Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Cũng Còn Đó Chút Đời Vui - Thuyên Huy

Cũng Còn Đó Chút Đời Vui


    Sáng sớm thứ bảy, tôi ra xa cảng Phú Lâm đón xe đò đi Cai Lậy. Chiều hôm qua, anh chị năm Thương nhờ người quen, xuống Sài Gòn ghé nhắn tin là ba mẹ tôi theo chuyến tàu chở dừa, đang neo ở bến chợ dưới đó. Cuối xuân rồi mà hai bên đường từ cầu Bến Lức xuống, vẫn còn lưa thưa vài cụm mai vàng nở muộn. Dăm ba câu đối, đã phai màu giấy đỏ, đong đưa hững hờ theo chiều gió sớm trước cửa hai ba căn nhà ngói cũ. Đám ruộng bên phía đường vô Cái Bè, mùa này lấp xấp nước trơ gốc rạ. Xuống xe tại ngã ba vào chợ ngay dốc cầu Long Định, tôi len đám đông đi nhanh xuống bến vựa. Ghe tàu đủ loại, lớn nhỏ bỏ neo chật cứng cả một khúc sông rộng.

   
     Giờ này nước chưa lớn mấy, đám con nít đi theo ghe tắm sông sớm, ồn ào la hét vang rân phía sau chợ. Người lên người xuống không ngớt, nhờ một anh khuân vác, đang ngồi nghỉ chân ngay đầu cái cầu ván mỏng, nối ghe này qua ghe kia, tôi tìm ra ghe dừa mình không khó. Xuống tới thì ba mẹ tôi và chị năm Thương không có đó, chỉ có chú sáu Chuồng, người lái ghe cho nhà tôi, đang quét dọn trong khoang trong. Dừa đã giao cho chủ vựa xong xuôi rồi nên ghe trống trơn nhẹ bổng. Hai chú cháu ngồi trên mui ghe chuyện trò chờ. Nắng lên trải dài trên sông, dăm ba đám lục bình trôi lặng lờ, theo một vài cơn sóng nhỏ loanh quanh mạn ghe. Trời đứng gió.

    Theo lời chú sáu Chuồng, xế trưa chú sẽ lái ghe về Bến Cầu. Ba mẹ tôi hình như sẽ đi xe đò ghé Sài Gòn. Mẹ tôi tay cầm hai ba bịch cam đi trước, chị năm Thương tay xách tay quàng gì đó ì ạch theo sau xuống. Cả hai nhìn tôi cười toe toét. Bà hỏi tôi nhiều thứ mà không cần tôi phải trả lời. Chú Sáu bỏ vào trong khoang ghe, chị năm kéo cái cửa hầm nhỏ phía trước bỏ vội mớ đồ xuống, rồi thong thả khoát nước sông rửa tay. Hai mẹ con ngồi bên nhau, trên mui, nhìn trời cao sông rộng không bao lâu thì ba tôi về tới. Trời đã gần giữa trưa, ba mẹ tôi đi vòng ghe coi lại đồ đạc, dặn dò chú sáu đôi ba việc trước khi chú nhổ neo. Tôi bắt tay, từ giã hẹn gặp lại chú ở Bến Cầu. Gia đình tôi và chị năm Thương, đi lên khỏi cuối cầu ván chợ vựa rồi, chú Sáu vẫn còn đứng trên đầu ghe nhìn theo. Bóng chú nghiêng nghiêng, nhấp nhô theo từng con sóng, nước bắt đầu lớn.

    Xe đò từ miền Tây lên, bị kẹt tại cầu Bến Lức cũng khá lâu. Trên cầu, chừng mươi anh lính địa phương quân chạy tới chạy lui, súng bồng súng mang chỉ chỏ dưới sông. Tàu hải quân VNCH nhấp nhô, quanh mấy đám lục bình rậm lớn, nổi lềnh bềnh quanh chân cầu xi măng. Khách đi xe đò, nhỏ to bảo nhau, Việt Cộng gài mìn trong lục bình cho sập cầu. Trời lưng lửng xế trưa thì đường được lưu thông bình thường. Xe đò từng chiếc chầm chậm qua cầu, anh lính ngồi gác trong cái chòi canh đưa tay chào, cười một cách bình thản. Về đến Sài Gòn, xuống xe đầu ngã tư Trần Quốc Toản, tôi lửng thửng đi trước, ba mẹ và chị năm Thương thong thả theo sau, ngó quanh ngó quẩn.

