Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Đoản Văn Không Đề Số Ba - Thuyên Huy

                 Đoản Văn Không Đề Số Ba

(Nhớ một người, quên một người, và để tang cho một người)

Chuyện Một

    Anh về lại, nơi này, sau gần hai năm bỏ đi như trốn chạy, mà trốn chạy thật. Bên kia sông căn nhà vẫn đó, hai cánh cổng đóng kín, không khép hờ như trước, ngập một màu xác pháo úa đỏ đã ngã màu tím bầm. Từ trên dốc đường nhìn xuống, con đò ngang, cũng còn nằm thiu thỉu ngủ chờ người gọi qua sông như những ngày tháng cũ dưới bến giữa trưa. Trời bây giờ tháng Bảy đầu Thu, hàng phượng già hai bên đường tới trường lơ thơ, lẻ loi vài ba cánh hoa đỏ bầm màu máu, nấn níu, chưa chịu tàn theo tuổi Hạ. 

   Người qua đường tưởng là anh đứng chờ qua sông, nhưng không, anh đứng nhìn con đò mà không chờ qua sông, con đò đã bao nhiêu lần anh ngóng anh trông giữa những sáng sương mờ đón hay những chiều nắng muộn đưa, đón đưa người con gái chung lớp, chung trường, áo trắng tóc buông lơi nao nao thả gió của căn nhà bờ bên đó.

   Có khẻ nhìn trộm nhau nhiều lần nhưng ngập ngừng, chần chừ chưa dám nói ra, lặng câm chỉ riêng mình anh hiểu, cứ đi về như vậy mà vui, đủ vui để yên tâm với sách vở ngổn ngang của mùa thi phần số. Thi rớt, anh bỏ xóm đi, cuối mùa thi, không từ biệt, vẫn thương thầm chưa nói ra, hẹn với lòng trở lại một ngày nào đó.

   Một ngày nào đó là hôm nay, cũng định là sẽ theo đò qua sông, xác pháo đỏ ngập cổng nhà làm anh ngơ ngẩn, một nửa hồn bất chợt buông xuôi bỏ cuộc. Anh bước từng bước chậm xuống bến. Hai ba người đàn bà đi chợ về xuống đò. Con đò tỉnh ngủ, bà thiếm chèo đò quen, nhận ra làm dấu chờ. Anh lắc đầu cười gượng nhìn qua căn nhà bên đó, cám ơn.

   Mở dây cột, bà thiếm sửa ngay mái chèo, quay lại sau nhìn anh, chắc bà hiểu, buồn buồn nói vọng lên “bên đó đám cưới xong mấy ngày nay rồi”. Con đò tách bến, con đò ra xa rồi thật xa, anh vẫn nhìn theo, “vĩnh biệt căn nhà bên kia sông, vĩnh biệt mà thương con đò”.


Chuyện Hai

      Hình như cũng gần cả nửa năm, cứ mỗi lần từ Vĩnh Long về hay trên Sài Gòn xuống, xuống phà Mỹ Thuận qua sông, anh đứng nhìn mà thấy buồn buồn làm sao. Hai chị em, một trai chừng sáu bảy tuổi, ốm yếu, đội cái nón nĩ cũ rách tả tơi, một gái chừng lên mười, cũng mảnh khảnh gầy gò, bị cụt mất nửa cánh tay phải, một chân co rút lên đi cà nhắc và hư sâu oắm bên mắt phải, tóc xỏa dài, rối bời. Cả hai mặt mày sáng sủa, dễ nhìn, em dắt chị đi trước, tay cầm cái giỏ tre nhỏ như cái đục, lên đầu này rồi ngược lại đầu kia. Chị cố hát bài này bài nọ, cố cao giọng lấn át tiếng máy phà xình xịch nổ, xin khách đi đường chút tiền bố thí. 

    Bao lần rồi, cũng bao nhiêu bài hát quen “bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã đi xa rồi” hay “có người hỏi tôi tại sao hay ca bài ca sầu nhớ, hay ngắm trăng mờ hoàng hôn” hát đi hát lại, không biết học từ đâu nhưng con bé hát khá hay, mặc dù anh nghe tiếng mất tiếng còn.

    Lần nào cũng vậy, mỗi lần xuống phà chờ xe lên, anh tới bên hai chị em, cho một số tiền chừng năm ba chục, hỏi han đôi ba câu, không biết người ta cho nhiều không, nhưng thấy hai đứa vòng tay, rươm rướm mắt cám ơn, anh bỗng dưng muốn khóc. 

   Một trưa cuối Thu, trời thay mùa nhuốm lạnh, nắng tốt, người rầm rập xuống lên mua bán, không đầy một tháng nữa tới Tết. Vì phải trở lên Sài Gòn có việc cần làm gấp cho chỗ làm, có lẽ ở trên đó vài tuần, chờ xe đò tới lượt qua phà chắc khoảng hơn tiếng rưỡi đồng hồ, anh bỏ xe đi nhanh xuống, vừa lúc phà bên bờ Cai Lậy vừa qua tới. Anh tìm kiếm hai chị em, dẫn lên tiệm cơm sát bờ đường lên xuống phà, ăn bữa cơm trưa làm quen, hỏi tên.

