bột trong bệnh viện, về nhà ông phải dùng nạng chống mới đi tới đi lui được. Theo lời bác sĩ, “chân trái sẽ mang tật luôn, không được làm việc gì nặng, nếu không sẽ gãy lại nữa thì khó trị, có thể phải cưa bỏ đi.”  Ba mẹ Thịnh buồn rầu suốt mấy ngày.  Thịnh đi học về, không còn đứng lâu ở ngã ba, chào nhau vài tiếng rồi đi nhanh về nhà, lẩn quẩn bên ba, sờ qua sờ lại cái ống chân bị tật, nhìn ông lo lắng nhưng không biết là lo cái gì. Cả nhà buồn thì Thịnh cũng buồn theo. Vào lớp, Diệu cũng biết buồn theo từ đó. Cô Huệ, cô giáo của Thịnh, đến nhà thăm hai ba lần, an ủi ông bà, nhất là chuyện học hành của Thịnh. Mẹ Thịnh giờ, một mình, đạp xe ra đồng, lũi thũi hái rau, hái trái, chuyện bán buôn ngoài chợ bữa có bữa không. Ba Thịnh, chống nạn ngồi trên cái ghế đẩu trước cửa nhà chờ, nhìn xa xa bên kia sông, thở vắn than dài, buồn thiu buồn thít. Ba mẹ Diệu cũng có đến thăm nhiều lần, biếu gia đình Thuận số tiền nho nhỏ nhưng ba mẹ Thịnh cám ơn không dám nhận.