    Ông anh họ của Tùng về Long An từ chiều Thứ Sáu, nhà vắng, Tùng loay hoay quét dọn gì đó ngoài hiên, thấy ba mẹ tôi chưng hửng, vồn vã chào tiếng một tiếng hai. Tôi chưa kịp sắp xếp mấy túi xách, vào góc nhà cho gọn thì Tùng đã lăng xăng thúc giục ba mẹ tôi cũng như chị năm Thương đi rửa tay rửa mặt. Trời cũng lấp xấp về chiều, ba mẹ tôi nằm nghỉ tạm trong phòng, chị năm bắt ghế, ngồi nhìn người qua kẻ lại trên đường ra chiều thích thú. Tôi cũng kéo ghế ngồi bên cạnh chị, chị hỏi han đủ chuyện của Sài Gòn từ xe cộ tới đèn đường. Tùng bỏ đi đâu đó, trong nhà lặng im. Có tiếng mẹ tôi ho khan từ trong, chị năm Thương đứng dậy đi vào. Nghe tiếng ba tôi hỏi chị năm, tôi đứng dậy, thì ông cũng vừa bước ra.
   
    Trời hâm hấp nóng, tuy là cái nóng gượng cuối ngày, nhưng cũng vừa đủ làm oi bức. Ba tôi ngồi xuống cái ghế chị năm ngồi khi nãy, tôi đứng tựa vào tường, bên khung cửa sổ. Vẫn giọng nói ung dung thong thả, ông hỏi đôi câu về chuyện học hành của tôi và của Tùng cũng như đám bạn bè, trong đó có cả Chiêu. Tuy cung cách ông không khác xưa bao nhiêu nhưng cố nhìn kỹ thì ba tôi giờ đã già đi lắm rồi, tóc ông bạc trắng không có một chút gì lấm tấm đen như trước ngày chú Hiếu mất. Tùng trở lại nhà có Chiêu và Thảo Ly theo. Hai cô đẩy xe Honda vào trong sân, cúi đầu chào ông, rồi đứng xớ rớ bên cạnh tôi chờ. Tôi đứng dậy kéo hai cô vào trong nhà, Tùng ngồi xuống ghế. Chị năm liếc trộm Chiêu nhiều lần, mẹ tôi hỏi han đủ thứ, tôi im lặng để mặc cho hai cô lời ra lời vào. Từ trong nhà, thỉnh thoảng nghe có tiếng Tùng cười giòn giã.

    Chiều xuống, trời bỗng dưng dịu hẳn, một vài cụm mây xám dật dờ ờ phía bên kia sông, che vội che vàng đôi dăm ba sợi nắng chiều về muộn. Cả nhà thả bộ ra cái quán cơm xích lô trên đường Cao Đạt mà bọn tôi thường ăn, bà chủ tiệm thấy có người lạ chạy ra vồn vả chào, cũng như thường lệ, bà ghé tai nói nhỏ mấy câu gì đó với Chiêu rồi cười tũm tĩm. Ba tôi mời Tùng ly bia, Tùng không dám chối từ năn nỉ tôi chia phân nửa. Mẹ tôi ăn không nhiều nhưng bà vui ra mặt. Thấy bà vui tôi cũng vui lây. Chị năm cứ thong thả ăn, nhìn người qua kẻ lại. Đêm đó, gần khuya Chiêu và Thảo Ly mới ra về, tôi và Tùng ngồi lặng im trong bóng đêm trước hiên nhà, ngọn đèn đường vàng trước căn phố, có cái truyền hình lớn vẫn lờ mờ như xưa, bên trong nhà đã có tiếng người ngái ngủ. Hai thằng khẽ đẩy cửa vào. Trời vừa có đôi chút gió đêm, hai ba con chó hoang sủa vài tiếng khô khan trên đường lớn. Xe vẫn còn chạy ngoài phố dù là đã quá nửa khuya. Sài Gòn hình như chưa chịu ngủ.