    Anh cười nhìn hai chị em rụt rè ăn mà lòng nhói đau không ít. Kể chuyện cho anh nghe, cô chị vừa thúc thít vừa quẹt nước mắt, quê ở bên Lấp Vò, ba làm trong Hội Đồng xã nào đó, nhà bị trúng đạn pháo kích của quân du kích trong đêm họ tấn công xã, chừng hơn một năm nay.  Ba mẹ chết hết, còn lại hai chị em, nó bị thương, người ta chở hai chị em lên bệnh viện tỉnh. Nó sống nhưng tàn tật. Xã chôn cất ba mẹ xong, người quen đưa hai chị em vào ở tại một cái chùa nhỏ, ngoại ô Sa Đéc, trên đường đi ra ngã ba Mỹ Thuận Vĩnh Long, sống với bà sư cô tuổi già, lum khụm, bữa cơm bữa cháo. Mới chừng đó tuổi mà cũng biết thương cho bà sư cô, mấy ngày đầu, hai chị em ra đường, đón xe xin quá giang ra bắc Mỹ Thuận, ca hát xin tiền bá tánh, được người đi qua người đi lại thương tình. Những ngày sau hai chị em có được chút tiền, trả cho xe đi về mỗi ngày. Hết chuyện, anh ngồi nghe, hai chị em rấm rứt khóc, anh cay xé mắt. 

    Sau ngày tháng Chạp đưa ông Táo, anh trở xuống Vĩnh Long, xách thêm cái túi vải, đựng mấy bộ đồ mới cho con trai con gái, hai đôi dép săn –đan, mua ở chợ Sài Gòn, ngay khi về trên này hôm ăn cơm với hai chị em hát ăn xin, quà Tết cho hai đứa. 

   Hớn hở mang túi xách xuống phà, tìm đầu trên đầu dưới không thấy bóng dáng hai chị em, không có tiếng hát như trước, thấy cũng lạ, hỏi ông bác nhân viên lo sắp cho xe hàng xe đò xuống phà, anh chết lặng. Bữa chiều đó, mưa to, giông gió như bão rớt, trời tối xầm, sấm chớp, chiếc xe lam thường ngày từ Mỹ Thuận về Sa Đéc, trên đó có hai chị em hát ăn xin, không may đụng một chiếc xe nhà binh GMC chạy ngược chiều, lật nhào bể làm hai văng xuống ruộng, năm sáu người chết, có hai chị em nó. Anh nghe mà tưởng chừng như trời đất quay cuồng, ngửa mặt lên, nắng chang chang đổ, muốn thét cho lớn “trời ơi”.

    Anh mở túi xách để quần áo, hai đôi dép săn – đan, chia ra bên trai bên gái trước tấm bia của hai nấm mộ, còn mùi đất bùn, trần trụi, nằm sau chái hiên cái chùa một khoảnh sân, đốt nhang lâm râm khóc. Bà sư cô già đứng phía sau lưng, khóc theo, chiều nay chiều Ba Mươi Tết.


Chuyện Ba

    Không hẹn mà gặp, anh vừa tới, tay cầm bó hoa Huệ trắng, trước mộ Vĩnh đã có người, người con gái, tóc xỏa dài, áo dài xanh da trời nhạt, ngồi cúi đầu, quay lưng ra trước mộ bia. Giờ này trời vừa ngấp nghé trưa, nắng rực sáng một màu vàng hực, trải dài trên những hàng mộ thẳng hàng trong nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, anh đứng khựng lại xa, lẳng lặng chờ.

   Lâu lắm rồi, sau ngày đám cưới Vĩnh, thằng bạn thân cùng quê, hẹn lần hẹn lựa, giờ mới về lại Sài Gòn, nơi này vẫn vậy. Từ ngày thôi học, hai thằng hai ngả, Vĩnh vào lính, anh lang thang, đường trong ngõ ngoài, phố trên chợ dưới vẫn ồn ào ngựa xe áo quần, lụa là son phấn. Ngày Vĩnh chết ở chiến trường Tam Biên, chôn trong nghĩa trang này, anh cũng chưa một lần về đốt nén nhang tiễn bạn. 

    Nghĩa trang giờ này đông người hơn, khăn tang chập chờn ẩn hiện như cánh bướm trắng vờn quanh những ngôi mộ cũng trắng một màu liêu trai u uẩn. Anh đi gần tới, cũng là lúc người con gái đứng lên quay lại, cả hai ngở ngàng, chưng hửng nhìn nhau, họ không phải là người lạ.

    Nhật Hạ, người con gái, anh, và Vĩnh cùng chung trường, họ dân chợ tỉnh, anh người xóm quê, thân và rất thân. Cứ thân rất thân vậy rồi anh trộm thương thầm cô nàng nhưng không dám nói ra, hết mùa thi này rồi mùa thi sau vẫn lặng thầm mơ một ngày nào đó. Mùa thi cuối, anh chết lặng, mang nỗi buồn riêng mình, cố gượng làm vui, từ biệt khi Vĩnh cho biết, hai người sẽ làm lễ đính hôn nay mai, nhắc anh đừng quên tới dự. Anh bỏ tỉnh nhỏ đi và không lần về từ ngày đó.