                                    Xe lôi                                 
  
Mùa gặt xong, trước Tết vài hôm, ông tư Đặng bán căn nhà cho gia đình nào đó từ dưới Trãng Bàng lên mua, để về lại Tân Long, cù lao Rồng, Mỹ Tho, an nghỉ tuổi già, vì dù sao ở đó cũng còn có con cháu, lo mồ lo mả được, ngặt nỗi, người chủ mới muốn ba mẹ Thịnh dời đi chỗ khác vì họ định xây cái nhà rộng hơn, không có cách nào hơn. Ông Tư về Tân Long ăn Tết trở lên, ra giêng, trễ lắm là cuối tháng hai phải giao nhà cho người ta, bàn với ba mẹ Thịnh, mua lại cái vườn trồng Mận nho nhỏ, có sẵn cái nhà cây lộp tôn còn tốt, dưới cù lao Rồng, không xa Tân Long bao nhiêu, giá không mắc, có gì thiếu ông phụ thêm cho, do người bạn già cũ bán lại, vì cô con gái lấy chồng về Sa Đéc, không còn ai coi sóc; vã lại, cũng có mối lái thu mua khi tới mùa, mang về Trung Lương nên chuyện bán buôn không cần phải lo lắng. Công việc vun sới, cắt tỉa dễ làm, không nặng nhọc như làm ruộng. Mẹ Thịnh theo ông Tư đi Tân Long, vài ngày sau trở về, bàn với chồng, kiểm lại số tiền có được, ông bà đồng ý, quyết định mua vườn Mận và dọn về ở dưới lập nghiệp lần nữa.
   Thịnh theo ba mẹ bỏ Gò Dầu, chưa học hết lớp nhất, hè cũng ngấp nghé về, hàng phượng trên đường đến trường đã bắt đầu dăm ba chùm nở sớm, đâu đó đơn lẻ vài ba tiếng ve buồn gọi nhau đầu mùa ngang phố chợ. Hôm chia tay, buổi sáng đứng cùng mẹ, bác gái Đậm, tiễn gia đình Thịnh, hai đứa mắt đỏ hoe, khóc sướt mướt, Diệu đưa tặng Thịnh, cuốn tập viết bài tập làm văn của mình, trong đó có bài kể tên Thịnh, mà cô Huệ đã cho mười điểm, về đề tài “tả người bạn thân của em”, nhắc “khi nào buồn, nhớ Diệu thì lấy ra đọc nghe”. Chiếc xe cam-nhông chở đồ đạc của nhà Thịnh và của ông tư Đặng nặng nề, chậm chạp, lừ đừ chạy ra đầu ngã ba. Ngồi bên mẹ, Thịnh cầm cuốn tập nhìn lại phía sau, bên kia căn phố đầu ngõ rẽ, trong màn sương sớm vừa kịp tan, cũng như những buổi sáng quen, học trò từng đám lăng xăng, tung tăng đón nắng, bóng Diệu khuất dần trên con đường xuống trường, một mình và chỉ một mình. Trên xe, Thịnh thúc thít một mình và cũng chỉ một mình, Thịnh xa Gò Dầu và chưa có lần nào về lại từ hôm đó.
*
    Thịnh từ quận Đức Tôn, Sa Đéc về nhận chức phó quận trưởng Hiếu Thiện, thay cho anh Danh, người khóa đàn anh về lại trường học Cao học. Hôm bàn giao, tại văn phòng, bác sáu Đậm chưng hửng nhìn Thịnh, ngạc nhiên không nói nên lời, khi được gọi vào văn phòng để anh Danh giới thiệu, các vị trưởng ban. Thịnh cúi người chào cũng ngạc nhiên không ít, trong đầu cứ nghĩ là ông đã hưu trí lâu rồi, “bác Sáu còn nhớ con không, thằng Thịnh, bạn của Diệu nè, ba con hồi đó mướn đám ruộng bên sông của bác.” Anh Danh cười lớn, “ủa hai người quen nhau hả?”  Thịnh ngó qua bác sáu Đậm, gật đầu, anh Danh tỏ vẻ khoái chí. Bác sáu Đậm bước ra, ngài ngại, quay lại nhìn lần nữa, rồi khẻ chào hai tiếng “ông phó”, Thịnh cười nhìn theo, anh Danh cũng cười nói nhỏ “dân gốc Gò Dầu về Gò Dầu là quá đã rồi.”
    Từ văn phòng ra, cuối giờ làm, Thịnh thả bộ thật chậm, đếm từng bước, theo con đường dốc lên ngã ba chi khu. Nắng chiều xuống, ngã dài theo chân, bây giờ là mùa thu, mùa của cây cành khẳng khiu của lá vàng lá úa. Nhìn đám học trò tan học, túa ra, nhóm năm nhóm ba, cười nói ồn ào, gọi tên nhau ơi ới, cũng con đường này, cũng hàng cây đó, bất giác Thịnh bỗng dưng muốn khóc. Đâu đó, hình bóng Diệu thui thủi một mình đến trường, hôm chia tay nhau, như mới hôm nào. Tiếng kèn chiếc xe lam chở hàng từ dưới chợ lên, báo hiệu người băng qua đường tránh, làm Thịnh đứng khựng lại. Hai ba cô giáo trẻ đi ngang, nhìn tươi cười chào, Thịnh gượng cười đáp lại. Xế ngã ba, nơi chỗ ở xưa, giờ là căn nhà ngói lớn, có cổng vào và cái vườn đầy cây vú sửa, Thịnh đứng ở đó thật lâu. Cũng nơi này, Thịnh và Diệu, đứng chờ nhau tới trường mỗi buổi sáng, mưa nắng mặc trời, rồi nhìn lên hướng nhà bác sáu Đậm, rươm rướm nhớ, nhớ mà ray rứt buồn, buồn vô cớ và buồn vậy thôi.
    Mười mấy năm không về lại, Gò Dầu bây giờ cũng vậy, cũng nửa quê nửa chợ như những ngày Thịnh còn nhỏ. Cái tiệm bán xăng ngay ngã ba đường vẫn meo mốc một màu sơn cũ bạc. Rạp chiếu bóng lâu lắm rồi, bữa chiếu bữa không. Con sông chia đôi bờ Thượng Hạ cứ lầm lũi hai mùa nắng trong mưa đục. Mấy chiếc xe lôi, thấy nhiều hơn, đạp hay máy gì cũng bụi bám sơn phai. Hàng rào kẽm gai chi khu dựng thêm nhiều lớp trong ngoài, bao cát xanh một màu ô liêu dầy đặc cổng trước cổng sau. Dọc theo mấy dãy giao thông hào, cái sâu cái cạn, có thêm mấy khẩu đại bác 105 ly, nhìn trời, nhắm nòng về hướng biên giới Miên bên kia cầu, lạnh lùng nằm yên chờ. Cuộc chiến bây giờ lan rộng và căng thẳng hơn trước, trận đánh ngày càng khốc liệt. Bắc quân cộng sản từ ngoài Bắc vào, giờ đóng quân nhiều nơi, bên kia đất Miên, ráo riết tràn qua, hợp lực với đám du kích Miền Nam, hùng hỗ tấn công đánh chiếm ấp làng hẻo lánh cho bằng được. Cũng như các tỉnh nằm dọc theo biên giới, Tây Ninh bị áp lực địch nặng nề, quân VNCH không còn sự lựa chọn nào khác, bảo vệ chống trả, giữ đất giữ nhà, một mất một còn với bọn họ. Gò Dầu không xa đất Miên bao nhiêu, từ Long Thuận, Long Giang, Bến Cầu, cách mật khu Mõ Vẹt, cục R của Cộng Quân về, chắc không hơn năm ba chục cây số. Đèn đường phố quận, vốn vàng vỏ từ những ngày thanh bình giờ cũng một màu vàng vỏ. Tiếng súng tiếng bom nghe chừng như đã quen tai, lúc xa lúc gần, chợ búa, người mua kẻ bán, cũng chẳng buồn khi nhóm trễ tan sớm.