     Sáng Chủ Nhật, tôi đưa ba mẹ và chị năm ra bến xe thật sớm vì ông bà muốn đi cho kịp chuyến xe đầu, giờ này đường xá vắng tanh, phố phường lặng im lờ mờ trong màn sương cuối đêm lành lạnh. Gần nửa mùa xuân rồi mà trời vẫn thường nắng muộn, ngồi chờ xe trong dãy quán cốc bên lề bến, nhìn ba mẹ tôi thong thả hớp ngụm cà phê, hơi nóng bốc lên như khói cơm chiều, chợt dưng tôi thấy thương làm sao, cái hơi nóng mờ đục này, trong những ngày tôi còn nhỏ xíu ở Bến Cầu. Ba tôi có thói quen thức sớm, đốt ngọn đèn dầu để trên cái bàn hương trước hiên nhà, rồi thả bộ qua cái quán hủ tiếu của chú ba Xiêng ngồi uống cà phê với mấy người bạn già quanh xóm. Lần nào tôi thức sớm, thì ông dẫn tôi theo, tôi ngồi cái ghế cao kế bên, ông sớt chút cà phê sửa vào cái ly nhỏ xíu, tôi vừa ăn khúc giò-cháo-quẫy nóng vừa uống cà phê ngon lành, cho đến khi dưới bến ghe cuối chợ, người buôn người bán bắt đầu nhóm và cũng là lúc mặt trời chầm chậm hé lên ở phía bên kia biên giới.   
  
 
    Bàn bên cạnh, anh tài xế và mấy người lơ xe cũng vừa ăn uống xong, tay mồi thuốc lá miệng mời gọi hành khách lên. Xe từ từ ra bến, quẹo hướng bồn binh ngã sáu, đèn đường giờ này cũng vừa tắt, chị năm Thương ngồi phía cửa sổ xe vói tay vẫy chào đôi ba cái. Tôi đứng đó nhìn theo, cho đến khi chiếc xe đò khuất mất, sau dãy nhà lầu đầu công viên. Chiếc xe buýt sớm vừa ngừng ở trạm bên kia đường, công nhân làm ca đêm xuống đông nghẹt bên lề. Tôi lửng thửng đi bộ về, làm quen với sáng Sài Gòn xem sao, nhất là một sáng Chủ Nhật, dù là từ đây mà về tới chợ Nancy không phải là gần.


Thuyên Huy





Giữa đông 2015  

Bài Xướng: Ước Chi (Kim Oanh) & Các bài họa của thi hữu Vườn Thơ Thẩn


Ước Chi...
Ước chi…
Ai chiếc lá rơi
Hôn lên
Mái tóc má môi phai kìa
Chao ơi!
Ánh mắt nồng tia
Lung linh bến đỗ thuyền dìa bên ta
Mùa này…!
Chớ vội lìa xa
Nhích gần hơi ấm ôm xòa đôi vai
Lượt thượt
Mái tóc thu dài
Thẹn thùng che kín trăng ngoài song thưa 

Kim Oanh
***

Từ  Ước Chi của Kim Oanh

Thu về cánh lá rơi rơi
Rơi trên mái tóc mắt môi kia kìa
Thu chiều rọi ánh nồng tia
Thuyền mang hương ấm quay về bên ta
Thu này sẽ chẳng lìa xa
Để anh lau giọt lệ nhòa chưa phai
Để anh chải lại tóc dài
Để em thẹn tránh trăng ngoài song thưa

Nguyễn Đắc Thắng
20150722
********************

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Thu Xứ Người - Già làng Y Chang (Nguyễn vạn Sự)


                     Thu Xứ Người
        Chỗ tôi ở lá đã bắt đầu vàng, đã có gió hiu hiu lạnh và lác đác vài cơn mưa nhẹ về đêm.  
Bầy sáo đen từ phương Bắc đang từng đợt di chuyển về miền Nam báo hiệu trời đã vào thu.  
Mùa thu bên này đẹp lắm nhưng mà buồn nhiều cho kẻ xa quê. Tôi nghe "Tiếng Thu" thở dài não nuột lê thê.....

                      Tiếng thu trăn trở canh thâu
                      Buồn lên đánh thức cơn sầu thật xa
                      Gió lay tàn úa cội già
                      Cành gầy bóng đổ nhạt nhòa đong đưa
                      Xa quê nửa kiếp đủ chưa
                      Hay còn xa nữa cho vừa kiếp sau
                      Tuổi xuân theo nước qua cầu
                      Lá thu rơi rụng - Trăng sầu chơi vơi
                      Núi cao cất tiếng chào đời
                      Mẹ đưa nhịp võng ru hời Dakbla
                      Mưa thu giăng kín bao la
                      Nắng thu không ấm tình xa xứ buồn
                      Thu xưa đẹp dáng quê huơng
                      Thu nay quạnh vắng tha phuơng cuối trời
                     
                                             (thơ nvs.Vũ Thụy)

              Tôi sinh ra trên đất tổ quê cha Kontum xứ Thượng . Bà con, giòng họ tôi là nương rẫy bưng biền. Bạn bè tôi là núi cao rừng rậm sông dài.  Tôi lớn khôn được nhờ dòng sữa ngọt ngào Dakbla.  Tôi mang trong người mạch sống một đời  
"Ngọt Dòng Sữa Mẹ":