    Ngồi trong phòng khách nhìn ra, mưa lất phất lùa lá me trên con đường quen lả tả bay, phố vắng giữa xế chiều, hai người nhắc chuyện xưa chuyện cũ, bỏ chuyện bây giờ, chuyện của những ngày hết còn thơ, biết buồn và biết thương biết nhớ, của kỷ niệm một thời áo trắng sân trường, quán nước công viên ở một tỉnh lẻ. Người con gái, nếu gọi cho đúng, người góa phụ, nói nhiều hơn là nghe, anh nghe nhiều hơn ít nói, nhưng dường như ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối cái gì đó. Riêng anh, cái mơ ước một ngày nào của năm xưa chợt loáng thoáng vội về đâu đó trong hồn, đôi lúc anh định nói nhưng lại thôi.

   Đứng dậy từ biệt ra về, bỗng dưng anh muốn nói, chưa nói, người con gái trông ra có vẻ đang chờ, quay nhìn lên bức hình Vĩnh cười tươi trên tường, anh chợt thấy lòng đau nhói, như chùng xuống. Anh bước nhanh ra cổng, hẹn gặp lại, nhưng không hẹn khi nào, ở đâu. Người con gái đứng nhìn theo, anh lầm lũi đi giữa mưa. Mưa như bụi phấn lớp học tạt vào mặt, đưa tay lên vuốt mặt, mắt nhạt nhòa ướt như mưa, anh nói cho chính mình hai tiếng “không được”.


Chuyện Bốn

    Anh đẩy chiếc xe xích lô, mướn của ai đó, vào dưới gốc cây lớn nghỉ mệt, chiếc xe mà nhờ nó anh còn có được chút miếng ăn, chút nước uống đủ sống hơn mấy tháng nay, từ những ngày được thả ra sau mấy năm tù, kể từ ngày miền Nam thua cuộc. Anh kéo cái nón vải cũ rách vài lỗ, không lớn lắm, còn che được nhúm tóc lưa thưa sạm nắng xuống, mồ hôi xuống theo, ngồi trong lòng xe nhìn vào bên chợ, vắng người đi, nắng sắp ngã màu về chiều. Người con gái bán hoa, ngay ngõ đường ra đầu chợ, anh đã thấy nhiều lần khi chở khách đến đây, tay lật tới lật lui hết bó này tới bó kia, hoa còn màu nhưng không thấy người mua, ngồi nhìn trời, thở dài mệt mỏi. Anh cũng như cô cũng thở dài mệt mỏi. Đường về đêm nay không biết đường của ai dài hơn ai, chắc cũng não nuột ngõ sâu hun hút.

    Hôm nay, cũng buổi tàn chợ chiều, có chút tiền dư, chắc cũng đủ trả hơn là mua vào buổi sáng, anh nghĩ vậy. Trên đường về trả xe, nghỉ sớm vì cảm thấy không khỏe, anh ghé ngang qua mua bó hoa, hoa nào cũng được, sáng mai, nghỉ một buổi, vào nghĩa trang thăm mộ thằng bạn thân, thằng lính Dù, không cha không mẹ, giờ thứ hai mươi lăm năm đó, nhất định chết chứ không chịu bó tay, ngày giỗ của nó.

    Chưa biết và ngại cũng chưa hỏi giá, anh nhìn qua nhìn lại, người con gái bán hoa, khá đẹp, nhưng nét mặt thoáng chút u buồn, tóc dài đen huyền như màu mắt, áo bà ba xanh thiên thanh, cũ nhưng còn nét người xưa, người của ngày thành phố chưa mất tên, chừng trên hai mươi. Thấy anh chần chừ, cô lên tiếng hỏi, anh thật tình nói, cô nhoẻn miệng cười, lựa cho anh bó hoa còn tươi nhất trong số những bó khác, héo rũ chờ bỏ quên đâu đó. Cô không nhận tiền trả, anh ngồi xuống, cám ơn. Chợ thưa người, hai người hỏi nhau qua lại. Vài ba anh bộ đội gầy guộc, khệ nệ rau củ trên tay, đi ngang qua nhìn đăm đăm.

    Cô, con gái duy nhất của một người sĩ quan Sư Đoàn Bộ Binh, chết trận, mẹ bỏ đi không thấy về, học tới lớp 12, bỏ lại với ngoại mấy năm nay, bị đuổi ra khỏi nhà ở cư xá Bắc Hải. Hai bà cháu dắt díu nhau về sống với bà dì tu tại gia dưới miệt Cây Da Xà, Phú Lâm. Cô bỏ học, vào đời, tập buôn tập bán, nuôi bà nuôi thân. Câu chuyện có vậy, rồi họ quen nhau, anh phụ dẹp hàng, đạp xe đưa người con gái về nhà. Đèn đêm chán chường vàng vỏ, đường xa nhưng trên đường trở về, anh thấy con đường bỗng dưng vui. 

    Những ngày sau đó, đi về, chiếc xích lô của anh, lúc nào cũng thấy có một người khách, người con gái và những bó hoa tươi đủ màu rực rỡ ra chợ sớm và không về muộn như trước và cũng từ đó, hoa đua nhau không còn ủ dột như xưa.