    Về chưa hơn một tuần, định sắp xếp mọi chuyện đâu đó xong, sẽ thăm hỏi bác sáu Đậm nhiều hơn, nhất là nôn nóng muốn biết Diệu hiện giờ ra sao, nhưng trúng mùa bầu cử hội đồng xã, cho nên ngày nào cũng như ngày nấy, sáng vào văn phòng, chỉ kịp chào bác một tiếng, ngồi chưa “nóng đít”, kịp liếc sơ qua mấy cái thư từ công văn, cấp trên cấp dưới, ký vội ký vàng vào mớ giấy tờ cần mà bác để sẳn trên bàn, rồi ra xe, với anh Bi, trưởng ban công vụ, có mấy anh lính nghĩa quân, súng ống đi theo, xuống lên hết ấp này qua xã nọ, trở lại quận thì trời đã ngã bóng chiều từ lâu. Hôm từ Phước Trạch về, trời còn sớm, vừa quá giữa trưa, sau khi cho mấy anh lính nghĩa quân đi theo hổm rày về nghỉ xả hơi, Thịnh lái xe “jeep” vào chi khu. Người lính gác cổng, nhận ra, vẫy tay chào “ông phó”, bỏ đó như thường ngày, trở ra cùng với anh Bi vào cái quán ăn, ngay góc ngã ba, ngó ra đường vào trường trung học quận uống cà phê, tán dốc. Chuyện qua chuyện lại, tiện lúc, Thịnh được anh cho biết, anh cũng thường gặp Diệu, hiện đang dạy tại trường trung học quận, có chồng là một đại úy binh chủng Dù. Anh có dự đám cưới, hơn một năm nay, lần gặp mới đây là lúc quân VNCH tấn công qua biên giới Miên, khi anh này ghé qua nhà trên đường theo quân tiến qua ngả Gò Dầu Thượng. Thịnh ngồi lặng thinh, nghe lòng mình chùng xuống, anh Bi vô tình thêm “bác sáu Đậm tốt lắm, ở đây ai cần gì ông bà cũng giúp hết, nhà bác là cái nhà lầu có cổng sắt, kế bên rạp chiếu bóng, sát bên đường đi Tây Ninh, dễ biết lắm, phải ông phó hỏi trước, thì khi mình từ Phước Trạch về ngang, tôi chỉ cho.” Anh Bi nói một hơi, nhưng anh đâu biết là Thịnh đã biết căn nhà đó từ lâu lắm rồi. Nghe tin Diệu đã lập gia đình, nên chuyện Thịnh định đến nhà thăm xem ra chắc là không nên trong lúc này nhưng trong thâm tâm, Thịnh vẫn mong có lần nào đó gặp lại, một lần gặp lại vui.
    Mãi nói chuyện với ông sư trụ trì chùa Thạnh Lâm, khi ông tạt qua nhà Thịnh, bàn chuyện kinh kệ gì đó mà anh ta đã hỏi mấy hôm trước, căn nhà anh mướn lại của nhà chùa khi mới về Gò Dầu. Chủ căn nhà này là người em bà con sao đó với vị sư, đã dọn xuống Sài Gòn làm ăn, để lại cho ông trông coi, như là một tặng vật tặng lại cho chùa, nằm bên kia đường, ngay cổng chính của chùa ngó qua. Thịnh ra tới văn phòng hơi trễ, không thấy bác sáu Đậm, vào trong, đóng cửa phòng, ngồi xuống ghế, ngó ra cửa sổ nhìn trời. Nắng sáng rực trên nóc phố chợ rong rêu. Tiếng học trò la hét trong giờ ra chơi nghe rõ mồn một, cô Liên, thư ký gỏ cửa  nói vọng vào “thưa có người muốn gặp ông phó”, Thịnh định đi ra nhưng nghe tiếng cô trả lời với ai đó “dạ em cũng khỏe, bác bữa nay bệnh hả chị”, nên đứng khựng lại một chút xíu, rồi mới  bước tới mở cửa. Diệu ngồi đó, hai người lặng thinh nhìn nhau một lúc, ngạc nhiên không ít, thốt lên cùng một câu “cứ tưởng là không có ngày gặp lại.”  Kỷ niệm những năm xưa còn bé, bỗng chốc hiện về, lớp học, con đường, tiếng ve, hoa phượng, cái ngã ba, cái tay nắm tay quàng, cây ổi, chậu kiễng, và nhiều nữa tưởng chừng như mới hôm qua, hết người này tới người kia, hết chuyện này tới chuyện nọ, nhất là bài tập làm văn tả tình bạn hồi năm lớp nhất, nhưng chợt biết rằng, chỉ là một chút gì nhớ để mà quên, cái lần mong gặp lại nào đó chợt đến rồi chợt đi, mang vui đi theo bỏ buồn buồn ở lại. Bác sáu Đậm, hôm đầu gặp Thịnh ở văn phòng, về nhà nói lại cho bác gái và Diệu biết tin, cả nhà đi ra đi vào, không ai bàn ra bàn vào một tiếng. Không có giờ dạy sáng nay, sẵn dịp bác sáu Đậm bị cảm, không đi làm, Diệu quyết định tạt ngang văn phòng, cũng như Thịnh, cô cũng mong có lần nào đó gặp lại, một lần gặp lại vui. Cửa mở, có tiếng người nào đó hỏi xin được gặp ông phó, Thịnh nhìn ra, cũng đã lâu, cả hai cũng không biết nói gì thêm, Diệu đứng lên. Tiễn cô ra tận ngoài cửa văn phòng, Thịnh cười chào “chúc Diệu được nhiều hạnh phúc”, bước xuống bậc tam cấp, Diệu quay lại gật đầu mà không nói gì, qua bên kia đường. Diệu đi khá xa, gần cuối con dốc rồi, Thịnh vẫn đứng đó nhìn theo. Chợ vắng người, gió giữa trưa từ hướng sông đưa lên, man mác pha chút mùi bùn, mùi bông lục bình, áo Diệu đôi tà đong đưa lất phất bay, một màu vàng của lá thu giữa mùa.