                              (Dòng sông chảy ngược Dakbla)

                     Mẹ từ ngàn dặm sơn khê
                     Tuôn dòng sữa ngọt tràn đê ngập đồng
                     Dù cho vận nước đục trong
                     Cánh tay Mẹ vẫn ôm vòng quanh Kon
                     Khi Kon vào tuổi biết buồn
                     Mẹ khuyên hãy nhớ tình buôn-bản-làng
                     Bây giờ Kon sống lang thang
                     Khó về thăm Mẹ vấn an tuổi già
                     Ngàn xưa gọi Mẹ: Dakbla
                     Ngàn sau tên Mẹ không nhòa Mẹ ơi!
                                       (thơ nvs.Vũ Thụy)

           Có lang thang lê gót nhiều nơi trên đất khách quê người thì tôi mới thật sự thấm thía được tận cùng ý nghĩa của tình nước hương quê.  Quả thật không nơi nào sánh bằng quê mình. Nhưng mà "Mùa Thu Áo Tím" thì ở đâu cũng có.

                    Trời buồn man mát gió hiu hiu
                    Chim bay về tổ nắng cuối chiều
                    Em đi trên lá vàng thơ thẫn
                    Áo tím rừng thu dáng cô liêu
                                    (thơ nvs.Vũ Thụy)
         
           Cho dù đứng trước thác Niagara vĩ đại của Canada nhưng tôi cũng chưa cảm nhận được sự uy nghi thần bí như khi xưa đối diện với thác Yaly.


                                         (Thác Yaly)

                    Nước đổ từ trời không thấy chân
                    Thác cao vòi vọi đến vô chừng
                    Đá phải khiếp sợ mòn một phép
                    Rừng già khép nép lẩy bẩy run
                    Uy nghi hùng vĩ thác Yaly
                    Gầm thét ngày đêm - Dã thú quì
                    Phủ phục trước thiêng liêng huyền bí
                    Không dám nhìn lên sợ thần uy
                    Hai giếng nóng lạnh sát kề nhau
                    Bàn cờ ai khắc thạch ghi sâu
                    Tục truyền tiên đấu cờ chí tử
                    Cháy túi càn khôn, sạch phép mầu!
                                         (thơ nvs.Vũ Thụy)

           Cho dù đang chìm đắm trong cảnh sắc rực rỡ của hoa anh đào ven sông Potomac - Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, tôi cũng không thể nào có được một chút "Nắng Tình Nồng" của bến hẹn Dakbla...
                    Sông Potomac xuôi về Đông
                    Dakbla quê tôi nước ngược dòng
                    Đông Tây đôi ngã lưu thủy khác
                    Lòng nào vẩn đục? Nước nào trong?
                    Anh đào rực rỡ đẹp bến sông
                    Nhưng sao vắng bóng lũ bướm ong
                    Nắng xuân bên này không đủ ấm
                    Nắng ở quê tôi: Nắng tình nồng!
                                  (thơ nvs.Vũ Thụy)

           Quê tôi, chỉ cần một  "Nhánh Sông"  thơ mộng cũng đủ nói lời tình tự nhân gian, cũng vẽ lên được giấc mơ địa đàng...



                    Phượng vĩ soi mình thắm dòng sông
                    Lăn tăn sóng nước mấy bóng hồng
                    Hồng mây, hồng nắng, giai nhân lội
                    Hồng má, hồng môi, hồng bến sông
                                        (thơ nvs.Vũ Thụy)

          Quê tôi, chỉ cần một chiếc "Lá Rừng" không tên tuổi cũng có thể ấp ủ thương yêu trìu mến thiết tha, cũng gói ghém trọn tình e ấp một cõi trời xa.....


                    Lá tình đón gió gửi mình theo
                    Lá trôi theo suối dưới chân đèo
                    Lá vướng ngực trần sơn nữ tắm
                    Lá thắm trao duyên gái bản nghèo
                                   (thơ nvs.Vũ Thụy)

              Và núi rừng Kontum sẽ không thể hoàn mỹ đuợc nếu thiếu đi bóng dáng tươi đẹp của loài hoa đơn sơ, mộc mạc,  nhưng nhiều ma lực, trói buộc vấn vương: "Hoa Sơn Cước."