    Chuyện Năm

    Hai chị em nó mồ côi, ba mẹ mất sớm, bỏ lại cho ngoại nuôi, mất hồi nào không biết chỉ nghe bà bảo là hồi hai đứa còn nhỏ lắm. Ngoại già, nhà tranh vách lá, mái dột cột xiêu, tảo tần hôm sớm, nằm xéo ở khoảnh đất trũng, cuối góc bìa ấp dưới, đan rỗ đan đục tre bán trên chợ xã, cách đó chừng hai ba cây số dọc theo tỉnh lộ, cơm cháo tạm cho ba bà cháu sống bữa thiếu bữa dư, bù qua sớt lại nhưng chưa gọi là đói. 

    Ngoại cũng ráng chắt chiu cho hai chị em đi học trường tiểu học xã. Năm nó lên lớp Ba, chị lên lớp Nhất, ngoại già yếu hơn, tay chân có khi không cầm nổi cái dao chẻ tre chẻ trúc, chầm cọng lạt khi trật khi trúng. Chị nó biết. Chị nó thức khuya phụ nhưng quanh quẩn chỉ giúp việc cắt, chặt mấy cọng lạt cho bằng cho ngay, vậy thôi. Nó ngồi bên thui thủi nhìn qua nhìn lại. Trong ánh đèn dầu mờ ba bóng người chập chờn trên vách lá, gầy buộc, buồn thiu.

   Cuối năm lớp Nhất chị nghỉ học, ngoại cũng mòn mỏi rồi. Chị lên chợ xã làm công cho vợ chồng bác chủ tiệm hàng xén khá giả. Sáng sớm hai chị em dắt nhau di bộ dọc theo tỉnh lộ lên chợ, cũng như những ngày trước nhưng giờ thì tới chợ, nó vào trường chị nó tới tiệm. Nó tiếp tục học lên lớp Nhất rồi thi đậu vào Đệ Thất. Ngoại mừng chị cũng mừng. Chị nhất định phải nuôi cho nó ăn học tới nơi tới chốn. Chị không còn làm công việc phụ bán sai vặt ở tiệm hàng xén, chị lạnh lẹ nên theo bác gái chủ tiệm, xuống quận lên tỉnh, đặt hàng, đếm hàng, lo xem cái nào cần thêm cái nào nên bớt. Cảnh nhà cũng vậy, đở hơn đôi chút chứ nghèo vẫn nghèo. Phần nó, đi học thì thôi, chứ Thứ Bảy Chủ Nhật nào vì thương chị vất vả lam lũ, nó cũng chịu khó, sáng sớm ra đồng, xế trưa ra sông, câu cá, bắt cua, nhà có ăn, bữa nào nhiều, đem ra chợ xã, ngồi bán, vậy mà nó thấy vui.

    Ngày tháng kiếp đời của ba bà cháu cứ vậy mà trôi qua. Đậu Tú Tài Một nó vào lính, mản khóa về lại nhà nghỉ phép trước khi ra đơn vị. Có người ở ấp trên dạm hỏi chị, ngoại bằng lòng, chị cũng bằng lòng, qua Tết năm sau đám cưới. Nó nhất định sẽ về đúng ngày, mừng ngày vui của chị. 

    Ngày cưới, hai bà cháu chờ mà không thấy nó về như đã nói, nhưng chị cũng phải theo chồng, ngoại tiễn chị ra xe lam rước dâu. Hai bà cháu ôm nhau sụt sùi, dù nhà chồng về nhà chị, đi bộ cũng tới. 

         Vài hôm sau, chị về lại nhà, hai bà cháu, môt già một trẻ, một lần nữa ôm nhau khóc sướt mướt, khóc sụt sùi, tin từ xa về: nó tử trận trên chiến trường Lam Sơn, Hạ Lào, ngay trưa hôm chị theo về nhà chồng, bỏ lại ngoại một mình nhưng chị vẫn đi về, còn nó, nó đã bỏ ngoại và chị đi xa, một nơi rất xa và không bao giờ về nữa.

Thuyên Huy

Đã sang mùa 2020






Thơ Xướng-họa kỳ 67 / Thi hữu Nhóm Vườn Thơ Mới / Bài xướng Hương Trần & Các bài họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 67-

VƯỜN THƠ MỚI

C:\Users\cangs\OneDrive\Documents\layhinh\thu 1.jpg


Bài xướng: 

            HƯƠNG TRẦN

Rặng liễu còn mơ xõa tóc mềm

Thuyền trăng mờ ảo nhạt sương đêm

Dòng thu lặng lẽ trôi lờ lững

Cánh lá âm thầm rải nhẹ êm

Chuông đạo ngân nga hồi thức tỉnh

Gà xa giục giã rộn vang niềm

Duyên trần hé nụ hương thơm thoảng

Kìa cúc nhà ai nép cạnh thềm.

Chu Hà 


Họa 1:  

             HƯƠNG XƯA

Nhớ xưa làn tóc lượn vai mềm

Chuyển gió sang mùa lạnh nửa đêm

Bến mộng còn e cơn sóng vỗ

Thuyền tình lay động bóng trăng êm

Gió thu phảng phất nồng hương bưởi

Cánh nhạn lao đao chở nỗi niềm

Cách trở diêu bông buồn tái dạ

Mơ màng yếm thắm tựa bên thềm

  Kim Trân kính bút

 

Họa 2: 

               ĐÊM BUỒN

Bên sông rạng liễu thả buông mềm,

Nguyệt tỏ mơ màng xóa bóng đêm.