    Qua Tết, về Tân Long thăm nhà, mấy năm rồi, từ lúc ra trường, sau ngày ba Thịnh mất, vì bệnh sơ gan, tội nghiệp còn lại mẹ, một mình một thân, lủi thủi ra vào. Vườn mận xem ra cũng thương cho người đơn lẻ, mùa nào cũng trái chín đỏ hồng, trĩu nặng chen chúc nhau trên cành to nhánh nhỏ. Ít có dịp nên Thịnh ở nán lại thêm đôi ngày với bà, thay vì sớm trở lên Gò Dầu như đã tính. Như thói quen của những ngày Thịnh lên trung học, hôm đưa Thịnh đi, bà mằn mò đưa thêm chút tiền gọi là để có mà xài, Thịnh cười, chợt nhớ ra gì đó, bà giữ lại, nắm tay anh cười ngặt nghẻo.
    Từ nhà ra, Thịnh đi theo đường dọc bờ sông, ngang qua chợ , trời gió nhẹ, thoang thoảng mùi lúa từ bên kia sang, mặt trời hừng hực một màu đỏ thẳm lên, nắng hâm hấp nóng sớm, thả bộ, thong thả “nhìn dưới nhìn trên.” Bạn hàng ồn ào bày binh bố trận, “nhìn qua nhìn lại”, không lạ không quen, thấy đời cũng còn một chút vui, đám học trò nhỏ sợ trễ, réo nhau chạy băng qua đường. Hai ba cậu, bốn năm cô trung học, áo dài trắng lùa nắng, người trước người sau, nhủng nha nhủng nhẳn “anh theo Ngọ về” bên kia con dốc, con dốc đi về  trường trung học quận, mà Thịnh vẫn còn có nhiều lần thơ thẩn nhìn xa xăm về hướng đó.  Anh chưa kịp bước lên thì anh Bi, chỉ đồng hồ đeo tay, từ trên cửa văn phòng đi xuống, chỉ qua cái quán cà phê hủ tiếu quen bên cạnh tiệm thuốc tây, Thịnh gật đầu rồi quay lại bỏ đi trước. Trong quán nhìn ra, người lên kẻ xuống, tay gánh tay mang, xe lam xe kéo từ miệt xã ấp tới càng lúc càng đông, chợ quận lại bắt đầu một buổi sáng. Bi cho Thịnh biết anh vừa nghe một cô giáo bạn thân với Diệu, cùng dạy chung, nói lại với bà xã anh ta, làm y tá ở bệnh viện quận mà Thịnh đã gặp, khi đến nhà ăn chiều sau ngày xong vụ bầu cử hội đồng xã là “Diệu đã ly dị với chồng”. Trở lại văn phòng, cũng vừa lúc bác sáu Đậm đem giấy tờ cho Thịnh ký, hai người vào trong, bác tươi cười đứng chờ, chợt nhớ tới lời dặn tới dặn lui, đừng nói với ai là anh nói chuyện Diệu hồi nãy, Thịnh lén nhìn, xem ra bác có vẻ gì đó vui hơn ngày thường. Cầm xấp giấy đi ra, chưa tới cửa, bác quay lại hỏi nhỏ “gia đình ông phó ở quê cũng khỏe mạnh hết hả, lần sau có về, cho vợ chồng tôi gởi lời thăm nghe.” Thịnh bước ra theo “dạ, mẹ con cũng khỏe, cám ơn bác.” Ở bàn phía trong góc, anh Bi mắt tròn xoe nhìn, Thịnh lắc đầu cười. Về nhà, Thịnh bổng dưng trằn trọc suốt đêm, không ngủ được, chuyện ngày xưa còn bé lại hiện về, lẩn quẩn đâu đó trong tiềm thức, nhớ tiếc cái gì đó mà không biết chắc là cái gì. Sáng thức dậy theo tiếng gà gáy sớm, qua chùa, ông sư già đưa Thịnh vào chánh điện rồi bỏ đi ra, chưa có hồi chuông lễ sáng, Thịnh chấp tay, đứng trước tượng Phật, lâm râm thì thầm, thì thầm điều gì, chỉ riêng một mình anh biết.
    *
    Thịnh đứng chờ Diệu ngay tại ngã ba đường xuống chợ, rồi hai người thả bộ đến trường, học trò lớn nhỏ vừa vào học lại vài hôm, tốp năm tốp ba, ồn ào, lăng xăng trước cổng, mùa hè tiếc nuối, nấn ná chưa bỏ đi. Ở một góc đường, phượng cuối mùa rụng đầy một màu đỏ bầm như xác pháo úa. Bóng nắng trãi dài từ dưới phố chợ lên, hai ba cô giáo quen, dạy cùng trường đi ngang, nhìn Diệu đứng lại che miệng cười chờ, rồi quay qua Thịnh gật đầu chào “ông phó”, chẳng màng chi tới đám học trò, tay sách tay cặp bẽn lẽn, thập thò “thưa cô thưa cô”, cũng như những buổi sáng trước, chờ cho Diệu khuất sau cổng trường rồi Thịnh mới bỏ đi trở lại văn phòng quận. Về tới, đã thấy thiếu tá Đức, quận trưởng, ngồi trên xe “jeep” của ông chờ Thịnh cùng đi lên xã Thạnh Đức có chuyện cần, bên cạnh, hai chiếc xe Dodge khác, lính chi khu người đứng người ngồi nghẹt trên bực thềm. Thịnh làm dấu, đi nhanh lên văn phòng, lấy vài ba thứ đem theo. Đám lính đứng dậy, vừa né qua một bên vừa cùng chào lớn “ông phó”, trở xuống, anh Bi cũng như bác sáu Đậm cầm mớ giấy tờ gì đó trên tay, chạy vụt theo. Thịnh thò tay ký vội ký vàng, không cần đọc, vừa lên xe, chừng như nhớ ra điều gì, bác sáu Đậm, hỏi vọng theo “chiều nay ông phó có ghé ăn cơm không?” Thịnh chưa kịp trả lời thì thiếu tá Đức, ngó lên cười khoái chí “lâu lâu cho ổng ăn cơm tối với tui một bữa đi bác, còn ở nhà thì chừng nào ăn cũng được mà.” Thịnh cũng cười theo “dạ chiều nay con ăn với thiếu tá.” Mấy cái xe lôi đạp, chất đầy thúng rổ, nặng chình chịch, ngừng lại chờ, thiếu tá Đức vẫy tay chào, đoàn xe lính bỏ chạy lên dốc. Trước cửa văn phòng quận, bác sáu Đậm đứng bên anh Bi, nhìn theo, nói qua nói lại gì đó, gió từ dưới sông thổi lên lùa tiếng chuông reo tan học buổi sáng, bên trường tiểu học đưa ngang qua, nghe rõ từng hồi một.
    Từ những ngày sau đó, người đã quen, người mới quen, và người sắp quen, ở phố chợ quận, gặp nhau trên đường, trên xe chuyến xa chuyến gần, trong quán nước tiệm ăn, dưới bến đò, đò ngang đò dọc, một hai cũng tủm tỉm bảo nhau “mai mốt, không còn gọi cô giáo Diệu nữa rồi mà phải gọi là bà phó Thịnh”.
   