                    Mỗi bước chân em rừng Xuân xao động
                    Nụ cười tình nắng Hạ đọng trên môi
                    Mắt em soi Thu tuyền phải ngừng trôi
                    Trời đỏ mặt khi vòng tay mở rộng
                    Ngực căng phồng làm mùa Đông nóng bỏng
                    Tiếng em cười giòn hơn giọng chim ca
                    Ta đã say hơi thở nồng phép lạ
                    Ta đã uống lời mật hoa bùa ngải
                    Em là hoa của núi rừng hoang dại
                    Chỉ gặp một lần ta phải quên ta.
                                     (thơ nvs.Vũ Thụy)

           Hình ảnh thân thương quê hương kỷ niệm còn nhiều.  Chỉ một cá nhân tôi với khả năng hạn hẹp không thể nào diễn đạt hết được.  Xin mượn hơi men "Rượu Cần" để tìm về bếp lửa Nhà Rông...



                    Đêm nay dưới ánh trăng rằm
                    Cả làng tụ họp mỗi năm một lần
                    Thịt trâu nhắm với rượu cần
                    Thuốc ngon nhồi điếu cúng Thần Bình Yên
                    Người người cười nói huyên thiên
                    Trai làng đánh trống, gõ chiêng nhịp nhàng
                    Gái tơ uyển chuyển điệu xang
                    Một em xiêm áo hở hang rước Thần
                    Em mặc cái áo trống lưng
                    Chiếc váy thật ngắn khoe chân thon dài
                    Ngực em căng đứt khuy cài
                    Vương miện em đội hoa lài kết chung
                    Cạnh em có một người hùng
                    Thân hình lực lưỡng canh chừng giữ em
                    Vũ nhạc cho đến nửa đêm
                    Giờ lành đã điểm thiêng liêng phút này
                    Bỗng nhiên rừng núi lung lay
                    Trống chiêng rộn rã cối chày khua vang
                    Hàng ngàn bó đuốc sáng choang
                    Già làng tề chỉnh hai hàng song song
                    Xuất hiện trên cung Nhà Rông
                    Em giang tay đón vào lòng Thần Trăng
                    Lâm râm khấn nguyện băn khoăn
                    Chủ làng kính cẩn dâng Trăng lời cầu
                    Dân làng khỏe mạnh sống lâu
                    Thần cho năm mới nhiều trâu lắm bò
                    Thần cho lúa thóc đầy kho
                    Thần cho hạnh phúc ấm no tràn trề
                    Dân làng tuyên đọc lời thề
                    Giữ gìn rừng núi mọi bề an vui
                    Thần Trăng đã hé môi cười
                    Điềm lành thấy rõ người người vui say
                    Vui sao cho hết đêm nay
                    Ngày mai thức dậy bắt tay làm mùa
                    Rượu cần đã thấm say chưa?
                    Tôi say hay tỉnh còn chưa thể lường
                    Sáng ra lòng ngập vấn vương
                    Sơn nữ là thật hay sương núi đồi?
                    Đừng đưa tiên nữ về trời
                    Để tiên ở lại cho tôi tôn thờ!
                                  (thơ nvs.Vũ Thụy)

                Tất cả chúng ta khi rời xa xứ mẹ đều mang theo quê hương làm hành trang đời mình.  Rất mong được chia xẻ những nỗi niềm tâm sự của đồng hương.  Cho dù tâm sự chỉ là tiếng thở dài chưa bao giờ trọn vẹn!

               Già làng "Y CHANG"
                  (Nguyễn Vạn Sự)









Cuộc Tình Buồn Đã Đủ - vkp.Đạm Phương


CUỘC TÌNH BUỒN ĐÃ ĐỦ 
Thơ vkp đạm phương
***
Tin anh nhắn muốn một lần gặp lại
Em ngỡ ngàng tưởng đang sống trong mơ
Bao năm qua em đâu có ngóng chờ
Người xưa cất bước quay về chốn cũ!
*
Thôi anh ạ, cuộc tình buồn đã đủ
Nhắc lại làm chi? chỉ khổ thêm thôi
Dù bây giờ em vẫn sống đơn côi
Vết thương đã chôn sâu vào bể hận!
*
Nếu chẳng may chút tình còn vướng bận
Gặp nhau rồi tim thổn thức càng đau
Níu làm chi hình ảnh giấc chiêm bao?
Chìm trong quá khứ, một thời yêu vội!
*
Đường ân ái trót chia hai bờ lội
Hơn nửa cuộc đời mỏi gối chồn chân...
Chuyện dĩ vãng theo cát bụi hồng trần
Để lại con tim bao lần cay đắng!


*
Hãy giữ cho nhau những gì đẹp nhất...

                  Vkp đạm phương 

                        2005