Leo lét đèn chài cơn gió thoảng,

Bồng bềnh thuyền cá ánh trăng êm.

Kêu sương tiếng vạc than phần số,

Ngâm vịnh Ngư Ông tỏ nỗi niềm.

Còn lắm ưu tư nơi cõi tạm,

Buồn như chiếc lá rụng quanh thềm.

Mỹ Ngọc.

Sep.16/2020


Họa 3:

           TRĂNG QUÊ

Ánh trăng theo dõi bước chân mềm

In bóng hàng tre tỏa sáng đêm

Văng vẳng từ xa bài dạ cổ*

Nhịp nhàng vọng lại tiếng ru êm

Bâng khuâng náo nức nhiều cảm xúc

Ngây ngất lâng lâng lẫn mọi niềm

Bóng ngã về khuya càng thắm thía

Ngân nga tiếng hát đến bên thềm

 PTL

19-9-2020

* Bài Dạ cổ hoài lang 夜 鼓 怀 朗 của Cao Văn Lầu


Họa 4:

          CHIỀU THU 

Mưa nhẹ chiều thu đọng giọt mềm 

Buồn trong quãng vắng dưới màn đêm 
Thuyền trôi lơ lửng trên sông nước 

Hờ hửng trăng treo sóng dịu êm 

Thánh thót chuông chùa xa vẳng tiếng 

Ngân Nga kinh kệ biết bao niềm 
Lòng trần bỗng chốc như thanh tịnh 

Danh lợi đua chen biến trước thềm 

Hương Lệ Oanh VA 


Họa 5:

             VỀ ĐÂU

Hoa rơi sương lạnh ướt vai mềm

Bước nhỏ đường chiêù ngập bóng đêm

Cô lái neo thuyền còn đợi khách

Ngư ông thả lưới bước chân êm

Việc đời cõi tạm là hư ảo

Bể khổ trầm luân vọng nỗi niềm

Văng vẳng xa, hồi chuông đổ muộn

Chiều tàn ai đó, đứng bên thềm?

Nguyễn Cang


Họa 6:

              ĐÊM THU
Sương thu lành lạnh ướt vai mềm,
Hiu hắt vầng trăng khuyết giữa đêm.
Cá quẫy lao xao con sóng nhỏ,
Đàn reo thổn thức mặt hồ êm.
Dịu dàng, gió gợi bao nguồn cảm,
Trĩu nặng, mây trêu những nỗi niềm.
Rộn rã tiếng gà xua tĩnh lặng,
Lá vàng dăm chiếc rụng bên thềm.
 Minh Tâm 








Thu Xa (Songquang) & Bài họa của thi hữu Mai Xuân Thanh

 

                          

THU XA

Mùa Thu đã đến ở nơi đây !

Em có hay chăng lá rụng đầy ?

Sương tỏa nhạt nhoà gầy ngọn liễu

Gió đùa lay gợn khỏa làn mây

Hàng tre xào xạc ngoài hiên đó

Cánh nhạn chơi vơi tận chốn nầy

Gác nhỏ quê người sầu lữ thứ

Một mình hiu quạnh nỗi niềm tây

Songquang

20200922

Họa vận : 
       Thu Buồn
Thu nhớ tình xưa ấp ủ đây
Sài Gòn ký ức, cảm thương đầy 
Cố nhân muôn thuở, nằm quan ải 
Bạn cũ ngàn năm, ngắm bóng mây
Tê tái Cô Vy, lây ở đó 
Tơi bời Vũ Hán nhiễm bên này 
Định cư đất khách buồn hiu quạnh 
Gối lẻ chăn đơn xứ viễn Tây 

Mai Xuân Thanh 
Ngày 23/09/2020




 

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Thành Ngữ Điển Tích 68: Mã và Ngựa (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 68 :  

                              MÃ và NGỰA                                
                                     
                                                   
                Hỏi tên, rằng : Mã Giám Sinh,
        Hỏi quê, rằng : huyện Lâm Thanh cũng gần.
 
          Đó là hai câu thơ nói về tên Mã Giám Sinh 馬 監 生 đã bỏ bốn trăm lượng bạc ra mua Thúy Kiều sau khi đã "Cò kè bớt một thêm hai". Mà馬 là NGỰA, Ngựa là một trong lục súc vừa giúp kéo xe vừa giúp cho phương tiện giao thông được tiện lợi, lại vừa là con vật tiêu biểu cho giới qúy tộc như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu: 

             Mồi phú quý nhử làng XA MÃ,
             Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
         
        Trong Tiết Thanh Minh với "Gần xa nô nức yến oanh, Chị em sắm sửa bộ hành du xuân" và với...

              Dập dìu tài tử giai nhân,
        NGỰA XE NHƯ NƯỚC, áo quần như nêm.