Thuyên Huy
Cuối thu xứ người 2016



Cảm tác:
   THANH MAI TRÚC MÃ
( Đôi bạn thân thiết nhau từ tuổi học trò đầy mộng mơ)

Đại khái thân nhau lúc tuổi thơ,
Hàn vi, kỷ niệm mấy năm mơ...
Trai thời loạn chẳng ai ngờ trước,
Gái chiến tranh không kẻ đợi chờ.
" Quả đất tròn đi đâu cũng gặp ",
Duyên tiền định chạy tới tình cờ.
Cố nhân nối lại tơ lòng cũ,
Hạnh phúc trăm năm luống ngẩn ngơ !

Mai Xuân Thanh
(Cảm Tác từ bài "Cũng Còn Đó Nợ Nhau" - Thuyên Huy)
Ngày 30 tháng 10 năm 2016


   

   
     
   

   
     
   


    

* Áo Lạnh Bây Giờ - Như Phương


            Áo Lạnh Bây Giờ
 
 
  Gió chuyển mùa nơi ấy chưa anh ?
   Heo may đã vờn đám thông xanh
   Em  muốn đan len tơ rất nhẹ

   Thành chiếc áo ấm gởi cho anh.
 

   Biết anh không muốn em bận lòng
   Nhưng không gian đã nhạt nắng hồng
   Em choàng tình thương lên vai ấm
   Sáng tối, đi về không ngại sương


   Anh cho em chút tình tuổi thơ
   Ngại ngùng như không hững hờ
   Cuối đường kia, lá vàng nhuộm lối
   Nhưng tình người còn nét đơn sơ.
 
   Bù lại chiếc áo ấm em đan
   Dấu tin yêu em gởi thời gian
   Anh nhớ treo cạnh giường cho nhớ
   Khi lạnh, đón đưa không ngại ngần.
 
                  Như Phương
                Miss.23/10/2016




 

Biết Tình Xưa Có Chờ Nhau Cuối Ngày - Trầm Vân


Biết Tình Xưa Có Chờ Nhau Cuối Ngày

Thu về chiếc lá úa vàng
Tiếc xưa xanh nõn như đang dậy thì 
Lệ sương buồn ướt bờ mi
Bóng ai bước lẻ chia ly phương trời

Thu về giọt nắng vàng rơi
Vàng lên nỗi nhớ chỗ ngồi công viên
Vòng tay đôi lứa ấm êm
Ôm chưa tròn đã lạnh thềm chia xa

Thu về héo úa chùm hoa
Cúc thay chỗ có đủ mà mượt không ?
Đóa hoa trổ muộn trong lòng
Xác xơ cánh mỏng nhớ nhung ưu phiền

Thu về cây ngả cành nghiêng
Con đường xưa hẹn thay tên ai rồi
Vắng em dòng lá chia đôi
Nửa nghiêng phương ấy nửa rơi phương này

Tiếng chim hót nghẹn heo may
Bàn tay run nhớ bàn tay xa vời
Nỗi buồn lịm sóng trùng khơi
Con thuyền lạc bến biết trôi phương nào

Thu về thương nhớ gầy hao
Biết tình xưa có chờ nhau cuối ngày?

 Trầm Vân










Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Lạng Châu Vãn Cảnh (Vua Trần Nhân Tông) bài viết của Tri Khac Pham



                               Chùa Ông

Lạng Châu Vãn Cảnh
Trần Nhân Tông  (1258  - 1308)

Cổ tự thê lương thu ái ngoại 
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ  

Cảnh Chiều Ở Lạng Châu
PKT 10/28/2016

Chùa xưa ẩn khuất im lìm trong sương khói chiều thu
Thuyền câu đong đưa theo nhịp chuông muộn thong thả đổ hồi
Dòng nước trong vắt, nuí non quạnh vẳng, một con âu trắng lặng lẽ bay ngang
Gió ngừng thổi mây biếng trôi, và cả một rừng cây lơ thơ lá đỏ

Lạng Châu Vãn Cảnh
PKT 10/28/2016

Chùa cổ, chiều thu, sương khói phủ
Thuyền câu, chuông muộn, đổ bên đời
Nước trong, núi quạnh, bóng âu trắng
Gió lặng, mây ngừng, ngắm... lá rơi !

Lạm Bình: Lạng Châu Vãn Cảnh là một bài thơ của vua Trần Nhân Tông, một bậc anh quân nước ta, hai lần hướng dẫn toàn dân phá tan giặc dữ xâm lăng bờ cõi, là người được tôn xưng là Phật Hoàng, và là Sư Tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một bài Tứ Tuyệt trên cả tuyệt vời.  Công việc chuyển dịch không phải là khó mà là không thể đối với tôi. Tôi chỉ cốt ý cố giữ được phần nào ý thiền của nguyên tác nhưng thật là đã không làm nổi. Gửi đi chẳng qua chỉ là muốn được chia sẻ ít nhiều niềm tự hào hãnh diện âm thầm trong tôi về công lao dựng nước giữ nước và bản chất sống "vui" cùng thiên nhiên của tiền nhân từ bao đời truyền lại đến ngày naỵ cho con cháu. Ngày Trời tháng Phật, tấm lòng biết ơn, và một bài thơ! 

PKT 10/28/2016    
Tri Khac Pham

ĐI VÃN CẢNH Ở LẠNG CHÂU

Sương phủ chùa xưa thu ảm đạm,
Ghe câu vẳng tiếng đỗ chuông thiền.
Non xanh nước biếc chim bay liệng.
Rụng lá hồng mây gió lặng yên.

Mai Xuân Thanh
( Theo bản dịch của thầy Phạm Khắc Trí qua thơ của vua Trần Nhân Tôn Lạng Châu Vãn Cảnh )




Nữ Sinh Viên - Mai XThanh

Bài cảm tác
 NỮ SINH VIÊN

Buổi xưa hy vọng tương lai,
Con đường học vấn chông gai chẳng sờn.
Văn chương chữ nghĩa nào hơn,
Sinh viên Viện Hán, tâm hồn ngoại giao.
Rời quê ra Huế xưa nào,
Tiểu thư khuê các thấp cao bạn cùng.
Miễn sao chí thú thư trung,
Ở chung phái nữ mới mong học hành.
Chuyển trường chỗ mới cũng nhanh,
Thích nghi hoàn cảnh thanh bình học lên.
Quây quần vui vẻ vững bền,
Chia bùi xẻ ngọt cũng yên túi tiền.
Ăn tiêu tiện tặn đỡ phiền,
Tập trung đèn sách ưu tiên nhân tài.
Xa quê cực khổ miệt mài :
"Có công mài sắt có ngày nên kim"
Bỏ công vất vả, nỗi niềm,
Ra trường, tốt nghiệp, an tâm phỉ nguyền.
Cảm đề văn viết có duyên,
Thiên đường vui nhộn an nhiên mỉm cười.

Mai Xuân Thanh
(cảm tác Những Ngày Thân Ai Cũ - Võ Hồng Phi)
Ngày 28 tháng 10 năm 2016




Mùi Hương Tóc Dài - Trầm Vân


   Mùi Hương Tóc Dài

Ngày xưa chớm tuổi xuân thì
Đôi tà áo lượn thu về mỏng manh
Nụ cười ánh mắt long lanh
Đóa hoa nở đỏ trên vành môi ngoan

Tóc bay vương chiếc lá vàng
Tay thu cũng muốn điểm trang má hồng
Kẻ lên bờ mắt nắng trong
Tiếng chim hót vội qua lòng vấn vương

Cặp nghiêng chân bước đến trường
Kiễng chân cây ngắm con đường trông theo
Gió qua nhẹ thắt vòng eo
Hồn nghiêng theo áng mây chiều phiêu du

Thế rồi nhỏ biết ngẩn ngơ
Cô đơn se lạnh thẫn thờ ngày trôi
Trái tim mơ giấu bóng người
Nhớ nhung khép mở vành môi hao gầy

Bao mùa lá đổ qua tay
Mộng mơ thoáng đã qua ngày xa xôi
Giờ thì đũa đã có đôi
Bên chồng có nhớ thương thời xa xưa ?