         Thành ngữ NGỰA XE NHƯ NƯỚC có xuất xứ từ Hậu Hán Thư trong câu: "Xa như lưu thủy, mã như du long 車 如 流 水,馬 如 游 龍。"(Xe như nước chảy, Ngựa tợ rồng bơi). Chỉ xe ngựa qua lại đông đúc xôn xao huyên náo, thường dùng để chỉ sự náo nhiệt của nơi phồn hoa đô hội.
         Còn khi tả vẻ phong lưu qúy phái của Kim Trọng khi Kim xuất hiện trong tiết Thanh Minh với hình tượng của:

                Tuyết in sắc NGỰA CÂU dòn,
          Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
  
                      
                             
         NGỰA là Ngựa, mà CÂU 駒 cũng là Ngựa, mà lại là ngựa non, ngựa giỏi nữa là đằng khác. Ta có thành ngữ THIÊN LÝ Mà千 里 馬 hay THIÊN LÝ LONG CÂU 千 里 龍 駒  để chỉ những con tuấn mã có sức mạnh và dẽo dai như rồng, một ngày có thể vượt trên một ngàn dặm đường. Sức chạy mau của long câu còn cho ta thành ngữ BẠCH CÂU QÚA KHÍCH 白 駒 過 隙. Có nghĩa: Con ngựa câu trắng thoáng qua khe cửa để chỉ thời gian qua thật nhanh, trong tiếng Việt ta nói thành "Bóng Câu Qua Cửa Sổ" và như một câu nữa trong Cung Oán Ngâm Khúc:

            BÓNG CÂU thoáng bên mành mấy nỗi,
            Những hương sầu phấn tủi sao xong?

        Về thành ngữ BẠCH CÂU QÚA KHÍCH  白 駒 過 隙 có xuất xứ như sau:
        Đó là câu nói của Trang Tử trong Tri Bắc Du《庄 子 •知 北 游:“人 生 天 地 之 间,若 白 驹 之 过 隙,忽 然 而 已. Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược Bach Câu chi Qúa Khích, hốt nhiên nhi dĩ ".  Có nghĩa: "Con người sống trong trời đất cũng giống như là bóng ngựa trắng thoáng qua khe cửa, chỉ trong chốc lát mà thôi." Theo sách Hán Thư thì BẠCH CÂU là Ngựa non màu trắng lướt nhanh như bóng nắng mặt trời. Là bóng nắng lướt nhanh qua khe cửa hay khe vách gì đều dùng để chỉ thời gian qua rất nhanh, cuộc đời chỉ là cõi tạm phù du, mà ta nói là "Như Bóng Câu Qua Cửa Sổ". Trong "Văn Tế Chiến Sĩ Trận Vong" của Nguyễn Văn Thành có câu:

              Những là khen dạ đá gan vàng, 
              Bóng BẠCH CÂU xem nửa phút như không,
              Ơn dày đội cũng cam trong phế phủ ...

         Trong Nam Hải Tế Văn thì viết:

              Bóng BẠCH CÂU bay vụt cửa phù sinh,
              Hình thương cẩu đúc mòn khuôn đại khối.

        Trong truyện thơ Nôm Bích Câu Kỳ Ngộ khi Giáng Kiều khuyên Tú Uyên tu tiên cũng có câu:

                 Gẫm trong tám, chín mươi năm,
           BÓNG CÂU CỬA SỔ, dễ cầm mãi ru!

       Còn trong truyện thơ Nôm Trinh Thử thì dùng "Ngựa Qua Cửa Sổ" khi chuột Đực lý luận để quyến rủ chuột Bạch là:

               NGỰA QUA CỬA SỔ bao lâu,
          Kíp toan kiếm chước bán sầu mua vui !
     
                                                                
       Con ngựa trong Lục Súc Tranh Công đã từng khoe rằng :

                       ...Tao đã từng, đi quán, về quê,
                          Đã ghe trận đánh nam, dẹp bắc.    
         
        Từ ngàn xưa, bất cứ là quân đội của nước nào, Âu cũng như Á đều có đội Kỵ Binh, nhất là đội Thiết Kỵ nổi tiếng của Mông Cổ, không những chỉ dọc ngang trên các thảo nguyên Châu Á, mà còn tung hoành lấn chiếm sang cả Châu Âu. Sống trên mình ngựa, đánh giặc trên mình ngựa, xưng hùng xưng bá trên mình ngựa, rồi... chết cũng trên mình ngựa luôn, nên ta lại có thành ngữ "Da Ngựa Bọc Thây", chữ Nho là "MÃ CÁCH QUẢ THI 馬 革 裹 屍 ". Đó là lời nói của danh tướng Mã Viện đời Đông Hán, nguyên văn như sau: "Nam nhi yếu đương tử vu biên dã, dĩ Mã Cách Qủa Thi hoàn táng nhĩ, hà năng ngọa sàng thượng tại nhi nữ tử thủ trung da? 男 兒 要 当 死 于 边 野,以 馬 革 裹 屍 还 葬 耳,何 能 卧 床 上 在 兒 女 子 手 中 邪?" Có nghĩa: "Làm trai phải chết ở biên cương, lấy da ngựa để bọc thây, chớ sao có thể chết ở trên giường với vợ con được chứ ?!" Qua câu nói nầy, ta thấy con ngựa càng gần gũi thân thiết với con người hơn, khi sống thì cùng với con người "đánh Nam dẹp Bắc", khi chết, thịt ngựa là lương thực đở đói cho chiến sĩ, da ngựa thì để bọc thây khi các chiến binh tử trận ở sa trường, quả là một con vật gắn bó và cùng sống chết với con người! Ta hãy nghe lại hai câu thơ hào hùng trong đoạn mở đầu của Chinh Phụ Ngâm Khúc là :

                             Chí làm trai dặm ngàn DA NGỰA,
                             Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao !
                          