Tuổi vàng mơ, tuổi dại khờ
Áo bay trắng xóa đôi bờ chiêm bao
Để cho ai nhớ nôn nao
Xưa theo nhỏ mãi, nhỏ nào có hay

Cho ai xin chút thơ ngây
Ép vào lưu bút cho đầy trang thương
Tím gầy những nét bút buồn
Ngát thơm trang giấy mùi hương tóc dài
 Trầm Vân





Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Những Ngày Thân Ái Cũ - Võ Hồng Phi

                  Những Ngày Thân Ái Cũ

Thường thường trước ngày Khai Giảng năm  học của Viện Hán Học, tôi và các bạn nữ hẹn nhau đi Huế trước một tuần để sắp xếp chỗ ăn ở; riêng mùa tựu trường năm thứ ba vì bà nội tôi ở quê lên chơi nên tôi đi sau các bạn vài hôm.  Tới Huế, vừa bước vào nhà, chào hỏi chú thím Đức (chủ nhà trọ) xong thì tôi được nghe một "tin sốt dẽo" nhưng... lạnh lòng:
-  O Hồng Phi nì.  Viện Hán Học trao đổi cơ sở với trường Mỹ Thuật ở Bến Ngự rồi tề.
Tôi sững sờ, tròn mắt nhìn chú thím.  Kiểu này thì chị Hai Cam của tôi và mấy người bạn khác ở đâu? Những người này trọn niên khóa trước được các thầy trong Bạn Giám Đốc dành một phòng trống rộng rãi trên lầu của Viện Hán Học (Phủ Nội Vụ) cho nữ sinh viên cư ngụ, còn nam sinh viên thì có dãy nhà bên hông trường. Bây giờ các bạn ấy ăn ở sao đây?

         (Chú thím Đức và 5 cô SV khóa 2 gốc Sài Gòn: Cam, Phi, Ngân, Minh, Sương)

Được sự chỉ dẫn của chú Đức tôi đạp xe đi thăm ngôi trường mới sau khi đi ngang qua chào vĩnh biệt ngôi trường cũ ở Đại Nội.  Bước vào cổng, bà "chị Hai ngang hông khác họ" của tôi và đám bạn nữ vẫy tay réo gọi. Tôi bước lên lầu, nhìn những gương mặt eo sèo, hỏi:
- Các thầy cho các bạn ở đây hả?
Một người trả lời:
- Ở tạm thôi vì chưa tựu trường... Bây giờ phải tìm nhà mà ở trọ. Biết nhà ai có đủ phòng để cho cả sáu đứa ở bây giờ!
- Ơ hay, còn tụi tui ba đứa nữa.
Chị Hai nói:
-  Phi đang ở nhà chú Đức thì tiếp tục đi.  Dời đi đâu nữa. Còn hai đứa kia: Ngân và Minh đang trọ ở đâu cứ tiếp tục ở đó, chỉ có bọn mình ở trên lầu trường cũ và mấy đứa mới trúng tuyển khóa 4 là cần có chỗ ở mà thôi.
Tôi bèn cất giọng "ca vọng cổ, xuống xề" rất mùi mẫn và thảm não:
- Chị ơi là chị, tội cho tấm thân em "gầy như liễu" lắm lắm! Từ cửa Đông Ba sáng sớm đổ đường đi tới đây dưới cơn mưa Mùa Thu và Mùa Đông tối trời thúi đất, xa ơi là xa, lạnh ơi là lạnh, em chắc thác sớm.  Qua cầu Trường Tiền gió lạnh cắt da, co ro cúm rúm, thế nào cũng bị "gió đưa gió đẩy về... " ơ... ơ... không phải,  "xuống sông ăn cá..."(1) hay cá ăn em mất xác?  Em sợ mưa Huế lắm rồi. Đổ bệnh thì sao đây? Em đâu có ai săn sóc và an ủi như... ai... có tới hai ba người lận.
Chị mắng:
- Con nhỏ mắc dịch này.  Mình đang rầu thúi ruột mà cứ châm chọc hoài.  Các thầy có hứa tìm cho một căn nhà, và đóng mấy cái giường hai tầng cho sáu đứa tụi mình,  không có "em" đâu, đừng "nghèo mà ham."  Chịu khó tìm nhà trọ đi... e...em..
Đang nói tới đây thì có tiếng vừa chạy rầm rập ở cầu thang vừa léo nhéo giọng của Minh:
- Chị Hai ơi, có trên đó không?  Bọn em tìm được chỗ trọ rồi.
Minh lên cùng với Ngân cho biết nhờ một người bạn bên Văn Khoa có nhà của người bà con gần đây, đi bộ mất khoảng mười, mười lăm phút, dư một phòng, chịu cho mướn. Điều tuyệt vời là gía không mắc độ 300 đồng, bao điện nước, phòng riêng biệt, và có cửa đi riêng, kẹt một điều chỉ cho ở, không nấu  ăn.
Nghe tới đây, tôi xen vào:
- Phòng rộng không?  Cho mình ở chung với, được không?
- Không biết, bây giờ Ngân và mình đi xem phòng và đóng tiền nếu ưng ý. Phi muốn thì đi theo xem tình hình.
Tôi nheo mắt nhìn chị Hai và trêu choc:
- Em đi theo tụi nó nghen.  Chị "ở lại"... mạnh... giỏi!

(Bên bờ dòng Bến Ngự)

Thế rồi chúng tôi đi xem nhà.
Căn nhà là một biệt thự nhỏ, trong đường hẽm nối hai đường cái, khu xóm vắng vẻ, sau chợ Bến Ngự.  Chủ nhân là một quả phụ làm Thư Ký Tòa Hành Chánh, có hai cô con gái: một học lớp Nhất (tức lớp Năm tiểu học) và một học Đệ lục (tức lớp 7 bậc Trung Học). Nhà có vườn cây trái mát mẻ.  Bên phía trái cất một dãy gồm bốn phòng: phòng vệ sinh và nhà tắm ở cuối cho chị bếp và người ngoài; phòng giữa rộng rãi là nhà bếp và chỗ ngủ cho chị bếp; phòng ngoài để cho người tới dạy kèm hai cô con gái học.  Phòng này cũng rộng rãi, một tuần chỉ sử dụng có ba ngày, mỗi ngày 2 giờ.  Bỏ không thì phí, cho nên bà cho chúng tôi mướn, với điều kiện phải để con bà học khi có người đến dạy. 
 Bà giăng một tấm màn ngăn phần học của hai con gồm một bàn dài và tấm bảng đen treo tường, và phần "gia cư" của chúng tôi.  Ngoài giờ học của hai cô con gái, chúng tôi có thể dùng bàn học này.  Phần của chúng tôi có một cái tủ nhỏ, thấp, vừa làm bàn ăn vừa làm bàn học, có một cây đèn điện để học bài.  Một bộ ván lớn làm chỗ ngủ cho hai người thì rộng mà ba người hơi chật một chút. Đây là "phượng sàng" của Minh và tôi.  Ngân  có cái giường gỗ cá nhân, do đó phòng trở nên chật chội, chỉ còn lối đi rộng đủ một người mà thôi. "Tài sản" của chúng tôi là một va-li vừa đựng quần áo vừa sách vở, cứ gầm giường, gầm ván mà cất vào. Không sao, chúng tôi chỉ cần một chỗ ngủ, phần lớn thì giờ ban ngày của chúng tôi ở Viện Hán Học và Văn Khoa. 
Bà lấy giá 300 đồng một tháng, hai người hay ba người cũng cùng một giá.  Nước xài: có sẵn giếng nhà, mặc sức mà múc thoải mái, không hạn chế. Nấu ăn thì có bếp củi, cứ mua củi về nấu không ngăn cản. Nhìn bếp, chúng tôi ngán ngẫm. Ở Sài Gòn, gia đình chúng tôi xài nước máy và nấu ăn bằng bếp dầu hôi.  Ở đây nhà giàu như bà mà còn bếp củi!!! Chúng tôi chọn ở ba người, chật một chút nhưng đỡ tốn tiền.  Ăn thì sẽ đi kiếm chỗ nấu cơm tháng, chứ thì giờ đâu mà chúng tôi đi chợ nấu ăn, rồi lại phải mua nồi niêu soong chảo, chén đủa.  Ôi chao! Nấu ăn bằng củi, lọ nghẹ sẽ dính tùm lum mặt mủi, tay chân, quần áo... Thật là phiền! Vả lại, chợ Bến Ngự đến trưa là tan, làm sao chiều về có rau cải, thịt cá... mà mua!  Lúc đó tủ lạnh chưa xuất hiện trong sinh hoạt đời sống của người dân.
Nhóm của chị Hai cũng được thầy Ngân mướn giùm cho một căn phố mặt tiền đường Nguyễn Hoàng, gần chợ và gần trường, chỉ một phòng ngủ nhỏ xíu.  Các chị lấy phòng khách làm phòng ngủ mới đủ chỗ cho bốn cặp giường tầng.  
Chợ Bến Ngự có sập bán cơm cho thợ thuyền, chúng tôi mua gào- mên và lấy cơm tháng mang tới tận nhà. Thức ăn chia hai: một nửa cho buổi trưa, một nửa cho buổi chiều.  Tuy không có tủ lạnh, nhưng cũng may trời vào Thu, mưa nhiều và lạnh nên... chúng tôi không có người nào bị "Tào Tháo rượt."(2)  Cả đám nữ Sài Gòn "du học xứ Huế" thoải mái bước vào năm học.
Ăn cơm được hơn tháng thì bắt đầu ngán cơm canh không hạp khẩu vị và quá bình dân.
Minh ngồi nhìn thức ăn thở dài:
- Lại cá nục kho nước lỉnh bỉnh, canh mít nêm mắm ruốc, rau cải xào nêm mắm ruốc.
Tôi cố thuyết phục:
- Thì rán đi, ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn.
- Hai bạn ăn đi, tui không ăn đâu. Chắc nghỉ ăn chỗ này quá. Tìm chỗ khác.
- Ở đâu có nấu cơm tháng, ngoài chỗ này.
Ngân và tôi ngồi khều, gắp từng chút thực phẩm mà nhai như nhai cao su. Bỗng Ngân la lên:
- Này xem nè. Cái gì đen đen trong cá kho đây?  Có phải mấy hạt tiêu hột không? Á... không phải. Con ruồi.  Không phải  một con mà... hai... ba... Ôi chao ơi!  Có con ruồi mẹ nằm dưới đáy đây. Hai con trong món xào nữa nè.  Vậy mà bấy lâu nay không đứa nào phát hiện ruồi cả.
Tôi chêm:
- "Ngọc trầm thủy thượng" mà, bọn mình ăn kiểu nhà giàu, có lần nào ăn cạn đáy gào-mên đâu mà thấy.
Minh xỏ vô:
- Có thêm chất protein tốt cho cơ thể lắm.
Thế là tôi và Ngân chạy ra ngoài hè móc họng. Ngày đó ăn cơm trắng. Và hôm sau nghỉ lấy cơm tháng. 
Ở đầu chợ có một xe bán bánh mì thịt, những ngày nghỉ học, chúng tôi thường mua ăn sáng.  Ngày thường thì bận ngủ đến cận giờ vào lớp mới thức dậy đi học nên không có thì giờ cho điểm tâm.  Bánh mì thịt ở đây không giống ở Sài Gòn. Ổ bánh mì dài cỡ một gang tay, to bằng cổ tay trong có dăm lát thịt gọi là xá xíu và vài lát ớt, vài cọng ngò.  Xá xíu được làm bằng thịt ba rọi kho tiêu vị mằn mặn ngòn ngọt.  Xe bánh mì không có pa-tê, jam- bông, xá-xíu, trứng, bì v. v. đa dạng như ở Sài Gòn.  Chúng tôi mua cất vào cặp để thay cơm trưa vì đến trưa tan học thì chợ Bến Ngự cũng tan, xe bánh mì cũng về nhà.  Ở Bến Ngự không có tiệm ăn nào cả, cũng không có tiệm tạp hóa, tiệm bánh để mua ăn cho đỡ đói.  Dù có tiệm ăn chúng tôi cũng không có tiền để ăn.
Ngày đầu tiên, đến chiều đói quá, ghé qua nhà trọ của Chị Hai tính đường ăn ké.  Vừa bước vào nhà, chị đưa cho tôi xem bàn tay trái của chị và than phiền:
- Nè các bồ xem, tụi nó giành chia nhau đi chợ, rửa chén, và đùn đẩy cho mình nấu ăn làm mình bị gãy hết hai móng tay. Mình  nghỉ nấu cơm hai ngày nay rồi, người nào tự lo thân người đó, mình không nấu nữa.
Thì ra các "đồng bọn" này nghỉ ăn cơm tháng trước chúng tôi năm bảy ngày và tổ chức chia nhau nấu ăn lấy.  Chị Hai suýt xoa, đau khổ vì hai móng tay bị dao xắn mỗi móng khoảng một ly. Chị lấy băng keo dán lại.  Minh cầm bàn tay của chị ngắm nghía rồi góp ý:
- Móng tay đâu có liền lại như da được mà chị dán làm chi cho mất công.  Cắt bỏ móng gãy đi.  Mai mốt nó mọc dài ra lại, lo gì.
Tôi liếc mắt thấy mấy "đồng bọn" kia đang nháy mắt cười với nhau. Hiểu ý, tôi châm dầu:
- Nói vậy sao được.  Mười móng được cắt xén trau chuốt trên mười ngón tay búp măng ngọc ngà, tự dưng cụt mất hai móng thì thành bàn tay gì? Bàn tay tật nguyền? bàn tay phù thủy? hay bàn tay Hàn Mặc Tử?
Chị nổi nóng đuổi:
- Đi dzìa hết đi. Không thông cảm còn chế thêm... xăng Shell.
Ngân vốn ít nói, điềm đạm trả lời:
- Hai đứa nó ăn nói dzô dziêng, không có em. 
- Mấy người một bụng với nhau, đi dzìa hết đi.
Thế là tụi tôi ra về, bụng trống, ngồi ngay bậc cửa nhìn nhau, nghe bụng kêu réo cứu đói thê thảm.  Gia đình chủ nhà đóng cửa ngủ sớm, cổng không khóa cũng không đóng. Người dân Huế hiền lành, đạo đức, không có trộm, không có cướp cho nên tuy đất nước chiến tranh nhưng người dân "cửa thường bỏ ngỏ."
Chúng tôi ngồi nhìn trời tối dần. Bên hông nhà là một bãi đất trống bỏ hoang.  Mùa mưa đến, cỏ mọc um tùm, nước đọng vũng, ếch nhái kêu inh ỏi càng thêm thê lương.  Đứa nào cũng nhớ nhà, nhớ những bữa cơm hạp khẩu vị, ngon ngọt của mẹ mình mà ứa nước mắt.  Chợt nghe tiếng rao của một O bán bún bò gánh dạo, chúng tôi vội vã kêu vào, mỗi đứa một tô, xì xụp ăn. Tô 5 đồng có ba lát thịt bò mỏng và một cục giò heo nhỏ (giò heo nhỏ thì cắt hai, lớn thì cắt làm bốn).  Ăn xong vẫn chưa no, làm thêm một tô 3 đồng chỉ có bún và ba lát thịt  bò mới tạm đủ no.
Chỗ chúng tôi trọ rất vắng vẻ, chỉ lưa thưa vài nhà.  Trời sụp tối, nhà nhà đóng cửa, không ai ăn quà vặt nên các quán hàng rong về đêm không qua đây. Hôm ấy nhờ O Bún Bò này nên chúng tôi mới đỡ đói lòng.  Sau mới biết Chị Hai Cam chỉ đường cho O vào cứu đói chúng tôi. 
Sau khi no bụng, ngồi tính nhẫm nếu cứ ăn kiểu này thì thiếu tiền, những ngày cuối tháng lấy gì no lòng?  Hôm sau đành ăn tiết kiệm: tô thứ nhất sụt xuống còn 3 đồng (chỉ còn ba lát thịt bò, mất cục giò heo), tô thứ hai 2 đồng chỉ có bún và nước dùng.  Như vậy cũng tạm qua ngày.
Từ đó, xe bán bánh mì và gánh bún bò Huế này là cứu tinh của  hai nhóm chúng tôi: nhóm ngoài đường cái và nhóm trong hẽm.
Được vài tuần, thèm cơm chi lạ! Thời điểm đó, các O Huế không vào quán cơm, thường thì kéo nhau một đám vào các quán bánh bèo, bánh bột lọc,  chè v. v. Các gia đình Huế ít khi ăn quán, chỉ có những khách lỡ đường, những người ở tỉnh khác không có gia đình mới "ăn quán ngủ đình" mà thôi. Nhưng  chúng tôi thèm cơm, phải ăn cơm, không ăn gì khác. Trưa Chúa Nhật nào chúng tôi cũng tới quán cơm ở Nhà Ga Xe Lửa kêu cho mình một dĩa cơm chiên chỉ có trứng, vài con tôm khô, vài lát thịt heo.  Quán vắng khách vì vào giờ đó không có chuyến xe lửa đi hay đến, tiệm ăn không làm sẵn thức ăn, nên chúng tôi phải chờ rất lâu, e rằng cả tiếng đồng hồ mới có cơm.  Chúng tôi thường đùa "cơm đang nấu, ăn nóng sốt mới ngon." Tối Chúa Nhật trở lại "nạp năng lượng" bún bò như mọi ngày.  Cả tuần chỉ được một dĩa cơm cho đỡ ghiền! Chúng tôi trở thành "tín đồ ngoan" của Bún bò Huế.  Nếu có ai hỏi ở Huế món ăn nào ngon số một?  Xin trả lời: Bún Bò.  các món khác đều thứ yếu.
Chúng tôi ăn ở như thế suốt cả năm học. Khi hè, về nhà mới được những bữa cơm đàng hoàng. Biết làm sao bây giờ? Chúng tôi thường nói đùa: mình là con cháu nhà Nho nên phải biết thực hành lời dạy của tiền nhân: "Ngộ biến tùng quyền" và "an bần học đạo..."(3) 
Cứ thế mà ăn, ở, học, hành.  Rồi cũng tốt nghiệp.
Cảm ơn xứ Huế êm đềm và hiền lành đã dang rộng vòng tay đùm bọc chúng tôi.  Cảm ơn Viện Hán Học nơi có các Thầy kiến thức uyên thâm, hết lòng lo cho thế hệ trẻ, và là nơi mà bạn bè đồng môn coi nhau như ruột thịt để tôi có ngày hôm nay ngồi viết mấy dòng chữ này.

Võ Hồng Phi (khóa 2 VHH Huế)
(Trích Đặc San 55 Năm Nhớ Lại)
********
Chú thích:
(1) Mượn ý ca dao: "Gió đưa gió đẩy về rẩy ăn còng, Về sông ăn cá, về đồng ăn cua."
(2) Tiếng lóng chỉ: Bị tháo dạ, tiêu chảy.
(3) Cóp và sửa từ câu: "an bần lạc đạo."