             
               MÃ CÁCH QUẢ THI: Da Ngựa Bọc Thây    
                                     
         Còn một thành ngữ nghe rất Việt mà lại có gốc Hoa nữa là câu: "Ngựa quen đường cũ", có xuất xứ từ điển tích "LÃO MÃ THỨC ĐỒ 老 馬 識 途" theo câu truyện sau đây: Tề Hoàn Công đem binh đi giúp nước Yên đánh bại được quân Sơn Nhung, trên đường về lại bị dẫn dụ lạc vào sa mạc Hàn Hải với gió cát mịt mù không nước uống, lạnh lẽo buốt giá không biết đường ra, quân sĩ kiệt quệ chết chóc rất nhiều. Tướng Quốc Quản Trọng mới tâu với Tề Hoàn Công về đặc tính nhận được đường về của loài Ngựa, bèn chọn một số ngựa già, thả cho chúng tự tìm lối ra, rồi ra lệnh cho toàn quân đi theo sau. Quả nhiên sau vài lần quanh quẹo đã ra khỏi được sa mạc hiểm ác kia.
      "Lão Mã Thức Đồ" là thành ngữ chỉ những con ngựa già có khả năng tìm về đường cũ khi đã đi qua, dùng để chỉ những người già dặn có kiến thức, có kinh nghiệm sống, có thể hướng dẫn ta đi những con đường đúng đắn. Còn "Ngựa Quen Đường Cũ" của ta thì thường dùng để chỉ những người đã làm việc xấu việc sai, dù cho có cải hóa sửa đổi lại rồi, cũng rất dễ dàng đi lại con đường sai lầm cũ, tật xấu khó chừa! 

       Khi Thúy Kiều hỏi về biện pháp mà Sở Khanh sẽ dùng để giải cứu mình, thì được chàng họ Sở trả lời:

                  Rằng ta có NGỰA TRUY PHONG,
              Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi.
 
                   
                           

       TRUY 追 là Rựơt đuổi, PHONG 風 là Gió. Ngựa TRUY PHONG là TRUY PHONG MÃ 追 風 馬, là Ngựa chạy như rượt đuổi theo gió, ý là Ngựa chạy nhanh như gió, nên tất cả những con ngựa chạy nhanh đều có thể gọi là Ngựa Truy Phong được cả. Sở Khanh khoe có ngựa chạy nhanh như gió  để... dụ cô Kiều bỏ trốn! "Ba mươi sáu chước chước nào là hơn?" Cho nên mới:

                  Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
            Song song NGỰA trước NGỰA sau một đoàn. 

       Ngựa là phương tiện giao thông, bị tên Sở Khanh lợi dụng làm phương tiện bỏ trốn. Thường trong văn học cổ, hình ảnh con ngựa còn là hình tượng của sự chia tay, khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, cụ Nguyễn Du đã viết:

                 Người lên NGỰA, kẻ chia bào,
            Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
                          
                   

và là...
        phương tiện hành hung đã giúp cho Khuyển Ưng bắt cóc cô Kiều:
                 Vực nàng lên NGỰA tức thì,
            Buồng đào viện sách bốn bề lửa dong.

và cũng là...
       hình ảnh hào hùng, dứt bỏ nhi nữ thường tình, của người đi làm việc lớn như Từ Hải:

                  Trông vời trời bể mênh mang,
           Thanh gươm yên NGỰA lên đàng thẳng dong.

...để đưa đến một kết quả có hậu là...
      hình ảnh của sự long trọng tiếp đón khi Từ Hải đã làm nên sự nghiệp:

                   Kéo cờ lũy, phát súng thành,
           Từ Công ra NGỰA thân nghinh cửa ngoài. 
                                                                             
... để rước nàng Kiều về dinh...  
                            
                

     Con Ngựa còn là hình ảnh trung trinh luôn hướng về quê hương cố thổ, như trong thành ngữ NGỰA HỒ CHIM VIỆT có xuất xứ từ hai câu thơ trong bài thơ cổ khuyết danh thời Đông Hán là:

          胡 馬 依 北 風,   Hồ mã y bắc phong,
          越 鳥 巢 南 枝.      Việt điểu sào nam chi.
  Có nghĩa :
            Con ngựa của đất Hồ nơi phương bắc, khi đưa vào Trung Nguyên thấy gió bấc thì hí lên tỏ lòng quyến luyến quê xưa. Còn con chim của Bách Việt, khi đưa vào Trung Nguyên thì luôn chọn cành nhánh phía nam để mà làm tổ. 
      Hai con một cầm (loài chim), một thú (loài vật) nhưng luôn luôn nhớ về quê hương chốn cũ, huống chi là con người! Trong "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu:

                 Người nhìn kẻ lại trông theo,
          NGỰA HỒ CHIM VIỆT nhiều điều nhớ nhau.

      Còn trong "Hoài Nam Khúc" của Hoàng Quang đời Tây Sơn thì đão lại là CHIM VIỆT NGỰA HỒ để chỉ lòng nhớ nước thương nhà:

                 CHIM VIỆT NGỰA HỒ lơ láo đó,
                 Hươu Tần yến Tạ lạc loài mô.
                  

                      

                    Ngựa Hồ                     Chim Việt

      Cũng trong "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, ta còn gặp tích MàĐƯƠNG, tức Mà ĐƯƠNG SƠN 馬 當 山 nằm ở phía Tây Nam huyện Đông Lưu thuộc tỉnh An Huy ngày nay. Núi có hình tượng như như con ngựa đang nằm trên bờ sông Giang, thế sông hiễm trở hay có sóng gió bất thường. Đây cũng là nơi Vương Bột  nhờ một lão ông chỉ cho dùng thuyền buồm, nên chỉ trong một đêm đã đến được Nam Xương cách đó gần 800 trăm dặm đường để dự tiệc Đằng Vương và làm nên bài Đằng Vương Các Tự nổi tiếng cho  đến hiện nay:

                   Tơ chơi nguyệt hãy đành hanh,
              Rằng đây chẳng phải là ghềnh MàĐƯƠNG.

      Nhắc đến Mã Đương lại làm cho ta nhớ đến MÃ NGÔI 馬 嵬, nơi mà Dương Qúy Phi buộc phải tự ải cho yên lòng quân trong cuộc binh biến trong năm Thiên Bảo thứ 15 đời Đường khiến cho Đường Huyền Tông phải bỏ kinh thành Trường An mà chạy vào đất Thục trong cuộc phản loạn do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu mà sử gọi là AN SỬ CHI LOẠN 安 史 之 亂. Nhà thơ Bạch Cư Dị đã miêu tả trong bài thơ trường thiên "Trường Hận Ca" khi nhà vua trở lại kinh thành đi ngang qua Mã Ngôi như sau:

                 天 旋 地 轉 迴 龍 馭,   
                Thiên tuyền địa chuyển hồi long ngự,
                 到 此 躊 躇 不 能 去。   
                 Đáo thử trù trừ bất năng khứ.
                 馬 嵬 坡 下 泥 土 中,   
                 MÃ NGÔI pha hạ nê thổ trung,
                 不 見 玉 顏 空 死 處。   
                 Bất kiến ngọc nhan không tử xứ !
  Có nghĩa :
                 Chuyển xoay long giá hồi cung,
                 Ngựa chùn chân bước người chùn dây cương.
                 MÃ NGÔI nắm đất bên đường,
                 Nào đâu người ngọc chìm hương mất rồi !

                   

       Trong Hoài Cổ Khúc của ta cũng có câu:

                    MÃ NGÔI muôn dặm thẳng xông,
              Thuyền quyên hồn dứt anh hùng lệ sa.

      Cuối TRUYỆN KIỀU được kết thúc bằng một thành ngữ có từ MÃ rất có hậu, đó là khi Kim Trọng thi đậu làm quan đã nhớ đến Thúy Kiều:

                     Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
            Bây giờ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG với ai ?!                        
       
      KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金 馬 玉 堂, thành ngữ có xuất xứ từ đời Hán. KIM MÃ là KIM MÃ MÔN 金 馬 門, là Cửa Kim Mã, nơi mà các Học Sĩ đợi chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. NGỌC ĐƯỜNG là NGỌC ĐƯỜNG ĐIỆN 玉 堂 殿, nơi nghị sự của các Học Sĩ, là Hàn Lâm Viện của các Hàn Lâm Học Sĩ.
      Nên thành ngữ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG dùng để chỉ sự đổ đạt vinh hiển làm quan, đắc ý vì công thành danh toại.

                                     

      Cuối cùng, ta có từ VÓ NGỰA. VÓ có nghĩa là Chân Ngựa, như ta hay nói "Con ngựa bị chổng 4 VÓ lên trời!" Nhưng trong văn học VÓ NGỰA là chỉ BƯỚC CHÂN của NGỰA, nên Tiếng Vó Ngựa là tiếng chân ngựa chạy, còn được gọi là VÓ CÂU vì người ta thường dùng ngựa trẻ ngựa khỏe để cưởi hay kéo xe. Để diễn tả cảnh chia tay não lòng của cô Kiều, khi phải đau lòng mà đi theo Mã Giám Sinh, cụ Nguyễn Du đã viết:

                 Đoạn trường thay lúc phân kỳ,
           VÓ CÂU khấp khểnh bánh xe gập ghềnh.

      Ta gặp lại từ VÓ CÂU khi Hoạn Thư khuyên Thúc Sinh trở về Lâm Chuy để viếng Thúc Ông:

               Cách năm mây bạc xa xa,
         Lâm Chuy cũng phải tính mà thần hôn.
              Được lời như cởi tấc son,
         VÓ CÂU rung rủi nước non quê người.

    và khi...
             VÓ CÂU vừa gióng dặm trường,
        Xe hương nàng cũng thuận đường qui ninh.

      Để kết thúc bài viết nầy, kính mời tất cả cùng nghe bản nhạc bất hủ của nhạc sĩ Văn Phụng: VÓ CÂU MUÔN DẶM với 3 câu kết thật hay:

             ... Mai VÓ CÂU lên đường
                 Đem chí trai can trường
                 Đời ta sống thác vì cố hương!...

      Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc:


                                            杜 紹 德
                                       Đỗ Chiêu Đức